Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/04/2019

Điểm báo Pháp - Ngoại giao Pháp "trọng nam khinh nữ" ?

RFI tiếng Việt

Ngành ngoại giao Pháp "trọng nam khinh nữ" ?

Tại Pháp, ngành ngoại giao bị chỉ trích phân biệt giới tính. Phụ nữ vất vả "chen chân" và "tiến thân" trong lĩnh vực chỉ ưu tiên cho "giới mày râu da trắng". Bởi vì, theo ghi nhận của báo Le Monde số ra ngày 12/04/2019, "Những vị trí quan trọng nhất vẫn do nam giới đảm trách".

diplomat1

Tổng thống Nga Vladimir Putin, đại sứ Pháp Sylvie Bermann (giữa) và ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) nhân một buổi lễ tại điện Kremlin (03/10/2017) Pavel Golovkin / POOL / AFP

Bất kể là để bắt đầu sự nghiệp hay là đợi được bổ nhiệm làm đại sứ, dù đã nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ nhưng các nhà nữ ngoại giao vật vã tiến thân để hướng đến mục tiêu cân bằng nam – nữ. "Giữa thiện chí đưa ra và thực tế là một hố sâu lớn", một nữ ngoại giao đã bất mãn thốt lên như thế.

Chính quyền Paris từ đây cho đến cuối năm sẽ thay thế khoảng 64 vị trí ngoại giao ở cấp đại sứ tại nhiều nước. Cuộc đua "xí chỗ" đã trở nên sôi động và gay gắt trong hậu trường. Trong số này có ba vị trí được cho là chiến lược nhất và cuộc "cạnh tranh" cũng dữ dội nhất : Đại sứ Pháp tại Washington, đại sứ Pháp bên cạnh Liên Hiệp Quốc ở New York và đại sứ Pháp tại Moskva, Nga.

Chỉ có điều theo Le Monde, ngoại trừ vị trí đại sứ Nga ở Moskva hiện nay là một ngoại lệ, hiện do bà Sylvie Bermann đảm nhiệm, cho đến lúc này chưa có một phụ nữ nào được chọn để đảm nhận hai chiếc ghế đại sứ ở Mỹ và đại sứ bên cạnh Liên Hiệp Quốc. Sau khi bà Sylvie Bermann hết nhiệm kỳ, các bổ nhiệm mới trong năm nay có nguy cơ không có một "bóng hồng" nào nắm giữ chiếc ghế đại sứ tại những quốc gia thành viên thường trực tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

"Tâm của lò phản ứng vẫn khép kín cửa đối với phụ nữ" như lời than của một nữ ngoại giao. Từ lâu nay, phụ nữ chỉ được bổ nhiệm ở những nơi "khỉ ho cò gáy" như cách nói của nữ ngoại giao trên, hàm ý chỉ những quốc gia nhỏ bé xa xôi. Hiện tại, tỷ lệ phụ nữ nắm giữ vai trò đại sứ chiếm khoảng 26% và nước Pháp đặt mục tiêu trong năm nay là 30%. Tỷ lệ này tăng gấp đôi trong vòng 7 năm.

Theo phân tích của chuyên gia Christian Lequesne, giáo sư trường đại học Sciences Po Paris và tác giả tập sách "Dân tộc học tại Quai d’Orsay" (trụ sở của bộ Ngoại giao Pháp), vấn đề cân bằng nam – nữ cũng như đa dạng nguồn gốc sắc tộc đang "được đặt ra cho tất cả các bộ ngoại giao tại các nền dân chủ phương Tây, ở đó các nhà ngoại giao chủ yếu là nam giới da trắng thuộc những tầng lớp cấp cao".

Nhật báo Le Monde nhắc lại chính phủ thời tổng thống tiền nhiệm đã thông qua đạo luật Sauvadet liên quan đến việc cân bằng các bổ nhiệm mới đối với những vị trí cao cấp và lãnh đạo trong hành chính công, vào tháng 03/2012. Luật này quy định 40% phụ nữ trong các bổ nhiệm đại sứ hay vị trí giám đốc. Thế nhưng, Bộ Ngoại giao Pháp năm nay đã phải nộp phạt 45.000 euro chỉ vì đã không tuân thủ ngưỡng quy định này trong năm 2017.

Dẫu sao nước Pháp cũng còn an ủi chưa phải là quốc gia kỳ thị giới tính nhất trong hàng ngũ các nhà ngoại giao. Tuy vẫn còn lâu mới bằng các nước Bắc Âu hay Canada, nhưng Pháp vẫn có một đội ngũ nữ ngoại giao đông đảo hơn Anh Quốc và Đức.

Brexit : Anh Quốc sẽ "bye bye" EU vào ngày Halloween

Có lẽ chẳng có cặp đôi nào lại có cuộc chia tay ly kỳ và lạ đời bằng Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu. Sau nhiều lần trì hoãn và trải qua nhiều cuộc thương lượng, Luân Đôn và Bruxelles cuối cùng thống nhất chọn ngày lễ Halloween là ngày "chia tay" dứt khoát.

Sự việc được báo chí Pháp hôm nay bàn tán sôi nổi. Le Monde trên trang nhất thông báo : "Brexit : Liên Hiệp Châu Âu quyết định hoãn lại sáu tháng". Quyết định này đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ những người chủ trương rời Liên Hiệp Châu Âu. Phóng sự của báo Le Monde tại vùng Uxbridge cho thấy các cử tri ở đây đã ví thủ tướng Anh là một "kẻ phản bội". Họ cho rằng "Thủ tướng Anh đang sỉ nhục đất nước. Chúng tôi đã bỏ phiếu để rời Liên Hiệp Châu Âu".

Không chỉ từ phía cử tri, báo Le Figaro cho biết việc "Hoãn ngày Brexit trong sáu tháng khiến phe bảo thủ nổi dậy chống May". Đối với nhiều nghị sĩ bảo thủ, vở hài kịch này là quá dài. Cựu bộ trưởng phụ trách Brexit David Davis cảnh báo sẽ "gây áp lực buộc thủ tướng May phải từ chức". Họ cho biết đã quá ngán ngẩm trước sự ương ngạnh của nữ thủ tướng kiên quyết bám lấy quyền lực.

Dù rằng, Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu thống nhất hạn chót là ngày lễ "phù thủy" 31/10, nhưng "Thủ tướng Anh vẫn luôn hy vọng ra khỏi EU trước mùa hè này" như nhận định của Les Echos. Tuy nhiên, để đạt được điều này, Theresa May buộc phải thuyết phục các nghị sĩ thông qua thỏa thuận "ly dị" từ đây đến ngày 22/05. Một cuộc đánh cược đầy rủi ro vì bà đã ba lần thất bại.

Libya và trò chơi hai mặt của Paris

Về tình hình chiến sự tại Libya, Le Figaro có bài giải thích "Ván cờ mập mờ của Paris với Haftar". Nước Pháp là quốc gia duy nhất trong khối Liên Hiệp Châu Âu hiện nay có thể đối thoại với tất cả các bên có liên quan trong cuộc xung đột ở Libya. Tuy mang vai trò trung gian hòa giải, nhưng chính quyền Paris dường như đang nghiêng hẳn về phía thống chế Haftar. Vì sao như vậy ?

Le Figaro đưa ra hai lý do giải thích. Thứ nhất là trong vấn đề chống khủng bố. Khi ngầm ủng hộ thống chế Haftar, Paris cũng vì lợi ích của mình cũng như nhiều quốc gia khác ở Châu Âu. Bởi vì, chính thống chế Haftar đã quét sạch và chế ngự các ổ thánh chiến Hồi giáo cực đoan ở phía nam và đông Libya. "Ông là người duy nhất chiến đấu chống quân Daesh" như nhìn nhận của một nhà ngoại giao. Do vậy, lấy danh nghĩa chống khủng bố, Paris còn ngầm hỗ trợ thống chế Haftar về mặt quân sự khi gởi các đội quân đặc nhiệm đến Benghazi.

Lý do thứ hai có liên quan đến vấn đề di dân. Thống chế Haftar là một đối tác của Pháp để ngăn chận làn sóng di dân sang Châu Âu. Trước một chính phủ liên minh không hợp nhất ở Tripoli và có sự thâm nhập của nhiều dòng Hồi giáo cực đoan, quân đội của thống chế Haftar tỏ ra rất kiên quyết nhờ vào sự hỗ trợ quân sự của Nga và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cũng như là từ Ai Cập.

Do vậy, một số nhà ngoại giao Paris ngầm ủng hộ thống chế Haftar chiến thắng trong trận chiến Tripoli này và xây dựng một nhà chuyên chế mới. Họ cho rằng một chiến thắng quân sự có thể mang lại một sự ổn định cho đất nước. Trong giả thuyết, tiến trình hòa bình mà đặc sứ Liên Hiệp Quốc, ông Ghassan Salamé dầy công gầy dựng từ bao lâu nay xem như "dã tràng xe cát Biển Đông".

Trang nhất các báo Pháp

Đề tài trên trang nhất các nhật báo lớn của Pháp hôm nay khá đa dạng. Nhật báo kinh tế Les Echos phấn khởi đưa tin : "Tuyển dụng lao động : Hướng đến một năm kỷ lục".

Các doanh nghiệp Pháp có kế hoạch tuyển dụng thêm 350 ngàn lao động so với năm 2018.

Le Monde trên nền ảnh hố đen vũ trụ hãnh diện giới thiệu "Hố đen, tấm ảnh đầu tiên về điểm vô hình". Một nhóm các nhà thiên văn học hôm 10/04 đã cho công bố tấm ảnh đầu tiên về vật thể được cho là giam hãm ánh sáng.

Nhật báo công giáo La Croix quan tâm đến vấn đề xã hội có liên quan đến tất cả mọi người qua hàng tít "Chịu tang, một quãng thời gian cần thiết". Theo một điều tra do Credoc thực hiện, thời gian để tang, một tiến trình chậm rãi và sâu kín đã không được xã hội quan tâm đúng mức.

Sudan : Omar El Bechir, bạn đồng hành với Bouteflika

Biến động chính trị tại Sudan là mối bận tâm chính của Libération. Sau Bouteflika tại Algeria, đến lượt nhà độc tài Sudan, Omar El Bechir bị quân đội lật đổ. Cứ như tựa một phim truyền hình nhiều tập, Libération chạy tít "Algeria, Sudan : Mùa Xuân Ả Rập, màn thứ hai".

Đây cũng là chủ đề thời sự được các nhật báo Pháp khai thác. Le Figaro có bài viết cho rằng "Tại Sudan, cú đảo chính cuốn trôi Omar El Bachir". Một "sự sụp đổ của tổng thống Sudan" như nhận xét của Les Echos. Mà "sự sụp đổ này là do quân đội gây ra", La Croix khẳng định. Đây cũng là dịp để cho LibérationLa Croix nhìn lại "Ba mươi năm cai trị đẫm máu" của nhà độc tài Bachir. Ba mươi năm đen tối trong lịch sử đất nước Bắc Phi này.

Tai tiếng ấu dâm : Lời chỉ trích hiếm hoi của Benedicto XVI

Về phần mình, Le Figaro trên nền ảnh một cựu giáo hoàng Benedicto XVI, già yếu, ánh mắt mệt mỏi đề tựa "Bản cáo trạng của Benedicto XVI về cuộc khủng hoảng Giáo hội".

"Cuộc khủng hoảng Giáo hội buộc Benedicto XVI phải lên tiếng" Le Figaro trên trang Ý kiến nhận xét. Kể từ khi từ nhiệm năm 2013, vị giáo hoàng danh dự này từng cam kết rằng sẽ không can dự vào công việc của Tòa Thánh.

Nhưng trước một cuộc khủng hoảng đang làm lung lay Giáo hội Công giáo, trong một thư ngỏ chưa từng có, được đăng trên tờ nguyệt san Klerusblatt của Đức, và được tờ Corriere della Sera của Ý độc quyền đăng lại, ngài cho đăng một bản cáo trạng nghiêm khắc dài 12 trang chỉ ra những sai sót đạo lý thần học cũng như là hệ quả của các vụ tai tiếng ấu dâm mà Giáo hội đang trải qua. Từ những sai lầm này, ngài đề ra các giải pháp để vực lại uy tín của Giáo hội.

Những cuộc chiến "ngu xuẩn" !

Cuối cùng mục điểm báo xin được khép lại với phần giới thiệu sách trên tờ Les Echos. Tất cả các cuộc chiến đều là ngớ ngẩn. Nhưng trong số các cuộc chiến ngu xuẩn chết người đó, có những cuộc chiến xứng đáng được nhận cành cọ vàng của sự ngu đần.

Bruno Fulgni và Bruno Leandri, hai nhà văn đã tập hợp những cuộc chiến trong một tiểu luận đáng để lướt qua. Ví dụ chỉ vì một vụ đánh cắp một con bò sữa mà nhiều ngôi làng ở Bỉ đã bị thiêu rụi năm 1275. Hay chuyện một chiếc lỗ tai bị cắt và ngâm trong dung dịch formol để bảo quản cũng đã làm bùng nổ xung đột giữa Tây Ban Nha và Anh Quốc năm 1739.

Rồi chuyện leo thang quân sự giữa Mỹ và Vương quốc Anh chỉ vì một phát súng mà nạn nhân duy nhất là một con lợn năm 1859. Những câu chuyện nhỏ, đôi khi bi thảm nhưng khá nực cười là dịp để nhìn lại lịch sử, để rồi một ngày nào đó có thể nhắc nhở nhau rằng "có biết bao điều ngu ngốc như vậy có thể xóa tan những ý định hiếu chiến thoáng qua trong tương lai" như lời tựa của các tác giả. Tóm lại như câu nói của nhà thơ, nhà điện ảnh Pháp nổi tiếng, Jacques Prévert "Chiến tranh thật là ngu xuẩn !".

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 504 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)