Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Áp lực Trung Quốc đối với phim Mỹ : Từ "cấm nói xấu" sang "phải nói theo"

Vụ bộ phim "Abominable" của hãng phim Mỹ DreamWorks quảng bá cho tấm bản đồ lưỡi bò Trung Quốc tiếp tục gây phẫn nộ trong công luận quốc tế.

phim1

Poster quảng cáo phim Everest, Người tuyết bé nhỏ (tức Abominable) tại một rạp xi nê ở Hà Nội ngày 14/10/2019, trước khi phim bị cấm chiếu.Nhac NGUYEN / AFP

Trong một bài phân tích không khoan nhượng hôm 23/10/2019, chuyên san đối ngoại Mỹ Foreign Policy đã không ngần ngại nhận định rằng "Hollywood đang trả một cái giá ‘ghê gớm’ để tiếp cận (thị trường) Trung Quốc - Hollywood Is Paying an ‘Abominable’ Price for China Access".

Điểm đáng chú ý nhất trong bài phân tích của nữ ký giả Bethany Allen-Ebrahimian chuyên trách Trung Quốc của Foreign Policy, là đã nêu bật được bước lấn lướt mới của chế độ Bắc Kinh trong việc dùng sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc để buộc các doanh nghiệp ngoại quốc tuyên truyền cho đường lối chính trị, ngoại giao của Bắc Kinh.

Bước lấn lướt mới đó chính là phải nói theo quan điểm của Trung Quốc, nói tốt cho chế độ Bắc Kinh, thay vì chỉ im lặng trên những cái xấu của Trung Quốc như trước đây.

"Abominable" : Ác mộng địa chính trị đối với DreamWorks

Bài phân tích trước hết nhắc lại vụ tai tiếng gần đây nhất liên quan đến hãng phim DreamWorks với bộ phim hoạt hình "Abominable" (mà Việt Nam đặt tên là "Everest, người tuyết bé nhỏ") : Một tấm bản đồ có vẽ thêm đường gián đoạn khẳng định chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông đã được lồng vào một cảnh trong phim như là một sự thật hiển nhiên, bất chấp thực tế là đường ranh giới đó đã bị một tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc phán quyết là phi pháp.

Đối với Foreign Policy, chính vì tấm bản đồ lưỡi bò đó mà "một bộ phim thiếu nhi đã biến thành cơn ác mộng địa chính trị cho hãng DreamWorks" khi hành động thể hiện sự khấu đầu của Hollywood trước Trung Quốc đã gây phẫn nộ tại các láng giềng gần nhất của Bắc Kinh.

Việt Nam, Philippines và Malaysia đều bày tỏ thái độ giận dữ trước tấm bản đồ bao gồm đường lưỡi bò nổi tiếng của Trung Quốc, "một đường ranh giới mơ hồ, dùng để đánh dấu một cách nhập nhằng" yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh đối với hầu hết Biển Đông.

Theo tác giả bài viết, cuộc tranh cãi bùng lên đã nêu lên một vấn đề mới đối với công nghiệp điện ảnh Hollywood vào lúc mà các hãng phim Mỹ ngày càng chạy theo quan điểm của Bắc Kinh. Việc họ im lặng trên những vấn đề mà Trung Quốc không muốn người khác biết không có gì mới, nhưng cái mới chính là tích cực quảng bá cho quan điểm của chính quyền Trung Quốc về thế giới.

Trung Quốc sắp soán ngôi thị trường phim ảnh lớn nhất thế giới của Mỹ

Đối với tạp chí Foreign Policy, cho đến nay, Hollywood vẫn quen tự kiểm duyệt trên các vấn đề Trung Quốc vì muốn tiếp cận một thị trường béo bở.

Thị trường khán giả xi nê Trung Quốc đang bùng lên, dự kiến sẽ sớm vượt qua Hoa Kỳ để trở thành lớn nhất thế giới. Các nhà kiểm duyệt tại Bắc Kinh đã khéo dựa trên sức quyến rũ này để bắt buộc các công ty sản xuất phim phải tuân thủ các nguyên tắc mấu chốt của đảng cộng sản Trung Quốc để hy vọng chen được vào danh sách 34 bộ phim nước ngoài được phép chiếu hàng năm ở Trung Quốc.

Để làm vui lòng Bắc Kinh, Hollywood chẳng hạn đã im lặng lạ thường về thực tế của chế độ cộng sản Trung Quốc.

Trong những năm 1990, một số bộ phim Hollywood đã từng mô tả tình trạng đàn áp tại Tây Tạng, ví dụ như phim "Bảy năm ở Tây Tạng – Seven Years in Tibet" và "Miền đất đỏ - Red Corner", trong lúc nhiều diễn viên nổi tiếng rất quan tâm đến cuộc đấu tranh của người Tây Tạng, điển hình là nam tài tử Richard Gere.

Thế nhưng, từ sau bộ phim "Kundun" năm 1997 do Disney sản xuất, hầu như không có một bộ phim lớn nào khác có quan điểm đồng cảm với Tây Tạng. Ngay từ năm ấy, giám đốc điều hành của hãng Disney là Michael Eisner đã phải bay qua Bắc Kinh để xin lỗi lãnh đạo Trung Quốc, trong lúc tài tử Richard Gere tiết lộ rằng ông đã bị loại khỏi nhiều bộ phim lớn vì hoạt động ủng hộ Tây Tạng của mình.

Bước đầu là tự kiểm duyệt…

Theo ghi nhận của Foreign Policy, một loạt phim lớn của Hollywood trong thời gian gần đây còn sẵn sàng tự kiểm duyệt và dẹp bỏ khỏi kịch bản những chi tiết có thể làm Bắc Kinh phật ý.

Vào năm 2016, bộ phim kinh dị khai thác đề tài cương thi (zombie), "Thế Chiến Z - World War Z" chẳng hạn, đã thay đổi nơi bùng nổ của dịch cương thi, từ Trung Quốc như trong kịch bản gốc, thành Bắc Triều Tiên như trong phim.

Cũng trong chiều hướng đó. bộ phim "Phù thủy tối thượng - Doctor Strange" vào năm 2016 đã thay đổi nhân vật "Bậc Tiền Bối - The Ancient One", vốn là người Tây Tạng trong loạt truyện tranh gốc, thành một phụ nữ da trắng do Tilda Swinton thủ vai, để khỏi phật ý Bắc Kinh.

Một khía cạnh khác được Foreign Policy ghi nhận là trong hơn một thập kỷ qua, không có bộ phim lớn nào của Mỹ mô tả Trung Quốc là kẻ thù quân sự của Hoa Kỳ.

Bước kế tiếp là tung hô vạn tuế…

Tuy nhiên, theo chuyên san Mỹ, nếu trước đây, chỉ cần bỏ qua một số tình tiết trong câu chuyện hay chỉnh sửa nhân vật trong phim là đủ để thỏa mãn giới kiểm duyệt Trung Quốc, thì trong thời gian gần đây, áp lực từ phía Bắc Kinh đã gia tăng đối với các nhà làm phim, buộc họ phải ca ngợi và mô tả Trung Quốc một cách tích cực, đặc biệt là khả năng khoa học và quân sự của nước này.

Foreign Policy nêu bật hai ví dụ. Trong bộ phim bom tấn "Robot Đại Chiến : Kỷ nguyên hủy diệt - Transformers : Age of Extinction" làm ra năm 2014, quân đội Trung Quốc được thấy là đã xuất hiện để cứu giúp nhân loại. Một nhà phê bình phim đã mô tả "Kỷ nguyên hủy diệt" như là một bộ phim rất yêu nước, nhưng là yêu nước Trung Quốc chứ không phải yêu nước Mỹ. Lợi quả tài chánh rất lớn : "Age of Extinction" đã trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại ở Trung Quốc, thu về hơn 300 triệu đô la (cho dù hiện nay không còn giữ kỷ lục đó nữa).

Ví dụ thứ hai là bộ phim bộ phim khoa học viễn tưởng "Người về từ sao Hỏa- The Martian" với tài tử Matt Damon thủ vai chính. Trong phim, cơ quan hàng không không gian Mỹ NASA đã phóng một tên lửa đặc biệt mang theo thức ăn cho một phi hành gia bị mắc kẹt một mình trên sao Hỏa, nhưng tên lửa lại phát nổ khiến NASA phải bó tay. Thế là cơ quan vũ trụ của Trung Quốc nhập cuộc, tuyên bố cũng có một tên lửa đặc biệt và sẵn sàng cho Mỹ mượn.

Công bằng mà nói, chi tiết vừa kể đã sẵn trong tiểu thuyết gốc, chưa không phải là do hãng phim thêm thắt vào, nhưng dẫu sao thì phim "Trở về từ sao Hỏa" đã thu được 95 triệu đô la tại phòng vé Trung Quốc.

Hiện tượng hợp tác điện ảnh giữa Mỹ và Trung Quốc càng lúc càng tang cũng góp phần tạo ra nhiều bộ phim thiếu vắng chất lượng nhưng nặng tính tuyên truyền, phô bày Trung Quốc dưới lăng kính tích cực.

Một ví dụ điển hình là phim "Cá mập siêu bạo chúa - The Meg", làm ra năm 2018, với Jason Statham và Lý Băng Băng đóng vai chính. Trong phim, một tỷ phú Mỹ tài trợ cho một trạm nghiên cứu hải dương học tân tiến đặt ở ngoài khơi bờ biển Trung Quốc. Dĩ nhiên là trạm này do những nhân vật chính diện tài ba và quả cảm của Trung Quốc điều hành.

Bước hiện nay là tiếp tay tuyên truyền !

Đối với Foreign Policy, bộ phim "Abominable" có dấu hiệu là đã rơi vào một trường hợp mới hơn, với Trung Quốc còn bằng lòng với việc kiểm duyệt Hollywood nữa, mà dường như muốn biến kinh đô điện ảnh Mỹ thành cỗ máy tuyên truyền cho Bắc Kinh.

Về chất lượng, phim "Abominable" chỉ được những đánh giá trung bình, nhưng bộ máy tuyên truyền văn hóa của Trung Quốc có lẽ đã đi quá xa khi để một bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc trên tường phòng của cô bé nhân vật chính.

Theo tác giả bài viết, Trung Quốc là quốc gia duy nhất dùng tấm bản đồ bất thường đó vì đường chín đoạn không có cơ sở trong luật pháp quốc tế, vốn không công nhận bất kỳ chủ quyền quốc gia nào trên một vùng biển mở. Vào năm 2016, một tòa án quốc tế ở La Haye cũng đã bác bỏ nhiều khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Bắc Kinh cũng chưa bao giờ làm rõ định nghĩa pháp lý của đường lưỡi bò, thậm chí còn không cho biết vị trí chính xác của nó, có lẽ vì nếu làm như vậy sẽ mở đường cho những thách thức pháp lý chống lại những yêu sách chủ quyền mơ hồ của Trung Quốc.

Trong tương lai vấn đề sẽ còn đặt ra gay gắt hơn khi Bắc Kinh bắt đầu đòi hỏi các hãng phim là phải tích cực tuyên truyền cho Trung Quốc chứ không chỉ là tránh đụng chạm tới nước này.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 29/10/2019

Published in Diễn đàn

Từ cuối tháng 6 đầu tháng 7 đến nay, Trung Quốc công khai cho tàu xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam dọc theo Biển Đông, vừa sách nhiễu công việc thăm dò dầu khí của Việt Nam tại vùng Bãi Tư Chính, vừa khảo sát một khu vực ngoài khơi miền nam Trung Bộ mà theo tiết lộ mới nhất trên một tài khoản Twitter, chỉ cách bờ biển Việt Nam 150 km vào hôm 09/10/2019.

ep1

Sơ đồ vị trí các lô dầu khí của Việt Nam (màu xanh lá) và Trung Quốc (màu xanh dương) tại Biển Đông. Có rất nhiều lô chồng lấn lên nhau. AMTI/CSIS

Trong một bài phân tích ngày 08/10/2019 mang tựa đề : "Động lực và rủi ro của việc Trung Quốc gây sức ép trên Việt Nam - Drivers and risks of China’s pressure on Vietnam", cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington đã cảnh báo rằng "chiến lược gia tăng sức ép của Trung Quốc đối với Việt Nam hàm chứa nhiều rủi ro nghiêm trọng cho Bắc Kinh, và nếu đi quá trớn, có thể gây tác động ngược lại" vì "các hành vi hù dọa của Bắc Kinh có thể thúc đẩy ASEAN và cộng đồng quốc tế ủng hộ Hà Nội".

Trong phần mở đầu bài phân tích, Lucio Blanco Pitlo III, giảng viên tại Trường Khoa Học Xã Hội thuộc Đại Học Ateneo de Manila ở Philippines đã nêu bật việc Trung Quốc đang tăng cường cản trở các hoạt động kinh tế trên biển chính đáng và hợp pháp của các láng giềng, cũng như gây áp lực đối với các công ty nước ngoài, buộc họ ngừng hoạt động thăm dò, không chỉ bên trong đường chín đoạn bị coi là không có giá trị pháp lý, mà cả trong vùng biển tiếp giáp.

Trước đây Bắc Kinh chỉ phản đối miệng, nhưng ngày nay họ đã tung một lực lượng hải quân, hải cảnh và dân quân biển hùng hậu xuống Biển Đông để áp đặt yêu sách. Và như vậy là Trung Quốc đã gia tăng sức ép với các nước nhỏ hơn mình, nhất là đối với Việt Nam.

Các lý do thúc đẩy Trung Quốc chĩa mũi dùi vào Việt Nam

Theo tác giả bài viết, có khá nhiều yếu tố giải thích vì sao Bắc Kinh lại tập trung mũi dùi vào Việt Nam.

Lý do đầu tiên là Trung Quốc giờ đây đã nắm được Philippines, cho nên đã tương đối rảnh tay để đối phó với Việt Nam. Trước đây, trong số những nước có tranh chấp ở Biển Đông, Philippines và Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc phản đối các yêu sách quá trớn của Trung Quốc. Nhưng với việc Manila đang càng lúc càng sẵn sàng đồng khai thác với Bắc Kinh, Trung Quốc đã có thể tập trung đối phó với cản lực còn lại là Hà Nội.

Lý do thứ hai liên quan đến tập đoàn dầu hỏa Mỹ ExxonMobil, hiện là đối tác của Việt Nam trong dự án Cá Voi Xanh ngoài khơi miền Trung Việt Nam. Exxon sắp đưa ra quyết định về việc có nên tiếp tục đầu tư hay không, không riêng gì ở Việt Nam, mà ở nhiều nơi khác trên thế giới, từ Na Uy cho đến Vịnh Mêhicô. Bắc Kinh có lẽ đã muốn gây sự cố để khuyến khích Exxon thoái vốn ra khỏi Việt Nam. Trên vấn đề này, Trung Quốc muốn lập lại kịch bản trước đây, khi sức ép của Trung Quốc đã thành công, buộc được tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha rút đi.

Lý do thứ ba là ý đồ tác động đến chuyến thăm Mỹ từng được dự kiến của lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, với hồ sơ Cá Voi Xanh được cho là sẽ hiện diện trong chương trình nghị sự. Đã có nhiều nguồn tin là quan chức thuộc tập đoàn dầu khí PetroVietnam, đối tác của ExxonMobil trong dự án, sẽ tham gia phái đoàn thăm Mỹ.

Lý do thứ tư là Việt Nam sắp đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm tới và Hà Nội có thể sẽ sử dụng cơ hội này để thúc đẩy một sự đồng thuận khu vực vững chắc hơn nhằm đẩy lùi các hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông.

Một lý do khác là việc vào năm 2021, đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập. Bắc Kinh có thể muốn chứng minh là Đảng đã thành công trong việc bảo vệ quan điểm được mở rộng về lãnh thổ, quyền hàng hải và an ninh quốc gia.

Trung Quốc cũng có thể tính toán rằng Việt Nam sẽ không để tái diễn các cuộc bạo loạn như vào năm 2014 sau khi Bắc Kinh cho cắm một giàn khoan nước sâu trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, vì bạo động có thể khiến các nhà đầu tư sợ hãi vào thời điểm Việt Nam đang thu hút các công ty chạy trốn cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Hành động quá đáng của Trung Quốc có thể bị tác động dội lại

Tuy nhiên, đối với tác giả bài phân tích, việc Trung Quốc quyết định gửi tàu khảo sát vào vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam hàm chứa nhiều rủi ro to lớn, và nếu đi quá đà, Bắc Kinh có thể bị phản đòn trên nhiều mặt.

Theo chuyên gia Philippines, hành động của Trung Quốc có thể nâng cao hơn nữa quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi kinh tế trên biển của mình ; thúc đẩy chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ Exxon để chống lại áp lực của Trung Quốc, và thúc đẩy ASEAN đẩy lùi các nỗ lực của Trung Quốc muốn loại trừ các công ty nước ngoài khác, không cho đầu tư vào các dự án năng lượng ngoài khơi của họ.

Mặt khác, cho dù phương án của Hà Nội đối phó với Bắc Kinh còn hạn chế, cơ sở pháp lý yếu kém của các yêu sách Trung Quốc vẫn là một lỗ hổng mà Việt Nam có thể khai thác bằng cách đưa vụ việc ra một định chế quốc tế, như Philippines đã làm vào năm 2013.

Phán quyết trọng tài vô hiệu hóa yêu sách dựa trên chủ quyền lịch sử của Trung Quốc, đã buộc Bắc Kinh phải đưa ra những lập luận mới để biện minh cho các yêu sách chủ quyền đối với bốn nhóm đảo khác nhau ở Biển Đông mà họ gọi là Tứ Sa. Tuy nhiên, do phán quyết của Tòa Trọng Tài đã khẳng định rằng không một thực thể nào ở Trường Sa có đủ điều kiện là hòn đảo có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, và các quyền đó phải dựa trên các đặc điểm riêng lẻ của từng đảo, chứ không thuộc nhóm đảo nói chung, việc Bắc Kinh sử dụng chiêu bài Tứ Sa làm cơ sở để đòi chủ quyền trên vùng biển và tài nguyên cũng sẽ không đứng vững.

Bắc Kinh không nên dùng biện pháp đe dọa để gây sức ép

Sự cởi mở của Trung Quốc đối với việc thăm dò và phát triển chung cũng như các biện pháp thiết thực khác ở Biển Đông có thể là cơ hội để thúc đẩy hợp tác và giải tỏa căng thẳng. Nhưng Bắc Kinh không nên dùng sự đe dọa hoặc áp lực để hạn chế lựa chọn của các láng giềng. Phát triển chung có thể tồn tại song song với các dự án hiện có liên quan đến những tác nhân nước ngoài khác. Trung Quốc có thể mua cổ phần của các công ty nước ngoài muốn thoái vốn ra khỏi Biển Đông, nhưng không nên dùng sự ép buộc để có những đề nghị và quyết định thoái vốn như vậy.

Mặc dù vào lúc này, có vẻ như là Bắc Kinh có thể ngang nhiên đe dọa các nước láng giềng ở Biển Đông mà không bị trừng phạt, nhưng trong thực tế, nếu tiếp tục chiến dịch gây áp lực trên Việt Nam, Bắc Kinh rõ ràng là sẽ gặp rủi ro. Việc thiếu vắng động thái xuống thang và đề nghị hợp tác thực sự từ phía Bắc Kinh, có thể làm cho các nước trong và ngoài khu vực cứng rắn hơn với Trung Quốc, qua đó giúp Hà Nội dễ dàng tổ chức một mặt trận phản công của cả ASEAN lẫn cộng đồng quốc tế.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 10/10/2019

Published in Diễn đàn

Từ cuối tháng 6 đến nay, tàu công vụ Trung Quốc vẫn tiếp tục tung hoành trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông, trong bối cảnh quốc tế và khu vực, ngoại trừ Hoa Kỳ, đều duy trì những phản ứng thận trọng.

kheoleo1

Hải Quân Việt Nam canh gác trên Đá Thuyền Chài, thuộc quần đảo Trường Sa, ngày 17/01/2013. Reuters/Quang Le

Giới quan sát gần đây đều đã ghi nhận sự kiện Việt Nam là quốc gia duy nhất trong số nước bị Trung Quốc chèn ép, nhưng tiếp tục kiên quyết đấu tranh chống Bắc Kinh. Trong khi đó, cả Philippines lẫn Malaysia dường như đã chấp nhận sự hiện diện của tàu Trung Quốc trong vùng biển của mình, và lãnh đạo của hai nước này đều công khai lên tiếng cho rằng không thể kháng lại Trung Quốc.

Trong một phân tích công bố hôm qua, 10/10/2019 trên báo mạng Hồng Kông Asia Times, chuyên gia Philippines kỳ cựu Richard Javad Heydarian cho rằng phản ứng kiên quyết của Việt Nam bắt nguồn từ một chiến lược đã được hoạch định từ trước để ngăn chặn việc Trung Quốc thâu tóm toàn bộ Biển Đông.

Đây là một chiến lược ba mũi giáp công, với ba mặt trận được triển khai song song nhằm bổ khuyết thế yếu về mặt quân sự của Việt Nam khi phải kháng cự lại một lực lượng Trung Quốc hùng mạnh hơn.

Mặt trận thứ nhất là ngoại giao. Theo chuyên gia Heydarian, Việt Nam đã áp dụng chính sách ngoại giao chủ động, tìm kiếm sự hỗ trợ từ các định chế khu vực và quốc tế, cũng như vận động cộng đồng quốc tế lên án Trung Quốc, bị cho là đang đe dọa quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Trên bình diện chiến lược và quân sự, Việt Nam đã tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với một loạt cường quốc khu vực và thế giới, từ Mỹ, Nga, cho đến Ấn Độ và Nhật Bản. Các cường quốc này đều đã tích cực giúp Việt Nam tăng cường năng lực giám sát và bảo đảm an ninh vùng biển của mình.

Nổi bật trong số các đối tác này là Nga, đồng minh lâu đời của Việt Nam. Theo ông Heydarian, Nga là nước chủ chốt giúp Việt Nam tăng cường năng lực quân sự, và Hà Nội hiện đang tìm mua các phương tiện quân sự tiên tiến của Nga từ các loại tàu ngầm lớp kilo cho đến chiến đấu cơ tiên tiến có thể được triển khai ở Biển Đông để ngăn chặn Trung Quốc.

Hà Nội cũng mời các tập đoàn năng lượng Nga như Rosneft, Gazprom và Zarubezhneft, đến thăm dò tại các khu vực mà Hà Nội tuyên bố chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của mình ở Biển Đông. Việt Nam đã mời các công ty Nga sau khi Trung Quốc đã gây áp lực trên tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol, để từ bỏ một mỏ khí đốt mà họ được Việt Nam trao quyền thăm dò.

Theo ghi nhận của ông Haydarian, việc Việt Nam lôi kéo các tập đoàn dầu khí Nga vào Biển Đông có thể khiến Trung Quốc bớt hung hăng vì lẽ Bắc Kinh sẽ tránh gây căng thẳng trong quan hệ Nga-Trung ngày càng chặt chẽ.

Mặt trận thứ ba mà Việt Nam đang triển khai chính là cố gắng tìm cách giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, hiện là đối tác thương mại hàng đầu Hà Nội.

Để làm điều này, Việt Nam đã cố gắng liên kết với các khối kinh tế lớn không có Trung Quốc. Tư cách thành viên của Việt Nam trong Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP-11, cũng như là hiệp định thương mại tự do mới với Liên Hiệp Châu Âu sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa hơn nữa nền thương mại của mình, thoát khỏi sự lệ thuộc của Trung Quốc.

Ngoài ra, với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra, Việt Nam đã trở thành nước hưởng lợi hàng đầu, với việc nhiều công ty phương Tây, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã và đang di dời cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Tóm lại, theo chuyên gia Heydarian, nhờ khéo kết hợp "sự nhạy bén chiến lược" với "tính kiên trì đặc trưng", Việt Nam đã trở thành quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á tích cực chống lại các hành động quyết đoán của Trung Quốc, và cho đến nay, đã gặt hái được một số thành công nhất định.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 11/10/2019

Published in Diễn đàn

Dù không chiếm lĩnh vị trí đầu trong dòng thời sự quốc tế trong những ngày gần đây, nhưng vấn đề Đài Loan tiếp tục gây xáo động trong quan hệ Mỹ-Trung vào lúc hai bên bước vào điều có thể gọi là giai đoạn cuối rất gay go của vòng đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại. Giới quan sát ghi nhận một loạt động thái ngoại giao-quân sự của Washington mang dụng ý thị uy trên hiện trường, bên cạnh rất nhiều bài bình luận trên báo chí Mỹ cảnh báo Trung Quốc trên vấn đề Đài Loan.

acmong1

Hải quân Đài Loan và 4 chiếc tàu phá mìn lớp Aggressive mua của Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 01/03/2019 tại một căn cứ Hải quân ở miền nam Đài Loan. JAMES HUANG / AFP

Một trong những phân tích đáng chú ý gần đây là của trung tâm tham vấn chiến lược Stratfor, trụ sở tại Austin (Texas – Hoa Kỳ), gắn liền hai điểm nóng trong quan hệ Mỹ-Trung vào lúc này là Biển Đông và Đài Loan để khẳng định rằng "Washington đang cân nhắc về khả năng hiện diện quân sự trên một hòn đảo Đài Loan". Bài phân tích này đã được tạp chí bảo thủ Mỹ The National Interest đăng lại ngày 22/03/2019 dưới một tựa đề đầy ấn tượng : "Phải chăng ác mộng khủng khiếp nhất đối với Trung Quốc là Hoa Kỳ hiện diện quân sự tại Đài Loan ? - China's Worst Nightmare : A U.S. Military Presence on Taiwan ?".

Mỹ tăng hiện diện hải quân ở eo biển Đài Loan và Biển Đông

Theo phân tích của Stratfor ngay từ cuối năm ngoái 2018, chiều hướng mà Mỹ đang theo đuổi là tiếp tục củng cố sự hiện diện hải quân của họ ở Biển Đông, và tiếp tục xây dựng các mối quan hệ quốc phòng và kinh tế với các láng giềng trên biển của Trung Quốc từ Đài Loan đến Đông Nam Á.

Trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn đẩy mạnh chiến lược cô lập Đài Loan, Washington sẽ tiếp tục tìm cách tăng cường quan hệ với Đài Bắc trong nỗ lực đối phó với Bắc Kinh trong khu vực.

Nhận định đầu tiên của Stratfor là hợp tác an ninh được tăng cường giữa Đài Loan và Hoa Kỳ có khả năng được mở rộng rất dễ dàng nhờ việc hai bên đều muốn cân bằng sự hiện diện quân sự gia tăng của Trung Quốc tại hai vùng eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Đài Loan sẵn sàng xem xét việc cho Mỹ tiếp cận đảo Ba Bình

Hai khu vực này đã được Đài Bắc đặt trong sự tương quan chặt chẽ với nhau gắn khi vào ngày 5 tháng 11 năm 2018, bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan, tướng Nghiêm Đức Phát (Yen Teh Fa) xác định tại Nghị Viện Đài Loan rằng chính quyền Đài Bắc sẵn sàng xem xét việc cho phép Hải quân Hoa Kỳ tiếp cận đảo Ba Bình (tên tiếng Hoa là Thái Bình) nếu Washington yêu cầu.

Nhận xét này theo Stratfor không hề có nghĩa là Đài Loan đã đồng ý, mặc dù bộ trưởng Đài Loan nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ có thể được quyền ghé Ba Bình trong các hoạt động nhân đạo hoặc vì an ninh khu vực nếu phù hợp với lợi ích của Đài Loan.

Đối với Stratfor, việc cho phép Hoa Kỳ sử dụng đảo Ba Bình có khả năng làm thay đổi nguyên trạng trong khu vực vào thời điểm Hải quân Mỹ đang đẩy mạnh sự hiện diện tại vùng eo biển Đài Loan.

Ngay từ cuối năm ngoái, tàu hải quân Mỹ đã hai lần đi qua eo biển Đài Loan trong một nỗ lực được cho là nhằm áp đặt những cuộc tuần tra thường xuyên, thậm chí mở đường cho một hải đội tàu sân bay đi qua khu vực.

Các hoạt động khởi sự từ năm ngoái đã tiếp tục được đẩy mạnh trong ba tháng đầu năm nay. Ngày 25/02 vừa qua, hai chiếc tàu hải quân Mỹ, bao gồm khu trục hạm Stethem và tàu chở hàng và đạn dược Cesar Chavez đã đi qua eo biển Đài Loan, làm dấy lên những lời phản đối từ phía Trung Quốc.

Không đầy một tháng sau đó, ngày 24/03 vừa qua, lại có thêm hai chiến hạm Mỹ xẻ dọc eo biển Đài Loan. Trong chiến dịch tuần tra này, Hoa Kỳ đã có dấu hiệu gia tăng áp lực khi lần đầu tiên, tàu của lực lượng Tuần Duyên Mỹ được huy động vào chiến dịch tuần tra ở vùng biển nhạy cảm này.

Đây có thể được xem là một bước dấn thân mạnh mẽ hơn của Mỹ vào vùng biển quanh Trung Quốc, trước đây chỉ do Hạm Đội 7 phụ trách, sau này được thêm Hạm Đội 3 tiếp ứng, và bây giờ là Lực Lượng Tuần Duyên.

Giá trị chiến lược của Ba Bình

Theo nhận xét của Stratfor, đảo Ba Bình mà Đài Loan kiểm soát ở vùng quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, có một giá trị chiến lược quan trọng.

acmong2

Đảo Ba Bình - Ảnh minh họa

Đảo nằm giữa Biển Đông này là một địa điểm lý tưởng để đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển, và để thiết lập một sự hiện diện trong khu vực đang tranh chấp.

Ba Bình còn sở hữu nguồn thủy sản dồi dào và là hòn đảo duy nhất ở khu vực Trường Sa có nguồn cung cấp nước ngọt trên đảo.

Nhờ vào vị trí chiến lược và nguồn tài nguyên đó, Ba Bình có thể đẽ dàng đóng vai một căn cứ hậu cần quan trọng.

Việc tiếp cận Ba Bình sẽ hỗ trợ đáng kể cho hoạt động của Hoa Kỳ ở Biển Đông, qua đó khuyến khích các nước như Việt Nam hay Philippines mạnh dạn hơn trong việc chống lại các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh.

Theo Stratfor, một sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trên Ba Bình hoặc trên đảo Đài Loan, sẽ là một hành động khiêu khích nghiêm trọng đối với Bắc Kinh, luôn luôn coi Đài Loan là một tỉnh ngỗ nghịch đòi ly khai, và coi quan hệ Washington - Đài Bắc là mối đe dọa đối với chủ quyền của Trung Quốc.

Phản ứng lo ngại của Trung Quốc

Bắc Kinh đã cực lực phản đối các động thái hậu thuẫn của Mỹ đối với Đài Loan, thâm chí từng đe dọa tấn công Đài Loan nếu để cho chiến hạm Mỹ ghé cảng.

Vào lúc này, Đài Loan và Trung Quốc là hai bên tranh chấp khác nhau ở Biển Đông. Hy vọng sâu xa của Bắc Kinh là trong tương lại, sau khi họ thống nhất được với Đài Bắc, Ba Bình cũng như một vài đảo đá khác trong tay chính quyền Đài Loan sẽ đương nhiên trở về dưới trướng của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc rất lo ngại trước hai khả năng : Một là Đài Loan không đủ sức bảo vệ Ba Bình, để đảo này bị một đối thủ tranh chấp nào đó chiếm mất, và hai là Đài Loan bật đèn xanh cho các đối thủ của Trung Quốc như là Việt Nam hay là Mỹ sử dụng đảo Ba Bình.

Về phần mình, Đài Bắc trong thời gian qua đã không ngừng nỗ lực tang cường sức mạnh để kháng lại sức bành trướng của Bắc Kinh. Trong hai năm gần đây, áp lực của Trung Quốc trên Đài Loan không ngừng gia tang, thúc đẩy chính quyền Đài Bắc xem hợp tác với Hoa Kỳ là một phương án tốt bảo đảm quyền kiểm soát của Đài Loan trên đảo Ba Bình và kháng lại sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại Eo biển Đài Loan.

Một số học giả Đài Loan từng cho rằng chính quyền nên cho quân đội Mỹ thuê đảo Ba Bình, một động thái chắc chắn sẽ làm cho Bắc Kinh nổi cơn thịnh nộ làm cho tình hình căng thẳng leo thang.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 29/03/2019

Published in Diễn đàn

Một câu hỏi thường được đặt ra từ ngày tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhậm chức : Đó là chính sách Châu Á của Pháp sẽ ra sao ? Chuyên san Pháp Asialyst ngày 18/05/2017 đã thử trả lời trong bài phân tích của chuyên gia về Trung Quốc và các vấn đề quốc tế Philippe Le Corre mang tựa đề "Từ Hollande đến Macron, chính sách nào cho Pháp ở Châu Á - De Hollande à Macron, quelle politique pour la France en Asie ?".

macron1

Bộ ba định hình chính sách Châu Á của Pháp : Tổng thống Emmanuel Macron (phải), ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian (giữa) và thủ tướng Edouard Philippe (trái). Ảnh chụp ngày 23/05/2017 tai Paris (Pháp). Reuters/Etienne Laurent/Pool

Đối với chuyên gia Philippe Le Corre, cả tổng thống Macron lẫn thủ tướng Édouard Philippe đều thuộc một thế hệ lãnh đạo trẻ, đã có dịp biết đến Châu Á trong công việc trước đây của mình. Bên cạnh đó, trong chính phủ mới được thành lập, vai trò của tân ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, một người thường xuyên tiếp cận với Châu Á trong suốt 5 năm làm bộ trưởng quốc phòng của cựu tổng thống François Hollande tiền nhiệm cũng sẽ rất cần thiết.

Thủ tướng Edouard Philippe có kinh nghiệm về Trung Quốc

Thủ tướng Edouard Philippe là người có kinh nghiệm thực tế về Châu Á, cụ thể là về Trung Quốc. Trong tư cách thị trưởng của thành phố cảng Le Havre, lãnh đạo mới của chính phủ Pháp đã có dịp phát triển các mối quan hệ cấp cao với Trung Quốc. Le Havre đã năm lần tổ chức diễn đàn thương mại Trung Quốc-Europa, một sự kiện vốn từ năm 2006 đến năm 2014, đã trở thành một trong những cuộc hẹn tại Châu Âu rất được doanh nghiệp Trung Quốc ưa chuộng.

Ông Philippe, trong tư cách thị trưởng Le Havre, đã nhiều lần đi thăm Trung Quốc, đặc biệt là để gặp thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (11/2013) nhân một hội nghị Trung Quốc-Liên Hiệp Châu Âu về các vấn đề đô thị, và đồng chủ trì phiên bản Trung Quốc của diễn đàn Trung Quốc-Europa tại thành phố Thẩm Dương (09/2014).

Cặp đôi đứng đầu ngành hành pháp nước Pháp Macron-Philippe như vậy sẽ tiếp tục công việc của cựu tổng thống François Hollande, một người ngay từ năm 2012, đã hoạch định một chính sách Châu Á tinh tế nhờ cố vấn ngoại giao của ông, nhà Hán học Paul Jean-Ortiz.

Được cử làm cố vấn chỉ đạo (sherpa) về những vấn đề quốc tế, "PJO" người đã hầu như trải qua toàn bộ sự nghiệp của mình ở Châu Á, đã có một cộng sự đồng hành tại điện Elysee mang tên Emmanuel Macron, phó tổng thư ký phủ tổng thống, phụ trách các vấn đề kinh tế.

Trong số những thành tựu của Paul Jean-Ortiz (qua đời tháng 07/2014), có thể kể đến việc Pháp đã xây dựng thành công những quan hệ tin cậy với hầu hết các nước Châu Á, không riêng gì với Trung Quốc (từng gặp rắc rối với tổng thống Nicolas Sarkozy) và Nhật Bản.

Đông Nam Á được đặc biệt quan tâm từ năm 2012

Kể từ năm 2012, khu vực Đông Nam Á trở thành một mục tiêu quan trọng đối với điện Elysee. Trong nhiệm kỳ của mình, François Hollande đã đích thân đi thăm nhiều quốc gia vùng Châu Á Thái Bình Dương : từ Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, đến Malaysia, Philippines, Lào, Singapore, Việt Nam, Indonesia và Úc ; chưa kể đến rất nhiều các chuyến thăm cấp thủ tướng hay bộ trưởng từ giữa năm 2012 đến năm 2017.

Ngành công nghiệp quốc phòng Pháp từ lâu đã có mối quan hệ chặt chẽ với khu vực. Malaysia, Indonesia và Singapore là khách hàng lâu năm của các tập đoàn vũ khí Pháp Thales và DCNS. Trong năm 2016, Úc đã đặt 40 tỷ đô la tàu ngầm do DCNS chế tạo. Còn Ấn Độ thì đã đặt mua 36 máy bay Rafale của Dassault Aviation với giá 8,8 tỷ đô la, cũng vào năm ngoái.

Trong bối cảnh đó, việc bổ nhiệm cựu bộ trưởng quốc phòng rất được tôn trọng là ông Jean-Yves Le Drian làm ngoại trưởng rất được Châu Á chú ý, vì bản thân ông là một bộ trưởng quốc phòng rất quan tâm đến Châu Á.

Tân ngoại trưởng Pháp từng đề nghị Liên Hiệp Châu Âu tuần tra Biển Đông

Vào tháng 06/2016, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore (cuộc họp thường niên của các chuyên gia quốc phòng ở Châu Á), ông Jean-Yves Le Drian đã làm cử tọa ngạc nhiên khi đề xuất việc Liên Hiệp Châu Âu tiến hành những chiến dịch tuần tra hải quân tại Biển Đông. Bên cạnh sáng kiến đó, chính trong thời gian ông làm bộ trưởng quốc phòng mà các thỏa thuận quốc phòng với Đông Nam Á hay Ấn Độ được tăng cường.

Vào lúc Bắc Kinh liên tục đẩy mạnh các sáng kiến của họ ở Đông Nam Á, phát biểu năm 2016 của nguyên bộ trưởng quốc phòng đã được hiểu như là một mong muốn của Pháp, muốn ảnh hưởng đến cuộc tranh luận chiến lược trong khu vực. Pháp, tương tự như hầu hết các nước Châu Âu, đã hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye ngày 12 tháng 7 năm 2016 về Biển Đông - một phán quyết tố cáo Trung Quốc tăng cường hiện diện trên nhiều hòn đảo đang tranh chấp. Ông Le Drian cho rằng : "Nếu muốn giảm nguy cơ xung đột, chúng ta cần phải bảo vệ pháp luật của biển".

Về mặt chiến lược, Hải quân Pháp có một sự hiện diện đáng kể ở Thái Bình Dương, tại vùng Nouvelles Calédonies, Polynésie và Wallis và Futuna (chưa kể đến Ấn Độ Dương). Là quốc gia có vùng biển lớn thứ hai trên thế giới, Pháp cũng đang hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ, Úc và New Zealand - cường quốc hàng hải khu vực khác - thông qua nhóm phối hợp bốn bên về an toàn hàng hải ở Thái Bình Dương.

Pháp cũng là một trong những nước ủng hộ chính sách của Liên Hiệp Châu Âu tại Biển Đông, được đại diện cao cấp Liên Hiệp Châu Âu về đối ngoại Federica Mogherini chủ xướng. Tân bộ trưởng quốc phòng Pháp Sylvie Goulard chắc chắn sẽ nhấn mạnh đến hợp tác Châu Âu trong lĩnh vực quan trọng này.

Emmanuel Macron : Châu Âu cần đoàn kết trước Trung Quốc

Vấn đề lớn khác liên quan đến Châu Á mà chính quyền Macron phải đối mặt là đà vươn lên về kinh tế của Trung Quốc.

Giống như những gì họ đã làm thông qua hội nghị thượng đỉnh Con Đường Tơ Lụa Mới, vừa được tổ chức tại Bắc Kinh với sự hiện diện của khoảng ba mươi nguyên thủ quốc gia hay thủ tướng chính phủ - nhưng không có Pháp vị bận bầu cử, Trung Quốc tiếp tục tiến quân vào Châu Âu về mặt kinh tế.

Trong năm 2016, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc đạt 35 tỷ, tăng 77% so với năm trước. Một số nước Châu Âu, trong đó có Pháp, Anh, Đức, Ba Lan và Ý, đã tham gia với tư cách thành viên sáng lập vào Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á, một sáng kiến Bắc Kinh đưa ra vào năm 2015. Không ai có thể dửng dưng trước các sự kiện như công trình xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc Beograd-Budapest được giao cho một tập đoàn Trung Quốc, hoặc việc quản lý cảng Pirée ở Hy Lạp lọt vào tay một nhóm Trung Quốc.

Trong toàn cảnh đó, đề nghị của tổng thống Emmanuel Macron về việc tăng cường đoàn kết Châu Âu để đối phó với Trung Quốc, một cường quốc thương mại và đầu tư toàn cầu, có vẻ rất hợp lý.

Tổng thống mới của nước Pháp đã thấy được rằng Trung Quốc là một tác nhân kinh tế chủ chốt thời ông còn ở bộ Kinh Tế từ năm 2014 đến năm 2016, và theo dõi chặt chẽ chuyến thăm chính thức của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 quan hệ ngoại giao Pháp-Trung) vào tháng tư năm 2014.

Chương trình hành động của ông Macron nói rõ là cần phải hợp tác với Trung Quốc (và Ấn Độ) về các vấn đề khí hậu, phù hợp với Thỏa Thuận Khí Hậu COP21 tại Paris. Về vấn đề đầu tư của Trung Quốc, tân tổng thống phân biệt rõ : Không thể đòi hỏi Trung Quốc mua máy bay Airbus mà lại từ chối không cho họ đầu tư vào sân bay Toulouse.

Vị cựu bộ trưởng Kinh Tế Pháp Macron cũng đã đến thăm Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước đã từng tạo dựng các quan hệ chặt chẽ với Pháp thời ông François Hollande làm tổng thống.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 28/12/2017

(Bài đăng lần đầu ngày 25/05/2017)

Published in Diễn đàn

Tình hình nóng bỏng trên bán đảo Triều Tiên và việc chuẩn bị Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ 19 tại Trung Quốc trong những tháng gần đây đã thu hút sự chú ý của thế giới, với hệ quả là vấn đề Biển Đông ít được truyền thông chú ý. Thế nhưng trên hiện trường, Bắc Kinh vẫn tiếp tục công việc xây dựng cơ sở trên những thực thể đã chiếm đóng, với mục tiêu rõ rệt là tăng cường quyền khống chế trên những vùng biển mà Trung Quốc đơn phương cho là của mình. Trong một bài viết đề ngày 31/10/2017, hãng tin Anh Reuters đã cảnh báo : trong một thời gian ngắn sắp tới đây, Bắc Kinh sẽ hung hăng khẳng định trở lại chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông.

bd1

Ảnh vệ tinh chụp Đảo Cây (Tree Island), quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông ngày 12/10/2017.Planet Labs/Handout via Reuters

Ghi nhận đầu tiên của Reuters là việc Trung Quốc vẫn lẳng lặng tiếp tục các hoạt động bồi đắp đảo đá, xây dựng cơ sở tại nhiều nơi trên Biển Đông. chẳng hạn như tại vùng quần đảo Hoàng Sa, cụ thể là trên Đảo Bắc (North Island) và Đảo Cây (Tree Island) thuộc nhóm An Vĩnh (Amphitrite Group).

Bồi đắp Hoàng Sa, sử dụng Trường Sa

Một báo cáo của cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI), thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ngày 09/08/2017 đã nêu bật một vài công trình mới của Bắc Kinh mà vệ tinh gần đây đã chụp ảnh được.

"Vào tháng 8 năm 2015, hai tháng sau khi ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng mọi hoạt động cải tạo của Trung Quốc đã chấm dứt, ở phía Tây của Đảo Cây chỉ có một lượng nhỏ đất mới tạo. Kể từ đó, Trung Quốc đã tiến hành nạo vét một cảng mới và bồi đắp thêm khoảng 25 mẫu đất bổ sung cho hòn đảo (tương đương khoảng 10 héc ta)... Gần đây, Trung Quốc đã hoàn thành một bãi đáp trực thăng mới và lắp đặt cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo với các tua bin gió và hai tấm pa nô điện mặt trời trên Đảo Cây".

Về đảo Bắc, AMTI xác nhận : "Trong năm 2016, Trung Quốc bắt đầu hoạt động bồi đắp nhằm nối liền Đảo Bắc với Đảo Giữa (Middle Island gần đấy. Tuy nhiên, cầu nối bằng đất giữa hai đảo này đã bị bão Sarika phá hủy vào tháng 10 năm 2016. Kể từ đó, Trung Quốc đã tiến hành thêm các hoạt động bồi đắp ở phía nam Đảo Bắc và xây dựng một tường chắn bao quanh khoảng 7 mẫu đất mới (tức khoảng 2,8 héc ta) để ngăn xói mòn. Trung Quốc đã xây dựng nhiều cơ sở mới, trong đó dường như có cả một tòa nhà hành chính lớn nằm trong khu đất mới tạo trên đảo."..

Còn tại vùng quần đảo Trường Sa, một số chuyên gia chờ đợi là trong những tháng tới, Trung Quốc sẽ bố trí chiến đấu cơ trên những hòn đảo nhân tạo đã có phi đạo (như Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn). Trong khi đó giới chức quân sự khu vực cho biết là Bắc Kinh đã dùng những cơ sở mới để tung lực lượng tuần duyên và hải quân sâu hơn vào khu vực Đông Nam Á.

Theo bà Bonnie Glaser chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế, Bắc Kinh đã xây dựng xong các cơ sở, và cả viên chức dân sự lẫn quân sự Trung Quốc đều nói rõ là khi thời điểm chiến lược chín muồi, họ sẽ tận dụng những cơ sở đó.

Bà Glaser thẩm định : "Tôi cho rằng vấn đề lúc này không còn là liệu Trung Quốc có làm hay không, mà là bao giờ thì họ sẽ khẳng định mạnh mẽ hơn lợi ích của họ ở Biển Đông, vào một thời điểm do chính họ chọn lựa…".

Biển lặng trước bão tố

Hoạt động tăng cường cơ sở tại Biển Đông của Trung Quốc phản ánh thái độ quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh tại vùng Biển Đông trong nhiệm kỳ đầu của chủ tịch Tập Cận Bình, được chính ông nêu bật trong diễn văn khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản vừa qua, khi ông tuyên bố "Công việc xây dựng trên các đảo và rạn san hô ở Biển Đông đã tiến triển đều đặn".

Vấn đề Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông chắc hẳn sẽ được nêu ra trong chuyến công du Châu Á của tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó có chặng ghé Trung Quốc. Một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, ông Michael Cavey, cho biết là Washington vẫn quan ngại về tình hình căng thẳng tại Biển Đông, đặc biệt là căng thẳng nẩy sinh từ các hoạt động cải tạo đất và quân sự hóa các tiền đồn trong vùng tranh chấp, cũng như việc có bên (ám chỉ Trung Quốc) dùng thủ đoạn cưỡng bức để tuyên bố chủ quyền.

Trả lời Reuters, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc Nhiệm Quốc Cường (Ren Guoqiang) nói thẳng thừng là những hòn đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền không tranh cãi của Trung Quốc, do đó không thể gọi việc Trung Quốc bồi đắp các đảo đá của mình và xây dựng các cơ sở phòng thủ là hành động triển khai quân sự.

Đối với nhân vật này, tình hình khu vực hiện nay nói chung là tốt, và tất cả các bên liên quan phải cố sức cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định tại Biển Đông.

Vào ngày 30/10, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải, đã lên tiếng yêu cầu Washington không nên "xen" vào nỗ lực của khu vực nhằm giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Biển Đông sẽ là đấu trường Mỹ-Trung

Vào đầu tháng 10 vừa qua, trong một diễn văn tại Singapore, đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương của Mỹ, đã lên tiếng cho rằng kể cả khi Washington thúc giục Bắc Kinh giúp đỡ trong vấn đề Bắc Triều Tiên, Mỹ vẫn quy trách nhiệm cho Trung Quốc về những hành động vi phạm luật pháp và chuẩn mực quốc tế.

Lãnh đạo quân sự Mỹ cao cấp nhất trong vùng nói rõ là Washington muốn Bắc Kinh cố gắng nhiều hơn trong việc chấm dứt những hoạt động gây hấn tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự và củng cố các lợi thế địa lý nhằm áp đặt chủ quyền mặc nhiên trên các vùng biển đảo đang tranh chấp.

Một nghiên cứu mới đây của RAND Corp, một định chế có liên hệ với chính phủ Mỹ, đã đánh giá về nguy cơ xảy ra xung đột giữa Bắc Kinh và Washington, và trên bảng xếp hạng những điểm nóng tiềm tàng, đã nâng Biển Đông lên trên Đài Loan và ở ngay dưới bán đảo Triều Tiên.

Trong bối cảnh Lầu Năm Góc tiến hành những chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải FONOPS một cách thường xuyên hơn, nhằm thách thức yêu sách chủ quyền "quá đáng"của Trung Quốc, một số nhà phân tích cho rằng Washington đang cố làm đối trọng với thế thống trị càng lúc càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.

Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore, đã nhận định bi quan, cho rằng FONOPS chỉ là chiến thuật chứ không phải là chiến lược, và những chuyến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải do Mỹ tiến hành không làm suy suyển chút nào kế hoạch của Trung Quốc về Biển Đông. Theo ông : "Trung Quốc có dấu hiệu đang theo đuổi một chiến lược được suy tính kỹ và dài hạn để giành lấy quyền thống trị trên Biển Đông, trong khi Mỹ thì phản ứng bằng những động thái chiến thuật nhất thời".

Nghê Nhạc Hùng (Ni Lexiong), một chuyên gia về Hải Quân tại Đại Học Thượng Hải, thì lại tố cáo Mỹ là bên gây sự : "Chừng nào mà các nước không cố ý tiến tới và gây nên xung đột, thì mọi việc sẽ ổn... Vấn đề là một số nước, như Mỹ, lại lấn tới và khuấy động mọi sự".

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 03/11/2017

Published in Diễn đàn