Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Nam Hải cứ té nước theo mưa, cảnh báo nguy hại do CNY giảm và tiếp tục tung tiền cứu, từ đó cố kéo dài thời gian hưởng lợi trước khi Trump ra đòn.

Bloomberg ngày 7/2 cho hay, quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc trong tháng 1/2017 tiếp tục sụt giảm mạnh, xuống mức thấp kỷ lục là 2.998 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ thời điểm đầu năm 2011. 

Hãng đánh giá xếp hạng toàn cầu S&P đã hạ triển vọng của kinh tế Trung Quốc xuống mức AA-, do những nguy cơ mà hệ thống tài chính của nước này có thể sắp phải đối mặt [1].

"Dự trữ giảm xuống dưới ngưỡng 3.000 tỷ USD, sẽ tăng áp lực lên việc hoạch định chính sách của Trung Quốc", Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế của IHS Global Insight tại Singapore cho biết. 

"Sự kết hợp giữa sức mạnh của đồng CNY với việc kiểm soát vốn và hiệu quả định giá đã thất bại", Tom Orlik, chuyên gia kinh tế của Bloomberg Intelligence ở Bắc Kinh nhận định [1].

Tuy nhiên, cá nhân người viết cho rằng, quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc sụt giảm trong thời gian qua và có thể diễn ra trong thời gian tới không phản ánh sự ảm đạm của nền kinh tế Trung Quốc, thậm chí là ngược lại. 

Quan trọng hơn, việc PBOC tung ngoại tệ ra cứu CNY – qua đó làm sụt giảm lượng ngoại tệ dự trữ - là thực hiện một kế hoạch quan trọng của ông Tập Cận Bình.

Hiện nay kinh tế Trung Quốc không cần phải có quỹ dự trữ ngoại tệ lớn

Việc lập quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia thực ra chỉ là một biện pháp đề phòng rủi ro, do vậy quỹ dự trữ ngoại tệ không phải là nền tảng kinh tế. 

ngoaihoi1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos. Ảnh : Getty Images.

Một nền kinh tế có quỹ dự trữ lớn không hẳn là một nền kinh tế mạnh, do vậy việc tăng giảm quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia không nhất thiết phản ánh sự mạnh lên hay yếu đi của tiềm lực một nền kinh tế.

Hiểu nôm na vai trò của quỹ dự trữ ngoại tệ cũng giống như quỹ dự phòng rủi ro mà các ngân hàng thương mại trích lập theo quy định của ngân hàng nhà nước. 

Khi nợ xấu lớn hay hoạt động của ngân hàng chưa ổn định, trong đó có nhiều hoạt động chứa đựng rủi ro cao thì việc trích lập quỹ lớn. Ngược lại khi hoạt động tốt thì ngân hàng có thể giảm quỹ dự phòng rủi ro.

Điều đó cho thấy, việc một ngân hàng giảm quỹ dự phòng rủi ro là thể hiện tín hiệu tốt trong hoạt động của ngân hàng đó và thực tế đó cũng tương tự việc tăng giảm quỹ dự trữ quốc gia.

Bởi thế, khi chính phủ Trung Quốc giảm quỹ dự trữ ngoại tệ của nước này xuống dưới ngưỡng 3.000 tỷ USD không hẳn là tín hiện xấu cho kinh tế Trung Quốc, mà thậm chí là ngược lại.

Cho đến thời điểm hiện tại, chính sách tái cơ cấu lại nền kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình đã có hiệu quả. Điều đó đồng nghĩa kinh tế Trung Quốc đã có nhiều thay đổi, tiềm lực kinh tế của Trung Quốc khẳng định bản chất của tăng trưởng. 

Tuy nhiên, thế giới vẫn chưa thay đổi cách nhìn về kinh tế Trung Quốc, vì vậy đưa ra nhận định không chuẩn xác về nó.

Xem xét việc tăng giảm quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc là thấy ngay điều đó. 

Có thể thấy rằng, các chuyên gia phân tích, dự báo về thị trường tiền tệ cũng như hiệu ứng từ các biện pháp tài chính của chính phủ Trung Quốc, hầu như không xem xét tiền tệ gắn liền với nền tảng giá trị của nó - đó là kinh tế hàng hóa.

Có thể thấy rằng dù hoạt động với nguyên lý riêng có, song tiền tệ luôn không thể tách rời nền tảng giá trị của nó là hàng hóa. 

Theo Bloomberg, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ổn định trong năm 2016 và đạt khoảng 6,7%. Đặc biệt, hai lĩnh vực dịch vụ và sản xuất của Trung Quốc tăng trưởng rất tốt trong năm vừa qua. 

Chỉ số sản xuất (PMI) tháng 12/2016 đạt mức 51,4, còn tháng 11/2016, chỉ số này đã đạt tới mức 51,7 - cao nhất tính từ đầu năm 2013. 

Thực tế cho thấy kinh tế Trung Quốc đã đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2016. Điều đó khiến nhiều chuyên gia kinh tế đã phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2016 và nâng dự báo cho năm 2017. 

Như vậy, nhiều dự báo bi quan về kinh tế Trung Quốc trong năm 2016 là rất không chuẩn xác [2]. 

Bên cạnh đó là vấn đề nợ xấu vốn được xem là vấn nạn lớn nhất của kinh tế Trung Quốc hiện nay, thì trong năm 2016, Bắc Kinh cũng đã tìm ra giải pháp xử lý hiệu quả. 

Đó là chuyển nợ vay doanh nghiệp – lĩnh vực có khối lượng nợ vay lớn nhất và cũng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất – sang nợ vay hộ gia đình.

Theo số liệu của Bloomberg, trong năm 2015, nợ quốc gia của Trung Quốc có cơ cấu như sau :

Nợ của doanh nghiệp chiếm 165%/GDP, nợ của hộ gia đình chiếm 41%/GDP, nợ của chính phủ chiếm 22%/GDP, nợ của hệ thống ngân hàng chiếm 19%/GDP. 

Rõ ràng nợ doanh nghiệp chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng nợ quốc gia, do vậy phải trong cơ cấu lại khoản nợ này [4].

Trong ba khoản nợ lớn còn lại thì nợ của hộ gia đình là khoản nợ có thể được gia tăng để kéo giảm tỷ lệ nợ doanh nghiệp trong tổng nợ quốc gia. 

Không những vậy, điều đó còn gắn liền với việc kích cầu nội địa – một trong ba mũi nhọn chiến lược của "Tái cơ cấu". Vì vậy Bắc Kinh đã chọn cơ cấu lại nợ quốc gia xoay quanh việc "tăng nợ gia đình - giảm nợ doanh nghiệp".

Theo số liệu của PBOC, cho vay mua nhà tăng từ 3.050 tỷ CNY trong năm 2015 lên 5.680 tỷ CNY trong năm 2016 – tăng 86%, trong khi các khoản vay của các doanh nghiệp và các tổ chức phi tài chính giảm từ 7.380 tỷ CNY xuống 6.100 tỷ CNY. 

Điều đó cho thấy việc cơ cấu nợ quốc gia theo hướng "tăng nợ gia đình - giảm nợ doanh nghiệp" đã có kết quả rất rõ [3].

Đây là những thực tế khả quan với kinh tế Trung Quốc, song dường như không được các chuyên gia xem trọng khi phân tích để đưa ra nhận định về kinh tế Trung Quốc, trong đó có hiệu ứng của việc giảm quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia. 

Điều này vô hình trung giúp ông Tập Cận Bình che đậy mục đích, sử dụng điều đó phục vụ cho kế hoạch quan trọng của mình.

Trung Nam Hải đạo diễn "vở kịch" dự trữ ngoại hối, né tránh đòn trừng phạt của Trump

Có thể nhận diện việc trừng phạt của Tổng thống Trump đối với kinh tế Trung Quốc – được thể hiện trong quan điểm khi tranh cử cũng như chương trình hành động khi nắm quyền lực – gắn liền với hai biện pháp quan trọng là tỷ giá tiền tệ và thuế suất. 

ngoaihoi2

Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Janet Yellen, ảnh : WSJ.

Chắc chắn Bắc Kinh phải tìm cách hóa giải hay giảm tới mức thấp nhất hậu quả của hai biện pháp mà Trump sẽ sử dụng.

Tuy nhiên, một sự kiện cực kỳ quan trọng là trước khi Trump tung ra các đòn trừng phạt các đối thủ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giúp cho chính quyền của vị Tổng thống doanh nhân một bước đệm để tránh rủi ro.

Những rủi ro này đến từ các biện pháp vĩ mô của một quản trị gia chuyên sử dụng các biện pháp vi mô, đó là việc tăng lãi suất cơ bản vào ngày 15/12/2016 lên thêm 0,25% [5].

Ngay tức thì đồng USD tăng giá trị với hàng loạt ngoại tệ mạnh, nhất là với đồng CNY. Thực tế đó khiến cho quy mô các nền kinh tế "đối thủ" nhỏ lại rất nhiều so với quy mô nền kinh tế Mỹ. 

Việc FED "gián tiếp làm suy yếu các đối thủ" như một phép thử, giúp cho chính quyền Trump có đủ thời gian để tính toán các biện pháp của mình.

Với thực tế này, nếu như ở thời "tiền tái cơ cấu" thì sẽ rất nguy hại với kinh tế Trung Quốc, khi mục đích tăng trưởng là lớn về quy mô. 

Nhưng hiện nay "tái cơ cấu" đã thực sự làm thay đổi nền kinh tế Trung Quốc – khi quy mô nền kinh tế có thể co lại - nên việc CNY giảm giá trị nhiều so với đồng USD không phải là điều tồi tệ với kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bắc Kinh lại thể hiện sự lo lắng trước thực tế đó, thậm chí xem đó là tín hiệu báo trước một nguy cơ tồi tệ với kinh tế Trung Quốc. 

Và thế là PBOC liên tục tung ngoại tệ ra để cứu đồng CNY, khiến quỹ dự trữ quốc gia của Trung Quốc giảm kỷ lục, xuống dưới mức 3.000 tỷ USD - vốn được các chuyên gia xem là ngưỡng quan trọng với kinh tế Trung Quốc.

Thực ra Bắc Kinh đã cố tình nghiêm trọng hóa vấn đề, bởi như phân tích ở trên, việc giảm quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia không phải là tín hiệu xấu của kinh tế Trung Quốc. 

Vấn đề còn lại là giá trị đồng tiền – tỷ giá hối đoái giữa đồng CNY với đồng USD. Khi quy mô nền kinh tế không phải là mục đích tăng trưởng mà là thực lực, thì tác hiệu của tỷ giá là quan trọng.

Như người viết đã phân tích, nền kinh tế hàng hóa vẫn đóng vai trò xương sống cho kinh tế Trung Quốc trong thời điểm hiện nay. 

Do vậy, CNY giảm giá so với USD không những kích thích doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ, mà nó còn có thể giúp hàng hóa Trung Quốc tại thị trường Mỹ chịu đựng được các biện pháp tăng thuế cứng rắn của Trump.

Ở chiều ngược lại thì doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ chịu thiệt rất nhiều vì giá cả cao, thậm chí nếu Trump tăng thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc khiến Bắc Kinh trả đũa thì sẽ phải ôm hận. 

Lợi thế là vậy, nhưng Bắc Kinh vẫn diễn trò sốt sắng, các chuyên gia còn phụ hoạ thêm qua việc "bi thảm hóa" vấn đề đồng CNY mất giá và quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc giảm.

Vở kịch "bi thảm hóa" khiến Nhà Trắng thấy rằng, đối thủ đã phải gánh hậu quả do các biện pháp của FED cho nên vị Tổng thống doanh nhân chưa cần phải ra đòn sớm. 

Thế là Trung Nam Hải cứ té nước theo mưa, cảnh báo nguy hại do CNY giảm và tiếp tục tung tiền cứu, từ đó cố kéo dài thời gian hưởng lợi trước khi Trump ra đòn.

Bởi lẽ vị Tổng thống doanh nhân của nước Mỹ được cho là có kế hoạch làm giảm giá đồng USD để kích thích xuất khẩu [6]. 

Cá nhân người viết cho rằng với tình hình kinh tế Mỹ hiện nay thì ông Trump chưa sớm đưa ra biện pháp nâng giá cho USD và thời gian đó đủ cho một "nền kinh tế mình ong xác ve" của Trung Quốc, ở ngoài biên giới Trung Quốc, định hình và phát triển. 

Khi kế hoạch "Made for China" cho thành quả từ "nền kinh tế mình ong xác ve" ấy, thì lúc đó kinh tế Trung Quốc có thể hóa giải mọi biện pháp trừng phạt của Trump. 

Có thể thấy rằng, việc nghiêm trọng hóa sự mất giá của đồng CNY và quỹ dự trữ ngoại tệ giảm là một cách né tránh hiệu quả nhất của Tập Cận Bình trước những đòn trừng phạt của Trump trong tương lai.

Ngọc Việt

Tài liệu tham khảo :

[1] https://www.bloomberg.com/news/articles/2017-02-07/china-reserves-edge-below-3-trillion-as-yuan-pressure-increases

[2] http://vneconomy.vn/the-gioi/nhieu-du-bao-bi-quan-da-sai-ve-kinh-te-trung-quoc-2016-20170103091044950.htm

[3] http://baotintuc.vn/thi-truong/trung-quoc-tin-dung-ngan-hang-tang-cao-ky-luc-20170126211814916.htm

[4] https://www.bloomberg.com/news/articles/2016-08-28/digging-into-china-s-growing-mountain-of-debt

[5] http://money.cnn.com/2016/12/14/news/economy/federal-reserve-rate-hike-december/

[6] https://www.bloomberg.com/news/articles/2017-01-17/bank-stocks-tumble-on-trump-s-comments-after-post-election-rally

Published in Châu Á

Từ một tháng nay, một số quốc gia, đứng đầu là Trung Quốc và Nhật Bản, đã bán ra Công khố phiếu của Hoa Kỳ khiến nhiều người lo ngại là các chủ nợ không muốn cho nước Mỹ vay tiền nữa và hậu quả có thể là những biến động về ngoại hối, với Mỹ kim sẽ lại lên giá.

quanbinh1

Sàn chứng khoán New York, ngày 31 tháng 1 năm 2017. AFP photo 

Nhiều nước bán ra công khố phiếu Mỹ

Nguyên Lam : Thưa ông, sau khi Hoa Kỳ có lãnh đạo mới với vị Tổng thống thứ 45 là ông Donald Trump thì trong tháng qua các thị trường tài chính thế giới bỗng chú ý đến việc nhiều quốc gia lặng lẽ bán số Công khố phiếu Mỹ mà họ đã mua vào từ trước. Tại sao lại có hiện tượng này, phải chăng là các quốc gia chủ nợ không cho nước Mỹ vay tiền nữa, và liệu rằng thế giới có gặp những động ngoại hối hay chăng ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhiều người cho rằng các quốc gia xưa nay vẫn đầu tư vào thị trường Công khố phiếu Hoa Kỳ thấy không yên tâm về chính sách kinh tế mới của Chính quyền Donald Trump nên mới bán tháo tài sản đã mua của Mỹ. Tôi lại nghĩ khác và xin giải thích một chút.

Thứ nhất, từ Tháng 11 vừa qua, quốc gia chủ nợ số một của Hoa Kỳ là Nhật Bản chứ hết là Trung Quốc vì Nhật đang làm chủ khoảng một ngàn 100 tỷ đô la Công khố phiếu Mỹ so với một ngàn tỷ trong tay Trung Quốc. Thứ hai, thị trường Công khố phiếu đó của Hoa Kỳ trị giá gần 14 ngàn tỷ đô la thì có gần sáu ngàn tỷ là trong tay nước ngoài, tức là ngoại quốc làm chủ khoảng 43% số công trái chính thức của Hoa Kỳ, nếu họ có bán ra vài chục vài trăm tỷ đô la trong số nợ này thì cũng không là điều đáng ngại. Thứ ba, Trung Quốc bán ra nhiều nhất vì lý do nội tại của họ chứ không vì thiếu tín nhiệm vào chính sách kinh tế của Chính quyền Trump. Thứ tư, nếu có nước bán ra thì cũng lại có nước mua vào và chính là giới đầu tư Hoa Kỳ cũng mua lại nên sự tình không nguy ngập như người ta báo động. Sau cùng chiều hướng bán Công khố phiếu Mỹ cũng chỉ là chuyện bình thường khi Hoa Kỳ và các nước đang có thay đổi lớn để tiến tới một thế quân bình ngoại hối khác.

Nguyên Lam : Thưa ông, chúng ta có thể đi lại từ đầu là sự kiện đáng chú ý tại Á châu, kể cả Việt Nam, là các ngân hàng Á châu, đứng đầu là Trung Quốc và Nhật Bản, lại giữ một khối dự trữ rất lớn bằng Đô la Mỹ, nhất là dưới dạng Công khố phiếu, là nợ chính thức của nhà nước Hoa Kỳ. Vì sao lại có hiện tượng ấy và hậu quả sẽ ra sao khi người ta bán ra các tài sản ấy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết, tôi xin được nói là chúng ta đã chứng kiến một hiện tượng tôi gọi là “phân công lao động” trong ngoặc kép, giữa một bên là Á châu có sức tiết kiệm cao, cứ thắt lưng buộc bụng xuất khẩu tối đa vào Mỹ, và bên kia là Hoa Kỳ, có mức tiêu thụ quá lớn, cả tư nhân lẫn chính quyền, và rộng rãi mua hàng Á châu. Kết quả là Mỹ bị nhập siêu, các nước Á châu được xuất siêu và có dự trữ lớn bằng đô la. Thế thì họ dùng Mỹ kim đó làm gì ? Họ đầu tư lại vào Hoa Kỳ, chủ yếu dưới hình thức Công khố phiếu. Kỳ trước, ta đã có dịp nhắc đến khái niệm kế toán tài chính là một nước bị nhập siêu về thương mại thì cũng nhập khẩu luôn tư bản của xứ khác. Hoa Kỳ tiếp nhận đầu tư của các nước trong ý hướng đó.

Nguyên Lam : Nhưng thưa ông, vì sao lại có cái thế phân công kỳ lạ đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chiều hướng phân công ấy đang chấm dứt và có khi ta trở lại một thế quân bình khác khi Hoa Kỳ không muốn bị nhập siêu nữa và điều ấy sẽ ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối trong tương lai. Còn về cái thế tôi tạm gọi là “phân công lao động” này thì nguyên do sâu xa thuộc diện văn hóa và xã hội, khiến dân chúng Á châu luôn luôn có phản ứng tiết kiệm, bình quân có thể lên tới 30% số thu nhập, thậm chí còn cao hơn vậy tại Trung Quốc. Bất ổn xã hội, loạn lạc hay cả nỗi lo thất nghiệp có thể giải thích điều đó. Ngược lại, cũng thuộc diện văn hóa, thì dân Mỹ vốn lạc quan với tương lai nên ưa xài trước kiếm sau cho tới nay mới nghĩ lại. Hiện tượng ấy thực ra mới chỉ có chừng một thế kỷ thôi.

JAPAN-STOCKS

Một bảng điện tử báo chỉ số Nikkei trước một công ty chứng khoán tại Tokyo vào ngày 14 tháng 2 năm 2017. AFP photo

Vào giữa thế kỷ 19, chính Nhật đã học kinh nghiệm và thói quen tiết kiệm của dân Mỹ để phát triển ra mạng lưới tiết kiệm rộng lớn mà họ có ngày nay.

Nguyên nhân gần hơn là cuộc khủng hoảng kinh tế Đông Á vào các năm 1997-1998 khiến các nước Á Châu cần thuyết phục thị trường về nền móng tài chính ổn định bằng cách tích lũy một khối dự trữ ngoại tệ rất lớn. Gần hơn nữa thì có một lý do là từ năm 2001, Mỹ liên tục cắt giảm lãi suất để kích thích tiêu thụ và đối phó với bất ổn kinh tế xảy ra vì nạn khủng bố năm đó, trong khi các nước Đông Á lại bị suy trầm kinh tế. Sau cùng thì có nạn Tổng suy trầm năm 2008-2009 với hậu quả bất lợi cho tới nay vẫn chưa dứt.

Có một lượng dự trữ lớn lao nằm dư dôi trong kho bạc thì không có lời, vì vậy, người ta mới lấy một phần dự trữ này đầu tư vào nơi an toàn và có lời nhất : đây là lý do mà họ giữ một tỷ lệ Mỹ kim rất cao trong khối dự trữ và đầu tư lại vào thị trường tài chính Mỹ. Kết quả là Á châu thắt lưng buộc bụng bán hàng cho Mỹ, thu hút đầu tư từ bên ngoài và lấy được tiền Mỹ thì lại gửi ngược vào thị trường Mỹ để tài trợ số thâm hụt thương mại của Mỹ. Trong câu hỏi nêu lên, ta cần phân biệt các ngân hàng thương mại với ngân hàng trung ương và phân biệt cả việc mua Công khố phiếu lẫn đầu tư vào Mỹ. Vì Trung Quốc chưa có chế độ tự do hối đoái nên vấn đề ta đang nói tập trung trước hết vào chính sách của ngân hàng trung ương, vào khối dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh.

Ngân hàng châu Á dự trữ đô la Mỹ

Nguyên Lam : Thưa ông, tại sao các nước đó không giữ khối dự trữ dưới dạng khác, như vàng hoặc các ngoại tệ mạnh, như đồng Euro, đồng Bảng Anh, đồng Phật lăng Thụy Sĩ chẳng hạn ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Yếu tố quyết định ở đây là rủi ro và lời lãi. Tài sản mà mình lưu trữ phải an toàn, có lời và không bị mất giá vì loạn lạc hay lạm phát chẳng hạn. Với bất ổn vì chiến tranh và khủng bố, hay khủng hoảng tài chính trong khối Euro của Âu Châu từ năm 2010 thì Hoa Kỳ vẫn là thị trường có triển vọng sinh lời cao và an toàn vì có cơ chế kinh tế tự do và luật lệ minh bạch. Ngoài ra, thị trường tài chính Mỹ có kích thước lớn nhất nên thừa khả năng chịu đựng những lượng tư bản cả trăm tỷ có thể rút ra hay trút vào, các thị trường kia không được như vậy. Sau cùng, Mỹ kim còn là phương tiện giao hoán phổ biến và lưu hoạt nhất vì được dùng để thanh toán các dịch vụ mua bán. Thí dụ như các thị trường dầu khí đều mua bán và yết giá bằng đô la Mỹ.

Nguyên Lam : Thưa ông, phải chăng Hoa Kỳ đã khai thác tình trạng ấy qua chính sách bội chi và phát hành công trái để thu hút đô la về Mỹ và nay đang đòi thay đổi, hết muốn bị nhập siêu và đang tìm cách quân bình lại ngân sách ?

CHINA STOCK MARKET

Các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc chơi bài tại một điểm giao dịch ở tỉnh An Huy, Trung Quốcngày 03 tháng 2 năm 2017. AFP photo

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ rằng quan hệ kinh tế của thế giới và của riêng Hoa Kỳ quá sức phức tạp để một chính quyền hay một ngân hàng trung ương có thể chủ động đặt ra một chính sách theo hướng này hay hướng khác cho toàn thế giới, thí dụ như cố tình thu hút đô la về Mỹ. Thực tế thì nước Mỹ để cho quy luật cung cầu tác động. Khi bị nhập siêu quá lớn và bội chi quá nhiều thì tiền Mỹ phải sụt giá như đã từng bị. Nhưng ngày nay, tình hình kinh tế Mỹ đã khả quan hơn cả và lạm phát đang là mối quan tâm mới nên lãi suất tại Hoa Kỳ có thể tăng trong khi Chính quyền Trump lại sợ Mỹ kim lên giá sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu. Trong tình trạng bất định giữa buổi giao thời này, người ta dễ có phản ứng hốt hoảng làm thị trường càng dễ biến động.

Nguyên Lam : Nếu như Hoa Kỳ không muốn bị nhập siêu nặng và Mỹ kim quá cao giá so với các ngoại tệ khác như ông Trump đã phát biểu thì có lúc nào mà các nước Á châu sẽ bán đô la để mua lại nội tệ của họ không, và lúc đó tình hình sẽ ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thật ra, trường hợp này khá hãn hữu. Từ gần 40 năm nay mới chỉ có hai lần mà các ngân hàng trung ương bán tháo công khố phiếu Mỹ. Lần đầu là năm 1979 khi vật giá Mỹ gia tăng và Mỹ đổi chính sách tiền tệ bằng cách thả nổi lãi suất và chỉ điều tiết khối tiền tệ lưu hành thôi ; lần đó, các ngân hàng trung ương bán ra 22 tỷ đô la. Lần thứ hai là quãng 1999, khi Mỹ bớt phát hành trái phiếu và các ngân hàng trung ương e sợ rủi ro và tiền Mỹ mất tính lưu hoạt, họ bán ra năm tỷ đô la.

Ngày nay, người ta đang sợ một đợt thứ ba, nhưng thật ra số lượng bán ra cũng chẳng nhiều so với 14 ngàn tỷ đô la Công khố phiếu. Nói về hậu quả thì về dài, có thể tiền Mỹ còn giảm đến 15%-20% so với các ngoại tệ khác thì mới gọi là cân bằng cung cầu nhưng ngược lại, cả lãi suất lẫn phân lời trái phiếu tại Mỹ sẽ tăng nếu Chính quyền Trump thực thi kế hoạch kinh tế đã hứa hẹn. Điều đáng ngại ở đây nằm trong lãnh vực khác, là hiện tượng đầu cơ tại các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc.

Nguyên Lam : Thưa ông, vì sao lại có hiện tượng này và hậu quả sẽ ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thế giới từng đơn giản hóa coi Á châu như là nơi có lời, nên trút tiền đầu tư vào đấy. Ngày nay thì tình hình đảo ngược, nhất là tại Trung Quốc khi tư bản tẩu tán ra ngoài và dự trữ ngoại tệ của xứ này trị giá từ gần bốn ngàn tỷ đô la thì tháng qua đã sụt dưới cái ngưỡng tâm lý là ba ngàn tỷ. Việc Ngân hàng Trung ương Bắc Kinh bán ra Công khố phiếu Mỹ từ Tháng Năm đến nay không có nghĩa là họ bỏ phiếu bất tín nhiệm kinh tế Hoa Kỳ hoặc muốn trả đũa nước Mỹ vì những tranh chấp ngoại thương mà vì nguyên do nội tại của họ. Chưa kể là nếu bán quá nhiều quá nhanh thì tài sản ấy lại mất giá khiến họ càng lỗ nữa, chứ việc họ bán tháo Công khố phiếu Mỹ chẳng làm thị trường Mỹ bị náo động như người ta vẫn cứ sợ.

Nguyên Lam : Vì thời lượng có hạn, xin ông kết luận cho về một vấn đề quá phức tạp này...

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hoa Kỳ đang cần điều chỉnh lại tình hình chi tiêu của mình, từ ngân sách đến ngoại thương, đã đành như vậy cho nên việc Mỹ kim có thể tuột giá nằm trong tiến trình điều chỉnh đó. Ngược lại, Á châu cũng cần điều chỉnh lại chiến lược phát triển, không quá chú trọng đến xuất khẩu bằng mọi giá nữa, nhất là khi Mỹ đang muốn hạn chế nhập khẩu và gia tăng xuất khẩu. Cho nên các quốc gia đông dân hoặc có nền kinh tế lớn cần nâng cao khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa, cải tiến môi trường đầu tư trong nước để có phương tiện phát triển. Tiền của mình giúp cho giếu tiêu thụ Mỹ mua hàng rẻ thay vì giúp cho kinh tế và xã hội mình thăng tiến thì chẳng là điều hay. Các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Việt Nam, đã quên bài học chua xót của Nhật Bản khi dồn sức xuất khẩu mà lãng quên thị trường nội địa và gặp lại hiện tượng bể bóng đầu tư như Nhật Bản đã bị từ năm 1991 cho đến nay. Bảo rằng mình là chủ nợ của Mỹ thì niềm tự ái đó cũng chỉ là tượng trưng. Khi khủng hoảng xảy ra, có đổ lỗi cho Hoa Kỳ hay giới đầu cơ ngoại tệ thì cũng thừa.

Nguyên Lam :Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Nguyễn Lam thực hiện

Nguồn : RFA tiếng Việt, 15/02/2017

Published in Diễn đàn