Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/11/2017

Trung Quốc lại sắp làm Biển Đông dậy sóng

Trọng Nghĩa

Tình hình nóng bỏng trên bán đảo Triều Tiên và việc chuẩn bị Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ 19 tại Trung Quốc trong những tháng gần đây đã thu hút sự chú ý của thế giới, với hệ quả là vấn đề Biển Đông ít được truyền thông chú ý. Thế nhưng trên hiện trường, Bắc Kinh vẫn tiếp tục công việc xây dựng cơ sở trên những thực thể đã chiếm đóng, với mục tiêu rõ rệt là tăng cường quyền khống chế trên những vùng biển mà Trung Quốc đơn phương cho là của mình. Trong một bài viết đề ngày 31/10/2017, hãng tin Anh Reuters đã cảnh báo : trong một thời gian ngắn sắp tới đây, Bắc Kinh sẽ hung hăng khẳng định trở lại chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông.

bd1

Ảnh vệ tinh chụp Đảo Cây (Tree Island), quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông ngày 12/10/2017.Planet Labs/Handout via Reuters

Ghi nhận đầu tiên của Reuters là việc Trung Quốc vẫn lẳng lặng tiếp tục các hoạt động bồi đắp đảo đá, xây dựng cơ sở tại nhiều nơi trên Biển Đông. chẳng hạn như tại vùng quần đảo Hoàng Sa, cụ thể là trên Đảo Bắc (North Island) và Đảo Cây (Tree Island) thuộc nhóm An Vĩnh (Amphitrite Group).

Bồi đắp Hoàng Sa, sử dụng Trường Sa

Một báo cáo của cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI), thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ngày 09/08/2017 đã nêu bật một vài công trình mới của Bắc Kinh mà vệ tinh gần đây đã chụp ảnh được.

"Vào tháng 8 năm 2015, hai tháng sau khi ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng mọi hoạt động cải tạo của Trung Quốc đã chấm dứt, ở phía Tây của Đảo Cây chỉ có một lượng nhỏ đất mới tạo. Kể từ đó, Trung Quốc đã tiến hành nạo vét một cảng mới và bồi đắp thêm khoảng 25 mẫu đất bổ sung cho hòn đảo (tương đương khoảng 10 héc ta)... Gần đây, Trung Quốc đã hoàn thành một bãi đáp trực thăng mới và lắp đặt cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo với các tua bin gió và hai tấm pa nô điện mặt trời trên Đảo Cây".

Về đảo Bắc, AMTI xác nhận : "Trong năm 2016, Trung Quốc bắt đầu hoạt động bồi đắp nhằm nối liền Đảo Bắc với Đảo Giữa (Middle Island gần đấy. Tuy nhiên, cầu nối bằng đất giữa hai đảo này đã bị bão Sarika phá hủy vào tháng 10 năm 2016. Kể từ đó, Trung Quốc đã tiến hành thêm các hoạt động bồi đắp ở phía nam Đảo Bắc và xây dựng một tường chắn bao quanh khoảng 7 mẫu đất mới (tức khoảng 2,8 héc ta) để ngăn xói mòn. Trung Quốc đã xây dựng nhiều cơ sở mới, trong đó dường như có cả một tòa nhà hành chính lớn nằm trong khu đất mới tạo trên đảo."..

Còn tại vùng quần đảo Trường Sa, một số chuyên gia chờ đợi là trong những tháng tới, Trung Quốc sẽ bố trí chiến đấu cơ trên những hòn đảo nhân tạo đã có phi đạo (như Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn). Trong khi đó giới chức quân sự khu vực cho biết là Bắc Kinh đã dùng những cơ sở mới để tung lực lượng tuần duyên và hải quân sâu hơn vào khu vực Đông Nam Á.

Theo bà Bonnie Glaser chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế, Bắc Kinh đã xây dựng xong các cơ sở, và cả viên chức dân sự lẫn quân sự Trung Quốc đều nói rõ là khi thời điểm chiến lược chín muồi, họ sẽ tận dụng những cơ sở đó.

Bà Glaser thẩm định : "Tôi cho rằng vấn đề lúc này không còn là liệu Trung Quốc có làm hay không, mà là bao giờ thì họ sẽ khẳng định mạnh mẽ hơn lợi ích của họ ở Biển Đông, vào một thời điểm do chính họ chọn lựa…".

Biển lặng trước bão tố

Hoạt động tăng cường cơ sở tại Biển Đông của Trung Quốc phản ánh thái độ quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh tại vùng Biển Đông trong nhiệm kỳ đầu của chủ tịch Tập Cận Bình, được chính ông nêu bật trong diễn văn khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản vừa qua, khi ông tuyên bố "Công việc xây dựng trên các đảo và rạn san hô ở Biển Đông đã tiến triển đều đặn".

Vấn đề Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông chắc hẳn sẽ được nêu ra trong chuyến công du Châu Á của tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó có chặng ghé Trung Quốc. Một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, ông Michael Cavey, cho biết là Washington vẫn quan ngại về tình hình căng thẳng tại Biển Đông, đặc biệt là căng thẳng nẩy sinh từ các hoạt động cải tạo đất và quân sự hóa các tiền đồn trong vùng tranh chấp, cũng như việc có bên (ám chỉ Trung Quốc) dùng thủ đoạn cưỡng bức để tuyên bố chủ quyền.

Trả lời Reuters, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc Nhiệm Quốc Cường (Ren Guoqiang) nói thẳng thừng là những hòn đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền không tranh cãi của Trung Quốc, do đó không thể gọi việc Trung Quốc bồi đắp các đảo đá của mình và xây dựng các cơ sở phòng thủ là hành động triển khai quân sự.

Đối với nhân vật này, tình hình khu vực hiện nay nói chung là tốt, và tất cả các bên liên quan phải cố sức cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định tại Biển Đông.

Vào ngày 30/10, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải, đã lên tiếng yêu cầu Washington không nên "xen" vào nỗ lực của khu vực nhằm giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Biển Đông sẽ là đấu trường Mỹ-Trung

Vào đầu tháng 10 vừa qua, trong một diễn văn tại Singapore, đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương của Mỹ, đã lên tiếng cho rằng kể cả khi Washington thúc giục Bắc Kinh giúp đỡ trong vấn đề Bắc Triều Tiên, Mỹ vẫn quy trách nhiệm cho Trung Quốc về những hành động vi phạm luật pháp và chuẩn mực quốc tế.

Lãnh đạo quân sự Mỹ cao cấp nhất trong vùng nói rõ là Washington muốn Bắc Kinh cố gắng nhiều hơn trong việc chấm dứt những hoạt động gây hấn tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự và củng cố các lợi thế địa lý nhằm áp đặt chủ quyền mặc nhiên trên các vùng biển đảo đang tranh chấp.

Một nghiên cứu mới đây của RAND Corp, một định chế có liên hệ với chính phủ Mỹ, đã đánh giá về nguy cơ xảy ra xung đột giữa Bắc Kinh và Washington, và trên bảng xếp hạng những điểm nóng tiềm tàng, đã nâng Biển Đông lên trên Đài Loan và ở ngay dưới bán đảo Triều Tiên.

Trong bối cảnh Lầu Năm Góc tiến hành những chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải FONOPS một cách thường xuyên hơn, nhằm thách thức yêu sách chủ quyền "quá đáng"của Trung Quốc, một số nhà phân tích cho rằng Washington đang cố làm đối trọng với thế thống trị càng lúc càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.

Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore, đã nhận định bi quan, cho rằng FONOPS chỉ là chiến thuật chứ không phải là chiến lược, và những chuyến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải do Mỹ tiến hành không làm suy suyển chút nào kế hoạch của Trung Quốc về Biển Đông. Theo ông : "Trung Quốc có dấu hiệu đang theo đuổi một chiến lược được suy tính kỹ và dài hạn để giành lấy quyền thống trị trên Biển Đông, trong khi Mỹ thì phản ứng bằng những động thái chiến thuật nhất thời".

Nghê Nhạc Hùng (Ni Lexiong), một chuyên gia về Hải Quân tại Đại Học Thượng Hải, thì lại tố cáo Mỹ là bên gây sự : "Chừng nào mà các nước không cố ý tiến tới và gây nên xung đột, thì mọi việc sẽ ổn... Vấn đề là một số nước, như Mỹ, lại lấn tới và khuấy động mọi sự".

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 03/11/2017

Quay lại trang chủ
Read 713 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)