Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/05/2022

Ở Việt Nam, hành nghề hay chữa bệnh phải am tường tiếng Việt

Thới Bình, Hoàng Mai

Không rành tiếng Việt, không được hành nghề y ở Việt Nam

Thới Bình, VNTB, 31/05/2022

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề xuất : bác sĩ ngoại quốc muốn hành nghề tại Việt Nam phải am tường tiếng Việt.

phongkham1

Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đưa ra quy định người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam, bắt buộc phải biết tiếng Việt thành thạo và không được sử dụng phiên dịch.

Lâu nay trường hợp không biết tiếng Việt thành thạo thì phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch để hạn chế ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang sử dụng người nước ngoài. Để khắc phục các yếu kém hiện nay, theo các chuyên gia y tế độc lập, cần xác định trách nhiệm pháp lý của phiên dịch, nâng cao chất lượng đội ngũ này, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra chứ không phải là bắt buộc họ phải am tường tiếng Việt đến mức không cần đến phiên dịch viên y khoa.

Giải thích về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện có hơn 500 người nước ngoài hành nghề ở các chuyên khoa: Y học cổ truyền, thẩm mỹ, răng hàm mặt. Nhưng thực tế quản lý chất lượng rất khó nên có hiện tượng khi kiểm tra thì người hành nghề trốn; một số người phiên dịch lợi dụng để hành nghề mà không có khả năng hành nghề.

"Hầu như các quốc gia đều yêu cầu thông thạo ngôn ngữ của họ. Tuy nhiên một số trường hợp không đòi hỏi yêu cầu này như đào tạo, phối hợp thực hiện ca mổ…" – ông Nguyễn Thanh Long nói.

Thực tế, nhiều bác sĩ nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhưng không có khả năng nói tiếng Việt tốt, đặc biệt tiếng Việt không phải là ngôn ngữ phổ biến trên thế giới. Do đó, biện giải của ông Nguyễn Thanh Long, theo ghi nhận của giới báo chí, thì rất có thể ở đây ông muốn nói đến những phòng khám do người Trung Quốc điều hành tại Việt Nam.

Thực tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhiều bệnh viện tư nhân, quốc tế, phòng khám đa khoa, chuyên khoa…, thậm chí bệnh viện công lập đều có bác sĩ, nhân viên y tế là người nước ngoài. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đa số nhân viên y tế người nước ngoài chưa sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong xử lý công việc, trao đổi với người bệnh bản địa. Hầu hết các công đoạn làm việc của một bác sĩ đều thông qua phiên dịch viên, từ thăm khám đến việc ra bệnh án, phác đồ điều trị, kê toa thuốc…

Hồ sơ của Thanh tra Y tế Thành phố Hồ Chí Minh từng ghi nhận phòng khám của bác sĩ người Trung Quốc đăng ký hành nghề tại Thành Thái, quận 10 từng cho người phiên dịch trực tiếp khám bệnh, ra toa và phác đồ điều trị theo hướng hù dọa về những bệnh lý không có thật.

Một phòng khám đa khoa có bác sĩ Trung Quốc hoạt động trái phép khác cũng được ghi nhận trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5.

Có một thực tế trong nhiều năm qua, dù bị cơ quan chức năng năm lần bảy lượt xử phạt, tước giấy phép, các phòng khám Trung Quốc vẫn thay tên đổi họ để hoạt động. Sau mỗi lần "lột xác", các phòng khám Trung Quốc trở nên "chuyên nghiệp" hơn, đáng sợ hơn về khả năng lôi kéo, "chặt chém" người bệnh.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức những buổi tập huấn, đào tạo sản khoa như : phụ khoa, soi cổ tử cung, kế hoạch gia đình cho bác sĩ Trung Quốc. Thông qua những đợt tập huấn này mới "lòi" ra trình độ yếu kém của họ.

"Tất cả bác sĩ hướng dẫn đều nhận xét rằng các bác sĩ Trung Quốc còn phải học nhiều vì chưa nắm được căn bản. Qua kiểm tra hồ sơ gồm kết quả siêu âm, toa thuốc… của các phòng khám bác sĩ Trung Quốc thấy rõ họ không có khả năng về lĩnh vực sản khoa. Đây là nguyên nhân dễ hiểu của các ca tai biến sản khoa nghiêm trọng" – Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, bệnh viện Từ Dũ cho biết như vậy.

Vẫn theo bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, điểm chung của những ca tai biến này đều liên quan đến các phòng khám tư nhân có bác sĩ Trung Quốc hành nghề. Trong đó, có nhiều điểm bất hợp lý giữa phác đồ điều trị và kết quả chẩn đoán, giữa chi phí khám chữa bệnh và bệnh lý bệnh nhân đang mắc phải.

"Nhiều bệnh nhân chỉ mắc bệnh sinh lý nhưng phòng khám vẫn đưa ra phác đồ điều trị bệnh lý, rồi kê nhiều loại thuốc không phù hợp tình trạng bệnh, lạm dụng kháng sinh… Từ đó, các phòng khám này đôn chi phí điều trị lên rất cao. Thông thường, chi phí một ca thấp nhất là từ 10 – 15 triệu đồng, cao nhất trên 50 triệu đồng" – bác sĩ Mỹ Nhi nói.

Đại diện Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng hiện nay gần như không ai đánh giá, giám sát năng lực chuyên môn của bác sĩ Trung Quốc; không ai giám sát phác đồ, việc kê toa, lạm dụng thuốc của họ. Và thực trạng này cần chấn chỉnh ngay, thay cho bàn luận lòng vòng kiểu bác sĩ ngoại quốc phải am tường tiếng Việt như đề xuất của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 31/05/2022

************************

Nói vậy hóa ra là ‘chửi cha’ Bộ Chính trị à ?

Hoàng Mai, VNTB, 31/05/2022

Theo dõi trên ti vi về phiên họp Quốc hội đang diễn ra, khá bất ngờ khi nghe những lời phát biểu công khai của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, và nội dung này không phải "lỡ lời", mà sau đó còn đàng hoàng đăng trên trang web của Bộ Y tế.

phongkham2

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long : "đã đến lúc phải sửa đổi luật khám, chữa bệnh".

Ông Nguyễn Thanh Long nói vầy với trúc trắc câu từ xin được dẫn nguyên văn : "Để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý, việc xây dựng Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi là rất cần thiết".

Ông Long đọc tờ trình với những diễn giải như xây dựng Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Người nước ngoài khám bệnh, chữa bệnh phải sử dụng thành thạo tiếng Việt

Dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương và 106 điều. Trong đó tập trung vào các nhóm chính sách lớn gồm : Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ; Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh ; Tăng cường phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ; Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.

Về tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh, Tờ trình do ông Nguyễn Thanh Long đọc cho biết, thực hiện việc cải cách trong cấp giấy phép hành nghề theo hướng : tập trung đầu mối cấp, quản lý hoạt động của người hành nghề thông qua việc giao Hội đồng Y khoa tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp giấy phép hành nghề.

Việc thực hiện việc phân cấp về cấp giấy phép hoạt động theo hướng : Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp cho các cơ sở trực thuộc Bộ ; Sở Y tế cấp cho các cơ sở còn lại trên địa bàn, bao gồm cả bệnh viện tư nhân và các cơ sở thuộc các Bộ, ngành khác.

Phân cấp thẩm quyền phê duyệt bổ sung danh mục kỹ thuật, cho phép áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới theo hướng Bộ Y tế chỉ cho phép đối với các kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam hoặc các kỹ thuật chuyên môn sâu như ghép tạng ; Cơ quan quản lý y tế các Bộ, ngành và địa phương sẽ cho phép áp dụng đối với các kỹ thuật còn lại.

Về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Tờ trình của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, tiếp tục duy trì hệ thống các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cả nhà nước và tư nhân như hiện nay, nhưng có sự thay đổi về phân cấp chuyên môn theo Nghị quyết số 20-NQ/TW của Bộ Chính trị, theo đó hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tổ chức thành 3 cấp theo chuyên môn gồm : Cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ; Cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản ; Cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu.

Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (dừng trích)

Nếu hiểu theo cách của học trò phổ thông trung học, thì những văn vẻ ở trên của ông Bộ trưởng Y tế rõ ràng hàm ý đổ trách nhiệm về các than phiền của dân chúng khi đến khám chữa bệnh là từ "quan điểm của Đảng", cũng như việc "thể chế hóa quan điểm" này từ các bộ trưởng tiền nhiệm, bao gồm luôn cả Quốc hội những nhiệm kỳ trước đó khi chậm chạm bổn phận là cơ quan lập pháp.

Giờ thì xem ra trong chừng mực nào đó, ông Bộ trưởng đang có ý "xóa bàn làm lại" từ căn bản là sửa đổi luật.

Hoàng Mai

Nguồn : VNTB, 31/05/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thới Bình, Hoàng Mai
Read 293 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)