Báo chí của Đảng cộng sản được coi là công cụ để "tuyên truyền", tuy nhiên, báo chí không đơn giản là tuyên truyền, mà còn là công cụ để đe dọa dân, không khác gì công an. Qua những vụ công an bắt người trái luật thì rõ, báo chí luôn đưa tin theo chiều hướng kết tội nạn nhân và bảo vệ công an.
Hiện nay, trong tay Đảng có hơn 800 tờ báo, chẳng khác nào một đàn thú dữ, toàn là "hổ", "báo". Một khi làm nhiệm vụ chính trị, thì báo chí sẽ đồng loạt cất lên "tiếng gáy" giống nhau, không hề đưa ra những góc nhìn đa chiều, để bạn đọc rộng đường tham khảo.
Ví "báo chí" như là "hổ báo", bởi một khi báo chí làm việc cho Đảng, thì nhân dân chính là con mồi của họ. Họ có thể biến nạn nhân thành tội đồ và ngược lại. Còn khi các đồng chí đánh nhau, thì báo chí trở thành công cụ của phe này, để đánh phe kia, đặc biệt là các tờ báo có tên tuổi, có lượng độc giả lớn.
Báo Thanh Niên nổi lên thành tờ báo lớn từ vụ án Năm Cam. Vụ án này, báo Thanh Niên đưa tin rất mạnh và đã thu hút được một lượng độc giả lớn. Thời đó chưa có báo online, nên báo giấy là phương tiện chủ yếu để đưa tin đến độc giả. Sau đó, lại thêm vụ PMU18, báo Thanh Niên cũng là tờ báo đưa tin mạnh về vụ này.
Vụ bắt ông Nguyễn Công Khế vừa qua, không đơn giản chỉ là sai phạm đất đai. Vấn đề phức tạp hơn nhiều.
Tại sao báo Thanh Niên dưới thời ông Nguyễn Công Khế, lại có đủ khả năng để "phù phép" được một khu đất vàng ở quận 4, thành phố Hồ Chí Minh, từ sở hữu nhà nước vào tay tư nhân ? Trong khi đó, ngân sách của báo Thanh Niên được xác định là không đủ để chi cho dự án này. Điều này cũng cho thấy "tài ngoại giao" của ông Tổng Biên tập Nguyễn Công Khế.
Trong xã hội này, mọi cuộc ngoại giao đều phải dựa trên quyền lợi, ông Nguyễn Công Khế ắt phải có "bí kíp" gì đấy, mới có thể kết nối được với các lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh và cả lãnh đạo Trung ương đầy quyền lực.
Ông Khế chắc chắn không thể đủ tiền để rải cho tất cả những vị này, mà ông sử dụng là cách khác.
Có câu, kẻ mạnh nhất không phải là kẻ có nhiều tiền nhất, mà là kẻ nắm giữ nhiều thông tin có giá trị nhất. Ông Nguyễn Công Khế là một Tổng Biên tập một tờ báo lớn, từng cho quân đi điều tra, viết phóng sự về những vụ án lớn, trong đó có án "kinh tế – chính trị", thì ắt hẳn, ông nắm không ít thông tin có giá trị về những đồng chí "tai to mặt lớn" trong Trung ương Đảng và cả trong Bộ Chính trị. Và thông tin ngoài luồng cho biết, ông Khế đã "góp vốn" vào sân chơi của các "cá gộc" bằng cách như thế.
Cũng từ những thông tin ngoài luồng cho biết rằng, khi cụ bà Lê Thị Liễu – thân mẫu của Tổng Biên tập báo Thanh Niên – mất ngày 5/9/2007, đám tang cụ bà được tổ chức lớn chưa từng có. Lớn ở đây không phải ở khâu tổ chức tốn kém xa hoa, mà lớn theo nghĩa có quá nhiều nhân vật lớn đến viếng. Có thể kể đến : ông Võ Văn Kiệt – cựu Thủ tướng ; ông Nguyễn Minh Triết – Chủ tịch nước ; ông Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng ; bà Nguyễn Thị Bình – cựu Phó Chủ tịch nước ; ông Hồ Đức Việt- Trưởng ban Tổ chức Trung ương ; ông Lê Hồng Anh – Bộ trưởng Bộ Công an ; và ông Lê Thanh Hải – Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh vv… Đám tang mẹ một Tổng Biên tập một tờ báo, nhưng vì sao lại có những nhân vật lớn đến viếng ?
Có người cho rằng, ông Nguyễn Công Khế có tài "chăn vua". Vậy ông dùng "roi" gì để chăn được vua ?
Có thông tin cho biết, ông Khế thường cho phóng viên điều tra về đồng chí A, đồng chí B, rồi gửi riêng cho đồng chí ấy đọc, chứ không đăng. Đấy chính là thứ "roi" mà ông Khế dùng để "chăn vua".
Một khi ông đã chăn được vua, đã nắm được điểm yếu của lãnh đạo, thì chỉ cần ông "nhờ" một tiếng, các vị "vua" ấy sẽ "góp một tay", giúp ông phù phép được những dự án mà tưởng chừng không thể, chỉ có ông mới đủ khả năng để biến nó thành có thể.
Đảng nuôi "báo" là để cắn dân, nhưng lại có những con "báo dữ", vừa cắn dân, vừa vồ luôn cả "đồng chí", khiến các "đồng chí" phải răm rắp nghe theo.
Ý Nhi
Nguồn : Thoibao.de, 19/01/2024