Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/04/2020

Gian truân nghề làm báo dưới chế độ cộng sản

Nhiều tác giả

Quy hoạch báo chí ở Việt Nam đang lỗi thời

Lynn Huỳnh, VNTB, 05/04/2020

"Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước".

Mẫu câu nằm lòng ở trên rất quen thuộc trong các nội dung thuyết giảng của cơ quan Tuyên giáo Trung ương.

lambao3

Quy hoạch báo chí ở Việt Nam đang lỗi thời

Kể từ ngày 1/4/2020, nhiều ‘tòa soạn nhật báo’ đã trở thành ‘tòa soạn tạp chí’ theo một quyết định về quy hoạch báo chí của chính phủ. Bản quy hoạch này có từ thời ông Nguyễn Bắc Son còn là bộ trưởng Thông tin và Truyền thông. Nghe đâu người chịu trách nhiệm ‘chấp bút’ bản quy hoạch đó, khi ấy là thứ trưởng Trương Minh Tuấn. Giờ thì cả hai ông quan chức này đều đang thi hành án hình sự về tội danh liên quan tham nhũng. Tuy nhiên các nội dung của bản quy hoạch báo chí đó thì gần như không thay đổi.

Nhà báo Ngọc Vinh sau khi nghỉ hưu ở báo Tuổi Trẻ hồi đầu năm ngoái, đã có nhận xét như sau : "Bản quy hoạch báo chí này đã tạo một chấn động lớn trong giới báo chí nước nhà, tạo ra những cuộc vận động ngầm lâu nay và khi nó được ký duyệt, các cuộc chạy lại khởi động. Dĩ nhiên lãnh đạo các tờ báo và các cơ quan chủ quan không ai muốn tờ báo của mình bị biến mất trên bản đồ báo chí nước nhà, nên việc vận động là đương nhiên, gấp rút, vì thời gian không còn nhiều. Năm nay, số lượng các tờ báo tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị thu hẹp chỉ còn 1/3. Và đến năm 2025, địa phương này chỉ còn duy nhất một tờ báo được phép tồn tại.

Dù có trí tưởng tượng phong phú nhất, các nhà báo cũng chưa từng nghĩ đến một thực tế là Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất và năng động nhất nước, nơi tập trung tinh thần dân chủ nhất nước, một ngày nào đó chỉ còn một tờ báo mà thôi. Rõ ràng, đề án mà chúng ta đang nói đến đã thu hẹp hoạt động của báo chí, và dĩ nhiên thu hẹp quyền ngôn luận của người dân".

Tuy nhiên đó là câu chuyện trước khi có cơn đại dịch của con virus ‘cúm Tàu’ từ bên Vũ Hán Trung Quốc hoành hành. Bởi từ ngày 1/4/2020, nhiều tòa soạn nhật báo buộc phải là tòa soạn tạp chí, song diễn biến về tin tức vẫn cập nhật liên tục về con virus có nhiều tên gọi khác nhau này. Thể loại báo chí được gọi là ‘tạp chí’ gần như đã bị xóa nhòa.

Một chút về lý thuyết. Tạp chí trên thực tế cũng là một tờ báo viết, nhưng khác với báo ở chỗ, phạm vi chuyển tải thông tin được định hình theo chiều sâu đối với  từng loại hình tạp chí.

Theo nội dung của quy hoạch báo chí mà chính phủ đã phê duyệt hôm 03/4/2019, thì khi chuyển sang loại hình tạp chí, các tờ báo buộc phải tuân thủ yêu cầu là tiếng nói của cơ quan lý luận, học thuật, khoa học, hoặc tổ chức, đoàn thể xã hội đang là chủ quản của cơ quan báo chí đó.

Khác với báo có đội ngũ tác nghiệp chủ yếu là phóng viên và cộng tác viên tích cực ở các cơ sở; đội ngũ người viết cho tạp chí chủ yếu là cộng tác viên, là những nhà khoa học, chuyên gia giàu kinh nghiệm thông hiểu các vấn đề nghiệp vụ và các biên tập viên là những nhà khoa học, chuyên gia vững về nghiệp vụ biên tập chuyên môn của từng lĩnh vực.

Nhìn chung, đối tượng phục vụ của tạp chí so với báo thường hạn hẹp hơn. Đối tượng đọc tạp chí, nhất là tạp chí chuyên ngành, cần có hiểu biết nhất định về nghề nghiệp để tiếp nhận và tham gia trao đổi, thảo luận, học tập kinh nghiệm về những vấn đề liên quan đến công việc nghề nghiệp và thông tin quan tâm.

Nếu tuân thủ nghiêm ngặt về lý thuyết nói trên, chắc hẳn trong bối cảnh thời sự nóng từng giờ về dịch bệnh, thì Việt Nam sẽ không có nhiều đầu báo kịp thời cập nhật tin tức đến với công chúng. Một khi thiếu hụt nguồn tin tức báo chí chuyên nghiệp, đương nhiên người dân chuyển sang việc tìm đọc tin tức từ các tài khoản cá nhân mạng xã hội của những nhà báo vốn quen tác nghiệp với tin tức nóng, với tuyến bài ghi nhận thời sự đời sống người dân; và những nhà báo này không nhiều khả năng viết những bài theo văn phong của tạp chí.

Rất có thể sau khi đại dịch cúm Covid-19 lui vào dĩ vãng, bình tâm ngồi kiểm điểm lại toàn bộ diễn biến, chính phủ Việt Nam sẽ nhận ra rằng bảng quy hoạch báo chí kể trên đã quá lỗi thời, không thể ‘update’ được, mà cần có một ‘hệ điều hành mới’ tương thích toàn cầu trong cách hiểu về tự do báo chí.

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 05/04/2020

****************

Người viết báo tự do ở Việt Nam bị hạn chế quyền chính trị

Nguyễn Nam, VNTB, 04/04/2020

Nội dung "Phúc đáp Kháng thư của Liên Hiệp Quốc về nhà báo Phạm Chí Dũng" trên trang Việt Nam Thời Báo (1), cho thấy đang có cách hiểu khác nhau về quyền tự do chính trị trong báo chí giữa Việt Nam với các tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc.

lambao1

Người viết báo tự do ở Việt Nam bị hạn chế quyền chính trị

Nhà báo Đặng Tâm Chánh, một đảng viên đảng cộng sản, cựu tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, nói với BBC (British Broadcasting Corporation) hôm 9/4/2019 rằng trong nền chính trị một đảng, dư luận xã hội là một công cụ sắc bén của quyền lực, và do đó cũng không lạ khi lâu nay ai cũng biết đó là nền báo chí công cụ của Đảng (2).

BBC được thành lập năm 1922 theo Hiến chương Hoàng gia Anh, và hoạt động dưới sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Phương tiện và Thể thao Anh. Đài BBC thu lợi nhuận chủ yếu bằng một khoản lệ phí truyền hình được thu từ tất cả các hộ gia đình, các công ty và tổ chức sử dụng bất kỳ loại thiết bị nào để thu lại, hoặc thu trực tiếp tín hiệu từ đài. Khoản phí này được đặt ra bởi Chính phủ Anh, được chấp thuận bởi Nghị viện Anh, và được sử dụng để gây quỹ cho các dịch vụ radio, TV và các dịch vụ trực tuyến khác của BBC bao trùm toàn bộ nước Anh.

Từ 1/4/2014, khoản phí này cũng gây quỹ cho hệ thống tin tin tức thế giới (BBC World Service), thành lập năm 1932, cung cấp các hệ thống TV, radio và các dịch vụ trực tuyến khác bằng tiếng Ả Rập, tiếng Ba Tư cùng hơn 28 ngôn ngữ khác, bao gồm tiếng Việt.

Khoảng một phần tư lợi nhuận của BBC đến từ lệ phí thương mại của BBC Worldwide Ltd., từ khoản tiền có được từ việc bán các chương trình truyền hình và các dịch vụ khác ra các nước khác, và từ hệ thống tin tức quốc tế 24/7 bằng tiếng Anh BBC World News và BBC.com, được cung cấp bởi BBC Global News Ltd.

Như vậy, có thể thấy rất rõ ràng rằng BBC được vận hành không chịu sự gò bó trong hạn chế về quyền tự do chính trị, và sản phẩm tin tức của họ được kinh doanh trên toàn cầu, mà không vấp phải một định hướng yêu cầu tuyên truyền nào từ Hoàng gia Anh.

Tương tự, với VOA, viết tắt từ Voice of America ; còn được gọi là Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, là dịch vụ truyền thông đối ngoại chính thức của chính phủ Hoa Kỳ. VOA được thành lập năm 1942, và hiến chương VOA (Luật công chúng 94-350 và 103-415) đã được Tổng thống Gerald Ford ký thành luật năm 1976. Hiến chương này có sứ mệnh "truyền phát tin tức và thông tin chính xác, cân bằng và toàn diện tới khán giả quốc tế" và nó xác định các tiêu chuẩn bắt buộc về mặt pháp lý trong cách thức làm báo chí của VOA (3).

Nhà báo Phạm Chí Dũng, nhân vật chính của "Phúc đáp Kháng thư của Liên Hiệp Quốc về nhà báo Phạm Chí Dũng" (4), là cộng tác viên thường xuyên của VOA. Ông cũng là khách mời tham gia các hội thoại trực tuyến hàng tuần của BBC.

Nhà báo Phạm Chí Dũng còn cộng tác với báo Người Việt. Theo thông tin từ tòa soạn báo, đây là nhật báo tiếng Việt đầu tiên phát hành ngoài Việt Nam, và là tờ báo tiếng Việt duy nhất phát hành 7 ngày trong tuần tại Hoa Kỳ. Năm 2004, nhật báo Người Việt trở thành tờ báo tiếng Việt đầu tiên có đăng ký kiểm toán phát hành tại Hoa Kỳ, tức là được kiểm toán số lượng phát hành bởi những công ty độc lập.

Cả ba tờ báo kể trên đều được nhà nước Việt Nam công nhận và có các trao đổi quan hệ đối ngoại về báo chí.

Từ nội dung của "Phúc đáp Kháng thư của Liên Hiệp Quốc về nhà báo Phạm Chí Dũng", tuy không đề cập đến các cơ quan truyền thông nước ngoài, song có thể thấy rằng ở Việt Nam có đời sống báo chí hạn chế về quyền chính trị đúng như nhận xét của cựu tổng biên tập Sài Gòn Tiếp Thị với BBC (2) ; và hạn chế về quyền này còn có thể được yêu cầu cả với người Việt Nam khi cộng tác với báo chí nước ngoài - trường hợp nhà báo tự do Phạm Chí Dũng đang vấp cáo buộc hình sự theo điều 117, Bộ luật hình sự là một dẫn chứng.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB,04/04/2020

Chú thích :

(1)https://vietnamthoibao.org/vntb-phuc-dap-khang-thu-cua-lien-hiep-quoc-ve-nha-bao-pham-chi-dung/

(2)https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47849572

(3)https://docs.voanews.eu/en-US-INSIDE/2016/12/05/5d1e6a53-3ed2-4c3e-b043-ecae12d9eed8.pdf

(4)https://spcommreports.ohchr.org/TMResultsBase/DownLoadFile?gId=35202&fbclid=IwAR2_kBp4t8SNrvdtCHbRyPqrpcS9QR3wGTNJObW90YwNZBRL17HLkZ_uX1Q

*******************

Tự do báo chí và "Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025"

Triệu Tử Long, VNTB, 04/04/2020

"Trong thực tế, người Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và truy cập thông tin có thể được chứng thực bởi sự tăng trưởng nhanh chóng và đa dạng của các phương tiện truyền thông đại chúng trong cả nước".

Đoạn trích ở trên nằm trong bài báo "Phúc đáp Kháng thư của Liên Hiệp Quốc về nhà báo Phạm Chí Dũng" đăng trên trang Việt Nam Thời Báo (1)

lambao2

Điều 117 nêu rõ người vi phạm sẽ bị trừng phạt theo pháp luật và thiết lập ranh giới rõ ràng giữa các hành vi phạm tội và thực hiện quyền tự do ngôn luận

Tỷ lệ giữa ‘diễn đàn’ và ‘công cụ’ ?

Theo phúc đáp kể trên, thì ở Việt Nam, "Báo chí đã trở thành diễn đàn cho các tổ chức xã hội và nhân dân và đường lối quan trọng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ và quyền tự do cơ bản. Báo chí cũng đóng một vai trò tích cực trong việc kiểm tra và theo dõi thực hiện các chính sách và luật pháp của chính phủ, đặc biệt là những người liên quan đến nhân quyền. Nhiều cơ quan báo chí và truyền thông chủ động vạch trần tham nhũng, các vi phạm nhân quyền hoặc quyền công dân và hành động bất hợp pháp. Thông qua các phương tiện truyền thông, mọi người có thể kiến nghị, bày tỏ quan điểm chính trị, và đóng góp công khai cho tất cả các vấn đề văn hóa, kinh tế-xã hội và chính trị".

Phúc đáp có đoạn biện giải về vấn đề tố tụng hình sự : "Điều 117 nêu rõ người vi phạm sẽ bị trừng phạt theo pháp luật và thiết lập ranh giới rõ ràng giữa các hành vi phạm tội và thực hiện quyền tự do ngôn luận. Điều này chỉ là với cố ý bóp méo sự thật nhằm phản đối các nhà nước và không có hạn chế nào về quyền tự do ngôn luận hoặc các quyền tự do cơ bản khác. Vì vậy, điều 117 là tương thích với điều 19 của ICCPR. Cụ thể, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận phải đảm bảo nhiệm vụ đặc biệt và trách nhiệm, bao gồm cả tôn trọng các quyền hoặc danh tiếng của người khác cũng như bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, y tế công cộng và đạo đức".

Đoạn trích phúc đáp ở trên là rất quen thuộc mỗi khi cơ quan tố tụng giải thích về nội dung của điều 117 tương thích với cách hiểu của điều ước quốc tế tương ứng.

Tuy nhiên trên thực tế thì ở Việt Nam tất cả các cơ quan báo chí được cấp phép hoạt động đều bắt buộc phải tuân thủ theo thứ tự sau đây về ‘công cụ’, và ‘diễn đàn’ ở nội hàm : "là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ; là diễn đàn của Nhân dân" - trích điều 4.1, Luật báo chí.

Tự do ‘diễn đàn tạp chí’ ?

Luật báo chí, điều 3.15 ghi : "Tạp chí điện tử là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng". Điều đó có nghĩa với tạp chí in ấn bằng giấy, cũng là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được phát hành ra thị trường qua hệ thống bán lẻ ở các sạp, hoặc bưu điện, giao nhận tận nhà…

Ở Việt Nam, để có được giấy phép báo chí, bắt buộc tờ báo/ tạp chí phải có một chủ quản là hội đoàn, và theo quy hoạch báo chí tại Quyết định 362/QĐ-TTg "Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025" của thủ tướng chính phủ (2), thì đến hết năm 2020, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước không còn cơ quan báo. Các tổ chức hội đoàn nghề nghiệp, hội đoàn chính trị chỉ được phép mỗi hội đoàn có một tạp chí.

Cụ thể, từ ngày 1/4/2020, có 18 cơ quan báo chí chuyển đổi thành tạp chí được trao giấy phép gồm : Một thế giới, Đời sống và Pháp luật, Bóng đá, Kinh tế nông thôn, Làng nghề Việt, Kinh tế chứng khoán, Sức khỏe cộng đồng, Doanh nghiệp và Tiếp thị, Mekong-Asean, Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, Thương hiệu và Công luận, Người cao tuổi, Chất lượng và Cuộc sống, Diễn đàn doanh nghiệp, Tri thức trực tuyến, Kinh tế và Đời sống, Năng lượng mới, Thời đại.

Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập tạp chí Đời sống và Pháp Luật (Hội Luật gia Việt Nam) bày tỏ : "Khi nhận giấy phép chuyển đổi, chúng tôi có những lo âu, dự định và cả những kế hoạch mới. Chúng tôi đã đi trên con đường này 19 năm, nay đổi ngã rẽ, nhưng chúng tôi xác định mục tiêu không thay đổi, phải làm sao để cơ quan hoạt động tốt, lành mạnh, làm tốt nhiệm vụ cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản, đảm bảo được công ăn việc làm cho người lao động.

Chúng tôi cũng đang đứng trước nhiều thách thức và lo âu như phải thay đổi toàn bộ phần nhận diện thương hiệu của cơ quan báo chí, thay đổi các quan hệ tài chính ra sao để không gây ra các tổn thất. Đặc biệt, các tạp chí cũng cần phải cơ cấu lại toàn bộ tòa soạn. Một tòa soạn tạp chí có cơ chế vận hành khác hoàn toàn với một tờ báo từ các kỹ năng tác nghiệp của phóng viên, cách tư duy đề tài. Để thực hiện được điều này, chúng tôi cần một thời gian không hề ngắn, có thể phải mất từ 1-3 năm".

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng băn khoăn về quy định xuất bản theo định kỳ của tạp chí. Ông Thanh cho rằng, nếu quy định máy móc về tính định kỳ của tạp chí, người làm báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo bài báo tường thuật đăng trên báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam (3), thì, "Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, báo chí là diễn đàn mang tiếng nói của Đảng, Nhà nước. Việc sắp xếp lại mạng lưới báo chí nhằm mục đích giúp các cơ quan báo chí mạnh lên, phong phú, đa dạng, nằm trong sự thống nhất.

"Trong thời kỳ cạnh tranh thông tin đi với giá trị của thông tin nhưng không gắn với mua bán thông tin. Nếu làm theo cơ chế thị trường thì đời sống của người làm báo sẽ khác. Nhưng chúng ta phải tuyên truyền theo tôn chỉ, mục đích của Đảng và Nhà nước", ông Hùng nhấn mạnh" (dừng trích).

8 triệu dân và tối đa 5 tờ báo

Trong một diễn biến khác, theo Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 2/1/2020 phê duyệt đề án sắp xếp phát triển và quản lý báo chí thành phố Hà Nội đến năm 2025, thực hiện sắp xếp 15/20 cơ quan báo chí ; riêng báo Quốc phòng Thủ đô và An ninh Thủ đô thực hiện sắp xếp theo Đề án của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Theo đó, trong năm 2020, Hà Nội sẽ dừng hoạt động 9 đơn vị báo chí, trong đó có 3 tờ báo và 6 tạp chí. Cụ thể, các báo sẽ dừng hoạt động gồm báo Màn ảnh Sân khấu, Thời báo Doanh nhân, Cựu chiến binh Thủ đô. Các tạp chí sẽ dừng hoạt động gồm Giáo dục Thủ đô, Thương gia, Hàng hóa và Thương hiệu, Tinh hoa Đất Việt, Phái đẹp (Elle), Golf Việt Nam.

Các báo Kinh tế và Đô thị, Phụ nữ Thủ đô, Lao động Thủ đô, Tuổi trẻ Thủ đô được giữ ổn định. Đối với báo Pháp luật và Xã hội, cơ quan này sẽ được sáp nhập vào báo Kinh tế và Đô thị. Báo Người Hà Nội sẽ chuyển thành tạp chí chuyên ngành Văn học Nghệ thuật. Có 3 cơ quan báo chí không phải sắp xếp là Hà Nội mới, Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội và Tạp chí Khoa học.

Như vậy, sau sắp xếp, thành phố Hà Nội còn 8 cơ quan báo chí, trong đó có 5 tờ báo, 2 tạp chí và 1 Đài Phát thanh Truyền hình. Cũng theo đề án sắp xếp phát triển và quản lý báo chí thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2021 đến hết năm 2025, thành phố sẽ hoàn thành việc sắp xếp theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông và sẽ chỉ còn tối đa 5 cơ quan báo chí.

Hà Nội là một thành phố thủ đô. Theo kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, thì Hà Nội có 8,05 triệu dân ; Thành phố Hồ Chí Minh có 8,99 triệu dân. Với dân số 8 triệu người này, nhưng chỉ được quyền có tối đa 5 tòa soạn báo chí thì rõ ràng ngay cả yêu cầu "tuyên truyền theo tôn chỉ, mục đích của Đảng và Nhà nước" cũng sắp bị hạn chế, nói chi tới chuyện là diễn đàn của công chúng.

Tái bút cần thiết dành cho "Phúc đáp Kháng thư của Liên Hiệp Quốc về nhà báo Phạm Chí Dũng"

Theo cách hiểu về tự do báo chí tại Việt Nam như nhìn nhận ở trên, đặc biệt là qua phát biểu của ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cho thấy toàn bộ cách hiểu - lập luận mà văn bản "Phúc đáp Kháng thư" thể hiện, là phù hợp với pháp luật báo chí Việt Nam.

Nhà báo Phạm Chí Dũng có thể không nhất thiết chịu sự ràng buộc về nguyên tắc ‘phải tuyên truyền theo tôn chỉ, mục đích của Đảng và Nhà nước’ như khuyến cáo của ông Lê Mạnh Hùng, vì các tòa soạn sử dụng bài viết cộng tác của ông Phạm Chí Dũng như VOA, Người Việt,… họ có cách hiểu khác hẳn về quyền tự do báo chí, về quyền tự do biểu đạt chính kiến cá nhân trong tác phẩm báo chí.

Đây chính là khác biệt trong cách nghĩ mà các Báo cáo viên đặc biệt về việc thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do ý kiến và biểu lộ ; Tổ công tác về giam giữ tùy tiện ; Báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do hội họp và lập hội ôn hoà ; và Báo cáo viên đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền, đã có phần ‘không đặc biệt lưu tâm’ khi đưa ra kháng thư về các vấn đề liên quan đến chính phủ Việt Nam.

Triệu Tử Long

Nguồn : VNTB, 04/04/2020

_________________

Chú thích :

(1)https://vietnamthoibao.org/vntb-phuc-dap-khang-thu-cua-lien-hiep-quoc-ve-nha-bao-pham-chi-dung/

(2)https://vov.vn/xa-hoi/toan-van-quy-hoach-phat-trien-va-quan-ly-bao-chi-toan-quoc-den-2025-893753.vov

(3)https://vov.vn/xa-hoi/quy-hoach-bao-chi-kho-khan-khi-chuyen-doi-tu-bao-sang-tap-chi-1017760.vov

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lynn Huỳnh, Nguyễn Nam, Triệu Tử Long
Read 561 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)