Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/10/2019

Ranh giới giữa lao động xuất khẩu và các tổ chức buôn người

Nhiều tác giả

Từ xuất khẩu lao động đến nạn buôn người

Vũ Ngọc Yên, VNTB, 30/10/2019

Ngày nào chế độ cộng sản này còn tồn tại thì sẽ còn những thảm cảnh chết trong Container đông lạnh, lao động chết vì bị cưỡng bức và phụ nữ bi bóc lột tình dục. Đã đến lúc những ai còn quan tâm đến quốc thể và vận mệnh dân tộc hãy mạnh dạn đứng lên và cùng nhau liên kết trong cuộc đấu tranh dân chủ sớm kết thúc cái chế độ độc đảng đang tàn phá đất nước.

Xuất khẩu lao động Việt Nam

Xuất khẩu lao động Việt Nam ra nước ngoài, là hoạt động kinh tế dưới hình thức cung ứng lao động Việt Nam ra nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn, phục vụ cho nhu cầu nhân công lao động của doanh nghiệp nước ngoài. Hoạt động này bắt đầu từ năm 1980 dưới hình thức hợp tác lao động với các nước cộng sản. Nhưng đến năm 1991 sau khi các chế độ xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, chế độ cộng sản Việt Nam chuyển hướng xuất khẩu lao động qua các quốc gia tư bản có nhu cầu cần lao động như Đài Loan, Nhật Bản, Mã Lai, Đại Hàn... Đối với chế độ, xuất khẩu lao động góp phần giải quyết việc làm và tăng nguồn ngoại tệ.

thamtrang1

Năm 2017 số xuất khẩu lao động tăng trên 127.000 người, năm 2018 là 143.000 người. Trong 5 tháng đầu năm 2019 có 54.144 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Cục Quản lý Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động, thương binh và xã hội hồi tháng 6 năm 2018 cho biết tại thời điểm đó có khoảng 500 ngàn người Việt Nam đang làm việc ở 40 quốc gia và tổng số tiền mà các lao động này gửi về nước mỗi năm khoảng 3 tỷ USD (tương đương hơn 76 ngàn tỷ đồng),chiếm khoảng 13% Tổng sản lượng nội điạ (GDP) của Việt Nam.Trong nước hiện có khoảng 345 doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu lao động. 

Thân phận lao động Việt Nam ở nước ngoài 

Mong muốn thay đổi cuộc sống, kiếm được một khoản tiền, nhiều người Việt "ôm mộng" ra nước ngoài lao động bất chấp cuộc sống chật vật, thậm chi phải trả giá bằng cả mạng sống.

Tại Cộng hòa Czech, người lao động Việt Nam gặp phải tình trạng bóc lột, bỏ đói và nhiều vấn đề phức tạp khác. Giới truyền thông đại chúng Czech sử dụng rộng rãi cụm từ "nô lệ thời đại mới" để nói về những công nhân ngoại quốc. Tại Qatar, nhiều lao động Việt Nam bỏ việc vì phải tham gia công việc xây dựng nặng nhọc, thời tiết khắc nghiệt mà thu nhập chỉ 200 USD/tháng. Nhiều lao động Việt Nam tại Malaysia bị lừa đảo hợp đồng lao động và bị ngược đãi, đánh đập, bỏ đói, tìm kiếm sự can thiệp để về Việt Nam. Các lao động Maylaysia bị nhà môi giới xuất khẩu bỏ mặc ngay sau khi sang nước ngoài, nhận được việc làm không theo nội dung như trong hợp đồng. Một số rơi vào tình trạng việc làm lúc có lúc không, bị quỵt lương, bị chuyển nơi làm việc nặng liên tục như bốc vác, hàn xì, đổ bê tông. Đây là thị trường được xem là có thu nhập thấp, rủi ro cao. Thu nhập bình quân của các lao động này ở Malaysia là khoảng 2,5 triệu đồng/tháng 

Xót xa hơn là đã có những người "bỏ mạng" không chỉ khi sang Trung Quốc làm thuê mà nguyên nhân chỉ có thông tin chung chung là "gặp nạn" hoặc "tai nạn". Con số lao động Việt Nam qua đời ở nước ngoài, chưa được chính quyền Hà Nội công bố rộng rãi. Theo thống kê của Cục Quản lý Lao động ngoài nước Việt Nam, từ tháng 4 năm 2002 đến đầu năm 2008 đã có hơn 300 trường hợp người lao động Việt Nam chết tại Malaysia. Tháng 12 năm 2011, ba lao động tại Nga thiệt mạng vì bị ngạt khí đốt. Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết những trường hợp chết đã làm thủ tục thông báo về gia đình, còn đăng lên báo thì không có lợi trong dư luận xã hội vì nhiều vấn đề chưa được rõ ràng.

Xuất khẩu lao động một dịch vụ cướp bóc, lừa đảo và buôn người

Mặc dù theo luật định, mức trần tiền môi giới cho các thị trường cứ mỗi năm của hợp đồng không vượt quá một tháng lương của người lao động, tuy nhiên trong thực tế, nhiều công ty xuất khẩu đòi hỏi người lao động phải đóng phí môi giới cao hơn. Ngoài ra còn tiền dịch vụ (mức trần khoảng 10% của lương tháng, đóng trước 18 tháng) trả cho công ty xuất khẩu, chi phí đặt cọc "chống trốn", chi phí dạy nghề và ngoại ngữ trước khi xuất hành, vé máy bay lượt đi... Nhiều lao động đã phải thế chấp đất và nhà cửa hay vay mượn để có đủ tiền lo chi phí.

Theo sự tính toán của báo Lao động : "Mức lương tối thiểu người lao động được hưởng là 15.840 đài tệ/tháng. Bị trừ thuế tại Đài Loan : 3.168 đài tệ ; phí cho công ty Việt Nam tuyển dụng lao động là 12%/tháng lương : 2.000 đài tệ ; bảo hiểm tại Đài Loan : 46 đài tệ ; phí môi giới 5.750 đài tệ. Mỗi tháng người lao động được ứng 2.000 đài tệ để sinh hoạt. Như vậy với mức lương 15.840 đài tệ/tháng, sau khi trừ các chi phí, người lao động chỉ tiết kiệm mỗi tháng khoảng 2.876 đài tệ. Số tiền này chỉ bằng 1/2 số tiền chi cho môi giới. Nếu với việc quy đổi khoảng 33 đài tệ = 1 USD thì họ chỉ còn giữ lại để gửi về nhà khoảng 87 USD/tháng. Như vậy có thể nói người lao động làm việc quần quật trong 1 tháng chủ yếu chỉ để trả cho các loại phí và chủ yếu là phí môi giới.

Theo báo giới đã có hàng vạn nạn nhân trong nước chấp nhận vay mượn tiền để xuất ngoại đi lao động tại các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Úc nhưng không đi được vì bị cán bộ đảng và nhà nước ở mọi cấp lừa đảo… Đối với việc xuất khẩu lao động sang Nga, người lao động rất dễ bị lừa và không thể kiếm được chỗ làm hợp pháp. Có hàng nghìn người Việt Nam bị rơi vào cảnh "nô lệ lao động" tại thị trường này. Họ bị nhốt dưới khu vực ngầm cách biệt với thế giới bên ngoài và lao động vất vả tại những xí nghiệp may phi pháp, bị bóc lột thậm tệ, bị thu hoàn toàn giấy tờ tùy thân.

Có tình trạng nhiều đối tượng, công ty lừa đảo người lao động Việt Nam chiếm đoạt tài sản hoặc đưa người lao động sang Châu Âu bất hợp pháp. Ngoài ra còn có dấu hiệu hình thành các đường dây đưa phụ nữ Việt Nam sang Châu Âu, bán vào các ổ mãi dâm.

Xuất khẩu lao động "chui" hay nạn buôn người phát triển mạnh

Song song với tỷ lệ lao động đi xuất khẩu lao động theo kênh chính thức tăng, tỷ lệ lao động đi "chui" qua các hình thức "tự đi" hoặc "không chính thức" cũng tăng theo đáng kể. Khu vực Châu Âu, hàng năm có khoảng 18.000 lao động bất hợp pháp từ Việt Nam sang qua các đường dây đưa người trái phép.

Theo cơ quan công an, các đối tượng thường sử dụng 3 hình thức để hoạt động tổ chức trốn và đưa người đi nước ngoài trái phép. Thứ nhất là tổ chức trốn bí mật bất hợp pháp ; các đối tượng dẫn người qua đường tiểu ngạch (không giấy tờ - đường bộ) hoặc mua sắm thuyền vượt biển (đường biển), kể cả từ Việt Nam và qua nước thứ 2 để vượt biên sang nước thứ 3.

Thứ hai là tổ chức trốn dưới hình thức công khai bất hợp pháp ; chúng có thể sử dụng hộ chiếu giả, giả mạo hồ sơ để được cấp hộ chiếu mang tên người khác hoặc dùng hộ chiếu, thẻ thường trú của người đã được định cư ở nước sở tại để quay vòng. Thậm chí có đối tượng còn tổ chức người theo kiểu tham quan du lịch đến nước thứ 2 rồi từ đó tìm cách trốn sang nước thứ 3 bằng đường bộ qua tiểu ngạch, vượt biển hay trốn trong xe container hàng hóa.

Một hình thức khác mà nhiều đối tượng sử dụng công khai, đó là dưới dạng tham quan, du lịch, thăm thân nhân ; giả mạo hợp đồng lao động để được cấp visa lao động nhưng sau khi xuất cảnh tự tìm kiếm việc làm ; hợp thức hóa thành người của công ty, doanh nghiệp để được ra nước ngoài hội chợ, hội thảo, khảo sát thị trường, ký hợp đồng hoặc có thể theo kiểu hợp thức hóa đi du học tự túc rồi trốn ra ngoài tìm kiếm việc làm…

Thực trạng lao động chui 

Gareth Ward, Đại sứ toàn quyền Anh và Bắc Ái Nhĩ Lan tại Việt Nam đã viết về tình trạng mua bán người và di cư trái phép tại Anh :

"…Người Việt Nam không chỉ bị mua bán đến các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam mà còn tới các nước trong khu vực Châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia và thậm chí còn tới Châu Âu, trong đó có Vương quốc Anh. Những năm gần đây, Việt Nam luôn là nước có số người nghi là nạn nhân của mua bán người và nô lê hiện đại cao nhất tại Anh, chỉ xếp sau Albania… Ở nước Anh, khái niệm "Nô lệ thời hiện đại" được dùng với hàm ý bao gồm mua bán người vì nạn nhân bị mua bán thường bị ép làm việc trong những điều kiện vô cùng tồi tệ, cả về thể xác lẫn tinh thần… Nạn nhân người Việt Nam tại Anh là những người tự nguyện ra đi, với giấc mơ về một miền đất hứa, kì vọng về cơ hội cải thiện kinh tế cho bản thân và gia đình. 

Rất nhiều trong số họ là những người đến từ những huyện còn khó khăn của Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Chi phí cho hành trình do những băng nhóm tội phạm đưa người bất hợp pháp từ Việt Nam sang Anh dao động từ 30.000 USD đến 50.000 USD. Việc nhập cư bất hợp pháp vào Anh có thể bằng giấy tờ giả trên một chuyến bay thẳng, hoặc thông dụng hơn là một đoạn đường gian khổ nhiều rủi ro và kéo dài qua nhiều nước Châu Âu. Hầu hết trong số họ, bất chấp nguy hiểm tìm đường sang Anh với một hy vọng là chỉ sau một năm làm việc ở đây, họ có thể chuộc được các sổ đỏ đã cầm cố hoặc trả hết nợ nần vay mượn cho chuyến đi và sau đấy là một cơ hội "đổi đời" sẽ đến với gia đình"…

Trong những năm gần đây các môi giới buôn người sử dụng nhiều mánh khóe lừa đảo người dân đi xuất khẩu lao động. Không ít hộ gia đình đã cầm cố nhà cửa vay mượn để nộp tiền cho thân nhân đi xuất khẩu lao động, song sau khi nhận được tiền, những môi giới trốn biệt tăm. Trên thực tế, những lao động "chui" khi trốn ra ngoài không dễ, đôi khi phải trả giá bằng cả tính mạng của mình. Vào ngày 23/10/2019 một thông tin chấn động thế giới khi chiếc xe container chở hàng chứa 39 thi thể người nhập cư bị phát hiện ở Essex, miền Đông Anh, cách thủ đô London 30km. Nhiều thông tấn xã quốc tế loan tin trong số nạn nhân có người Việt Nam.

Phụ nữ và trẻ em là đối tượng của các tổ chức buôn người

Báo cáo tình hình buôn người năm 2019 (Trafficking in Persons Report, June 2019) của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Viết Nam đặc biệt quan tâm đến tình trạng phụ nữ và trẻ em Việt Nam là nạn nhân của tình trạng buôn bán nô lệ tình dục ra nước ngoài ; nhiều người bị lừa gạt về các cơ hội lao động và sau đó bị bán cho các nhà thổ ở vùng biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia và các nước Châu Á khác, trong đó có Malaysia, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Thái Lan. 

Một số phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài để kết hôn theo môi giới quốc tế hoặc để làm việc trong các nhà hàng, cơ sở mát-xa, quán bar karaoke – bao gồm các nước như Trung Quốc, Cộng hòa Síp (Cyprus), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Saudi Arabia, Singapore, và Đài Loan – trở thành nô lệ giúp việc gia đình hoặc nô lệ tình dục. Bọn buôn người ngày càng gia tăng sử dụng internet, các trang web chơi game và đặc biệt là mạng xã hội để nhử các nạn nhân tiềm tàng vào những tình huống dễ bị tổn thương ; đàn ông thường dụ dỗ phụ nữ trẻ và trẻ em gái vào các mối quan hệ hẹn hò trên mạng và thuyết phục họ ra nước ngoài, sau đó biến họ thành nạn nhân của cưỡng bức lao động hoặc nô lệ tình dục. 

Thay lời kết

Trong lịch sử đất nước, người dân Việt Nam dù bị đói khát, chiến tranh cũng không phải bỏ quê cha đất tổ để tha hương cầu thực ở nước ngoài. Chỉ khi có chế độ cộng sản dựng lên ở miền Bắc, mới có trăm ngàn người tìm đường vào Nam lánh nạn độc tài. Và chỉ khi cộng sản chiếm đóng miền Nam, hàng triệu người mới bất chấp sóng bão ngoài biển khơi vượt biên tìm tư do. Nay hơn bốn thập niên sau cuộc nội chiến mà làn sóng người Việt ra nước ngoài vẫn tiếp diễn dưới mọi dạng. Họ ra đi vì không còn niềm tim vào chế độ, họ muốn tìm một tương lai khác cho cuộc sống trong tự do.

Ngày nào chế độ cộng sản này còn tồn taị thì sẽ còn những thảm cảnh chết trong Container đông lạnh, lao động chết vì bị cưỡng bức và phụ nữ bi bóc lột tình dục…

Đã đến lúc những ai còn quan tâm đến quốc thể và vận mệnh dân tộc hãy mạnh dạn đứng lên và cùng nhau liên kết trong cuộc đấu tranh dân chủ sớm kết thúc cái chế độ độc đảng đang tàn phá đất nước.

Vũ Ngọc Yên

Nguồn : VNTB, 30/10/2019

*********************

Lao động Việt liệu dễ ‘xuất khẩu chính ngạch’ vào Châu Âu ?

Thảo Vy, VNTB, 29/10/2019

Liên quan đến vụ 39 người chết ở Anh, sáng ngày 28-10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Vinh, bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nói rằng "Đây là sự việc hết sức đáng tiếc và hiện chúng ta đang đẩy mạnh xuất khẩu lao động, có rất nhiều công ăn việc làm theo con đường chính thống nên chúng tôi mong muốn công dân nên đi xuất khẩu lao động theo đường chính thống, được Nhà nước bảo trợ, được chính quyền các nước sở tại hỗ trợ, bảo trợ".

thamtrang2

Theo cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, hiện tại đã có 14 gia đình trình báo mất liên lạc với người thân tại Anh. Những trường hợp này tập trung tại các huyện như : Yên Thành, Diễn Châu, thành phớ Vinh… Tại Hà Tĩnh cũng ghi nhận được 10 trường hợp được cho là "mất tích" khi đang trên đường sang Anh.

"Lao động Việt Nam có dễ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Châu Âu ?" là câu hỏi đặt ra với luật gia Nguyễn Thu Trang, Văn phòng Tư vấn pháp luật về lao động (Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Không có tài sản thế chấp, đừng mong được ‘xuất khẩu’ 

"Tôi nghĩ ông bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đang nói lấy có. Thực tế nếu muốn ghi tên vào danh sách tìm kiếm việc làm ở nước ngoài, các lao động Việt Nam buộc phải bỏ tiền túi ra ký quỹ. Đi Hàn Quốc, có số tiền ký quỹ là 100 triệu đồng cho một suất ứng xét. Đi Nhật Bản hay Đài Loan, ký quỹ là 120 triệu đồng. Bên cạnh đó còn là chi phí học ngoại ngữ và phải có tay nghề nhất định. Đây là những lao động thuộc danh sách xuất khẩu chính ngạch", bà Nguyễn Thu Trang, nói.

Để có khoản tiền ký quỹ, buộc phải đi vay mượn, nếu không có tài sản thế chấp tương ứng với số bạc vay trăm triệu đó thì ngân hàng không duyệt hồ sơ vay, và nếu vẫn muốn ‘đi lao động’, buộc lòng chọn vay từ các dịch vụ tài chính nằm ngoài hệ thống ngân hàng.

Người lao động phải tham gia học ngoại ngữ, học nghề và chờ phỏng vấn với thời gian khá dài, thậm chí có lao động phải chờ từ 8 tháng đến 1 năm mới được phỏng vấn và trúng tuyến. Sau khi trúng tuyển, việc lập hồ sơ mất từ 4-6 tháng mới được xuất cảnh. 

Trong khi đó, số lao động tự đi tìm việc ở nước ngoài qua sự giới thiệu thân nhân sẽ nhanh hơn. Trong vòng từ 3-4 tháng, họ được xuất cảnh, thời gian này không tốn chi phí học ngoại ngữ. Đây là những lao động Việt Nam tạm gọi là ‘xuất khẩu không chính ngạch’.

Lao động Việt muốn vào thị trường Châu Âu bằng đường ‘chính ngạch’ : Vô vọng !

"Tôi cho rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn chăm chăm đẩy trai tráng xứ mình sang nước người để làm cu li là chính. Trong các hợp đồng xuất khẩu lao động, đa phần là ở các tỉnh thuộc miền Bắc Việt Nam. 

Nhìn chung những lao động này ngay từ đầu đã không đáp ứng các quy định tối thiểu của thị trường lao động Châu Âu, như phải có Chứng chỉ tiếng Anh IELTiến sĩ tối thiểu từ 5.0 còn hiệu lực ; và chỉ cần nói ngọng kiểu như ngài bộ trưởng giáo dục nước mình, là các ứng viên lao động đã rớt từ ‘vòng gửi xe’. Song tôi biết trên thực tế thì vẫn có nhiều dịch vụ tuyển dụng tìm mọi cách để đưa người Việt sang đó. 

Cơ quan chức năng họ biết hết, nhưng họ vẫn làm lơ. Thi thoảng họ cũng ‘đánh’ vài vụ án gọi là cho có về những đường dây buôn người lao động. Tấm hộ chiếu ngày càng bệ rạc về quyền lực của Việt Nam cũng từ những duyên cớ ấy !", bà Nguyễn Thu Trang, nhận xét.

Giải thích cho ý kiến lao động Việt vô vọng khi tìm đường chính ngạch để xuất khẩu vào Châu Âu, bà Trang nói rằng bên cạnh đòi hỏi lao động có tay nghề cao, thì những quốc gia ở Châu Âu như Na Uy, Đan Mạch hay Ý đều yêu cầu số tiền ban đầu mà người lao động bỏ ra là rất lớn.

Chi phí chính thức cho một hợp đồng lao động làm việc tại Na Uy không hề nhỏ, lên tới tương đương 18.000 USD ; ở Đan Mạch là 15.000 USD ; ở Đức là 12.000 USD ; rẻ nhất là ở Ý với 6.000 USD. 

Khoản tiền môi giới từ các dịch vụ xuất khẩu lao động Việt Nam ở đây, theo bà Trang, cũng là số tiền rất lớn và những dịch vụ này còn làm luôn kiểu ‘trọn gói ứng trước – trả sau’ tựa như đường dây buôn người lao động xuyên biên giới.

"Nếu vượt được những yêu cầu về tiền bạc ban đầu, thì dễ thấy sức hấp dẫn của thị trường Châu Âu là tiền lương cao, môi trường an ninh, chính trị, xã hội ổn định, đặc biệt là luôn tôn trọng nhân quyền. Ở Ý, theo như tôi biết, chủ sử dụng có thể bảo lãnh để người lao động mang cả vợ, chồng hoặc con cùng sang Italia sinh sống và làm việc", bà Nguyễn Thu Trang nói.

Nhục hay vinh ?

Với tư cách cá nhân, bà Nguyễn Thu Trang nói rằng thực trạng xuất khẩu lao động lâu nay của Việt Nam, là một trò ‘buôn sức người’ hết sức nhọc nhằn để mong kiếm ngoại tệ về cho đất nước.

Bà Trang kể hồi thời gian bà khoác áo luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng, bà có tham gia vài hợp đồng tham vấn pháp luật cho doanh nghiệp nước ngoài tại tỉnh Hải Dương. 

"Sau khi hình thành các khu công nghiệp, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng chỉ còn lại vỏn vẹn chừng 100 mẫu đất sản xuất chia cho 1.458 hộ, 6.000 khẩu. Tôi nhớ chủ tịch UBND xã, ông Lê Duy Hưng khi nói về kinh tế địa phương vẫn hỉ hả đại khái rằng, từ lâu rồi dân xã này toàn sống bằng ngoại tệ, kiều hối, nếu nói về kinh tế thì không mấy vùng quê thuần nông nào được như thế này đâu. Nhà lầu nhé, ô tô nhé, đường sá, đình chùa nhé… 

Toàn tiền nước ngoài góp vào xây dựng cả đấy. Cơn sốt xuất ngoại ở Cẩm Điền chưa bao giờ hạ nhiệt suốt từ hơn 20 năm nay. Thống kê cho hay 1/10 dân trong xã đang ở nước ngoài, bình quân, mỗi gia đình có ít nhất 1 người đi lao động ngoài nước...

Thoát nghèo thật, nhưng rủi ro, hệ lụy cũng nhiều vô kể. Từ tai nạn lao động, tệ nạn xã hội đến lừa đảo xuất khẩu lao động đến vấn đề bùng phát nạn ly hôn cũng từ xuất khẩu lao động mà ra cả. Nhưng không có con đường nào khác. Ruộng đất dành hết cho công nghiệp, nghề nghiệp chẳng có gì, không đi thì bảo dân lấy gì mà sống ? Ông Lê Duy Hưng từng than vãn thật lòng như vậy với nhóm luật sư đến từ Sài Gòn của chúng tôi". Bà Nguyễn Thu Trang nhớ lại.

Theo bà Nguyễn Thu Trang, các vị đại biểu quốc hội đang ngồi dự họp ở Hà Nội cần yêu cầu về đúc kết, "vì đâu mà bốn mươi bốn năm cai trị đất nước bằng sự lãnh đạo toàn diện và quản lý tuyệt đối, theo nghĩa là không có tam quyền phân lập và không có xã hội dân sự độc lập, song chính quyền đó lại tắc trách trong xây dựng xã hội ấm no và bảo vệ môi trường sống an lành cho dân ?".

"Tôi nghĩ rằng nếu Đảng tự xác định cho mình chức trách là ‘nhà lãnh đạo’ độc quyền, có nghĩa là người độc quyền xác định phương hướng và đích đến, thì Chính phủ phải là ‘nhà quản trị’, tức là người lái xe theo đúng hướng và đến đúng nơi trong thời gian ngắn nhất, với chi phí tiết kiệm nhất. 

Lâu nay hai vai trò kể trên trùng với nhau trong một con người ; kiểu như đã là thủ tướng thì phải là ủy viên Bộ Chính trị. Cần nhớ là mặc dù nhà lãnh đạo được đặt ở vị trí cao nhất, nhưng chính nhà quản trị mới đem lại kết quả mong muốn. Mà quản trị là một khoa học cần phải được đào tạo chuyên nghiệp. Không thể sinh ra hễ làm đến chức ủy viên Bộ Chính trị, hay bí thư tỉnh ủy là đương nhiên biết quản trị hiệu quả, mà phải được đào tạo bài bản". Bà Nguyễn Thu Trang biện giải.

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 29/10/2019

*******************

Thiếu lao động : Romania, Hungary mở cửa cho nhân công Việt và Châu Á

Thụy My, RFI, 28/10/2019

Vụ 39 người trong đó có thể có nhiều người Việt bị chết trong chiếc xe tải được phát hiện ở hạt Essex (Anh) cuối tuần qua, đã khiến truyền thông Châu Âu rúng động. Mạng xã hội ở Việt Nam dày đặc những thông tin chia sẻ, ý kiến nhiều chiều về những may rủi của việc vượt biên, giấc mơ Châu Âu và những ảo vọng…

thamtrang3

Công nhân Việt Nam làm việc tại một công trường xây dựng ở Bucarest, ngày 26/10/2019. Adrian Catu / AFP

Con đường nhập cư lậu thường là sang Trung Quốc hoặc Nga rồi qua các nước Đông Âu, sau đó vào Tây Âu, và hướng đến ưa thích là Anh quốc. Nhiều gia đình đã vay mượn những số tiền lớn, đóng cho các đường dây để cho con ra đi, hy vọng được đổi đời, đặc biệt ở những vùng nông thôn nghèo miền Trung như Hà Tĩnh, Nghệ An…

Tuy nhiên có một điều mà người dân ít biết, và tất nhiên những kẻ buôn người không tiết lộ, là nhiều nước Đông Âu đang rất thiếu nhân công, đang mở cửa cho lao động từ Châu Á. Hãng tin Pháp AFP trong bài phóng sự hôm 28/10/2019 mang tên "Do thiếu lao động, Romania và Hungary tuyển mộ tận Châu Á", đã mô tả rõ hơn tình hình này.

Có ngân sách nhưng thiếu nhân công

Nón bảo hộ màu vàng đội trên đầu, khoảng ba chục công nhân làm việc tại một công trường ở phía nam Bucarest, trao đổi với nhau bằng tiếng Việt. Đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng đang đe dọa làm cho nền kinh tế sa sút, Romania đã trải thảm đỏ cho nhân công từ Châu Á.

"Bạn ơi, bạn ơi !" - Costel, một công nhân người Romania gọi một "anh bạn" Việt, trong nỗ lực phá vỡ hàng rào ngôn ngữ trên công trường xây dựng do tòa thị chính quận 4 của thủ đô Bucarest quản lý.

Ngoài giờ làm việc, khoảng thời gian giao lưu giữa hai nhóm chỉ hạn chế ở giờ nghỉ giải lao. Công nhân Việt thích hút thuốc bằng ống điếu được chế ra từ một ống nhựa PVC, và vào giờ ăn trưa, họ dùng bữa trưa trong gian phòng ăn với những món ăn Việt, do một đầu bếp người Việt Nam chế biến.

"Chúng tôi có tiền để cải tạo khoảng mấy chục tòa nhà xã hội, nhưng lại không có đủ nhân công". Thị trưởng Daniel Baluta, người đã quyết định tuyển người ở những nước xa xôi ngoài biên giới Liên Hiệp Châu Âu, giải thích với AFP như trên. Vốn là miền đất có nhiều người di cư sang Tây Âu trong khi tỉ lệ sinh sản thấp, toàn thể các nước ở phía đông Châu Âu đều phải đối mặt với nạn thiếu lao động.

Nước Hungary láng giềng dự kiến cấp 75.000 giấy phép lao động trong năm 2019 cho nhân công ngoài Liên Hiệp Châu Âu, tức gấp ba lần so với năm 2017. Đa số người lao động từ Ukraina tiếp tục đến, nhưng ngày càng có nhiều người từ Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ. Chính quyền của thủ tướng dân tộc chủ nghĩa Viktor Orban ít khi thông tin về chủ đề này, do việc từ chối nhận người nhập cư vẫn là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt trong chính sách ông Orban từ năm 2010.

Kẻ di cư, người nhập cư

Là đất nước có bốn triệu dân nhưng cư dân lại thích di cư sang các nước phương Tây làm việc để có tiền lương cao hơn, chỉ trong quý I năm 2019 Romania đã cấp hơn 11.000 giấy phép lao động, trong khi con số này trong cả năm 2018 là 10.500. Người Việt Nam, Moldova, và Sri Lanka là những quốc tịch được tuyển dụng nhiều nhất.

Đa số được tuyển mộ thông qua các công ty chuyên về nhân sự người Châu Á, mà số lượng đã bùng nổ trong thời gian gần đây.

Bà Corina Constantin, giám đốc công ty Multi Professional Solutions của Romania cho biết : "Ban đầu chúng tôi chỉ được những dự án nhỏ yêu cầu cung cấp người, nhưng từ ba năm qua, nhu cầu nhân công cho những dự án lớn đã tăng lên rất cao".

Theo một công trình nghiên cứu mới đây của công ty cung ứng lao động thời vụ Mỹ Manpower, có đến 4/5 chủ sử dụng lao động Romania gặp khó khăn trong việc tuyển người. Tại Hungary, người ta ước tính chỉ riêng trong lãnh vực kỹ nghệ đã thiếu từ 40.000 đến 50.000 công nhân.

Eva Toth, thuộc nghiệp đoàn kỹ nghệ hóa học của Hungary giải thích : "Không thể tiến hành những dự án quy mô mà không có lao động nước ngoài".

Để xây dựng một nhà máy sản xuất chất polyol tại Tiszaujvaros ở miền đông Hungary, một trong những công trường lớn nhất nước hiện nay, MOL, tập đoàn dầu khí chủ chốt của Hungary dự kiến tuyển dụng 2.500 lao động ngoại quốc, tương đương 25% quân số, vào thời điểm hoạt động dồn dập nhất.

Các nghiệp đoàn nghi ngờ lao động nước ngoài bị bóc lột

Theo thị trưởng Daniel Baluta, khoảng 500 người Việt Nam làm việc tại công trường ở quận của ông được trả lương 900 euro một tháng, đã trừ đi các khoản đóng góp ; tức cao hơn 1/3 so với lương trung bình ở Romania.

Nhưng nhà hoạt động công đoàn Dumitru Costin, người chịu trách nhiệm một trong các liên đoàn chính của Romania (BNS), đả kích "thái độ lạm dụng" của nhiều chủ sử dụng lao động đối với người nhập cư. Theo ông, các thanh tra lao động không thể kiểm tra được "các tiêu chuẩn tối thiểu về lao động" có được tôn trọng hay không, do không thể trao đổi trực tiếp với các công nhân.

Ông Costin nhận định : "Khi những người lao động này đi xa nhiều ngàn cây số để tìm việc, đương nhiên là họ phải tuân lệnh mà không dám hó hé, và làm thêm nhiều giờ phụ trội mà không được trả lương để không bị gởi trả về nước".

Còn ông Zoltan Laszlo, người đứng đầu nghiệp đoàn ngành luyện kim (VSZSZ) khẳng định, các nhân viên người Hungary chịu áp lực của những người quản lý, thường "nói rằng có thể thay thế họ một cách dễ dàng" bằng công nhân người Ukraina, Mông Cổ hay Việt Nam.

Nhà chuyên trách nghiệp đoàn Hungary Eva Toth nói với AFP : "Chúng tôi không chống đối việc tuyển dụng lao động người nước ngoài, vì nếu không công ty sẽ phải đóng cửa. Tuy nhiên nếu công nhân bản xứ được trả lương khá hơn, thì họ đâu phải rời đất nước ra đi".

Thụy My

Nguồn : RFI, 28/10/2019

********************

Người Việt di cư bất hợp pháp : Những giấc mơ không thành

Vụ phát hiện 39 thi thể trong chiếc container ở Essex (Anh) mà trong đó có nhiều người Việt Nam đang dấy lên những hồi chuông báo động về tình trạng lao động di cư bất hợp pháp từ Việt Nam ra nước ngoài.

thamtrang11

Một phụ nữ Yên Thành đứng bên cạnh một ngôi nhà đang xây, giấc mơ đổi đời của nhiều người

Số liệu trong báo cáo 'Precarious Journey ' (tạm dịch : 'Hành trình chông gai') của Ecpat UK, Anti-Slavery International và Pacific Links Foundation cho thấy, các năm từ 2009-2018, riêng tại Anh, đã có 3.187 người lớn và trẻ em Việt Nam được xác định là nạn nhân của nạn buôn người.

Trong vài năm qua, người mang quốc tịch Việt Nam được xác định là nằm trong nhóm ba nước đứng đầu về số lượng nạn nhân của nạn buôn người ở Anh.

Còn năm nay, Việt Nam tụt xuống bậc thứ hai, trên danh sách các nước cần được theo dõi về tình trạng buôn người, trong hệ thống ba bậc của phúc trình thường niên về tình trạng buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Theo báo cáo 'Precarious Journey' nói trên, có nhiều mạng lưới với những tuyến đường khác nhau để đến Anh. Một số qua ngả Trung Quốc và Nga, một ít người khác có thể đi máy bay trực tiếp đến Paris nếu họ có được thị thực Schengen qua Séc hoặc Hungary. Họ sẽ đến Hunary, Ba Lan và Cộng hòa Séc, nơi có cộng đồng người Việt ở đó và sau đó, tìm đường sang Anh. Nếu bay đến Nga, họ sẽ qua Belarus bằng xe tải rồi đi bộ qua các khu rừng để đến biên giới Ba Lan. Ở đó, một chiếc xe tải đang đợi và họ sẽ tiếp tục đến Warsaw, trước khi đi qua Đức và Bỉ để đến Paris.

Tại Paris, những lao động di cư phải chờ đợi trước khi chuyển đến một trại gần khu vực xe tải đậu trên đường cao ở Angres. Họ chờ ở đó để rồi náu mình trong những chiếc xe tải đi đến Calais và sau đó là qua Anh theo các gói, với giá khác nhau, tuỳ vào mức độ an toàn và sự hỗ trợ của những kẻ trong đường dây buôn người.

Điều kiện của hành trình vô cùng khó khăn, nhất là chặng từ Nga đến Ba Lan, vì họ phải chịu đói và lạnh, báo cáo cho biết thêm.

Nhưng không chỉ có một con đường sang Anh bằng cách qua Trung Quốc và Nga. Trên thực tế, nhiều nước khác đã được giới buôn người chọn làm điểm chuyển tuyến, thậm chí ngay cả các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan hay Malaysia.

Chị Hoa Nguyen-Adam, chuyên gia với 25 năm kinh nghiệm tư vấn cho các tổ chức phi chính phủ hành động chống tệ nạn buôn người cho BBC News Tiếng Việt biết qua điện thoại hôm 28/10 rằng, Malaysia - nơi chị đang làm việc - cũng là một điểm chuyển tuyến được nhiều đường dây lựa chọn. Từ Malaysia, người lao động sẽ mua vé sang Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và từ đấy bắt đầu vào Châu Âu, Đức, Hà lan, Bỉ. Nhưng Trung Quốc vẫn là tuyến phổ biến hơn, để từ đó làm giấy tờ vào Châu Âu.

Cũng theo báo cáo 'Precarious Journey,' bên cạnh các tuyến nói trên, gần đây, còn có một tuyến vận chuyển mới đi qua Peru (Lima), Brazil hoặc Cộng hòa Dominican ở Nam Mỹ sau đó sẽ đến Châu Âu, nhất là Pháp.

thamtrang12

Ông Lê Minh Tuấn, cha Lê Văn Hà, 30 tuổi, người được cho là nằm trong số 39 nạn nhân trong chiếc xe tải ở Essex

Chẳng hạn, tháng 12/2018, cảnh sát Tây Ban Nha với sự hỗ trợ EUROPOL, đã bắt giữ 37 thành viên của một tổ chức buôn người quốc tế bị cáo buộc đưa 730 người Việt Nam vào Tây Ban Nha qua điểm chuyển tuyến Nam Mỹ. Mỗi người phải trả 18 ngàn Euro và được đưa đi theo nhóm từ 6 đến 12 người.

Chị Hoa Nguyen nhận xét :

"Chưa nói đến những nguy hiểm của những người từ Châu Âu sang Anh như trường hợp 39 nạn nhân vừa phát hiện mà ngay cả với những người đi du lịch sang Malaysia, để từ đó, kiếm đường sang nước khác cũng đã rất nguy hiểm rồi. Không có ngoại ngữ, đường đi nước bước thì không biết, họ sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào những kẻ buôn người. Tôi đã gặp những trường hợp qua Malaysia, sau đó bị lừa bán vào các điểm mại dâm ở đây. Để rồi khi không còn làm được việc cho chúng thì bị chúng vất ra đường, không có giấy tờ gì cả. Có trường hợp đã học đại học mà vẫn bị lừa sang đây, rồi bị bắt và ra tòa".

thamtrang13

Những lao động di cư phần lớn xuất phát từ các khu vực nghèo ở Việt Nam

Giấc mơ đổi đời

Nghiên cứu 'En route to the United Kingdom ' (Tạm dịch 'Đường đến Anh') của Viện nghiên cứu Đông Nam Á đương đại ở Bangkok và France terre d'asile (Pháp) thực hiện trong năm 2017 cho thấy, rất nhiều trong số những lao động di cư đến Anh xuất phát từ tỉnh Nghệ An, đa số họ sống ở vùng nông thôn.

Những người di cư Việt Nam này mơ ước có một cuộc sống tốt hơn ở Châu Âu, nhất là Anh được họ coi như 'miền đất hứa.'

Ở Anh vốn đã có một cộng đồng người Việt và những kẻ buôn người hứa hẹn, họ sẽ dễ dàng tìm được việc trong các tiệm nail hay các nhà hàng. Hơn nữa, lao động di cư hy vọng, người quen của họ đã sang Anh từ trước sẽ giúp họ tìm việc.

Mục tiêu của họ là làm việc vài năm, trả hết nợ vay để làm lộ phí, gửi tiền về cho gia đình ở Việt Nam để giúp con cái học hành, xây nhà và tiết kiệm một khoản để nay mai trở về, bắt mở đầu cuộc sống mới.

Thừa nhận không phải tất cả những người ra đi đều là những người có hoàn cảnh quá khó khăn, kể cả khi hầu hết họ đều xuất phát từ các khu vực nghèo ở Việt Nam như miền Trung hoặc miền núi phía Bắc, chị Hoa Nguyen nhận xét :

"Có những người ở Thành phố Hồ Chí Minh nữa chứ có phải chỉ toàn vùng sâu, vùng xa. Trên thực tế, để kiếm được ngần ấy tiền bỏ ra chi phí cho chuyến đi, nhiều người trong họ không nghèo. Thậm chí có những bạn mà tôi gặp ở Malaysia, bị bắt và đưa về Việt Nam, khi gửi ảnh qua cho tôi, ngôi nhà của họ rất khang trang. Có những bạn xài những chiếc iphone xịn", chị Hoa Nguyen nói.

Các nghiên cứu về lao động Việt Nam di cư xác nhận nhận xét này.

Những người di cư Việt Nam phải bỏ ra một khoản tiền lớn để có thể đến Anh, có thể lên tới 33 ngàn bảng Anh. Khảo sát của AAT (tổ chức phi chính phủ quốc tế hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ và có hoàn cảnh khó khăn) cho thấy, những người di cư bị bắt quay về Việt Nam có mức sống trung bình, thậm chí một số gia đình có thể được coi là giàu có. Họ có nhà cửa khang trang, thậm chí ô tô hay sở hữu một doanh nghiệp, và có thể bỏ tiền ra cho con đi học ở Úc. Chỉ 10% hộ gia đình thực sự nghèo ở khía cạnh, họ không có nhà, sống cùng các thành viên khác trong gia đình hoặc nhà của họ đã bị chủ nợ xiết.

Có phải 'miền đất hứa' ?

Dễ dàng tìm công việc lương cao, ít khi bị cảnh sát kiểm tra và dễ dàng tìm kiếm con đường ở lại hơn so với các nước Châu Âu khác là những hứa hẹn, hy vọng và cũng là động lực chính khiến họ chọn Anh thay vì các quốc gia Châu Âu khác.

Chị Hoa Nguyen nói : "Nếu họ sống ở các vùng xa của Việt Nam, thu nhập của họ sẽ rất thấp hoặc khó kiếm được việc làm. Nhưng sang Anh, ngay cả đi làm nail thì họ cũng có thể kiếm hàng trăm ngàn mỗi ngày. Đấy là sự khác biệt rất lớn và là động cơ chính thôi thúc họ tìm đường ra đi.

"Hơn nữa, tâm lý của người Việt Nam là họ chỉ thấy nước Anh qua tấm ảnh hào nhoáng, còn những người đã đi thành công khi về, toàn kể về những mặt tốt đẹp của đời sống ở nước ngoài, chứ không ai nói về những ngày trốn chui trốn lủi, về những chuyến đi băng rừng trong đói khát để tìm miền đất hứa, về nỗi cơ cực của nghề làm móng hay cảnh bị ép sống trong những căn nhà trồng cần… Những kẻ buôn người thì chỉ toàn vẽ nên những viễn cảnh tươi đẹp.

"Ngay cả như sự việc 39 người này, có ảnh và những lời kể của gia đình trên các phương tiện truyền thông, nhưng nhiều người vẫn không tin đó là sự thật, và đi Anh là giấc mơ với nhiều người. Thường họ đi cả gia đình, trong đó có cả trẻ em sang trồng cần sa. Khi ở Anh, tôi đã từng gặp các em như vậy. Có em bảo, cả nhà sang, từ trẻ đến già còn đi được là kiếm tiền đưa sang", chị Hoa kể.

Nhưng thực tế luôn khác với mơ mộng. Theo khảo sát của AAT, 80% trong số họ đã không có được công việc như đã được hứa hẹn. Không biết tiếng Anh, không được giúp đỡ, họ chấp nhận làm bất kỳ công việc nào, ngay cả công việc có rủi ro cao nhất, như trồng cần sa, vì họ còn phải trả nợ.

Chiêu thức của những kẻ buôn người

"Thực sự là những kẻ buôn người rất khôn, chúng tận dụng các mối quan hệ quen biết, qua người thân hay làm quen trên Facebook, rồi gửi vé qua Zalo… Hầu hết giúp các trường hợp mà chúng tôi giúp đỡ đều môi giới với bọn buôn người qua quan hệ thân quen.

"Một cô gái mà tôi từng tham gia hỗ trợ để đưa về nước còn bảo, ôi bạn trai em sẽ cứu em, tức những kẻ môi giới thậm chí còn làm giả dạng làm bạn trai của các nạn nhân nữa. Có những trường hợp ra tòa ở Malaysia, nhưng sau cả 6 tháng đến 1 năm chúng tôi tiếp xúc để hỗ trợ, họ vẫn một mực tin vào những người đã đưa mình đi.

"Có những bạn thất bại, ra tòa rồi được hỗ trợ để về tái hòa nhập ở Việt Nam, nhưng rồi lại quay lại. Họ lại đi với hy vọng là sẽ không gặp thất bại như lần trước. Lại có những bạn ra đi thất bại nhưng lại được chính đường dây đã đưa đi huấn luyện để trở về chiêu dụ những con mồi mới", chị Hoa cho biết tiếp.

thamtrang14

Thắp hương và đốt nến cho 39 người chết trong xe tải ở Grays, Essex

Chống một tội ác

Bất chấp những nỗ lực của các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ khác, khoản tiền khổng lồ kiếm được từ việc buôn người khiến nó trở thành một ngành kinh doanh béo bở và tiếp tục phát triển mạnh ở Việt Nam.

Rất khó để các hoạt động tầm soát hay truy quét những kẻ buôn người hiệu qủa nếu không có sự phối hợp của cộng đồng.

Trong khi, theo như chị Hoa nhận xét, các hoạt động tuyên truyền vẫn chưa tới được với nhiều người ở các khu vực có nguy cơ cao.

Mặt khác, trong khi bọn buôn bán người đang săn mồi và tận dụng các phương tiện truyền thông xã hội để hoạt động ; còn những nạn nhân bị lôi kéo hay dụ dỗ qua mạng, thì các hoạt động nâng cao nhận thức vẫn theo kiểu cũ mà chưa tận dụng loại hình truyền thông này, theo chị Hoa.

Mặt khác, chính phủ ở nhiều nước Châu Âu trên đường trung chuyển có xu hướng xem nạn nhân của bọn buôn người như tội phạm hoặc không xem đó là chuyện của nước mình, theo báo cáo 'Precarious Journey,' cũng là điều khiến việc phòng chống trở nên khó khăn.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là cải thiện đời sống, tạo cơ hội phát triển và giảm bất bình đẳng xã hội ngay tại Việt Nam. Mà điều này đòi hỏi chính quyền nhận lãnh trách nhiệm của mình.

Không thể mãi xem những bi kịch như vụ 39 người tử nạn trên xe tải ở Anh là một "chuyện đáng tiếc".

Lê Viết Thọ

Nguồn : BBC, 29/10/2019

********************

Khi người Việt "chấp nhận ở tù" ở Anh

An Viên, VNTB, 30/10/2019

"Nạn nhân" nhưng không phải nạn nhân, và người Việt chấp nhận "ở tù" nơi xứ người.

thamtrang15

Những ngôi nhà cao tầng khang trang ở xã Đô Thành (Yên Thành) được xây dựng từ nguồn xuất khẩu lao động.

Chấp nhận cả cái… chết

Di chuyển bằng hộ chiếu giả, xâm nhập bất hợp pháp vào Anh, xóa bỏ toàn bộ giấy tờ có liên quan, và chịu cảnh sống chui nhủi. Nhiều những người Việt tại vùng đất cách mạng Thanh – Nghệ - Tĩnh chấp nhận "ly hương", "chết", và "không tổ quốc" để có thể trở thành "người rơm" (trồng cần sa) tại Anh Quốc.

Họ là "nạn nhân" của đường dây trồng cần sa một cách… tự nguyện. Vì mong muốn lớn nhất : đổi đời.

Bị lạm dụng thể chất và tình dục, những rủi ro trên đường đi và làm việc đều được những "người rơm" chấp thuận.

Anh Quốc vẫn là quốc gia trọng điểm của nạn di cư bất hợp pháp, và Việt Nam là "nguồn xuất khẩu" như thế.

39 người đã chết, phần nhiều hoặc nhiều hơn thế đã chết trong một container đông lạnh. Nhưng khao khát "trời Tây" và nguồn tiền lớn gửi về cho gia đình là điều lớn hơn cả cái chết, khi họ bắt đầu chấp nhận chuyển tiền cho môi giới.

Kết hôn giả, giả mạo tỵ nạn, hay nhiều những phương cách mà giá khởi đầu ở mức 30.000 bảng Anh để có thể hiện diện tại Anh Quốc.

Trang aljazeera trong một bài viết ngày 29/10 [1] đã liên lạc được với một thiếu niên 17 tuổi và đang làm việc tại một trang trại cần sa ở Ilford, phía đông London.

"Nông trại" là một ngôi nhà bậc thang ở ngoại ô, nhưng bị lấp đầy bởi cây cần sa. Nguồn điện được sử dụng để "nuôi dưỡng" cần sa trong hầm tối được "ăn cắp" bằng những thủ tịch khéo léo.

"Người rơm 17 tuổi" không được rời khỏi nhà, không nói được tiếng Anh, bị tịch thu hộ chiếu, ngủ dưới nệm cầu thang suốt thời gian làm việc. Ở nơi đó, giá trị cây cần sa cao hơn mạng sống.

"Ở trong nhà giống như ở trong tù", thiếu niên 17 nói. Và "ước mơ", ngày nào đó đủ tiền sẽ rời "nông trại".

Kiều hối… máu và nước mắt

"Tiền gửi về gia đình" để mua ô tô mới, xe máy và cải tạo nhà. Đó là động lực và là cách mà nhiều người dân ở vùng đất cách mạng tâm niệm đã góp phần không nhỏ vào kiều hối của ba tỉnh này nói riêng và Việt Nam nói chung.

25 triệu bảng Anh (tương đương 713 tỷ đồng Việt Nam) là số tiền mà băng đảng trồng cần sa người Việt gồm 21 người đã gửi về Việt Nam, trong một phiên tòa diễn ra ngày 27/9 [2].

Băng đảng xã hội đen người Việt hình thành ngay trong lòng những nước Tây Âu, và nhiều trong số đó làm chủ ngành thương mại cần sa trị giá đến 2,6 tỷ bảng Anh/ năm.

Một báo cáo của tổ chức Anti-Slavery International, ECPAT UK và Pacific Links Foundation cho biết, hơn 3.100 người lớn và trẻ em Việt Nam được xác định là nạn nhân buôn người tiềm năng trong giai đoạn 2009 - 2018.

Xã Đô Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), là xã "giàu có bậc nhất Nghệ An", và nguồn tiền phần lớn đến từ "mưa sinh trời Âu" gửi về.

Báo Nghệ An ngày 21/3/2019 trong một bài báo với tiêu đề "Quê lúa Nghệ An mỗi năm nhận 200 triệu USD kiều hối".

Thuộc tính vùng đất cách mạng duy trì nguyên tắc, khi "làm ăn được" thì "anh em, họ hàng cùng xuất ngoại". Con số mà người lao động trẻ gửi về mỗi năm cho mỗi hộ gia đình tại vùng quê giàu có này trung bình ở mức 1,5 tỷ đồng/năm. Nơi đây có hơn 300 tỷ phú với số tiền trên 10 tỷ đồng và xã đã đạt chuẩn "nông thôn mới" vào năm 2018.

Xuất khẩu và lao động

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu trong một bài viết liên quan đến vụ người Việt chết tại trời Âu nhận định rằng, khi nào còn xuất khẩu lao động thì còn vượt biên bất hợp pháp. Thực ra quan điểm này là "hẹp hòi", vì bất kỳ một quốc gia nào cũng có lao động di cư dưới nhiều hình thức khác nhau.

Cũng chính vì vậy mà Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) đã có hẳn nhiều công ước (Công ước 97, Công ước 143) liên quan đến người lao động di cư, trong đó thiết lập các điều liên quan đến lương bổng, giờ làm, đòi hỏi tuổi tối thiểu, an toàn lao động và sức khỏe, cũng như quyền tự do rời khỏi lao động ép buộc hoặc cưỡng bức.

Về mặt kinh tế, xuất khẩu lao động không chỉ đơn thuần là đem lại nguồn tiền kiều hối, mà còn thay đổi cuộc sống gia đình ở quê và nâng cao tay nghề của người lao động Việt.

Do đó, vấn đề ở đây chính là chính quyền địa phương cần siết chặt đối với các loại hình lao động bất hợp pháp, điều diễn ra ở nhiều năm và ở nhiều tỉnh thành. Bởi nguồn lao động bất hợp pháp gắn với các loại hình lao động bất hợp pháp đem lại nguồn thu còn cao hơn rất nhiều lần so với lao động hợp pháp. Và thực tế cho thấy, chính quyền các tỉnh, đặc biệt là Thanh-Nghệ-Tĩnh thiếu sát sâu trong rà soát hiện tượng lao động chui xảy ra trong nhiều năm qua, mà chỉ quan tâm đến nguồn "kiều hối" chuyển về. Thế nên mới có chuyện, khi sự kiện 39 người xảy ra thì UBND tỉnh Nghệ An mới ban hành văn bản đề nghị "các địa phương thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ các đơn vị tuyển dụng lao động hoạt động trên địa bàn để phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên lĩnh vực này".

Trong khi chính quyền còn chưa "sâu sát" trong tình hình lao động và cả tạo việc làm cho người lao động tại quê hương, thì nhiều những người "lũ lượt ra đi, bán mình" với khát vọng đổi đời, trả nợ.

Do đó, dừng phán xét, trách móc, thóa mạ người đã chết. Bởi đó là một thảm kịch của người Việt, thảm kịch của thời kỳ mà khốn khó đã khiến người ta ly hương, đất không còn lành để chim có thể đậu. Chúng ta người Việt dựa vào nhau và cảm thông cho họ : những cảnh đời khốn khổ biệt ly.

An Viên

Nguồn : VNTB, 30/10/2019

Chú thích :

[1] https://www.aljazeera.com/news/2019/10/abu-bakr-al-baghdadi-isil-191028140353503.html

[2] https://tuoitre.vn/anh-tuyen-an-nhom-nguoi-viet-trong-can-sa-trong-nha-thu-tien-ti-20190927221453475.htm

*******************

Lời kể của phụ nữ Việt 'mua vé xe tải' vào Anh

Cái chết thương tâm của 39 di dân trong chiếc xe tải đông lạnh khiến dư luận Anh bàng hoàng.

thamtrang18

Người nhập cư trái phép từng trèo lên các chuyến xe tải từ Pháp vào Anh như thế này cho đến khi khu lều trại ở Calais, Pháp bị đóng

Người dân địa phương tại Grays, Essex, nơi vụ việc được phát hiện, nói với BBC News Tiếng Việt rằng họ không thể hiểu nổi làm sao chuyện đó có thể xảy ra.

Nhưng những di dân, trong đó có người Việt, khi quyết định tìm cách vào Anh bất hợp pháp, họ có biết sẽ phải đối diện với một hành trình kiểu như thế không ?

'Giao dịch hoàn tất khi tôi tới Anh'

Lan (không phải là tên thật), từ Việt Nam tới Anh vào năm ngoái.

Nói chuyện với Bình Khuê của BBC News Tiếng Việt qua điện thoại internet, Lan nói cô quyết định ra đi tuy "đã biết đây là con đường bất hợp pháp", và may mắn là hành trình của cô kéo dài một tháng, "khá là nhanh so với những người khác".

Kể về quá trình từ lúc rời nhà, một tỉnh thuộc miền bắc Việt Nam, đến khi tới Anh, Lan nói cô phải đi thành nhiều chặng, với "hai hoặc ba điểm dừng chân".

Không tiết lộ đó là những điểm nào, nhưng Lan cho biết tại mỗi nơi, cô phải ở lại chờ trong khoảng một tuần.

Hành trình của những người đi từ Việt Nam "thường thì phải trải qua một quãng đường khá dài, khá là gian nan", Lan nói, và người đi "ngay từ đầu đã xác định là rất khó khăn".

Đây rất có thể là lý do khiến các di dân người Việt thường cố mua 'vé VIP', giá cao hơn giá 'vé thường', để hy vọng chuyến đi sẽ an toàn, trót lọt hơn, Lan giải thích, tuy không nói cô đi theo dạng vé nào.

Cô cho biết trong trường hợp của cô, người môi giới "chỉ là người tạo điều kiện cho mình đi" an toàn, chứ không hứa hẹn gì về cơ hội kiếm tiền hay công ăn việc làm sau đó.

Lý do lựa chọn ra đi

Các di dân bất hợp pháp thường được cho là ra đi vì kinh tế, nhưng Lan nói trường hợp của cô không phải vậy.

"Tôi có rất nhiều lý do riêng để có mặt ở đây vào lúc này", cô nói. "Khi ở Việt Nam, gia đình tôi cũng được coi là một gia đình khá giả".

"Tuy nhiên, đến một giai đoạn nào đấy, tôi gặp phải rất nhiều khó khăn, khó khăn về nhiều chuyện, mọi thứ không được trôi chảy. Đột nhiên có một lựa chọn là sang đây".

"Ngay từ lúc ở nhà tôi đã biết đây là con đường bất hợp pháp và sẽ có rất nhiều khó khăn, rủi ro. Tất nhiên là tôi biết, nhưng rồi tôi vẫn lựa chọn sang đây. Đó cũng là một sự đánh đổi rất lớn".

"Lúc quyết định ra đi, tôi không xác định quá nhiều về việc sang đây để làm cái gì. Cuộc sống của tôi ở Việt Nam khá nhiều áp lực, khó khăn, cho nên tôi muốn chọn một cuộc sống mới".

'Cuộc sống ở Anh không phải như người ta vẫn mơ'

"Việc sang bên này làm gì hay sống thế nào, [người môi giới] chưa từng đề cập đến với tôi. Tất cả đều phải dựa vào mối quan hệ của mình từ Việt Nam, hoặc sang đây rồi nhờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng", Lan giải thích.

Nếu như đường dây giúp đưa ra nước ngoài không hứa hẹn gì về công ăn việc làm thì liệu có phải những người như Lan đã có những mối quan hệ hoặc có sự hiểu biết nhất định về thị trường công ăn việc làm hoặc cơ hội kiếm việc làm ở Anh rồi mới đi ?

Lan không trả lời trực tiếp câu hỏi này, chỉ nói "nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng mà tôi cố gắng sống sót, bám trụ đến bây giờ".

Kể về cuộc sống một năm qua, Lan nói khi mới sang, cô "khá sốc".

"Giai đoạn đầu thực sự là khó khăn. Mình đến một đất nước mới, mọi thứ đều mới, khi ra đường họ dùng ngôn ngữ khác mình, mọi người đều khác mình. Tôi cảm thấy lạc lõng, cô đơn giữa thế giới này".

"Nhưng đây là cuộc sống mà mình đã lựa chọn cho nên tôi phải sống tiếp".

Lan cũng muốn chia sẻ tâm sự với những ai đang định đi như mình :

"Con đường các bạn chuẩn bị đi hoặc mong muốn đi là bất hợp pháp. Dù mục đích có là gì thì đó vẫn là con đường sai lầm".

"Tuy nhiên, tất cả mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó. Có những người thông cảm được cho lý do của các bạn, và sẽ có những người không chấp nhận được lý do đấy".

"Nhưng nói một cách ích kỷ một chút thì cuộc sống của mình là của mình, không ai có thể sống thay cho mình, không ai có thể quyết định thay cho mình được. Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định gì thì cũng mong các bạn suy xét thật kỹ".

"Thực sự, Anh Quốc không phải giống như người ta vẫn từng mơ. Người ta vẫn nghĩ rằng đi ra nước ngoài mọi sự dễ dàng hơn, kiếm tiền dễ, có thể gửi được nhiều tiền về để giúp đỡ gia đình, để xây nhà to cho bố mẹ, để giúp nuôi các em ăn học."..

"Thực ra không phải thế. Đằng sau đó có rất nhiều góc khuất. Đằng sau những đồng tiền đó là mồ hôi, nước mắt, là những ngày làm việc rất dài, là những bữa ăn rất vội, là những cuộc sống khó khăn, là sự cô đơn mỗi khi đêm về, rất nhiều thứ phải đánh đổi".

"Tôi cũng mong những người đang ở Việt Nam có cái nhìn cảm thông hơn, nhân hậu hơn đối với các nạn nhân và những người Việt Nam đang còn ở nước ngoài, đang phải sống cuộc sống theo tôi là khá khó khăn".

Bình Khuê

Nguồn : BBC, 29/10/2019

*******************

Châu Âu, ảo ảnh miền đất hứa của một số thanh niên miền trung Việt Nam

Thụy My, RFI, 29/10/2019

Nghèo túng, không tìm được chỗ đứng trong xã hội và hy vọng về một cuộc sống tươi đẹp hơn đã thúc đẩy nhiều thanh niên nông thôn miền trung Việt Nam vay nợ để cố gắng nhập lậu và Tây Âu, hoàn toàn không ý thức được các rủi ro cũng như nỗi thất vọng đang chờ đợi đối với đa số người.

thamtrang19

Di ảnh anh Nguyễn Đình Tứ, mà gia đình tại Nghệ An, Việt Nam tin rằng nằm trong số 39 nạn nhân trên chiếc xe tải định mệnh ở Anh. Ảnh chụp ngày 26/10/2019. Reuters/Kham

Những nguy hiểm của các chuyến tương tự đã được nhắc nhở trong tuần rồi, sau khi phát hiện xác của 31 người đàn ông và 8 phụ nữ trong một xe tải kéo theo container lạnh ở Essex, gần Luân Đôn. Cảnh sát Anh ban đầu cho rằng các nạn nhân là người Trung Quốc, nhưng nay dường như đa số là người Việt Nam.

Nhiều người Việt nhập cư lậu có nguyên quán là các tỉnh miền trung, họ phải lưu lạc xứ người chủ yếu vì không có được việc làm ổn định, và cuộc sống buồn tẻ ở nông thôn.

Rất quen thuộc với mạng xã hội, nhiều thanh niên chưa đầy 30 tuổi, tin vào những lời bình trên Facebook và tiền bạc do người thân sống ở Anh, Pháp, Đức gởi về.

Những mạng lưới đưa người vượt biên có chân rết ở Việt Nam và Đông Âu tổ chức những chuyến đi này, với cái giá có thể lên đến 40.000 đô la. Để có được số tiền lớn ấy, những người muốn ra đi thường phải lao vào vòng xoáy nợ nần – theo các nhà chuyên môn và lời chứng của các gia đình. Nhà nghiên cứu Nadia Sebtaoui ở Paris nói với AFP : "Những người môi giới vẽ vời ra một nước Anh như là miền đất hứa".

"Không ý thức được thực tế"

Các đường dây vượt biên hứa hẹn với di dân bất hợp pháp số tiền lương hàng tháng 3.000 bảng Anh (3.500 euro) tại Anh quốc, tương đương ba năm lương tại các tỉnh nghèo nhất của Việt Nam. Nhưng thực tế thường khác hẳn. Oằn lưng dưới gánh nợ đã vay để ra đi, nhiều người nhập cư lậu có nguy cơ bị bóc lột.

Theo bà Sebtaoui, "họ hoàn toàn không ý thức được thực tế công việc ở Châu Âu". Nhiều người rốt cuộc vào làm tại các tiệm nail, hay các trại trồng cần sa bất hợp pháp, thậm chí bán dâm, với hy vọng kiếm tiền thật nhanh.

Đa số những người nhập cư lậu đến từ vài tỉnh ở miền trung Việt Nam như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình – theo báo cáo của tổ chức phi chính phủ Anti-Slavery International, ECPAT UK và Pacific Links Foundation. Khu vực này không được hưởng lợi từ sức bật kinh tế của đất nước trong thập niên vừa qua, và đối với đa số thanh niên, họ chỉ có thể tìm được những việc làm khiêm tốn tại các nhà máy, trên công trường hay đồng ruộng. Trong khi đó, những câu chuyện người nhập cư thành công ở nước ngoài được kể lại trong làng, nơi một số cư dân đổi đời nhờ kiều hối.

Lên đời xe gắn máy thay vì xe đạp

"Chúng tôi sống nhờ tiền từ nước ngoài gởi về" - chú của anh Nguyễn Đình Tứ, 27 tuổi, một trong số các thanh niên nghi là đã mất trong chiếc xe tải, thổ lộ. Tại làng Phú Xuân ở tỉnh Nghệ An, nở rộ những dấu hiệu làm giàu ở nước ngoài, như những ngôi nhà xây đã thay thế cho những căn nhà lụp xụp, hay những chiếc xe gắn máy thay cho xe đạp cọc cạch.

Người chú của Nguyễn Đình Tứ, ngồi trong ngôi nhà trị giá 13.000 euro mà đứa cháu đã giúp xây lên, cho biết : "Tiền bạc từ nước ngoài đã làm thay đổi bộ mặt của làng này, vì vậy đám trẻ mới ra đi". Bà Nadia Sebtaoui nói rằng đó là một số tiền đáng kể, tại một tỉnh mà thu nhập bình quân đầu người hàng năm chỉ có khoảng 1.200 đô la.

Tại vùng đất này của Việt Nam, không khó tìm ra ai đó có thể giúp vượt biên nếu sẵn sàng chi tiền. Hướng đến đơn giản nhất là Nga, chỉ cần có visa du lịch hay một hộ chiếu giả là đủ. Từ đó, đường dây sẽ giúp di dân đi đến Tây Âu.

Người Việt chỉ mới định cư ở Đông Âu sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, hoặc với tư cách người tị nạn, hoặc trong khuôn khổ chương trình hợp tác lao động với Liên Xô.

Đa số người nhập lậu tiếp tục đi từ Đông Âu đến Tây Âu, nhiều người phải chờ đợi trong những lán trại tạm bợ ở miền bắc nước Pháp, để lên xe tải vượt biển Manche. Họ phải trả rất nhiều tiền cho đường dây, vì xe tải được coi là phương tiện tốt nhất để đến Anh – theo bà Sebtaoui.

Nhưng Luân Đôn ngày 28/10/2019 loan báo sẽ tăng cường tuần tra biên giới, sau thảm kịch ở Essex. Bộ trưởng Nội Vụ Priti Patel khẳng định trước Hạ Viện "kể từ hôm nay, chính quyền Bỉ chấp nhận cho triển khai thêm các nhân viên di trú Anh tại cảng Zeebruges".

Miền đất hứa như vậy càng lùi xa thêm…

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 521 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)