Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sau buổi chiếu phim của một đạo diễn trẻ Việt Nam trong Liên hoan Điện ảnh Ngũ vị hương năm ngoái 2017, đã có cuộc gặp gỡ giao lưu giữa khán giả và đạo diễn.

balan1

Ola Nguyễn với Ban Giám khảo MasterChef Polska 2018 gồm Anna Starmach, Magda Gessler Michel Moran.

Khi được hỏi về cảm giác khi đến Ba Lan lần đầu, Lê Bình Giang, người đạo diễn trẻ đó, đã trả lời là mới chỉ trong vòng mấy ngày có mặt tại Ba Lan thôi mà đã gặp hiện tượng kỳ thị, phân biệt chủng tộc.

Đạo diễn trẻ hỏi lại người dẫn buổi giao lưu và khán giả : "Phải chăng người Ba Lan không ưa thích người châu Á ?".

Người dịch, một cô gái Việt Nam thế hệ hai, đã bỏ mất phần hai của câu về sự phân biệt chủng tộc.

Nhưng có thể nói đây là lần đầu tiên một người Việt nói về vấn đề kỳ thị trên một diễn đàn công cộng nằm bên ngoài những diễn đàn, hội thảo, hội nghị do các tổ chức phi chính phủ của Ba Lan tổ chức.

Gia tăng và lan sang cả người Việt

Hiện tượng kỳ thị phân biệt đối xử đối với người nước ngoài, nhất là từ Phi châu, gốc Ả Rập, đạo Hồi tại Ba Lan là có và càng ngày càng gia tăng.

Tại các thành phố lớn như thủ đô Warszawa hay Kraków, điều này thường xuyên diễn ra, và đối với những người di dân nói trên hiện tượng này xuất hiện nhiều dưới dạng bạo lực.

Hiện nay Ba Lan có chính phủ cánh hữu, thiên về dân tộc chủ nghĩa và họ dường như coi thường vấn đề này, không dứt khoát lên án, loại trừ.

Theo nhiều chính trị gia đối lập thì chính phủ của Đảng Pháp luật và Công lý (PiS) còn khuyến khích tinh thần bài ngoại.

Nhiều chính trị gia cánh hữu đã công khai bài ngoại, và đổ cho người di dân mang tới Ba Lan 'nguy cơ truyền bệnh' và những tệ nạn xã hội, là nguyên nhân của những hành xử tiêu cực.

Họ cho rằng hạn chế nhập cư, nhất là người dân từ các nền văn hóa và tôn giáo khác, là để đảm bảo cho nền an ninh quốc gia, cho an toàn cho người dân và cho sự thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân Ba Lan.

Một yếu tố nữa có tác dụng mạnh cho vấn đề này là truyền thông quốc gia, Đài truyền hình TVP và đài phát thanh PR nằm hoàn toàn trong tay đảng cầm quyền và hoàn toàn thực hiện các chính sách của cánh hữu dân tộc chủ nghĩa.

Có thể nhận thấy, tuy không phải thật sự rõ nét, có những yếu tố "bài Việt" trong chương trình của đài truyền hình quốc gia Ba Lan. Những tin tức, những phóng sự nhấn mạnh đến tính tiêu cực của cộng đồng người Việt, ngay cả trong thế hệ thứ hai, đã được phát sóng trong năm nay.

Song song với vấn đề phân biệt và kỳ thị các xu hướng phát-xít và dân tộc chủ nghĩa khá phổ biến và gia tăng tại Ba Lan, nhất là trong giới trẻ.

Đầu năm nay một phóng sự đặc biệt của các nhà báo Ba Lan của đài truyền hình tư nhân TVN đã đưa các hình ảnh các cuộc gặp gỡ của các nhóm tân Nazi Ba Lan, tôn thờ Adolf Hitler và cùng các nhóm tân Nazi của Đức hô lớn "Sieg Heil !".

Người nước ngoài gốc Á châu, Đông Nam Á, người Việt Nam gặp phải kỳ thị và phân biệt chủng tộc thường dưới dạng nhẹ hơn là chỉ qua cử chỉ và lời nói. Chính vì vậy các trường hợp này ít xuất hiện trên truyền thông Ba Lan và trong cộng đồng người Việt thường có khái niệm nhẫn nhục và chấp nhận, hoặc tự vệ bằng cách trả thù vặt… sau lưng.

Nhân làn sóng các bình luận mang tính kỳ thị, phân biệt chủng tộc nổ ra khi một sinh viên Ba Lan gốc Việt, Ola Nguyễn Minh Tâm. đạt danh hiệu Vua đầu bếp của cuộc thi MasterChef Ba Lan.

Trang web của đài TVN tổ chức ra cuộc thi đã phải xóa bỏ nhiều bình luận của người xem truyền hình Ba Lan không chỉ đả kích các ứng viên Việt Nam và Romania, mà còn cho rằng cuộc thi không nên để một cô gái gốc Việt chiến thắng.

Đây là dịp cộng đồng Việt Nam tại đây có cơ hội bàn về vấn đề này.

Không phải là nhà xã hội học cũng có thể nhận thấy rằng hiện tượng xuất hiện nhiều hay ít phụ thuộc vào môi trường làm việc, môi trường sống và những yếu tố cá nhân của mỗi một người.

Đối với người Việt thế hệ thứ nhất tại Ba Lan, nhất là những người mới sang, không biết tiếng Ba Lan không biết nhiều về văn hóa và xã hội Ba Lan thì "không hiểu, không biết, nhẫn nhục và chấp nhận" là phản ứng thường xuyên và phổ biến.

Nhưng tệ hơn là nhiều thanh thiếu niên Ba Lan, ngay cả trong nhà trường, có xu hướng kỳ thị phân biệt với các bạn đồng lứa gốc Việt Nam của mình.

Việc gọi các bạn Việt Nam bằng từ miệt thị, hoặc nói bóng gió về màu da, màu tóc được nhiều gia đình ghi nhận qua lời kể của con em họ.

Như đã nói ở trên hiện tượng có xu thế gia tăng và được nhiều chính trị gia, chính khách chấp nhận như là để bảo vệ cho tính thuần chủng của dân tộc Ba Lan, tính yêu nước và chủ nghĩa dân tộc của mình.

Nếu kỳ thị và phân biệt chủng tộc không có ý nghĩa đặc biệt với người Việt trưởng thành, thế hệ thứ nhất, thì hiện tượng này trong nhà trường và xã hội đối với các cháu thanh thiếu niên gốc Việt lại là một vấn đề nghiêm trọng mà cả chính quyền Ba Lan và cộng đồng người Việt không có những phương pháp đối phó, phản ứng thích hợp.

Người Việt có những hạn chế cố hữu

Những hạn chế trong cộng đồng Việt Nam cũng tạo thuận lợi cho kỳ thị và phân biệt chủng tộc.

balan2

Tờ rơi giới thiệu một Lễ hội Văn hóa Việt Nam do cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan tổ chức vào đầu tháng 9/2018

Người Việt có mặt tại Ba Lan đáng kể từ sau năm 1989, ngoài thế hệ sinh viên nghiên cứu sinh và gia đình họ, xuất hiện những người sang Ba Lan trực tiếp từ Việt Nam và từ các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa khác.

Thông cảm, thương hại, đồng cảm hoặc miễn cưỡng chấp nhận là tình cảm chung của người Ba Lan trong vòng hai chục năm sau khi họ dành lại tự do và dân chủ cho người Việt.

Về nghề nghiệp, người Việt có mặt chủ yếu trong ngành buôn bán và ẩm thực, nơi họ phải tiếp xúc hàng ngày với người bình dân Ba Lan, và va chạm trong giao tiếp liên quan đến tiền bạc, chất lượng hàng hóa, dịch vụ là đương nhiên.

balan3

Nhiều người Việt Nam ở Ba Lan đi lên từ nghề buôn bán quần áo

Gần 30 năm sau Hội nghị Bàn tròn năm 1989, thay đổi thể chế từ xã hội chủ nghĩa sang dân chủ, cộng đồng người Việt tại Ba Lan cũng như tại các nước hậu cộng sản, đã phát triển mạnh và có nhiều thay đổi, có những gương mặt tươi sáng của thế hệ thứ hai.

Nhưng trong nhiều khía cạnh thì nhiều thành viên của cộng đồng này thật sự đã dậm chân tại chỗ.

Trong số họ luôn có những nhóm mới sang, luôn có đại đa số không biết và không muốn biết tiếng nói và văn hóa của nước sở tại.

balan4

Người Việt Nam giới thiệu món ăn của mình cho người bản xứ ở Ba Lan

Cũng luôn có những nhóm chỉ muốn nhanh chóng làm giàu- bất chấp pháp luật- để quay về Việt Nam sinh sống.

Luôn có những người sẵn sàng giết chó tại đây để làm thịt vì thịt bò, thịt lợn… quá thừa mứa và nhàm chán.

Và nếu không thể giết thịt tại chỗ, họ sẵn sàng nhập khẩu trong vali sau mỗi một lần về Việt Nam.

"Nhập gia tùy tục" chỉ là những khẩu hiệu suông như vô vàn các khẩu hiệu khác từ Việt Nam.

Làn sóng kỳ thị trên Internet Ba Lan nhân việc Ola Nguyễn thắng MasterChef là cơ hội để chúng ta bàn nhiều hơn về các hạn chế của người Việt tại Âu châu trước các hiện tượng xã hội ở châu Âu hiện nay.

Và đây là điều đang hết sức cần thiết.

Ngô Văn Tưởng

Nguồn : BBC, 25/12/2018

Ông Ngô Văn Tưởng, cựu sinh viên du học Ba Lan và hiện sống tại Warsaw.

Published in Diễn đàn

Từ đầu năm tới nay, cơ quan điều tra Ba lan đã bắt ít nhất ba vụ án kinh tế lớn liên quan tới người Việt hay do người Việt chủ mưu.

balan1

Cảnh sát vũ trang Ba Lan trong một vụ truy bắt hàng lậu ở Rozalin, gần Warsaw năm 2016 - hình chỉ có tính minh họa

Dường như sự bắt bớ đã không làm chùn tay các nhóm tội phạm người Việt, hay không khiến họ dừng lại, dù chỉ là tạm thời.

Gần đây nhất và cũng là vụ án lớn nhất, gây ầm ĩ trên các cơ quan truyền thông là vụ một người phụ nữ Việt Nam được cho là đã nhẩy khỏi cửa sổ lúc đang bị cơ quan điều tra khám xét nhà hôm 23/5/2018.

Người phụ nữ tên Hương (49 tuổi) chết trên đường tới bệnh viện, gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng người Việt, kể cả các những nghi vấn nhắm vào cơ quan điều tra. Đây là trường hợp hết sức hy hữu, mới chỉ có một tiền lệ được ghi nhận trong mấy chục năm qua, khiến công tố tối cao cùng những chuyên gia khám nghiệm tử thi giỏi phải vào cuộc và ủy ban Helsinki về quyền con người cũng lên tiếng yêu cầu một cuộc điều tra nghiêm túc.

Những sai sót dẫn tới chết người của các nhân viên thuộc Ủy ban An ninh Quốc gia (ABW) sẽ được xử lý theo một cam kết mới đây của cơ quan này. Nhưng sai sót này không làm lu mờ đi vụ án đang được cả xã hội quan tâm.

Những con số khủng

Sau hơn một tuần im lặng bởi sự cố đáng tiếc của vụ phá án, hôm 1/6/2018 những chi tiết liên quan tới vụ việc đã được chính thức công bố.

Cơ quan điều tra cho rằng, người phụ nữ bị chết - không còn nghi ngờ gì - giữ vai trò đồng phạm trong vụ án, với tư cách là người tình của trùm băng đảng và cùng tham gia trực tiếp vào hoạt động tội phạm.

Người phụ nữ này đã cảm thấy 'khó ở' khi những nhân viên công vụ bất ngờ tìm thấy một két sắt được ngụy trang kín ở trong nhà. Trong két sắt đó có 2,1 triệu zł, tương đương khoảng 650.000 đô la Mỹ.

balan2

Quầy hàng của người Việt trong khu thương mại ở Wolka Kosowska

Những nhân viên công vụ đã đưa nước cho người phụ nữ uống, để cảm thấy dễ thở hơn, nhưng sau đó, bà này hét lên và bất ngờ nhẩy khỏi cửa sổ từ tầng 3 - theo những thông tin ban đầu được cơ quan điều tra đưa ra và trang Rzeczpospolita công bố.

Nhưng 2,1 triệu zł vừa được tìm thấy chỉ là số tiền lẻ.

Những con số tiếp theo khiến các nhà điều tra phải hoa mắt chóng mặt. Họ không thể ngờ được lại có những băng đảng hoạt động ngang nhiên như chốn không người như vậy.

Ngay sau đó, từ các két sắt trong nhà bank, tiền sót lại từ tài khoản, chính quyền Ba Lan thu thêm được : 885.000 đô la Mỹ và 180.000 euro nữa.

Ngoài ra họ cũng thu được ba xe hạng sang, trong đó riêng chiếc BMW i8 có giá trị khoảng 100 ngàn euro. Bên cạnh đó là những đồ vật hết sức đắt tiền, những chiếc đồng hồ giá chừng 50 ngàn đô la và nhiều giấy tờ, sổ sách.

Đây là vụ án gian lận tài chính mà phòng công tố Warsaw cho rằng 'lớn chưa từng có'.

Những người Việt Nam này đã lập ra rất nhiều các công ty khác nhau, buôn bán khống (trên giấy tờ) với doanh số khoảng 5 tỉ zł (tương đương 1,5 tỉ đô la).

Họ đã chuyển ra nước ngoài - theo những con số tạm thời được công bố - là 854 triệu đô la và 322 triệu euro. Có thể nói gọn là trên 1 tỉ đô la.

Hoạt động từ năm 2015, băng nhóm này đã chuyển tiền đi 60 địa điểm khác nhau trên thế giới trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Mỹ.v.v và cả Vương quốc Ả rập Xê út.

Họ đã lập ra nhiều các công ty 'xuất nhập khẩu', rồi đem những bao tải tiền mặt nộp vào các tài khoản công ty trong nhà bank, rồi cứ như vậy, chuyển ra nước ngoài.

Ngân sách nhà nước Ba Lan thất thoát nặng nề, một con số được đánh giá là cao chưa từng có trong một vụ án.

Thời 'hoàng kim' của giới 'họa sĩ'

Trong vụ việc kể trên một nhóm nhỏ đã lập ra hàng chục công ty với những chức năng hầm hố, buôn to bán lớn nhưng thực chất chẳng buôn bán gì, hoặc gần như không buôn bán gì.

Những công ty này xuất hóa đơn cho nhau lòng vòng, ký những hợp đồng xuất nhập khẩu với các công ty nước ngoài, phần lớn cũng là các hợp đồng ma, các công ty ma, rồi căn cứ vào đó chuyển tiền ra khỏi Ba Lan. Các hóa đơn 'xuất khẩu' cũng giúp họ đòi tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) của nhà nước Ba Lan.

Nếu so với các vụ người Việt bị bắt từ trước tới nay, thì vụ này là tổng hợp của tất cả các loại tội phạm kinh tế, từ trốn thuế, rửa tiền, đục khoét ngân sách nhà nước...

balan3

Hàng ngàn người Việt Nam đã có mặt làm ăn sinh sống ở Cộng hòa Ba Lan

Sơ hở của luật đầu tư, luật doanh nghiệp đã khiến cho các công ty nước ngoài mọc ra như nấm sau cơn mưa. Riêng trong khu thương mại Wólka Kosowska đã hoạt động chừng 3000 công ty. Điều đáng nói, trong đó trà trộn nhiều công ty của giới 'họa sĩ'.

Đây là một từ lóng của cộng đồng chỉ những kẻ chuyên 'vẽ' ra tiền. Họ kiếm tiền chỉ bằng mỗi chiếc máy in và những tập giấy A-4. Quy mô có thể khác nhau, nhưng phương pháp hoạt động thì hầu như giống nhau.

Đó là lập ra các công ty, rồi 'bán VAT'. Tức xuất/in hóa đơn cho bất kỳ thứ gì, cho bất kỳ công ty nào muốn 'mua hàng'. Việc mua bán hóa đơn này cũng khiến nhiều công ty người Việt bị chịu hậu quả khi phòng thuế xác định họ sử dụng những hóa đơn giả. Theo một thống kê không chính thức, có thể tới 80% các công ty trong khu trung tâm thương mại Wólka dính phải những hóa đơn từ giới 'họa sĩ'.

Sở dĩ có con số khủng như vậy, vì 'họa sĩ' cung cấp các hóa đơn 'đầu vào' với giá rẻ cho các công ty. Thay vì phải trả mức VAT theo quy định nhà nước để có được những hóa đơn thật, từ các nguồn cung cấp hàng thật, thì các công ty tại đây mua hóa đơn với giá rất rẻ từ những chiếc máy in A-4 lưu động trong các khu buôn bán.

Những công ty của các 'họa sĩ' thường được lập ra vài ba năm, bán chừng vài ba chục triệu 'tiền hàng' rồi lại xóa đi và lập ra các công ty khác.

Lợi dụng việc lập công ty quá dễ dàng, chỉ mất chừng 1 giờ đồng hồ qua phòng công chứng, giới 'họa sĩ' mỗi người nằm trong tay cả mớ công ty. Đây là một ma trận mà cơ quan điều tra Ba Lan, nếu có tóm được cũng khó lòng tìm ra được thủ phạm chính.

Bởi đa số các công ty của các 'họa sĩ' đều do những 'người rơm' đứng tên. Giới 'họa sĩ' đã dùng nhiều quyển hộ chiếu trắng (chủ nhân không có visa, không có quyền cư trú tại Ba Lan hay bất kỳ nước nào trong EU), thậm chí hộ chiếu của người đã về Việt Nam, đã chết, đã đi các quốc gia khác để lập ra các công ty trách nhiệm hữu hạn.

Ở đây, không loại trừ có sự thông đồng hoặc yếu kém nghiệp vụ của các phòng công chứng Ba Lan. Việc lập các công ty ma kiểu này chỉ giảm bớt trong hai năm trở lại đây, khi luật đòi hỏi phải có số đăng ký công dân (Pesel) mới lập được công ty.

balan4

Làm nhà hàng là một nghề của nhiều người Việt tại Ba Lan

Chuyện không lạ ở trong cộng đồng, khi có bà bàn xôi dạo cũng làm (hoặc bị làm) giám đốc công ty với vòng quay tiền triệu ; hay trong vụ án kể trên, một cô làm nail, không có giấy tờ gì, nhưng đứng tên giám đốc một công ty với doanh số 30-40 triệu đô la/năm.

Gần đây, có dư luận cho rằng, tham gia làm 'họa sĩ' có thể còn có các văn phòng kế toán. Các văn phòng kế toán của người Việt nắm trong tay hàng trăm công ty và có nhiều khả năng một số đã lợi dụng sự tin tưởng của các chủ công ty để buôn bán hóa đơn lòng vòng giữa các công ty.

Chừng hai tuần trước, cơ quan thuế vụ Ba Lan đã ụp một văn phòng kế toán lớn, nơi quản lý hồ sơ của khoảng 400 công ty Việt Nam. Hiện toàn bộ hồ sơ, sổ sách, giấy tờ, máy tính từ công ty kế toán này đã bị niêm phong để phục vụ cho công tác điều tra.

Việc các văn phòng kế toán của người Việt bị sờ gáy không phải là chuyện quá mới mẻ, nó đã từng xảy ra lác đác trong dăm bẩy năm trở lại đây. Nhưng với trình độ kiểm tra ngày càng 'lên tay' cộng với chính sách chặt chẽ về thuế khóa của chính quyền hiện tại, nhiều vụ án kinh tế lớn có thể sẽ lộ diện trong tương lai không xa.

Ba Lan trong năm qua đã đưa vào hệ thống báo cáo tài chính online, thông qua một tập tin điện tử thống nhất hàng tháng, nhằm dễ bề phát hiện và đi tới chấm dứt hoạt động của giới 'họa sĩ' và đưa khu vực kinh tế xám đi vào quỹ đạo.

Nói cho công bằng, mafia Việt Nam hay giới 'họa sĩ' chỉ là 'học trò' trong lĩnh vực ăn cắp VAT.

Nhiều vụ việc lớn trước đó do người Ba Lan hay các tập đoàn mafia quốc tế đã được cơ quan điều tra phanh phui. Nhưng họ - người Việt Nam - là những học trò xuất sắc nhất mà không một sắc nhập cư nào có thể sánh kịp. Ít nhất, cho tới nay chưa có một người Trung Quốc hay Ukraine nào bị 'xướng tên' trong những vụ án tương tự.

Thất thoát thuế của nhà nước Ba Lan qua những cách kể trên, có thể tới chục tỉ đô la mỗi năm qua một thống kê được công bố gần đây.

Làm lợi hay phá hoại ?

Đã đến lúc những người hoạt động cộng đồng hay những người quan tâm tới cộng đồng cần nhìn thẳng vào sự thật, thay vì hát mãi những điệp khúc mang tính 'ru ngủ'.

Người ta thường nghe kể hoài chuyện trẻ con Việt Nam học giỏi hay người Việt đóng góp về văn hóa, nhưng những tìm kiếm trên mạng lại cho kết quả hoàn toàn trái ngược. Nơi đó, tràn ngập các tin tức về lừa đảo, ăn cắp, chiếm đoạt tiền thuế, trồng cần sa, vượt biên trái phép hay những chuyện tương tự.

Có thể những tin xấu luôn có sức nóng của nó, hơn là những việc tốt. Nhưng sự thật khó chối cãi là những gì tốt đẹp đang chìm nghỉm đi qua những vụ án như trên.

Một điệp khúc cũ mòn khác là người Việt đóng thuế cho xã hội Ba Lan. Đúng là có đóng thuế thật. Nhưng các vị có trình độ toán tiểu học ơi, các vị hãy làm phép so sánh đi !

balan5

Nhân viên Ba Lan chặn đường kiểm tra giấy tờ trước khu buôn bán có đông người Việt Nam ở Wolka Kosowska dịp Giáng Sinh 2017

Tháng 1/2018, khi thuế vụ kiểm tra gắt gao, bao vây mọi ngả ra vào của khu trung tâm thương mại Wolka, ép các công ty tại đây phải đi vào quy củ, họ thu được 8 triệu zł tiền thuế. Đó là một con số kỉ lục, khiến phòng thuế mừng húm.

Tháng sau, mức độ kiểm tra giảm xuống, còn số đóng góp thuế của Wolka chỉ còn một nửa, chưa đầy 4 triệu.

Vậy một năm có nộp 'kịch kim' cũng không nổi 100 triệu tiền thuế. Nhưng, thất thoát của nhà nước Ba Lan, chỉ trong 1 vụ án kể trên đã là 164 triệu - theo tính toán của cơ quan điều tra. Và đó chỉ là một trong ba vụ án kinh tế lớn mang 'yếu tố Việt Nam' bị phá kể từ đầu năm 2018.

Tiền nào cũng thơm ?

Những đồng tiền kiếm được từ hoạt động mafia nằm lại Ba Lan thì ít mà chảy về Việt Nam thì nhiều. Việt kiều Ba Lan không có những tên tuổi đình đám cỡ tỉ phú đô la nhưng những đầu tư lớn rải rác từ Bắc tới Nam là không kể xiết.

Đương nhiên, phần lớn đó là tiền mồ hôi nước mắt trong mấy chục năm làm ăn của bà con, nhưng không loại trừ một dòng tiền 'bẩn' lớn đã chảy vào Việt Nam qua những hoạt động mafia từ nước ngoài. Lượng tiền chảy từ Ba Lan hay khu vực Đông Âu nói chung được cho là rất lớn và nó có thể nằm ngoài những thống kê kiều hối của nhà nước Việt Nam bởi cách chuyển tiền khác biệt đặc thù của khu vực này.

Nhưng đối với nhà nước Việt Nam, những người đem nhiều tiền về đều được ưu ái như những Việt kiều yêu nước, những doanh nhân thành đạt, được tạo cơ hội để đầu tư.

Trong vụ án vừa phá, cơ quan điều tra tìm được rất nhiều sổ đỏ, loại giấy tờ sở hữu nhà đất ở Việt Nam, được để trong két sắt. Câu hỏi được đặt ra là phía Ba Lan làm gì với những sổ đỏ này. Liệu Việt Nam có hợp tác để điều tra hay không và Ba Lan có hy vọng gì trong việc thu hồi tài sản thất thoát bên ngoài lãnh thổ của mình.

Nhưng có một chuyện khác thời sự hơn và xem ra khả thi hơn. Đó là Ba Lan đang phát lệnh truy nã với một người tên là Duong, một con cá lớn được cho là đã vọt mất trong vụ án kể trên. Đương sự đang du ngoạn tại Đức vào thời điểm xảy ra vụ khám xét tại Ba Lan và đã kịp bay thẳng về Việt Nam, trước khi các cửa khẩu của EU nhận được lệnh chặn xuất cảnh.

Ba Lan đang nắm giữ con bài Vũ Đình Duy vì đã cấp thẻ cư trú ba năm cho nhân vật này vào tháng 5/2017. Theo luật, Duy phải sinh sống và làm việc tại Ba Lan và nước này có quyền truy nã, bắt giữ hay trục xuất người mà họ đang quản lý.

Nên chăng, làm một cuộc hoán đổi mà cả hai quốc gia đều có lợi.

Mạc Việt Hồng

Nguồn : BBC, 04/06/2018

Published in Diễn đàn

Hàng ngày trên trang UWAGA, một diễn đàn của cộng đồng người Việt tại Ba Lan, xuất hiện liên tục các câu hỏi như "Tôi có visa du lịch Pháp, đang sống ở Đức, đang học ở Hà Lan hoặc từ Việt Nam" và nay "muốn qua Ba Lan làm giấy tờ... thì thủ tục như thế nào ?".

balan1

Hàng ngàn người Việt Nam đã có mặt làm ăn sinh sống ở Cộng hòa Ba Lan

Trong vài năm gần đây, có thể có cả ngàn người Việt Nam đã tìm cách để có được visa du lịch, thăm thân của một nước trong khối Schengen rồi từ đó qua Ba Lan chuyển sang thẻ cư trú dài hạn thông qua con đường lao động.

Những người đang sinh sống, học tập ở các quốc gia Schengen nhưng gặp khó khăn trong việc ở lại, cũng tới Ba Lan với cùng một mục đích trên.

Điểm đến của thường dân và quan chức

Thậm chí, không ít quan chức dầu khí, ngân hàng, doanh nhân hay người có tên tuổi trong giới showbiz cũng tranh thủ làm thẻ ở Ba Lan để tiện bề đi lại.

Họ cũng không loại trừ khả năng sang định cư hẳn, khi có khó khăn hoặc biến động ở Việt Nam, theo một phiên dịch viên tuyên thệ làm dịch vụ giấy tờ cho hay.

Về nguyên tắc, luật cư trú Ba Lan nói những người có visa, thậm chí chỉ 7 ngày, nhưng được một công ty tại Ba Lan ''nhận vào làm việc'' thì đều có cơ hội xin được thẻ tạm cư.

Nhưng gần đây, do số lượng người đệ đơn quá lớn và những bất cập trong chính sách dành cho người nước ngoài dần lộ rõ, biên phòng Ba Lan đã tăng cường kiểm tra và hủy visa của một số trường hợp, khiến nhiều người Việt hoang mang, lo lắng.

Thực tế câu chuyện thế nào ?

Theo thống kê được công bố mới đây, năm 2017 có 6200 người Việt nộp giấy tờ xin thẻ lao động ở Ba Lan.

Con số năm trước nữa khoảng vài ngàn. Như vậy, có thể ước tính rằng chỉ trong hai năm qua chừng 10.000 người Việt đã đệ đơn làm thẻ ở Ba Lan.

balan2

Một cửa khẩu phía Đông của Ba Lan với Ukraine có hàng người lao động nhập cảnh

Tấm thẻ lao động thường có giá trị ba năm và trong thời gian đó, nếu bạn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước Ba Lan thì được gia hạn thêm ba năm nữa.

Sau lần thứ hai này, thẻ tạm cư mở ra cơ hội có thẻ định cư, tương đương với thẻ xanh ở Mỹ.

Cùng với đó là cơ hội để vợ hoặc chồng 'ăn theo', bố mẹ, con cái qua chơi, rồi có thể ở lại.

Cửa ngõ thuận tiện nhất EU

Trong mấy năm qua, có thể nói, Ba Lan là quốc gia thuận tiện nhất, ưu ái nhất cho người Việt và một số sắc dân khác nhập cư.

Có một câu hỏi đặt ra là, tại sao Ba Lan bỗng dưng 'dễ tính' như vậy ?

Hôm trước, một bạn trên diễn đàn UWAGA đưa ra một nhận xét ngây ngô là Ba Lan còn nghèo, họ cần 200 euro/tháng nên họ mới cho nhập cư như vậy.

Bữa đó tôi không có mặt trên diễn đàn, nên không tiện có vài lời ''phản biện'', nay xin trả lời như sau.

Thứ nhất, Ba Lan hiện là nền kinh tế lớn thứ 23 trên thế giới, tuy chưa thực sự giàu có như nhiều quốc gia Tây Âu, nhưng cũng đáng nể lắm rồi.

Với đà tăng trưởng kinh tế hiện nay, không lâu nữa Ba Lan có thể lọt vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thứ hai, 200 euro mà bạn nhắc đến là mức ZUS (bảo hiểm xã hội bắt buộc hàng tháng) mà người lao động phải nộp cho nhà nước.

Đó là mức "bệ rạc" vào bậc nhất trong xã hội Ba Lan hiện nay.

Người Ba Lan không "nuôi giấy tờ" như các bạn còn đóng các khoản tương đương 300, 400, 500 euro, thậm chí cả cả ngàn euro một tháng.

Nhưng vì sao dân Ba Lan phải đóng bảo hiểm nhiều như vậy ?

Vì ZUS tỉ lệ thuận với tiền lương hàng tháng, nếu lương cao, bảo hiểm xã hội sẽ nhiều hơn.

Mức lương mà những mới nhập cư khai báo để đảm bảo ra thẻ cư trú, thường là nửa ca, với đồng lương tối thiểu, chỉ đủ "ăn bánh mì, uống nước lã" và có người 'tốt bụng cho ở nhờ, hoặc cho thuê nhà với giá 25 euro/tháng.

balan3

Tiệm bún Hòa Nhã trong khu buôn bán nhiều người Việt ở Wolka Kosowska

Không ít người 'cao tay' trong dịch vụ giấy tờ ở Ba Lan đã giúp cho các khách hàng có một tính toán kinh tế nhất, để sao vừa chi ít tiền nhất và vừa có được thẻ.

Trong số họ có cả những sinh viên đi du học Ba Lan và sau đó ở lại và làm các loại dịch vụ giấy tờ nên nắm được vấn đề pháp luật.

Nhưng bạn sẽ hỏi, 'Nếu tôi đóng góp ít như vậy, Ba Lan cần tôi làm gì ?"

Rất cần lao động

Nước Ba Lan đang cần người nhập cư vì ít nhất hai lý do.

Đầu tiên, Ba Lan thực sự đang thiếu hàng triệu lao động.

balan4

Làm nhà hàng là một nghề của nhiều người Việt tại Ba Lan

Quốc gia này buộc phải mở toang cánh cửa biên giới phía Đông để thu hút nguồn nhân lực rẻ từ các nước láng giềng.

Trong vài năm gần đây, lực lượng này đã giúp thị trường lao động Ba Lan bổ sung cả triệu người, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp và các công việc giản đơn khác.

Chính sách mở cửa chủ yếu nhắm vào Ukraine, Lithuania, Nga, Belarus nhưng người Việt Nam, Trung Quốc và cả Sri Lanka, Bangladesh cũng được "ăn theo".

Với bản tính nhanh nhậy và có đội ngũ làm dịch vụ ''xuất sắc'', người Việt đứng đầu bảng trong số các quốc gia ''ăn theo'' quy định này.

Thứ hai, đây là quyết sách mang tính chiến lược của Ba Lan nhằm đối phó với sức ép từ EU.

Nếu theo dõi thời sự bạn sẽ thấy Ba Lan trong những năm qua luôn từ chối nhận người nhập cư do Liên hiệp châu Âu phân bổ.

Là một quốc gia thuần chủng và hơn 90% dân số theo Công giáo, các đảng phái cánh hữu Ba Lan không muốn nhận người nhập cư từ các nước Hồi giáo.

Chuyện này gây ra nhiều tranh cãi, chia rẽ thậm chí xung đột trong khối EU và có thể khiến Ba Lan bị phạt tiền tỉ, nhưng chính phủ vẫn kiên quyết khước từ.

Mở biên giới phía Đông, Ba Lan có cớ nói với EU rằng "đất nước chúng tôi đã nhận, đã cưu mang cả triệu người nhập cư rồi, các vị còn muốn gì nữa ?"

Nhưng cùng lúc, Ba Lan không cấm bất kỳ ai lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chui, luồn, lách làm lợi cho bản thân.

Kẽ hở của luật nhập cư này đã giúp hàng ngàn người Việt có cơ hội vào Ba Lan rồi qua đó sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia khác ở EU.

Bạn cứ việc thực hiện ước mơ của mình, nếu muốn ; nhưng chớ nên nghĩ rằng, đất nước Ba Lan nghèo túng tới mức cần 200 euro đóng góp hàng tháng của bạn.

Ngoài ra, cần phải nói thêm rằng, đóng bảo hiểm xã hội mang lại nhiều lợi ích cho bản thân người lao động cũng như cho con cái tới 26 tuổi và bố mẹ.

Đây là trách nhiệm chung cho y tế công, cho trường học mà bạn nếu nên nghĩ đến việc đóng góp.

Nhiều người Việt, sau khi có thẻ ba năm đã mời bố mẹ qua Ba Lan, rồi tranh thủ khám chữa bệnh từ A tới Z.

Và rất quan trọng nữa, bạn sẽ được hưởng lương hưu của Ba Lan từ khoản ZUS hàng tháng.

Xin chia sẻ đôi hàng để giúp những người vừa sang hoặc sắp sang, hay có ý định sang Ba Lan có được cái nhìn chính xác hơn về quốc gia mà bạn có ý định ngụ cư.

Mạc Việt Hồng

Nguồn : BBC, 08/02/2018

Mạc Việt Hồng là nhà báo tự do hiện đang sinh sống và làm việc tại Warsaw, Ba Lan.

Published in Diễn đàn