Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

20/08/2022

Giới nghệ sĩ Việt Nam cần "danh hiệu" để làm gì ?

Nguyễn Ngọc Già

Hai loại danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và Nghệ sĩ nhân dân được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam - đặt ra từ năm 1984 - ghi nhận "sự cống hiến" từ tất cả các nghệ sĩ Việt Nam của các loại bộ môn nghệ thuật [1]. Qua 9 đợt phong tặng, xứ thiên đàng hiện nay có 1.675 Nghệ sĩ ưu tú và 282 Nghệ sĩ nhân dân.

nghesi1

Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần X (Ảnh minh họa)

Những ngày qua, nghệ sĩ cải lương Kim Tử Long không được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân làm ông buồn phiền [2] vì thấy không có lỗi gì, để phải nhận sự việc mà ông cảm nhận không công bằng, đối với sự cống hiến nghệ thuật của bản thân, nhiều năm qua. Nghệ sĩ Kim Tử Long từng nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

nghesi2

Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cho các nghệ sĩ ở Hà Nội (Ảnh minh họa)

Gần 2.000 người nghệ sĩ nói trên, về phía khán giả cũng như người hâm mộ, dường như không biết "họ là ai". Bởi khán giả chỉ nhớ đến nghệ sĩ qua vai diễn, qua nhạc phẩm, qua giọng hát hoặc qua nhạc cụ - tác phẩm mà họ ghi dấu đậm nét trong lòng người hâm mộ. Ví dụ quá nhiều, như nữ hoàng sân khấu cải lương Thanh Nga, dù bà qua đời đã lâu và được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú ngay đợt đầu tiên - năm 1984 nhưng khi nhắc về bà, giới mộ điệu chỉ biết Thanh Nga về giọng hát - cách diễn - thần thái và nhan sắc không phai nhòa theo thời gian. Thử hỏi có mấy ai biết và nhớ đến Nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc với tài năng ghi dấu ấn của ông ra sao (?) nếu như không làm tại Đài Truyền Hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) nhiều năm về trước (!).

Bên cạnh đó, hai loại danh hiệu này cũng không hề giúp gì cho nghệ sĩ, kể cả con cháu của họ - như con trai bà Thanh Nga (nghệ sĩ Hà Linh - cháu ruột của Nghệ sĩ ưu tú Bảo Quốc) vẫn phải tự xoay xở trong nghề với cuộc sống đời thường vất vả mưu sinh, còn con trai ông Phạm Khắc, không một ai biết đến, bởi không làm trong lãnh vực nghệ thuật. 

Lãnh vực ca sĩ, dù Cẩm Vân hay Bảo Yến chưa bao giờ có danh hiệu gì nhưng giới mộ điệu không thể nào quên hai giọng ca độc đáo này. Thật không ngoa, khi nói hai giọng hát Bảo Yến - Cẩm Vân có đủ sự tự tin để "sống mãi trong lòng dân". Trong khi đó, ca sĩ Tô Lan Phương đạt danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú từ 1984 và Nghệ sĩ nhân dân từ 2019 nhưng "đố" khán giả mấy người biết bà này "là ai" (!).

Tình khúc Trần Long Ẩn : Cẩm Vân : Hồng Vân : Nhã Phương : Bảo Yến 

Nghệ sĩ Hoài Linh - một người Mỹ gốc Việt - được phong Nghệ sĩ ưu tú vào năm 2015 nhưng khán giả chỉ biết đến ông là một "cây hài" độc đáo. Cho đến khi sự đụng độ với bà Nguyễn Phương Hằng về số tiền 14 tỷ làm từ thiện mà Hoài Linh quên khuấy, người đời cũng chê trách việc "quên vô duyên", từ một cây hài rất có duyên sân khấu. Dù sau đó, Hoài Linh được phía công an xác nhận không có khuất tất gì nhưng ông ta vẫn đang chật vật trên đường trở lại sàn diễn. Người đời góp tiền để Hoài Linh thay mặt họ làm từ thiện, vì họ tin tưởng "danh hài" Hoài Linh chứ không phải từ cái danh Nghệ sĩ ưu tú Hoài Linh.

Năm 2005, nghệ sĩ cải lương Ngọc Huyền bị bà Thế Thanh - lúc bấy giờ là Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh - đòi tước bỏ danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú [3] vốn được tặng từ 2001, vì cô xuất hiện trong nhạc phẩm "Quê Hương Bỏ Lại" - một chương trình đánh dấu 30 năm ngày quốc gia Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ vào năm 1975. Sự việc gây ồn ào một dạo rồi cũng lắng xuống, khi Ngọc Huyền "lỡ nhận" tấm giấy ghi Nghệ sĩ ưu tú mà không biết bây giờ, nữ nghệ sĩ cải lương có má lúm đồng tiền duyên dáng, cất giữ nó ở trong cái kho nào hay mảnh giấy đó nằm lăn lóc đâu đấy, trong ngôi biệt thự rộng rãi tại Mỹ quốc (!).

Nghệ thuật và nghệ sĩ không cần ban phát dù đó là "hồng ơn" từ... nhà nước ! Bởi nghệ thuật do chính cuộc sống tạo ra và người nghệ sĩ do dân nuôi dưỡng, rồi tháp cho họ đôi cánh, bay trên vòm trời nghệ thuật. Khi nhà nước nhân danh "nhân dân" ban phát, đó là sự sỉ nhục nghệ thuật và người nghệ sĩ chấp nhận sự ban phát, đó là sự phản bội lại Tổ Nghề. Bởi không một nghệ sĩ nào - dù thành công vang dội hay chiếm những vị trí thật khiêm nhường trên sân khấu - dám phủ nhận khái niệm "Tổ Đãi", để từ đó họ có thể sống với nghề. Vì vậy, nghệ sĩ Kim Tử Long không nên âu sầu, dù nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có "ngược đãi", bởi cho đến ngày nay, khán giả còn nhắc nhở tên tuổi và Kim Tử Long vẫn còn hành nghề đã là "Tổ Đãi" rồi.

Riêng về chính sách phong tặng Nghệ sĩ ưu tú và Nghệ sĩ nhân dân của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, nó mang tính chính trị quá nhiều và tính độc đoán quá nặng, trong cách nhìn nhận chuyên môn của giới làm nghệ thuật. Ngoài ra, kiểu cách xét tặng qua nhiều thủ tục mang đầy tính hành chính và ban ơn mưa móc đã trở nên quá lỗi thời.

Nếu quả thật nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam muốn thay mặt dân, để ghi nhận sự cống hiến của giới nghệ sĩ, hãy giúp họ có thể sống chân thực và đầy cảm xúc nghệ thuật đối với nghề, đặc biệt có những chăm lo thực tế bằng tiền bạc - chỗ ở, đối với những nghệ sĩ đã qua thời vàng son, đang sống trong khốn khó.

Tự Do làm nên nghệ thuật. Không có Tự Do, nghệ thuật chỉ là công cụ để phục vụ cho giới cầm quyền, dù là hình thái nhà nước nào đi chăng nữa. Không có Tự Do, nghệ sĩ chỉ là những con robot hoạt động theo một chương trình cài đặt sẵn, chỉ khác nhau ở phần mềm cài đặt tiến hóa theo phiên bản cập nhựt "chấm này - chấm kia" mà thôi !

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 20/08/2022

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_Ngh%E1%BB%87_s%C4%A9_nh%C3%... (danh sách Nghệ sĩ nhân dân)

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_Ngh%E1%BB%87_s%C4%A9_%C6%B0... (danh sách Nghệ sĩ ưu tú)

[2] https://vietnamnet.vn/nsut-kim-tu-long-buc-xuc-vi-khong-duoc-xet-duyet-n...

[3] https://vnexpress.net/nghe-si-ngoc-huyen-se-bi-tuoc-danh-hieu-uu-tu-1885...

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Ngọc Già
Read 417 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)