Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/10/2019

Nghĩ gì về thảm trạng lao động xuất khẩu và di dân lậu Việt Nam hiện nay

Nhiều tác giả

Vì sao chết ngạt trên đất người ?

Ngô Nhân Dụng, Người Việt, 29/10/2019

Trong buổi lễ tại giáo xứ Yên Thanh ở tỉnh Nghệ An, Linh Mục Đặng Hữu Nam nói với đồng bào rằng chúng ta đến đây để cầu nguyện cho 39 người thiệt mạng trên đường tới nước Anh, phần lớn là người từ Việt Nam. Nhưng trước hết ông cũng nói mọi người cầu nguyện cho công lý, hòa bình, và cho "những nạn nhân của xã hội".

thamtrang4

Gia đình cô Bùi Thị Nhung, tỉnh Nghệ An, một trong 39 người nghi chết ở Anh Quốc ngày 23 Tháng Mười, 2019, trên đường nhập lậu, lập bàn thờ cô tại nhà hôm 28 Tháng Mười. (Hình : Linh Phạm/Getty Images)

Có tới 30 người trong số 39 thi hài tìm thấy trong một xe vận tải ở khu công nghiệp Grays, cách trung tâm thành phố London 32 km có thể xác nhận là người Việt, từ Nghệ An, Hà Tĩnh.

Cha mẹ cô Phạm Thị Trà My, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nhận được những bản thông điệp cuối cùng của con gái viết trong chiếc xe quan tài, "Con xin lỗi bố mẹ, con đường đi nước ngoài không thành, con chết vì không thở được, con thương bố mẹ nhiều, mẹ ơi con xin lỗi mẹ…". Có thể tưởng tượng cô Trà My đã viết trong khi đứng, vì cái container làm sao đủ chỗ nằm cho 39 người đang chết ngạt !

Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đang sống trong không khí tang tóc. Nước Việt Nam đang sống trong tang tóc. Trong các xã hội văn minh, khi có hơn 20 người dân chết bất đắc kỳ tử, chính quyền sẽ yêu cầu cả nước để tang. Treo cờ rủ. Ngưng các buổi ca vũ, phòng trà đóng cửa. Các đài phát thanh, truyền hình, báo chí cũng để tang. Không biết ở các nước cộng sản có làm như vậy hay không.

Nhưng đã thấy người Việt trong và ngoài nước để tang các nạn nhân trên mạng xã hội.

Nhà thơ Trần Mộng Tú đọc chuyện cô Phạm Thị Trà My đã xúc động :

"Trước hơi thở cuối cùng

người con gái nói

Mẹ cha ơi

cho con xin lỗi

con xin lỗi đã để lại cho mẹ cha

nỗi đau trong tim và món nợ trong đời

không biết đến bao giờ mẹ cha mới hết đau

bao giờ mẹ cha trả hết nợ"

Trần Mộng Tú nhớ ra đất Nghệ An, Hà Tĩnh đã từng là nạn nhân của công ty Formosa, với hàng triệu con cá chết nằm phơi trắng những bãi cát dài. Trà My chết không khác gì một con cá.

"Người con gái đó cũng tới từ miền Trung

Nơi vùng biển có những con cá con

Xin lỗi mẹ, ngáp hơi thở cuối…"

Nhà thơ Cánh Vạc Tím thương nhớ các nạn nhân đã cố ý nhại thơ Chế Lan Viên đặt những câu hỏi :

"Đất nước đẹp vô cùng sao em phải ra đi ?

Đất nước đẹp giàu sao anh cũng ra đi ?

Tại sao em phải ra đi ? Tại sao anh cũng ra đi ?

Tại sao ? Tại xã hội ! Xã hội là cái gì ?"

Từ Sài Gòn, bà Nguyễn Thị Hậu chợt nhớ lại những "nạn nhân của xã hội" đã được báo, đài loan tin trước đây. Bà kể đến 152 "du khách" Việt mất tích ở Đài Loan. Đến chín người mất tích ở Nam Hàn sau khi "đi nhờ" chuyên cơ của bà chủ tịch Quốc Hội. Bà nhớ cả bao nhiêu người đã qua Lào, Thái Lan lao động chui, các cô gái qua Singapore, qua Malaysia "làm gái". Và xa hơn, các cô gái miền Tây được trưng bày, không quần áo, như những món hàng cho các người Đài Loan, Nam Hàn mua về làm vợ, làm đầy tớ, có khi làm nô lệ tình dục của nhiều người.

Ai là xã hội ?

Cái xã hội nào đã gây ra tình cảnh tang thương của những người Việt Nam bất hạnh đó ? Có thể kể tên các "…mạng lưới buôn người" có tổ chức, hoạt động rất táo bạo và tinh vi khắp thế giới như bà Nguyễn Thị Hậu kết án.

Nhưng các mạng lưới buôn người không thể hoạt động mạnh mẽ, táo bạo nếu không có các quan chức tham nhũng trong đảng và nhà nước, vì ở mỗi địa phương họ đều biết rõ các mạng lưới này mà không ngăn cản. Những món tiền mà cha mẹ các nạn nhân vay mượn, mỗi người tốn 10.000 USD tới 18.000 USD này sẽ chia cho chác bao nhiêu cho các cán bộ đảng viên?

Cô Trà My là một trong những nạn nhân của xã hội, như Linh mục Đặng Hữu Nam nói. Tức là nạn nhân của tất cả chúng ta.

Trần Mộng Tú nhìn tận gốc của cái "xã hội" đã gây ra những thảm cảnh trên đất nước :

"Hơn bốn mươi năm sau đất nước thanh bình
Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không ?

Sao người dân dại dột thế

Đang ấm no vẫn theo nhau bỏ trốn đi"

Câu "Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không ?" được nhà thơ đánh dấu chính là lời của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đất nước có bao giờ được thế này không ?

Trên đất nước Việt Nam có bao giờ người dân bỏ đi hàng loạt như thế này không ?

Thời thực dân, thời chiến tranh tàn phá, người Việt Nam không  trốn bỏ đi hàng ngàn, trăm ngàn, hàng triệu như thế này !

Nhà thơ Cánh Vạc Tím khóc các anh chị em chết ngạt trong xe tải ở Anh Quốc cũng hồi tưởng đến hàng trăm ngàn, hàng triệu những người chạy trốn chế độ Cộng Sản:

"Nhìn mấy chục người bỏ mạng… chốn tha hương

Tôi chợt nhớ cảnh bốn mươi năm trước

Khi những ‘thuyền nhân’ liều mình xuôi ngược

Vượt biển băng rừng… tìm bến ‘Tự Do’ !"

Khi Linh mục Đặng Hữu Nam nói đến các nạn nhân của xã hội, ông ngầm nói đến cái gọi là Chủ Nghĩa Xã Hội!

Những người vượt biển tìm tự do 40 năm trước và những người Việt trẻ tuổi ra đi vì sinh kế ngày nay đều là nạn nhân của đảng cộng sản Việt Nam! Cả xã hội Việt Nam đã bị giam trong cái nhà tù vĩ đại của Đảng cộng sản. Chính họ là cái "xã hội" gây ra các thảm cảnh cho dân tộc suốt 44 năm qua.

Và đất nước chịu thiệt thòi! Trong 24 người mới chết tha hương, họ phải là những con người khỏe mạnh, nhiều người thông minh, khôn ngoan và gan góc, can đảm. Ở một quốc gia khác, họ có thể đóng góp xây dựng quê hương! Nhưng họ đã không có cơ hội nên mới phải trốn đi. Dân tộc Việt Nam đã mất bao nhiêu người thông minh và can đảm từ năm 1975 đến nay! Nghĩ có tiếc không? Có thương không ?

Bà Nguyễn Thị Hậu xót xa, "Người dân Anh đã thắp nến tưởng niệm, chia sẻ với những người xấu số đã chết trên đất Anh…".

Nhưng bà không quên đặt câu hỏi về trách nhiệm của đảng cộng sản : "…Còn chúng ta vẫn đang chờ đợi nhà nước lên tiếng… Chúng ta cứ chờ đợi như thế bao nhiêu năm nay, và những dòng người vẫn tiếp tục liều mạng ra đi…".

Bà nói riêng với cô cháu gái Hà Tĩnh xấu số : "Là một người mẹ, cô xin lỗi con, Phạm Thị Trà My, vì… đã không thể làm gì khác…".

Người Việt Nam nào cũng có thể nghĩ như bà Hậu. Chúng tôi xin lỗi tất cả các cháu, các em. Chúng tôi, tất cả mọi người Việt đều chịu chung trách nhiệm khi chỉ biết chờ đợi! Để cho những các anh, các chị vẫn phải xin cha mẹ vay mượn, trả tiền rồi liều mạng ra đi. Vì không thể sống trên đất nước mình !

Đến bao giờ mình mới hết cảnh những người chạy trốn đất khỏi nước Việt Nam ? 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 29/10/2019

************************

Tình người, tình đồng loại của người Việt ?

JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 29/10/2019

Đoàn kết và chia rẽ

Rất nhiều những ý kiến từ trong ra ngoài nước, khi thấy chế độ cộng sản ngày càng tác oai tác quái trên đầu trên cổ người dân, đưa cơ đồ đất nước đến chỗ tan nát, suy đồi trong sự uất ức của người dân, hầu hết đều đặt câu hỏi : Tại sao người dân không biết đoàn kết lại để đấu tranh ? Tại sao không cùng biết đồng tâm, hợp lực để cùng chiến đấu lại chế độ cộng sản ?

Và câu trả lời : Thiếu sự đoàn kết, chia rẽ lẫn nhau làm mất sức mạnh.

thamtrang5

Chỉ riêng việc 39 người dân chết trong container tại Anh, một sự kiện làm chấn động cả thế giới, khắp năm Châu đều xúc động và thương cảm.

Ai cũng hiểu rằng để có sức mạnh, cần một sự đoàn kết chặt chẽ mới tạo nên được sức mạnh để làm một công việc khó khăn nào đó, nhất là một cuộc đấu tranh thay đổi chế độ mà khi chế độ đó cậy vào súng, nhà tù và không ngại sự tàn bạo, bạo lực.

Thế nhưng, đoàn kết không có nghĩa là mọi người đều giống nhau, đều thân ái với nhau và đồng thuận mọi vấn đề. Đoàn kết chỉ có thể có khi tất cả cùng hướng tới một mục đích chung, cùng hành động vì mục đích đó, khi đó sẽ có sự đoàn kết.

Vì vậy, việc đặt ra vấn đề đoàn kết, nên đặt trong một trường hợp hành động, phong trào cụ thể khi mà những mục đích đặt ra là thiết thực cho tất cả mọi người.

Tình người, tình đồng bào

Có điều, với người Việt, có lẽ điều thiếu nhiều nhất và ngày càng thiếu, đó là tình người và tình đồng bào với nhau.

Chỉ riêng việc 39 người dân chết trong container tại Anh, một sự kiện làm chấn động cả thế giới, khắp năm Châu đều xúc động và thương cảm.

Những người trên đất nước Anh, họ chính là nạn nhân của việc di cư nhập lậu, khi bỗng nhiên những người từ đâu đâu, chui nhủi bằng đường đi lậu đến đất nước họ gây ra những phiền toái về tiền bạc, về con người, về an ninh xã hội… và kể cả khi chết gây cho đất nước họ những sự phức tạp khó khăn.

thamtrang6

Thế nhưng, trước những cái chết oan nghiệt này, khi mà hàng chục con người quẫy đạp nhau, chết ngạt trong chiếc thùng sắt bịt kín, cào cấu để mong tìm một chút hơi thở của sự sống mà không thể, để rồi từ giã cõi đời trong đau đớn, giá lạnh đã làm lay động tâm hồn họ, tình người với con người.

Từ Thủ tướng Anh đến các nhà lãnh đạo những đất nước mà chính họ là nạn nhân trong vụ chết người này, đều bày tỏ một thái độ hết sức thương tiếc, đúng mực với những người đã chết.

Nhìn những cảnh sát Anh cúi đầu khi chiếc xe chở những người xấu số kia đi qua, chúng ta thấy được thái độ tôn trọng của họ. Những ngọn nến thắp lên trên nhiều nơi trên thế giới, bởi những người hoàn toàn không cùng dòng máu, không cùng màu da, không cùng dân tộc với những nạn nhân này, đã nói lên một điều rất lớn lao trong họ : Tình người.

Những linh hồn xấu số kia, khi bỏ xác một nơi xa xôi lạnh lẽo, cũng chút nào được sưởi ấm, an ủi đôi chút với tình người từ một đất nước xa xôi mà lẽ ra phải coi họ là thù địch.

Thế nhưng, tại Việt Nam, không cần nói nhiều đến nhà cầm quyền độc tài cộng sản họ đã tỏ thái độ như thế nào. Hầu như, những hành động và lời nói, thái độ của họ bày tỏ sự dửng dưng trước số phận con dân mình.

Quốc hội vẫn họp, quan chức vẫn chia chác, vẫn dạy đạo đức cách mạng… đủ cả. Trừ sự hợp tác tích cực với những nạn nhân và những đất nước liên quan để giúp đỡ các nạn nhân. Thậm chí, khi những nhà báo, những người tận nước Anh xa xôi đến đây tìm hiểu, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam còn đuổi họ đi một cách tàn bạo. 

Không chỉ nhà cầm quyền, mà sau khi những cái chết được thông tin rộng rãi, xác định là người Việt Nam, thì nhân thân các nạn nhân được "cư dân mạng" đào bới và bắt đầu một cuộc cãi vã vô tiền khoáng hậu.

Bên cạnh nhiều những lời đau thương, nhiều chỉ trích, nhiều bài viết tìm nguyên nhân chính cho những thảm họa, những bất hạnh này có cội nguồn từ chế độ độc tài mà sinh ra.

Chế độ độc tài cộng sản đã "lãnh đạo đất nước tài tình" đến mức một đất nước "rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu, nhân dân dũng cảm và cần kiệm" đã trở thành một nơi mà người dân phải sợ hãi, tránh xa môi trường đó bằng mọi con đường chạy ra nước ngoài.

Từ khi có chế độ cộng sản du nhập vào đất nước này, những làn sóng người dân Việt tiếp tục ra đi và hết đợt này đến đợt khác không dứt.

Có thể có những người phải ra đi vì một chế độ chính trị hà khắc, cũng có thể có những người chạy đi vì một đời sống nghèo khổ quá sức chịu đựng, thậm chí cũng có thể có những người ra đi vì họ không thể thích ứng với môi trường hiện nay.

Đủ cả mọi lý do để con người ra đi. Nhưng, tất cả, họ đều là nạn nhân của một chế độ độc tài tàn bạo, một chế độ bán nước, hại dân.

Bởi không có một ai muốn từ bỏ đất nước, quê hương mình mà ra đi đến những nơi xa lạ không định trước tương lai mình ra sao, chẳng có gì đảm bảo cho cuộc sống của mình sắp tới. Người ta chỉ bỏ ra đi khi chẳng đặng đừng.

Và hàng loạt nhà thờ đã thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân xấu số, cầu nguyện không chỉ cho họ, mà cho cả đất nước Việt Nam đã bị đẩy đến đường cùng.

Thế nhưng, thật đáng tiếc, bên cạnh sự cảm thương, sự chia sẻ với những người xấu số mà cha ông nói rằng "Nghĩa tử là nghĩa tận" nhất là với nhưng mái đầu xanh, tuổi trẻ đã chết một cách đau đớn và oan ức, thì vẫn không thiếu những lời lẽ hằn học soi mói và truyền bá một thái độ dửng dưng, thậm chí là phản lại sự thương cảm. Họ coi cái chết đó như một sự hả hê cho mình.

Đơn giản, chỉ vì sau khi soi mói thân nhân của người chết, thì cái kết luận hết sức suy diễn rằng : Đó là bò đỏ, là Dư luận viên.

Và chỉ cần có vậy, thì cái chết dù đau thương, dù nhục nhã đau đớn, dù số phận hẩm hiu đến đâu cũng là "Xứng đáng" là "chẳng đáng thương".

"Bò đỏ và cuộc đấu tranh giai cấp" ?

Có lẽ, trong trường hợp này, nhiều người quyết tâm tỏ rõ sự cứng rắn và kiên quyết hơn cả cộng sản quyết liệt phân chia địch thù, đấu tranh giai cấp.

Sở dĩ người ta cho rằng cô bé Trà My là bò đỏ, chỉ đơn giản vì trên trang facebook của cô có hình ảnh cờ đỏ, sao vàng trong những ngày Việt Nam cổ võ cho bóng đá. Ngoài ra, cô ta còn chia sẻ một bài thơ của cảnh sát cơ động nói về nghề nghiệp của chúng trong dịp trấn áp những cuộc biểu tình ngày 10/06/2018 chống luật Đặc khu. Rồi người được coi là em trai của cô ta đã kêu gọi sự giúp đỡ trên mạng để đưa chị về, để giúp đỡ gia đình trong sự tang thương.

Với chừng đó lý do, thì nhiều trận ném đá trên mạng tơi bời được tổ chức.

Cần phải nói rõ hơn về điều này. Tại Việt Nam, khi môi trường ngộ độc thông tin hết sức nặng nề đến mức đám dân chúng sẵn sàng tin những gì đảng nói, làm những gì đảng thích, ghét những điều đảng ghét là điều không lạ. Cũng tại Việt Nam, với thế hệ trẻ được giáo dục mấy chục năm nay, khi đất nước bị xâm lăng thì thờ ơ, nhưng thắng một quả bóng trong vũng lầy Đông Nam Á thì cả đất nước như vỡ chợ là điều hết sức bình thường.

Người dân như một con bệnh nhiễm nặng những điều mê muội từ chiếc loa nhà nước.

thamtrang7

Việt người dân không hiểu, người dân không biết, trong đó ngoài hậu quả của những kẻ cầm quyền đầu độc người dân ngày đêm, thì có trách nhiệm của những người đấu tranh cho dân chủ cho đất nước và cả trách nhiệm của chúng ta đã chưa làm đủ để cho người dân hiểu đủ những điều cần thiết.

Không chỉ những người dân đến nay không quan tâm đến tình hình xã hội không hiểu mà bị ngộ độc thông tin mà có những hành động như đưa cờ đỏ sao vàng lên mạng.

thamtrang8

Chỉ mấy năm trước đây thôi, chính những người biểu tình yêu nước và sau này là những người đấu tranh kiên cường nhất chống lại chế độ độc tài, cũng là những người đã từng không chỉ đưa cờ đỏ sao vàng lên mạng, mà còn đưa cả xuống đường như một niềm tự hào, như một lá bùa hộ mạng khi đối diện với cộng sản.

Khi đó, những kẻ đáng sợ và mất dạy nhất ở trên đường phố lại là đám "bò xanh" chứ không hẳn là đám "bò đỏ" như sự quy kết hiện tại.

thamtrang9

Và cũng có thể khẳng định luôn điều này : Những nhà đấu tranh với bàn phím từ trong nước đến nước ngoài, chưa hẳn đã có một tinh thần quyết liệt và những hành động cũng như những thành công, sự chịu đựng bằng chính những người đã cầm cờ đỏ kia.

Vậy nếu lục lại trong quá khứ, từ khi nhận thức của con người chưa đầy đủ để "quyết liệt đấu tranh giai cấp" phân loại bò đỏ bò xanh, thì thử hỏi đất nước này còn lại được mấy người không là "bò đỏ" ? Bởi ai chẳng đã từng có những liên hệ với lá cờ đó trong cuộc đời khi sống dưới chế độ cộng sản ? Có thể cô bé Trà My đó, những ngày sống ở Nhật Bản khi nhìn về quê hương đất nước, cũng tự hào, cũng yêu nước theo cách nghĩ của cô ta là dương lá cờ mà cô ta coi là biểu tượng của đất nước khi thắng một trận cầu.

Việc em trai của cô bé, nếu đúng là đã kêu gọi quyên góp cầu xin sự giúp đỡ, đó là một việc hơi nhanh nhẩu và nhạy cảm. Tuy nhiên, khi người ta thật sự khó khăn, thì việc cầu xin sự giúp đỡ chẳng có gì là xấu. Trên mạng đã chẳng đầy rẫy những lời kêu gọi cầu xin sự giúp đỡ của cộng đồng đấy thôi. Chắc chắn hành động đó không xấu bằng những tên tham nhũng, cướp bóc và cả những kẻ ăn chặn những đồng tiền cứu trợ của người nghèo. Cũng như người ăn xin bên đường, mình không có để cho họ, thì đâu cứ nhất thiết phải vạch ra họ xin tiền để làm gì.

Từ chuyên quy nạp cô bé vào diện "bò đỏ" rồi những thông tin đó lan rộng ra khắp mạng xã hội rằng : Rất nhiều tên "bò đỏ" trong đám người chết ở bên Anh kia. Và rất nhiều tiếng vỗ tay : "Đáng kiếp" và thậm chí "Rút lại lời chia buồn, thương cảm"…

Thật ra mà nói, thì những linh hồn người đã chết kia, cũng chẳng ảnh hưởng gì mấy, dù có thêm một lời thương cảm, chia sẻ hay thêm những lời chửi rủa thì họ vẫn đã yên phận sau cái chết đau đớn kia. Chỉ có điều, những lời nói đó, làm đau hơn cho người sống và càng làm cho những người khác thấu hiểu những suy nghĩ hẹp hòi của mình mà thôi.

Xin thưa rằng, hàng chục thanh niên đã chết kia, đa số là những giáo dân ở vùng Yên Thành, Hà Tĩnh… là những nơi mà ít khi đám "bò đỏ" có cơ hội xuất hiện.

Cũng từ chuyện quy nạp thành "bò đỏ", nhiều người đã phụ họa với chính quyền cộng sản rằng : Đi như vậy là đi lậu, là nhập cư lậu và không ai có thể chấp nhận được, kiên quyết phản đối… cứ như chỉ mình mới là người tuân hành luật pháp nghiêm nhất quả đất. Và việc nhà cầm quyền không quan tâm là xứng đáng, là "đáng đời"…

Xin thưa rằng, đã gọi là vượt biên, đi lậu thì hẳn nhiên là không tốt, không đáng khuyến khích, nguy hiểm và cần dẹp bỏ. Tuy nhiên cái cần dẹp bỏ là nguyên nhân của việc người dân phải bỏ nước ra đi. Điều này, các "nhà đấu tranh" đã quên mất khi tập trung đấu tranh với "bò đỏ".

Còn người dân, ai cũng có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc. Họ di chuyển đến một đất nước mà ở đó có điều kiện sống tốt hơn cho họ, điều đó không có gì đáng trách.

Việc họ xâm nhập lâu vào nước Anh hoặc nước Mỹ, nước Pháp… đó là trách nhiệm của nhà cầm quyền nước sở tại. Chẳng ai đến đó để ngồi tù, nếu luật pháp của họ không có kẽ hở.

Đất nước ta đã chẳng có những cuộc di cư, vượt biên lậu kéo dài bao thời gian đó thôi. Có lẽ, chưa có mấy đất nước nào tự nguyện đứng ra đưa hàng triệu người Việt Nam di cư đi từ ngôi nhà của mình. Đa số họ vượt biển, vượt biên và bằng nhiều hình thức khác để thay đổi cuộc sống, nơi cư trú của mình. Và đất nước họ đến chấp nhận họ bằng cách nào đó.

Cũng nhiều người cho rằng, những người này đến nước Anh, để chỉ trồng cần sa, ma túy, buôn lậu hoặc làm những nghề bất chính ? Tôi đồ rằng đó là những tin đồn và là những tin đồn ác ý là chính. Bởi rất rõ ràng rằng chẳng mấy ai đã biết cuộc sống của họ đã như thế nào. Bao nhiêu người trong số hàng trăm, hàng ngàn người Việt Nam đã đi lậu đến Anh mấy năm nay đã đi trồng cần sa, ma túy ?

thamtrang10

Tôi cũng chỉ biết được rằng, sau khi đến nước Anh hoặc một đất nước nào đó, họ đã phải lao động bằng chính sức lao động của mình, có thể là lao động chui, có thể là chưa hợp pháp… nhưng, hầu hết những người đã ra đi và ở lại cho đến nay là hợp pháp.

Vậy thì trách nhiệm đó của chính quyền Anh và chính quyền sở tại.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump xây bức tường biên giới, là để trát kín lại những kẻ hở của luật pháp đã và đang bị lợi dụng của những người nhập cư. Điều đó chẳng ai trách, chỉ là có làm được hay không mà thôi.

Thậm chí, có người nói rằng : Có đến 1 tỷ đồng để đi lậu thì không thể gọi họ là những hộ nghèo. Đây là những lời nói thiếu hiểu biết thực tế. Tôi đã chứng kiến những gia đình, suốt ngày bố mẹ lặn lội dưới sông bắt con cua, con cáy kiếm ngày mấy chục bạc, nhưng vẫn cầm cố đất đai, nhà cửa vay mượn để cho con đi, hy vọng đời con sẽ đỡ hơn đời bố mẹ nó.

Tạm kết

Có thể có nhiều người sẽ cho rằng, bài viết này chỉ là "đạo đức giả" nhằm biện luận cho "bò đỏ" ? Và thậm chí có nhiều quy kết khác nữa.

Nhưng điều có thể khẳng định rằng, khi một con chó bị rọ mõm đến gầy đói trơ xương thì cả xã hội quan tâm thương cảm, họ không soi mói rằng con chó đó vì sao đã bị buộc mõm, nó có ăn vụng hay không, mà người ta thương cảm và chạy chữa, chăm sóc cho nó khi nó đã đến bước đường cùng.

Huống hồ, đây là đồng bào, đồng loại, là những thanh niên trẻ tuổi, đầy sức sống và yêu đời chết ngạt trong chiếc hòm bịt kín kia, điều mà không mấy ai mong muốn.

Và điều cuối cùng cần nói là họ đã phải ra đi để nhận cái chết đau đớn, oan khuất khi mà họ thấy đời sống của mình tại đất nước này không được đảm bảo.

Nguyên nhân của những cuộc ra đi, vẫn là ở chế độ chính trị độc tài.

Thế nhưng, thay vì sự thương cảm cần có, sự chia sẻ đau thương với những ông bố, bà mẹ đã mất con, thì họ lại tặng cho những thân nhân họ những lời đau đớn hơn.

Có lẽ sự nhẫn tâm không thể có cơ hội nào hơn ở những trường hợp này. Khi đó, họ đã bỏ bóng để đá người.

Và phải chăng, chỉ vì tình đồng bào ngày nay đã là một thứ xa lạ.

Ngày 29/10/2019

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 29/10/2019 (nguyenhuuvinh's blog)

******************

Mỗi người một ước mơ

Tuấn Khanh, RFA, 29/10/2019

Đi cùng với sự hình thành nền văn minh nhân loại, là những giấc mơ. Những ước mơ riêng của mỗi con người đã tạo nên một thế giới đầy khát vọng và kỳ diệu của loài homo sapiens, so với các loài khác cùng tồn tại trên hành tinh. Lịch sử đã ghi lại rằng, đôi khi chỉ cần một ước mơ của Gandhi hay của Luther King, thế giới phải chuyển mình.

thamtrang16

Trên đất nước được quảng cáo đầy những chỉ số hạnh phúc, 45 năm sau ngày thống nhất địa lý, con người vẫn cứ ra đi. Những con người nghèo khó thì chọn hành trình bí mật để với tới ước mơ.

Và cũng có vô số những giấc mơ nhỏ bé và giản đơn, dù thành công hay thất bại, nhưng đã góp phần tạo dựng nên một hình dạng độc đáo khác thường của giống loài duy nhất trên địa cầu – loài động vật có khả năng ngôn ngữ và mơ ước.

Ai biết được những người Việt tử nạn trên chiếc xe thùng đông lạnh, tìm cách vượt biên giới vào Anh đã ôm ấp những ước mơ gì. Mỗi số phận là một câu chuyện. Và những câu chuyện đó phác thảo hình ảnh về nơi chốn mà họ đang sống.

Những đoàn người Kurd hôm qua tất tả chạy dạt khỏi vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, phác thảo một số phận dân tộc long đong và cam chịu. Họ không có bạn, chỉ có đồng minh giai đoạn và kẻ thù luân phiên.

Một người tài xế Uber người Armenia kể với tôi về quê hương của anh, và lý do anh lưu lạc đến Úc. Câu chuyện đời và ước mơ ra đi của anh, phác thảo về vùng đất Artsakh tuyệt đẹp cổ xưa, mà nay những người thương buôn quằn mình chịu nạn băng đảng đến từ Nga.

Đi theo dòng người im lặng tràn vào Châu Âu, đặc biệt là vào Anh Quốc, rất nhiều người Việt đã cùng người Trung Quốc, Eritrea, Ethiopia, Sudan, Afghanistan… lẻn vào để làm đủ thứ nghề, từ làm móng tay đến giữ trẻ, quét dọn… và cả trồng cần sa cho các đường dây buôn bán ma túy. Những câu chuyện đó phác thảo một phần của thế giới nghèo đói, bất an, không tương lai đang giẫy giụa, túa ra và chạy về hướng mà họ tin rằng sẽ tìm thấy sự khác biệt.

Những ngày xuất hiện câu chuyện 39 người tử nạn ở Anh Quốc, bất kỳ ai theo dõi cũng nhận ra dư luận người Việt chuyển động dữ dội. Một vài ngày đầu, sự kinh hoàng và thương cảm xuất hiện, rồi sau đó xuất hiện sự chỉ trích và miệt thị đầy chủ đích nhằm định hướng dư luận, kéo theo sự đồng ý của không ít người. Mục đích có thể là xô ngã mọi sự thương tâm, nhằm đánh lạc hướng việc xã hội đang nghĩ đến lý do vì sao nhiều thanh niên ở Hà Tĩnh, Nghệ An phải ra đi, vốn là nơi đời sống khó khăn, và nay lại càng khó khăn hơn kể từ khi Formosa xả độc ra biển, hủy diệt việc mưu sinh của hàng triệu người.    

Ai có quyền đánh giá ước mơ hay phẩm giá của những người trẻ đó ? Ai có quyền gọi họ là liều lĩnh hay ngu xuẩn vì không chấp nhận hiện tại ? Nếu giả sử chẳng may trong lịch sử, chiếc tàu buôn Latouche-Tréville chở anh thanh niên Văn Ba bị đắm ngoài khơi năm 1911, hôm nay, tên gọi về Nguyễn Tất Thành là gì, nhất là khi anh ta không chịu yên phận và chấp nhận cuộc đời một thầy giáo dạy chữ Hán ở trường Dục Thanh của Hội Liên Thành ?

Dù là vô danh, nhưng chắc những thanh niên Việt qua đời trên chiếc xe thùng đông lạnh cũng đã ôm ấp những ước mơ thầm kín của họ. Dù có là nhỏ bé hay nghèo hèn, nhưng đó là lựa chọn và sự chấp nhận đánh đổi trong khả năng của họ. Họ không đổ lỗi nơi chốn của họ, không căm ghét hay phỉ báng quê hương mình, cho dù nơi đó, có thể là những ngày tháng họ sống mòn, với những đầy đủ quẩn quanh vô vị… Nếu họ muốn ra đi để thay đổi cuộc đời nghèo khó, điều đó đã đau xót. Nhưng họ đủ sống như vẫn muốn ra đi, điều đó lại càng đau xót hơn, đáng chất vấn hơn, đặc biệt số lượng người ra đi và muốn ra đi gấp nhiều lần 39 người từ nạn, suốt nhiều năm qua.

"Đừng đổ lỗi cho chế độ" – những luận điệu hoảng hốt, chối bỏ đang vang lên từ nhiều hướng, dù các nạn nhân hay gia đình của họ vẫn còn chưa nói đến điều này. Ngay những dòng tin nhắn cuối cùng, cô gái trẻ nạn nhân chỉ nói xin lỗi mẹ mình. Những bia mộ chưa được dựng, người ta đã nghe thấy tiếng phủi tay. Tương tự như sau năm 1975, hàng triệu người miền Nam Việt Nam ra đi, họ cũng đã bị chối bỏ trước khi họ kịp lên tiếng nói về chế độ. Trong sách Bên Thắng Cuộc của tác giả Huy Đức, có ghi "ngày 20/7/1979, Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc triệu tập một hội nghị về thuyền nhân Việt Nam tại Geneva với sáu mươi quốc gia tham dự. Tại hội nghị, Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Nguyễn Cơ Thạch, nói "thuyền nhân" chỉ là "những phần tử bất mãn của chế độ cũ, những kẻ có nợ máu với nhân dân, những thành phần đĩ điếm, trốn tránh lao động".

Trên đất nước được quảng cáo đầy những chỉ số hạnh phúc, 45 năm sau ngày thống nhất địa lý, con người vẫn cứ ra đi. Mỗi người vẫn bí mật mang một ước mơ của mình. Quan chức thì thực hiện giấc mơ cho con cái của mình định cư, tạo tài sản ở nước ngoài. Những người giàu thì mua quốc tịch, chờ một chuyến ra đi, hoặc đi du lịch rồi trốn ở lại. Người quyền thế thì nhẹ nhàng đi cùng chuyên cơ quốc gia để nhập cư lậu. Còn những con người nghèo khó thì chọn lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, nộp đơn bán sức lao động hoặc chọn hành trình bí mật để với tới ước mơ.

Giờ đây, đất nước tôi, rộn rịp những ước mơ mang hình giai cấp.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 30/10/2019 (tuankhanh's blog)

****************

Nạn nhân người Việt chết ở Anh Quốc ‘không đi theo giá VIP’

Cha mẹ của Hoàng Văn Tiệp, người bị nghi ngờ là một trong 39 nạn nhân chết ngạt ở Anh, cho biết người ta hứa chở con trai đến Anh Quốc bằng xe hơi 4 chỗ chứ không phải xe vận tải.

thamtrang17

Ông Hoàng Văn Lành, cha của Hoàng Văn Tiệp, cầm chiếc điện thoại di động có hình con trai. (Hình : Getty Images)

Những ngày qua, nỗi đau bao trùm gia đình ông Hoàng Văn Lành ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Con trai ông Lành là Hoàng Văn Tiệp, năm nay chỉ mới 18 tuổi, đang bị nghi ngờ nằm trong số 39 thi thể trên xe vận tải ở Anh.

Mặc dù gia đình đã ngăn cản, nhưng anh Tiệp đang làm việc ở Pháp thì quyết định sang Anh với hy vọng tìm được việc làm ở tiệm nail.

Chị Hoàng Thị Nhiệm, chị ruột của Hoàng Văn Tiệp, nói với Reuters : "Em có lỗi với em của em. Em cũng khuyên em của em mà em của em cứ quyết định đi thì em thấy hối hận vì khuyên em mà khuyên mãi không được".

Ba mẹ của anh Tiệp thì cho rằng con trai mình bị lừa, vì những kẻ buôn người hứa sẽ lo cho anh Tiệp đi bằng xe hơi bốn chỗ chứ không phải xe tải.

Reuters dẫn lời ông Hoàng Văn Lành, cha của Hoàng Văn Tiệp, nói : "Tôi cũng nghĩ là họ không chủ tâm giết con mình. Đó cũng là họa may thôi. Giận thì cũng có giận gì đâu. Nhưng họ nói với tôi là sẽ đi xe bốn chỗ. Cuối cùng, con đi xe gì thì tôi không biết, nhưng họ nói với tôi là như vậy".

Theo các chuyên gia chống buôn người, cũng như người di cư và gia đình của họ, thì những kẻ buôn người đưa ra nhiều mức giá khác nhau để đưa người từ Đức hoặc Pháp sang Anh Quốc, từ giá mắc nhất mà họ gọi là "VIP", bao gồm sử dụng passport giả hay passport làm lại để bay đến Anh Quốc, đến giá đi bằng đường bộ rẻ hơn nhưng cũng nguy hiểm hơn nhiều.

Mức giá VIP là khoảng 14.000 USD.

Bà Hoàng Thị Ái Mẹ của Hoàng Văn Tiệp nói : "Tôi thấy là do con mình bị lừa, bởi do tin tưởng là họ đưa con đi VIP, chứ không phải là con đi xe tải. Nếu con đi xe tải mà biết như ri là không cho con đi. Cứ giữ con ở lại. Mà các anh không đi xoay sở tiền thôi thì con không đi được".

Các chuyên gia chống buôn người cho hay, đi lại giữa Anh và Châu Âu thì có nghĩa là đi bằng đường biển, và chỉ có cách đi lậu bằng container, cho dù có là giá VIP hay giá rẻ.

Được biết, giá rẻ cho chuyến đi Anh là chỉ khoảng 3.000 USD. Những kẻ buôn người sẽ đưa "khách hàng" đi từ Đông Nam Á sang Châu Âu, chặng đường kéo dài nhiều tháng khổ ải đi lại lén lút bằng xe hơi, thậm chí đi bộ.

Tuy nhiên, khi đến được Anh, rốt cuộc, nhiều người Việt Nam bị đưa đến làm việc ở những trang trại trồng cần sa lậu.

Theo lời bà Ái, nếu anh Tiệp còn sống trở về, thì gia đình sẽ phải còng lưng trả nợ số tiền đã vay cho chuyến đi của anh.

"Nếu con tôi còn sống, khi họ thả về, thì vợ chồng tôi sẽ phải chịu khó làm lụng để trả nợ, rồi phải kêu gọi anh em giúp đỡ. Chúng tôi già yếu rồi, không thể trả số nợ lớn như vậy. Có cố gắng lắm thì cũng chỉ trả nổi tiền lời mỗi ngày thôi".

Theo gia đình các nạn nhân, hôm Chủ nhật 27/10, công an ở Việt Nam đến lấy mẫu tóc và máu để xác định DNA từ người thân của những người bị tình nghi nằm trong số 39 thi thể ở Anh Quốc.

Những thi thể này được tìm thấy hôm thứ Tư 23/10, trên xe vận tải ở thị trấn Grays, cách thủ đô London 20 dặm về hướng Đông.

Cảnh sát Anh đang cố gắng xác định danh tính các nạn nhân, nhiều người không có giấy tờ tùy thân.

Tài xế chiếc xe vận tải, Maurice Robinson, phải hầu tòa hôm Thứ Hai. Phiên tòa diễn ra thông qua cầu truyền hình. Anh ta bị buộc 39 tội, trong đó có tội giết người và đồng lõa buôn lậu người.

Robinson không xin tại ngoại. Anh ta sẽ bị tạm giam đến ngày 25/11, khi vụ này được xử ở tòa hình sự trung ương London. 

Th.Long

Nguồn : Người Việt, 28/10/2019

*********************

Hào nhoáng của những làng quê Trung Bộ : sự đánh đổi đầy can đảm ?

RFA, 29/10/2019

Sau khi sự việc 39 người được phát hiện chết trong xe tải ở London được tuyền thông trong và ngoài nước loan tin rộng rãi, nhiều gia đình ở khu vực miền Trung đã trình báo mất liên lạc với con, cháu họ khi trùng hợp những người này cũng cho biết đang trên đường sang Anh lao động. Tin vào những tin nhắn gửi vội về nhà từ Anh và tin vào trực giác của những người làm cha làm mẹ, nhiều gia đình đã lập bàn thờ vọng cho con, em họ…mặc dù giới chức ở Anh và cả VN đều chưa loan tin chắc chắn về danh tính của 39 nạn nhân xấu số đó.

thamtrang20

Làng Phú Xuân, nơi gia đình nạn nhân Bùi Thị Nhung sống. AFP video

Những đánh đổi cho sự hào nhoáng

Hình ảnh từ những video được các hãng thông tấn trong và ngoài nước loan tải mấy ngày qua tại các làng quê được cho là của những người mất tích ở Anh cho thấy những ngôi nhà cao tầng, khang trang và màu sắc, mặc dù sự ảm đạm, tang thương gần như bao gồm cả xóm làng…

Trong thực tế, có nhiều làng, xã miền Trung ngày nay đang trở nên khang trang, sầm uất hơn nhờ những người trẻ đăng ký đi xuất khẩu lao động. Điển hình như sự chuyển mình từ một huyện nghèo thành ‘huyện tỉ phú’ như ở Yên Thành thuộc tỉnh Nghệ An do có 20.000 người đi xuất khẩu lao động tính đến năm 2015.

Tuy nhiên, không phải ai cũng chọn cách chính thống đi xuất khẩu lao động hợp pháp.

Sau sự việc 39 người chết trên xe tải sang Anh, nhiều người trong số họ có thể là người trẻ ở làng quê miền Bắc Trung Bộ hào nhoáng ấy. Tại sao các gia đình để người thân mình ra đi, đó là câu hỏi được đặt ra suốt mấy ngày qua khi số phận của những người mất tích được gia đình chia sẻ trên truyền thông ?

Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan, nguyên cố vấn Văn Phòng Thủ Tướng trước đây đưa ra nguyên nhân :

"Điều này phản ánh một thực tế là ở miền Trung cuộc sống, công ăn việc làm còn rất khó khăn. Nếu ngay ở Việt Nam, có dịp đi vào các vùng kinh tế ở miền Nam chẳng hạn như Bình Dương, Đồng Nai hay Sài Gòn, hoặc các tỉnh khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, kể cả vùng Tây Nguyên thì có thể thấy rất nhiều người quê gốc miền Trung đi về các nơi đó làm việc. Số người từ miền Trung đi các nơi khác để làm ăn là rất đông so với nơi khác trong nước. Đây cũng thể hiện một điều rất rõ là kinh tế miền Trung vẫn còn chậm phát triển, công ăn việc làm vẫn còn hiếm hoi, cuộc sống người dân vẫn còn vất vả quá nên người ta phải bỏ quê hương mà đi nơi khác làm".

Còn theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương thuộc viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam lại cho rằng do vấn đề tâm lý vì người dân nhìn thấy những người đi trước có môt cuộc sống tốt hơn nên họ tiếp tục đi.

"Họ là những người rất căn bản, rất có nghị lực. Rõ ràng người dân tự biết được những gì tốt cho người ta, họ vẫn vươn lên làm cho cuộc sống của mình tốt hơn chứ không bằng lòng với hiện tại. Những người đi như vậy đem lại tiền cho gia đình xây nhà cửa, mua đồ đạc để cuộc sống tốt hơn, con cái được học hành tốt hơn. Tôi thấy đó là lựa chọn đúng đắn và tôi tôn trọng họ, đánh giá cao quyết tâm của họ vì dám vượt qua những khó khăn, những trở ngại. Nhưng họ lại mạo hiểm quá, đánh cược cả sinh mạng của mình thì tôi thấy quá rủi ro. Thực sự thế hệ trước, thuyền nhân ra đi như thế thì quá rủi ro. Cái đấy thì suy nghĩ một chút, mình không lên án họ nhưng họ nên nghĩ lại, bây giờ không như trước nữa, không phải đến mức như thế nữa. Có rất nhiều cách như xuất khẩu lao động thì hãy đi bằng cách an toàn hơn".

Phong trào đổi đời ?

thamtrang21

Bùi Thị Nhung, người được cho là 1 trong số 39 người được tìm thấy đã chết trong một chiếc xe tải ở Anh. Ảnh chụp ngày 27/10/2019. AFP

Miền Trung Việt Nam được đánh giá là vùng đất không được thiên nhiên ưu đãi vì khí hậu khô hạn và thường xuyên gánh chịu thiên tai, bão lũ.

Người dân nơi đây chủ yếu làm nông và đánh bắt cá. Tuy nhiên, tình trạng hải sản ngày càng cạn kiệt do đánh bắt quá nhiều, cộng thêm việc chính quyền bán đất ruộng của dân để làm đường khiến người dân đã nghèo nay còn khó khăn hơn.

Để cải thiện kinh tế gia đình, nhiều hộ dân đã cho con em mình ra nước ngoài mưu sinh, đặc biệt kể cả việc lao động bất hợp pháp.

Hết lớp người này đi thành công thì sẽ có lớp khác đi theo, cứ như vậy, phong trào ‘lao động chui’ mang đến cơ hội giúp họ đổi đời. Mặc dù họ biết rằng ra đi và sinh sống bất hợp pháp tại xứ người sẽ có những hậu quả khắc nghiệt nhưng nhiều thanh niên vẫn chọn con đường ra đi. Liệu giấc mơ đổi đời có đáng để họ đánh đổi ?

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng nguyện vọng đổi đời là nguyện vọng chính đáng đối với bất cứ ai. Bà nhận định :

"Không ai là người cứ muốn mình sống trong điều kiện nghèo khổ, khó khăn, cực nhọc mãi nên đổi đời là nguyện vọng rất chính đáng của tất cả mọi người. Đối với người Việt Nam, tâm lý chung là muốn sống ở quê hương, gắn bó với quê hương mình. Thành ra đi ra khỏi quê hương để đi nơi khác sinh sống làm ăn như ngày xưa vẫn gọi là tha phương thì không ai muốn cả. Nên những người phải bỏ đi xa, càng xa hơn, những điều kiện khắc nghiệt hơn, khó về hơn lại càng là điều bất đắc dĩ hơn đối với họ. Tuy nhiên tìm con đường như thế nào để đi tìm những công việc tốt hơn để cải thiện cuộc sống cho mình lại là sự chọn lựa khác nhau của rất nhiều người".

Đồng tình với quan điểm của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương phân tích sẽ có 2 trường hợp xảy ra : người dân chấp nhận hoàn cảnh sống và tìm cách vươn lên. Tuy nhiên 2 trường hợp này sẽ cùng song hành, không cái nào vượt trội hơn cái nào.

Giải thích rõ hơn, bà cho biết :

"Một khía cạnh là rõ ràng cuộc sống người dân ngày nay tốt hơn so với ngày xưa nhưng người ta vẫn tiếp tục đi vì vẫn muốn phải tốt hơn nữa. Tôi rất chia sẻ với những người dân trong làn sóng di cư trước đây, gọi là thuyền nhân, đó là sự lựa chọn của họ mặc dù đánh đổi sinh mạng của bản thân, nhiều khi của cả gia đình, nhưng họ vẫn quyết định ra đi. Tôi thấy họ rất dũng cảm và can đảm. Có lẽ sự can đảm đấy vẫn tiếp tục cho đến làn sóng di cư bây giờ, truyền tiếp cho thế hệ hiện nay ở Việt Nam. Tôi thấy ảnh hưởng tâm lý ấy là vẫn có trong những người dân Việt Nam bây giờ".

Vẫn theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, nguyên nhân có thể còn do ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường, khiến người dân cảm thấy bất an và chấp nhận ra đi.

Vì thế, qua vụ việc 39 người tử nạn trong container khi đang trên đường nhập cảnh lậu vào Anh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng các cơ quan có trách nhiệm ở Việt Nam cần xem xét lại hướng giải quyết để tránh tình trạng đau lòng này :

"Chắc chắn về góc độ kinh tế, góc độ công ăn việc làm, góc độ về làm thế nào để phát triển, cân bằng hơn giữa các nơi, các vùng miền, giữa các nhóm người khác nhau, mang lại cơ hội đồng đều hơn cho tất cả mọi người dân trong xã hội còn là điều cả các nhà làm chính sách cũng như những người làm nghiên cứu ở Việt Nam sẽ phải suy nghĩ rất nhiều để đóng góp và cải thiện".

Nguồn : RFA, 29/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 622 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)