Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dạ thưa quý vị không đọc lầm đâu. 50 tỷ đồng Việt Nam, tức khoảng hai triệu USD, mỗi tháng.

bacsi1

Ảnh chụp màn hình video bác sĩ Nguyễn Viết Lượng giải thích về giảm cân và sản phẩm của Herbalife được đăng trên YouTube - YouTube

Con số này không bí mật. Nó do chính miệng Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nguyên Chính ủy Học viện Quân y, Trung tướng Nguyễn Viết Lượng khoe ra trong những sự kiện hàng chục ngàn người cả trực tuyến lẫn trực tiếp.

Mà đấy mới chỉ là thu nhập thụ động từ Hệ thống chăm sóc sức khỏe chủ động do ông Lượng xây dựng và vận hành.

Nói toẹt ra, nó chính là hệ thống bán hàng đa cấp tên Herbalife. Hệ thống này bán thực phẩm chức năng dưới những cái tên mỹ miều như thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường hỗ trợ chức năng hoàn toàn làm bằng các chất tự nhiên Ông Lượng khoe công khai rằng ông có mạng lưới 120.000 coach/huấn luyện viên sức khỏe làm việc dưới trướng. Thu nhập thụ động 50 tỷ đồng của ông ở Herbalife, là từ mạng lưới này.

Phó Giáo sư dụ khách hàng cũng phải "out trình"

Với cái mác của một bậc thầy ngành y, đã thế còn trong quân đội, ông Lượng cực kỳ thành công trong việc cung cấp cách thức để đội ngũ "coach" đông đảo của mình chiêu dụ khách hàng mua thực phẩm chức năng.

Ví dụ, bạn đang thừa cân nhưng không thể giảm ăn. Bạn cũng đã thử ăn chế độ low carb, ít tinh bột nhưng lại bị hoa mắt chóng mặt. Chồng bạn bị gút (gout) nhưng không thể giảm ăn thịt đỏ. Bạn phàn nàn và ở đâu đó, một "coach" hoặc sắp thành coach sẽ nghe thấy bạn.

Họ nói ôi anh/chị cũng bị y như em, mà mấy tháng nay anh/chị theo bác sĩ này, giảm ngoạn mục luôn.

Dĩ nhiên, bạn háo hức.

"Họ kỹ lưỡng mà chu đáo lắm. Bán sản phẩm dinh dưỡng để mình uống vào chữa bệnh hay là giảm cân, nhưng không phải ai họ cũng bán đâu. Mình phải học một khóa học online, coach hướng dẫn cho mình các nguyên tắc dinh dưỡng. Học hết khóa họ kiểm tra thấy mình hiểu và nắm rõ mới bán cho mình cơ"-khách hàng kể.

Khóa học gồm 10 video mà coach sẽ tuần tự gửi mã đăng nhập cho khách hàng sau khi nhận đủ tiền.

"Hay quá anh ơi, họ hướng dẫn cặn kẽ lắm"- khách hàng xuýt xoa.

Tôi thử tìm nội dung của các hướng dẫn. Ra nguồn : Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nhưng WHO thì chia sẻ kiến thức miễn phí và khuyến khích lan tỏa cho cộng đồng, còn mạng lưới của Phó Giáo sư Tiến sĩ Bác sĩ, nguyên Chính ủy Học viện Quân y Nguyễn Viết Lượng thì cắp về, pha trộn tinh vi với nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng. Rồi bán nó với giá ba triệu đồng.

Thế thì hay quá đi chứ lị ! Ai so được với thầy !

Tuy nhiên đoạn hấp dẫn nhất vẫn còn ở phía sau

Kiến thức chuẩn từ đội ngũ các nhà khoa học của WHO không bao giờ khẳng định chắc nịch rằng một bệnh xuất hiện hoàn toàn do cách thức ăn uống của một người. Các nhà khoa học luôn đưa ra các con số nghiên cứu nhiều mặt, thậm chí có những nghiên cứu mang lại kết quả khác nhau, từ đó khuyến cáo tổng hợp các phương pháp nâng cao sức khỏe nói chung. Riêng việc chữa bệnh, tuyệt đối phải trao vào tay những người được đào tạo bài bản, hiểu rõ nguyên lý hoạt động của cơ thể và luôn luôn cập nhật kiến thức từ sự phát triển của y học và khoa học thế giới.

Nhưng đấy là bọn khoa học. Toàn trí thức to đầu to tim đi làm việc không công cho xã hội, cộng đồng. Bọn ngờ nghệch, dại dột !

Chúng ta là những người bán hàng đa cấp thì phải khác. Chúng ta phải ấn vào đầu bọn khách hàng rằng thực ra chữa bệnh rất đơn giản, ai cũng làm được (miễn có tiền-câu này thì chỉ thì thầm trong miệng thôi !). Chỉ cần uống một hộp này, ăn hai hộp kia, xoa ba hộp nọ… là trăm bệnh khỏi tiệt. Lại đẹp ra, trẻ lại, cải lão hoàn đồng. Không đau đớn, tiêm chích, mổ xẻ. Không thích thì dừng lại, bao giờ thích lại uống, chả sao cả. Không như bọn bác sĩ mặt khó đăm đăm bắt người ta tuân thủ liệu trình với phác đồ, mệt gần chết.

"Mua ở chỗ khác chất lượng không đảm bảo, chúng tôi không chịu trách nhiệm. Chỉ nên mua ở công ty chúng tôi, mua qua các coach đang chăm sóc sức khỏe cho bạn" - Họ nói.

Bạn trông thấy toàn giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, nhà khoa học danh tiếng to đùng ngã ngửa xuất hiện trong các cuộc hội thảo của "Hệ thống chăm sóc sức khỏe chủ động". Ôi giời ơi không tin vào các bác thì còn tin vào ai nữa. Đây em ơi tiền đây !

- Nhưng phải dùng đúng, dùng đủ, dùng đều nhé anh chị (ý văn học là không được bỏ ngang, phải đều đều mỗi tháng đều mua dùng. Coach bảo mua tám hộp thì cấm được kỳ kèo bảy hộp thôi, nghe chửa ?).

- Vâng em ơi, cam kết luôn. Tiền đây em !

Thế là thay vì phở, hủ tiếu, cháo sườn, cơm tấm xà bì chưởng, bánh mì ốp la…, giờ mỗi sáng bạn sẽ xúc ba thìa "bột dinh dưỡng" pha vào nước uống. Bữa trưa bạn ăn gì phải chụp hình gửi cho coach, để coach chỉ vẽ cách ăn (thường là bảo giảm xuống, cả lượng và chất). Mà tốt nhất là không ăn thông thường mà hãy dùng như bữa sáng. Bữa chiều bạn lại pha mấy thìa "bột thần" uống thay bữa tối. Nếu bạn tuân thủ nghiêm ngặt chế độ này, họ đảm bảo mỗi tháng bạn giảm ít nhất bốn, năm ký. Bạn sướng quá, vì đúng thế, sau một tháng bạn đã giảm luôn tám ký. Thế này thì khoảng chục triệu mua mấy cái hộp ấy xứng đáng quá-bạn rên lên.

Vâng, cả ngày không được ăn gì mà chỉ uống vài thìa chất xơ kèm ít vitamin và đạm, thì giảm tám ký là ít đấy. Ăn thế vài tháng nữa thì thành Kate Moss ấy chứ !

Thành phần dinh dưỡng của Herbalife chỉ bằng 1/3 hoặc 1/4 trong một viên vitamin thông thường bán đầy ở hiệu thuốc, giá 4.000 đồng. Nhưng vào "Hệ thống…" và với công lao thổi kèm thông tin nửa thật nửa giả của ông Lượng và các "coach", nó được đẩy giá lên gấp mấy chục lần.

Vào tháng 3/2022, Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, Chính ủy Học viện quân y, Trung tướng Nguyễn Viết Lượng đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cảnh cáo do liên quan đến vụ Kit xét nghiệm Covid của Việt Á. Đu cùng Trung tướng là cả dàn Phó giám đốc Viện nghiên cứu Y dược, Chánh văn phòng, bí thư chi bộ, phó bí thư chi bộ, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trưởng phòng Tài chính, Trưởng Ban hóa dược, Trưởng phòng Trang bị-vật tư…

Nhưng nguồn thu thụ động 50 tỷ đồng/tháng của ông Lượng thì không ai làm suy suyển được, vì nó không phạm pháp.

Chuyện đấy liên quan gì đến con rắn ngậm phong bì ?

Rất liên quan ở chỗ ông Lượng cũng chính là bác sĩ.

Bác sĩ "this", bác sĩ "that". Người ta giàu ức vạn, còn bọn "tấm lòng son" ?

Đây là bài thứ ba, tiếp theo hai bài về "bánh trôi nước" mà chúng tôi đã hết sức khẩn thiết khuyên những ông bố bà mẹ đang khát khao cho con đi học bác sĩ vì oai và hy vọng có tương lai giàu có ĐỪNG ĐỌC.

Bác sĩ, lý do nào khiến em và gia đình chọn trường Y ?

- Có người tin cậy để chăm sóc sức khỏe cho toàn gia đình.

- Không trước thì sau sẽ giàu.

- An toàn trước biến động chính trị. Không ai không cần chữa bệnh cả.

- Đi nước ngoài không khó, sống khỏe.

- Ước nguyện cứu người.

Trong số hàng ngàn sinh viên Y mới bước vào trường cũng như hàng ngàn bác sĩ đa khoa vừa ra trường, đều có tất cả các động cơ trên.

Em đã đi làm vài năm trong bệnh viện. Thực tế đã đập vào mặt em : giám đốc, trưởng khoa… ai cũng giàu có. Nhà cửa, đất đai, phòng khám, xe hơi, hàng hiệu, con du học nước ngoài. Nhưng em, hay các bác sĩ đa khoa mới ra trường đàn em thì vẫn bạc mặt trực đêm, hàng tháng trông mong vào tiền thu nhập tăng thêm của bệnh viện bù đắp khoản lương cứng ít ỏi. Cho dù nó cũng trồi sụt như tâm trạng của em khi đi xin việc vậy. Giám đốc bệnh viện có thể cắt khoản tiền này nếu các em không bỏ bệnh nhân để tham gia cuộc họp vớ vẩn nào đó ban lãnh đạo tổ chức. Ông ta bắt các em phải tìm mọi cách kiếm tiền cho bệnh viện : ép/nài bệnh nhân dùng thủ thuật y tế hay các dịch vụ y tế dù không thực sự cần thiết, thậm chí phải đặt suất ăn bệnh viện dù họ không muốn ăn. Dùng các loại thuốc mà hãng dược sẽ cắt lại hoa hồng cao.

Em nhìn thấy những đàn anh đàn chị tham gia làm coach với ông Nguyễn Viết Lượng này và những ông Nguyễn Viết Lượng khác. Chính mắt em trông thấy ông ấy khoe thu nhập 50 tỷ hàng tháng. Em thấy các bác sĩ giỏi bỏ đi đến những bệnh viện trả lương cao hơn, hay các phòng khám tư nhân khấm khá.

Em từ từ tỉnh ra.

Mẹ hiền ? Không phải.

Mẹ mìn ? Cũng không phải.

Em không phải mẹ hiền của người bệnh - mẹ ruột muốn hiền cũng phải no bụng cái đã. Em cũng không muốn làm mẹ mìn. Thế thì em làm những gì không vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhé : em nhận kê toa thuốc mà các hãng dược yêu cầu. Mỗi loại thuốc có hàng chục tên, hàng chục hãng sản xuất. Người bệnh uống thuốc A cũng có hiệu quả điều trị gần như uống thuốc B, trừ một số tác dụng phụ. Nhưng thuốc B đã quá phổ biến và rẻ tiền nên hãng dược không chạy quảng cáo nữa. Em cần kê cho họ thuốc A. Hãng dược sẽ chi hoa hồng cho em.

Em cũng có thể làm như một số bạn bè. Luôn tươi tỉnh, thường xuyên hỏi chuyện người bệnh, cho số điện thoại, thỉnh thoảng gọi hỏi thăm. Được bác sĩ điều trị quan tâm thì còn gì bằng. Họ sẽ nhờ em tư vấn thuốc thang, dịch vụ y tế, thậm chí nhờ em mua thuốc rồi gởi tận nhà, để họ không phải cất công đi hàng trăm cây số chờ chực. Em nhân tiện gợi ý họ dùng vài loại thuốc, vài loại thủ thuật, vài loại dịch vụ bệnh viên đang cung cấp (dù họ không thực sự cần). Họ sẽ gởi phong bì cảm ơn em. Bệnh viện sẽ trích cho em hoa hồng trong tất cả dịch vụ, thủ thuật đó. Bệnh nhân tự nguyện mà. Em không làm hại ai cả. Cả ba cùng vui. Người bệnh lại sẽ giới thiệu em cho bạn bè, gia đình, người thân, người quen. Nguồn thu của em gấp bội lương cứng, là từ đó mà ra.

Đấy là những khoảng mờ mờ, xam xám, không hoàn toàn trắng trong thuần khiết như khi em hình dung về nghề Y, nhưng cũng không đen ngòm như người ta mường tượng về "lang băm".

Ở những nơi công khai minh bạch, việc thân thiện, giải thích chu đáo về tình trạng sức khỏe với người bệnh chính là trách nhiệm của bác sĩ. Nhưng ở bệnh viện công, em không có thời gian làm điều đó. Người bệnh quá đông. Mà có thời gian thì em cũng chẳng làm. Bệnh viện có trả tiền cho em vì sự tận tụy này đâu !

Nhìn quanh, nhìn lên trên, em càng thấy mình đã quá ngu ngốc khi cố giữ lời thề Hypocrat. Vụ trưởng Bộ Y tế, em chồng của bà cựu Bộ trưởng Y tế… đều có tên trong những đại công ty dính án buôn bán thuốc giả. Bộ trưởng đi tù, Giám đốc CDC đi tù, Giám đốc bệnh viện đi tù… toàn liên quan đến các vụ ăn hối lộ. Em chỉ là một bác sĩ quèn, em trong sạch cho ai, khi con em đói, cha mẹ em thiếu tiền chữa bệnh ?

Môi trường xung quanh cũng không cho em giữ sự trong sạch. Ở nhiều bệnh viện miền Bắc, nếu em không nhận phong bì từ người bệnh, bộ phận kế toán của Khoa sẽ hỏi thẳng em : "Bệnh nhân của bác sĩ sao chưa thấy đưa gì ?". Nếu em nói em không nhận phong bì của bệnh nhân, có hai khả năng xảy ra : thứ nhất, họ không tin mà cho rằng em đã ém lại để xài một mình, trong khi nguyên tắc ngầm của bệnh viện là phải chia cho cả khối hành chính. Thứ hai, họ theo dõi, kiểm tra và biết rằng em thật sự không nhận phong bì của người bệnh. Có nghĩa nguồn thu "dưới gầm bàn" từ phía em là số 0. Họ sẽ không dành cho em các sắp xếp cần thiết như phòng mổ, thiết bị vật tư y tế… Bệnh nhân mà em điều trị thường xuyên bị thiếu thuốc, cần mổ thì không có phòng hoặc vô cùng chậm trễ. Chỉ vài lần như thế, em đành phải buông. Buông khỏi nguyên tắc và lời cam kết với bản thân, để dấn vào guồng máy hối lộ ngấm ngầm nhưng công khai đó. Hoặc em buông tay khỏi nơi chốn đó. Thậm chí, khỏi nghề Y.

Nhưng ngay khi em ký tên vào bản hợp đồng với trình dược viên để kê thuốc hay bán thực phẩm chức năng cho người bệnh, con rắn quấn trên cây gậy, biểu tượng của sự lý trí, khoa học và giúp ích của ngành Y đã bắt đầu phun nọc vào lòng em. Tấm lòng son của chiếc bánh trôi trong trắng đã trượt đến bến bờ màu mực tàu.

Trong khi đó các tiền bối của em, các Giáo sư Tiến sĩ, nhà khoa học đầu ngành, Bộ trưởng Y tế, các đại biểu Quốc hội… (trước khi nối đuôi nhau vào tù), vẫn đang mải cười tươi khi báo chí chụp ảnh ca ngợi những "thiên thần áo trắng", và chuông trống kèn sáo, à nhầm, dàn nhạc trỗi lên giai điệu rung động lòng người.

Thì các em đúng là thiên thần mà ! Có ai từng thấy thiên thần ăn uống, chửa đẻ bệnh tật, rửa bô cho cha mẹ già yếu chưa nào ?

Nguyễn Hoàng Mai

Nguồn : RFA, 06/10/2022

Tham khảo :

Bài 1 : Bác sĩ mới ra trường là cái bánh trôi nước

Bài 2 : Bánh trôi nước ơi, trong phong bì có gì ?

https://www.baolaocai.vn/bai-viet/354770-ky-luat-trung-tuong-nguyen-viet-luong-va-hang-loat-can-bo-hoc-vien-quan-y

https://thitruongthuoc.com/chuyen-gia-dinh-duong-canh-bao-giam-can-voi-tpcn-herbalife-nguy-hai-the-nao

https://danviet.vn/hab-gioi-thieu-he-sinh-thai-cham-soc-suc-khoe-chu-dong-va-ra-mat-cong-dong-song-khoe-cung-tieu-duong-5020204614610257.htm

https://tuoitre.vn/benh-vien-cho-ray-khong-co-nguon-tai-dau-tu-bac-si-phai-ganh-nhieu-viec-20220930121252879.htm

https://baohatinh.vn/y-te/bac-sy-roi-co-so-y-te-cong-va-thach-thuc-ve-bai-toan-nhan-luc-bai-2-thu-nhap-thap-co-la-ly-do-chinh-khien-bac-sy-nhay-viec/237448.htm

https://tuoitre.vn/bac-si-co-so-lam-25-nam-thu-nhap-hon-6-trieu-phu-cap-25-000-dong-ca-truc-20220823222930435.htm

Published in Diễn đàn

Bánh trôi nước ơi, trong phong bì có gì ?

Nguyễn Hoàng Mai, RFA, 27/09/2022

Đây là bài tiếp theo bài "Bác sĩ mới ra trường là bánh trôi nước" (*). Bài trước chúng tôi trình bày về những cánh cửa (cao ngất, đóng kín, treo lủng lẳng bốn, năm ổ khóa) mà bác sĩ đa khoa mới ra trường ở Việt Nam phải tìm cách trèo vào. Mở ra. Vượt qua. Để tìm được một nơi nhận em vào làm việc, để em được thực hành những kiến thức em đã học ở trường Y.

y1

Một bác sĩ đang khám một bệnh nhân dịch cúm lợn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương ở Hà Nội ngày 11/6/2009 (hình minh họa) - AP

Thế rồi cái gì cũng qua. Chạy ba bốn trăm triệu, cắn răng làm không lương suốt vài năm, chịu sai vặt, chịu khinh thị… cùng lắm không thể tìm được việc ở gần cha mẹ thì em Nam tiến. Không như miền Bắc thường phải đút lót vài trăm triệu mới được nhận, miền Nam nhận em vào làm việc không cần chạy tiền, nhưng em phải làm cật lực mới đủ ăn. Nhưng cho dù trầy vi tróc vẩy, trượt đầu gối, thương tích đầy mình… bao nhiêu đi nữa, em cũng phải gồng mình trèo qua cánh cổng. Cuối cùng em cũng tìm được một bệnh viện tuyến huyện vùng sâu vùng xa. Họ đang thiếu nhân lực trầm trọng nên sẵn sàng nhận bác sĩ đa khoa mới ra trường, chưa có chứng chỉ hành nghề (đây là điều kiện bắt buộc để bác sĩ được đứng tên khám chữa bệnh).

Em được đi làm rồi mọi người ơi !

Ấy thế mà vào được bệnh viện, thậm chí có chứng chỉ hành nghề, có chuyên khoa I rồi, em vẫn chưa chắc thoát kiếp bánh trôi nước.

Nếu may mắn, công việc đầu tiên em sẽ làm là thợ trực

Nghĩa là em nhận trực đêm thay cho các đàn anh, đàn chị trong bệnh viện. Hầu hết họ đều đã có phòng khám riêng, có khách hàng. Nên hết giờ làm ở bệnh viện, anh chị phải tức tốc chạy về phòng khám. Tháng vài buổi trực ở bệnh viện thì lấy ai ở nhà "câu cá ?". Thành ra họ thuê em trực thay, dưới tên họ. Thù lao buổi trực, em nhận. Khoảng 65.000 đ/người/phiên trực, theo quy định của Nhà nước. Ít nhưng còn hơn không có. Cả hai đều có thêm tiền sinh sống. Ai cũng bằng lòng.

Trực đêm thường cũng nhàn nhã. Em đi một vòng chăm sóc người bệnh, thuốc thang thì đàn anh đã kê toa đầy đủ, có điều dưỡng lo cho bệnh nhân uống thuốc, em chỉ việc theo dõi tình trạng của họ. Họ có yêu cầu thông thường gì thì em cố gắng xử lý. Nếu liên quan đến điều trị, vượt khỏi khả năng xử lý của em, em liên lạc gọi điện thoại, đàn anh chỉ dẫn cho em làm theo. Nếu có sự cố lớn hơn nữa, cấp bách, em lập tức gọi điện cho đàn anh vào ngay bệnh viện.

Cũng có những sự cố bất khả kháng mà khi đàn anh rời phòng khám vào được bệnh viện thì hậu quả đã xảy ra rồi, bệnh nhân không kịp cấp cứu. Nhưng đấy là câu chuyện khác. Trong phạm vi bài này chúng mình chỉ nói đến thu nhập và việc làm của em.

Làm thợ trực nghĩa là mỗi tuần em có ít nhất hai đêm trong bệnh viện. Em làm ban ngày, đêm em trực. Em trực phần của em, rồi em trực thay cho một hoặc vài anh chị nữa. Theo quy định, kết thúc một phiên trực đêm thì em được nghỉ 8 tiếng, 12 tiếng hoặc 24 tiếng tùy theo ca làm việc ban ngày, quy mô và nhân lực bệnh viện. Bạn bè khá giả hơn có thể dành thời gian đó để về nhà ngủ, nghỉ ngơi hoặc học thêm, làm thêm. Nhưng do em là "thợ trực" nên công việc của em sẽ liên miên mãi không dứt. Em sẽ không còn đủ sức khỏe, hoặc mặc kệ mẹ bệnh nhân, cứ đêm đến, bệnh nhân uống thuốc xong thì em ngủ, có sự cố thì điều dưỡng sẽ gọi em dậy. Người chứ có phải trâu đâu !

Nhưng, em sẽ không có thời gian và sức lực để học thêm, nghiên cứu, thực hành y khoa thêm. Em cũng sẽ không còn thời gian - mà em cũng chẳng có tiền - để duy trì các mối quan hệ cũ, tìm thêm các mối quan hệ mới. Em sẽ hầu như chỉ có bạn bè là bạn học phổ thông hoặc cùng đại học để chat trên mạng xã hội cho đỡ buồn, chia sẻ tâm sự và giúp nhau tìm cơ hội mới. Em trở thành một cái máy, nghiến răng lại mà sống. Vài năm như thế, em cùn mòn kiến thức và cả niềm say mê cuộc sống.

Bạn bè em cũng thế

- Em tốt nghiệp năm 2021, làm một năm, bệnh viện tuyến tỉnh. Hiện lương của em là 1.980.000 đ/tháng (85% của hệ số 2,34, bậc viên chức trình độ đại học bậc 1, theo thang bảng lương Nhà nước). Tuần này em trực thứ tư, làm sáng trưa chiều tối. Qua hôm nay thứ năm em làm từ sáng tới trưa được nghỉ 20 phút ăn cơm, xong làm tiếp tới 5 giờ chiều. Một tuần em trực hai-ba ngày, chế độ trực là 0 đồng/đêm trực. Thời gian trực 24 tiếng nhưng em chỉ được trả công cho tám tiếng làm ban ngày. Đến giao ban, em xin Khoa cho em chế độ là em đã trực 24 giờ/ngày thì được ra trực vào hôm sau. Thì kết quả là trong buổi giao ban, Trưởng khoa nói em không có tinh thần học tập, em phải học từ cô lao công bệnh viện trước cầm từng cái giẻ lau nhà. "Em làm được thì làm, không thì tôi xin trả em về Phòng tổ chức" - người ta nói vậy đó.

- Mình làm tuyến huyện, khoa Chẩn đoán hình ảnh, lương 2,34 x 1.490 + 40% độc hại ngành. Ngày siêu âm cỡ 50-60 bệnh nhân. Trực mỗi tuần hai đến ba buổi, ngoài ra trực thường trú đọc film CT nguyên tuần. Xin nghỉ trực đúng chế độ thì bị bảo là không có tinh thần cống hiến ! Chưa kể trực thứ bảy, chủ nhật còn một mình làm từ A-Z, đọc hình ảnh, siêu âm. Nếu mọi người đều làm việc như mình thì mình cũng bằng lòng thôi. Nhưng lại có người làm ít nhưng lương vẫn như mình. Khi mình nói thì bảo do em học nhiều hơn nên phải làm nhiều hơn.

- Giờ ai vào làm 18 tháng (để xin xác nhận thực hành, điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề) cũng bị bóc lột sức lao động lắm anh chị ạ. Em đi có khoa bắt trực ba buổi một tuần từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều, còn trực đêm từ một đến hai buổi. Lịch trực còn dày hơn bác sĩ cơ hữu của bệnh viện. Nên nhiều lúc cảm thấy nếu mình làm có lương thì đỡ tủi hờn hơn. (Giải thích của người viết : nhiều bệnh viện nhận bác sĩ đa khoa vào thực hành 18 tháng, thu tám triệu học phí/người).

Không phải ai cũng tủi hờn như em. Có những nhận định đầy kinh nghiệm từ các anh chị đi trước của em, chỉ vài dòng nhưng phanh phui tận gốc chân của cái lý :

Miền Bắc thì "ấm" từ chân lên đầu, miền Nam phải cày khắp nơi mới đủ sống

Kinh nghiệm của những người đi trước :

- Vào được bệnh viện miền Bắc mất tiền ban đầu nhưng lại… "ấm" từ chân lên đầu, "ấm áp" đến cả người thân, người quen, bạn bè, thậm chí "ấm" đến cả đời sau. "Ấm" rồi thì biết thân biết phận, đảm bảo không có bất cứ ai chia sẻ điều gì hết. Có chăng chỉ nói lời đạo lý !

Bệnh viện miền Nam thì không mất tiền xin việc nhưng làm thật ăn thật. Muốn đủ sống phải bỏ công bỏ sức đi cày khắp mọi nơi, mọi phòng khám ngoài giờ, mọi công việc… mới đủ trang trải.

Đầu tư ban đầu ở miền Bắc chi phí cao nhưng nếu thành công thì chỉ cần làm việc ở một nơi duy nhất là đã đủ, thậm chí dư dả. Vào Nam thì không mất phí đầu tư nhưng xác định tiền vận và trung vận của cuộc đời chỉ như lao động phổ thông, làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu, hiếm có đút lót. Đến hậu vận may ra mới có thu nhập bằng bác sĩ ngoài Bắc "chạy" việc thành công.

Bạn không "chạy" việc thì "suất" của bạn vẫn được lưu chuyển từ người này qua người khác. Cơ hội việc làm ở miền Bắc không bao giờ rõ ràng rành mạch và dành cho số đông đâu. Điều này đi ngược lại hoàn toàn bản chất của ngành y tế, là ngành nghề mang tính chất toàn dân. Bác sĩ phải được đào tạo theo lộ trình, có lớp trẻ và xây dựng lớp kế cận, tập trung vào y học dự phòng, truyền nhiễm và cấp cứu. Chứ không phải cố giữ vị trí cho con cháu, mặc kệ khoa phòng thiếu người hay đổ xô đi những chuyên ngành "hot".

- Bạn chị, nhà cũng phản đối vào Nam nhưng vẫn ráng vào vài năm. Có chứng chỉ hành nghề, có chút kinh nghiệm vững vàng rồi lại ra Bắc chăm lo gia đình và làm việc cũng đỡ hơn. Nếu em lo vấn đề chi phí ăn ở thì có thể chọn những bệnh viện ngoại thành như bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi hay các bệnh viện quận huyện. Ở Sài Gòn các bệnh viện quận huyện cũng đông lắm, cả ngàn giường. Lương cũng same same 10 triệu (tính cả tiền ngồi phòng khám). Và hơn hết là đồng nghiệp anh em nhiệt tình chỉ dẫn, điều dưỡng tôn trọng bác sĩ. Không có bon chen như ngoài Bắc đâu.

Em bắt bệnh nhân mua suất ăn bệnh viện đi, rồi em sẽ được chia tiền

Lương cứng của bác sĩ đa khoa mới ra trường là gần hai triệu đồng. Phần này hầu hết không nhiều anh chị đã có năm, bảy năm đi làm quan tâm vì nó chỉ là một phần của tổng thu nhập. Bệnh viện sẽ chia thu nhập tăng thêm cho em. Đó là phần tiền từ chi phí thủ thuật, dịch vụ và các khoản kinh doanh khác. Ban giám đốc thu lại và quyết định chia cho nhân viên theo các điều kiện họ đặt ra.

Ở những bệnh viện lớn tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… bệnh nhân nội trú đến từ khắp nơi. Những người nhà xa thường sẽ đặt suất ăn ở bệnh viện luôn cho tiện. Nhưng đây không phải điều kiện bắt buộc của bệnh viện. Tuy bác sĩ đều khuyên bệnh nhân ăn uống đủ chất, đủ lượng để cơ thể nhanh phục hồi sau bệnh, nhưng tất cả đều phải phụ thuộc tài chính, sở thích, hoàn cảnh và đặc điểm của từng bệnh nhân. Bệnh nhân quyết định ăn uống như thế nào, đặt phần ăn ở bệnh viện, người nhà nấu mang lên, tự ra quán ăn hay nhận phần cơm từ thiện… đều là quyền của họ. Không Ban giám đốc nào được yêu cầu bệnh nhân phải mua phần ăn từ căng tin bệnh viện mình như một điều kiện khi vào điều trị.

Thế nhưng ở bệnh viện rất to nọ tại Thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ được yêu cầu phải "đạt chỉ tiêu" bệnh nhân nội trú đặt suất ăn ở bệnh viện thì nhân viên trong khoa mới được chi tăng thêm. Cụ thể, trong quý này mỗi khoa phải đạt 20% bệnh nhân nội trú đặt phần ăn ở bệnh viện. Bằng cách nào thì tùy : thuyết phục, vận động, nài nỉ, hăm dọa… không cần biết. Căng tin bệnh viện sẽ chia lại một phần (không biết là bao nhiêu) cho quỹ bệnh viện, "thu nhập tăng thêm của anh em chúng ta nằm ở trong ấy". Dĩ nhiên không thể thiếu phần (không ai biết là bao nhiêu) cho các lãnh đạo.

Bác sĩ, điều dưỡng, lao công, kỹ thuật… tất tất nhân viên y tế phải năn nỉ bệnh nhân đặt mua suất ăn ở bệnh viện cho đủ chỉ tiêu. Thế đã nhục lắm rồi. Ngờ đâu, đến quý sau giám đốc thấy dễ ăn quá vì khoa phòng nào cũng đạt chỉ tiêu, liền nâng lên 30%.

Họp giao ban anh em bất bình quá, kêu gào mãi mới giảm được xuống còn 25%.

Thế nhưng tháng ấy nhân viên bệnh viện chỉ được tăng thêm 100.000 đ/người. Họ bèn mặc kệ lời dọa dẫm và hứa hẹn của giám đốc. Kệ mẹ, không muối mặt nữa.

Năm 2018, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết 03, quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý. Đến nay nghị quyết này đã qua vài lần sửa đổi. Theo đó, từ năm 2022 (…) hệ số thu nhập tăng thêm không vượt quá 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ.

Tức là nếu mỗi nhân viên được hưởng hệ số tối đa là 1,8 thì cũng không được đến gấp đôi tiền lương. Lý tưởng thì bác sĩ đa khoa mới ra trường sẽ được nhận khoảng 3,4 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên đây vẫn là con số trong mơ. Vì quy định cho phép xê xích hệ số từ 1,2 đến 1,8 nên có những bệnh viện lớn ở ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh chơi một trò rất đặc sắc. Họ không bao giờ đánh hệ số cao nhất 1,8 cho nhân viên, mà chỉ loanh quanh từ 1,2 trở lên. Không vi phạm quy định của thành phố mà, đúng không ?

"Vi diệu" hơn, có giám đốc bệnh viện còn quy định chỉ 70% tổng số nhân viên mỗi khoa được hưởng tỷ lệ này. Những người này được tặng danh hiệu rất thơm tho là "đạt thành tích xuất sắc".

Có nghĩa là dù tất cả nhân viên trong khoa phòng đều nỗ lực làm việc và đạt thành tích tốt nhất thì trong tháng ấy, vẫn có 30% số người buộc phải chịu đánh giá thành tích "tốt" chứ chưa được "xuất sắc", và không được hưởng phụ cấp tăng thêm.

Anh em nhân viên các khoa phòng đành phải đối phó với "cái bụng đói" của giám đốc bằng cách luân phiên số người "xuất sắc". Tháng này anh "xuất sắc" rồi thì tháng sau chỉ được quyền "tốt" thôi. Để mọi người đều được chia phần thu nhập tăng thêm một cách gần công bằng nhất. Với họ !

Trong khi đó, giám đốc bệnh viện mở phòng khám riêng, dĩ nhiên các bác sĩ giỏi trong bệnh viện cũng phần lớn sẽ được yêu cầu làm thêm ở phòng khám này. Thử không đồng ý xem ?

Các lãnh đạo bệnh viện mua đất, mua nhà, nuôi con đi học nước ngoài, đầu tư khắp chỗ. Đúng là nếu chỉ nhìn vào đời sống giám đốc các bệnh viện công, ta có thể rưng rưng nước mắt thốt lên "chủ nghĩa xã hội đã thành công ở Việt Nam rồi".

Cũng trong khi đó…

y2

Một nhân viên y tế dọn giường bệnh tại một bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Hà Nội hôm 30/8/2021. AFP

Tiền ăn chống dịch từ năm ngoái, năm nay chưa đến tay

Lãnh đạo gần giỏi hứa, lãnh đạo xa càng giỏi hơn. Năm ngoái, trong cao điểm dịch, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và trung ương nói rất nhiều lời tri ân cao đẹp về các "thiên thần áo trắng". Không rõ trong số các vị lãnh đạo ấy có ai biết rằng đến tận hôm nay, rất nhiều bác sĩ Thành phố Hồ Chí Minh đi chống dịch tại các trạm y tế lưu động từ tháng 5/2021 vẫn chưa được nhận tiền ăn, theo quy định là 120.000 đ/người/ngày. Mới gần năm rưỡi thôi chứ mấy !

Tiền phụ cấp chống dịch thì họ chưa được nhận từ tháng 5 đến nay. Cũng mới gần nửa năm thôi chứ mấy !

Nghĩa là các nhân viên y tế đã phải dùng tiền nhà cho việc công. Mà trong năm ngoái, đó là công việc đối diện trực tiếp với cái chết.

Cách đây vài ngày, cả ngành y Việt Nam và ngoài ngành bò lăn ra cười vì biểu tượng con rắn quấn quanh cây gậy của ngành y đã bị biến thành con rắn ngậm phong bì và nhìn giống đồng đô la.

"Bánh trôi nước" ơi, trong phong bì ấy chứa gì ? Tiền cho lãnh đạo và đơn nghỉ việc của nhân viên, có phải chăng ?

Nguyễn Hoàng Mai

Nguồn : RFA, 27/09/2022

***************************

(*)Bác sĩ mới ra trường là cái bánh trôi nước

Nguyễn Hoàng Mai, RFA, 25/09/2022

Ý này là của một bác sĩ đã ra trường vài năm, đang làm việc tại một bệnh viện công.

y3

Một bác sĩ bế em bé sau phẫu thuật tại bệnh viện Việt Nam Cuba ở Hà Nội hôm 18/11/2014 - Reuters

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương viết :

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

...

(Trích bài "Vịnh bánh trôi nước")

Rắn (cứng), nát (mềm), mặc dầu (tùy thuộc vào). Nghĩa là bản thân chiếc bánh trôi không thể tự quyết định thân phận mình. Cứng hay mềm, nó hoàn toàn phụ thuộc vào bàn tay kẻ nặn ra nó. Và tuy còn trong trắng chưa ám khói đời, nó đã phải chịu cảnh ba chìm bảy nổi, bị đời bóp nặn, dập vùi.

Cảnh báo các cha mẹ muốn cho con đi học Y vì oai, vì nghĩ bác sĩ giàu có… đừng đọc bài này.

Con đường vào đời của các bánh trôi nước

Sau sáu năm học Y, thuộc lòng vài trăm quyển sách chuyên ngành dày cộp, cuộc sống chỉ là vòng tròn tẻ nhạt giữa giảng đường-bệnh viện-nhà xác, và thức đen mắt ở thư viện để học bài, nay em đã tốt nghiệp. Từ nay hãy gọi em là bác sĩ !

Ôi hai tiếng bác sĩ danh giá làm sao. Nó khiến cha mẹ em nở mày nở mặt, bạn bè em ngưỡng mộ. Nó khiến em thẳng lưng, ngẩng cao đầu khi bước những bước đầu tiên trong danh xưng bác sĩ, dù trên người em vẫn là chiếc áo thun cũ rích, chiếc quần jean bạc phếch, trên con xe cái gì cũng kêu, trừ cái còi.

Trèo cây phải đến ngày hái quả - em tự nhủ. Không lâu nữa đâu, mình sẽ có đầy đủ. Em lại nói thầm với bản thân khi đi qua dãy xe hơi bóng lộn của các thầy cô trong trường, đi qua các phòng khám tư bề thế rực sáng nơi các giao lộ lớn, nhân viên đồng phục chỉnh tề cúi đầu chào khách. Đi qua những cao ốc bệnh viện tư nhân thương hiệu lẫy lừng. Em nắm chặt tay, thầm hứa với bản thân : Mình phải giàu. Phải xây lại nhà cho cha cho mẹ. Nuôi em ăn học. Mua nhà cho chính mình. Lập phòng khám riêng. Thuê nhân viên. Buồn buồn đi du lịch nước ngoài.

Nhưng trước khi đi du lịch nước ngoài thì em phải nộp đơn xin việc cái đã.

Bệnh viện, phòng khám tư lương khá, chế độ làm việc ổn, phúc lợi được. Nhất là em không phải vòi vĩnh hay dọa nạt người bệnh khiến họ trong cơn thập tử nhất sinh vẫn phải nhổm dậy nhét vào tay em cái phong bì rồi em mới cứu họ.

Nhưng bệnh viện hay phòng khám tư không nhận bác sĩ đa khoa mới ra trường. Có vài chỗ nhận thì họ yêu cầu họ phải giữ toàn bộ văn bằng gốc, lương là 6-10 triệu, cam kết làm ít nhất 7 năm đến 16 năm nếu được cho đi học Chuyên khoa 1.

Em phải tìm đến bệnh viện công. Bệnh viện nào có nhiều mặt bệnh thì em mới có thể học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Nhưng các bệnh viện nhỏ, cỡ cấp huyện thì có những bệnh viện người địa phương chê lắm, chẳng thèm vào. Em vào đấy cũng chả học được gì. Mà quy định bác sĩ đa khoa mới ra trường phải thực hành y khoa tối thiểu 18 tháng tại một cơ sở y tế đủ điều kiện thì mới có thể được cấp chứng chỉ hành nghề.

Em đi mòn giày hết mấy chục bệnh viện. Nhiều bệnh viện đã đủ suất rồi, không nhận nữa. Thế rồi may quá, em tìm được một bệnh viện công. Chị nhân sự bảo em nộp đơn nhé. Thử việc ba tháng không lương. Sau có đợt mới thi viên chức hoặc nếu khoa thiếu người, em làm ổn thì có lương.

Vài ngày sau, chị ấy gọi điện cho em, bảo OK rồi, em đi làm nhé. À cái thẻ thử việc, em tự in ra, đi làm thì đeo vào.

Ôi mừng quá. Em được đi làm rồi. Một năm rưỡi sau em sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề, từ ấy thực sự bắt đầu là một bác sĩ thực thụ, được quyền khám chữa bệnh lấy tiền riêng. Em có thể đi làm thêm, hoặc tự do đi xin việc ở những nơi em mong muốn.

Nhưng khoan ! Sao có chị cũng làm ở bệnh viện ấy năm năm không lương rồi vẫn không được cấp chứng chỉ hành nghề ?

y4

Gia đình một bệnh nhân chạy thận nhân tạo và các bác sĩ tại một bệnh viện ở Hòa Bình hôm 29/5/2017 (hình minh hoạ). AFP

Tiên sư nó, nó lừa em đấy

Đây là kinh nghiệm từ các đàn anh đàn chị của em :

- Quyết định ba tháng thử việc không lương em có được ký với giám đốc không ? Họ có cam kết sau 18 tháng thì có cấp xác nhận thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề cho em không ? "Sau này" là khi nào ? Nếu khoa không bao giờ thiếu người thì sao ? Em làm việc thế nào mới được đánh giá là "ổn" ? Nếu xong 18 tháng họ vẫn bảo em không "ổn", không cấp xác nhận thực hành cho em thì em làm không công, mất sạch năm rưỡi ấy à ? Đàn anh của em, những người đã "bảy nổi ba chìm với nước non" trước em, tận tình chỉ ra cho em những điểm chết người.

- Không, em làm gì được gặp giám đốc.

- Thế thì té nhanh còn kịp ! Tiên sư nó, nó lừa em đấy. Làm bục mặt ra không đồng nào xong ra đi tay trắng đấy em ! Không chơi kiểu này được em ạ. Một là ký hợp đồng lao động có thời hạn, ghi rõ thời gian thử việc 2-3 tháng gì đó tùy nơi, trong thời gian thử việc hưởng 85% lương mới ra trường. Chứ em đi làm kiểu này không danh không phận, sau này người ta cũng không chứng nhận cho em đâu. Để người ta chứng cho thì phải đi van xin lạy lục các kiểu, còn bị bắt ép nữa đấy !

- Hu hu đời nhiều cạm bẫy thế ư ? Có còn bệnh viện công nào không lừa bọn em như thế không anh chị ơi ?

- Có đấy em. Vẫn bệnh viện ngoài Bắc nhé. Chi phí 300- 400 triệu. Nếu có ai quen đưa vào, móc nối thì được giảm, còn có 150 triệu thôi.

- Trời, học hành thủng đũng quần suốt sáu năm trời, ăn không của cha mẹ chưa làm được tí gì bù đắp, lại tiếp tục mất thêm chừng ấy tiền mới được nhận vào làm việc ư ?

- Về bệnh viện đa khoa tỉnh, không mất chừng ấy thì cũng phải mất tiền cảm ơn sếp, rồi các chị vòi vĩnh này kia. Nhiều khi tiền mất tật mang, thương tích đầy mình !

- Mình phải yêu cầu họ rõ ràng thời gian thực hành tại năm khoa lớn (nội, ngoại, sản, nhi, lây nhiễm) để có giấy tờ xác nhận em ạ. Đừng để như chị. Được nhận bệnh viện chuyên khoa tưởng yên ổn rồi, nhưng họ vẫn bắt khám chữa bệnh nội khoa, không nói gì đến chứng chỉ hành nghề hết. Mình vẫn cố gắng làm. Ai ngờ 18 tháng xong, bệnh viện gọi lên bảo không đủ điều kiện xác nhận thực hành đa khoa lẫn nội khoa (vì thời gian ở mỗi nơi không đủ). Giờ phải tự liên hệ đi học 18 tháng ở đâu đó, tùy, bệnh viện sẽ tạo điều kiện, cấp quyết định cử đi học. Nhưng 18 tháng vẫn phải làm việc tại bệnh viện thì mới có lương và phụ cấp. Khóc không ra tiếng em ạ ? 18 tháng đầu tiên của mình vỗ tuột rồi. Giờ đi học ở đâu, nhỡ chỗ ấy cũng đểu như bên này thì sao ? Mà giả sử tìm được chỗ tử tế thì vừa học vừa làm, vừa trực ở bệnh viện, sức trâu đâu mà chịu nổi ?

- Mình đây bạn ơi ! Một năm không lương, không tính thời gian thực hành. Chả có giấy tờ gì. Bị bóc lột một năm mới ký hợp đồng.

- Bạn mình làm ở bệnh viện tỉnh, họ cũng nói y như bạn. Không lương bao giờ có thi công chức thì cho thi, hoặc khoa thiếu người thì điền vào. Được bảy tháng họ mời lên. Một là cho em nghỉ luôn, thì mình vẫn chưa đủ 18 tháng thực hành), hai là ký hợp đồng, lương 2,5 triệu trong năm năm.

- Cũng có nơi bệnh viện công họ tổ chức thi tuyển, điều kiện thi tuyển không cần chứng chỉ hành nghề. Nếu em đỗ sẽ được nhận tập sự chín tháng có lương, sau 18 tháng sẽ cấp chứng chỉ hành nghề. Nhưng em không được chọn khoa mình thích mà phải theo sắp xếp của bệnh viện, Khoa nào thiếu nhân lực thì em về khoa đó.

Nếu thật trơn tru

Nghĩa là em không gặp giám đốc đòi ba bốn trăm triệu hay gạ tình đổi việc. Cũng không bị lừa làm việc không công rồi trơ tráo phủi tay sau 18 tháng thì con đường của bánh trôi nước thường là như sau :

- Được một bệnh viện công nhận thử việc 2-3 tháng. Đảm bảo thời gian này tốt từ đối nội đến đối ngoại (e hèm, đối nội thì là chuyên môn rồi, còn đối ngoại có phải là quan hệ xã giao mà người ta thường gọi là lấy lòng không nhỉ-người viết) thì mới tiến tới hợp đồng tập sự.

Ký hợp đồng tập sự chín tháng. Lãnh 85% lương cơ bản của hệ bác sĩ đa khoa mới ra trường. Ngoài ra kèm phụ cấp thêm, tùy bệnh viện.

Sau chín tháng Khoa nhận xét đảm bảo chất lượng công việc thì bệnh viện ký hợp đồng lao động có thời hạn. Khi có đợt thi viên chức sẽ được thi. Đỗ kỳ thi này thì ký hợp đồng không xác định thời hạn.

Nếu sau khi làm việc đủ 18 tháng, bệnh viện giúp em ký xác nhận thực hành để làm chứng chỉ hành nghề thì đời em quá đẹp.

Có chứng chỉ hành nghề, em tiếp tục làm việc tại bệnh viện. Ít nhất 12 tháng sau em xin xác nhận thâm niên công tác tại khoa để thi Chuyên khoa I. Em tiếp tục học Chuyên khoa I trong hai năm. Có chuyên khoa I thì level em lên rồi.

Em cũng có thể xin học luân khoa 18 tháng (đóng học phí), sau đó em xin xác nhận thực hành luân khoa để lấy chứng chỉ hành nghề đa khoa. Em xin thực tập 12 tháng tại bệnh viện có thẩm quyền (có đủ số giường bệnh), sau đó em thi Chuyên khoa I với tư cách thí sinh tự do. Học hai năm xong em có thể chuyển đổi chứng chỉ hành nghề sang khoa em mong muốn.

***

Truân chuyên thế này, hay là em... kiếm chồng/vợ giàu mà lấy. Học bác sĩ gian khổ làm gì rồi được cái mác rỗng tuếch. Bạc cả đầu, nhăn cả trán, vét hết tiền nhà đi học, cuối cùng căn bếp của mẹ vẫn dột, chiếc xe của cha vẫn cái gì cũng chạy trừ cái bánh xe.

Nhiều năm sau khi tốt nghiệp, em đã quen tai đến phát chán lên vì hai tiếng bác sĩ. Đi qua hàng xe hơi bóng lộn của các trưởng khoa hay ban lãnh đạo bệnh viện, em không còn thấy máu sôi lên bừng bừng và nắm tay lại hứa một ngày sẽ được như họ nữa. Em chỉ còn mỏi mệt cúi đầu đi thật nhanh ra cổng bệnh viện để kịp mua gói xôi, cái bánh mì. Tối nay em làm "thợ trực". Trước khi làm thầy thuốc cứu người, em phải sống đã.

Nguyễn Hoàng Mai

Nguồn : RFA, 25/09/2022

Published in Diễn đàn

Không rành tiếng Việt, không được hành nghề y ở Việt Nam

Thới Bình, VNTB, 31/05/2022

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề xuất : bác sĩ ngoại quốc muốn hành nghề tại Việt Nam phải am tường tiếng Việt.

phongkham1

Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đưa ra quy định người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam, bắt buộc phải biết tiếng Việt thành thạo và không được sử dụng phiên dịch.

Lâu nay trường hợp không biết tiếng Việt thành thạo thì phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch để hạn chế ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang sử dụng người nước ngoài. Để khắc phục các yếu kém hiện nay, theo các chuyên gia y tế độc lập, cần xác định trách nhiệm pháp lý của phiên dịch, nâng cao chất lượng đội ngũ này, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra chứ không phải là bắt buộc họ phải am tường tiếng Việt đến mức không cần đến phiên dịch viên y khoa.

Giải thích về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện có hơn 500 người nước ngoài hành nghề ở các chuyên khoa: Y học cổ truyền, thẩm mỹ, răng hàm mặt. Nhưng thực tế quản lý chất lượng rất khó nên có hiện tượng khi kiểm tra thì người hành nghề trốn; một số người phiên dịch lợi dụng để hành nghề mà không có khả năng hành nghề.

"Hầu như các quốc gia đều yêu cầu thông thạo ngôn ngữ của họ. Tuy nhiên một số trường hợp không đòi hỏi yêu cầu này như đào tạo, phối hợp thực hiện ca mổ…" – ông Nguyễn Thanh Long nói.

Thực tế, nhiều bác sĩ nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhưng không có khả năng nói tiếng Việt tốt, đặc biệt tiếng Việt không phải là ngôn ngữ phổ biến trên thế giới. Do đó, biện giải của ông Nguyễn Thanh Long, theo ghi nhận của giới báo chí, thì rất có thể ở đây ông muốn nói đến những phòng khám do người Trung Quốc điều hành tại Việt Nam.

Thực tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhiều bệnh viện tư nhân, quốc tế, phòng khám đa khoa, chuyên khoa…, thậm chí bệnh viện công lập đều có bác sĩ, nhân viên y tế là người nước ngoài. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đa số nhân viên y tế người nước ngoài chưa sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong xử lý công việc, trao đổi với người bệnh bản địa. Hầu hết các công đoạn làm việc của một bác sĩ đều thông qua phiên dịch viên, từ thăm khám đến việc ra bệnh án, phác đồ điều trị, kê toa thuốc…

Hồ sơ của Thanh tra Y tế Thành phố Hồ Chí Minh từng ghi nhận phòng khám của bác sĩ người Trung Quốc đăng ký hành nghề tại Thành Thái, quận 10 từng cho người phiên dịch trực tiếp khám bệnh, ra toa và phác đồ điều trị theo hướng hù dọa về những bệnh lý không có thật.

Một phòng khám đa khoa có bác sĩ Trung Quốc hoạt động trái phép khác cũng được ghi nhận trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5.

Có một thực tế trong nhiều năm qua, dù bị cơ quan chức năng năm lần bảy lượt xử phạt, tước giấy phép, các phòng khám Trung Quốc vẫn thay tên đổi họ để hoạt động. Sau mỗi lần "lột xác", các phòng khám Trung Quốc trở nên "chuyên nghiệp" hơn, đáng sợ hơn về khả năng lôi kéo, "chặt chém" người bệnh.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức những buổi tập huấn, đào tạo sản khoa như : phụ khoa, soi cổ tử cung, kế hoạch gia đình cho bác sĩ Trung Quốc. Thông qua những đợt tập huấn này mới "lòi" ra trình độ yếu kém của họ.

"Tất cả bác sĩ hướng dẫn đều nhận xét rằng các bác sĩ Trung Quốc còn phải học nhiều vì chưa nắm được căn bản. Qua kiểm tra hồ sơ gồm kết quả siêu âm, toa thuốc… của các phòng khám bác sĩ Trung Quốc thấy rõ họ không có khả năng về lĩnh vực sản khoa. Đây là nguyên nhân dễ hiểu của các ca tai biến sản khoa nghiêm trọng" – Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, bệnh viện Từ Dũ cho biết như vậy.

Vẫn theo bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, điểm chung của những ca tai biến này đều liên quan đến các phòng khám tư nhân có bác sĩ Trung Quốc hành nghề. Trong đó, có nhiều điểm bất hợp lý giữa phác đồ điều trị và kết quả chẩn đoán, giữa chi phí khám chữa bệnh và bệnh lý bệnh nhân đang mắc phải.

"Nhiều bệnh nhân chỉ mắc bệnh sinh lý nhưng phòng khám vẫn đưa ra phác đồ điều trị bệnh lý, rồi kê nhiều loại thuốc không phù hợp tình trạng bệnh, lạm dụng kháng sinh… Từ đó, các phòng khám này đôn chi phí điều trị lên rất cao. Thông thường, chi phí một ca thấp nhất là từ 10 – 15 triệu đồng, cao nhất trên 50 triệu đồng" – bác sĩ Mỹ Nhi nói.

Đại diện Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng hiện nay gần như không ai đánh giá, giám sát năng lực chuyên môn của bác sĩ Trung Quốc; không ai giám sát phác đồ, việc kê toa, lạm dụng thuốc của họ. Và thực trạng này cần chấn chỉnh ngay, thay cho bàn luận lòng vòng kiểu bác sĩ ngoại quốc phải am tường tiếng Việt như đề xuất của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 31/05/2022

************************

Nói vậy hóa ra là ‘chửi cha’ Bộ Chính trị à ?

Hoàng Mai, VNTB, 31/05/2022

Theo dõi trên ti vi về phiên họp Quốc hội đang diễn ra, khá bất ngờ khi nghe những lời phát biểu công khai của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, và nội dung này không phải "lỡ lời", mà sau đó còn đàng hoàng đăng trên trang web của Bộ Y tế.

phongkham2

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long : "đã đến lúc phải sửa đổi luật khám, chữa bệnh".

Ông Nguyễn Thanh Long nói vầy với trúc trắc câu từ xin được dẫn nguyên văn : "Để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý, việc xây dựng Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi là rất cần thiết".

Ông Long đọc tờ trình với những diễn giải như xây dựng Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Người nước ngoài khám bệnh, chữa bệnh phải sử dụng thành thạo tiếng Việt

Dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương và 106 điều. Trong đó tập trung vào các nhóm chính sách lớn gồm : Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ; Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh ; Tăng cường phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ; Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.

Về tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh, Tờ trình do ông Nguyễn Thanh Long đọc cho biết, thực hiện việc cải cách trong cấp giấy phép hành nghề theo hướng : tập trung đầu mối cấp, quản lý hoạt động của người hành nghề thông qua việc giao Hội đồng Y khoa tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp giấy phép hành nghề.

Việc thực hiện việc phân cấp về cấp giấy phép hoạt động theo hướng : Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp cho các cơ sở trực thuộc Bộ ; Sở Y tế cấp cho các cơ sở còn lại trên địa bàn, bao gồm cả bệnh viện tư nhân và các cơ sở thuộc các Bộ, ngành khác.

Phân cấp thẩm quyền phê duyệt bổ sung danh mục kỹ thuật, cho phép áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới theo hướng Bộ Y tế chỉ cho phép đối với các kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam hoặc các kỹ thuật chuyên môn sâu như ghép tạng ; Cơ quan quản lý y tế các Bộ, ngành và địa phương sẽ cho phép áp dụng đối với các kỹ thuật còn lại.

Về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Tờ trình của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, tiếp tục duy trì hệ thống các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cả nhà nước và tư nhân như hiện nay, nhưng có sự thay đổi về phân cấp chuyên môn theo Nghị quyết số 20-NQ/TW của Bộ Chính trị, theo đó hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tổ chức thành 3 cấp theo chuyên môn gồm : Cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ; Cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản ; Cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu.

Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (dừng trích)

Nếu hiểu theo cách của học trò phổ thông trung học, thì những văn vẻ ở trên của ông Bộ trưởng Y tế rõ ràng hàm ý đổ trách nhiệm về các than phiền của dân chúng khi đến khám chữa bệnh là từ "quan điểm của Đảng", cũng như việc "thể chế hóa quan điểm" này từ các bộ trưởng tiền nhiệm, bao gồm luôn cả Quốc hội những nhiệm kỳ trước đó khi chậm chạm bổn phận là cơ quan lập pháp.

Giờ thì xem ra trong chừng mực nào đó, ông Bộ trưởng đang có ý "xóa bàn làm lại" từ căn bản là sửa đổi luật.

Hoàng Mai

Nguồn : VNTB, 31/05/2022

Published in Diễn đàn