Quy hoạch báo chí ở Việt Nam đang lỗi thời
Lynn Huỳnh, VNTB, 05/04/2020
Mẫu câu nằm lòng ở trên rất quen thuộc trong các nội dung thuyết giảng của cơ quan Tuyên giáo Trung ương.
Quy hoạch báo chí ở Việt Nam đang lỗi thời
Kể từ ngày 1/4/2020, nhiều ‘tòa soạn nhật báo’ đã trở thành ‘tòa soạn tạp chí’ theo một quyết định về quy hoạch báo chí của chính phủ. Bản quy hoạch này có từ thời ông Nguyễn Bắc Son còn là bộ trưởng Thông tin và Truyền thông. Nghe đâu người chịu trách nhiệm ‘chấp bút’ bản quy hoạch đó, khi ấy là thứ trưởng Trương Minh Tuấn. Giờ thì cả hai ông quan chức này đều đang thi hành án hình sự về tội danh liên quan tham nhũng. Tuy nhiên các nội dung của bản quy hoạch báo chí đó thì gần như không thay đổi.
Nhà báo Ngọc Vinh sau khi nghỉ hưu ở báo Tuổi Trẻ hồi đầu năm ngoái, đã có nhận xét như sau : "Bản quy hoạch báo chí này đã tạo một chấn động lớn trong giới báo chí nước nhà, tạo ra những cuộc vận động ngầm lâu nay và khi nó được ký duyệt, các cuộc chạy lại khởi động. Dĩ nhiên lãnh đạo các tờ báo và các cơ quan chủ quan không ai muốn tờ báo của mình bị biến mất trên bản đồ báo chí nước nhà, nên việc vận động là đương nhiên, gấp rút, vì thời gian không còn nhiều. Năm nay, số lượng các tờ báo tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị thu hẹp chỉ còn 1/3. Và đến năm 2025, địa phương này chỉ còn duy nhất một tờ báo được phép tồn tại.
Dù có trí tưởng tượng phong phú nhất, các nhà báo cũng chưa từng nghĩ đến một thực tế là Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất và năng động nhất nước, nơi tập trung tinh thần dân chủ nhất nước, một ngày nào đó chỉ còn một tờ báo mà thôi. Rõ ràng, đề án mà chúng ta đang nói đến đã thu hẹp hoạt động của báo chí, và dĩ nhiên thu hẹp quyền ngôn luận của người dân".
Tuy nhiên đó là câu chuyện trước khi có cơn đại dịch của con virus ‘cúm Tàu’ từ bên Vũ Hán Trung Quốc hoành hành. Bởi từ ngày 1/4/2020, nhiều tòa soạn nhật báo buộc phải là tòa soạn tạp chí, song diễn biến về tin tức vẫn cập nhật liên tục về con virus có nhiều tên gọi khác nhau này. Thể loại báo chí được gọi là ‘tạp chí’ gần như đã bị xóa nhòa.
Một chút về lý thuyết. Tạp chí trên thực tế cũng là một tờ báo viết, nhưng khác với báo ở chỗ, phạm vi chuyển tải thông tin được định hình theo chiều sâu đối với từng loại hình tạp chí.
Theo nội dung của quy hoạch báo chí mà chính phủ đã phê duyệt hôm 03/4/2019, thì khi chuyển sang loại hình tạp chí, các tờ báo buộc phải tuân thủ yêu cầu là tiếng nói của cơ quan lý luận, học thuật, khoa học, hoặc tổ chức, đoàn thể xã hội đang là chủ quản của cơ quan báo chí đó.
Khác với báo có đội ngũ tác nghiệp chủ yếu là phóng viên và cộng tác viên tích cực ở các cơ sở; đội ngũ người viết cho tạp chí chủ yếu là cộng tác viên, là những nhà khoa học, chuyên gia giàu kinh nghiệm thông hiểu các vấn đề nghiệp vụ và các biên tập viên là những nhà khoa học, chuyên gia vững về nghiệp vụ biên tập chuyên môn của từng lĩnh vực.
Nhìn chung, đối tượng phục vụ của tạp chí so với báo thường hạn hẹp hơn. Đối tượng đọc tạp chí, nhất là tạp chí chuyên ngành, cần có hiểu biết nhất định về nghề nghiệp để tiếp nhận và tham gia trao đổi, thảo luận, học tập kinh nghiệm về những vấn đề liên quan đến công việc nghề nghiệp và thông tin quan tâm.
Nếu tuân thủ nghiêm ngặt về lý thuyết nói trên, chắc hẳn trong bối cảnh thời sự nóng từng giờ về dịch bệnh, thì Việt Nam sẽ không có nhiều đầu báo kịp thời cập nhật tin tức đến với công chúng. Một khi thiếu hụt nguồn tin tức báo chí chuyên nghiệp, đương nhiên người dân chuyển sang việc tìm đọc tin tức từ các tài khoản cá nhân mạng xã hội của những nhà báo vốn quen tác nghiệp với tin tức nóng, với tuyến bài ghi nhận thời sự đời sống người dân; và những nhà báo này không nhiều khả năng viết những bài theo văn phong của tạp chí.
Rất có thể sau khi đại dịch cúm Covid-19 lui vào dĩ vãng, bình tâm ngồi kiểm điểm lại toàn bộ diễn biến, chính phủ Việt Nam sẽ nhận ra rằng bảng quy hoạch báo chí kể trên đã quá lỗi thời, không thể ‘update’ được, mà cần có một ‘hệ điều hành mới’ tương thích toàn cầu trong cách hiểu về tự do báo chí.
Người viết báo tự do ở Việt Nam bị hạn chế quyền chính trị
Nguyễn Nam, VNTB, 04/04/2020
Nhà báo Đặng Tâm Chánh, một đảng viên đảng cộng sản, cựu tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, nói với BBC (British Broadcasting Corporation) hôm 9/4/2019 rằng trong nền chính trị một đảng, dư luận xã hội là một công cụ sắc bén của quyền lực, và do đó cũng không lạ khi lâu nay ai cũng biết đó là nền báo chí công cụ của Đảng (2).
BBC được thành lập năm 1922 theo Hiến chương Hoàng gia Anh, và hoạt động dưới sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Phương tiện và Thể thao Anh. Đài BBC thu lợi nhuận chủ yếu bằng một khoản lệ phí truyền hình được thu từ tất cả các hộ gia đình, các công ty và tổ chức sử dụng bất kỳ loại thiết bị nào để thu lại, hoặc thu trực tiếp tín hiệu từ đài. Khoản phí này được đặt ra bởi Chính phủ Anh, được chấp thuận bởi Nghị viện Anh, và được sử dụng để gây quỹ cho các dịch vụ radio, TV và các dịch vụ trực tuyến khác của BBC bao trùm toàn bộ nước Anh.
Từ 1/4/2014, khoản phí này cũng gây quỹ cho hệ thống tin tin tức thế giới (BBC World Service), thành lập năm 1932, cung cấp các hệ thống TV, radio và các dịch vụ trực tuyến khác bằng tiếng Ả Rập, tiếng Ba Tư cùng hơn 28 ngôn ngữ khác, bao gồm tiếng Việt.
Khoảng một phần tư lợi nhuận của BBC đến từ lệ phí thương mại của BBC Worldwide Ltd., từ khoản tiền có được từ việc bán các chương trình truyền hình và các dịch vụ khác ra các nước khác, và từ hệ thống tin tức quốc tế 24/7 bằng tiếng Anh BBC World News và BBC.com, được cung cấp bởi BBC Global News Ltd.
Như vậy, có thể thấy rất rõ ràng rằng BBC được vận hành không chịu sự gò bó trong hạn chế về quyền tự do chính trị, và sản phẩm tin tức của họ được kinh doanh trên toàn cầu, mà không vấp phải một định hướng yêu cầu tuyên truyền nào từ Hoàng gia Anh.
Tương tự, với VOA, viết tắt từ Voice of America ; còn được gọi là Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, là dịch vụ truyền thông đối ngoại chính thức của chính phủ Hoa Kỳ. VOA được thành lập năm 1942, và hiến chương VOA (Luật công chúng 94-350 và 103-415) đã được Tổng thống Gerald Ford ký thành luật năm 1976. Hiến chương này có sứ mệnh "truyền phát tin tức và thông tin chính xác, cân bằng và toàn diện tới khán giả quốc tế" và nó xác định các tiêu chuẩn bắt buộc về mặt pháp lý trong cách thức làm báo chí của VOA (3).
Nhà báo Phạm Chí Dũng, nhân vật chính của "Phúc đáp Kháng thư của Liên Hiệp Quốc về nhà báo Phạm Chí Dũng" (4), là cộng tác viên thường xuyên của VOA. Ông cũng là khách mời tham gia các hội thoại trực tuyến hàng tuần của BBC.
Nhà báo Phạm Chí Dũng còn cộng tác với báo Người Việt. Theo thông tin từ tòa soạn báo, đây là nhật báo tiếng Việt đầu tiên phát hành ngoài Việt Nam, và là tờ báo tiếng Việt duy nhất phát hành 7 ngày trong tuần tại Hoa Kỳ. Năm 2004, nhật báo Người Việt trở thành tờ báo tiếng Việt đầu tiên có đăng ký kiểm toán phát hành tại Hoa Kỳ, tức là được kiểm toán số lượng phát hành bởi những công ty độc lập.
Cả ba tờ báo kể trên đều được nhà nước Việt Nam công nhận và có các trao đổi quan hệ đối ngoại về báo chí.
Từ nội dung của "Phúc đáp Kháng thư của Liên Hiệp Quốc về nhà báo Phạm Chí Dũng", tuy không đề cập đến các cơ quan truyền thông nước ngoài, song có thể thấy rằng ở Việt Nam có đời sống báo chí hạn chế về quyền chính trị đúng như nhận xét của cựu tổng biên tập Sài Gòn Tiếp Thị với BBC (2) ; và hạn chế về quyền này còn có thể được yêu cầu cả với người Việt Nam khi cộng tác với báo chí nước ngoài - trường hợp nhà báo tự do Phạm Chí Dũng đang vấp cáo buộc hình sự theo điều 117, Bộ luật hình sự là một dẫn chứng.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB,04/04/2020
Chú thích :
(1)https://vietnamthoibao.org/vntb-phuc-dap-khang-thu-cua-lien-hiep-quoc-ve-nha-bao-pham-chi-dung/
(2)https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47849572
(3)https://docs.voanews.eu/en-US-INSIDE/2016/12/05/5d1e6a53-3ed2-4c3e-b043-ecae12d9eed8.pdf
*******************
Tự do báo chí và "Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025"
Triệu Tử Long, VNTB, 04/04/2020
"Trong thực tế, người Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và truy cập thông tin có thể được chứng thực bởi sự tăng trưởng nhanh chóng và đa dạng của các phương tiện truyền thông đại chúng trong cả nước".
Đoạn trích ở trên nằm trong bài báo "Phúc đáp Kháng thư của Liên Hiệp Quốc về nhà báo Phạm Chí Dũng" đăng trên trang Việt Nam Thời Báo (1)
Điều 117 nêu rõ người vi phạm sẽ bị trừng phạt theo pháp luật và thiết lập ranh giới rõ ràng giữa các hành vi phạm tội và thực hiện quyền tự do ngôn luận
Theo phúc đáp kể trên, thì ở Việt Nam, "Báo chí đã trở thành diễn đàn cho các tổ chức xã hội và nhân dân và đường lối quan trọng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ và quyền tự do cơ bản. Báo chí cũng đóng một vai trò tích cực trong việc kiểm tra và theo dõi thực hiện các chính sách và luật pháp của chính phủ, đặc biệt là những người liên quan đến nhân quyền. Nhiều cơ quan báo chí và truyền thông chủ động vạch trần tham nhũng, các vi phạm nhân quyền hoặc quyền công dân và hành động bất hợp pháp. Thông qua các phương tiện truyền thông, mọi người có thể kiến nghị, bày tỏ quan điểm chính trị, và đóng góp công khai cho tất cả các vấn đề văn hóa, kinh tế-xã hội và chính trị".
Phúc đáp có đoạn biện giải về vấn đề tố tụng hình sự : "Điều 117 nêu rõ người vi phạm sẽ bị trừng phạt theo pháp luật và thiết lập ranh giới rõ ràng giữa các hành vi phạm tội và thực hiện quyền tự do ngôn luận. Điều này chỉ là với cố ý bóp méo sự thật nhằm phản đối các nhà nước và không có hạn chế nào về quyền tự do ngôn luận hoặc các quyền tự do cơ bản khác. Vì vậy, điều 117 là tương thích với điều 19 của ICCPR. Cụ thể, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận phải đảm bảo nhiệm vụ đặc biệt và trách nhiệm, bao gồm cả tôn trọng các quyền hoặc danh tiếng của người khác cũng như bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, y tế công cộng và đạo đức".
Đoạn trích phúc đáp ở trên là rất quen thuộc mỗi khi cơ quan tố tụng giải thích về nội dung của điều 117 tương thích với cách hiểu của điều ước quốc tế tương ứng.
Tuy nhiên trên thực tế thì ở Việt Nam tất cả các cơ quan báo chí được cấp phép hoạt động đều bắt buộc phải tuân thủ theo thứ tự sau đây về ‘công cụ’, và ‘diễn đàn’ ở nội hàm : "là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ; là diễn đàn của Nhân dân" - trích điều 4.1, Luật báo chí.
Luật báo chí, điều 3.15 ghi : "Tạp chí điện tử là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng". Điều đó có nghĩa với tạp chí in ấn bằng giấy, cũng là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được phát hành ra thị trường qua hệ thống bán lẻ ở các sạp, hoặc bưu điện, giao nhận tận nhà…
Ở Việt Nam, để có được giấy phép báo chí, bắt buộc tờ báo/ tạp chí phải có một chủ quản là hội đoàn, và theo quy hoạch báo chí tại Quyết định 362/QĐ-TTg "Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025" của thủ tướng chính phủ (2), thì đến hết năm 2020, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước không còn cơ quan báo. Các tổ chức hội đoàn nghề nghiệp, hội đoàn chính trị chỉ được phép mỗi hội đoàn có một tạp chí.
Cụ thể, từ ngày 1/4/2020, có 18 cơ quan báo chí chuyển đổi thành tạp chí được trao giấy phép gồm : Một thế giới, Đời sống và Pháp luật, Bóng đá, Kinh tế nông thôn, Làng nghề Việt, Kinh tế chứng khoán, Sức khỏe cộng đồng, Doanh nghiệp và Tiếp thị, Mekong-Asean, Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, Thương hiệu và Công luận, Người cao tuổi, Chất lượng và Cuộc sống, Diễn đàn doanh nghiệp, Tri thức trực tuyến, Kinh tế và Đời sống, Năng lượng mới, Thời đại.
Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập tạp chí Đời sống và Pháp Luật (Hội Luật gia Việt Nam) bày tỏ : "Khi nhận giấy phép chuyển đổi, chúng tôi có những lo âu, dự định và cả những kế hoạch mới. Chúng tôi đã đi trên con đường này 19 năm, nay đổi ngã rẽ, nhưng chúng tôi xác định mục tiêu không thay đổi, phải làm sao để cơ quan hoạt động tốt, lành mạnh, làm tốt nhiệm vụ cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản, đảm bảo được công ăn việc làm cho người lao động.
Chúng tôi cũng đang đứng trước nhiều thách thức và lo âu như phải thay đổi toàn bộ phần nhận diện thương hiệu của cơ quan báo chí, thay đổi các quan hệ tài chính ra sao để không gây ra các tổn thất. Đặc biệt, các tạp chí cũng cần phải cơ cấu lại toàn bộ tòa soạn. Một tòa soạn tạp chí có cơ chế vận hành khác hoàn toàn với một tờ báo từ các kỹ năng tác nghiệp của phóng viên, cách tư duy đề tài. Để thực hiện được điều này, chúng tôi cần một thời gian không hề ngắn, có thể phải mất từ 1-3 năm".
Bên cạnh đó, ông Thanh cũng băn khoăn về quy định xuất bản theo định kỳ của tạp chí. Ông Thanh cho rằng, nếu quy định máy móc về tính định kỳ của tạp chí, người làm báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Theo bài báo tường thuật đăng trên báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam (3), thì, "Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, báo chí là diễn đàn mang tiếng nói của Đảng, Nhà nước. Việc sắp xếp lại mạng lưới báo chí nhằm mục đích giúp các cơ quan báo chí mạnh lên, phong phú, đa dạng, nằm trong sự thống nhất.
"Trong thời kỳ cạnh tranh thông tin đi với giá trị của thông tin nhưng không gắn với mua bán thông tin. Nếu làm theo cơ chế thị trường thì đời sống của người làm báo sẽ khác. Nhưng chúng ta phải tuyên truyền theo tôn chỉ, mục đích của Đảng và Nhà nước", ông Hùng nhấn mạnh" (dừng trích).
Trong một diễn biến khác, theo Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 2/1/2020 phê duyệt đề án sắp xếp phát triển và quản lý báo chí thành phố Hà Nội đến năm 2025, thực hiện sắp xếp 15/20 cơ quan báo chí ; riêng báo Quốc phòng Thủ đô và An ninh Thủ đô thực hiện sắp xếp theo Đề án của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Theo đó, trong năm 2020, Hà Nội sẽ dừng hoạt động 9 đơn vị báo chí, trong đó có 3 tờ báo và 6 tạp chí. Cụ thể, các báo sẽ dừng hoạt động gồm báo Màn ảnh Sân khấu, Thời báo Doanh nhân, Cựu chiến binh Thủ đô. Các tạp chí sẽ dừng hoạt động gồm Giáo dục Thủ đô, Thương gia, Hàng hóa và Thương hiệu, Tinh hoa Đất Việt, Phái đẹp (Elle), Golf Việt Nam.
Các báo Kinh tế và Đô thị, Phụ nữ Thủ đô, Lao động Thủ đô, Tuổi trẻ Thủ đô được giữ ổn định. Đối với báo Pháp luật và Xã hội, cơ quan này sẽ được sáp nhập vào báo Kinh tế và Đô thị. Báo Người Hà Nội sẽ chuyển thành tạp chí chuyên ngành Văn học Nghệ thuật. Có 3 cơ quan báo chí không phải sắp xếp là Hà Nội mới, Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội và Tạp chí Khoa học.
Như vậy, sau sắp xếp, thành phố Hà Nội còn 8 cơ quan báo chí, trong đó có 5 tờ báo, 2 tạp chí và 1 Đài Phát thanh Truyền hình. Cũng theo đề án sắp xếp phát triển và quản lý báo chí thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2021 đến hết năm 2025, thành phố sẽ hoàn thành việc sắp xếp theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông và sẽ chỉ còn tối đa 5 cơ quan báo chí.
Hà Nội là một thành phố thủ đô. Theo kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, thì Hà Nội có 8,05 triệu dân ; Thành phố Hồ Chí Minh có 8,99 triệu dân. Với dân số 8 triệu người này, nhưng chỉ được quyền có tối đa 5 tòa soạn báo chí thì rõ ràng ngay cả yêu cầu "tuyên truyền theo tôn chỉ, mục đích của Đảng và Nhà nước" cũng sắp bị hạn chế, nói chi tới chuyện là diễn đàn của công chúng.
Theo cách hiểu về tự do báo chí tại Việt Nam như nhìn nhận ở trên, đặc biệt là qua phát biểu của ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cho thấy toàn bộ cách hiểu - lập luận mà văn bản "Phúc đáp Kháng thư" thể hiện, là phù hợp với pháp luật báo chí Việt Nam.
Nhà báo Phạm Chí Dũng có thể không nhất thiết chịu sự ràng buộc về nguyên tắc ‘phải tuyên truyền theo tôn chỉ, mục đích của Đảng và Nhà nước’ như khuyến cáo của ông Lê Mạnh Hùng, vì các tòa soạn sử dụng bài viết cộng tác của ông Phạm Chí Dũng như VOA, Người Việt,… họ có cách hiểu khác hẳn về quyền tự do báo chí, về quyền tự do biểu đạt chính kiến cá nhân trong tác phẩm báo chí.
Đây chính là khác biệt trong cách nghĩ mà các Báo cáo viên đặc biệt về việc thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do ý kiến và biểu lộ ; Tổ công tác về giam giữ tùy tiện ; Báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do hội họp và lập hội ôn hoà ; và Báo cáo viên đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền, đã có phần ‘không đặc biệt lưu tâm’ khi đưa ra kháng thư về các vấn đề liên quan đến chính phủ Việt Nam.
Triệu Tử Long
Nguồn : VNTB, 04/04/2020
_________________
Chú thích :
(1)https://vietnamthoibao.org/vntb-phuc-dap-khang-thu-cua-lien-hiep-quoc-ve-nha-bao-pham-chi-dung/
(2)https://vov.vn/xa-hoi/toan-van-quy-hoach-phat-trien-va-quan-ly-bao-chi-toan-quoc-den-2025-893753.vov
(3)https://vov.vn/xa-hoi/quy-hoach-bao-chi-kho-khan-khi-chuyen-doi-tu-bao-sang-tap-chi-1017760.vov
Trần Hoa, RFA, 01/07/2019
Tuần trước, có những nhà báo nghe người ta chúc mừng "Ngày nhà báo Cách mạng Việt Nam 21/6" thì hờ hững : "Không phải ngày của tao. Tao chỉ làm báo đúng cái nghĩa của nó. Không phải làm báo chí cách mạng".
Các tờ báo của Việt Nam ở một sạp báo tại Hà Nội hôm 28/2/2019 - Hình minh họa. AP
Một nhà báo kỳ cựu, hiện đã chuyển sang làm trong một cơ quan chính quyền tại Hà Nội thì nói rất khéo léo : "Nếu nói ngày kỷ niệm của báo chí Việt Nam thì phải từ rất lâu, chứ không phải chỉ 94 năm, mà cũng không phải ngày 21/6".
Mỗi năm, đến ngày "giỗ ngành", các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, đối tác, celebs… lại gửi vô số lẵng hoa đến các báo. Những tờ báo lâu năm ở phía Nam như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, Pháp luật Thành phố, ở phía Bắc như Lao Động, Tiền Phong, Phụ nữ Việt Nam… số lẵng hoa phải tính hàng trăm. Các "siêu báo" Nhân Dân, Quân đội nhân dân, hay các báo được khoác "Tiếng nói của nhân dân" như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Sài Gòn Giải phóng, Hà Nội mới… phải cả ngàn.
Cũng như nhiều câu chuyện khác về văn hóa, lối sống, có một thứ phân biệt ngầm nhưng rõ rệt giữa làng báo miền Bắc và miền Nam, cũng như báo chính thống và báo tư nhân, hay "báo chí cách mạng" và "phi cách mạng"
Ở miền Bắc, số lượng tòa soạn báo dày đặc. Theo viện dẫn trên báo chí, ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày tại hội nghị báo chí toàn quốc vào tháng 12/2018 thì cả nước hiện có 844 cơ quan báo chí in với 184 báo in, 660 tạp chí và 67 đài Phát thanh, Truyền hình. Ngoài ra còn có 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập và 189 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp cho các cơ quan báo chí in, phát thanh, truyền hình, 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền.
Một người bán báo ở Hà Nội hôm 10/01/2013 - Hình minh họa. AFP
Nghĩa là tính sơ có hơn 900 đơn vị báo chí thuộc dòng "Cách mạng" (trừ các tờ báo điện tử độc lập).
Đó là các tờ báo/tạp chí trực thuộc cơ quan trung ương, đảng bộ các địa phương (mỗi địa phương đều có một tờ mang tên địa phương, như Sài Gòn giải phóng là thuộc Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh), các bộ ngành, các hội, hiệp hội…
Do quy định phải đặt trụ sở tại nơi hoạt động của cơ quan chủ quản, các tờ báo này dày đặc ở Hà Nội. Tuy vậy, ngoài một số rất ít trên đầu ngón tay các tờ báo có công chúng, có bán ra thị trường (ví dụ Sài Gòn giải phóng, Lao Động, Tiền Phong…) thì tuyệt đại đa số các báo còn lại sống bằng nguồn sữa rót từ cơ quan chủ quản và nguồn kiếm quảng cáo từ doanh nghiệp trong ngành. Có những cái tên mà cả đời người làm báo, nếu không vì tò mò đi xem danh sách báo chí Việt Nam thì chắc không bao giờ biết đến. Ví dụ như Tạp chí Xây dựng đời sống văn hóa (Cục Văn hóa-Thông tin cơ sở, nơi có bà cục trưởng vừa nổi tiếng với phát ngôn "chữ lon nếu chềnh ềnh trên các bảng quảng cáo ngoài trời thì nhạy cảm lắm", chẳng hạn.
Những tờ báo "cách mạng" được ngân sách nhà nước chi trả và phải thực hiện chức năng tuyên truyền cho chính sách của Đảng và Nhà nước.
Những tờ báo độc lập (một cách hết sức tương đối) còn lại vô cùng ít ỏi, với những cái tên quen thuộc với người đọc báo, như Thanh Niên, Tuổi trẻ, Pháp luật, Lao động, Đại Đoàn kết (thời trước), Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền phong, Mực tím, …
Những tờ này sống bằng nguồn thu độc lập, từ bán báo, quảng cáo và các hoạt động kinh doanh hợp pháp.
Bên cạnh hệ thống èo uột và ký sinh của báo chí nhà nước (cách mạng), là sự phát triển rầm rộ của báo chí tư nhân (phi cách mạng) trong những hệ thống đa dạng và linh hoạt. Mặc dù vẫn phải núp dưới những cái bóng của báo chí nhà nước thì mới có giấy phép hợp pháp để xuất bản, nhưng về bản chất, họ là những tờ báo tư nhân thực sự. Đó là các địa chỉ quen thuộc với người đọc như VnExpress, Zing, Vietnamnet, 24h (chuyên thể thao, giải trí), Kênh 14 (dành cho giới trẻ)…
Hệ thống báo chí tư nhân thường không có không khí đấu đá giữa các nhân sự để giành quyền lực và quyền lợi, vì mọi thứ đó đều của chủ đầu tư. Họ cũng không đi đầu trong các đề tài đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực vì dưới chế độ kiểm duyệt báo chí, điều đó thiếu an toàn. Nhưng trong tất cả các lĩnh vực còn lại như tin tức thời sự nói chung, kinh tế, tài chính, giáo dục, thể thao, giải trí, các tờ báo chính thống phải thừa nhận sự yếu thế thấy rõ của mình. Từ đời sống, khoa học, kinh tế, xã hội đến thể thao, giải trí hay dành riêng cho một nhóm/một độ tuổi người đọc, tất cả báo chính thống đều phải xếp sau báo chí tư nhân.
Báo chí tư nhân cũng luôn tiên phong trong đầu tư những công nghệ báo chí mới.
Các nhà báo bên ngoài khách sạn Melia ở Hà Nội để đưa tin về Thượng đỉnh Mỹ - Bắc Hàn hôm 28/2/2019. Hình minh họa. AFP
Cách đây khoảng ba năm, các định dạng báo chí hiện đại nhất như Emagazine, Photo Graphic lần đầu tiên xuất hiện trên Kênh 14, khởi đầu trào lưu này cho tất cả các tờ báo còn lại. Hài hước là nhiều năm trước, chính trang tin này từng bị mệnh danh là "Mương 14" do đăng tải nhiều nội dung lá cải nhảm nhí.
Ở hiện tại, sự đầu tư mỹ thuật và thiết kế, cùng với nội dung (cho một số ít sản phẩm) của tờ báo này vẫn dẫn đầu làng báo Việt Nam. Thật là một thông tin hết sức ngạc nhiên và đáng suy ngẫm. Đáng ngạc nhiên hơn nữa là một số bài báo của "Mương" lại được thực hiện rất công phu, sáng tạo và giàu tính nhân văn hơn hẳn nhiều tờ báo "đàn anh", "đàn chị" và "chính thống" khác.
Một tờ báo cách tân khác cũng có lõi tư nhân là VietnamPlus, khi mới ra đời từng rất được tán thưởng vì tính mới mẻ và sáng tạo trong chọn lọc thông tin, đã được giải của Hiệp hội Các nhật báo và nhà xuất bản tin tức thế giới với bản tin Rap News (điểm tin tức bằng hình thức đọc Rap). Nhưng sau khi người chủ thực sự cũng là linh hồn của nó là ông Lê Quốc Minh được cất nhắc lên Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam thì VietnamPlus biến dạng thành một tờ báo thông tấn, nghèo nàn, nhàm chán và một màu hệt như hằng hà sa số các tờ báo "cách mạng" khác.
Cái lõi khác nhau quy định cách ăn mừng ngày "báo chí cách mạng 21/6" cũng khác nhau ở phía Bắc và phía Nam.
Trần Hoa
Nguồn : RFA, 01/07/2019
***********************
Trần Hoa, RFA, 01/07/2019
Phía Bắc, nơi những cơ quan ban ngành vẫn xác định "báo chí là công cụ", sự ăn mừng luôn luôn trọng thể, với diễn văn của các nhân vật tai to mặt lớn ca ngợi vai trò lớn lao của báo chí vào công cuộc phát triển xã hội. Đi kèm là các cuộc meeting nội bộ, các cuộc thi nấu ăn, cắm hoa (!), tiệc tùng kèm quà cáp của doanh nghiệp biếu tặng chung và riêng đã diễn ra rầm rộ từ trước đó vài tuần.
Các nhà báo tác nghiệp ở Việt Nam hôm 12/3/2014 - Hình minh họa. AFP
Ở phía Nam, nó thường chỉ là một bữa tiệc nội bộ hoặc có mời các cộng tác viên thân thiết đến chung vui với những người làm báo ; một số tờ báo tặng anh em thêm một khoản tiền ; thiết thực như vốn dĩ.
Tính cách mạng của những tờ báo được nhà nước nuôi không biết mạnh mẽ đến thế nào, nhưng có một câu chuyện từng lan tỏa trong giới báo chí (cả báo chí lẫn báo… chó, như cách anh em làm báo tự giễu cợt về ngành mình) ở Hà Nội nhiều năm trước đây. Nó như sau : một tòa soạn báo ngành, khoảng 6 tháng không có tiền trả nhuận bút cho anh em. Các cô phóng viên trẻ dở khóc kêu lên phó tổng biên tập thì được trả lời : "Chúng mày trẻ trung xinh đẹp thế này mà phải sống bằng nhuận bút à ?"
Câu chuyện này có thật và rất phổ biến ở báo chí phía Bắc. Thậm chí trong nhiều tờ báo ngành, nó trở thành một quy định, đó là phóng viên phải hoàn thành chỉ tiêu chạy quảng cáo bên cạnh nội dung tin bài.
Nghĩa là bằng cách nào đó tòa soạn không cần biết, những người làm báo phải mang được về cho tòa soạn những hợp đồng quảng cáo trên báo. Họ sẽ được hưởng hoa hồng, có khi lên đến 35% giá trị hợp đồng, bù lại, tòa soạn có nguồn tiền đó để "hoạt động".
Các nhà báo nói chuyện trong văn phòng báo Tuổi Trẻ ở Hà Nội hôm 17/7/2018 - Hình minh họa. Reuters
Những cô gái trẻ trung, xinh đẹp thì mới dễ chiếm được cảm tình của những người đàn ông làm trưởng phòng truyền thông, marketting, giám đốc của các doanh nghiệp, nhờ đó lôi kéo được họ ký hợp đồng quảng cáo với báo. Hiệu quả của việc quảng cáo trên những tờ báo này là yếu tố phụ, thậm chí vô nghĩa. Người đi chạy quảng cáo chỉ có một động cơ kiếm được tiền càng nhiều càng tốt. Nững người có quyền quyết định một hợp đồng thì có nhiều lý do hơn : bị đeo bám lẵng nhẵng quá thì ký cho xong để khỏi bị làm phiền ; ký để tạo quan hệ tốt với tờ báo, nhỡ doanh nghiệp có phốt gì thì họ "giơ cao đánh khẽ" (quyền lực thứ tư mà), làm lơ hoặc tốt nhất là bênh vực ; hoặc, ký vì cũng được chia phần hoa hồng. Có khi cộng thêm chuyện đánh đổi thân xác của những phụ nữ làm quảng cáo.
Câu chuyện ngầm trong làng báo kể trên, bất cứ ai vào nghề lâu năm đều hiểu rành rẽ. Nhưng, nói công khai như anh phó tổng kể trên thì hiếm có-chẳng khác gì so sánh đồng nghiệp của anh với các cô gái bán trôn nuôi miệng.
Trong các tờ báo tư nhân, câu chuyện không đến nỗi trơ trẽn như vậy. Không bị tác động nhiều bởi mục đích là công cụ của ai, họ sử dụng người đúng việc hơn. Bộ phận quảng cáo được tách riêng, nhân sự cũng bao gồm những người được đào tạo đúng ngành marketing, PR để soạn thảo chiến lược PR hay các chiến dịch quảng cáo cho khách hàng. Lợi nhuận là của ông chủ-do đó nó được kiểm soát và quản lý minh bạch hơn. Những người sản xuất content hay nhà báo nếu nhập nhằng quan hệ với khách hàng của tờ báo-công ty vào nội dung bài viết của mình để lấy hoa hồng có thể bị đuổi việc.
Viết đến đây tôi phì cười nhớ lại câu chuyện nhiều năm trước. Một người bạn làm báo kể, trong một cuộc ra mắt sản phẩm mới cùng nhiều doanh nghiệp và các phóng viên kinh tế-thị trường, một doanh nghiệp oang oang kể trên xe là anh ta đã "mua" cô phóng viên thị trường của một tờ báo hàng đầu trong mảng này lúc đó như thế nào. Yêu cầu là trong bài viết phải nhắc tên của doanh nghiệp đó 8 lần. Cô ấy đã hoàn thành xuất sắc "nhiệm vụ".
Tôi đã tìm bài báo đó đọc. Tên doanh nghiệp được nhắc đến, tròn vành rõ chữ, liên tục, trong khi một thủ thuật để khiến bạn đọc không phát ngán mà người làm báo nào cũng biết, đó là dùng các đại từ thay thế. Ví dụ doanh nghiệp A thường chỉ được đầy đủ tên gọi vào hai lần ở đầu và cuối bài, còn phần giữa thường sẽ gọi tắt là "công ty", hay "doanh nghiệp". Nhưng trong bài báo đã nhắc, tên doanh nghiệp A được lặp đi lặp lại dày đặc một cách bất thường.
Có một câu chuyện tương tự đã xảy ra ở một tờ báo tư nhân, động cơ trong sáng hơn nhiều (giúp bạn bè), số tiền cũng gần như không đáng kể. Nhưng nhân sự ấy đã bị đuổi việc. Một biên tập viên lĩnh vực kinh tế trong một tờ báo điện tử lớn, sau khi có những chứng cứ được doanh nghiệp "nuôi" đã bị điều chuyển sang lĩnh vực khác và kiểm soát chặt chẽ.
Một người đàn ông đọc báo Thanh Niên trước tòa án Nhân dân ở Hà Nội hôm 15/10/2008 - Hình minh họa. AFP
Về lý thuyết, có vô vàn cách để một người làm báo-hoặc làm việc trong tờ báo lợi dụng tiếng tăm và vị trí trên công luận của tờ báo để trục lợi.
Cũng một tờ báo hàng đầu trong lĩnh vực tin tức thời sự, điều tra chống tham nhũng…, đồng nghiệp cùng lĩnh vực công khai kể cho nhau việc một anh PV sau khi viết bài về chính sách bán nhà của công ty bất động sản kia thì được mua một suất căn hộ giảm 40%.
Có những mánh khóe thô thiển hơn (cách đây một năm làng báo Việt Nam sản sinh ra một hình dung từ mới, gọi là bọn "đếm tầng", nghĩa là bọn mang danh nhà báo nhưng công việc chỉ là đi đếm những phần xây dựng vi phạm rồi vòi tiền). So với những thủ đoạn đó, việc yêu cầu doanh nghiệp tài trợ cho một chuyến đi chơi "nhân ngày 21/6" còn được xem là thẳng thắn, chính chuyên hơn nhiều. Mặc dù về bản chất, đó cũng là trục lợi trên danh nghĩa báo chí không khác. Có những "nhà báo" còn huỵch toẹt "doanh nghiệp còn cần mối quan hệ như vậy với tờ báo, cần hơn mình cần họ nhiều".
Thực ra các "nhà báo" kể trên không một tay che trời được đến mức ấy. Trong không ít trường hợp, họ là khâu cuối của một đường dây làm ăn tinh vi, được che chắn bởi quyền lực hoặc tệ hơn là sự thông đồng ngấm ngầm từ những người có quyền lực. Khá nhiều, hoặc rất nhiều trong các tờ báo giàu "tính cách mạng" kể trên là những tờ sục sôi "vặt lông" doanh nghiệp nhất, và vặt trơ trẽn, đểu giả nhất. Nói huỵch toẹt, đó là một thứ sân sau làm nhiệm vụ con buôn tin tức, sống bằng nịnh bợ và hăm dọa.
Đề án sắp xếp báo chí Việt Nam đang trong giai đoạn cuối cùng. Nếu thật sự đề án này được thực hiện nghiêm túc, sẽ có ít nhất 1/3 đến một nửa số lượng đầu báo hiện tại bị sáp nhập vào những tờ chính của cơ quan chủ quản (tức là dẹp bỏ).
Những người làm báo "không cách mạng" chẳng mấy băn khoăn, vì từ lâu họ đã làm nghề một cách cạnh tranh và sòng phẳng. Dù chỉ còn lại rất ít nhưng họ là những điểm tựa cuối cùng của công chúng vào một nền báo chí đúng nghĩa. Ở một vài group báo chí tư nhân cũng đã manh nha việc phải thay đổi, phải đầu tư nội dung để sống bằng bán báo (chứ không bán lá cải sỉ nữa). Vâng, quả là tin đáng mừng !
Chỉ thương nhất là hàng ngàn quan chức báo chí đang sống kiểu ký sinh trùng, ngồi mát ăn bát vàng tại đủ các loại phòng ban của hàng trăm tờ báo "cách mạng", và hàng ngàn, nhiều ngàn "nhà báo" thuộc loại nhỏ-không-đi-học-thì-lớn-làm-báo, "đếm tầng", "soi váy", dọa dẫm, bắt chẹt, hoặc biến mình thành làm công cụ cho các doanh nghiệp và các nhóm lợi ích khác nhau. Trong cuộc cạnh tranh dữ dội để sống còn, cùng với sự soi xét của xã hội, chẳng sớm thì muộn họ sẽ bị vạch mặt hoặc vứt bỏ như vứt một đống rác thối.
Nghe những câu "Chúc mừng ngày báo chí Cách mạng", chẳng biết họ có còn đủ lượng xấu hổ trong máu để mà đỏ mặt hay không.
Trần Hoa
Nguồn : RFA, 01/07/2019
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu khi tham dự buổi thảo luận tổ của Quốc hội về kinh tế - xã hội vào cuối tháng 5 năm 2019 cho rằng : "Bây giờ nhà báo cứ nhăm nhăm đi chụp ảnh nhà của ông này, ông kia đưa lên mạng rồi đặt ra câu hỏi tiền ở đâu ra để làm nhà. Trong khi đó, tài sản của cá nhân được pháp luật bảo vệ và việc chứng minh nguồn gốc tài sản là của cơ quan chức năng. Nhưng mạng cứ đưa tràn lan mà không ai xử lý, vi phạm pháp luật mà không ai xử lý ?".
Ông Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, nhà báo chụp hình nhà cửa của cán bộ đưa lên mạng, rồi hỏi tiền đâu mà xây là vi phạm pháp luật Việt Nam - Courtesy of chinhphu.vn
Luật sư Nguyễn Duy Bình, khi trao đổi với chúng tôi hôm 31/5 từ Sài Gòn qua tin nhắn, cho rằng :
"Nhận định như vậy là thiếu chính xác và có tính chất chụp mũ. Nhà báo có đăng và hỏi như vậy cũng chỉ muốn cán bộ giải trình về nguồn gốc tài sản nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh nghi ngờ từ quần chúng nhân dân, chưa có gì vì phạm pháp luật".
Theo Luật sư Bình, hiện luật báo chí và các văn bản pháp luật khác không có quy định nào cấm nhà báo thực hiện những hành vi đó. Về địa vị xã hội, nhà báo cũng là một công dân nên có quyền giám sát, kiểm tra, phản biện nên khi thấy cán bộ có tài sản lớn vượt quá mức thu nhập thì có quyền hỏi, nghi ngờ và chính cán bộ đó phải có nghĩa vụ giải trình với cơ quan, tổ chức và với cả nhân dân. Vì vậy, ông cho rằng, một vị chủ tịch hội nhà báo mà có phát biểu ấu trĩ như vậy thì thật là đáng tiếc.
Từ Hà Nội, Nhà báo Ngô Nhật Đăng thì cho rằng, ông Chủ tịch Hội Nhà báo đã một lần nữa khẳng định, báo chí nhà nước Việt Nam là báo chí công cụ. Ông nói tiếp :
"Chúng ta cũng biết, thiên chức của nhà báo, ngoài chuyện đưa tin các vấn đề xã hội, cũng là người phản ánh những chuyện xã hội quan tâm, người dân phẫn uất… ví dụ như chuyện tham nhũng, mà ông Chủ tịch Hội Nhà báo lại cho rằng chụp ảnh nhà quan chức là vi phạm pháp luật thì tôi cho rằng chính ông ta đã làm nhục cái danh hiệu nhà báo".
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Khả Thành cũng cho rằng, đây là quyền của nhà báo :
"Thật sự cái đó là quyền của nhà báo mà, có gì đâu mà nói vi phạm cái này cái khác. Ông Chủ tịch Hội nhà báo dùng từ ‘nhăm nhăm’ thì tôi nghĩ không có nhà báo nào ‘nhăm nhăm’ đi làm chuyện đó, mà có lẽ trong công tác họ tình thấy việc đó… hoặc do người dân phản ánh về vấn đề đó thì họ mới chụp thôi".
Một sạp bán báo ở Việt Nam. AFP - Ảnh minh họa
Luật báo chí 2016 được ban hành ngày 05/4/2016 và chính thức có hiệu lực ngày 01/01/2017. Trong đó, theo quy định tại Điều 25 nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ Việt Nam và nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí.v.v…
Từ Sài Gòn, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận định :
"Tôi nghĩ điều 4 Hiến pháp Việt Nam đã nói rất rõ, là Đảng cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với dân, chịu sự giám sát của dân, và chịu mọi trách nhiệm với việc họ làm ra. Cũng như điều 25 của Hiến pháp đã nêu rõ, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Ngoài ra luật tiếp cận thông tin có hiệu lực tháng 7 năm 2018 có quy định rất rõ về tiếp cận thông tin, vì vậy ông Thuận Hữu với tư cách là một nhà báo, mà lại là tờ báo nhân dân, thì tôi nghĩ rằng chính ông ta đang vi phạm pháp luật khi phát ngôn như vậy".
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, luật Việt Nam không cấm nhà báo và người dân dùng thiết bị để ghi hình, định vị, để thực hiện nghiệp vụ của mình. Như luật báo chí có quy định, họ có thể sử dụng nghiệp vụ để chống tham nhũng, hay điều tra tội phạm, nhưng mà phải làm sao đừng phạm hiến định. Bởi trong hiến pháp 2013, điều 21 có quy định, mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về quyền đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, đời sống gia đình. Tuy nhiên ông nói tiếp :
"Nhưng ta có thể dùng cách khác, cái chụp hình ảnh đó người dân họ biết hết, nhà nào to, quan chức nào… làm sao qua mắt người dân… mình sẽ làm kiểu khác. Chống tham nhũng nhưng phải chính xác, có phải nhà của cán bộ đó không hay người khác đứng tên, vì cán bộ đó phải kê khai tại sao họ có. Cho nên phải có bằng cớ và phải chính xác. Cuộc chiến chống tham nhũng phức tạp, khó khăn nên mình phải cẩn trọng, vì đôi khi mình tích cực thì lại vi phạm luật".
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, cần cẩn trọng bởi vì, Việt Nam khi thông qua Bộ luật dân sự 2014, có một cái quyền là quyền cá nhân đối với hình ảnh, tức là sử dụng hình ảnh của một cá nhân thì phải được người đó đồng ý, vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao. Chỉ có những trường hợp sử dụng hình ảnh phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc, công cộng… mà không tổn hại uy tín danh dự của người đó… thì không cần xin phép.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cũng cho rằng tài sản của cá nhân được pháp luật bảo vệ và việc chứng minh nguồn gốc tài sản là của cơ quan chức năng.
Tuy nhiên Luật sư Nguyễn Khả Thành lại không đồng tình :
"Những trường hợp người ta thấy ông này ông kia tự nhiên giàu bất chính, thì những tài sản đó làm sao luật bảo vệ được. Quy định là một chuyện, nhưng làm được hay không là chuyện khác. Nếu làm nghiêm được những gì pháp luật quy định bây giờ, thì sẽ giảm bớt những cái không rạch ròi. Thành ra quy định và thực hiện nếu song hành được với nhau thì quá tốt".
Cũng có ý kiến cho rằng, những vi phạm trên mạng xã hội như lời ông Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu nêu lên thì đã có Luật An Ninh Mạng kiểm soát. Tuy nhiên cũng có lo ngại, tuyên bố của ông Thuận Hữu có phải là bước tiếp theo của Luật An Ninh Mạng để bóp nghẹt tự do ngôn luận.
Nhà báo Ngô Nhật Đăng nhận định :
"Luật An ninh mạng cũng đã có hiệu lực vài tháng rồi, như chúng ta cũng thấy, những người đưa những chuyện tiêu cực hay phản ứng trên mạng lại nhiều hơn. Thành ra tôi thấy rằng, ông Chủ tịch Hội Nhà báo nói như vậy thì theo tôi, nhà nước đã cảm thấy luật an ninh mạng không có tác dụng gì với nhân dân cả".
Luật An ninh mạng của Việt Nam được Quốc hội thông qua vào ngày 12/6/2018 với hơn 86% phiếu tán thành, và đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, bất chấp những phản đối của nhiều người dân và những quan ngại được một số tổ chức quốc tế và Hoa Kỳ đã nêu ra trước đó. Lý do phản đối vì quan ngại luật này được làm ra để xiết chặt thêm nữa quyền tự do ngôn luận của người dân.
Trung Khang
Nguồn : RFA, 31/05/2019