Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Năm nào miền Trung cũng gánh chịu mưa lũ vào những tháng cuối năm. Giới nghệ sĩ, hầu hết ở miền Nam, đều có những người đứng ra kêu gọi từ thiện giúp nạn nhân bị bão, lũ. Nổi bật có thể kể đến ca sĩ Thủy Tiên với cả trăm tỷ quyên góp năm 2020 và MC Phan Anh năm 2016 với hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra còn có các nghệ sĩ như Hoài Linh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, MC Trấn Thành... được dư luận biết đến rộng rãi chuyện quyên tiền từ thiện sau những video clip của bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo họ ăn chặn từ thiện vào năm ngoái.

nghesi1

Bờ biển Đà Nẵng hôm 28/9/2022 - AFP

Sau đó, nghệ sĩ Hoài Linh thừa nhận đã chậm giải ngân số tiền hơn 14 tỉ đồng mà vào năm 2020 đã kêu gọi để hỗ trợ người dân miền Trung. MC Trấn Thành thì đăng tải toàn bộ sao kê tài khoản ngân hàng lên Google Drive liên quan đến kêu gọi từ thiện trước đó. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng kiện bà Phương Hằng do có những lời lẽ mang tính xúc phạm gây ảnh hưởng đến đời sống cá nhân ông quanh chuyện quyên tiền từ thiện.

Từ những lùm xùm như vậy, cách đây đúng một năm, ngày 29/09/2021, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho báo chí cho biết, công an sẽ điều tra hoạt động từ thiện nếu thấy dấu hiệu của việc chiếm đoạt. Theo ông Xô, đây là tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hoặc "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Cùng lúc, Bộ Tài chính cho biết đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng Nghị định mới về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp từ thiện.

Ngày 27/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố ; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Điều 17 Nghị định này cho phép cá nhân kêu gọi từ thiện nhưng phải có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối. Đồng thời gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.

Nghị định này được cho là đã khắc phục hạn chế của Nghị định 64/2008/NĐ-CP vốn chỉ ghi nhận quyền vận động quyên góp từ thiện của các tổ chức như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ; Hội chữ thập đỏ Việt Nam ; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương ; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương và một số tổ chức đơn vị ở trung ương.

nghesi2

Người dân Hội An tránh bão trong một trường học hôm 27/9/2022. AFP

Nghị định 64/2008/NĐ-CP nhấn mạnh, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào khác được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Nếu vi phạm thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Tuy nghị định mới đã rộng mở hơn nhưng lại vắng bóng nghệ sĩ đứng ra quyên góp giúp nạn nhân bão lũ miền Trung vừa hứng chịu cơn bão số 4 (bão Noru).

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận định nguyên nhân với RFA sáng 29/09/2022 :

"Cái thứ nhứt, sức dân ở trong Nam đã kiệt quệ sau đợt chống dịch như chống giặc của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hồi năm ngoái. Từ đó dẫn tới cái thứ hai là tình nghĩa đồng bào bị mài mòn nhẵn nhụi. Từ cách ứng xử của nhà cầm quyền đã gây ra sự chia rẽ trầm trọng trong dân chúng. Vì vậy nó dẫn tới cái thứ ba là lòng dân trong này có thể nói là rất rã rời, bởi công ăn việc làm hiện nay rất khó khăn cùng với nền kinh tế lạm phát thấy rõ.

Cái thứ tư là uy tín của các nghệ sĩ gần như không còn sau đụng độ với bà Nguyễn Phương Hằng hồi năm ngoái. Dù sau đó phía công an đã xác định sự trong sáng của họ. Nhưng sự xác định này nó không cứu vãn nổi danh dự của họ. Bây giờ, nếu giới nghệ sĩ nói chung mà đứng ra kêu gọi từ thiện thì họ cũng cầm chắc sự thất bại thảm hại.

Trong hiện tình thất bại của việc kêu gọi cứu trợ nói riêng, cũng như cái quan trọng nhứt mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bấy lâu nay luôn luôn đeo đuổi, là đại đoàn kết dân tộc, thì sự thất bại hoàn toàn đó nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm toàn diện và liên tục".

Mới đây, hoa hậu Thùy Tiên kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp cho quỹ từ thiện của bà Phạm Kim Dung - Chủ tịch Miss Grand Vietnam để giúp đỡ các tỉnh miền Trung. Chỉ một ngày sau, cô ngừng đưa thông tin kêu gọi quyên góp. Nhiều người góp ý trên báo chí rằng Thùy Tiên nên kêu gọi quyên góp cho các tổ chức Nhà nước thay vì tài khoản cá nhân.

Trên trang Facebook cá nhân, bà Phạm Kim Dung viết : "Chúng tôi đã làm việc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành Phố Hồ Chí Minh để cùng thực hiện. Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đến nhận bảng tổng số tiền đóng góp tại đêm chung kết Hoa Hậu Hòa Bình Việt Nam - Miss Grand Việt Nam 2022".

Từ nhiều năm qua, người dân dường như không tin tưởng đóng góp từ thiện cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay Hội Chữ thập đỏ. Đó là lý do họ đóng góp cho các nghệ sĩ, là những người được công chúng biết đến. Tuy nhiên, mùa bão lũ năm nay lại không thấy nghệ sĩ nào đứng ra quyên góp.

Luật sư Đặng Đình Mạnh lý giải với RFA sáng 29/09/2022 :

"Không phải vì những quy định của Nhà nước đâu mà do những lần trước, những người trong giới nghệ sĩ làm tai tiếng quá, cho nên bây giờ công chúng không còn tin cậy để họ có thể đứng ra kêu gọi từ thiện nữa. Đó là lý do giới nghệ sĩ không kêu gọi từ thiện nữa.

Nghị định cũ (Nghị định 64/2008) đưa đến sự hiểu nhầm là không cho phép cá nhân đứng ra làm từ thiện dẫn đến hạn chế việc làm từ thiện. Nghị định mới (Nghị định 93/2021) đã sửa đổi giúp cho việc làm từ thiện dễ hơn. Còn Mặt trận tổ quốc thì có vẻ như công chúng không tin cậy lắm sau một số việc không minh bạch". 

Nguồn : RFA, 30/09/2022

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam

Hai loại danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và Nghệ sĩ nhân dân được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam - đặt ra từ năm 1984 - ghi nhận "sự cống hiến" từ tất cả các nghệ sĩ Việt Nam của các loại bộ môn nghệ thuật [1]. Qua 9 đợt phong tặng, xứ thiên đàng hiện nay có 1.675 Nghệ sĩ ưu tú và 282 Nghệ sĩ nhân dân.

nghesi1

Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần X (Ảnh minh họa)

Những ngày qua, nghệ sĩ cải lương Kim Tử Long không được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân làm ông buồn phiền [2] vì thấy không có lỗi gì, để phải nhận sự việc mà ông cảm nhận không công bằng, đối với sự cống hiến nghệ thuật của bản thân, nhiều năm qua. Nghệ sĩ Kim Tử Long từng nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

nghesi2

Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cho các nghệ sĩ ở Hà Nội (Ảnh minh họa)

Gần 2.000 người nghệ sĩ nói trên, về phía khán giả cũng như người hâm mộ, dường như không biết "họ là ai". Bởi khán giả chỉ nhớ đến nghệ sĩ qua vai diễn, qua nhạc phẩm, qua giọng hát hoặc qua nhạc cụ - tác phẩm mà họ ghi dấu đậm nét trong lòng người hâm mộ. Ví dụ quá nhiều, như nữ hoàng sân khấu cải lương Thanh Nga, dù bà qua đời đã lâu và được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú ngay đợt đầu tiên - năm 1984 nhưng khi nhắc về bà, giới mộ điệu chỉ biết Thanh Nga về giọng hát - cách diễn - thần thái và nhan sắc không phai nhòa theo thời gian. Thử hỏi có mấy ai biết và nhớ đến Nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc với tài năng ghi dấu ấn của ông ra sao (?) nếu như không làm tại Đài Truyền Hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) nhiều năm về trước (!).

Bên cạnh đó, hai loại danh hiệu này cũng không hề giúp gì cho nghệ sĩ, kể cả con cháu của họ - như con trai bà Thanh Nga (nghệ sĩ Hà Linh - cháu ruột của Nghệ sĩ ưu tú Bảo Quốc) vẫn phải tự xoay xở trong nghề với cuộc sống đời thường vất vả mưu sinh, còn con trai ông Phạm Khắc, không một ai biết đến, bởi không làm trong lãnh vực nghệ thuật. 

Lãnh vực ca sĩ, dù Cẩm Vân hay Bảo Yến chưa bao giờ có danh hiệu gì nhưng giới mộ điệu không thể nào quên hai giọng ca độc đáo này. Thật không ngoa, khi nói hai giọng hát Bảo Yến - Cẩm Vân có đủ sự tự tin để "sống mãi trong lòng dân". Trong khi đó, ca sĩ Tô Lan Phương đạt danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú từ 1984 và Nghệ sĩ nhân dân từ 2019 nhưng "đố" khán giả mấy người biết bà này "là ai" (!).

Tình khúc Trần Long Ẩn : Cẩm Vân : Hồng Vân : Nhã Phương : Bảo Yến 

Nghệ sĩ Hoài Linh - một người Mỹ gốc Việt - được phong Nghệ sĩ ưu tú vào năm 2015 nhưng khán giả chỉ biết đến ông là một "cây hài" độc đáo. Cho đến khi sự đụng độ với bà Nguyễn Phương Hằng về số tiền 14 tỷ làm từ thiện mà Hoài Linh quên khuấy, người đời cũng chê trách việc "quên vô duyên", từ một cây hài rất có duyên sân khấu. Dù sau đó, Hoài Linh được phía công an xác nhận không có khuất tất gì nhưng ông ta vẫn đang chật vật trên đường trở lại sàn diễn. Người đời góp tiền để Hoài Linh thay mặt họ làm từ thiện, vì họ tin tưởng "danh hài" Hoài Linh chứ không phải từ cái danh Nghệ sĩ ưu tú Hoài Linh.

Năm 2005, nghệ sĩ cải lương Ngọc Huyền bị bà Thế Thanh - lúc bấy giờ là Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh - đòi tước bỏ danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú [3] vốn được tặng từ 2001, vì cô xuất hiện trong nhạc phẩm "Quê Hương Bỏ Lại" - một chương trình đánh dấu 30 năm ngày quốc gia Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ vào năm 1975. Sự việc gây ồn ào một dạo rồi cũng lắng xuống, khi Ngọc Huyền "lỡ nhận" tấm giấy ghi Nghệ sĩ ưu tú mà không biết bây giờ, nữ nghệ sĩ cải lương có má lúm đồng tiền duyên dáng, cất giữ nó ở trong cái kho nào hay mảnh giấy đó nằm lăn lóc đâu đấy, trong ngôi biệt thự rộng rãi tại Mỹ quốc (!).

Nghệ thuật và nghệ sĩ không cần ban phát dù đó là "hồng ơn" từ... nhà nước ! Bởi nghệ thuật do chính cuộc sống tạo ra và người nghệ sĩ do dân nuôi dưỡng, rồi tháp cho họ đôi cánh, bay trên vòm trời nghệ thuật. Khi nhà nước nhân danh "nhân dân" ban phát, đó là sự sỉ nhục nghệ thuật và người nghệ sĩ chấp nhận sự ban phát, đó là sự phản bội lại Tổ Nghề. Bởi không một nghệ sĩ nào - dù thành công vang dội hay chiếm những vị trí thật khiêm nhường trên sân khấu - dám phủ nhận khái niệm "Tổ Đãi", để từ đó họ có thể sống với nghề. Vì vậy, nghệ sĩ Kim Tử Long không nên âu sầu, dù nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có "ngược đãi", bởi cho đến ngày nay, khán giả còn nhắc nhở tên tuổi và Kim Tử Long vẫn còn hành nghề đã là "Tổ Đãi" rồi.

Riêng về chính sách phong tặng Nghệ sĩ ưu tú và Nghệ sĩ nhân dân của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, nó mang tính chính trị quá nhiều và tính độc đoán quá nặng, trong cách nhìn nhận chuyên môn của giới làm nghệ thuật. Ngoài ra, kiểu cách xét tặng qua nhiều thủ tục mang đầy tính hành chính và ban ơn mưa móc đã trở nên quá lỗi thời.

Nếu quả thật nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam muốn thay mặt dân, để ghi nhận sự cống hiến của giới nghệ sĩ, hãy giúp họ có thể sống chân thực và đầy cảm xúc nghệ thuật đối với nghề, đặc biệt có những chăm lo thực tế bằng tiền bạc - chỗ ở, đối với những nghệ sĩ đã qua thời vàng son, đang sống trong khốn khó.

Tự Do làm nên nghệ thuật. Không có Tự Do, nghệ thuật chỉ là công cụ để phục vụ cho giới cầm quyền, dù là hình thái nhà nước nào đi chăng nữa. Không có Tự Do, nghệ sĩ chỉ là những con robot hoạt động theo một chương trình cài đặt sẵn, chỉ khác nhau ở phần mềm cài đặt tiến hóa theo phiên bản cập nhựt "chấm này - chấm kia" mà thôi !

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 20/08/2022

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_Ngh%E1%BB%87_s%C4%A9_nh%C3%... (danh sách Nghệ sĩ nhân dân)

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_Ngh%E1%BB%87_s%C4%A9_%C6%B0... (danh sách Nghệ sĩ ưu tú)

[2] https://vietnamnet.vn/nsut-kim-tu-long-buc-xuc-vi-khong-duoc-xet-duyet-n...

[3] https://vnexpress.net/nghe-si-ngoc-huyen-se-bi-tuoc-danh-hieu-uu-tu-1885...

Additional Info

  • Author Nguyễn Ngọc Già
Published in Văn hóa

Chẳng phải vô tình khi Ban Tuyên giáo Đảng cộng sản Việt Nam cảnh giác phải tỉnh táo trước âm mưu "diễn biến hòa bình" lôi kéo cán bộ, đảng viên bỏ đảng nhưng không biết giữ họ lại bằng cách nào.

dang01

Các địa phương đang tích cực chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng - Ảnh minh họa

Chuyện này đã xẩy ra khi chủ trương xây dựng, chỉnh đốn đảng, thi hành từ Khóa đảng XI năm 2011, không đem lại thành công như trông đợi. Lãnh đạo đảng, đứng đầu là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đã đổ tội cho "diễn biến hòa bình" là thủ phạm đã gây ta tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị để dẫn đến "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên.

Nhưng thực tế là đã có một số không nhỏ đảng viên nghỉ hưu, cả dân và quân, vào khoảng 45% theo lời Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang, đã "âm thầm bỏ sinh hoạt đảng", tự ý trốn họp, không khai báo khi đến chỗ ở mới, hay tìm mọi lý do không liên hệ với đảng nữa. Tích cực hơn, nhiều người đã chính thức viết thư quyết định ra khỏi đảng, hoặc công khai bài bác chủ nghĩa cộng sản và chủ thuyết mác-xít lênin-nít. Những người này nói thẳng : Thế giới cộng sản đã tan rã, nhân dân Nga đã khai tử chủ nghĩa Mác-Lênin thì không có lý do gì Việt Nam lại duy trì thứ chủ nghĩa giáo điều lạc hậu này.

Tình trạng chán đảng, nhạt đoàn, xa rời chính trị, bỏ những cuộc họp vô tích sự, mất thời giờ không còn là chuyện năm thì mười họa mới xẩy ra mà đang diễn ra thường xuyên và khắp nơi khắp chốn, từ trung ương xuống cơ sở.

Đối với cán bộ, đảng viên đang tại chức hay còn có chân trong đảng để giữ việc làm thì cũng không hăng hái thật lòng mà chỉ vì miếng cơm manh áo.

Bằng chứng đã diễn ra trong việc thi hành chỉ thị của Bộ Chính trị về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" cũng chỉ được tổ chức cho có hình thức là nhiều.

Hãy đọc : "Tính hình thức, chưa tự giác, chưa tạo ra bước chuyển ở một số nơi... là hạn chế được chỉ ra trong học tập Bác ở Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương".

Ông Đỗ Ngọc An, Phó Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn những hạn chế nhất định (theo VOV - Đài tiếng nói Việt Nam, 17/05/2019).

Theo ông An : "Việc "lười" học tập nghị quyết vẫn tồn tại với nhiều biểu hiện "sáng đông, chiều vắng, đến không ghi chép, quán triệt không sâu…". Công tác tuyên truyền chưa sáng tạo, làm cho các điển hình chưa được nhân rộng, chưa phát huy hết tác dụng".

Đặc biệt, theo tường thuật của VOV, Phó Bí thư Đảng ủy Khối cũng nêu rõ :

"Ở một số đơn vị, tính dân chủ, công khai, minh bạch chưa được coi trọng và khơi thông nên chưa tạo được sự đồng thuận trong cơ quan, đơn vị. Một số tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền có biểu hiện làm việc cầm chừng, nghe ngóng, sợ sai phạm, sợ trách nhiệm nên chất lượng, hiệu quả công việc chưa cao. Việc xử lý sai phạm trong một số cơ quan, đơn vị còn hình thức, có biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm…".

Trò hề học Nghị quyết

Trung ương mà còn như thế thì ở địa phương có khá hơn không ?

Thắc mắc này, phần nào đã được trả lời trong bài viết "Khắc phục bệnh hình thức, đối phó trong học tập nghị quyết của Đảng hiện nay", của Tác giả Trần Phú Dũng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trên Tạp chí xây dựng Đảng, ngày 31/10/2019.

Ông Dũng nói thẳng :

"Có lẽ không ít đảng viên đang tồn tại một suy nghĩ ngấm ngầm bất thành văn và cùng nhau đối phó "đi học cho đủ người, họ điểm danh đấy", hoặc "khi nào điểm danh nháy máy nhé", hoặc "nhớ giơ tay hộ nhé", hoặc "nhớ ghi tên hộ nhé",… Tất cả những biểu hiện này là do ý thức đối phó trong việc tham gia học tập nghị quyết.

Bản thân tôi cũng đã có lần đứng trên bục với vai trò thuyết trình, dẫn dắt một vài chuyên đề sinh hoạt đảng, có đứng ở trên nhìn xuống dưới mới thấy rõ những biểu hiện về ý thức học tập nghị quyết của nhiều đảng viên".

Ông Trần Phú Dũng kể tiếp :

"Dãy bàn ở trên thông thường được bố trí cho những vị đại biểu, những người giữ chức vụ lãnh đạo đơn vị, nhưng ngay cả dãy bàn này nhiều khi trước mặt đại biểu là những tập tài liệu được coi là phải giải quyết ngay, hoặc là bàn luận công chuyện với lãnh đạo đồng cấp khác, hoặc là gọi điện điều hành công việc ở cơ quan mà ít chú ý, lắng nghe đến báo cáo viên đang truyền đạt nghị quyết. Lãnh đạo đã vậy, thì cấp dưới sẽ ra sao ?".

Câu chuyện học hành kiểu này được vui vẻ kể tiếp :

"Những dãy bàn kế tiếp sẽ thuộc về đối tượng lãnh đạo cấp thấp hơn. Ở phân khúc này thì thường xuyên biểu hiện qua những câu chuyện thì thầm, hàn huyên với nhau, ít có biểu hiện lắng nghe nghị quyết. Những câu chuyện về chủ đề về ship hàng, về giúp việc, về làm đẹp, về du lịch, giảm cân theo phương pháp luyện tập yoga - fitness, về ứng xử mẹ chồng, nàng dâu, hoặc uống bia ở đâu ngon mà không bị đau đầu,… trở nên hấp dẫn trong những buổi học nghị quyết".

Tác giả Phú Dũng không ngại nói toạc móng heo ra cho cả nước biết rằng :

"Một trạng thái khác của lớp học thường phổ biến trong thời đại công nghệ 4.0 đó là mỗi người một máy điện thoại thông minh, hầu như mọi màn hình đều ở trạng thái kết nối in-tơ-net bật sáng. Chưa có một khảo sát, đánh giá bằng con số cụ thể nhưng dám chắc rằng đến 50 % số người khi tham gia học nghị quyết đều có tham gia sử dụng điện thoại cho mục đích giải trí thông qua mạng xã hội.

Và cũng thứ tự theo đúng thứ bậc rõ ràng, xa xa những hàng ghế cuối cùng là những người hay ngủ, hoặc có ý định ra về sớm, làm việc riêng… đều lựa chọn những vị trí phù hợp này để thực hiện các mục đích cá nhân của mình một cách thuận tiện và lặng lẽ.

Ngoài ra, còn rất nhiều biểu hiện như đi muộn, về sớm, ra vào giữa giờ, nghe nói chuyện điện thoại… diễn ra thường xuyên trong mỗi đợt học tập nghị quyết của Đảng".

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính, cũng đã có những nhận xét về căn bệnh ngại học, lười học, học chiếu lệ về lý luận của cán bộ, đảng viên.

Lên tiếng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh diễn ra vào sáng 06/01/2020 tại Hà Nội. ông Chính đã yêu cầu cần :

"Khắc phục bằng được căn bệnh ngại học, lười học, học qua loa, học chiếu lệ về lý luận và chủ nghĩa Mác-Lê nin".

Nhưng chuyện "chán Mác, chê Lênin, ngại cả Bác Hồ" đã diễn ra trong nội bộ đảng từ khuya lắm rồi. Vì vậy, điều kiện hàng đầu để được chọn vào hàng ngũ "cán bộ chủ chốt" hay "cán bộ cấp chiến lược" khóa đảng XIII sắp diễn ra là phải tuyệt đối kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí minh, và trung thành với đảng Đảng cộng sản Việt Nam.

Vì vậy, ông Phạm Minh Chính, trong tư cách Trưởng ban Tổ chức trung ương và là người đứng đầu việc chọn mặt gửi vàng cho khóa đảng XIII, đã yêu cầu :

"Cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp như : bám sát cương lĩnh, điều lệ, các chủ trương, nghị quyết của Đảng ; chú trọng việc rèn luyện lập trường, tư tưởng đạo đức, tác phong, lối sống, nâng cao bản lĩnh chính trị, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định về nêu gương ; bám sát vào hai trọng tâm năm đột phá của Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, gắn kết chặt chẽ với công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ ; nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt các lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ các cấp".

(báo điện tử Đảng Đảng cộng sản Việt Nam)

Ông Chính nói như vậy cũng chỉ lập lại những điều ông Nguyễn Phú Trọng đã nói trong 2 năm qua, nhưng không ai biết có bao nhiêu trong số hơn 250 người đã được Bộ Chính trị quy hoạch, hội đủ những điều kiện vừa nêu.

Thật hay giả ?

Bên cạnh chuyện chính trị thì cũng đang rân ran trong dư luận câu chuyện đảng đang xoắn vó lên trước làn sóng văn nghệ chống đảng đang lan rộng ở trong và ngoài nước.

Đó là lý do có bài viết trên Tạp chí Cộng sản ngày 09/10/2019 của ông của ông Đinh Xuân Dũng, Giáo sư Tiến sĩ Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.

Ông Dũng mở đầu :

"Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã và đang có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng cũng phải đối mặt với không ít nguy cơ, thách thức. Một trong những thách thức, nguy cơ đã được Đảng ta chỉ ra là âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới, trong đó có việc chúng triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông để tấn công mạnh mẽ hơn về tư tưởng - văn hóa và coi đây là mũi nhọn chống phá Đảng và chế độ ta. Vậy đặc điểm, những biểu hiện của âm mưu này ra sao ? Cần có giải pháp ứng phó như thế nào ? Đó là những câu hỏi bức thiết cần được giải đáp hiện nay".

Nhìn vào tình hình, ông Dũng nói rằng :

"Hiện nay, trong dư luận xã hội và trong giới trí thức, văn nghệ sĩ đang có những nhận định, ý kiến khác nhau về tác động của âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch với văn hóa, văn nghệ nước ta. Có ý kiến khẳng định mạnh mẽ, "báo động" về tác hại trực tiếp và thực trạng rất phức tạp của "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực có nhiều đặc thù này. Cũng có ý kiến cho rằng, các thế lực thù địch thực hiện âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" chủ yếu trên lĩnh vực chính trị, tổ chức, nhân sự, ngoại giao..., còn nói "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ thì chỉ là sự cường điệu, thậm chí là "báo động giả". Vậy cần bình tĩnh, tỉnh táo khinhận diện những biểu hiện của "diễn biến hòa bình", đánh giá những tác động, ảnh hưởng của "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ".

Sau khi tự diễn như thế, ông Dũng quả quyết :

"Hiện nay, nhiều thông tin toàn diện, trong đó có nhiều minh chứng cụ thể đã cho chúng ta thấy rõ hơn các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với Việt Nam. Thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các blogger đã tấn công cá nhân các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản và toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội Việt Nam, chiến lược chung là nhằm tạo ra sự mất ổn định kinh tế - chính trị - xã hội. Hoạt động này đã và đang được thực hiện một cách ráo riết cùng với việc lợi dụng các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức núp dưới chiêu bài bảo vệ "nhân quyền" và không ít người đã nhận được "hỗ trợ", "tài trợ" từ các cơ quan nước ngoài, các tổ chức văn hóa, thậm chí trực tiếp từ chính phủ một số nước phương Tây. Về văn hóa, toàn bộ vũ khí văn hóa chống lại "nền tảng tư tưởng" đã được thiết kế, "sản xuất" ở phương Tây, sau đó được "cấy ghép" vào các nước ở Trung và Nam Mỹ, khu vực Nam Phi, vào Trung Quốc, Nga và ngày càng nhiều ở Việt Nam".

Ông Dũng không đưa ra bằng chứng, nhưng đã qủa quyết :

"Như vậy, dù vẫn còn những người nghi ngờ, lảng tránh, "bỏ qua", thậm chí cho là "báo động giả", nhưng thực tế cho thấy, âm mưu của các thế lực thù địch hòng thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" chống phá Việt Nam là có thật, thậm chí "sản phẩm" này còn được đề ra, được xác định thực hiện trong một thời gian dài, có lộ trình cụ thể và đã được đưa lên thành chiến lược trong thời kỳ mới từ những năm 80 của thế kỷ XX đến nay. Trong chiến lược đó, tư tưởng, văn hóa, văn nghệ luôn là "cửa mở", "cửa đột phá để tước bỏ vũ khí tư tưởng của đối phương", từ đó nhằm đánh gục đối phương từ bên trong, từ bên trên, từ gốc "nền tảng tư tưởng".

Sau cảnh báo như vậy, ông Đinh Xuân Dũng cũng khoe :

"Những năm qua, cuộc "đọ sức" giữa âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật với lực lượng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ ở nước ta (lãnh đạo, quản lý, sáng tác, biểu diễn...) diễn ra tưởng như thầm lặng nhưng thực ra rất quyết liệt, phức tạp, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp.

Đỉa phải vôi

Nhưng thực tế Đảng đã rất đau đầu với những tác phẩm của các tác giả lưu vong cũng như ở trong nước như : Vũ Thư Hiên (Đêm giữa ban ngày), Bùi Tín (tiêu biểu với Hoa Xuyên Tuyết, Mặt Thật) Trần Đĩnh (Đèn Cù), Tống Văn Công (Đến già mới chợt tỉnh - Từ theo cộng đến chống cộng). Ông Công từng giữa các chức vụ biên tập quan trọng của các báo của đảng như Lao Động Mới, Người Lao Động và Lao Động.

Vì vậy, bài viết của ông Đinh Xuân Dũng đã chĩa mũi dùi vào hai ông Vũ Thư Hiên, Bùi Tín (đã qua đời ngày 11/08/2018 tại Paris, Pháp), gọi họ là nhóm "mở miệng" trong những năm cuối thế kỷ XX. Cùng bị lên án chống đảng là một số cây bút trẻ có những truyện ngắn đã làm cho đảng nhức nhối không ít.

Vì vậy, ông Dũng chỉ trích tiếp :

"Hùa theo khuynh hướng đó là những người làm phê bình, giới thiệu đã tìm cách đề cao các loại "tác phẩm" như vậy, coi đó là "trung thực", là "sức mạnh" của bên lề, của ngoại vi đang tấn công để "giải" (hóa giải) trung tâm, là sự "sáng tạo" và "phát hiện" độc đáo. Thực chất, họ đã dùng những thủ pháp nghệ thuật để vu cáo, xuyên tạc, bôi bẩn các giá trị văn hóa dân tộc, các thành tựu cách mạng cả trong quá khứ và hiện tại".

Cuối cùng, Đinh Xuân Dũng nói :

"Đã từ lâu, ở phương Tây và ở Mỹ lan truyền một thông tin rằng, cuộc chiến tranh ở Việt Nam là do bị "giật dây" hoặc đó là một cuộc "nội chiến". Những năm gần đây, luận điệu đó được "sản xuất" bởi một số chính trị gia phương Tây và đã nhanh chóng được "nhập khẩu" vào Việt Nam, tác động đến suy nghĩ, nhận định của một số trí thức, văn nghệ sĩ. Luận điệu đó đã đi vào một vài "sản phẩm" nghiên cứu, một số sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật. Ở một vài tác phẩm, các tác giả đã cố tình cài cắm luận điệu "nhập khẩu" đó như là một sự "phát hiện mới" của mình. Có lẽ, do phần lớn trong số họ đều là những người đứng ngoài cuộc chiến đấu nên không hiểu được khát vọng sâu thẳm của hàng triệu người Việt Nam đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, hoặc có người chạy theo "mốt thời thượng" về chính trị mà không am hiểu, thậm chí "không muốn hiểu" sự thật lịch sử đã được thừa nhận từ lâu. Thực tế đã chứng minh luận điệu của ai đó cho rằng cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam là "chiến tranh ủy nhiệm" hoàn toàn là sự "ngây thơ" hoặc cố tình xuyên tạc lịch sử".

Trong lĩnh vực âm nhạc, ông Dũng chỉ trích đích danh Nhạc sĩ Ngọc Đại, người đã có những tác phẩm phản ảnh rất trung thực tình trạng đi xuống và xáo trộn của xã hội Việt Nam.

https://youtu.be/vHRwV56M0nk

Ngọc Đại - Thằng Mõ - Cánh Đồng Cỏ Khô, Ngũ Sắc, Thông Điệp Hoa Hồng

Ông Dũng viết :

"Những năm gần đây, rải rác xuất hiện một số sáng tác tập trung miêu tả, khắc họa những con người bi quan, bế tắc, tâm trạng trống rỗng, không tin và không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Nhân vật trong các tác phẩm đó thường là thanh niên hay những người ở độ tuổi mới lớn. Chúng ta không phủ nhận trong xã hội hiện nay có một bộ phận nhỏ rơi vào tâm trạng đó. Song cường điệu điều đó để đi tới sự phủ định những điều tốt đẹp của cuộc sống, tạo ra bức tranh thê thảm của xã hội, reo giắc trong thế hệ trẻ sự bế tắc là trái với bản chất nhân văn của văn học, nghệ thuật.

Ví dụ như lời một số ca khúc trong đĩa "Cái nường 8X"của nhạc sĩ Ngọc Đại với 9 bài hát mà hầu hết lời lẽ đều toát lên một tâm trạng uất ức, tức tối, căm giận với những ca từ, như "Thôi chào nhé. Chào vĩnh biệt những mùa xuân thật là thê thảm. Những mùa xuân thật là dã man. Những mùa xuân tối tăm, bệnh hoạn. Những mùa xuân đã chết rồi trong trái tim của anh và em và cũng có thể của cả một dân tộc. Chết dần, chết mòn, chết thật rồi...".(bài Vĩnh biệt). " Mùa xuân thật là ngu ngốc, chán ngắt, buồn nôn", "phí hoài, chán ngắt, bước chân mộng du..". (bài Thông điệp hoa hồng)... Đây là những bài hát đi ngược lại thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam, tuyên truyền chống Tổ quốc, chống nhân dân, bôi xấu, xuyên tạc chế độ. Có thể thấy, đó là quan niệm lệch lạc của cá nhân nghệ sĩ, vậy "diễn biến hòa bình" ở đâu ? Phải chăng đó chính là việc truyền bá chủ nghĩa hư vô, bi quan, trầm cảm và hoài nghi. Mục tiêu chính của nó là làm nảy sinh sự bất mãn, làm sai lệch tư tưởng, làm suy yếu chủ nghĩa yêu nước trong thế hệ trẻ. Tác động tai hại, thâm độc của âm mưu "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chính là như vậy".

Phụ họa với ông Đinh Xuân Dũng, báo Quân đội Nhân Dân cũng đã viết bài lên án các nhạc sĩ và nghệ sĩ không còn muốn đứng trong hàng ngũ đảng. Báo này viết :

"Thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, các thế lực thù địch sử dụng mọi chiêu trò chống phá Việt Nam trên nhiều phương diện với các thủ đoạn hết sức thâm độc, tinh vi ; trong đó lợi dụng các hoạt động âm nhạc để tác động tiêu cực về tinh thần, tư tưởng đang được chúng coi là một trọng điểm.

Do vậy, việc nhận diện và đấu tranh với những chiêu trò của các thế lực thù địch lợi dụng hoạt động này để chống phá cách mạng Việt Nam trong tình hình hiện nay là rất cần thiết.

Mục tiêu chống phá trên lĩnh vực âm nhạc của các thế lực thù địch nằm trong mục tiêu chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, đó là : Xuyên tạc, phủ nhận, tiến tới xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nền văn hóa, văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà. Thông qua âm nhạc để tuyên truyền, xuyên tạc, gây chia rẽ nội bộ, hoài nghi lịch sử, "phi chính trị hóa" giới nghệ sĩ, tạo ra nhiều xu thế ly khai, thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước ; khuyến khích những xu hướng âm nhạc xa lạ làm nhiễu loạn lối sống, đạo đức, văn hóa Việt Nam".

Báo Quân đội nhân dân viết tiếp :

"Về thủ đoạn, các đối tượng sử dụng mạng lưới thông tin tuyên truyền, chủ yếu là mạng xã hội và một số diễn đàn, chương trình nghệ thuật để truyền bá, xuyên tạc, bóp méo quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với lĩnh vực nghệ thuật. Vu cáo Đảng cộng sản Việt Nam bóp nghẹt tự do, dân chủ, áp đặt máy móc quan điểm trong nghệ thuật, trấn áp những nghệ sĩ đấu tranh cho tự do tư tưởng, tự do sáng tạo ; bôi nhọ, đả kích các nhân vật, nhà phê bình nghệ thuật có quan điểm chính thống, đúng đắn ; phê phán, làm trầm trọng hóa một vài sai sót của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cấp phép lưu hành, hoặc cấm lưu hành các tác phẩm nghệ thuật nhạy cảm. Đặc biệt, chúng triệt để khai thác những sáng tác nghệ thuật lệch lạc, tiêu cực, bị phê phán mạnh mẽ trong nước để phổ biến, tán phát rộng rãi ; thậm chí còn tổ chức trao giải thưởng, trả nhuận bút cao, khích lệ tính hám danh của một số nghệ sĩ, lôi kéo họ vào hoạt động chống đối chính trị, đưa ra những phát ngôn, sáng tác bất lợi cho đất nước và chế độ xã hội chủ nghĩa".

Đối với trong nước, bài báo cho biết :

"Ở trong nước, thời gian gần đây, môi trường âm nhạc đang bị ô nhiễm với các album nhạc chế tiêu cực đưa lên trang mạng, blog, YouTube của một bộ phận giới trẻ, hay hiện tượng một số nhạc sĩ, ca sĩ trẻ thành danh sáng tác, phát hành một số ca khúc với ca từ vô nghĩa, dung tục, thô thiển, phản văn hóa, suy đồi đạo đức, mang mặc trang phục biểu diễn hở hang, dị biệt ; cả việc một số chương trình lạm dụng, khai thác quá đà dòng nhạc dư luận cho là "sến sẩm"… đã không nhận được sự đồng tình, thậm chí là rất bức xúc của đông đảo công chúng yêu nhạc.

Nghiêm trọng hơn, một số văn nghệ sĩ có biểu hiện cực đoan hoặc bị các thế lực thù địch lôi kéo nên đã sáng tác và truyền bá các tác phẩm độc hại, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân và đất nước ; bộc lộ thái độ hoài nghi vào sự lãnh đạo của Đảng, có những phát ngôn sai trái, lệch lạc ; có trường hợp lợi dụng danh nghĩa giáo viên dạy nhạc, thường xuyên tuyên truyền những ca khúc có nội dung kích động, chống chính quyền, phá hoại tư tưởng, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước… Những vụ việc, hiện tượng nêu trên đang làm vẩn đục dòng chủ lưu âm nhạc Việt Nam, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá nghệ thuật cách mạng, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam".

(Quân đội Nhân dân, 09/03/2020)

Như vậy thì đảng đã tối mặt chưa, hay còn sáng mắt mà nhìn chưa ra đâu là ánh sáng ở cuối đường hầm Xã hội Chũ nghĩa ?

Phạm Trần

(12/03/2020)

Additional Info

  • Author Phạm Trần
Published in Diễn đàn