Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/10/2019

Áp lực Trung Quốc đối với phim Mỹ

Trọng Nghĩa

Áp lực Trung Quốc đối với phim Mỹ : Từ "cấm nói xấu" sang "phải nói theo"

Vụ bộ phim "Abominable" của hãng phim Mỹ DreamWorks quảng bá cho tấm bản đồ lưỡi bò Trung Quốc tiếp tục gây phẫn nộ trong công luận quốc tế.

phim1

Poster quảng cáo phim Everest, Người tuyết bé nhỏ (tức Abominable) tại một rạp xi nê ở Hà Nội ngày 14/10/2019, trước khi phim bị cấm chiếu.Nhac NGUYEN / AFP

Trong một bài phân tích không khoan nhượng hôm 23/10/2019, chuyên san đối ngoại Mỹ Foreign Policy đã không ngần ngại nhận định rằng "Hollywood đang trả một cái giá ‘ghê gớm’ để tiếp cận (thị trường) Trung Quốc - Hollywood Is Paying an ‘Abominable’ Price for China Access".

Điểm đáng chú ý nhất trong bài phân tích của nữ ký giả Bethany Allen-Ebrahimian chuyên trách Trung Quốc của Foreign Policy, là đã nêu bật được bước lấn lướt mới của chế độ Bắc Kinh trong việc dùng sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc để buộc các doanh nghiệp ngoại quốc tuyên truyền cho đường lối chính trị, ngoại giao của Bắc Kinh.

Bước lấn lướt mới đó chính là phải nói theo quan điểm của Trung Quốc, nói tốt cho chế độ Bắc Kinh, thay vì chỉ im lặng trên những cái xấu của Trung Quốc như trước đây.

"Abominable" : Ác mộng địa chính trị đối với DreamWorks

Bài phân tích trước hết nhắc lại vụ tai tiếng gần đây nhất liên quan đến hãng phim DreamWorks với bộ phim hoạt hình "Abominable" (mà Việt Nam đặt tên là "Everest, người tuyết bé nhỏ") : Một tấm bản đồ có vẽ thêm đường gián đoạn khẳng định chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông đã được lồng vào một cảnh trong phim như là một sự thật hiển nhiên, bất chấp thực tế là đường ranh giới đó đã bị một tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc phán quyết là phi pháp.

Đối với Foreign Policy, chính vì tấm bản đồ lưỡi bò đó mà "một bộ phim thiếu nhi đã biến thành cơn ác mộng địa chính trị cho hãng DreamWorks" khi hành động thể hiện sự khấu đầu của Hollywood trước Trung Quốc đã gây phẫn nộ tại các láng giềng gần nhất của Bắc Kinh.

Việt Nam, Philippines và Malaysia đều bày tỏ thái độ giận dữ trước tấm bản đồ bao gồm đường lưỡi bò nổi tiếng của Trung Quốc, "một đường ranh giới mơ hồ, dùng để đánh dấu một cách nhập nhằng" yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh đối với hầu hết Biển Đông.

Theo tác giả bài viết, cuộc tranh cãi bùng lên đã nêu lên một vấn đề mới đối với công nghiệp điện ảnh Hollywood vào lúc mà các hãng phim Mỹ ngày càng chạy theo quan điểm của Bắc Kinh. Việc họ im lặng trên những vấn đề mà Trung Quốc không muốn người khác biết không có gì mới, nhưng cái mới chính là tích cực quảng bá cho quan điểm của chính quyền Trung Quốc về thế giới.

Trung Quốc sắp soán ngôi thị trường phim ảnh lớn nhất thế giới của Mỹ

Đối với tạp chí Foreign Policy, cho đến nay, Hollywood vẫn quen tự kiểm duyệt trên các vấn đề Trung Quốc vì muốn tiếp cận một thị trường béo bở.

Thị trường khán giả xi nê Trung Quốc đang bùng lên, dự kiến sẽ sớm vượt qua Hoa Kỳ để trở thành lớn nhất thế giới. Các nhà kiểm duyệt tại Bắc Kinh đã khéo dựa trên sức quyến rũ này để bắt buộc các công ty sản xuất phim phải tuân thủ các nguyên tắc mấu chốt của đảng cộng sản Trung Quốc để hy vọng chen được vào danh sách 34 bộ phim nước ngoài được phép chiếu hàng năm ở Trung Quốc.

Để làm vui lòng Bắc Kinh, Hollywood chẳng hạn đã im lặng lạ thường về thực tế của chế độ cộng sản Trung Quốc.

Trong những năm 1990, một số bộ phim Hollywood đã từng mô tả tình trạng đàn áp tại Tây Tạng, ví dụ như phim "Bảy năm ở Tây Tạng – Seven Years in Tibet" và "Miền đất đỏ - Red Corner", trong lúc nhiều diễn viên nổi tiếng rất quan tâm đến cuộc đấu tranh của người Tây Tạng, điển hình là nam tài tử Richard Gere.

Thế nhưng, từ sau bộ phim "Kundun" năm 1997 do Disney sản xuất, hầu như không có một bộ phim lớn nào khác có quan điểm đồng cảm với Tây Tạng. Ngay từ năm ấy, giám đốc điều hành của hãng Disney là Michael Eisner đã phải bay qua Bắc Kinh để xin lỗi lãnh đạo Trung Quốc, trong lúc tài tử Richard Gere tiết lộ rằng ông đã bị loại khỏi nhiều bộ phim lớn vì hoạt động ủng hộ Tây Tạng của mình.

Bước đầu là tự kiểm duyệt…

Theo ghi nhận của Foreign Policy, một loạt phim lớn của Hollywood trong thời gian gần đây còn sẵn sàng tự kiểm duyệt và dẹp bỏ khỏi kịch bản những chi tiết có thể làm Bắc Kinh phật ý.

Vào năm 2016, bộ phim kinh dị khai thác đề tài cương thi (zombie), "Thế Chiến Z - World War Z" chẳng hạn, đã thay đổi nơi bùng nổ của dịch cương thi, từ Trung Quốc như trong kịch bản gốc, thành Bắc Triều Tiên như trong phim.

Cũng trong chiều hướng đó. bộ phim "Phù thủy tối thượng - Doctor Strange" vào năm 2016 đã thay đổi nhân vật "Bậc Tiền Bối - The Ancient One", vốn là người Tây Tạng trong loạt truyện tranh gốc, thành một phụ nữ da trắng do Tilda Swinton thủ vai, để khỏi phật ý Bắc Kinh.

Một khía cạnh khác được Foreign Policy ghi nhận là trong hơn một thập kỷ qua, không có bộ phim lớn nào của Mỹ mô tả Trung Quốc là kẻ thù quân sự của Hoa Kỳ.

Bước kế tiếp là tung hô vạn tuế…

Tuy nhiên, theo chuyên san Mỹ, nếu trước đây, chỉ cần bỏ qua một số tình tiết trong câu chuyện hay chỉnh sửa nhân vật trong phim là đủ để thỏa mãn giới kiểm duyệt Trung Quốc, thì trong thời gian gần đây, áp lực từ phía Bắc Kinh đã gia tăng đối với các nhà làm phim, buộc họ phải ca ngợi và mô tả Trung Quốc một cách tích cực, đặc biệt là khả năng khoa học và quân sự của nước này.

Foreign Policy nêu bật hai ví dụ. Trong bộ phim bom tấn "Robot Đại Chiến : Kỷ nguyên hủy diệt - Transformers : Age of Extinction" làm ra năm 2014, quân đội Trung Quốc được thấy là đã xuất hiện để cứu giúp nhân loại. Một nhà phê bình phim đã mô tả "Kỷ nguyên hủy diệt" như là một bộ phim rất yêu nước, nhưng là yêu nước Trung Quốc chứ không phải yêu nước Mỹ. Lợi quả tài chánh rất lớn : "Age of Extinction" đã trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại ở Trung Quốc, thu về hơn 300 triệu đô la (cho dù hiện nay không còn giữ kỷ lục đó nữa).

Ví dụ thứ hai là bộ phim bộ phim khoa học viễn tưởng "Người về từ sao Hỏa- The Martian" với tài tử Matt Damon thủ vai chính. Trong phim, cơ quan hàng không không gian Mỹ NASA đã phóng một tên lửa đặc biệt mang theo thức ăn cho một phi hành gia bị mắc kẹt một mình trên sao Hỏa, nhưng tên lửa lại phát nổ khiến NASA phải bó tay. Thế là cơ quan vũ trụ của Trung Quốc nhập cuộc, tuyên bố cũng có một tên lửa đặc biệt và sẵn sàng cho Mỹ mượn.

Công bằng mà nói, chi tiết vừa kể đã sẵn trong tiểu thuyết gốc, chưa không phải là do hãng phim thêm thắt vào, nhưng dẫu sao thì phim "Trở về từ sao Hỏa" đã thu được 95 triệu đô la tại phòng vé Trung Quốc.

Hiện tượng hợp tác điện ảnh giữa Mỹ và Trung Quốc càng lúc càng tang cũng góp phần tạo ra nhiều bộ phim thiếu vắng chất lượng nhưng nặng tính tuyên truyền, phô bày Trung Quốc dưới lăng kính tích cực.

Một ví dụ điển hình là phim "Cá mập siêu bạo chúa - The Meg", làm ra năm 2018, với Jason Statham và Lý Băng Băng đóng vai chính. Trong phim, một tỷ phú Mỹ tài trợ cho một trạm nghiên cứu hải dương học tân tiến đặt ở ngoài khơi bờ biển Trung Quốc. Dĩ nhiên là trạm này do những nhân vật chính diện tài ba và quả cảm của Trung Quốc điều hành.

Bước hiện nay là tiếp tay tuyên truyền !

Đối với Foreign Policy, bộ phim "Abominable" có dấu hiệu là đã rơi vào một trường hợp mới hơn, với Trung Quốc còn bằng lòng với việc kiểm duyệt Hollywood nữa, mà dường như muốn biến kinh đô điện ảnh Mỹ thành cỗ máy tuyên truyền cho Bắc Kinh.

Về chất lượng, phim "Abominable" chỉ được những đánh giá trung bình, nhưng bộ máy tuyên truyền văn hóa của Trung Quốc có lẽ đã đi quá xa khi để một bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc trên tường phòng của cô bé nhân vật chính.

Theo tác giả bài viết, Trung Quốc là quốc gia duy nhất dùng tấm bản đồ bất thường đó vì đường chín đoạn không có cơ sở trong luật pháp quốc tế, vốn không công nhận bất kỳ chủ quyền quốc gia nào trên một vùng biển mở. Vào năm 2016, một tòa án quốc tế ở La Haye cũng đã bác bỏ nhiều khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Bắc Kinh cũng chưa bao giờ làm rõ định nghĩa pháp lý của đường lưỡi bò, thậm chí còn không cho biết vị trí chính xác của nó, có lẽ vì nếu làm như vậy sẽ mở đường cho những thách thức pháp lý chống lại những yêu sách chủ quyền mơ hồ của Trung Quốc.

Trong tương lai vấn đề sẽ còn đặt ra gay gắt hơn khi Bắc Kinh bắt đầu đòi hỏi các hãng phim là phải tích cực tuyên truyền cho Trung Quốc chứ không chỉ là tránh đụng chạm tới nước này.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 29/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 467 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)