Tên đúng của ông có thể là "Đăng," "Đặng," "Đằng," hay "Đáng," hoặc "Đang" (Việt ngữ không có từ "Dang") nhưng tôi không dám chắc vì chỉ được biết qua một bài báo bằng tiếng nước ngoài ("Han ble smuglet inn i Norge i et bagasjerom. Et halvt år senere ble han pågrepet på en hasjplantasje") đăng tải trên tờ Aftenposten, phát hành từ Na Uy, vào ngày 27 tháng 8 năm 2021.
Bản tiếng Việt (gồm 4371 từ) của dịch giả tên Trang, xuất hiện trên FB Que Toi mấy hôm sau đó. Xin được tóm lược :
"Dang" cho biết quê anh là làng chài Đô Thành, thuộc miền Trung Việt Nam. Từ nơi đây, nhiều thanh niên Việt Nam đã đi lậu trong các xe container xuyên qua Trung Quốc, rồi vượt biên giới vào Nga (Russland), trước khi trở thành nhân công lao động giá bèo hoặc gái mại dâm ở các thành phố Châu Âu.
Trên hành trình dài 11.660 km đến Na Uy, "Dang" trốn trong một thùng container sau xe tải. Đến ngày hôm nay, anh vẫn còn ám ảnh trong giấc mơ về những điều khủng khiếp mà anh đã thấy trên tuyến đường đó…
Ô nhiễm môi trường, đánh bắt cá quá mức và bất hợp pháp, công nghiệp hóa ngày càng phát triển đã dẫn đến tình trạng rất khó khăn cho ngành ngư truyền thống ở Việt Nam. Đối với đại gia đình của "Dang", giải pháp cuối cùng là gửi cậu con trai lớn nhất trong một chiếc container đến Tây Âu. "Dang" cho biết gia đình đã phải thế chấp căn nhà và bán tất cả những gì đáng giá để trả tiền cho nhóm buôn người.
Tôi ra đi để tìm một cuộc sống tốt hơn. Nhưng nếu tôi biết trước kết quả thế này, tôi thà chọn cuộc sống một ngư dân nghèo.
Theo "Dang" cho biết, gia đình đã thỏa thuận giá 25.000 USD với nhóm buôn người. Và đã trả trước một nửa.
"Dang" - người đàn ông 25 tuổi - kể lại cuộc hành trình phải đi xuyên qua Trung Quốc, Nga, Latvia, Belarus (Hviterussland) và Ba Lan. Theo "Dang", chiếc container mà đoàn của anh đi chỉ có hai lỗ thoát khí nhỏ. Họ phải tiểu tiện và đại tiện trong một túi nhựa lớn.
Tháng 2/2021, "Dang" bị kết án 2 năm tù và phải bồi thường gần 100.000 kroner cho một công ty điện lực của Na Uy vì đã ăn cắp điện để trồng 649 cây cần sa. Bản án được giữ nguyên tại Tòa Phúc Thẩm Eidsivating vào tháng 6/2021, nhưng được giảm xuống còn 1 năm 9 tháng.
Ngày 19 tháng 8/2021, Tòa Án Tối Cao Høyesterett đã bác đơn kháng cáo của "Dang". Luật sư biện hộ Audun Helgheim nói rằng họ sẽ kháng cáo vụ việc lên Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu. Câu hỏi chánh và gây tranh cãi ở đây là : "Dang" là tội phạm hay nạn nhân ?
Tòa án quận Gjøvik viết trong bản án từ tháng 2 : Tòa án căn cứ theo yếu tố bị cáo, sau khi đến Na Uy, ít nhất là bởi bị lạm dụng hoàn cảnh bí thế của mình, đã bị buộc phải trồng cần sa. Điều này dẫn chứng cho thấy bị cáo là nạn nhân của nạn buôn người"…
UDI (UtlendingsDIrektorate) đã xét đơn theo lời khai của "Dang". Trong giấy phép cấp cho anh được cư trú tạm thời tại Na Uy (midlertidig oppholdstillatelse), viết là họ tin rằng có thể lý giải được là anh đã bị hại trong vụ buôn người. Rosa, một tổ chức hỗ trợ những người có thể là nạn nhân tệ nạn buôn người, cũng tích cực trong vụ án của "Dang". Mildrid Mikkelsen của hội Rosa cho rằng việc bỏ tù một người cùng lúc với việc điều tra xem người đó có phải là nạn nhân buôn người là điều chúng ta cần phải suy ngẫm…
Điều "Dang" lo sợ là anh sẽ bị trả về Việt Nam. Luật sư biện hộ Audun Helgheim cho biết : Về Việt Nam, anh có nguy cơ bị thủ phạm ám hại, do những gì anh đã khai… Tương lai ở Việt Nam của người đàn ông trẻ Việt Nam này, là một sự mịt mù. Nếu tôi về nhà, có lẽ tôi sẽ bị giết. Và ở đó, tôi cũng không còn gì. Trong cuộc thẩm vấn với cảnh sát vào ngày 22 tháng 6 năm nay, "Dang" nói anh như một người đã chết : Tôi không còn gì để sống nữa. Tôi chỉ ước ao có thể gặp lại mẹ một lần.
Câu nói thượng dẫn bỗng khiến tôi nhớ mấy câu thơ của Huyền Chi, và bản nhạc Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy :
Nhìn về đường cố lý cố lý xa xôi
Đời nhịp sầu lỡ bước bước hoang mang rồi
Mẹ già ngồi im bóng mái tóc tuyết sương
Mong con bạc lòng
Không biết có bao nhiêu bà mẹ Việt Nam vẫn đang ngồi tựa cửa mỗi chiều, và bao nhiêu thanh niên thiếu nữ từ xứ sở này đã "lỡ bước hoang mang" trên con đường lưu lạc. Điều an ủi duy nhất cho những kẻ tha phương cầu thực là không hề có một lời lẽ, cử chỉ, hay thái độ miệt thị nào từ người dân (cũng như từ những cơ quan hữu trách) ở nước ngoài.
Sáng sớm hôm 23 tháng 10 năm 2019, dân Anh vừa mở mắt dậy đã nhận được thông tin khiến ai cũng phải bàng hoàng : cảnh sát mới phát hiện ra 39 thi thể người Việt nằm chết trong một cái container tại khu công nghiệp Waterglade !
Họ phản ứng ra sao ?
Không một lời than phiền, không một câu trách móc. Sau khi biết rõ sự việc, họ bầy tỏ sự thương cảm bằng cách lặng lẽ mang hoa tưởng niệm đến nơi đặt xác nạn nhân. Ngay sau đó, họ tổ chức cầu nguyện cho linh hồn của người quá cố. Rồi họ sắp xếp những chuyến bay để đưa tất cả thi hài của những kẻ xấu số trở về quê quán, và đích thân vị đại sứ Anh ở Việt Nam – ông Gareth Ward – đã đến tận nơi để chia buồn.
Người Na Uy bây giờ cũng thế. Từ luật sư, tòa án, nha ngoại kiều, và các cơ quan thiện nguyện của họ đều chia sẻ một nỗi băn khoăn chung : "Dang" là tội phạm hay nạn nhân ! ?"
Có lẽ cả hai nhưng đồng bào của nạn nhân, tiếc thay, chỉ nhìn ra ông là một tên tội phạm :
- Kieu Ninh Vaagen : "Nhìn mặt biết gian".
- Hoang Nguyen Van : "Nhìn mặt là biết lưu manh, là trùm du đảng, không là nạn nhân".
- Cuong Le : "Xứ này luật pháp văn minh và nhân bản nên các lão cứ thoải mái lợi dụng quyền làm người rồi khai ra làm sao cho thật đáng thương để được khoan hồng".
Cá nhân "Dang" thì không hề có một lời biện minh, biện hộ hay biện bạch nào cả. Trong cuộc thẩm vấn với cảnh sát vào ngày 22 tháng 6 năm nay, ông chỉ nói : "Tôi không còn gì để sống nữa. Tôi chỉ ước ao có thể gặp lại mẹ một lần".
Nỗi "ước ao" nhỏ bé này lại khiến tôi liên tưởng đến đôi câu đối thoại (giữa hai người Việt đồng cảnh, từ hai phòng giam sát cạnh nhau, tại một nhà tù nào đó ở Âu Châu) trong một truyện ngắn của một nhà văn ở Na Uy
Tuyết ho, tôi xót ruột. Ho xong, nó nói : "Em mơ còn nằm trong cái xe thùng chở em sang đây. Ðứa con gái nằm ngay bên cạnh em chết ngạt".
"Chết ?"
"Chết. Bị nhốt trong thùng xe hai ngày hai đêm. Khi bọn đầu gấu mở cửa xe ra, thấy bốn người chết từ bao giờ. Con ấy thân với em nhất. Chúng em đã từng chia phiên nhau kề mũi vào cái lỗ nhỏ để thở.
Thương hại nó hay nhường cho em thở lâu hơn. Dọc đường nó cứ đòi về, không muốn đi nữa. Nhưng em biết về thế nào được với bọn đường dây. Nó mà sống sót cũng bị đường dây hành tới chết về cái tội đòi về Anh có nghe không đấy ?"
"Nghe rõ cả".
"Nó nói khổ đều quanh năm chịu được, dồn vào một ngày thì chết. Anh nghĩ có đúng không ?".
"Chắc đúng".
"Mẹ nó bán ruộng, bán vườn để chung tiền cho nó đi, cứ mong nó mang đôla về chuộc đất, xây nhà như những người có thân nhân Việt kiều. Bây giờ nó chết, chưa kịp nhìn thấy tờ đôla xanh. Trước khi chết nó tựa vai em lầm bầm 'Mẹ ơi ! Con không muốn làm Việt kiều. Con muốn về nhà. Con muốn cơ cực ở nhà với mẹ suốt đời.' Giọng nó như đứa trẻ con ba tuổi". (Tâm Thanh" (Người Rơm ". Thế Kỷ 21, Jul. 2010).
Đối với nhiều người dân Việt thì muốn sống như một ngư dân nghèo nơi vùng biển quê hương (như ông Dang) hay mong "muốn cơ cực ở nhà gần mẹ suốt đời" (như cô Tuyết) e đều chỉ là thứ ước mộng rất xa vời trong chế độ hiện hành.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 24/09/2021 (tuongnangtien's blog)
Không luật pháp nào đứng cao hơn đạo đức căn bản, lẽ công bằng và sự tử tế
Khoa Lê, 28/10/2019
Hôm nay, tôi muốn chia sẻ một vài cảm nghĩ về câu trích dẫn kể trên (mà tôi đặt trang trọng ngay dưới ảnh avatar của mình), trong bối cảnh của thảm kịch vừa xảy ra với 39 người trong thùng xe lạnh tại Essex, Anh quốc. Trước hết, xin nói ngay rằng tôi không phải luật sư và tôi không tự nhận là hiểu biết mọi thứ về vấn đề này. Nhưng tôi nghĩ một số người sẽ cần phải xét lại quan niệm về "pháp trị" của họ, và ý nghĩa thực sự của khái niệm đó.
Bất cứ ai vi phạm pháp luật thì họ cần được xét xử một cách công bằng, theo đúng trình tự, rồi chịu những án phạt tương thích. Ảnh minh họa
Tôi không quan niệm rằng bất cứ ai có thể, hoặc nên được trao quyền, để đứng cao hơn luật pháp. Từ các nguyên thủ quốc gia cho tới những di dân bất hợp pháp. Và thực tế, hành vi vượt biên trái phép là vi phạm pháp luật. Lưu trú và làm việc tại một quốc gia mà không có đầy đủ giấy tờ hợp lệ là vi phạm pháp luật. Trồng cần sa là vi phạm pháp luật của Anh quốc. Đó đều là những điều không thể tranh cãi. Và nếu bất cứ ai vi phạm pháp luật, thì họ cần được xét xử một cách công bằng, theo đúng trình tự, rồi chịu những án phạt tương thích.
Nói thế tức là tôi hoàn toàn đồng ý rằng 39 người tử nạn trên chiếc xe tải đó đã vi phạm pháp luật Anh quốc khi nhập cảnh trái phép và có ý định lưu trú, làm việc bất hợp pháp mà không đóng thuế. Giả như họ sống sót và bị nhà chức trách bắt giữ tại biên giới hoặc sau khi đã nhập cảnh trót lọt, thì họ cần phải bị xét xử một cách đàng hoàng, bị kết án và trừng phạt theo luật nhập cư của Anh quốc – hình phạt có lẽ là trục xuất. Nếu sau đó họ vi phạm bất kỳ điều luật nào khác tại cộng đồng mà họ có ý định cư trú, họ cũng sẽ phải bị xét xử và chịu chế tài theo luật như trên. Đơn giản vậy thôi. Phạm luật thì phải chấp nhận bị trừng phạt bởi luật.
Nhưng mặt khác, chẳng phải cứ hợp pháp thì đã luôn là đúng, cũng như bất hợp pháp không phải lúc nào cũng là sai. Niềm tin của tôi là "không luật pháp nào đứng cao hơn đạo đức căn bản, lẽ công bằng và sự tử tế". Điều này cũng áp dụng cho cách thức đối đãi với người khác, kể cả những người vi phạm pháp luật.
Có người bảo rằng không nên thương xót gì những kẻ phạm pháp hoặc đang tìm cách phạm pháp, những kẻ "ăn bám", "tham lam" và "dại dột", những kẻ "làm mất thể diện" đất nước mình trong mắt người nước ngoài. Tôi thì không chắc chắn những người phải lao động cật lực ở ngoại quốc để nuôi gia đình ở nhà có phải là loại "ăn bám", "tham lam", "dại dột" hay "làm ô danh tổ quốc" hay không. Nhưng có một điều tôi biết chắc, đó là đa số mọi người trên thế giới không hề coi cái thái độ khinh thường những người đồng bào kém may mắn hơn mình là một thứ đức hạnh hay là một điều gì đáng hãnh diện. Tôi nghĩ thái độ ấy chỉ phơi bày một tâm hồn kém thẩm mỹ, thiếu đạo đức và không có chút tôn trọng nào với đồng loại.
Một số người cho rằng 39 người tử nạn ấy xứng đáng nhận kết cục như vậy vì họ đã phạm pháp và phải trả giá, mà lẽ ra họ phải tự ý thức được trước hậu quả. Tất nhiên, nếu 39 người này sống sót và thành công thì bằng cuộc hành trình đã trải qua, họ đã phạm nhiều hơn một tội danh. Tuy nhiên, có vi phạm nào trong số đó đáng bị trừng phạt bằng án tử hình không ? Tôi tin là không. Và bạn có nghĩ ra trường hợp nào phạm các tội kể trên mà đáng bị xử tử không ? Tôi thì không nghĩ ra, và chắc hẳn là phần lớn mọi người cũng giống như vậy.
Thế thì, nói đúng ra, làm sao những người này lại có thể "đáng chết" chỉ vì đã phạm những điều luật đó ? Làm sao mà họ lại có thể "đáng chết" chỉ vì mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn, ngay cả khi mà bản thân họ và gia đình không quá túng quẫn đi nữa ? Làm sao mà họ lại có thể "đáng chết" chỉ vì đã không ra nước ngoài lao động bằng con đường hợp pháp ?
Người ta vi phạm điều luật nào thì xứng đáng với hình phạt tương thích với điều luật đó. Chứ người ta không đáng chết, nhất là theo cách như vậy ! Điều đó là không công bằng.
Những phản ứng kiểu này cho thấy một sự thiếu vắng khả năng thấu cảm (hoặc đồng cảm) và sự tử tế, mà điều đáng buồn là tình trạng đó lại rất phổ biến không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên khắp thế giới nữa, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực để giáo dục về tầm quan trọng của khả năng thấu cảm trong xã hội. Thấu cảm được hiểu là khả năng đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu động cơ lý trí và cảm giác của họ. Chúng ta khó có thể tử tế với người khác nếu không có khả năng thấu cảm, không có khả năng nhìn vượt ra ngoài bản thân mình và đặt tiêu điểm vào người khác.
Hiểu được bối cảnh chính là một bước khởi đầu quan trọng nhằm xây dựng cho mình khả năng thấu cảm và nhân ái. Bối cảnh là yếu tố không thể tách rời trong mọi bước của các quy trình pháp lý, từ làm luật cho đến ra phán quyết và hình phạt, cũng như trong cuộc sống hàng ngày, khi đánh giá về con người hay tình huống. Sẽ là nguy hiểm nếu vội vã đi tới kết luận mà không xét đến toàn bộ thông tin về bối cảnh và áp đặt quan điểm riêng của mình vào việc nhìn nhận vấn đề, vì khi đó có khả năng người ta chỉ tập trung vào vấn đề ở trên bề mặt mà không thấy các nhân tố sâu xa đã tạo nên vấn đề. Hậu quả là ta không thể hiểu đầy đủ và đúng đắn về cả bức tranh toàn cảnh lẫn những con người liên quan. Sự thiếu hiểu biết đó sẽ dẫn tới những giải pháp nửa vời không giải quyết được vấn đề, có khi còn khiến mọi thứ tồi tệ hơn.
Quan trọng hơn hết, tôi tin sự tử tế là thứ sẽ làm cho thế giới này tốt đẹp hơn. Không nên đánh đồng sự tử tế, nhân từ với thái độ dễ dãi, xuề xòa, dung túng cho cái sai. Chúng ta vẫn có thể đưa ra những phán xét và hình phạt công bằng, đồng thời vẫn cố gắng thấu hiểu và đối đãi tử tế với người khác để giúp họ sửa sai. Hai việc đó không loại trừ lẫn nhau. Đây gọi là "công lý mang tính sửa chữa, khôi phục" (restorative justice), khác với "công lý mang tính trừng phạt, báo ứng" (retributive justice). Còn nếu họ đều đã chết thì sao ? Theo tôi, đừng nên tập trung vào khuyết điểm của họ, mà thay vào đó, hãy suy nghĩ xem chúng ta - trên tư cách một xã hội, một quốc gia - có thể làm gì để giúp đỡ gia đình các nạn nhân và ngăn chặn tối đa những thảm kịch tương tự về sau. Điều đó đòi hỏi sự cân bằng giữa lý trí và sự thấu cảm, chứ không phải là sự nhẫn tâm và vô cảm.
Tư duy pháp trị không có nghĩa là chúng ta phải thực thi pháp luật đối với con người một cách cứng nhắc, không có ngoại lệ. Nó không có nghĩa là những ai phạm pháp đều là xấu xa và không đáng được xót thương hoặc tôn trọng. Nó không có nghĩa là chúng ta cứ trừng trị họ và thế là xong chuyện. Tinh thần pháp trị không phải là thứ duy nhất cần có để điều hành xã hội theo hướng đem lại sự thăng tiến cho phần lớn, nếu chưa phải là tất cả, trong số chúng ta. Ngoài nó ra, chúng ta còn phải có ý thức về đạo đức căn bản, lẽ công bằng và sự tử tế.
Thảm kịch vừa qua phải được nhìn nhận như một thất bại và là bài học cho tất cả chúng ta, trên tư cách một xã hội và một quốc gia.
Khoa Lê
Nguồn : facebook : xuanbach.tran, 28/10/2019
******************
Sao người Việt cứ phải từ bỏ 'thiên đường' ra đi ?
Võ Ngọc Ánh, 27/10/2019
Từ ngày cộng sản thiết lập sự cai trị, người Việt không ngừng phải rời bỏ quê hương để mưu tìm một cuộc sống tốt hơn.
Họ ra đi trên con đường đầy rủi ro, bất trắc, may rủi... với cái chết luôn rình rập.
Cả tuần nay báo chí quốc tế đầy tin, bài về cái chết của 39 người trong thùng container được phát hiện tại Anh quốc. Nhiều nạn nhân trong đó được xác định người Việt.
Từ ngày cộng sản thiết lập sự cai trị, người Việt không ngừng phải rời bỏ quê hương để mưu tìm một cuộc sống tốt hơn.
Bao nhiêu người Việt đã bỏ mạng khi ‘ra đi tìm đường cứu thân’ ?
Trong những tin nhắn cuối cùng gởi về nhà, Phạm Thị Trà My đã viết : "Con thương ba mẹ nhiều", "Con chết vì không thở được".
Không phải người thân của em, nhưng khi đọc được những tin nhắn kia một cảm giác đau thương xâm chiếm trong tôi. Bởi, tôi, em và nhiều nạn nhân trong thùng container kia đều cùng dòng máu Việt. Tôi cảm nhận được một cái chết không hề dễ chịu chút nào với cái lạnh, thiếu oxy xâm chiếm để giết từng người.
Đi vì không chịu nổi cộng sản
Người Việt không có truyền thống xa nhà, xa quê hương, tính phiêu lưu, khám phá... để đến một vùng đất mới lập nghiệp. Bởi thế, trong gần bốn nghìn năm lịch sử, người Việt không có mấy cộng đồng bên ngoài biên giới quốc gia.
Tuy nhiên, từ ngày cộng sản từng bước áp đặt sự cai trị trên lãnh thổ Việt Nam, người Việt không ngừng bỏ làng, bỏ nước ra đi. Bỏ nước ra đi khi quê hương đã im tiếng súng, để thấy cộng sản còn đáng sợ hơn chiến tranh.
Năm 1954, khi Hiệp định Gieneve được ký kết và thực thi, đã có gần một triệu người miền Bắc phải rời bỏ quê hương vào Nam vì lo sợ chủ nghĩa cộng sản. Lịch sử đã chứng minh qua những người đã ở lại, lo sợ của người bỏ xứ ra đi không sai.
Khi cộng sản miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam vào tháng 4/1975, thiết lập sự cai trị trên toàn cõi Việt Nam, thêm một lần nữa hàng triệu người Việt phải bỏ nước ra đi. Họ phải đối mặt với cướp biển, cướp rừng, cưỡng hiếp, làm mồi cho cá, thú hoang... Máu người Việt thẫm đỏ biển Đông, loang rơi tại nhiều cánh rừng ở Đông Nam Á. Dù đi bằng cách khác nhau nhưng họ có chung lý do, chạy trốn sự cai trị độc đoán, hà khắc của cộng sản và chính quyền của nó để mưu tìm cuộc sống tốt hơn.
39 người chết trong thùng container hôm nay không phải lần đầu tiên xác người Việt được phát hiện trên chặng đường tìm cách vào các nước châu Âu để lao động, và chắc chắn sẽ không phải lần cuối cùng.
Ra đi để tìm cuộc sống tốt hơn
Tôi được một người bạn quê Nghệ An kể rằng: Trong xóm anh có một ông từng đi lao động chui ở Anh hơn 10 năm. Lúc quay về nước ông không hài lòng với những gì ở quê hương và chỉ muốn trở lại Anh, nhưng vì các con cần bố nên ông đành phải ở nhà. Với ông, dù sống lậu, làm việc bất hợp pháp, nhưng cuộc sống ở đó vẫn tốt hơn trong nước.
Theo BBC tiếng Việt, ông Phạm Ngọc Tuấn, anh trai của nạn nhân Trà My gia đình ông đã phải trả một phần khoản phí 30 nghìn bảng để được đưa vào Anh.
Tại sao một số người Việt chấp nhận bỏ ra một khoảng tiền lớn, bất chấp nguy hiểm để vào các nước châu Âu? Lý do không ngoài tiền và mong muốn cuộc sống tốt hơn theo kiểu, "hy sinh đời bố cũng cố đời con" được ở quốc gia mà ban đầu họ sống bất hợp pháp.
Bởi số tiền kia trong tay không hề nhỏ, ở trong nước nếu chăm chỉ, đầu tư đúng sẽ trở nên giàu có. Tuy nhiên, họ vẫn phải sống trong một xã hội đầy bất an, thiếu công bằng, với đầy hiểm nguy vây quanh, rình rập. Bệnh tật, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, hoặc những lý do trên khiến họ phải tán gia, bại sản.
Người Việt cần thấy trách nhiệm trước cái chết của đồng bào
Trong khi nhiều người Anh thương xót, tưởng nhớ, cầu nguyện cho 39 con người xấu số kia, thì nhiều người không ngại ngần lên án nạn nhân. Chính quyền cộng sản Việt Nam gần như vô cảm trước cái chết của công dân mình. Cho đến lúc này họ chưa có bất kỳ sự lên tiếng nào.
Họ biện minh bào chữa cho đảng, chính quyền, những người ra đi chỉ cá nhân, không thể đại diện cho xã hội. Các nạn nhân kia đáng lên án vì làm xấu hình ảnh Việt Nam. Người không đồng tình với cộng sản lại mỉa mai, một số nạn nhân từng ủng hộ nhà cầm quyền trong nước sao phải bỏ nước ra đi...
Thực tế, những nạn nhân này đáng thương hơn đáng trách. Cho dù họ có thể sai lầm đã tự đưa mình vào cái chết. Nhưng mỗi người dân Việt có lương tri sẽ ít nhiều thấy trách nhiệm của mình trong đó.
Nếu chúng ta làm cho nước Việt tốt hơn, người dân có được những phúc lợi tốt, pháp luật thật sự vì con người, bình đẳng, kỷ cương. Một quốc gia mà bất kỳ ai siêng năng sẽ có được một cuộc sống đầy đủ, tử tế... Tôi tin, chắc chắn sẽ có mấy người bỏ nước ra đi trong một chặng đường đầy hiểm nguy như thế.
Nhiều người trong đó có tôi và bạn sẽ nói do đảng cộng sản cai trị, làm mọi việc trở nên tồi tệ. Điều này hoàn toàn không sai. Tuy nhiêu, tại sao dân Việt trở nên ươn hèn đến vậy? Cộng sản tệ đến vậy mà vẫn cứ tiếp tay, để cho họ đè đầu cỡi cổ dân mình? Để chúng ta chỉ còn con đường bỏ nước ra đi.
Tôi nghĩ người Việt không thể đổ hết lỗi lên đầu nạn nhân, có như thể chính mỗi người và quốc gia này mới có thể tốt lên được.
Gần 75 năm dưới sự cai trị của đảng cộng sản dân Việt đã bớt đói nghèo, nhờ đánh đổi bằng sức lao động rẻ mạt của công nhân. Một lao động siêng năng trong một nhà máy ở Việt Nam, đồng lương của họ rất khó để có được nhà, phương tiện đi lại đủ an toàn, con cái học hành đảm bảo tại gần nơi làm việc. Điều này hoàn toàn khác xa với các nước tư bản, dân chủ.
Một đất nước mà quan chức, đảng viên cộng sản, người giàu có quá nhiều đặc lợi, quản lý xã hội kém, người dân thiếu an toàn thì người dân sẽ còn tìm mọi cách bỏ nước ra đi để mưu cầu cuộc sống tốt hơn.
Võ Ngọc Ánh
Nguồn : facebook: vo.n.anh.92, 27/10/2019
*******************
"Người rơm" và những câu chuyện buồn từ Calais
Hoàng Huy, trithucvn, 27/10/2019
Mấy hôm nay, mọi người xôn xao về thông tin 39 người Trung Quốc bị chết ngạt trong một chiếc container ở Anh. Lòng mình trĩu nặng, đã định im lặng tiếc thương cho họ, những con người vắn số, và vẫn thầm nguyện cầu điều tồi tệ mình đang nghĩ sẽ không là sự thật: có ai trong số đó là người Việt- đồng bào của mình, là con của một bà mẹ nghèo ở một miền quê nào đó...
Những người đàn ông Việt Nam sống trong một khu trại tạm bợ ở Calais (Pháp) chờ đợi để đến Anh (Ảnh : The Sun).
Là một người lăn lộn với cuộc sống ở Anh đủ lâu, với những điều mắt thấy tai nghe, với những năm tháng làm phiên dịch cho cảnh sát và Bộ Nội vụ (Home Office) Anh, mình rất biết họ là ai, họ đến từ đâu và cuộc hành trình của họ sẽ đi về đâu - những "người rơm" kém may mắn. Và mình quyết định kể ra những gì mình biết, hi vọng sẽ không có thêm nỗi đau nào tương tự sẽ diễn ra nữa...
"Người rơm" là một từ cay đắng ! Nó chất chứa cả máu - nước mắt và vô vàn những gian khó, tủi nhục không dễ nói thành lời, mà cộng đồng người Việt Nam ở Anh dùng để nhắc tới những người nhập cư bất hợp pháp. Vì sao lại là "rơm" ? Vì một khi bước vào con đường này, bạn hãy chấp nhận sinh mệnh của mình sẽ chỉ còn như rơm - như rạ, những thứ vô giá trị. Những cuốn hộ chiếu Việt Nam bị vứt bỏ hoặc đốt đi ngay khi "đường dây" đưa họ tới một nước Châu Âu nào đó qua con đường du lịch; nhằm chối bỏ quốc tịch, chính thức bước vào giai đoạn "sống không ai biết - chết không ai hay". Bởi lẽ Liên minh Châu Âu (EU) có điều luật về tị nạn, nếu bạn bị phát hiện nhập cư trái phép và bị từ chối tị nạn, sẽ bị trục xuất về đất nước trước đó bạn đã đi qua. Nếu là người không quốc tịch (không còn hộ chiếu), sự việc bại lộ, họ sẽ bị trục xuất về Pháp, về Đức, về Bỉ... hay một nước Châu Âu nào đó, chứ không phải là Việt Nam; và như thế có nghĩa là còn cơ hội... trốn tiếp. Đó là lý do, khi mở chiếc container tử thần kia ra, cảnh sát Anh sẽ dựa vào tóc đen da vàng mà tạm thời nhận định các nạn nhân là người Trung Quốc chứ chắc chắn họ sẽ không có một dấu hiệu nào, một mẩu giấy tờ nào dính dáng đến nơi mà họ thực sự xuất phát.
Và hầu hết các con đường sẽ đều dẫn họ đến những bãi xe hàng ở thành phố cảng Calais (Pháp) - đầu bên này của đường hầm xuyên qua eo biển Manche, nối liền Anh với đại lục Châu Âu. Từ đây, đoạn cam go nhất của cuộc hành trình sinh tử bắt đầu. Người "tị nạn" người nhập cư từ khắp nơi chứ không riêng Việt Nam tập kết ở đây, sống lay lắt, tạm bợ trong những lều lán trong rừng để chờ cơ hội vượt biên vào Anh. Các tổ chức nhân đạo của Pháp ra sức trợ giúp cho cộng đồng tị nạn bằng tất cả những gì họ có: chăn gối, quần áo cũ, thực phẩm... nhưng Khổ thì vẫn là Khổ. Cảnh sát Pháp cũng chẳng buồn bận tâm hay bắt bớ những người này vì họ thừa hiểu, đã có mặt ở đây thì đích đến chỉ có thể là Anh. Cướp bóc lẫn nhau, cưỡng bức, thậm chí những vụ giết người thầm lặng... trong một cộng đồng hỗn tạp, vô chính phủ và không ai bảo vệ là chuyện không quá khó hiểu.
Và khi màn đêm buông xuống, từng tốp người lẻn vào các bãi xe hàng tìm các chuyến xe sẽ sang Anh, rạch bạt chui vào nằm im lẫn giữa hàng hoá; hoặc cắt kẹp chì chui vào những container. Nếu là đường dây VIP, tài xế biết sự có mặt của bạn trên xe của họ, còn đường dây thường, thì thường là lên lén lút. May mắn vượt qua trạm kiểm soát biên giới, sang đến đất Anh, tài xế VIP sẽ dừng ở một cây xăng hay một trạm nghỉ chân để cho những vị khách quá giang xuống. Còn nếu không qua rào cản máy tầm nhiệt hoặc bị chó nghiệp vụ ngửi thấy, thì... đi về, hôm sau ra nhảy xe tiếp, cho đến khi thành công thì thôi. Có những người vạ vật ngày ngủ đêm đi nhảy xe cả năm chưa qua được biên giới.
Container đông lạnh là lựa chọn được ưa thích vì có khả năng cao thoát được máy quét tầm nhiệt nếu như thuộc đường dây VIP. Và 39 người xấu số kia đã không thể đặt chân xuống "xứ sở thiên đường" vì chiếc xe đã vào thẳng một khu công nghiệp, vượt quá thời gian họ có thể chịu đựng.
Và nếu có đủ may mắn để sống sót và lành lặn đặt chân xuống đất Anh, con đường chờ đợi họ cũng sẽ không phải là đã hết chông gai. Để tự nguyện trở thành "một nạn nhân của đường dây buôn người" - như cách gọi của truyền thông, họ thường phải bỏ ra cả tỷ đồng tiền lộ phí. Là những cuốn sổ đỏ cắm vào ngân hàng, là những món nợ vay lãi cao... họ chỉ có một lựa chọn: kiếm tiền bằng mọi giá, mọi cách để trả nợ và nuôi tiếp ước mơ đổi đời và hi vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn như lời anh A chị B gì đó là láng giềng, là họ hàng đã đi trước và "chia sẻ kinh nghiệm".
Những nhà hàng, những tiệm nail... cũng không hẳn là rộng cửa chờ họ, vì án phạt của việc sử dụng người lao động bất hợp pháp rất nặng, con đường càng hẹp lại dẫn đến những ngôi nhà tuyết không bám nổi trên nóc: những trại trồng cỏ (cần sa) bất hợp pháp - nơi mà rất nhiều, rất nhiều người ở quê nhà nghĩ rằng sẽ dễ dàng kiếm được số tiền lớn để "hoàn vốn" và đổi đời. Và thỉnh thoảng, lại có những lời kêu gọi trong cộng đồng để quyên góp tiền để đưa ai đó về nước vì "tai nạn lao động" - những vụ tai nạn chết người do điện hay sự cố trong những ngôi nhà bí ẩn. Nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn không thể trở về quê hương, dù là trong những chiếc hòm sắt, nhưng là "rơm" - nên họ, những người nằm lại nơi đất khách, cũng không nằm trong bất kỳ một cuộc thống kê chính thức nào. Nếu họ may mắn vượt qua được những tháng ngày tăm tối đó, những chiếc container sẽ lại tiếp tục vào Anh, chở theo con họ, cháu họ, anh em họ, và cả những người láng giềng ngưỡng mộ những cái nhà to lớn họ gửi tiền về xây ở quê.
Không oán trách, không phán xét, sâu thẳm trong tim mình chỉ thấy một nỗi buồn sâu sắc trước số phận của những "người rơm" - những người đồng bào không được thừa nhận, những người Việt Nam máu đỏ da vàng bị mắc kẹt giữa hai thế giới : thế giới của những khoản nợ xen lẫn những hi vọng đổi đời - những chờ mong khắc khoải của gia đình từ những miền quê nghèo khó ; và thế giới của những hiểm nguy, gian khó nơi xứ người mà phần lớn họ nuốt nước mắt vào trong mà giấu riêng cho mình. Đính kèm những lệnh chuyển tiền, họ đều chọn gửi về quê nhà qua Facetime, Messenger nụ cười và những tấm hình lung linh nơi đất khách; và giữ lại vẹn nguyên những dòng nước mắt đắng cay.
Ai cũng có một đời để sống, có quyền được chọn cách sẽ sống thế nào, sống ở đâu... nhưng cũng đâu phải ai cũng may mắn có khả năng để đi du học, hay đi sang xứ người bằng cánh cửa rộng để theo đuổi ước mơ thay đổi cuộc đời. Chúng ta hãy ngưng phán xét, ngưng trách móc, ngưng nói đến những điều lớn lao, những nguyên nhân vĩ mô, ngưng dạy bảo những người đã khuất sao không làm thế này thế kia... hãy dành một chút im lặng để cảm thông với những gia đình đang ở tận đáy của sự đau thương.
Dù là người Việt Nam - người Trung Quốc hay người gì chăng nữa, thì cũng là đồng loại của chúng ta, và họ được quyền yên nghỉ sau quá nhiều những đau đớn - hoảng loạn lúc cuối đời.
Mong cho họ được bình yên, ở một thế giới khác, họ sẽ không phải từ bỏ quê hương để mưu sinh, không phải liều mình trên những chuyến xe sinh tử, không phải lạnh lẽo ra đi giữa những kiện hàng, mong cho họ được làm NGƯỜI cho đúng nghĩa, và không bao giờ có thêm ai nữa phải liều mình làm "người rơm".
Nỗi đau này của họ hay của tất cả chúng ta, một dân tộc đã hết chiến tranh nhưng vẫn còn quá nhiều nỗi đau để khóc ? Thương lắm, Việt Nam ơi...
Hoàng Huy
Nguồn: trithucvn, 27/10/2019
Phần một "Bi hài nghề làm móng tay ở Anh" đã cung cấp các nét chính về người Việt nhập cư lậu (người Rơm) với nghề làm móng ở Anh, phần này sẽ bàn về giải pháp tổng thể cho nan đề này.
Nhiều người Việt nhập cư lậu làm nghề móng tay ở Anh
Truy quét và dẫn độ
Số lượng người Rơm tại Anh hiện nay ước tính theo các số liệu khác nhau đều chạm số lượng nhiều chục ngàn người.
Mặc dù giữa Anh và Việt Nam đã có một số thủ tục cho phép dẫn độ công dân trong một số trường hợp nhất định, nhưng việc xác định xem một cá nhân cụ thể có phải là người Việt "lưu lạc" từ Việt Nam hay không, vì một số lý do, thường khó thực hiện nếu chỉ xuất phát từ yêu cầu của một phía.
Ngay cả trong trường hợp, khi cơ sở pháp lý đã sẵn sàng, với số lượng khổng lồ người di cư bất hợp pháp của các sắc tộc khác nhau đã tích lũy hàng chục năm nay, không một hệ thống tập trung nào đủ lớn để có thể chứa giữ, chưa kể một ngân sách khổng lồ phải tiêu tốn nếu muốn dẫn độ họ về bản quán.
Mặt khác nếu các chiến dịch truy quét của chính quyền thực sự làm mất nguồn sống của những người di cư bất hợp pháp trong lúc dẫn độ hàng loạt khó khả thi, tệ nạn xã hội chắc chắn sẽ tăng mạnh khi nhiều chục ngàn người bị đẩy vào bước đường cùng, xã hội Anh sẽ chính là nơi gánh chịu tệ nạn.
Mặc dù cuộc sống tại Anh không là "màu hồng" nhưng mức thu nhập thực tế tại đây của các lao động trái phép so với cái mà họ có thể kiếm được tại quê hương họ, nhiều nơi chỉ khoảng trên dưới một đô la một ngày, hầu như chắc chắn sẽ làm thất bại mọi nỗ lực hồi hương tự nguyện của chính quyền.
Đối với ngành làm móng tay và các dịch vụ có sử dụng người bất hợp pháp khác, vì nhu cầu của xã hội là lớn trong khi lực lượng chế tài quá mỏng và chỉ hoạt động theo chiến dịch từng đợt, mọi việc có thể sẽ lại đâu lại vào đó sau những xáo trộn ngắn hạn.
Nguy hiểm là thực trạng này có thể gửi một tín hiệu sai đến cộng đồng di dân bất hợp pháp và kể cả những người đang dự định vượt biên vào Anh rằng chính quyền bất lực và vô tình khuyến khích các đường dây đưa người.
Nhiều các chủ tiệm làm móng tay mới có xu hướng tìm kiếm thân nhân hay họ hàng từ Việt Nam
Những lựa chọn tốt hơn
Từ các phân tích trên, rõ ràng các chiến dịch truy quét tại các tiệm làm móng tay không gửi được những tín hiệu đủ rõ và mạnh cho những đối tượng đang chuẩn bị lên đường từ Việt Nam. Có lẽ một giải pháp mang tính chất cơ chế hơn cần được nghiên cứu và áp dụng.
Trên thị trường lao động của ngành làm móng tay, vì khan hiếm nguồn thợ, rất nhiều các chủ tiệm mới có xu hướng tìm kiếm thân nhân hay họ hàng, người đang có ý định vượt sang Anh để tuyển dụng cho doanh nghiệp của mình.
Như vậy ý định vượt biên vào Anh xuất phát từ chính những đòi hỏi hay hậu thuẫn của thân nhân là những người đã có quốc tịch Anh. Chừng nào các địa phương tại Anh còn cho phép mở các doanh nghiệp móng tay một cách hoàn toàn tự do như hiện nay, khi đó số người Việt vào Anh sẽ vẫn tăng lên theo thời gian.
Một chính sách ngừng cấp phép cho các tiệm làm móng mới trong vòng mười năm hoặc chỉ cấp phép thành lập cơ sở mới nếu đệ trình được danh sách xác định của một số thợ hợp pháp sẽ ngay lập tức chặn đứng nhu cầu mang người đang có ý định vượt vào Anh để tham gia chuỗi dịch vụ trên.
Hiện nay các doanh nghiệp làm móng tay của các sắc tộc khác nhau, trong đó người Việt là đông nhất, đã có mặt tại hầu hết các khu dân cư (town) lớn và trung bình của nước Anh. Mặc dù nhu cầu làm móng đang tăng lên theo thời gian nhưng sự hiện diện của số lượng doanh nghiệp như trên cũng là tạm đủ trong lúc cần cân nhắc các bất lợi từ nhập cư lậu.
Những người đã đến
Qua lời phát biểu của một số quan chức, nước Anh có vẻ đã xóa bỏ chính sách cho phép những người nhập cư bất hợp pháp được nhập quốc tịch Anh sau mười năm lưu trú không phạm pháp và có trình độ tiếng Anh tối thiểu cũng như một số hiểu biết về đất nước và con người ở đây.
Đây thực sự là một thiệt thòi cho những người đã đến. Họ cũng có cùng giấc mơ như nhiều chục ngàn người từ các nước Đông Âu đã phục sẵn hàng chục năm để rồi sau một đêm trở thành hợp pháp khi EU mở rộng. Những người Rơm sau một đêm, nay không còn hy vọng tương tự.
Một Brexit quyết liệt đang thành hình. Khủng hoảng người tị nạn đang gây sợ hãi và phản đối ở nhiều nước châu Âu bao gồm cả Anh Quốc.
Chắc chắn vấn đề người nhập cư bất hợp pháp sẽ còn là tâm điểm chú ý cho tới khi chính phủ tìm được giải pháp ngăn chặn hữu hiệu hơn các dòng người bất tận này. Câu trả lời cho số phận của những người Rơm đã đến, vì thế càng trở nên bất định.
Bài viết thể hiện văn phong và quan niệm riêng của tác giả, một người làm kinh doanh về thị trường Bất động sản dân dụng và Dịch vụ làm Nails tại Anh Quốc.
*********************
Người Việt bị bắt ở trại cần sa "khổng lồ" tại Anh (BBC, 27/02/2017)
Cảnh sát phát hiện trang trại gồm hàng ngàn cây cần sa trị giá khoảng 1 triệu bảng Anh khi họ đột kích vào hầm hạt nhân Chilmark.
Bảy người đàn ông trong đó có năm người Việt bị cảnh sát Anh bắt hôm 22 tháng Hai khi họ bố ráp một trại trồng cần sa quy mô lớn ở hạt Wiltshire, vùng Tây Nam nước Anh.
Tổng giá trị của hàng ngàn cây cần sa được phát hiện ở trại này, từng là hầm trú ẩn hạt nhân do chính phủ Anh xây, lên tới hơn 1 triệu bảng Anh.
Plamen Nguyen, 27 tuổi, Martin Fillery, 45 tuổi, và Ross Winter, 30 tuổi bị đưa ra tòa ở Swindon, Anh và buộc tội bắt người khác làm nô lệ (slavery) và khai thác, hưởng dụng khổ sai (servitude).
Bốn người đàn ông Việt Nam khác, đều trên 18 tuổi, là những người chăm sóc cần sa, bị bắt tại hầm khi cảnh sát bố ráp địa điểm này. Họ được thả và chưa bị buộc tội trong khi cảnh sát tiếp tục xử lý vụ việc, Cảnh sát Wiltshire cho BBC hay hôm 27/2.
Nguyen và Winter, từ Bristol, và Fillery từ Bridgewater, Somerset, còn bị buộc tội thông đồng sản xuất thuốc gây nghiện Loại B và câu trộm điện.
Cảnh sát Wiltshire nói ba người đàn ông này trước đây đã bị bắt nhưng được thả mà không bị kết án. Lần này, họ sẽ bị giam đến ngày ra tòa Salisbury hôm 29 tháng Ba.
Điều kiện làm việc dưới hầm này là rất tồi tệ, Thanh tra Cảnh sát Paul Franklin nói với tờ Guardian.
"Đây là lao động nô lệ. Không có ánh sáng trời, không có nước máy, họ phải mang nước từ ngoài vào. Đây là lao động chân tay cực khổ - không đơn giản là xách bình tưới nước đi tưới cây. Tôi rất sốc vì phạm vi của trại này. Không có không khí, chỉ có mùi hăng hăng, ẩm ướt của cây cần sa tỏa ra khắp nơi"., ông Paul cho biết.
Hàng ngàn cây cần sa bị phát hiện khi cảnh sát bố ráp hầm trú ẩn Chilmark
Trại cần sa "khổng lồ"
Trang trại cần sa này được phát hiện ở nằm ở một hầm trú ẩn cũ của Bộ Quốc phòng Anh, được xây dựng trong những năm 80 để bảo vệ các quan chức chính phủ trong trường hợp có cuộc tấn công hạt nhân.
Cảnh sát cho biết trang trại này "gần như là không vào được", và họ phải đợi các nghi phạm ra khỏi hầm rồi mới tiếp cận được.
Thanh tra Cảnh sát Paul Franklin, nói chỉ tới khi cảnh sát bước qua cánh cửa chống bom hạt nhân, họ mới thấy rõ quy mô "khổng lồ" của trại này.
"Có khoảng 20 phòng trên hai tầng trong hầm này, mỗi phòng có chiều dài trên 60 mét, rộng trên 21 mét"..
"Gần như mỗi phòng được biến thành nơi trồng cần sa để bán buôn, và có một lượng cần sa lớn từ vụ trước vẫn còn trong hầm".
Ông nói thêm ông tin rằng đây là "một trong những trang trại lớn nhất đã từng được phát hiện" ở hạt Wiltshire.