Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngành ngoại giao Pháp "trọng nam khinh nữ" ?

Tại Pháp, ngành ngoại giao bị chỉ trích phân biệt giới tính. Phụ nữ vất vả "chen chân" và "tiến thân" trong lĩnh vực chỉ ưu tiên cho "giới mày râu da trắng". Bởi vì, theo ghi nhận của báo Le Monde số ra ngày 12/04/2019, "Những vị trí quan trọng nhất vẫn do nam giới đảm trách".

diplomat1

Tổng thống Nga Vladimir Putin, đại sứ Pháp Sylvie Bermann (giữa) và ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) nhân một buổi lễ tại điện Kremlin (03/10/2017) Pavel Golovkin / POOL / AFP

Bất kể là để bắt đầu sự nghiệp hay là đợi được bổ nhiệm làm đại sứ, dù đã nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ nhưng các nhà nữ ngoại giao vật vã tiến thân để hướng đến mục tiêu cân bằng nam – nữ. "Giữa thiện chí đưa ra và thực tế là một hố sâu lớn", một nữ ngoại giao đã bất mãn thốt lên như thế.

Chính quyền Paris từ đây cho đến cuối năm sẽ thay thế khoảng 64 vị trí ngoại giao ở cấp đại sứ tại nhiều nước. Cuộc đua "xí chỗ" đã trở nên sôi động và gay gắt trong hậu trường. Trong số này có ba vị trí được cho là chiến lược nhất và cuộc "cạnh tranh" cũng dữ dội nhất : Đại sứ Pháp tại Washington, đại sứ Pháp bên cạnh Liên Hiệp Quốc ở New York và đại sứ Pháp tại Moskva, Nga.

Chỉ có điều theo Le Monde, ngoại trừ vị trí đại sứ Nga ở Moskva hiện nay là một ngoại lệ, hiện do bà Sylvie Bermann đảm nhiệm, cho đến lúc này chưa có một phụ nữ nào được chọn để đảm nhận hai chiếc ghế đại sứ ở Mỹ và đại sứ bên cạnh Liên Hiệp Quốc. Sau khi bà Sylvie Bermann hết nhiệm kỳ, các bổ nhiệm mới trong năm nay có nguy cơ không có một "bóng hồng" nào nắm giữ chiếc ghế đại sứ tại những quốc gia thành viên thường trực tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

"Tâm của lò phản ứng vẫn khép kín cửa đối với phụ nữ" như lời than của một nữ ngoại giao. Từ lâu nay, phụ nữ chỉ được bổ nhiệm ở những nơi "khỉ ho cò gáy" như cách nói của nữ ngoại giao trên, hàm ý chỉ những quốc gia nhỏ bé xa xôi. Hiện tại, tỷ lệ phụ nữ nắm giữ vai trò đại sứ chiếm khoảng 26% và nước Pháp đặt mục tiêu trong năm nay là 30%. Tỷ lệ này tăng gấp đôi trong vòng 7 năm.

Theo phân tích của chuyên gia Christian Lequesne, giáo sư trường đại học Sciences Po Paris và tác giả tập sách "Dân tộc học tại Quai d’Orsay" (trụ sở của bộ Ngoại giao Pháp), vấn đề cân bằng nam – nữ cũng như đa dạng nguồn gốc sắc tộc đang "được đặt ra cho tất cả các bộ ngoại giao tại các nền dân chủ phương Tây, ở đó các nhà ngoại giao chủ yếu là nam giới da trắng thuộc những tầng lớp cấp cao".

Nhật báo Le Monde nhắc lại chính phủ thời tổng thống tiền nhiệm đã thông qua đạo luật Sauvadet liên quan đến việc cân bằng các bổ nhiệm mới đối với những vị trí cao cấp và lãnh đạo trong hành chính công, vào tháng 03/2012. Luật này quy định 40% phụ nữ trong các bổ nhiệm đại sứ hay vị trí giám đốc. Thế nhưng, Bộ Ngoại giao Pháp năm nay đã phải nộp phạt 45.000 euro chỉ vì đã không tuân thủ ngưỡng quy định này trong năm 2017.

Dẫu sao nước Pháp cũng còn an ủi chưa phải là quốc gia kỳ thị giới tính nhất trong hàng ngũ các nhà ngoại giao. Tuy vẫn còn lâu mới bằng các nước Bắc Âu hay Canada, nhưng Pháp vẫn có một đội ngũ nữ ngoại giao đông đảo hơn Anh Quốc và Đức.

Brexit : Anh Quốc sẽ "bye bye" EU vào ngày Halloween

Có lẽ chẳng có cặp đôi nào lại có cuộc chia tay ly kỳ và lạ đời bằng Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu. Sau nhiều lần trì hoãn và trải qua nhiều cuộc thương lượng, Luân Đôn và Bruxelles cuối cùng thống nhất chọn ngày lễ Halloween là ngày "chia tay" dứt khoát.

Sự việc được báo chí Pháp hôm nay bàn tán sôi nổi. Le Monde trên trang nhất thông báo : "Brexit : Liên Hiệp Châu Âu quyết định hoãn lại sáu tháng". Quyết định này đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ những người chủ trương rời Liên Hiệp Châu Âu. Phóng sự của báo Le Monde tại vùng Uxbridge cho thấy các cử tri ở đây đã ví thủ tướng Anh là một "kẻ phản bội". Họ cho rằng "Thủ tướng Anh đang sỉ nhục đất nước. Chúng tôi đã bỏ phiếu để rời Liên Hiệp Châu Âu".

Không chỉ từ phía cử tri, báo Le Figaro cho biết việc "Hoãn ngày Brexit trong sáu tháng khiến phe bảo thủ nổi dậy chống May". Đối với nhiều nghị sĩ bảo thủ, vở hài kịch này là quá dài. Cựu bộ trưởng phụ trách Brexit David Davis cảnh báo sẽ "gây áp lực buộc thủ tướng May phải từ chức". Họ cho biết đã quá ngán ngẩm trước sự ương ngạnh của nữ thủ tướng kiên quyết bám lấy quyền lực.

Dù rằng, Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu thống nhất hạn chót là ngày lễ "phù thủy" 31/10, nhưng "Thủ tướng Anh vẫn luôn hy vọng ra khỏi EU trước mùa hè này" như nhận định của Les Echos. Tuy nhiên, để đạt được điều này, Theresa May buộc phải thuyết phục các nghị sĩ thông qua thỏa thuận "ly dị" từ đây đến ngày 22/05. Một cuộc đánh cược đầy rủi ro vì bà đã ba lần thất bại.

Libya và trò chơi hai mặt của Paris

Về tình hình chiến sự tại Libya, Le Figaro có bài giải thích "Ván cờ mập mờ của Paris với Haftar". Nước Pháp là quốc gia duy nhất trong khối Liên Hiệp Châu Âu hiện nay có thể đối thoại với tất cả các bên có liên quan trong cuộc xung đột ở Libya. Tuy mang vai trò trung gian hòa giải, nhưng chính quyền Paris dường như đang nghiêng hẳn về phía thống chế Haftar. Vì sao như vậy ?

Le Figaro đưa ra hai lý do giải thích. Thứ nhất là trong vấn đề chống khủng bố. Khi ngầm ủng hộ thống chế Haftar, Paris cũng vì lợi ích của mình cũng như nhiều quốc gia khác ở Châu Âu. Bởi vì, chính thống chế Haftar đã quét sạch và chế ngự các ổ thánh chiến Hồi giáo cực đoan ở phía nam và đông Libya. "Ông là người duy nhất chiến đấu chống quân Daesh" như nhìn nhận của một nhà ngoại giao. Do vậy, lấy danh nghĩa chống khủng bố, Paris còn ngầm hỗ trợ thống chế Haftar về mặt quân sự khi gởi các đội quân đặc nhiệm đến Benghazi.

Lý do thứ hai có liên quan đến vấn đề di dân. Thống chế Haftar là một đối tác của Pháp để ngăn chận làn sóng di dân sang Châu Âu. Trước một chính phủ liên minh không hợp nhất ở Tripoli và có sự thâm nhập của nhiều dòng Hồi giáo cực đoan, quân đội của thống chế Haftar tỏ ra rất kiên quyết nhờ vào sự hỗ trợ quân sự của Nga và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cũng như là từ Ai Cập.

Do vậy, một số nhà ngoại giao Paris ngầm ủng hộ thống chế Haftar chiến thắng trong trận chiến Tripoli này và xây dựng một nhà chuyên chế mới. Họ cho rằng một chiến thắng quân sự có thể mang lại một sự ổn định cho đất nước. Trong giả thuyết, tiến trình hòa bình mà đặc sứ Liên Hiệp Quốc, ông Ghassan Salamé dầy công gầy dựng từ bao lâu nay xem như "dã tràng xe cát Biển Đông".

Trang nhất các báo Pháp

Đề tài trên trang nhất các nhật báo lớn của Pháp hôm nay khá đa dạng. Nhật báo kinh tế Les Echos phấn khởi đưa tin : "Tuyển dụng lao động : Hướng đến một năm kỷ lục".

Các doanh nghiệp Pháp có kế hoạch tuyển dụng thêm 350 ngàn lao động so với năm 2018.

Le Monde trên nền ảnh hố đen vũ trụ hãnh diện giới thiệu "Hố đen, tấm ảnh đầu tiên về điểm vô hình". Một nhóm các nhà thiên văn học hôm 10/04 đã cho công bố tấm ảnh đầu tiên về vật thể được cho là giam hãm ánh sáng.

Nhật báo công giáo La Croix quan tâm đến vấn đề xã hội có liên quan đến tất cả mọi người qua hàng tít "Chịu tang, một quãng thời gian cần thiết". Theo một điều tra do Credoc thực hiện, thời gian để tang, một tiến trình chậm rãi và sâu kín đã không được xã hội quan tâm đúng mức.

Sudan : Omar El Bechir, bạn đồng hành với Bouteflika

Biến động chính trị tại Sudan là mối bận tâm chính của Libération. Sau Bouteflika tại Algeria, đến lượt nhà độc tài Sudan, Omar El Bechir bị quân đội lật đổ. Cứ như tựa một phim truyền hình nhiều tập, Libération chạy tít "Algeria, Sudan : Mùa Xuân Ả Rập, màn thứ hai".

Đây cũng là chủ đề thời sự được các nhật báo Pháp khai thác. Le Figaro có bài viết cho rằng "Tại Sudan, cú đảo chính cuốn trôi Omar El Bachir". Một "sự sụp đổ của tổng thống Sudan" như nhận xét của Les Echos. Mà "sự sụp đổ này là do quân đội gây ra", La Croix khẳng định. Đây cũng là dịp để cho LibérationLa Croix nhìn lại "Ba mươi năm cai trị đẫm máu" của nhà độc tài Bachir. Ba mươi năm đen tối trong lịch sử đất nước Bắc Phi này.

Tai tiếng ấu dâm : Lời chỉ trích hiếm hoi của Benedicto XVI

Về phần mình, Le Figaro trên nền ảnh một cựu giáo hoàng Benedicto XVI, già yếu, ánh mắt mệt mỏi đề tựa "Bản cáo trạng của Benedicto XVI về cuộc khủng hoảng Giáo hội".

"Cuộc khủng hoảng Giáo hội buộc Benedicto XVI phải lên tiếng" Le Figaro trên trang Ý kiến nhận xét. Kể từ khi từ nhiệm năm 2013, vị giáo hoàng danh dự này từng cam kết rằng sẽ không can dự vào công việc của Tòa Thánh.

Nhưng trước một cuộc khủng hoảng đang làm lung lay Giáo hội Công giáo, trong một thư ngỏ chưa từng có, được đăng trên tờ nguyệt san Klerusblatt của Đức, và được tờ Corriere della Sera của Ý độc quyền đăng lại, ngài cho đăng một bản cáo trạng nghiêm khắc dài 12 trang chỉ ra những sai sót đạo lý thần học cũng như là hệ quả của các vụ tai tiếng ấu dâm mà Giáo hội đang trải qua. Từ những sai lầm này, ngài đề ra các giải pháp để vực lại uy tín của Giáo hội.

Những cuộc chiến "ngu xuẩn" !

Cuối cùng mục điểm báo xin được khép lại với phần giới thiệu sách trên tờ Les Echos. Tất cả các cuộc chiến đều là ngớ ngẩn. Nhưng trong số các cuộc chiến ngu xuẩn chết người đó, có những cuộc chiến xứng đáng được nhận cành cọ vàng của sự ngu đần.

Bruno Fulgni và Bruno Leandri, hai nhà văn đã tập hợp những cuộc chiến trong một tiểu luận đáng để lướt qua. Ví dụ chỉ vì một vụ đánh cắp một con bò sữa mà nhiều ngôi làng ở Bỉ đã bị thiêu rụi năm 1275. Hay chuyện một chiếc lỗ tai bị cắt và ngâm trong dung dịch formol để bảo quản cũng đã làm bùng nổ xung đột giữa Tây Ban Nha và Anh Quốc năm 1739.

Rồi chuyện leo thang quân sự giữa Mỹ và Vương quốc Anh chỉ vì một phát súng mà nạn nhân duy nhất là một con lợn năm 1859. Những câu chuyện nhỏ, đôi khi bi thảm nhưng khá nực cười là dịp để nhìn lại lịch sử, để rồi một ngày nào đó có thể nhắc nhở nhau rằng "có biết bao điều ngu ngốc như vậy có thể xóa tan những ý định hiếu chiến thoáng qua trong tương lai" như lời tựa của các tác giả. Tóm lại như câu nói của nhà thơ, nhà điện ảnh Pháp nổi tiếng, Jacques Prévert "Chiến tranh thật là ngu xuẩn !".

Minh Anh

Published in Quốc tế

Ngoại giao Pháp trở về với thực tế

Báo Pháp hôm nay (19/12/2017) có khá nhiều bài viết về lĩnh vực ngoại giao. Le Figaro trở lại cuộc nói chuyện của tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên đài truyền hình France 2. Tờ báo cho rằng nền ngoại giao Pháp đang có những chuyển đổi tích cực và đang dần khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.

ngoaigiao1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Bộ trưởng ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian

"Sự trở về của chủ nghĩa hiện thực trong chính sách đối ngoại" là hàng tựa nhận định của Le Figaro. Theo quan sát của nhật báo, nước Pháp trong những thời gian gần đây đã có sự chuyển hướng và những bước đi mạnh dạn trên trường quốc tế.

Tờ báo tổng lược các sự kiện diễn ra chỉ trong vòng 7 tháng cầm quyền của ông Emmanuel Macron. Từ việc kêu gọi đối thoại với Bachar al-Assad một khi chiến tranh kết thúc, long trọng tiếp tổng thống Nga tại cung điện Versailles lộng lẫy, cho đên việc mời tổng thống Mỹ đến dự lễ diễu binh Quốc Khánh 14/7. Hay như gần đây nhất là hòa giải thành công giữa Saudi Arabia và Lebanon cũng như là bài diễn văn gây ấn tượng mạnh ở giới trẻ tại thế giới châu Phi nói tiếng Pháp nhân chuyến công du Burkina Faso.

Le Figaro cho rằng sở dĩ tổng thống Pháp có thể thực hiện được những điều này đó là nhờ những yếu tố thiên thời. Anh Quốc và Đức hầu như vắng mặt trên trường quốc tế. Một bên thì đang bị chìm ngập trong hồ sơ Brexit, còn bên kia thì bị khủng hoảng chính trị trong nước đeo bám. Đó là chưa kể đến nước Mỹ, uy tín bị suy giảm do tính cách khó lường của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hiện diện nhưng cũng đầy rủi ro

Sự trỗi dậy của nền ngoại giao Pháp cũng nhờ một phần bản thân tổng thống Macron, một người đầy tham vọng và quyết đoán. Do đó, ông muốn "đi đầu trong một số hồ sơ", "tìm lại vận mệnh nước Pháp", "trao lại cho nước Pháp vị thế anh hùng". Nói tóm lại, đó là một nước Pháp có vai trò và được lắng nghe, theo như nhận xét của ông Manuel Lafont Rapnouil, giám đốc Hội Đồng Đối Ngoại Châu Âu (ECFR-European Council on Foreign Relations).

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cảnh báo, sự hiện diện quá rõ nét của Pháp trên trường quốc tế cũng bao hàm các rủi ro. Tổng thống Macron đã tạo ra nhiều sự mong đợi. Liệu rằng ông có biết đáp ứng những mong mỏi đó hay không ? Ông có thể biến lời nói thành hành động hay không ? Nhất là trong hồ sơ Syria, ông Manuel Lafont Rapnouil cảnh báo : "Ổn định chế độ chưa hẳn dẫn đến sự bình ổn địa chính trị".

Trong khi đó, ở trong nước, các chương trình cải cách sẽ là những rào cản lớn cho ông Macron. Một chuyên gia người Mỹ thuộc ECFR có lưu ý : "Lãnh đạo dân Pháp không phải là dễ. Họ chọn một ông vua, rồi khi ông ấy áp dụng chương trình bầu cử của mình, thì người ta lại hành quyết ! Trong khi đó, thực hiện các cải cách ở nước Pháp là cần thiết để tiến hành các chính sách đối ngoại của Macron".

Cuối cùng Le Figaro kết luận : Một quốc gia muốn có một tiếng nói mạnh trên trường quốc tế phải có một quân đội hùng mạnh. Nhưng về điểm này tổng thống Macron lại không rõ ràng. Do đó, những sáng kiến ngoại giao có được lại có nguy cơ chết yểu.

"Đặt điều kiện tiên quyết" : Con dao hai lưỡi trong ngoại giao

Mục Ý kiến của Le Figaro còn có một bài viết khác của nhà báo renaud Girard nói về "Những mối nguy hiểm của việc đặt điều kiện tiên quyết trong ngoại giao".

Ngày 14/12/2017, châu Á chứng kiến một sự kiện quan trọng : đó là sự hòa giải giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, sau một thời gian căng thẳng vì hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ trên đất Hàn Quốc. Với Seoul, THAAD là nhằm để đối phó với chương trình tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Nhưng với Bắc Kinh, hệ thống này là một công cụ làm xói mòn khả năng răn đe hạt nhân của họ. Để đối phó, Trung Quốc tiến hành chiến dịch tẩy chay các hàng hóa cũng như du lịch Hàn Quốc. Thế rồi bỗng dưng chủ tịch Trung Quốc thay đổi chiến lược, mời và tiếp trọng thị đồng nhiệm Hàn Quốc. Đôi bên cùng tuyên bố không cho phép xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Vì sao như vậy ?

Theo giải thích của ông Renaud Girard, nguyên do là vì Seoul và Washington bất đồng trong cách xử lý hồ sơ Bắc Triều Tiên. Một cơ hội hiếm hoi cho phép Bắc Kinh can thiệp vào mối quan hệ đồng minh lâu đời này. Hàn Quốc mong muốn Trung Quốc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Còn Trung Quốc thì mong muốn Hàn Quốc thuyết phục Hoa Kỳ giảm bớt các cuộc tập trận trên biển trong khu vực.

Trong khi chờ đợi đôi bên cho rằng Bình Nhưỡng và Washington nên đối thoại trực tiếp và ngay lập tức, một giải pháp mà theo ông Girard, đã từng diễn ra trong quá khứ và từng có được một kết quả nhất định.

Giờ đây, cuộc đối thoại trực tiếp này không thể diễn ra (cho dù tổng thư ký Liên Hiệp Quốc công khai bày tỏ mong muốn) đó là vì Nhà Trắng đặt điều kiện tiên quyết : cụ thể là Bình Nhưỡng phải cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Ngày 10/12, trong một động thái mạnh bạo – tuy rằng ngày hôm sau, Donald Trump đã nói ngược lại – ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố để ngỏ khả năng đối thoại với Bắc Triều Tiên, không có điều kiện tiên quyết và đồng thời ông cũng nói rõ thêm là Hoa Kỳ cũng không chấp nhận Bắc Triều Tiên đặt ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.

Ví dụ về Bắc Triều Tiên là một bằng chứng mới cho thấy vai trò độc hại của việc đặt điều kiện tiên quyết trong hoạt động ngoại giao hiện đại. Việc áp dụng "điều kiện tiên quyết" chỉ làm cho lập trường đàm phán của các bên thêm cứng nhắc và làm gia tăng sự tự ái, "cái tôi" của giới lãnh đạo. Đó là một dạng ra tối hậu thư : ông phải làm điều này, nếu không, tôi không nói chuyện với ông nữa. Đây là phương pháp phản ngoại giao.

Vấn đề hạt nhân quân sự của Iran đã được giải quyết khi chính quyền Obama đã từ bỏ điều kiện tiên quyết, đòi Teheran phải chấm dứt mọi hoạt động làm giàu uranium, thì mới đối thoại. Nhờ vậy, các bên liên quan đã đạt được một thỏa hiệp ngày 14/07/2015. Trong trường hợp Syria cũng tương tự. Vào năm 2012, các cường quốc phương Tây đòi Bachar al-Assad phải ra đi. Đòi hỏi này thiếu thực tế vì vào thời điểm đó một mình Bachar al-Assad là biểu tượng cho quyền lực của Nhà nước Syria.

Rất may là ngoại giao hiện đại có "thuốc giải độc" cho việc đặt điều kiện tiên quyết thì mới nói chuyện. Đó là "đàm phán bí mật". Irael và Palestine đã đàm phán bí mật tại Oslo, Na Uy, với kết quả là sau đó hai bên đã công khai ký kết các thỏa thuận lịch sử trên sân cỏ Nhà Trắng, Washington ngày 13/09/1993.

Mỹ và Iran cũng đàm phán bí mật trong năm 2014 tại Oman. Bởi vì "đàm phán bí mật" có ba ưu điểm : thứ nhất, tránh được sự va chạm tự ái, gây mất thể diện giữa thanh thiên bạch nhật, thứ hai, tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh uyển chuyển lập trường đám phán để tìm thỏa hiệp và cuối cùng là cho phép thử nghiệm các giải pháp thực sự độc đáo.

Donald Trump điểm mặt Trung Quốc và Nga

Nhìn sang nước Mỹ, hôm qua, tổng thống Mỹ Donald Trump trình bày chiến lược về an ninh quốc gia. Về chủ đề này, Les Echos có bài nhận xét đề tựa : "Trung Quốc và Nga trong tầm ngắm của Donald Trump". Những nguyên tắc của chiến lược này gợi mở một trật tự thế giới mới.

Đầu tiên hết tờ báo nhận định chiến lược đối ngoại mới của Nhà Trắng vẫn không quên khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên" của Donald Trump. Bởi vì các lợi ích của Hoa Kỳ đã được đề cập đến nhiều và đưa lên hàng đầu trong tập tài liệu "Chiến lược an ninh quốc gia", bên cạnh các đường hướng chung trong lĩnh vực kinh tế cũng như quân sự.

Tập tài liệu "chiến lược an ninh quốc gia" của Mỹ giải thích rằng trong bối cảnh quốc tế đã biến đổi, Hoa Kỳ cần phải có những điều chỉnh để có những đáp ứng thích hợp. Tài liệu này nhấn mạnh, sau khi bị loại trừ vào cuối thế kỷ trước, cuộc chạy đua giữa các cường quốc lớn tái xuất hiện. Đó là một sự cạnh tranh, ganh đua về kinh tế, chính trị và ngoại giao và nước Mỹ có hai đối thủ : đó là Trung Quốc và Nga.

Hồi trước là "đối tác", thì nay Trung Quốc và Nga, trong con mắt của Donald Trump, là những cường quốc trong số các "cường quốc xét lại". Đây là những quốc gia quyết tâm làm cho các nền kinh tế kém tự do hơn và kém công bằng hơn, phát triển sức mạnh quân sự và kiểm soát thông tin, các dữ liệu nhằm trấn áp các xã hội của họ và mở rộng ảnh hưởng. Thái độ lên án mạnh mẽ này đoạn tuyệt với lập trường của Donald Trump trong thời gian vận động tranh cử, ví dụ như ông đã từ chối lên án Nga sáp nhập Crimea.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu giới thiệu tài liệu "Chiến lược an ninh quốc gia", Donald Trump đã cố gắng có giọng điệu bớt hiếu chiến hơn. Ông cho biết là Hoa Kỳ cố gắng phát triển quan hệ đối tác với các cường quốc này, nhưng mối quan hệ đối tác này phải bảo vệ các lợi ích của nước Mỹ.

Quan điểm của Donald Trump là nước Mỹ phải hùng mạnh và để làm việc này, trước tiên, cần củng cố ở trong nước. Đây là lập luận để giải thích cho việc tăng ngân sách quốc phòng, lên kế hoạch củng cố các cơ sở hạ tầng tại Mỹ, có chính sách cứng rắn ở biên giới, đi kèm với lời kêu gọi xây dựng một bức tường ở đường biên giới với Mêhicô, chấm dứt một số chương trình cấp visa nhập cư.

Tuy tuyên bố là không muốn áp đặt quan điểm của mình cho bất kỳ ai, nhưng Donald Trump nói rằng ông bày tỏ những giá trị mà từ nay, người dân Mỹ không phải xin lỗi vì những giá trị đó. Thậm chí, kể cả việc xóa bỏ những điều kiêng kỵ như sử dụng vũ khí nguyên tử. Và vũ khí nguyên tử cần phải trở thành tâm điểm của chiến lược quốc phòng.

Theo giải thích của tài liệu "Chiến lược an ninh quốc gia", thì đó là "nền tảng của chính sách bảo đảm hòa bình và ổn định, qua việc răn đe mọi hành động xâm lược chống lại nước Mỹ, các đồng minh và đối tác của nước Mỹ".

Donald Trump : Ba loại quốc gia đe dọa an ninh Hoa Kỳ

Cũng về chủ đề này, Le Figaro trong bài "Donald Trump công bố chiến lược an ninh quốc gia" cho biết tổng thống Mỹ chỉ định ba loại quốc gia đe dọa Hoa Kỳ.

Theo quan điểm của Donald Trump, trong một thế giới thù địch, các nước cạnh tranh với nhau, có ba loại quốc gia đe dọa Hoa Kỳ :

Thứ nhất là "các cường quốc xét lại", như Trung Quốc, Nga, thách thức sức mạnh, ảnh hưởng và lợi ích của Hoa Kỳ. Những cường quốc này thông thường hành động ở mức dưới ngưỡng làm nẩy sinh xung đột quân sự công khai và giáp ranh giới hạn của luật pháp quốc tế. Trung Quốc được coi là đối thủ "cạnh tranh chiến lược". Loại quốc gia thứ hai là các "Nhà nước bất hảo" như Iran, Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, khái niệm "hành động phòng ngừa" không xuất hiện trong tài liệu "Chiến lược an ninh quốc gia". Mối đe dọa thứ ba là các tổ chức khủng bố hoặc tội phạm xuyên quốc gia.

Điều đáng chú ý là một số lĩnh vực không còn được coi là mối đe dọa đối với nước Mỹ như vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ các định chế dân chủ chống lại tấn công tin học, tuyên truyền của nước ngoài… Một quan chức Nhà Trắng khẳng định, chiến lược này đã được áp dụng và phản ánh những việc mà tổng thống Trump đã làm và sẽ làm.

Catalunya : Chính trị bất ổn, doanh nghiệp lao đao

Vào ngày 21/12 này, vùng Catalunya sẽ tổ chức bầu cử cấp vùng. Tuy nhiên theo một nghiên cứu mới nhất hơn phân nửa các doanh nghiệp vùng này đang trả giá đắt cho những ngày xáo động chính trị.

Kết quả nghiên cứu cho thấy 44% số doanh nghiệp được hỏi cho biết đã bị mất khách hàng, 56% có doanh thu bị sụt giảm mạnh ước tính khoảng 9,5% trong khoảng giữa tháng 10-11/2017 trong suốt những tuần xảy ra căng thẳng. Nếu 46% doanh nghiệp cho biết tạm ngưng các dự án đầu tư, 52% khẳng định đã không thay đổi các dự án do tình hình chính trị bấp bênh.

Các doanh nghiệp của vùng là chịu tác động nặng nề nhất. Không chỉ tiêu thụ của người dân trong vùng giảm, mà còn phải hứng chịu hiện tượng tẩy chay trên thị trường Tây Ban Nha. Nhất là những doanh nghiệp nào có nguồn doanh thu từ 35-40% trên thị trường Tây Ban Nha là những doanh nghiệp bị thiệt hại nhiều nhất.

Trang nhất các báo Pháp

Tình hình kinh tế, chính trị, và xã hội nước Pháp là những chủ đề chính trên trang nhất các nhật báo lớn ngày 19/12/2017. Le Monde đề tít : "Macron chuẩn bị kế hoạch hành động cho năm 2018". Libération trên nền ảnh tổng thống Macron đứng khoanh tay cười tươi nhận định rằng "Paris ve vãn City" rồi đề tựa : "Bạn của tôi ư, đó là tài chính".

Les Echos thông báo : "Một tập đoàn an ninh mạng ra đời tại Pháp". Nhật báo công giáo La Croix những ngày gần cuối năm, sắp đến ngày lễ gia đình quan tâm đến số phận các tù nhân qua hàng tựa : "Ngay giữa lòng một nhà tù quá tải".

Riêng nhật báo cánh hữu Le Figaro chú ý đến thời sự quốc tế : "Algeria bị tê liệt vì trước sự tham quyền cố vị của Bouteflika". Nhật báo có một bài điều tra dài cho biết trước một vị tổng thống già yếu và bệnh tật từ 18 năm qua nhưng không muốn từ bỏ quyền lực, giới trẻ Algeria bày tỏ nỗi thất vọng và tìm cách sáng tạo một tương lai mới.

Minh Anh

Published in Quốc tế

Khủng hoảng Lebanon-Saudi Arabia : Ngoại giao Pháp trở lại Trung Đông

Thủ tướng Lebanon Saad Hariri từ Saudi Arabia đã đến Paris sáng 18/11/2017 theo lời mời của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Thứ Tư 22/11, sau khi trở về Lebanon, ông sẽ thông báo với tổng thống Aoun liệu ông có từ chức hay không. Lebanon nằm giữa hai gọng kìm trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng tại Trung Đông giữa Iran-Saudi Arabia là chủ đề thời sự quốc tế chính trên tất cả các nhật báo Pháp ra ngày 20/11/2017.

arap1

Thủ tướng Lebanon Saad Hariri được tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón tiếp tại điện Elysée, ngày 18/11/2017. Reuters/Gonzalo Fuentes

Trước hết, "bộ phim nhiều tập" được cho là mới tạm khép lại tập 1 với vai trò quan trọng của Pháp, đang từng bước trở lại Trung Đông, theo nhận định của nhật báo La CroixLe Monde. "Tại sao Hariri trở về Lebanon lại phải qua Paris ?" Câu trả lời được Le Monde phân tích trong chuyên mục "Quốc tế" : "Paris giúp Saudi Arabia đỡ mất mặt khi đưa Hariri ra khỏi nước này".

Theo Le Monde, đối với ngành ngoại giao Pháp, vắng mặt từ lâu tại Trung Đông, việc đưa ông Hariri ra khỏi Saudi Arabia là một thành công. Ý tưởng của Paris đã giúp đưa thủ tướng Lebanon khỏi một tình huống tế nhị, mà vẫn mở một cánh cửa cho Ryadh tự đưa mình vào tình huống khó xử. Một doanh nhân phương Tây làm việc tại Saudi Arabia nhận xét : "Macron đã xử lý rất tốt, ông đã làm giảm căng thẳng tại Lebanon, đồng thời giúp Saudi Arabia tránh khỏi sự chê trách của quốc tế".

Từ khi được bầu, tổng thống Pháp không ngừng đề cao ý muốn "đối thoại với tất cả mọi người" và cố đóng vai trò trung gian quốc tế. Một vai trò mà Pháp đã từng đảm nhiệm tại thế giới Ả rập Hồi giáo, nơi, trái với Hoa Kỳ, Pháp duy trì quan hệ với tất cả các nhân tố có trọng lượng, kể cả với Iran và phong trào Hezbollah Lebanon theo hệ phái Shia và thân Tehran.

Với hai sáng kiến trong vùng về Libya và Syria, được người đứng đầu nhà nước Pháp từng đưa ra, nhưng không mang lại kết quả, "sự kiện Saad Hariri đến Paris đánh dấu sự quay trở lại của ngành ngoại giao Pháp tại Trung Đông", theo đánh giá của giáo sư Luật công Ali Mourad tại đại học Ả rập Beirut.

Sự đột phá này có được là nhờ quan hệ thân mật của ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian với rất nhiều lãnh đạo trong vùng được ông xây dựng trong 5 năm làm bộ trưởng Quốc Phòng dưới thời tổng thống François Hollande, trong đó có nhân vật quan trọng của Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất Mohammed Ben Zeyed (biệt danh "MBZ") và thái tử kế nghiệp Saudi Arabia Mohammed Ben Salman (biệt danh "MBS").

Khi trở về Lebanon đúng ngày Quốc khánh, thủ tướng Hariri có hai khả năng. Ông có thể sẽ rút lại tuyên bố từ chức nhưng đổi lại sẽ yêu cầu một động thái từ phía Hezbollah, đối tác phiền hà của ông tại chính phủ. Khả năng thứ hai là ông sẽ khẳng định từ chức, đồng thời thêm các phát biểu bài Iran như từng làm tại Ryadh, đồng thời có thể tạm rút khỏi chính trường Lebanon. Trong cả hai trường hợp, những vấn đề cơ bản, bị những âm mưu của Saudi Arabia che giấu, có nguy cơ trở lại và sẽ khuấy động mối bất hòa giữa các đảng phái tại Lebanon, vốn im lặng từ hai tuần nay.

Lebanon, quốc gia nằm giữa hai gọng kìm

Cả Les EchosLa Croix đều cho rằng Lebanon trong thế "một cổ hai tròng". Theo bài viết "Lời nguyền của Lebanon" trong mục "Ý kiến" của Les Echos, do cấu trúc thể chế không vững chắc, Lebanon bị kẹt giữa hai xu hướng tham vọng trong vùng và đều tìm cách khẳng định vai trò "nước bảo vệ" cho chính quyền Beirut : một bên là Iran, đang không ngừng "ghi điểm" tại Iraq và Syria ; bên kia là Saudi Arabia, đang tiến hành cải tổ nội bộ sâu rộng và hoạt động mạnh trong chiến tranh và ngoại giao, từ Yemen đến Qatar.

Ngoài ra, từ nhiều năm nay, phong trào Hezbollah thân Tehran không ngừng phát triển tại Lebanon, được coi là một "Nhà nước trong Nhà nước", với ít nhất hai bộ trưởng Hezbollah trong nội các chính phủ từ tháng 12/2016, mà theo nhận định trong bài phân tích "Lebanon, đất nước giữa vòng can thiệp" của La Croix, đã khiến Ryadh tức giận vì cho rằng chính phủ Lebanon bị Tehran điều khiển từ xa.

Trước khi trở về Beirut vào đúng ngày Quốc Khánh, thủ tướng Hariri sẽ đến Ai Cập vào thứ Ba 21/11 để tìm sự ủng hộ của Cairo. Nhật báo Le Figaro trích một nguồn tin nắm rõ hồ sơ cho biết, thủ tướng Lebanon có thể sẽ bảo lưu quyết định từ chức. Nhật báo Libération đánh giá : "Một tuần quyết định tại Beirut với Hariri và nước ông", trong khi Lebanon đang "sống trong một bầu không khí nội chiến".

Thái tử Saudi Arabia và chính sách ngoại giao "gậy ông đập lưng ông"

Khi buộc thủ tướng Saad Hariri từ chức, thái tử kế nghiệp Saudi Arabia Mohammed Ben Salman cho rằng sẽ kích động được một bộ phận tầng lớp chính trị Lebanon nổi dậy chống phe Hezbollah thân Iran, đối thủ cạnh tranh chính trong cuộc đua giành sức ảnh hưởng trong vùng.

Trả lời Le Monde, giáo sư Ali Mourad phân tích : "Phía Saudi Arabia muốn quyết định từ chức của thủ tướng Hariri nhanh chóng kết thúc để chuyển sang giai đoạn 2 trong kế hoạch phản công : đàm phán một thỏa thuận chính phủ mới. Tuy nhiên, sự phản kháng của đường phố và thái độ của tổng thống Lebanon Michel Aoun, từ chối lời từ chức của thủ tướng, đã khiến họ bị kẹt trong giai đoạn 1".

Chính quyền Ryadh từng hy vọng là quyết định từ chức, gây ấn tượng mạnh, của Hariri sẽ thiết lập lại sự cân đối chính trị tại Lebanon theo hướng có lợi hơn cho Saudi Arabia. Tuy nhiên, "kết quả lại thảm hại. Chính quyền Saudi Arabia không dự đoán được phản ứng của xã hội Lebanon", vẫn theo nhận định của giáo sư Ali Mourad. Từ một chính trị gia không có sức lôi cuốn, Hariri bỗng trở thành người hùng của đường phố. Ryadh đã đánh giá thấp tinh thần dân tộc của người dân Lebanon. Họ muốn đoàn kết với vị lãnh đạo bị làm nhục hơn là trút giận lên Haret Hreik, trụ sở của phe Hezbollah ở ngoại ô Beirut.

Với sự kiện này, nhật báo Le Monde đánh giá : "Mohammed Ben Salman bị mắc bẫy bằng chính đường lối ngoại giao của ông". Thay vì hướng mọi tập trung vào phong trào Hezbollah, Ryadh lại cho thấy sự can thiệp vào nội tình Lebanon. Đây là lần thứ ba, chính sách ngoại giao của Mohammed Ben Salman bị "gậy ông đập lưng ông". Lầu đầu, vào tháng 03/2015, thái tử kế nghiệp điều không quân Saudi Arabia tấn công phe nổi dậy Houthis tại Yemen, bị Ryadh coi là "con ngựa thành Troy" của Iran, và vẫn bị kẹt trong cuộc chiến chưa dứt này.

Tiếp theo là cuộc khủng hoảng ngoại giao với Qatar kể từ tháng 06/2017, sau khi ban sắc lệnh cấm vận ngoại giao-chính trị với tiểu quốc bị Ryadh cáo buộc có quan hệ với Iran, tổ chức Nhà Nước Hồi giáo, phe Shia Saudi Arabia và Hamas. Mohammed Ben Salman nghĩ rằng sẽ nhanh chóng "thần phục" được Qatar nhưng lại không tính đến mạng lưới đồng minh và khách hàng rộng lớn mà Doha đã gây dựng từ 20 năm nay trong mọi lĩnh vực từ ngoại giao đến quân sự, từ văn hóa đến thể thao.

Zimbabwe : Bất chấp phản đối của dân, tổng thống Mugabe không từ chức

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Zimbabwe tiếp tục được các nhất báo Pháp đề cập. Bất chấp áp lực từ quân đội, từ chính nội bộ đảng Zanu PF và từ cuộc biểu tình ngày 19/11 lớn chưa từng có kể từ khi Zimbabwe độc lập, tổng thống Robert Mugabe, 93 tuổi, kiên quyết không từ chức.

Nhật báo Le Figaro đưa tin "Bị đẩy đến lối ra, Mugabe kháng cự". Trong bài diễn văn được truyền hình tối chủ nhật 19/11, ngược với mọi phán đoán, tổng thống Zimbabwe từ chối nhượng bộ áp lực từ đường phố, dù trước đó ông đã bị đảng Zanu PF, do ông thành lập, tước chức chủ tịch đảng. 170 thành viên của Ủy ban trung ương đảng Zanu PF còn đưa ra tối hậu thư : Đến trưa thứ Hai 20/11, nếu tổng thống Mugabe không từ chức, Nghị Viện sẽ tước chức vụ của ông vào ngày 21/11. Nhật báo công giáo La Croix nhận định, "Robert Mugabe, Zimbabwe sang trang mới" với quyết định tước quyền chủ tịch đảng Zanu đối với "người cha của quốc gia".

Với Libération, quyết định bám trụ đến cùng của tổng thống 93 tuổi là "Lời nhạo báng của Mugabe". Trên truyền hình, ông tuyên bố sẽ tổ chức hội nghị đảng Zanu PF trong vài tuần nữa để "cho phép giải quyết các mâu thuẫn" trong nước. Trong bài diễn văn dài 20 phút, ông nói nhiều đến các thách thức kinh tế, ca ngợi thành công của nhà nước, của đảng và nêu lên "một cuộc xung đột thế hệ" mà không hề nhắc đến trường hợp cá nhân ông.

Kết thúc bài diễn văn bằng tiếng Anh, tổng thống 93 tuổi khẳng định : "Các bạn và tôi, chúng ta có một việc quan trọng phải làm", bất chấp những lời kêu gọi "ra đi" của người biểu tình. Họ "đã mệt mỏi về ông ấy. Ông ấy phải ra đi, và ngừng tìm cách xin lỗi. Đất nước bị tàn phá về mặt kinh tế. Tất cả là do lỗi của ông già này", như phát biểu của một người biểu tình 57 tuổi.

Đức : Thủ tướng Merkel vẫn chưa thành lập được chính phủ

Tại Đức, hai tháng sau cuộc bầu cử Quốc hội, và được bầu thêm nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư, bà Angela Merkel vẫn chưa thành lập được chính phủ.

Nhật báo Libération nhận định "Hai tháng sau bầu cử, Angela Merkel vẫn đang tìm liên minh". Liên minh cầm quyền CDU-CSU của thủ tướng Đức vẫn chưa tìm được tiếng nói chung với các đảng Xanh và đảng tự do FDP. Thời hạn 18 giờ Chủ Nhật 19/11 lại được đẩy lùi và sau 4 tuần đàm phán, vẫn còn nhiều bất đồng quan trọng giữa 4 đảng chính, đặc biệt trong vấn đề nhập cư (áp dụng quota nhập cư), khí hậu và năng lượng (rút khỏi năng lượng than và động cơ diesel) hay ngân sách giành cho nông nghiệp…

Ngoài những thông tin như trên, trong bài viết "Thất bại của các cuộc thương lượng cuối cùng ở Berlin", nhật báo Le Figaro đánh giá "tương lai chính trị của Angela Merkel, bị suy yếu sau chiến thắng quá ngắn ngủi trong cuộc bầu cử liên bang ngày 24/09, trở nên đen tối".

Pháp : Căng thẳng giữa Nhà nước và các thị trưởng

Thời sự Pháp nổi bật với hội nghị lần thứ 100 của Hiệp hội Thị trưởng Pháp, diễn ra ngày 20/11/2017, trong bầu không khí rất căng thẳng giữa Nhà nước và chính quyền địa phương.

Nhật báo Le Figaro nhận định : "Tiếng phàn nàn gia tăng ở các địa phương" vì các thị trưởng lo ngại vấn đề ngân sách của địa phương mình và thắc mắc về mục tiêu của hành pháp. Phác họa chân dung hai thị trưởng Lyon và Bordeaux, La Croix nhận định "Các thị trưởng phải hành động tốt hơn với ngân sách ít đi".

Riêng nhật báo kinh tế Les Echos đưa tin trên trang nhất "Nhà nước muốn đi xa hơn trong việc giảm các khoản đóng góp", áp dụng đối với mức lương cao từ 2,5 lần so với lương tối thiểu (SMIC) và sẽ tiêu tốn của nhà nước khoảng 2,9 tỉ euro. Đây là một khoản ngân sách lớn, chính vì vậy, một số người trong cơ quan hành pháp nhấn mạnh, trước hết phải khắc phục tình trạng tài chính công. Thông tin có thể được thủ tướng Edouard Philippe công bố ngày 20/11 trước Hội đồng Công nghiệp Quốc gia tổ chức tại thành phố Bobigny, ngoại ô Paris.

Thu Hằng

*************************

Tại hội nghị Liên Đoàn Ả rập, Ryadh chỉ trích gay gắt Tehran (RFI, 20/11/2017)

Trong cuộc họp bất thường cấp bộ trưởng của Liên Đoàn Ả rập vào ngày hôm qua, 19/11/2017 tại Cairo, Ai Cập, Saudi Arabia đã tố cáo Iran đe dọa an ninh các nước Ả rập qua việc ủng hộ các tổ chức khủng bố như Hezbollah Lebanon và Houthis Yemen.

arap

Hội nghị các ngoại trưởng Liên Đoàn Ả rập họp bất thường tại Caire, Ai Cập, ngày 19/11/2017-Reuters

Cuộc họp được triệu tập theo đề nghị của Ryadh nhằm xem xét vụ một tên lửa đạn đạo do Iran chế tạo, được bắn đi từ Yemen, nhắm vào thủ đô Saudi Arabia.

Từ Cairo, thông tín viên Alexandre Bouccianti tổng kết cuộc họp này :

"Chúng tôi sẽ không tuyên chiến với Iran trong giai đoạn hiện nay. Mục tiêu của cuộc họp là lên án những hành động của Iran. Ông Ahmad Aboul Gheit, tổng thư ký Liên Đoàn Ả rập đã tuyên bố như trên trong cuộc họp báo kết thúc cuộc họp bất thường. Phải chăng đây là lời cảnh cáo hay tối hậu thư ? Điều chắc chắn là các nước Ả rập ủng hộ các biện pháp mà Saudi Arabia đánh giá là phù hợp để bảo đảm an ninh cho nước này chống lại Iran.

Bản thông cáo kết thúc hội nghị cũng lên án Hezbollah, bị coi là một tổ chức khủng bố và là cánh tay đắc lực của Iran trong các hoạt động can thiệp vào thế giới Ả rập. Ngoại trưởng Lebanon tẩy chay cuộc họp và Lebanon bác bỏ những cáo buộc nói trên, đồng thời nhấn mạnh rằng Hezbollah là một thành phần trong dân tộc và chính phủ Lebanon. Biện pháp cụ thể duy nhất được hội nghị cấp bộ trưởng Liên Đoàn Ả rập thông qua là việc cấm các kênh truyền hình được Iran tài trợ và được phát sóng qua các vệ tinh của các nước Ả rập".

RFI tiếng Việt 

Published in Quốc tế

phap1

Bộ Ngoại Giao và Phát Triển Quốc Tế Pháp kết hợp với Tòa thị chính Paris tổ chức triển lãm "Nghệ thuật hòa bình : Những bí mật và kho báu của nền ngoại giao Pháp"

Bộ Ngoại Giao và Phát Triển Quốc Tế Pháp, kết hợp với Tòa thị chính Paris đang cho ra mắt công chúng tại Petit Palais (Paris) triển lãm "Nghệ thuật hòa bình : Những bí mật và kho báu của nền ngoại giao Pháp".

Đây là lần đầu tiên những kỷ vật hiếm hoi được giữ gìn từ Thế kỷ 4, những tranh, tượng của những danh họa, nghệ sĩ, văn bản, nghi chép nói về con đường gieo mầm, gặt hái hòa bình từ những xung đột, chiến tranh của ngoại giao Pháp ra mắt công chúng.

Trong số những tài liệu quý, tôi thấy có bản sao 'Công chứng' với bút tích viết tay của nhà hàng hải Christophe Colomb ký với Ferdinand và Isabelle Tây Ban Nha năm 1502.

Ngoài ra là 'Văn bản đầu hàng' Đế chế Đức ký kết chấm dứt chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1917, hoặc 'Biên bản trao đổi' giữa Hitler và đại sứ Pháp tại Berlin trước ngày nổ ra Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Người ta cũng có thể thấy cẩm nang viết và tra cứu mật mã những văn bản ngoại giao, tài liệu mật giai đoạn Hồng y Richelieu, cùng thời với chàng l'Artagnan trong tiểu thuyết 'Ba chàng lính Ngự lâm' của Alexandre Dumas.

phap2

Bản sao 'Công chứng' với bút tích viết tay của nhà hàng hải Christophe Colomb ký với Ferdinand và Isabelle Tây Ban Nha năm 1502

Một tài liệu độc đáo khác là bức thư viết trên vàng lá của vua Xiêm (Thái Lan) Mongkut-Rama IV gửi Hoàng đế Napoléon III ngày 17/03/18615.

Đại sứ Xiêm đã trình quốc thư độc đáo đó kèm nhiều tặng phẩm quý tận tay Napoléon III và hoàng hậu Eugénie tại lâu đài Fontainebleau ngày 27/06/1861.

Với Việt Nam, có hai văn bản nên ngược dòng lịch sử, để ghi nhận và suy ngẫm.

Văn bản thứ nhất là 'Hiệp định đình chiến Geneve (Thụy Sĩ) 1954', nhằm chấm dứt chiến tranh tại ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia).

Văn bản thứ hai là 'Hiệp định Hoàng Phố 1844'.

Ai thắng ai ở Geneve 1954 ?

Văn bản Hiệp Định Geneve trưng bày bản gốc tiếng Pháp và tiếng Việt, các trang liên kết với nhau bằng 2 dải dây lụa xanh trắng, trang bìa gắn dấu xi chữ ký Cộng Hòa Pháp và quốc huy của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Bản tiếng Việt đựng trong bìa carton mầu vàng nhạt, mầu những bức tường cổ Hà Nội. Bản tiếng Pháp có bìa mầu hồng.

Đằng sau những cặp bìa chứa chấp những mưu mô đổi chác, những giọt nước mắt, nụ cười và bi kịch.

Người anh cả Nga đã đi đêm, khi Tướng Giáp còn chưa hất tung những chàng lính dù Pháp như nướng những chiếc bánh crêpes bằng những khẩu đại bác của mình.

phap3

Bản gốc 'Hiệp định đình chiến Geneve (Thụy Sĩ) 1954' nhằm chấm dứt chiến tranh tại ba nước Đông Dương được trưng bày tại triển lãm ở Paris

Tháng 1/1954 tại Berlin, trong những bàn cãi về thống nhất nước Đức, Ngoại trưởng Nga Vyacheslav Molotov (1890-1986) ngỏ ý giúp Pháp thu xếp đình chiến tại Đông Dương, đổi lại việc Pháp rút ra khỏi khối 'Cộng đồng phòng thủ chung Châu Âu'.

Lẽ ra ủng hộ phái đoàn Phạm Văn Đồng tại Geneve, người anh thứ hai Trung Hoa lại 'thân thiết, gần gũi' với Pháp, kẻ thất bại trên chiến trường đang cháy lòng tìm kiếm một lối thoát khả thi.

Đọc hồi ức của các tướng lĩnh và sử gia Pháp giai đoạn này, người Việt sẽ đánh giá lại món ăn cay sực gia vị 'nghệ thuật ngoại giao Paris' đã dọn cho họ ra sao.

Giới quân sự Pháp rền rĩ trước canh bạc trắng tay, rủa những nhà ngoại giao chết nghẹn đi không nghĩ rằng phái đoàn Georges Bidault đến Thụy Sỹ đã cứu thoái cho đạo quân viễn chinh mất tinh thần chiến đấu, tan hàng còn hiệu quả hơn những chiến dịch giải cứu Atlante, Arréthus hay Axelle.

Các nhà ngoại giao Pháp lọc lõi, hồng hào, tươi tắn như thể họ còn những con bài sáng giá, mà thật ra đã bị dồn đến chân tường.

Ngày 19/06/1954 lên nhậm chức, Thủ tướng Pierre Mendes France đã hứa trước quốc dân sẽ tái lập hòa bình ở Đông Dương trong vòng một tháng, muộn nhất là vào ngày 20/07.

Song kịch hạn chót của thời điểm, các cuộc thương lượng vẫn dang dở. Để cho chính phủ Pháp không bị đổ vì hứa suông cũng như tôn trọng hình thức công pháp quốc tế, tại phòng đàm phán 'Palais des Nations' ở Geneve, hai chiếc kim đồng hồ giữ nguyên ở số 12.

Sự thật là sang 2 giờ ngày 21/07/1954, Hiệp định đình chiến về Việt Nam và Lào mới được đại diện Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ký. Hiệp định đình chiến ở Campuchia được ký vào cuối buổi sáng 21/07. "Tuyên bố cuối cùng" mãi đến chiều ngày 21/07 mới được hội nghị thông qua.

Tháng 10/1979, nghĩa là sau một phần tư thế kỷ, Hà Nội công bố Bạch thư "Sự thật về quan hệ Việt Nam- Trung Quốc 30 năm qua".

Phải đợi những chiếc xe tăng Bát Nhất chọc thủng phòng tuyến Kỳ Lừa và biển người của Giải phóng quân Trung Hoa tràn sang giết chóc, những dòng chữ như thế này mới được viết :

"Pháp đến Geneve nhằm đạt được một cuộc ngừng bắn theo kiểu Triều Tiên để cứu đội quân viễn chinh, chia cắt Việt Nam, duy trì chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương. Rõ ràng lập trường của Trung Quốc khác hẳn lập trường của Việt Nam, nhưng lại rất phù hợp với lập trường của Pháp".

Các nhà đàm phán Việt Nam thiếu cái hoài nghi lịch lãm nhưng lại lành mạnh đủ mức với những gì những nhà làm chính trị phải có để nhìn ra những cạm bẫy hai khối dành cho họ. Họ dèm pha và khinh miệt đối phương. Căn bệnh tự phụ, răn dạy đạo đức luôn luôn cho rằng mình đúng, những suy nghĩ của họ là bất di, bất dịch.

Người ta chế nhạo giọt nước mắt của Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ của Quốc gia Việt Nam, tiền thân của Việt Nam Cộng hòa sau này, người đã không chịu đặt bút ký vào văn bản chia đôi Việt Nam mà dòng sông có tên Hiền Lương như nụ cười nhạo báng, trớ trêu, chẳng 'hiền' mà cũng chẳng 'lương' trong suốt 30 năm.

Không ai nghĩ rằng đó là những giọt nước mắt đầu tiên nhỏ xuống sinh mạng 5 triệu người Việt Nam và 58.000 quân nhân Mỹ sẽ chết.

Song đó chưa phải là giá đắt nhất.

Đến bây giờ người Việt đối thoại với cựu thù Pháp, Mỹ dễ hơn đối thoại giữa người Việt có quá khứ khác nhau. Họ hỏi nhau đến từ đâu, Nam hay Bắc trong câu hỏi đầu tiên.

Hiệp định Hoàng Phố Pháp-Trung 1844 và vị thế Việt Nam

phap4

Ảnh chụp 'Hiệp Định Hoàng Phố 1844' trưng bày tại bảo tàng

phap5

Ảnh chụp 'Hiệp Định Hoàng Phố 1844' trưng bày tại bảo tàng

Hiệp ước Pháp-Hoa, ký ngày 24/10/1844 giữa Hoàng đế Pháp Louis Phillippe và Hoàng đế nhà Thanh được gọi là 'Hiệp ước hữu nghị và thương mại' trong nguyên bản, thực chất là một trong những dạng hiệp ước bất bình đẳng. Nhà Thanh phải nhượng quyền buôn bán tại năm hải cảng, chấp nhận hiện diện của Pháp tại Trung Hoa, mở đầu tiến trình thực dân hóa của Pháp tại Châu Á.

Ngay từ năm 1842, Trung Quốc đã bị Anh, Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Bồ Đào Nha chẹt cổ bằng hàng loạt các hiệp ước lép vế như Hiệp ước Nam Kinh (1842), Hố Môn (1843), Vọng Hạ, Thiên Tân (1844), Yên Đài (1876), Mã Quan (1895)…

Tiến thêm một bước nữa, sau Hiệp ước Hoàng Phố đúng 40 năm, Paris ký với nhà Nguyễn Hòa ước Pháp-Việt Giáp Thân, 1884, còn gọi Hòa ước Patenôtre, đặt chế độ bảo hộ lên Việt Nam.

Nhìn những văn bản được trưng bầy tôi có dòng suy nghĩ.

Nước Pháp đã thở phào nhẹ nhõm khi thôn tính nền độc lập của Việt Nam, nước được họ coi là cường quốc mạnh nhất Đông Nam Á, một thế lực lớn ở Châu Á sau chiến thắng của Nguyễn Ánh trước nhà Tây Sơn.

Trận thủy chiến thư hùng Thị Nại hồi 1801, quân chúa Nguyễn đánh tan hạm đội Tây Sơn gồm 1.800 chiến thuyền, 600 đại bác và 20.000 binh sĩ của Đại tư đồ Vũ Văn Dũng, đã tạo uy danh cho Vua Gia Long.

Các cường quốc phương Tây chủ yếu sử dụng 'chính sách pháo hạm' bắt nạt Trung Quốc, Nhật Bản phải dè chừng. 'Qua sông phải lụy đò', sợ cũng phải.

Có phải vì vậy mà Việt Nam bị bắt nạt chậm hơn Trung Hoa đến gần nửa thế kỷ ?

Uy dũng Tây Sơn : Trên chiến trường và trong cuộc đấu ngoại giao

phap6

"Những trận thắng oanh liệt của Vua Quang Trung khiến nhà Thanh phải e sợ, và khiến nước Việt có tư thế bình đẳng với Trung Hoa"

Năm Kỷ Dậu, Quang Trung đánh tan quân Thanh cũng là năm Cách mạng Pháp 1789.

Nước Pháp chắc cũng ngần ngại nếu sau khi đặt chế độ bảo hộ lên đất Việt lại phải cử một phái đoàn ngoại giao 'kiểu Nguyễn Huệ' sang Trung Quốc.

Họ cũng sẽ run, sẽ sợ 'bút sa không phải gà chết mà nước mất' nếu phải đề cử võ tướng Vũ Văn Dũng giỏi múa kiếm, phá thành hơn cong lưỡi làm thơ, bút đàm làm trưởng đoàn soán chỗ quan văn Ngô Thì Nhậm, Trần Văn Kỷ sang nghị hòa với Càn Long tại Bắc Kinh 18/1/1789.

Họ cũng sẽ thấy bức thư gửi 'Thiên triều' ngang ngạnh quá, đi giảng hòa mà ngạo nghễ ngang tàng, như lên lớp cho Trung Hoa về nghệ thuật chiến tranh "quân đội cốt ở chỗ đoàn kết một lòng, không cốt ở chỗ đông, binh lính quý ở chỗ tinh nhuệ không quý ở chỗ nhiều. Kẻ khéo thắng ở chỗ vô cùng mềm dẻo, chứ không phải ỷ mạnh lấn yếu, lấy đông hiếp ít đâu...".

Lần thứ hai phái đoàn Phạm Văn Trị đi Tầu 1/1790 vẫn có kẻ 'Vai năm thước rộng, thân mười thước cao', 'Chinh Nam Đại tướng quân' Ngô Văn Sở, dũng tướng được Nguyễn Huệ gọi là 'nanh vuốt của ta', người đã chém đầu Đề đốc Hứa Thế Hanh và Tả dực Thượng Duy Thăng, bức tử Sầm Nghi Đống, sang đòi bỏ lệ cống người vàng cúng cái đầu Liễu Thăng rơi ở ải Nam Quan.

Lần thứ ba đi sứ cũng vẫn là võ tướng Vũ Văn Dũng với nhiệm vụ rõ ràng : "Sắc truyền cho Hải Dương Chiêu viễn Đô đốc tướng quân Dực vận công thần Vũ quốc công được gia phong chức chánh sứ đi sứ nước Thanh, được toàn quyền trong việc đối đáp tâu xin hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây để dò ý và cầu hôn một vị công chúa để chọc tức".

"Phải thận trọng đấy ! Hình thế trong chuyến dụng binh đều ở chuyến đi này. Ngày khác làm tiên phong (đánh nước Thanh) chính là khanh đấy. Kính thay sắc này".

Triều đại Việt nào làm ngoại giao tế nhị, tinh tế như thế ?

phap7

Triều đại Tây Sơn không chỉ đánh đuổi giặc ngoại xâm từ phương Bắc mà còn tỏ thái độ cứng rắn trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc

Những người chơi đồ cổ Hà Nội rất vui khi kiếm được một món đồ nào đó của triều đại này. Một triều đại được họ cho là 'nhân văn, nhân ái'. Triều đại không muốn nghe nhắc đến tên một dòng sông đất Việt, không muốn nhớ đến võ công một nước bé tý đã thắng đội quân Mông Cổ mà chính Trung Hoa đã phải quỳ gối hồi Thế kỷ 13.

Nước Pháp kỷ niệm 200 năm Cách mạng 1789 đã từ chối lời ngỏ ý của tướng Giáp được tham dự ngày hội trên Quảng trường Concorde. Đất nước 'ánh sáng, văn minh' đi gần sang Thế kỷ 21 mà còn nặng lòng, ấm ức với người thắng họ ở Điện Biên Phủ.

Càn Long 'lú' không ngửi thấy mùi thuốc súng còn vương trên chiến bào của Võ Văn Dũng, Ngô Văn Sở ? Quan binh chết nghẽn dòng Nhị Hà ai cũng sướng 'làm quỷ nước Nam, hơn làm vua đất Bắc', chẳng kẻ nào lê gối về khóc với Bắc Kinh ?

Định mệnh cho thêm Quang Trung một vài năm, đất Việt sẽ có một công chúa nhà Thanh đôi mày xanh chiêm bao về làm dâu với hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây như nhượng địa 'xin đểu' kiểu Hong Kong, Ma Cao ?

Và lúc đó, Việt Nam chứ không phải là Pháp sẽ ký tại Quảng Tây Hiệp ước Hoàng Phố, trong tiếng Anh gọi là Whampoa này. Có thể còn trước hơn rất nhiều ?

Mong ước của Quang Trung có 10 năm yên ổn phát triển thì "mình sợ gì nó (chỉ Trung Hoa)" không có.

Việt Nam chưa từng có một cơ hội như Pháp ký với Trung Hoa một hiệp định chặn họng tương tự.

Sau chiến thắng khẳng định nền độc lập 1789, nước Việt có tư thế bình đẳng với Trung Hoa. Song lợi thế này không được khai thác và tiếp nối sau khi Quang Trung mất.

Việt Nam đã thiếu tự tin để cuối cùng phải nhận một bản hiệp ước mất chủ quyền như Hòa ước Patenôtre ?

Người Pháp khi đàm phán về ba tỉnh miền Nam nhủ thầm "nếu đòi được chiến phí vài triệu francs thì quá tốt rồi", thì họ lại được cả ba vùng đất.

Việt Nam là một trong ba trường hợp hiếm hoi như Nga, Hoa Kỳ từ Thế kỷ 17 mà sự mở rộng bờ cõi không bị lịch sử trừng trị và lụn bại.

Nước Pháp có trọn vẹn Waterloo, Điện Biên Phủ, song vẫn giữ vị thế là một trong năm cường quốc. Nên học gì ở họ để 'dân giầu, nước mạnh' ?

Napoleon nói : "Những thiên tài như những mảnh thiên thạch chói sáng dẫn dắt lịch sử".

Đất Việt thiếu những thiên thạch để mở mặt, như họ đã để tuột các cơ hội chăng ?

Có quá nhiều giả định, nhiều 'NẾU' trong bước đường khẳng định một quốc gia hùng cường.

Chữ 'NẾU' ấy chỉ như đám mây ngũ sắc, chiếc cầu vồng bắc qua nền trời sau cơn mưa. Những tuấn kiệt của lịch sử hay kẻ nghèo hèn đều không bước chân lên được chiếc cầu hư ảo để sang bờ bên kia của Định Mệnh, chỉ còn vạt nắng trôi theo chân người của tiếc nuối, cam chịu.

Một lúc nào đó chúng ta sẽ có cơ hội được xem những văn bản "Nghệ thuật ngoại giao Việt Nam", được 'chiêm ngưỡng' Hiệp định Thành Đô ở Hà Nội chăng, như hôm nay ở Paris ?

Phạm Cao Phong

Nguồn : BBC Tiếng Việt từ Paris, 16/01/2017

Additional Info

  • Author Phạm Cao Phong
Published in Diễn đàn