Chiều Chủ nhật, 6 tháng Tám, 2017, tại phòng họp Westminster Civic Center, đồng hương Little Saigon cùng nhiều tổ chức chính trị, hội đoàn và báo giới đã có mặt tham dự buổi gặp gỡ với Mục sư Nguyễn Công Chính vừa đến Mỹ sau gần 6 năm bị giam cầm trong nhà tù cộng sản.
Mục sư Nguyễn Công Chính (trái) bày tỏ sự xúc động và vui mừng khi được đặt chân tới Mỹ. Phot by Ngoc lan
Thị trưởng Trí Tạ thay mặt hội đồng thành phố Westminster đã nói lời chào mừng đầu tiên đến với Mục sư Nguyễn Công Chính và gia đình ông.
"Chào mừng Mục sư Nguyễn Công chính đến với bến bờ tự do và đến với thành phố. Cám ơn dân biểu Alan Lowenthal đã có nhiều nỗ lực để đấu tranh cho tự do dân chủ cho Việt Nam, ông cũng là người bỏ nhiều thời gian, cùng một số dân biểu tại Hạ Viện Hoa Kỳ đã lên tiếng trong trường hợp của mục sư nguyễn công chính và một số tù nhân lương tâm đang bị tù đày tại Việt Nam. Chúng ta hãy tiếp tục giúp đỡ mục sư Nguyễn Công Chính vì ai cũng biết người từ Việt Nam mới sang thì gặp rất nhiều khó khăn, chúng tôi xin kêu gọi sự giúp đỡ của tất cả mọi người".
Mục sư Nguyễn Công Chính tên thật là Nguyễn Thành Long, sinh năm 1969 tại Quảng Nam, là trưởng Giáo hội Lutheran, một giáo hội theo Tin lành, ở Việt Nam. Trước đó, ông cũng làm trưởng ban truyền giáo của một hội thánh Tin lành Mennonite không được chính quyền cho phép hoạt động.
Năm 2009 ông được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trao tặng giải thưởng Nhân quyền.
Tháng Ba năm 2012, Mục sư Chính bị kết án 11 năm tù về tội "phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc" theo Điều 87 Bộ Luật Hình Sự.
Năm 2014, Dân biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal đã chính thức nhận đỡ đầu cho tù nhân lương tâm này qua chương trình "Defending Freedoms Project" của Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos trong Quốc Hội Hoa Kỳ, và từ đó, ông Lowenthal không ngừng tranh đấu cho việc trả tự do cho Mục sư Chính và đã nhiều lần lên tiếng với chính quyền cộng sản Việt Nam cũng như Hoa Kỳ.
Với sự giúp đỡ này cũng như của nhiều dân biểu, tổ chức hội đoàn khác, Mục sư Nguyễn Công Chính cùng vợ và 5 người con đã đến Mỹ vào tối ngày 28 Tháng Bảy để tị nạn, sau khi bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Trong buổi này, Dân biểu Lowenthal cám ơn những người đã cùng ông đấu tranh cho Mục sư Chính và hy vọng mọi người cùng ông ủng hộ và giúp đỡ Mục sư Chính trong ngày tháng tới. Ông bày tỏ sự vui mừng khi Mục sư Chính và gia đình đã được tự do, đồng thời ông cũng lấy làm buồn khi một người đấu tranh ôn hòa cho tự do dân chủ lại bị buộc phải rời khỏi quê hương đất nước mình.
Giám mục Trần Thanh Vân, đại diện cho Giáo Hội Lutheran tại Hoa Kỳ, đã kể lại toàn bộ quá trình đấu tranh để tìm sự giúp đỡ Mục sư Chính từ ngày ông bị cầm tù cho đến ngày hôm nay.
Dân biểu Alan Lowenthal (trái) chào mừng, bày tỏ sự vui mừng và kêu gọi đồng hương tiếp tục giúp đỡ mục sư Nguyễn Công Chính và gia đình ông. Photo by Ngoc Lan
Trong sự xúc động của mình, Mục sư Nguyễn Công Chính cám ơn những cá nhân, hội đoàn, tổ chức đã giúp ông đến được bến bờ tự do.
"Điều đầu tiên tôi muốn nói là tôi không ngờ tôi đang đứng trên đất Mỹ vì tôi đang ở trong tù, bản án còn 5 năm mà tôi cũng bị bệnh, trước mắt tôi đã nhìn thấy những người bạn tù ngã xuống",ông nói.
Cũng trong buổi này, ông kể lại diễn tiến của quá trình ông bị trục xuất khỏi Việt Nam :
"Tôi hoàn toàn không biết gì. Tôi được một nhân viên của tổng cục an ninh vào gặp tôi bất ngờ, tôi nghĩ chắc có phái đoàn nào vào thăm, tại vì buổi sáng thì ông phó tổng cục trưởng vào gặp tôi, hỏi tôi trong này như thế nào, có gì muốn yêu cầu không ?
Thế nên nói về tin Bộ ngoại giao vào phỏng vấn tôi không biết gì. Nhân viên đó tên Nguyên. Khi anh ta đến lần thứ 2 thì nhiều anh em tù nhân nói rằng ông mục sư sẽ được thả. Tôi nói không dễ đâu. Nhưng ngay trong buổi chiều đó thì họ kêu tôi ra gặp nhân viên bên Bộ ngoại giao để phỏng vấn.
Sau khi Bộ ngoại giao phỏng vấn xong thì họ mang tôi nhốt riêng, cách ly trong một cái hầm chứ không phải trong một cái buồng. Cái hầm thì chỉ có cái nắp và cái nắp giở ra để đưa cơm vô là đóng lại thôi. Khi đó tôi có muốn nói cũng không nói được gì đóng nắp lại rồi, nói thì tự mình nghe, không ai nghe cả. Tôi không biết chuyện gì xảy ra trong 2 tháng như vậy. Đúng 2 tháng thì họ vô đưa tôi thẳng ra máy bay Tân Sơn Nhất, gặp vợ tôi ở cục A92, rồi xong có ông trưởng bộ phận chuyên trách về vấn đề chính trị của Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn, là người trực tiếp đưa cả gia đình tôi đến sân bay Los Angeles, sau khi đến đó làm các thủ tục xong thì ông quay trở về Việt Nam.
Tôi rất hãnh diện vì được đến nước Mỹ, được tự do".
Bà Trần Thị Hồng, phu nhân Mục sư Nguyễn Công Chính, thành viên của Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam, cho biết thêm :
"Trong tháng Sáu, bên phía Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ có liên lạc với gia đình, họ bảo chương trình của gia đình chị sẽ được đến Hoa Kỳ, khi nghe tin như vậy thì tôi thật sự bất ngờ. Vừa vui vừa buồn. Buồn vì phải xa anh em, xa các chiến sĩ trong nước. Vui vì Mục sư Chính sẽ được tự do. Khi làm việc với bên phía Tổng Lãnh Sự về vấn đề thủ tục giấy tờ thì bên phía chính phủ việt Nam cũng gây khó khăn rất nhiều.
Một ngày trước khi sang Hoa Kỳ thì gia đình tôi đã di chuyển vào Sài Gòn. 12 giờ thì 6 mẹ con tôi đã đến sân bay, an ninh Việt Nam đưa 6 mẹ con tôi vào một phòng nhỏ. Sau đó đến khoảng 3 giờ thì họ đưa tôi đến gặp Mục sư Chính và có một người đại diện cho cơ quan Tổng Lãnh Sự. Sau khi gặp thì báo đài trong nước có chụp hình và quay phim rồi họ đưa thẳng gia đình tôi ra đến sân bay và lên máy bay".
Hơn một lần, Mục sư Nguyễn Công Chính cho rằng việc ông cùng gia đình đang hiện diện tại Hoa Kỳ là "một phép lạ", bên cạnh sự giúp đỡ tận tình của Dân biểu Alan Lowenthal, Dân biểu Ed Royce và nhiều cá nhân, tổ chức hội đoàn tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.
Ngọc Lan, thông tín viên RFA
Với trường hợp chính thể Việt Nam, cơ chế trả tự do cho tù nhân lương tâm luôn là sự khởi đầu cho một mối lợi đặc biệt hay sống còn nào đó của chế độ này.
USCIRF website giới thiệu hồ sơ Mục sư Nguyễn Công Chính và bà Trần Thị Hồng.
Ngày 29/7/2017, Mục sư Tin Lành Nguyễn Công Chính, người mà vào năm 2010 đã bị chính quyền Việt Nam xử án tù 11 năm với cáo buộc mơ hồ “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” khi ông giúp đỡ cho các người Tây Nguyên theo đạo Tin Lành và tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo của họ, người đã thường bị ngược đãi và tra tấn trong nhà tù, “bất ngờ” được trả tự do nhưng với điều kiện chưa có gì thay đổi : Mục sư Chính cùng vợ và 5 người con phải lên máy bay “tống xuất” sang Hoa Kỳ.
Mối lợi dĩ vãng
Trước vụ Mục sư Chính được trả tự do, trường hợp gần nhất được chính quyền Việt Nam thả vào tháng Giêng năm 2017 là tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu - một thành viên của đảng Việt Tân, nhưng không phải “tống xuất” sang Mỹ mà là sang Pháp. Đầu năm 2017 lại là khoảng thời gian mà không biết vô tình hay hữu ý, đã khởi động một chiến dịch “lobby” cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thăm Mỹ.
Đến tháng Ba thì cơ sự đã rõ : trên trang facebook của mình, chính phủ Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử bắn ý “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẵn sàng đi thăm Mỹ”, dù rằng thái độ gợi ý công khai như thế có vẻ cầu cạnh quá lộ liễu và không được lợi thế lắm, nếu đối chiếu với tuyên ngôn “Mỹ cần Việt Nam hơn là Việt Nam cần Mỹ” của một số chóp bu Hà Nội.
Trước vụ thả Đặng Xuân Diệu là Tạ Phong Tần. Thành viên của Câu lạc bộ nhà báo tự do này đã bị công an Việt Nam “tống xuất” sang Mỹ vào tháng Chín năm 2015 - thời điểm ngay sau khi chuyến công du Hoa Kỳ “của nhân vật đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng mà được báo đảng tung hô “thành công vượt quá mong đợi”, cùng trần thuật tràn đầy hể hả của chính ông Trọng “mình phải như thế nào thì người ta mới mời chứ” ; cũng ngay sau khi hai phái đoàn Việt Nam và Hoa Kỳ hoàn tất các vòng đàm phán song phương về Hiệp định TPP, mở ra triển vọng rất gần để Việt Nam trở thành thành viên của TPP như cách đã từng là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới 8 năm trước đó.
Còn trước Tạ Phong Tần là năm 2014. Sau cuộc gặp Obama - Trương Tấn Sang vào tháng Bảy năm 2013 mà đã mở ra triển vọng hoàn tất đàm phán TPP, 2014 là năm mà chính quyền Việt Nam “mở lòng” nhất khi trả tự do đến 12 tù nhân lương tâm, trong đó đặc biệt “ưu ái” những trường hợp như Cù Huy Hà Vũ và Điếu Cày Nguyễn Văn Hải - hai người tù này đều bị công an “tống xuất” sang Mỹ, thậm chí còn không được gặp gia đình trước khi “bay”, và thậm chí Điếu Cày còn mang nguyên đôi dép tổ ong đến Mỹ - như một kỷ niệm chích đốt đau đớn của nhà tù cộng sản.
Những trường hợp khác - được trả tự do trước thời hạn thụ án nhưng được ở Việt Nam như Nguyễn Phương Uyên (tháng 8/2013), Đỗ Thị Minh Hạnh (tháng 7/2014) - được xem là may mắn, lồng trong bầu không khí đậm đặc mùi TPP.
Giờ đây, lại một cuộc “tống xuất” nữa. Và hẳn phải có “mùi”.
“Cầu viện”
Không biết vô tình hay hữu ý, chiến dịch “tống xuất” Mục sư Nguyễn Công Chính lại xảy ra chỉ 3 ngày sau một cuộc gặp đáng chú ý tại trụ sở Bộ Quốc phòng vào chiều 26/7/2017, giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius.
Cuộc gặp này lại diễn ra chỉ vài ngày sau vụ nhiều nguồn tin quốc tế và trong nước cho biết trước sức ép của Trung Quốc, vào ngày 24/7/2017, chính quyền Việt Nam đã phải yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol - một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam - ngay tại Bãi Tư Chính luôn được xem là “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam”.
Cuộc gặp trên, dù chỉ được báo đảng mô tả là “tiếp xã giao”, nhưng lại “vô tình” trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí, phía Việt Nam đã cấp tốc liên lạc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội - như một hành động “cầu viện” - nhưng đã không nhận được câu trả lời.
Một chi tiết đáng chú ý khác là cùng thời điểm Mục sư Chính được trả tự do, đã xuất hiện vài thông tin không thể bỏ qua từ giới chuyên gia nhà nước, liên quan đến quan hệ quân sự Việt - Mỹ.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan, hiện là viện phó Viện Nghiên Cứu Các Vấn Đề Phát Triển Của Việt Nam VIDS, một chuyên gia được xem là có tiếng nói không hoàn toàn mang “tính đảng”, trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài RFA Việt ngữ đã “xác nhận” vài thông tin mà đã được dư luận râm ran trước đó :“Rất đáng để ý, có thể nói là khúc quanh mới trong quan hệ Việt - Mỹ, cũng là đợt sóng ngầm tương đối dữ dội trong địa chính trị khu vực. Năm này và trong bối cảnh này là có nhiều chuyển động trong quan hệ Việt - Mỹ mà trước đây một vài năm chúng ta không thể hình dung được. Ví dụ chuyện tập trận, chuyện hạm đội Mỹ sẽ vào Cam Ranh...”.
Ngoài ra, còn có vài tin tức khác có vẻ “đời” hơn, chẳng hạn hình ảnh một máy bay được cho là chở phái bộ quân sự Mỹ vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 28/7/2017…
Nếu những thông tin mang tính dự đoán của ông Đinh Hoàng Thắng là có cơ sở, câu hỏi bật ra là chính thể Việt Nam đã đến khúc quanh nào và ra nông nỗi nào để bắt buộc phải “tập trận” với người Mỹ ?
Cơ sự đều có nguồn cơn của nó.
Vì sao tướng Vịnh chưa đi Mỹ ?
Vào năm 2014, khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam, hầu hết các “đối tác chiến lược” của Việt Nam, kể cả nước Nga của Putin, đều thờ ơ hoặc quay lưng khi Việt Nam bị uy hiếp. Khi đó, Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear, đã gợi ý vẫn còn cửa cho “đối tác chiến lược toàn diện” giữa Mỹ và Việt Nam, hàm ý rằng Việt Nam cần rõ ràng và dứt khoát hơn trong mối quan hệ quân sự với Mỹ chứ không thể đeo bám chính sách “đu dây” nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, chính thể Việt Nam đã phớt lờ hảo ý của người Mỹ mà vẫn đeo đuổi mối quan hệ ngày càng nguy hiểm hơn với người bạn “bốn tốt - mười sáu chữ vàng”.
Sau đó, quả nhiên tình thế Việt - Trung càng lúc càng bất an, Hà Nội ngày càng bị Bắc Kinh lấn ép không chỉ về giao thương xuất nhập khẩu mà còn ngay tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, các hợp đồng Việt Nam mua vũ khí của Mỹ đã gặp phải phản ứng lạnh nhạt từ phía Quốc hội Mỹ - bao gồm khá nhiều nghị sĩ quan tâm đến rất nhiều vụ nhân quyền bị đàn áp nặng nề ở Việt Nam.
Chỉ mới đây - cuối tháng 6/2017 và ngay trước chuyến đi Đức của Thủ tướng Phúc, tòa án Việt Nam đã giáng thẳng xuống đầu blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - người được Bộ Ngoại giao Mỹ tôn vinh “Người phụ nữ can đảm quốc tế” vào tháng 3/2017 - một án tù giam khủng khiếp đến 10 năm.
Trong bối cảnh đó, không ngạc nhiên khi người Mỹ hầu như lạnh lẽo với một Hà Nội còn nguyên độc trị.
Thế còn chuyện Việt Nam dự định mua vũ khí của Mỹ và “thúc đẩy hợp tác quân sự” với Mỹ thì sao ?
Trong thời gian Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đi Washington để “tích cực chuẩn bị cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ”, ông Murray Hiebert - cố vấn cao cấp, Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, đã cho biết sau chuyến đi Mỹ của ông Phúc sẽ diễn ra một chuyến đi Mỹ khác vào tháng 7/2017 của Thứ trưởng bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, liên quan đến hợp tác quân sự Việt - Mỹ. Tuy vậy, cho tới nay vẫn chẳng có bất kỳ thông tin nào về chuyến đi này. Một khả năng có thể xảy ra là sau vụ chính quyền Việt Nam công khai thách thức Mỹ bằng án tù 10 năm đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cộng thêm thái độ đu dây cố hữu của Hà Nội, Washington đã không còn mặn mà để tiếp tướng Vịnh.
Tình thế đã gấp gáp lắm rồi
Khó mà hoài nghi rằng sau vụ Bãi Tư Chính tháng Bảy năm 2017, chính sách cùng chiến thuật “đu dây” của Việt Nam giữa Trung Quốc và phương Tây đã chính thức phá sản. Có lẽ giới chóp bu Việt Nam đang “hoảng loạn” đến mức một lần nữa phải bắn ý “cầu cứu” Hoa Kỳ, mà cuộc gặp giữa Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch với Đại sứ Ted Osius là một tiền đề để “tiếp tục thúc đẩy hợp tác quân sự giữa hai bên”.
Nếu TPP mang ý nghĩa lớn nhất là nhằm cứu vãn nền kinh tế và do đó trở thành “cứu cánh” để chính thể Việt Nam khỏi sụp đổ, các hạm đội hải quân Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương cũng có ý nghĩa không kém nhằm ngăn chặn Trung Quốc tràn xuống phía Nam mà có thể tiện thể “nuốt” luôn Việt Nam.
Giả dụ ngay trước mắt, sự hiện diện của các hạm đội Mỹ ở Biển Đông và có thể ngay tại Cam Ranh sẽ giúp Việt Nam tự tin hơn, hơn nhiều, để chẳng phải nuốt hận khi phải miễn cưỡng “hợp tác khai thác dầu khí” chia bôi với Bắc Kinh. Ngược lại là khác, chính thể Việt Nam sẽ có thể cao đầu ngẩng mặt mà tiếp tục tiến trình khai thác dầu tại Bãi Tư Chính trong vùng biển chủ quyền của mình, thu được một khoản lợi nhuận lớn đủ để “duy trì tăng trưởng GDP 6,7%” theo nghị quyết đề ra, đồng thời bù đắp tình trạng hụt thu nan giải mà nếu không cẩn thận, thực thu ngân sách năm 2017 so với dự toán có thể bốc hơi đến 11% - mức hụt thu chưa từng có trong nhiều năm qua.
Tình thế đã gấp gáp lắm rồi.
Chỉ đến lúc này, những vận động và gây sức ép liên tục của Quốc hội Hoa Kỳ nhằm trả tự do cho Mục sư Chính mới “đi vào chiều sâu” - nói theo ngôn ngữ ngoại giao Việt Nam. Chỉ đến lúc này, vai trò bảo trợ cho Mục sư Nguyễn Công Chính và gia đình ông từ các nghị sĩ và chính khách Mỹ như Dân Biểu Alan Lowenthal, Dân Biểu Bill Posey, cựu Đại Sứ Jackie Wolcott, cùng Ủy ban Cứu trợ người vượt biển (BPSOS) mới trọn vẹn trách nhiệm.
Chỉ đến lúc này, sau 7 năm bị ngược đãi hành hạ trong tù, Mục sư Tin Lành Nguyễn Công Chính mới bất ngờ được “trả tự do”, như chúng ta đã biết.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 01/08/2017
Hai mươi sáu tổ chức và cá nhân hoạt động vì quyền con người cùng ký thư ngỏ kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do vô điều kiện ngay lập tức cho tù nhân lương tâm - Mục sư Nguyễn Công Chính ; tiến hành điều tra độc lập, thực chất những cáo giác về việc đối xử tàn tệ với bản thân ông này trong nhà tù và đối với cáo giác chính quyền phường Hoa Lư, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai tra tấn vợ của ông là bà Trần Thị Hồng.
Mục sư Nguyễn Công Chính tại Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai hôm 26/3/2012. Courtesy of baomoi.com
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế- Amnesty International, trụ sở tại Anh Quốc công bố thư ngỏ kêu gọi vừa nêu vào ngày 1 tháng 6.
Theo bức thư được công khai thì những tổ chức và các nhân ký tên yêu cầu phải đưa mọi thủ phạm được xác định ra xét xử một cách phân minh. Ngoài ra phải bồi thường cho hai ông bà Nguyễn Công Chính theo đúng cam kết của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự- Chính trị, Công ước Chống Tra tấn và Đối xử phi nhân, tàn ác.
Bức thư ngỏ đề ngày 23 tháng 5 gửi đến chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bà chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân.
Nhóm gửi thư cho biết tiếp tục theo dõi sát sao tình hình của tù nhân lương tâm Nguyễn Công Chính và vợ ông là bà Trần Thị Hồng. Hoạt động này sẽ được thực thi cho đến khi mục sư Nguyễn Công Chính được trả tự do, những cáo buộc hình sự đối với ông được giải bỏ thông qua tiến trình pháp lý phù hợp.
Vào năm 2012, mục sư Nguyễn Công Chính thuộc Hội thánh Tin Lành Lutheran Việt Nam bị kết án 11 năm tù giam với cáo buộc ‘phá hoại chính sách đoàn kết quốc gia’ theo điều 87 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Theo các tổ chức và cá nhân ký vào thư ngỏ thì mục sư Nguyễn Công Chính bị giam giữ một cách tùy tiện và bị tuyên án tủ chỉ vì thực thi quyền tín ngưỡng một cách ôn hòa cũng như các quyền tự do tư tưởng, tự do bày tỏ…
Những hoạt động không hề bạo lực trong việc chỉ trích các chính sách của nhà cầm quyền không thể là nguyên nhân khiến bản thân Mục sư Nguyễn Công Chính phải chịu tù đày, đối xử tàn tệ và bị quản giáo tước mọi quyền con người của ông.
Trong tù Mục sư Nguyễn Công Chính còn bị những tù thường phạm khác xúc phạm thân thể cũng như tinh thần bằng lời lẽ xúc phạm mà cán Bộ quản giáo không hề can thiệp. Ông cũng không được chăm sóc y tế để chữa bệnh, bị biệt giam trong thời gian dài, không được thực hành các nghi thức tôn giáo.
Trại giam cũng không cho ông này mua đồ ăn thêm ở căn tin.
Bên ngoài, bà vợ của ông thường xuyên bị sách nhiễu ; thậm chí hành hung, tra tấn…
Từ tháng 12 năm ngoái, mục sư Nguyễn Công Chính bị chuyển từ một nhà tù ở Đồng Nai qua trại giam An Phước ở tỉnh Bình Dương.