Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/01/2024

Để tình trạng "một quốc gia, hai chế độ" luật pháp khác nhau : Lỗi tại ai ?

Trà My

Sau 3 tháng bị khởi tố, ngày 15/1, truyền thông nhà nước đưa tin, người mẫu Ngọc Trinh bị truy tố về tội "Gây rối trật tự công cộng", với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù.

haichedo1

Người mẫu Ngọc Trinh tại đồn công an sau khi bị bắt. Ảnh VTC.vn

Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/1 đưa tin "Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh lên lịch xét xử Ngọc Trinh về tội gây rối trật tự công cộng".

Bản tin cho biết, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành cáo trạng, truy tố nữ người mẫu Ngọc Trinh với tội danh "Gây rối trật tự công cộng", theo Khoản 2, Điều 318, Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù.

Dự kiến, vụ án sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 2/2, do thẩm phán Nguyễn Tuấn Anh làm chủ toạ.

Viện Kiểm sát xác định, Ngọc Trinh có tình tiết giảm nhẹ hình phạt là đã ăn năn hối cải và thành thật khai báo. Nhưng Ngọc Trinh cũng có tình tiết tăng nặng, đó là phạm tội nhiều lần.

Nữ hoàng nội y Ngọc Trinh là một nhân vật nổi tiếng và cũng nhiều tai tiếng, trong giới Showbiz Việt Nam. Không ít người đã thắc mắc, vì sao Ngọc Trinh lại bị truy tố đến mức hình phạt cao nhất có thể là 7 năm tù, hoặc nhẹ nhất cũng là 2 năm tù như vậy ?

Công luận so sánh với một số vụ án gần đây, và nhận thấy có sự bất công trong những vụ án "bất thường". Ví dụ như vụ án cựu Thiếu tá quân đội Hoàng Văn Minh, lái xe gây tai nạn, khiến một nữ sinh tử vong ở Ninh Thuận. Vậy mà, tại phiên xét xử sơ thẩm lần thứ hai, ngày 5/12/2023, cựu Thiếu tá Hoàng Văn Minh chỉ bị Tòa án Quân sự khu vực 2 (Quân khu 5) tuyên phạt 14 tháng tù, và phải bồi thường 245 triệu đồng, với tội danh "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" gây chết người.

Theo kết luận của Hội đồng xét xử, ông Hoàng Văn Minh có lỗi 80% ; nữ sinh bị tử vong có lỗi 20%, do không có bằng lái xe, không làm chủ tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.

Bản án vừa kể đã gây bức xúc trong công luận, vì sự bất công, khi Thiếu tá Hoàng Văn Minh, lái xe gây tai nạn chết người, nhưng chỉ bị phạt 14 tháng tù. Trên mạng xã hội, nhiều người nhận xét cho rằng, "Lái xe nghe điện thoại, lúc gây tai nạn xuống xe vẫn nghe điện thoại. Chưa kể đến các hành vi như, nhờ người nhận tội thay, cố tình thay đổi kết quả xét nghiệm máu… từng ấy tội mà chỉ bị có 14 tháng tù".

Hay mới nhất, trong phiên xét xử vụ án Việt Á, với 38 bị cáo, ông Chu Ngọc Anh – cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Chủ tịch Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, bị truy tố với tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", gây thất thoát của nhà nước 18,9 tỷ đồng. Nhưng ông Chu Ngọc Anh chỉ bị tuyên án 3 năm tù.

Đó là chưa kể đến việc, ông Chu Ngọc Anh đã nhận "quà biếu" tới 200.000 USD từ Phan Quốc Việt, vậy mà ông không bị truy tố tội "nhận hối lộ" trong đại án này.

haichedo2

Cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khai báo trước tòa.

Trong khi đó, theo quy định, tham nhũng 1 tỷ đồng trở lên, hay gây thiệt hại cho nhà nước lớn hơn 5 tỷ, sẽ phải chịu hình phạt từ 20 năm tù, chung thân hay tử hình. Tội của ông Chu Ngọc Anh phải nằm trong khung hình phạt này mới đúng luật.

Một vụ việc khác từng xôn xao dư luận, đó là Công an thành phố Hồ Chính Minh đã tha bổng cho 4 tiếp viên của VietnamAirlines xách hơn 11kg chất cấm.

Còn Ngọc Trinh, chỉ vì chạy xe motor thì lại bị truy tố ở khung hình phạt từ 2 đến 7 năm !

Rõ ràng, những so sánh kể trên đã cho thấy, có "tiêu chuẩn kép" trong việc áp dụng các điều luật thuộc Bộ luật Hình sự, và hoàn toàn thiếu vắng sự công chính.

Trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật, việc điều tra, xét xử các vụ án, nếu áp dụng "tiêu chuẩn kép" có nghĩa là, "hai vụ việc giống nhau nhưng được xử lý bằng các tiêu chuẩn khác nhau".

Điều 16 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 sửa đổi, đã hiến định rõ ràng : "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội".

Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, có nghĩa là, nhà nước phải bảo đảm tất cả mọi người đều có vị thế ngang nhau trước pháp luật, và có quyền không bị phân biệt đối xử, được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ; trong việc hưởng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ.

Luật pháp Việt Nam luôn khẳng định, con người sinh ra có thể khác nhau về nhiều mặt, và kể cả địa vị xã hội, nhưng đó không phải là căn cứ để pháp luật phân biệt trong việc chịu trách nhiệm pháp lý.

Theo giới quan sát, "tiêu chuẩn kép" được áp dụng trong xét xử các vụ án tham nhũng của quan chức và cựu quan chức, hay những thành phần có tiền để chạy án… thì được áp dụng mức án "nhẹ" hơn theo luật định.

Phải chăng, ở Việt Nam hiện nay, vẫn tồn tại song song hai hệ thống áp dụng luật pháp khác nhau, trên cùng một nền tảng pháp lý giống nhau ?

Công luận đặt câu hỏi, để tình trạng "một quốc gia, hai chế độ" áp dụng luật pháp khác nhau như vậy, "lỗi tại ai ?"

Trà My 

Nguồn : Thoibao.de, 21/01/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trà My
Read 265 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)