Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/10/2019

Thảm kịch 39 người bị chết lạnh : nỗi đau và tủi nhục của những người rơm

Nhiều tác giả

Không luật pháp nào đứng cao hơn đạo đức căn bản, lẽ công bằng và sự tử tế

Khoa Lê, 28/10/2019

Hôm nay, tôi muốn chia sẻ một vài cảm nghĩ về câu trích dẫn kể trên (mà tôi đặt trang trọng ngay dưới ảnh avatar của mình), trong bối cảnh của thảm kịch vừa xảy ra với 39 người trong thùng xe lạnh tại Essex, Anh quốc. Trước hết, xin nói ngay rằng tôi không phải luật sư và tôi không tự nhận là hiểu biết mọi thứ về vấn đề này. Nhưng tôi nghĩ một số người sẽ cần phải xét lại quan niệm về "pháp trị" của họ, và ý nghĩa thực sự của khái niệm đó.

thamkich1

Bất cứ ai vi phạm pháp luật thì họ cần được xét xử một cách công bằng, theo đúng trình tự, rồi chịu những án phạt tương thích. Ảnh minh họa

Tôi không quan niệm rằng bất cứ ai có thể, hoặc nên được trao quyền, để đứng cao hơn luật pháp. Từ các nguyên thủ quốc gia cho tới những di dân bất hợp pháp. Và thực tế, hành vi vượt biên trái phép là vi phạm pháp luật. Lưu trú và làm việc tại một quốc gia mà không có đầy đủ giấy tờ hợp lệ là vi phạm pháp luật. Trồng cần sa là vi phạm pháp luật của Anh quốc. Đó đều là những điều không thể tranh cãi. Và nếu bất cứ ai vi phạm pháp luật, thì họ cần được xét xử một cách công bằng, theo đúng trình tự, rồi chịu những án phạt tương thích.

Nói thế tức là tôi hoàn toàn đồng ý rằng 39 người tử nạn trên chiếc xe tải đó đã vi phạm pháp luật Anh quốc khi nhập cảnh trái phép và có ý định lưu trú, làm việc bất hợp pháp mà không đóng thuế. Giả như họ sống sót và bị nhà chức trách bắt giữ tại biên giới hoặc sau khi đã nhập cảnh trót lọt, thì họ cần phải bị xét xử một cách đàng hoàng, bị kết án và trừng phạt theo luật nhập cư của Anh quốc – hình phạt có lẽ là trục xuất. Nếu sau đó họ vi phạm bất kỳ điều luật nào khác tại cộng đồng mà họ có ý định cư trú, họ cũng sẽ phải bị xét xử và chịu chế tài theo luật như trên. Đơn giản vậy thôi. Phạm luật thì phải chấp nhận bị trừng phạt bởi luật.

Nhưng mặt khác, chẳng phải cứ hợp pháp thì đã luôn là đúng, cũng như bất hợp pháp không phải lúc nào cũng là sai. Niềm tin của tôi là "không luật pháp nào đứng cao hơn đạo đức căn bản, lẽ công bằng và sự tử tế". Điều này cũng áp dụng cho cách thức đối đãi với người khác, kể cả những người vi phạm pháp luật.

Có người bảo rằng không nên thương xót gì những kẻ phạm pháp hoặc đang tìm cách phạm pháp, những kẻ "ăn bám", "tham lam" và "dại dột", những kẻ "làm mất thể diện" đất nước mình trong mắt người nước ngoài. Tôi thì không chắc chắn những người phải lao động cật lực ở ngoại quốc để nuôi gia đình ở nhà có phải là loại "ăn bám", "tham lam", "dại dột" hay "làm ô danh tổ quốc" hay không. Nhưng có một điều tôi biết chắc, đó là đa số mọi người trên thế giới không hề coi cái thái độ khinh thường những người đồng bào kém may mắn hơn mình là một thứ đức hạnh hay là một điều gì đáng hãnh diện. Tôi nghĩ thái độ ấy chỉ phơi bày một tâm hồn kém thẩm mỹ, thiếu đạo đức và không có chút tôn trọng nào với đồng loại.

Một số người cho rằng 39 người tử nạn ấy xứng đáng nhận kết cục như vậy vì họ đã phạm pháp và phải trả giá, mà lẽ ra họ phải tự ý thức được trước hậu quả. Tất nhiên, nếu 39 người này sống sót và thành công thì bằng cuộc hành trình đã trải qua, họ đã phạm nhiều hơn một tội danh. Tuy nhiên, có vi phạm nào trong số đó đáng bị trừng phạt bằng án tử hình không ? Tôi tin là không. Và bạn có nghĩ ra trường hợp nào phạm các tội kể trên mà đáng bị xử tử không ? Tôi thì không nghĩ ra, và chắc hẳn là phần lớn mọi người cũng giống như vậy.

Thế thì, nói đúng ra, làm sao những người này lại có thể "đáng chết" chỉ vì đã phạm những điều luật đó ? Làm sao mà họ lại có thể "đáng chết" chỉ vì mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn, ngay cả khi mà bản thân họ và gia đình không quá túng quẫn đi nữa ? Làm sao mà họ lại có thể "đáng chết" chỉ vì đã không ra nước ngoài lao động bằng con đường hợp pháp ?

Người ta vi phạm điều luật nào thì xứng đáng với hình phạt tương thích với điều luật đó. Chứ người ta không đáng chết, nhất là theo cách như vậy ! Điều đó là không công bằng.

Những phản ứng kiểu này cho thấy một sự thiếu vắng khả năng thấu cảm (hoặc đồng cảm) và sự tử tế, mà điều đáng buồn là tình trạng đó lại rất phổ biến không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên khắp thế giới nữa, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực để giáo dục về tầm quan trọng của khả năng thấu cảm trong xã hội. Thấu cảm được hiểu là khả năng đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu động cơ lý trí và cảm giác của họ. Chúng ta khó có thể tử tế với người khác nếu không có khả năng thấu cảm, không có khả năng nhìn vượt ra ngoài bản thân mình và đặt tiêu điểm vào người khác.

Hiểu được bối cảnh chính là một bước khởi đầu quan trọng nhằm xây dựng cho mình khả năng thấu cảm và nhân ái. Bối cảnh là yếu tố không thể tách rời trong mọi bước của các quy trình pháp lý, từ làm luật cho đến ra phán quyết và hình phạt, cũng như trong cuộc sống hàng ngày, khi đánh giá về con người hay tình huống. Sẽ là nguy hiểm nếu vội vã đi tới kết luận mà không xét đến toàn bộ thông tin về bối cảnh và áp đặt quan điểm riêng của mình vào việc nhìn nhận vấn đề, vì khi đó có khả năng người ta chỉ tập trung vào vấn đề ở trên bề mặt mà không thấy các nhân tố sâu xa đã tạo nên vấn đề. Hậu quả là ta không thể hiểu đầy đủ và đúng đắn về cả bức tranh toàn cảnh lẫn những con người liên quan. Sự thiếu hiểu biết đó sẽ dẫn tới những giải pháp nửa vời không giải quyết được vấn đề, có khi còn khiến mọi thứ tồi tệ hơn.

Quan trọng hơn hết, tôi tin sự tử tế là thứ sẽ làm cho thế giới này tốt đẹp hơn. Không nên đánh đồng sự tử tế, nhân từ với thái độ dễ dãi, xuề xòa, dung túng cho cái sai. Chúng ta vẫn có thể đưa ra những phán xét và hình phạt công bằng, đồng thời vẫn cố gắng thấu hiểu và đối đãi tử tế với người khác để giúp họ sửa sai. Hai việc đó không loại trừ lẫn nhau. Đây gọi là "công lý mang tính sửa chữa, khôi phục" (restorative justice), khác với "công lý mang tính trừng phạt, báo ứng" (retributive justice). Còn nếu họ đều đã chết thì sao ? Theo tôi, đừng nên tập trung vào khuyết điểm của họ, mà thay vào đó, hãy suy nghĩ xem chúng ta - trên tư cách một xã hội, một quốc gia - có thể làm gì để giúp đỡ gia đình các nạn nhân và ngăn chặn tối đa những thảm kịch tương tự về sau. Điều đó đòi hỏi sự cân bằng giữa lý trí và sự thấu cảm, chứ không phải là sự nhẫn tâm và vô cảm.

Tư duy pháp trị không có nghĩa là chúng ta phải thực thi pháp luật đối với con người một cách cứng nhắc, không có ngoại lệ. Nó không có nghĩa là những ai phạm pháp đều là xấu xa và không đáng được xót thương hoặc tôn trọng. Nó không có nghĩa là chúng ta cứ trừng trị họ và thế là xong chuyện. Tinh thần pháp trị không phải là thứ duy nhất cần có để điều hành xã hội theo hướng đem lại sự thăng tiến cho phần lớn, nếu chưa phải là tất cả, trong số chúng ta. Ngoài nó ra, chúng ta còn phải có ý thức về đạo đức căn bản, lẽ công bằng và sự tử tế.

Thảm kịch vừa qua phải được nhìn nhận như một thất bại và là bài học cho tất cả chúng ta, trên tư cách một xã hội và một quốc gia.

Khoa Lê

Nguồn : facebook : xuanbach.tran, 28/10/2019

******************

Sao người Việt cứ phải từ bỏ 'thiên đường' ra đi ? 

Võ Ngọc Ánh, 27/10/2019

Từ ngày cộng sản thiết lập sự cai trị, người Việt không ngừng phải rời bỏ quê hương để mưu tìm một cuộc sống tốt hơn.

Họ ra đi trên con đường đầy rủi ro, bất trắc, may rủi... với cái chết luôn rình rập.

Cả tuần nay báo chí quốc tế đầy tin, bài về cái chết của 39 người trong thùng container được phát hiện tại Anh quốc. Nhiều nạn nhân trong đó được xác định người Việt.

thamkich2

Từ ngày cộng sản thiết lập sự cai trị, người Việt không ngừng phải rời bỏ quê hương để mưu tìm một cuộc sống tốt hơn.

Bao nhiêu người Việt đã bỏ mạng khi ‘ra đi tìm đường cứu thân’ ?

Trong những tin nhắn cuối cùng gởi về nhà, Phạm Thị Trà My đã viết : "Con thương ba mẹ nhiều", "Con chết vì không thở được".

Không phải người thân của em, nhưng khi đọc được những tin nhắn kia một cảm giác đau thương xâm chiếm trong tôi. Bởi, tôi, em và nhiều nạn nhân trong thùng container kia đều cùng dòng máu Việt. Tôi cảm nhận được một cái chết không hề dễ chịu chút nào với cái lạnh, thiếu oxy xâm chiếm để giết từng người.

Đi vì không chịu nổi cộng sản

Người Việt không có truyền thống xa nhà, xa quê hương, tính phiêu lưu, khám phá... để đến một vùng đất mới lập nghiệp. Bởi thế, trong gần bốn nghìn năm lịch sử, người Việt không có mấy cộng đồng bên ngoài biên giới quốc gia.

Tuy nhiên, từ ngày cộng sản từng bước áp đặt sự cai trị trên lãnh thổ Việt Nam, người Việt không ngừng bỏ làng, bỏ nước ra đi. Bỏ nước ra đi khi quê hương đã im tiếng súng, để thấy cộng sản còn đáng sợ hơn chiến tranh.

Năm 1954, khi Hiệp định Gieneve được ký kết và thực thi, đã có gần một triệu người miền Bắc phải rời bỏ quê hương vào Nam vì lo sợ chủ nghĩa cộng sản. Lịch sử đã chứng minh qua những người đã ở lại, lo sợ của người bỏ xứ ra đi không sai.

Khi cộng sản miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam vào tháng 4/1975, thiết lập sự cai trị trên toàn cõi Việt Nam, thêm một lần nữa hàng triệu người Việt phải bỏ nước ra đi. Họ phải đối mặt với cướp biển, cướp rừng, cưỡng hiếp, làm mồi cho cá, thú hoang... Máu người Việt thẫm đỏ biển Đông, loang rơi tại nhiều cánh rừng ở Đông Nam Á. Dù đi bằng cách khác nhau nhưng họ có chung lý do, chạy trốn sự cai trị độc đoán, hà khắc của cộng sản và chính quyền của nó để mưu tìm cuộc sống tốt hơn.

39 người chết trong thùng container hôm nay không phải lần đầu tiên xác người Việt được phát hiện trên chặng đường tìm cách vào các nước châu Âu để lao động, và chắc chắn sẽ không phải lần cuối cùng.

Ra đi để tìm cuộc sống tốt hơn

Tôi được một người bạn quê Nghệ An kể rằng: Trong xóm anh có một ông từng đi lao động chui ở Anh hơn 10 năm. Lúc quay về nước ông không hài lòng với những gì ở quê hương và chỉ muốn trở lại Anh, nhưng vì các con cần bố nên ông đành phải ở nhà. Với ông, dù sống lậu, làm việc bất hợp pháp, nhưng cuộc sống ở đó vẫn tốt hơn trong nước.

Theo BBC tiếng Việt, ông Phạm Ngọc Tuấn, anh trai của nạn nhân Trà My gia đình ông đã phải trả một phần khoản phí 30 nghìn bảng để được đưa vào Anh.

Tại sao một số người Việt chấp nhận bỏ ra một khoảng tiền lớn, bất chấp nguy hiểm để vào các nước châu Âu? Lý do không ngoài tiền và mong muốn cuộc sống tốt hơn theo kiểu, "hy sinh đời bố cũng cố đời con" được ở quốc gia mà ban đầu họ sống bất hợp pháp.

Bởi số tiền kia trong tay không hề nhỏ, ở trong nước nếu chăm chỉ, đầu tư đúng sẽ trở nên giàu có. Tuy nhiên, họ vẫn phải sống trong một xã hội đầy bất an, thiếu công bằng, với đầy hiểm nguy vây quanh, rình rập. Bệnh tật, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, hoặc những lý do trên khiến họ phải tán gia, bại sản.

Người Việt cần thấy trách nhiệm trước cái chết của đồng bào

Trong khi nhiều người Anh thương xót, tưởng nhớ, cầu nguyện cho 39 con người xấu số kia, thì nhiều người không ngại ngần lên án nạn nhân. Chính quyền cộng sản Việt Nam gần như vô cảm trước cái chết của công dân mình. Cho đến lúc này họ chưa có bất kỳ sự lên tiếng nào.

Họ biện minh bào chữa cho đảng, chính quyền, những người ra đi chỉ cá nhân, không thể đại diện cho xã hội. Các nạn nhân kia đáng lên án vì làm xấu hình ảnh Việt Nam. Người không đồng tình với cộng sản lại mỉa mai, một số nạn nhân từng ủng hộ nhà cầm quyền trong nước sao phải bỏ nước ra đi...

Thực tế, những nạn nhân này đáng thương hơn đáng trách. Cho dù họ có thể sai lầm đã tự đưa mình vào cái chết. Nhưng mỗi người dân Việt có lương tri sẽ ít nhiều thấy trách nhiệm của mình trong đó.

Nếu chúng ta làm cho nước Việt tốt hơn, người dân có được những phúc lợi tốt, pháp luật thật sự vì con người, bình đẳng, kỷ cương. Một quốc gia mà bất kỳ ai siêng năng sẽ có được một cuộc sống đầy đủ, tử tế... Tôi tin, chắc chắn sẽ có mấy người bỏ nước ra đi trong một chặng đường đầy hiểm nguy như thế.

Nhiều người trong đó có tôi và bạn sẽ nói do đảng cộng sản cai trị, làm mọi việc trở nên tồi tệ. Điều này hoàn toàn không sai. Tuy nhiêu, tại sao dân Việt trở nên ươn hèn đến vậy? Cộng sản tệ đến vậy mà vẫn cứ tiếp tay, để cho họ đè đầu cỡi cổ dân mình? Để chúng ta chỉ còn con đường bỏ nước ra đi.

Tôi nghĩ người Việt không thể đổ hết lỗi lên đầu nạn nhân, có như thể chính mỗi người và quốc gia này mới có thể tốt lên được.

Gần 75 năm dưới sự cai trị của đảng cộng sản dân Việt đã bớt đói nghèo, nhờ đánh đổi bằng sức lao động rẻ mạt của công nhân. Một lao động siêng năng trong một nhà máy ở Việt Nam, đồng lương của họ rất khó để có được nhà, phương tiện đi lại đủ an toàn, con cái học hành đảm bảo tại gần nơi làm việc. Điều này hoàn toàn khác xa với các nước tư bản, dân chủ.

Một đất nước mà quan chức, đảng viên cộng sản, người giàu có quá nhiều đặc lợi, quản lý xã hội kém, người dân thiếu an toàn thì người dân sẽ còn tìm mọi cách bỏ nước ra đi để mưu cầu cuộc sống tốt hơn.

Võ Ngọc Ánh

Nguồn : facebook: vo.n.anh.92, 27/10/2019

*******************

"Người rơm" và những câu chuyện buồn từ Calais

Hoàng Huy, trithucvn, 27/10/2019

Mấy hôm nay, mọi người xôn xao về thông tin 39 người Trung Quốc bị chết ngạt trong một chiếc container ở Anh. Lòng mình trĩu nặng, đã định im lặng tiếc thương cho họ, những con người vắn số, và vẫn thầm nguyện cầu điều tồi tệ mình đang nghĩ sẽ không là sự thật: có ai trong số đó là người Việt- đồng bào của mình, là con của một bà mẹ nghèo ở một miền quê nào đó...

thamkich3

Những người đàn ông Việt Nam sống trong một khu trại tạm bợ ở Calais (Pháp) chờ đợi để đến Anh (Ảnh : The Sun).

Là một người lăn lộn với cuộc sống ở Anh đủ lâu, với những điều mắt thấy tai nghe, với những năm tháng làm phiên dịch cho cảnh sát và Bộ Nội vụ (Home Office) Anh, mình rất biết họ là ai, họ đến từ đâu và cuộc hành trình của họ sẽ đi về đâu - những "người rơm" kém may mắn. Và mình quyết định kể ra những gì mình biết, hi vọng sẽ không có thêm nỗi đau nào tương tự sẽ diễn ra nữa...

"Người rơm" là một từ cay đắng ! Nó chất chứa cả máu - nước mắt và vô vàn những gian khó, tủi nhục không dễ nói thành lời, mà cộng đồng người Việt Nam ở Anh dùng để nhắc tới những người nhập cư bất hợp pháp. Vì sao lại là "rơm" ? Vì một khi bước vào con đường này, bạn hãy chấp nhận sinh mệnh của mình sẽ chỉ còn như rơm - như rạ, những thứ vô giá trị. Những cuốn hộ chiếu Việt Nam bị vứt bỏ hoặc đốt đi ngay khi "đường dây" đưa họ tới một nước Châu Âu nào đó qua con đường du lịch; nhằm chối bỏ quốc tịch, chính thức bước vào giai đoạn "sống không ai biết - chết không ai hay". Bởi lẽ Liên minh Châu Âu (EU) có điều luật về tị nạn, nếu bạn bị phát hiện nhập cư trái phép và bị từ chối tị nạn, sẽ bị trục xuất về đất nước trước đó bạn đã đi qua. Nếu là người không quốc tịch (không còn hộ chiếu), sự việc bại lộ, họ sẽ bị trục xuất về Pháp, về Đức, về Bỉ... hay một nước Châu Âu nào đó, chứ không phải là Việt Nam; và như thế có nghĩa là còn cơ hội... trốn tiếp. Đó là lý do, khi mở chiếc container tử thần kia ra, cảnh sát Anh sẽ dựa vào tóc đen da vàng mà tạm thời nhận định các nạn nhân là người Trung Quốc chứ chắc chắn họ sẽ không có một dấu hiệu nào, một mẩu giấy tờ nào dính dáng đến nơi mà họ thực sự xuất phát.

Và hầu hết các con đường sẽ đều dẫn họ đến những bãi xe hàng ở thành phố cảng Calais (Pháp) - đầu bên này của đường hầm xuyên qua eo biển Manche, nối liền Anh với đại lục Châu Âu. Từ đây, đoạn cam go nhất của cuộc hành trình sinh tử bắt đầu. Người "tị nạn" người nhập cư từ khắp nơi chứ không riêng Việt Nam tập kết ở đây, sống lay lắt, tạm bợ trong những lều lán trong rừng để chờ cơ hội vượt biên vào Anh. Các tổ chức nhân đạo của Pháp ra sức trợ giúp cho cộng đồng tị nạn bằng tất cả những gì họ có: chăn gối, quần áo cũ, thực phẩm... nhưng Khổ thì vẫn là Khổ. Cảnh sát Pháp cũng chẳng buồn bận tâm hay bắt bớ những người này vì họ thừa hiểu, đã có mặt ở đây thì đích đến chỉ có thể là Anh. Cướp bóc lẫn nhau, cưỡng bức, thậm chí những vụ giết người thầm lặng... trong một cộng đồng hỗn tạp, vô chính phủ và không ai bảo vệ là chuyện không quá khó hiểu.

Và khi màn đêm buông xuống, từng tốp người lẻn vào các bãi xe hàng tìm các chuyến xe sẽ sang Anh, rạch bạt chui vào nằm im lẫn giữa hàng hoá; hoặc cắt kẹp chì chui vào những container. Nếu là đường dây VIP, tài xế biết sự có mặt của bạn trên xe của họ, còn đường dây thường, thì thường là lên lén lút. May mắn vượt qua trạm kiểm soát biên giới, sang đến đất Anh, tài xế VIP sẽ dừng ở một cây xăng hay một trạm nghỉ chân để cho những vị khách quá giang xuống. Còn nếu không qua rào cản máy tầm nhiệt hoặc bị chó nghiệp vụ ngửi thấy, thì... đi về, hôm sau ra nhảy xe tiếp, cho đến khi thành công thì thôi. Có những người vạ vật ngày ngủ đêm đi nhảy xe cả năm chưa qua được biên giới.

Container đông lạnh là lựa chọn được ưa thích vì có khả năng cao thoát được máy quét tầm nhiệt nếu như thuộc đường dây VIP. Và 39 người xấu số kia đã không thể đặt chân xuống "xứ sở thiên đường" vì chiếc xe đã vào thẳng một khu công nghiệp, vượt quá thời gian họ có thể chịu đựng.

Và nếu có đủ may mắn để sống sót và lành lặn đặt chân xuống đất Anh, con đường chờ đợi họ cũng sẽ không phải là đã hết chông gai. Để tự nguyện trở thành "một nạn nhân của đường dây buôn người" - như cách gọi của truyền thông, họ thường phải bỏ ra cả tỷ đồng tiền lộ phí. Là những cuốn sổ đỏ cắm vào ngân hàng, là những món nợ vay lãi cao... họ chỉ có một lựa chọn: kiếm tiền bằng mọi giá, mọi cách để trả nợ và nuôi tiếp ước mơ đổi đời và hi vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn như lời anh A chị B gì đó là láng giềng, là họ hàng đã đi trước và "chia sẻ kinh nghiệm".

Những nhà hàng, những tiệm nail... cũng không hẳn là rộng cửa chờ họ, vì án phạt của việc sử dụng người lao động bất hợp pháp rất nặng, con đường càng hẹp lại dẫn đến những ngôi nhà tuyết không bám nổi trên nóc: những trại trồng cỏ (cần sa) bất hợp pháp - nơi mà rất nhiều, rất nhiều người ở quê nhà nghĩ rằng sẽ dễ dàng kiếm được số tiền lớn để "hoàn vốn" và đổi đời. Và thỉnh thoảng, lại có những lời kêu gọi trong cộng đồng để quyên góp tiền để đưa ai đó về nước vì "tai nạn lao động" - những vụ tai nạn chết người do điện hay sự cố trong những ngôi nhà bí ẩn. Nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn không thể trở về quê hương, dù là trong những chiếc hòm sắt, nhưng là "rơm" - nên họ, những người nằm lại nơi đất khách, cũng không nằm trong bất kỳ một cuộc thống kê chính thức nào. Nếu họ may mắn vượt qua được những tháng ngày tăm tối đó, những chiếc container sẽ lại tiếp tục vào Anh, chở theo con họ, cháu họ, anh em họ, và cả những người láng giềng ngưỡng mộ những cái nhà to lớn họ gửi tiền về xây ở quê.

Không oán trách, không phán xét, sâu thẳm trong tim mình chỉ thấy một nỗi buồn sâu sắc trước số phận của những "người rơm" - những người đồng bào không được thừa nhận, những người Việt Nam máu đỏ da vàng bị mắc kẹt giữa hai thế giới : thế giới của những khoản nợ xen lẫn những hi vọng đổi đời - những chờ mong khắc khoải của gia đình từ những miền quê nghèo khó ; và thế giới của những hiểm nguy, gian khó nơi xứ người mà phần lớn họ nuốt nước mắt vào trong mà giấu riêng cho mình. Đính kèm những lệnh chuyển tiền, họ đều chọn gửi về quê nhà qua Facetime, Messenger nụ cười và những tấm hình lung linh nơi đất khách; và giữ lại vẹn nguyên những dòng nước mắt đắng cay.

Ai cũng có một đời để sống, có quyền được chọn cách sẽ sống thế nào, sống ở đâu... nhưng cũng đâu phải ai cũng may mắn có khả năng để đi du học, hay đi sang xứ người bằng cánh cửa rộng để theo đuổi ước mơ thay đổi cuộc đời. Chúng ta hãy ngưng phán xét, ngưng trách móc, ngưng nói đến những điều lớn lao, những nguyên nhân vĩ mô, ngưng dạy bảo những người đã khuất sao không làm thế này thế kia... hãy dành một chút im lặng để cảm thông với những gia đình đang ở tận đáy của sự đau thương.

Dù là người Việt Nam - người Trung Quốc hay người gì chăng nữa, thì cũng là đồng loại của chúng ta, và họ được quyền yên nghỉ sau quá nhiều những đau đớn - hoảng loạn lúc cuối đời.

Mong cho họ được bình yên, ở một thế giới khác, họ sẽ không phải từ bỏ quê hương để mưu sinh, không phải liều mình trên những chuyến xe sinh tử, không phải lạnh lẽo ra đi giữa những kiện hàng, mong cho họ được làm NGƯỜI cho đúng nghĩa, và không bao giờ có thêm ai nữa phải liều mình làm "người rơm".

Nỗi đau này của họ hay của tất cả chúng ta, một dân tộc đã hết chiến tranh nhưng vẫn còn quá nhiều nỗi đau để khóc ? Thương lắm, Việt Nam ơi...

Hoàng Huy

Nguồn: trithucvn, 27/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 461 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)