Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/06/2018

Người Việt và những vụ án kinh tế lớn tại Ba Lan

Mạc Việt Hồng

Từ đầu năm tới nay, cơ quan điều tra Ba lan đã bắt ít nhất ba vụ án kinh tế lớn liên quan tới người Việt hay do người Việt chủ mưu.

balan1

Cảnh sát vũ trang Ba Lan trong một vụ truy bắt hàng lậu ở Rozalin, gần Warsaw năm 2016 - hình chỉ có tính minh họa

Dường như sự bắt bớ đã không làm chùn tay các nhóm tội phạm người Việt, hay không khiến họ dừng lại, dù chỉ là tạm thời.

Gần đây nhất và cũng là vụ án lớn nhất, gây ầm ĩ trên các cơ quan truyền thông là vụ một người phụ nữ Việt Nam được cho là đã nhẩy khỏi cửa sổ lúc đang bị cơ quan điều tra khám xét nhà hôm 23/5/2018.

Người phụ nữ tên Hương (49 tuổi) chết trên đường tới bệnh viện, gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng người Việt, kể cả các những nghi vấn nhắm vào cơ quan điều tra. Đây là trường hợp hết sức hy hữu, mới chỉ có một tiền lệ được ghi nhận trong mấy chục năm qua, khiến công tố tối cao cùng những chuyên gia khám nghiệm tử thi giỏi phải vào cuộc và ủy ban Helsinki về quyền con người cũng lên tiếng yêu cầu một cuộc điều tra nghiêm túc.

Những sai sót dẫn tới chết người của các nhân viên thuộc Ủy ban An ninh Quốc gia (ABW) sẽ được xử lý theo một cam kết mới đây của cơ quan này. Nhưng sai sót này không làm lu mờ đi vụ án đang được cả xã hội quan tâm.

Những con số khủng

Sau hơn một tuần im lặng bởi sự cố đáng tiếc của vụ phá án, hôm 1/6/2018 những chi tiết liên quan tới vụ việc đã được chính thức công bố.

Cơ quan điều tra cho rằng, người phụ nữ bị chết - không còn nghi ngờ gì - giữ vai trò đồng phạm trong vụ án, với tư cách là người tình của trùm băng đảng và cùng tham gia trực tiếp vào hoạt động tội phạm.

Người phụ nữ này đã cảm thấy 'khó ở' khi những nhân viên công vụ bất ngờ tìm thấy một két sắt được ngụy trang kín ở trong nhà. Trong két sắt đó có 2,1 triệu zł, tương đương khoảng 650.000 đô la Mỹ.

balan2

Quầy hàng của người Việt trong khu thương mại ở Wolka Kosowska

Những nhân viên công vụ đã đưa nước cho người phụ nữ uống, để cảm thấy dễ thở hơn, nhưng sau đó, bà này hét lên và bất ngờ nhẩy khỏi cửa sổ từ tầng 3 - theo những thông tin ban đầu được cơ quan điều tra đưa ra và trang Rzeczpospolita công bố.

Nhưng 2,1 triệu zł vừa được tìm thấy chỉ là số tiền lẻ.

Những con số tiếp theo khiến các nhà điều tra phải hoa mắt chóng mặt. Họ không thể ngờ được lại có những băng đảng hoạt động ngang nhiên như chốn không người như vậy.

Ngay sau đó, từ các két sắt trong nhà bank, tiền sót lại từ tài khoản, chính quyền Ba Lan thu thêm được : 885.000 đô la Mỹ và 180.000 euro nữa.

Ngoài ra họ cũng thu được ba xe hạng sang, trong đó riêng chiếc BMW i8 có giá trị khoảng 100 ngàn euro. Bên cạnh đó là những đồ vật hết sức đắt tiền, những chiếc đồng hồ giá chừng 50 ngàn đô la và nhiều giấy tờ, sổ sách.

Đây là vụ án gian lận tài chính mà phòng công tố Warsaw cho rằng 'lớn chưa từng có'.

Những người Việt Nam này đã lập ra rất nhiều các công ty khác nhau, buôn bán khống (trên giấy tờ) với doanh số khoảng 5 tỉ zł (tương đương 1,5 tỉ đô la).

Họ đã chuyển ra nước ngoài - theo những con số tạm thời được công bố - là 854 triệu đô la và 322 triệu euro. Có thể nói gọn là trên 1 tỉ đô la.

Hoạt động từ năm 2015, băng nhóm này đã chuyển tiền đi 60 địa điểm khác nhau trên thế giới trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Mỹ.v.v và cả Vương quốc Ả rập Xê út.

Họ đã lập ra nhiều các công ty 'xuất nhập khẩu', rồi đem những bao tải tiền mặt nộp vào các tài khoản công ty trong nhà bank, rồi cứ như vậy, chuyển ra nước ngoài.

Ngân sách nhà nước Ba Lan thất thoát nặng nề, một con số được đánh giá là cao chưa từng có trong một vụ án.

Thời 'hoàng kim' của giới 'họa sĩ'

Trong vụ việc kể trên một nhóm nhỏ đã lập ra hàng chục công ty với những chức năng hầm hố, buôn to bán lớn nhưng thực chất chẳng buôn bán gì, hoặc gần như không buôn bán gì.

Những công ty này xuất hóa đơn cho nhau lòng vòng, ký những hợp đồng xuất nhập khẩu với các công ty nước ngoài, phần lớn cũng là các hợp đồng ma, các công ty ma, rồi căn cứ vào đó chuyển tiền ra khỏi Ba Lan. Các hóa đơn 'xuất khẩu' cũng giúp họ đòi tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) của nhà nước Ba Lan.

Nếu so với các vụ người Việt bị bắt từ trước tới nay, thì vụ này là tổng hợp của tất cả các loại tội phạm kinh tế, từ trốn thuế, rửa tiền, đục khoét ngân sách nhà nước...

balan3

Hàng ngàn người Việt Nam đã có mặt làm ăn sinh sống ở Cộng hòa Ba Lan

Sơ hở của luật đầu tư, luật doanh nghiệp đã khiến cho các công ty nước ngoài mọc ra như nấm sau cơn mưa. Riêng trong khu thương mại Wólka Kosowska đã hoạt động chừng 3000 công ty. Điều đáng nói, trong đó trà trộn nhiều công ty của giới 'họa sĩ'.

Đây là một từ lóng của cộng đồng chỉ những kẻ chuyên 'vẽ' ra tiền. Họ kiếm tiền chỉ bằng mỗi chiếc máy in và những tập giấy A-4. Quy mô có thể khác nhau, nhưng phương pháp hoạt động thì hầu như giống nhau.

Đó là lập ra các công ty, rồi 'bán VAT'. Tức xuất/in hóa đơn cho bất kỳ thứ gì, cho bất kỳ công ty nào muốn 'mua hàng'. Việc mua bán hóa đơn này cũng khiến nhiều công ty người Việt bị chịu hậu quả khi phòng thuế xác định họ sử dụng những hóa đơn giả. Theo một thống kê không chính thức, có thể tới 80% các công ty trong khu trung tâm thương mại Wólka dính phải những hóa đơn từ giới 'họa sĩ'.

Sở dĩ có con số khủng như vậy, vì 'họa sĩ' cung cấp các hóa đơn 'đầu vào' với giá rẻ cho các công ty. Thay vì phải trả mức VAT theo quy định nhà nước để có được những hóa đơn thật, từ các nguồn cung cấp hàng thật, thì các công ty tại đây mua hóa đơn với giá rất rẻ từ những chiếc máy in A-4 lưu động trong các khu buôn bán.

Những công ty của các 'họa sĩ' thường được lập ra vài ba năm, bán chừng vài ba chục triệu 'tiền hàng' rồi lại xóa đi và lập ra các công ty khác.

Lợi dụng việc lập công ty quá dễ dàng, chỉ mất chừng 1 giờ đồng hồ qua phòng công chứng, giới 'họa sĩ' mỗi người nằm trong tay cả mớ công ty. Đây là một ma trận mà cơ quan điều tra Ba Lan, nếu có tóm được cũng khó lòng tìm ra được thủ phạm chính.

Bởi đa số các công ty của các 'họa sĩ' đều do những 'người rơm' đứng tên. Giới 'họa sĩ' đã dùng nhiều quyển hộ chiếu trắng (chủ nhân không có visa, không có quyền cư trú tại Ba Lan hay bất kỳ nước nào trong EU), thậm chí hộ chiếu của người đã về Việt Nam, đã chết, đã đi các quốc gia khác để lập ra các công ty trách nhiệm hữu hạn.

Ở đây, không loại trừ có sự thông đồng hoặc yếu kém nghiệp vụ của các phòng công chứng Ba Lan. Việc lập các công ty ma kiểu này chỉ giảm bớt trong hai năm trở lại đây, khi luật đòi hỏi phải có số đăng ký công dân (Pesel) mới lập được công ty.

balan4

Làm nhà hàng là một nghề của nhiều người Việt tại Ba Lan

Chuyện không lạ ở trong cộng đồng, khi có bà bàn xôi dạo cũng làm (hoặc bị làm) giám đốc công ty với vòng quay tiền triệu ; hay trong vụ án kể trên, một cô làm nail, không có giấy tờ gì, nhưng đứng tên giám đốc một công ty với doanh số 30-40 triệu đô la/năm.

Gần đây, có dư luận cho rằng, tham gia làm 'họa sĩ' có thể còn có các văn phòng kế toán. Các văn phòng kế toán của người Việt nắm trong tay hàng trăm công ty và có nhiều khả năng một số đã lợi dụng sự tin tưởng của các chủ công ty để buôn bán hóa đơn lòng vòng giữa các công ty.

Chừng hai tuần trước, cơ quan thuế vụ Ba Lan đã ụp một văn phòng kế toán lớn, nơi quản lý hồ sơ của khoảng 400 công ty Việt Nam. Hiện toàn bộ hồ sơ, sổ sách, giấy tờ, máy tính từ công ty kế toán này đã bị niêm phong để phục vụ cho công tác điều tra.

Việc các văn phòng kế toán của người Việt bị sờ gáy không phải là chuyện quá mới mẻ, nó đã từng xảy ra lác đác trong dăm bẩy năm trở lại đây. Nhưng với trình độ kiểm tra ngày càng 'lên tay' cộng với chính sách chặt chẽ về thuế khóa của chính quyền hiện tại, nhiều vụ án kinh tế lớn có thể sẽ lộ diện trong tương lai không xa.

Ba Lan trong năm qua đã đưa vào hệ thống báo cáo tài chính online, thông qua một tập tin điện tử thống nhất hàng tháng, nhằm dễ bề phát hiện và đi tới chấm dứt hoạt động của giới 'họa sĩ' và đưa khu vực kinh tế xám đi vào quỹ đạo.

Nói cho công bằng, mafia Việt Nam hay giới 'họa sĩ' chỉ là 'học trò' trong lĩnh vực ăn cắp VAT.

Nhiều vụ việc lớn trước đó do người Ba Lan hay các tập đoàn mafia quốc tế đã được cơ quan điều tra phanh phui. Nhưng họ - người Việt Nam - là những học trò xuất sắc nhất mà không một sắc nhập cư nào có thể sánh kịp. Ít nhất, cho tới nay chưa có một người Trung Quốc hay Ukraine nào bị 'xướng tên' trong những vụ án tương tự.

Thất thoát thuế của nhà nước Ba Lan qua những cách kể trên, có thể tới chục tỉ đô la mỗi năm qua một thống kê được công bố gần đây.

Làm lợi hay phá hoại ?

Đã đến lúc những người hoạt động cộng đồng hay những người quan tâm tới cộng đồng cần nhìn thẳng vào sự thật, thay vì hát mãi những điệp khúc mang tính 'ru ngủ'.

Người ta thường nghe kể hoài chuyện trẻ con Việt Nam học giỏi hay người Việt đóng góp về văn hóa, nhưng những tìm kiếm trên mạng lại cho kết quả hoàn toàn trái ngược. Nơi đó, tràn ngập các tin tức về lừa đảo, ăn cắp, chiếm đoạt tiền thuế, trồng cần sa, vượt biên trái phép hay những chuyện tương tự.

Có thể những tin xấu luôn có sức nóng của nó, hơn là những việc tốt. Nhưng sự thật khó chối cãi là những gì tốt đẹp đang chìm nghỉm đi qua những vụ án như trên.

Một điệp khúc cũ mòn khác là người Việt đóng thuế cho xã hội Ba Lan. Đúng là có đóng thuế thật. Nhưng các vị có trình độ toán tiểu học ơi, các vị hãy làm phép so sánh đi !

balan5

Nhân viên Ba Lan chặn đường kiểm tra giấy tờ trước khu buôn bán có đông người Việt Nam ở Wolka Kosowska dịp Giáng Sinh 2017

Tháng 1/2018, khi thuế vụ kiểm tra gắt gao, bao vây mọi ngả ra vào của khu trung tâm thương mại Wolka, ép các công ty tại đây phải đi vào quy củ, họ thu được 8 triệu zł tiền thuế. Đó là một con số kỉ lục, khiến phòng thuế mừng húm.

Tháng sau, mức độ kiểm tra giảm xuống, còn số đóng góp thuế của Wolka chỉ còn một nửa, chưa đầy 4 triệu.

Vậy một năm có nộp 'kịch kim' cũng không nổi 100 triệu tiền thuế. Nhưng, thất thoát của nhà nước Ba Lan, chỉ trong 1 vụ án kể trên đã là 164 triệu - theo tính toán của cơ quan điều tra. Và đó chỉ là một trong ba vụ án kinh tế lớn mang 'yếu tố Việt Nam' bị phá kể từ đầu năm 2018.

Tiền nào cũng thơm ?

Những đồng tiền kiếm được từ hoạt động mafia nằm lại Ba Lan thì ít mà chảy về Việt Nam thì nhiều. Việt kiều Ba Lan không có những tên tuổi đình đám cỡ tỉ phú đô la nhưng những đầu tư lớn rải rác từ Bắc tới Nam là không kể xiết.

Đương nhiên, phần lớn đó là tiền mồ hôi nước mắt trong mấy chục năm làm ăn của bà con, nhưng không loại trừ một dòng tiền 'bẩn' lớn đã chảy vào Việt Nam qua những hoạt động mafia từ nước ngoài. Lượng tiền chảy từ Ba Lan hay khu vực Đông Âu nói chung được cho là rất lớn và nó có thể nằm ngoài những thống kê kiều hối của nhà nước Việt Nam bởi cách chuyển tiền khác biệt đặc thù của khu vực này.

Nhưng đối với nhà nước Việt Nam, những người đem nhiều tiền về đều được ưu ái như những Việt kiều yêu nước, những doanh nhân thành đạt, được tạo cơ hội để đầu tư.

Trong vụ án vừa phá, cơ quan điều tra tìm được rất nhiều sổ đỏ, loại giấy tờ sở hữu nhà đất ở Việt Nam, được để trong két sắt. Câu hỏi được đặt ra là phía Ba Lan làm gì với những sổ đỏ này. Liệu Việt Nam có hợp tác để điều tra hay không và Ba Lan có hy vọng gì trong việc thu hồi tài sản thất thoát bên ngoài lãnh thổ của mình.

Nhưng có một chuyện khác thời sự hơn và xem ra khả thi hơn. Đó là Ba Lan đang phát lệnh truy nã với một người tên là Duong, một con cá lớn được cho là đã vọt mất trong vụ án kể trên. Đương sự đang du ngoạn tại Đức vào thời điểm xảy ra vụ khám xét tại Ba Lan và đã kịp bay thẳng về Việt Nam, trước khi các cửa khẩu của EU nhận được lệnh chặn xuất cảnh.

Ba Lan đang nắm giữ con bài Vũ Đình Duy vì đã cấp thẻ cư trú ba năm cho nhân vật này vào tháng 5/2017. Theo luật, Duy phải sinh sống và làm việc tại Ba Lan và nước này có quyền truy nã, bắt giữ hay trục xuất người mà họ đang quản lý.

Nên chăng, làm một cuộc hoán đổi mà cả hai quốc gia đều có lợi.

Mạc Việt Hồng

Nguồn : BBC, 04/06/2018

Quay lại trang chủ
Read 750 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)