Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

24/02/2017

Trung Quốc đạo diễn vở kịch "nghiêm trọng hóa" giảm quỹ dự trữ ngoại hối

GDVN

Trung Nam Hải cứ té nước theo mưa, cảnh báo nguy hại do CNY giảm và tiếp tục tung tiền cứu, từ đó cố kéo dài thời gian hưởng lợi trước khi Trump ra đòn.

Bloomberg ngày 7/2 cho hay, quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc trong tháng 1/2017 tiếp tục sụt giảm mạnh, xuống mức thấp kỷ lục là 2.998 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ thời điểm đầu năm 2011. 

Hãng đánh giá xếp hạng toàn cầu S&P đã hạ triển vọng của kinh tế Trung Quốc xuống mức AA-, do những nguy cơ mà hệ thống tài chính của nước này có thể sắp phải đối mặt [1].

"Dự trữ giảm xuống dưới ngưỡng 3.000 tỷ USD, sẽ tăng áp lực lên việc hoạch định chính sách của Trung Quốc", Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế của IHS Global Insight tại Singapore cho biết. 

"Sự kết hợp giữa sức mạnh của đồng CNY với việc kiểm soát vốn và hiệu quả định giá đã thất bại", Tom Orlik, chuyên gia kinh tế của Bloomberg Intelligence ở Bắc Kinh nhận định [1].

Tuy nhiên, cá nhân người viết cho rằng, quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc sụt giảm trong thời gian qua và có thể diễn ra trong thời gian tới không phản ánh sự ảm đạm của nền kinh tế Trung Quốc, thậm chí là ngược lại. 

Quan trọng hơn, việc PBOC tung ngoại tệ ra cứu CNY – qua đó làm sụt giảm lượng ngoại tệ dự trữ - là thực hiện một kế hoạch quan trọng của ông Tập Cận Bình.

Hiện nay kinh tế Trung Quốc không cần phải có quỹ dự trữ ngoại tệ lớn

Việc lập quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia thực ra chỉ là một biện pháp đề phòng rủi ro, do vậy quỹ dự trữ ngoại tệ không phải là nền tảng kinh tế. 

ngoaihoi1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos. Ảnh : Getty Images.

Một nền kinh tế có quỹ dự trữ lớn không hẳn là một nền kinh tế mạnh, do vậy việc tăng giảm quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia không nhất thiết phản ánh sự mạnh lên hay yếu đi của tiềm lực một nền kinh tế.

Hiểu nôm na vai trò của quỹ dự trữ ngoại tệ cũng giống như quỹ dự phòng rủi ro mà các ngân hàng thương mại trích lập theo quy định của ngân hàng nhà nước. 

Khi nợ xấu lớn hay hoạt động của ngân hàng chưa ổn định, trong đó có nhiều hoạt động chứa đựng rủi ro cao thì việc trích lập quỹ lớn. Ngược lại khi hoạt động tốt thì ngân hàng có thể giảm quỹ dự phòng rủi ro.

Điều đó cho thấy, việc một ngân hàng giảm quỹ dự phòng rủi ro là thể hiện tín hiệu tốt trong hoạt động của ngân hàng đó và thực tế đó cũng tương tự việc tăng giảm quỹ dự trữ quốc gia.

Bởi thế, khi chính phủ Trung Quốc giảm quỹ dự trữ ngoại tệ của nước này xuống dưới ngưỡng 3.000 tỷ USD không hẳn là tín hiện xấu cho kinh tế Trung Quốc, mà thậm chí là ngược lại.

Cho đến thời điểm hiện tại, chính sách tái cơ cấu lại nền kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình đã có hiệu quả. Điều đó đồng nghĩa kinh tế Trung Quốc đã có nhiều thay đổi, tiềm lực kinh tế của Trung Quốc khẳng định bản chất của tăng trưởng. 

Tuy nhiên, thế giới vẫn chưa thay đổi cách nhìn về kinh tế Trung Quốc, vì vậy đưa ra nhận định không chuẩn xác về nó.

Xem xét việc tăng giảm quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc là thấy ngay điều đó. 

Có thể thấy rằng, các chuyên gia phân tích, dự báo về thị trường tiền tệ cũng như hiệu ứng từ các biện pháp tài chính của chính phủ Trung Quốc, hầu như không xem xét tiền tệ gắn liền với nền tảng giá trị của nó - đó là kinh tế hàng hóa.

Có thể thấy rằng dù hoạt động với nguyên lý riêng có, song tiền tệ luôn không thể tách rời nền tảng giá trị của nó là hàng hóa. 

Theo Bloomberg, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ổn định trong năm 2016 và đạt khoảng 6,7%. Đặc biệt, hai lĩnh vực dịch vụ và sản xuất của Trung Quốc tăng trưởng rất tốt trong năm vừa qua. 

Chỉ số sản xuất (PMI) tháng 12/2016 đạt mức 51,4, còn tháng 11/2016, chỉ số này đã đạt tới mức 51,7 - cao nhất tính từ đầu năm 2013. 

Thực tế cho thấy kinh tế Trung Quốc đã đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2016. Điều đó khiến nhiều chuyên gia kinh tế đã phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2016 và nâng dự báo cho năm 2017. 

Như vậy, nhiều dự báo bi quan về kinh tế Trung Quốc trong năm 2016 là rất không chuẩn xác [2]. 

Bên cạnh đó là vấn đề nợ xấu vốn được xem là vấn nạn lớn nhất của kinh tế Trung Quốc hiện nay, thì trong năm 2016, Bắc Kinh cũng đã tìm ra giải pháp xử lý hiệu quả. 

Đó là chuyển nợ vay doanh nghiệp – lĩnh vực có khối lượng nợ vay lớn nhất và cũng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất – sang nợ vay hộ gia đình.

Theo số liệu của Bloomberg, trong năm 2015, nợ quốc gia của Trung Quốc có cơ cấu như sau :

Nợ của doanh nghiệp chiếm 165%/GDP, nợ của hộ gia đình chiếm 41%/GDP, nợ của chính phủ chiếm 22%/GDP, nợ của hệ thống ngân hàng chiếm 19%/GDP. 

Rõ ràng nợ doanh nghiệp chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng nợ quốc gia, do vậy phải trong cơ cấu lại khoản nợ này [4].

Trong ba khoản nợ lớn còn lại thì nợ của hộ gia đình là khoản nợ có thể được gia tăng để kéo giảm tỷ lệ nợ doanh nghiệp trong tổng nợ quốc gia. 

Không những vậy, điều đó còn gắn liền với việc kích cầu nội địa – một trong ba mũi nhọn chiến lược của "Tái cơ cấu". Vì vậy Bắc Kinh đã chọn cơ cấu lại nợ quốc gia xoay quanh việc "tăng nợ gia đình - giảm nợ doanh nghiệp".

Theo số liệu của PBOC, cho vay mua nhà tăng từ 3.050 tỷ CNY trong năm 2015 lên 5.680 tỷ CNY trong năm 2016 – tăng 86%, trong khi các khoản vay của các doanh nghiệp và các tổ chức phi tài chính giảm từ 7.380 tỷ CNY xuống 6.100 tỷ CNY. 

Điều đó cho thấy việc cơ cấu nợ quốc gia theo hướng "tăng nợ gia đình - giảm nợ doanh nghiệp" đã có kết quả rất rõ [3].

Đây là những thực tế khả quan với kinh tế Trung Quốc, song dường như không được các chuyên gia xem trọng khi phân tích để đưa ra nhận định về kinh tế Trung Quốc, trong đó có hiệu ứng của việc giảm quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia. 

Điều này vô hình trung giúp ông Tập Cận Bình che đậy mục đích, sử dụng điều đó phục vụ cho kế hoạch quan trọng của mình.

Trung Nam Hải đạo diễn "vở kịch" dự trữ ngoại hối, né tránh đòn trừng phạt của Trump

Có thể nhận diện việc trừng phạt của Tổng thống Trump đối với kinh tế Trung Quốc – được thể hiện trong quan điểm khi tranh cử cũng như chương trình hành động khi nắm quyền lực – gắn liền với hai biện pháp quan trọng là tỷ giá tiền tệ và thuế suất. 

ngoaihoi2

Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Janet Yellen, ảnh : WSJ.

Chắc chắn Bắc Kinh phải tìm cách hóa giải hay giảm tới mức thấp nhất hậu quả của hai biện pháp mà Trump sẽ sử dụng.

Tuy nhiên, một sự kiện cực kỳ quan trọng là trước khi Trump tung ra các đòn trừng phạt các đối thủ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giúp cho chính quyền của vị Tổng thống doanh nhân một bước đệm để tránh rủi ro.

Những rủi ro này đến từ các biện pháp vĩ mô của một quản trị gia chuyên sử dụng các biện pháp vi mô, đó là việc tăng lãi suất cơ bản vào ngày 15/12/2016 lên thêm 0,25% [5].

Ngay tức thì đồng USD tăng giá trị với hàng loạt ngoại tệ mạnh, nhất là với đồng CNY. Thực tế đó khiến cho quy mô các nền kinh tế "đối thủ" nhỏ lại rất nhiều so với quy mô nền kinh tế Mỹ. 

Việc FED "gián tiếp làm suy yếu các đối thủ" như một phép thử, giúp cho chính quyền Trump có đủ thời gian để tính toán các biện pháp của mình.

Với thực tế này, nếu như ở thời "tiền tái cơ cấu" thì sẽ rất nguy hại với kinh tế Trung Quốc, khi mục đích tăng trưởng là lớn về quy mô. 

Nhưng hiện nay "tái cơ cấu" đã thực sự làm thay đổi nền kinh tế Trung Quốc – khi quy mô nền kinh tế có thể co lại - nên việc CNY giảm giá trị nhiều so với đồng USD không phải là điều tồi tệ với kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bắc Kinh lại thể hiện sự lo lắng trước thực tế đó, thậm chí xem đó là tín hiệu báo trước một nguy cơ tồi tệ với kinh tế Trung Quốc. 

Và thế là PBOC liên tục tung ngoại tệ ra để cứu đồng CNY, khiến quỹ dự trữ quốc gia của Trung Quốc giảm kỷ lục, xuống dưới mức 3.000 tỷ USD - vốn được các chuyên gia xem là ngưỡng quan trọng với kinh tế Trung Quốc.

Thực ra Bắc Kinh đã cố tình nghiêm trọng hóa vấn đề, bởi như phân tích ở trên, việc giảm quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia không phải là tín hiệu xấu của kinh tế Trung Quốc. 

Vấn đề còn lại là giá trị đồng tiền – tỷ giá hối đoái giữa đồng CNY với đồng USD. Khi quy mô nền kinh tế không phải là mục đích tăng trưởng mà là thực lực, thì tác hiệu của tỷ giá là quan trọng.

Như người viết đã phân tích, nền kinh tế hàng hóa vẫn đóng vai trò xương sống cho kinh tế Trung Quốc trong thời điểm hiện nay. 

Do vậy, CNY giảm giá so với USD không những kích thích doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ, mà nó còn có thể giúp hàng hóa Trung Quốc tại thị trường Mỹ chịu đựng được các biện pháp tăng thuế cứng rắn của Trump.

Ở chiều ngược lại thì doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ chịu thiệt rất nhiều vì giá cả cao, thậm chí nếu Trump tăng thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc khiến Bắc Kinh trả đũa thì sẽ phải ôm hận. 

Lợi thế là vậy, nhưng Bắc Kinh vẫn diễn trò sốt sắng, các chuyên gia còn phụ hoạ thêm qua việc "bi thảm hóa" vấn đề đồng CNY mất giá và quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc giảm.

Vở kịch "bi thảm hóa" khiến Nhà Trắng thấy rằng, đối thủ đã phải gánh hậu quả do các biện pháp của FED cho nên vị Tổng thống doanh nhân chưa cần phải ra đòn sớm. 

Thế là Trung Nam Hải cứ té nước theo mưa, cảnh báo nguy hại do CNY giảm và tiếp tục tung tiền cứu, từ đó cố kéo dài thời gian hưởng lợi trước khi Trump ra đòn.

Bởi lẽ vị Tổng thống doanh nhân của nước Mỹ được cho là có kế hoạch làm giảm giá đồng USD để kích thích xuất khẩu [6]. 

Cá nhân người viết cho rằng với tình hình kinh tế Mỹ hiện nay thì ông Trump chưa sớm đưa ra biện pháp nâng giá cho USD và thời gian đó đủ cho một "nền kinh tế mình ong xác ve" của Trung Quốc, ở ngoài biên giới Trung Quốc, định hình và phát triển. 

Khi kế hoạch "Made for China" cho thành quả từ "nền kinh tế mình ong xác ve" ấy, thì lúc đó kinh tế Trung Quốc có thể hóa giải mọi biện pháp trừng phạt của Trump. 

Có thể thấy rằng, việc nghiêm trọng hóa sự mất giá của đồng CNY và quỹ dự trữ ngoại tệ giảm là một cách né tránh hiệu quả nhất của Tập Cận Bình trước những đòn trừng phạt của Trump trong tương lai.

Ngọc Việt

Tài liệu tham khảo :

[1] https://www.bloomberg.com/news/articles/2017-02-07/china-reserves-edge-below-3-trillion-as-yuan-pressure-increases

[2] http://vneconomy.vn/the-gioi/nhieu-du-bao-bi-quan-da-sai-ve-kinh-te-trung-quoc-2016-20170103091044950.htm

[3] http://baotintuc.vn/thi-truong/trung-quoc-tin-dung-ngan-hang-tang-cao-ky-luc-20170126211814916.htm

[4] https://www.bloomberg.com/news/articles/2016-08-28/digging-into-china-s-growing-mountain-of-debt

[5] http://money.cnn.com/2016/12/14/news/economy/federal-reserve-rate-hike-december/

[6] https://www.bloomberg.com/news/articles/2017-01-17/bank-stocks-tumble-on-trump-s-comments-after-post-election-rally

Quay lại trang chủ
Read 760 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)