"Người ta bỏ phiếu cho mình phải vì mình thật sự xứng đáng", bà Trương Thị Mai vừa có tự hào nhắc nhở các đảng viên dưới trướng về vấn đề bầu cử tại Việt Nam. Nhưng, ai bầu cho bà và lá phiếu trung thực nào dành cho Đảng cộng sản ?
Ngày 8/4, bà Trương Thị Mai đến dự buổi sinh hoạt chuyên đề "Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới" do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Tại đây bà Mai đã có nhiều phát biểu về vấn đề bình đẳng giới ; xây dựng sự phát triển toàn diện của phụ nữ Việt Nam, chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao…
Bà Trương Thị Mai (1958) là nữ chính trị gia quyền lực nhất trong hệ thống lãnh đạo của Đảng cộng sản. Bà Mai là người phụ nữ duy nhất trong 16 ủy viên Bộ Chính Trị. Nắm một loạt các vị trí quan trọng tại trung ương : Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Tiểu ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đại biểu quốc hội Việt Nam khóa XV.
Đáng chú ý, khi nói về tỉ lệ 35% nữ giới ứng cử trong các cơ quan dân cử, bà Trương Thị Mai khẳng định, con số này đồng nghĩa với việc đã, đang và sẽ có những thay đổi trong chính sách dành cho phụ nữ, trẻ em. "Tôi hay nói với các nữ đại biểu Quốc hội là đừng để đưa vào vì cơ cấu mà phải đưa vào vì chất lượng, tiêu chuẩn. Như vậy mới giá trị, còn đưa vào vì cơ cấu thì giá trị không cao. Người ta bỏ phiếu cho mình phải vì mình thật sự xứng đáng", người phụ nữ duy nhất trong 16 ủy viên bộ chính trị chia sẻ.
Chỉ riêng vấn đề giới, việc bà Mai là người phụ nữ duy nhất trong 16 ủy viên bộ chính trị hiện nay cho thấy hệ thống cầm quyền Việt Nam hoàn toàn không có chuyện bình đẳng về giới tính. Với tỉ lệ 1/16, đàn ông chiếm 94% trong cơ quan quyền lực cao nhất, thì Đảng cộng sản Việt Nam vẫn là chế độ phụ quyền, nam trị, nơi mà người đàn ông nắm gần hết mọi quyền hành.
Còn nói về phát ngôn của Thường trực ban bí thư Trương Thị Mai khi cho rằng "người ta bỏ phiếu cho mình phải vì mình thật sự xứng đáng" thì đó rõ ràng một sự lừa đảo. Bà Mai tự lừa mình vừa lừa những đảng viên thuộc cấp, lừa dối nhân dân. Ai bầu cho bà Mai và các đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân hiện nay ?
Một loạt các quan chức mang tiếng là "dân bầu" đều đang phải ngồi tù. Đại biểu quốc hội, bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng ; chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung là một vài ví dụ điển hình. Hay trường hợp Nguyễn Viết Dũng, đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam, người đánh nữ nhân viên caddie gãy gậy golf, ai bầu cho ông ta ? Có người dân nào nhớ là đã bầu cho những kẻ này ? Có cuộc tranh cử nào công khai không ?
Thực tế là các đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, đại biểu, chủ tịch, bí thư, cán bộ từ cấp cao nhất tới cấp thấp nhất, đều không được bầu ra bằng lá phiếu trung thực. Nói giảm nói tránh thì các kỳ bỏ phiếu chỉ mang tính chất "đảng cử dân bầu". Nói thẳng là tất cả chức vụ đều được "ra giá" như bó rau cọng hành ngoài chợ. Và thay vì mua bán rồi dùng từ "sắp xếp" sau các phi vụ đổi chác, người cộng sản cho rằng họ đã "cơ cấu" để phù hợp với các vị trí và nhiệm vụ chính trị…
Cách đây 8 năm, bà Châu Thị Thu Nga từng khai trước tòa là đã mua ghế đại biểu quốc hội với giá 30 tỷ đồng năm 2011 (vậy sau 10 năm, ghế đại biểu quốc hội có giá bao nhiêu ?). Giá cả công khai rõ ràng như vậy mà bà Trương Thị Mai dám nói là được dân bầu thì là một sự lừa đảo quá lố bịch, kệch cỡm. Nếu bà Mai tự hào rằng bà và các cán bộ đồng đảng của mình được dân bầu bằng chính thực lực, thì bà có dám công khai cho các cơ quan kiểm định độc lập nước ngoài vào kiểm phiếu không ?
Vào những ngày tháng 6 năm 2007, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã khánh thành Đài tưởng niệm nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản tại một khuôn viên thuộc thủ đô Washington, với mục đích "để lịch sử về sự tàn bạo của cộng sản sẽ được dạy cho các thế hệ tương lai", sự tàn bạo đó bao gồm 100 triệu nạn nhân đã chết vì chủ nghĩa đó.
Tổng thống Mỹ George W. Bush đã khánh thành Đài tưởng niệm nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản tại một khuôn viên thuộc thủ đô Washington ngày tháng 6 năm 200
Vào chiều ngày 7/11, Blogger Mẹ Nấm cùng 3 "đại diện" nạn nhân khác của chế độ cộng sản đã hội kiến với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng.
Trung Quốc, Venezuela, Triều Tiên, Việt Nam, Cuba... vẫn đang là những mẫu hình nhà nước thuộc về cộng sản, với bản chất "công hữu" và sự thống trị của một giai cấp đại diện của tầng lớp công nông.
100 triệu người chết vì lý do cộng sản không phải là con số cuối cùng, những đặc trưng của thể chế cộng sản tiếp tục buộc người dân tìm đường vượt biên dưới nhiều hình thức. Nếu Cuba, Triều Tiên là đánh đổi tính mạng để vượt biên, thì Trung Quốc và Việt Nam sẽ là những suất định cư tại đất nước tư bản, còn Venezuela là những đoàn người dài chạy trốn khỏi quốc gia mà lạm phát 50.000% - tính đến ngày 14/10.
Tất cả những quốc gia từng và đang bị chủ nghĩa cộng sản ngự trị đều có điểm chung là người dân tìm cách "đào thoát".
Bức tường Berlin được dựng nên vào 1962, nơi mà người dân Đông Berlin đã tìm cách vượt qua các bức tường để tìm thấy sự tư do, và rất nhiều người trong đó đã bị bắn bởi đội ngũ biên phòng Đông Đức, bỏ mặc họ chảy máu hàng giờ đến chết.
Theo bài viết "East Germans kill man trying to cross Berlin Wall" từ website History.com, "giới quan chức Đông Berlin luôn tuyên bố rằng bức tường được dựng lên để bảo vệ chế độ cộng sản khỏi những ảnh hưởng nguy hiểm của chủ nghĩa tư bản và văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, trong gần 30 năm bức tường tồn tại, đã chẳng có ai bị bắn khi cố gắng vào Đông Berlin".
Những cảnh tượng bị bắn và bỏ mặc đến chết, dựng bức tường để chống lại chủ nghĩa tư bản và văn hóa phương Tây ngày nay còn hiện diện không ?
Tại Triều Tiên, người dân tiếp tục bị bắn nếu tìm cách vượt biên sang Hàn Quốc ; Cuba có những thuyền nhân bị chết và chủ nghĩa tư bản vẫn bị chỉ trích ; Việt Nam và Trung Quốc dựng nên những "bức tường lửa kỹ thuật", chống lại các tác phẩm tư tưởng Tây phương, hạn chế sự nảy nở của các tổ chức xã hội dân sự để chống lại "chủ nghĩa tư bản và văn hóa phương Tây".
Năm 2018, Giáo sư Chu Hảo, người đương vị Tổng biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức đã bị Ủy Ban kiểm tra trung ương kết luận "đã lựa chọn, biên tập, xuất bản nhiều cuốn sách có nội dung sai phạm, trái quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng", trong đó "năm 2005 - 2009, ông đã cho xuất bản 5 cuốn sách có nội dung chính trị tư tưởng sai trái, bị cơ quan chức năng thẩm định, kết luận, xử lý cấm phát hành". Và một trong 5 cuốn có "Đường về nô lệ" của F.A. Hayek.
F.AHayek đã tập hợp gần như đầy đủ trong tác phẩm các từ khóa để đặc tả một quốc gia áp dụng chủ nghĩa cộng sản : giấc mơ địa đàng ; kế hoạch hóa ; kiểm soát kinh tế ; toàn trị ; phát xít.
Trung Quốc, vào năm 2015, Bộ trưởng giáo dục Trung Quốc Yuan Guiren tuyên bố : Không bao giờ để cho loại sách giáo khoa cổ súy giá trị phương Tây vào các lớp học của chúng ta.
Điều đó cho thấy một thực tế, không có loại trừ nào về "bài trừ văn hóa Tây phương và chủ nghĩa tư bản" ở các quốc gia mà chủ nghĩa cộng sản ngự trị, chỉ có là sự khác nhau về mặt hình thức dựa trên điều kiện kinh tế ở mỗi quốc gia.
Nước Nga, nơi "đào tạo nguồn" của cán bộ trung và cao cấp cho các Đảng Cộng sản các nước vào thế kỷ XX đã chấm dứt chủ nghĩa cộng sản độc tài cai trị. Nhưng chủ nghĩa cộng sản vẫn là một bài học lớn lao cho các lãnh đạo quốc gia này. Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 102 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917), Thủ tướng Liên bang Nga Medvedev tuyên bố : Đối với nước Nga, tất nhiên sẽ tốt đẹp hơn nếu không xảy ra cuộc cách mạng nào. Không phải tôi không nhận thấy điều hay trong những tư tưởng đã nuôi dưỡng các nhà cách mạng của chúng ta. Nhưng khách quan mà nói, đây là bước lùi trong sự phát triển của đất nước, của xã hội, dẫn đến những mất mát vô cùng to lớn về con người. Hậu quả là nước Nga đã mất trọn thế kỷ 20 và gạch bỏ nó ra khỏi sự phát triển của mình".
Cách mà Thủ tướng Nga đánh giá vẫn đang vẫn là luận điểm lý luận chính trị vững chắc mà không ít nhà lãnh đạo đảng-nhà nước ở các nước cộng sản còn lại bám chặt vào, sử dụng nó để "tiến lên xã hội chủ nghĩa". Và thực thể phát triển ở mỗi quốc gia chỉ cho thấy, bào mòn nhân cách và đạo đức con người, lạm dụng quyền lực, tự do tư tưởng bị đóng khung, và nguồn phát triển quốc gia bị bỏ rơi một cách tàn độc.
Tại Việt Nam, cơ hội để hoàn tất công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã bị vuột mất vào năm 2020, trong tình hình "rừng vàng, biển bạc, dân số trẻ" đang co hẹp trở lại.
Chủ nghĩa cộng sản là tốt, ít nhất trong lĩnh vực giải phóng dân tộc và vệ quốc, nhưng nó trở nên tồi tàn và đầy xấu xa trong thời bình là điều không thể phủ nhận. Có vẻ chủ nghĩa cộng sản thích hợp trong chiến tranh và nền dân trí còn mù chữ, nơi mà người dân sẵn sàng hiến dâng máu để hòa vào màu đỏ của lá cờ, và sử dụng búa liềm để cắt phăng đầu những ai chống đối mà không cần biết tương lai hòa bình sẽ phải làm gì (?)
Giấc mơ địa đàng chưa từng hiện diện, nhưng thực tiễn toàn trị đã luồn lách vào mọi ngõ ngách xã hội, bằng chế độ hộ khẩu, bằng cả hệ thống camera giám sát bằng AI.
Nguyễn Hiền
Nguồn : VNTB, 11/11/2019
Đơn vị thi công xới tung lăng mộ nghi vợ vua Tự Đức để xây dựng bãi đỗ xe
Mặc dù người dân sống gần lăng vua Tự Đức đã ra sức ngăn cản nhưng đơn vị thi công vẫn san ủi luôn cả khu lăng mộ nghi của vợ ông vua này.
Cơ quan chức năng đã phải vào cuộc, buộc tạm hoãn công trình để làm rõ gốc tích của khu lăng mộ nói trên.
Phản đối thi công vì xâm phạm lăng mộ người của hoàng gia
Tháng 4/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp phép đầu tư xây dựng bãi đỗ xe tham quan lăng vua Tự Đức và vua Đồng Khánh.
Tấm bia cổ được phát hiện vào chiều 24/6. Ảnh : TL
Bãi đỗ xe có diện tích gần 17.000m2, với quy mô 100 ô tô, xe điện các loại và 120 xe máy, dự án do công ty TNHH Chuỗi Giá Trị (Huế) làm chủ đầu tư.
Theo ông Trần Duy Quế (80 tuổi, trú phường Thủy Xuân, thành phố Huế), để thực hiện dự án, phía thành phố đã thu hồi của ông 4000m2 đất.
Trước đó, trên mảnh đất của ông có hai khu mộ đó là lăng mộ của bà Học Phi và bà Mỹ Phi là hai người vợ của vua Tự Đức. Hai ngôi lăng mộ này nằm sát nhau và gần với lăng của vua Tự Đức.
Khu vực được cho là vị trí của lăng mộ bà Mỹ Phi đã bị máy ủi san phẳng. (Hình : Báo Lao Động)
Riêng phần lăng mộ của nghi bà Mỹ Phi có diện tích gần 50m2, được xây bằng đá và vôi vữa, có cổng hình vòm, riêng phần tường cao từ 3-4m, trước lăng còn có tấm bia khắc chữ Hán bằng đá xanh nguyên khối. Toàn bộ khu lăng cao quá đầu người, không leo vào được.
Theo lời kể của ông Quế thì từ còn nhỏ ông đã thấy khu lăng nghi của bà Mỹ Phi. Cách đây khá lâu, có hai người lính hậu lăng lên bảo vệ khu lăng, khi hai người này mất thì khu lăng cũng không có ai bảo vệ.
Theo ông Quế khu lăng mộ bị ủi có thể là lăng của người trong hoàng tộc vì được xây bằng đá thanh, có mái vòm, bia làm bằng đá thanh được viết bằng chữ Hán, về quy mô thì dân thường không thể xây dựng được khu lăng mộ trên.
Trước khi san ủi mặt bằng các đơn vị đã lập hồ sơ bồi thường cho những hộ có đất nằm trong khu quy hoạch dự án. Ông Quế cũng đã góp ý không nên di dời khu lăng nói trên.
Nhưng đến ngày 19/6, phía đơn vị thi công đã đưa phương tiện đến để san lắp mặt bằng, đồng thời ủi luôn cả khu mộ của nghi của bà Mỹ Phi.
Phát hiện sự việc ông Quế cùng với người dân đã ra ngăn cản nhưng đơn vị thi công vẫn tiếp tục thi công. Đến sáng ngày 20/6 thì cả khu lăng đã biến mất.
Đến ngày 22/6, Phòng nghiên cứu Khoa học (Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế) và Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc đã yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công bãi đỗ xe nhằm xác minh nguồn gốc nghi khu lăng đã bị Công ty Chuỗi Giá Trị san ủi trước đó.
Khu lăng mộ của vợ vua bị san ủi
Đến hơn 14h ngày 24/6, tại dự án xây dựng bãi đỗ xe đoàn kiểm tra đã tìm thấy một tấm bia đá được làm từ đá thanh trong tình trạng gần như nguyên vẹn.
Lăng mộ của bà Học Phi bị đơn vị thi công lấn chiếm đến mép thành. Ảnh : TL
Vị trí phát hiện tấm bia cách khu lăng mộ (đã bị đơn vị thi san ủi trước đó) khoảng 300m, dưới một lớp đất ở độ sâu hơn 1m.
Theo quan sát tấm bia đá được làm từ đá thanh nguyên khối được khắc chìm bằng chữ Hán, cao 67cm, rộng 32cm. trên tấm bia ghi rõ : "Tiền triều tài nhân cửu giai Lê Thị thụy Thục Thuận chi mộ" tạm dịch là : "Mộ của bà Tài Nhân họ Lê, thụy là Thục Thuận".
Cận cảnh bia mộ của bà Tài Nhân hàng Cửu Giai họ Lê Thị, thụy Thục Thuận
Có mặt tại hiện trường, Tiến sĩ Phan Thanh Hải-giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết tấm bia này thuộc về một nhân vật trong hoàng cung dưới thời Nguyễn.
Theo như nội dung trên tấm bia thì khu lăng mộ bị san ủi trước đó là của một tài nhân có thứ bậc thứ 9 dưới thời Nguyễn.
Ông Hải cho rằng có thể đây là lăng mộ của 1 trong số 103 bà vợ của vua Tự Đức. Tuy nhiên cần phải xác định tiền triều ở đây là triều vua nào thì mới biết được bia và khu lăng mộ thuộc về vợ của vị vua nào.
Chiều cùng, thanh tra sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có mặt tại hiện trường để nắm bắt vụ việc.
Ông Nguyễn Văn Hà-Chánh thanh tra sở cho biết sẽ lập vùng bảo vệ khu lăng mộ bị đào xới, lập biên bản đối với đơn vị thi công. Riêng với tấm bia đá sẽ được đưa về phường Thủy Xuân để bảo vệ.
Ông Nguyễn Văn Tuấn-giám đốc Công ty Chuỗi giá Trị cho biết, công ty này chỉ có nhiệm vụ san lấp mặt bằng và đền bù 80 ngôi mộ sau khi Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Huế giao mặt bằng.
"Thời điểm nhận mặt bằng chúng tôi chỉ biết là có lăng của bà Học Phi chứ không biết có thêm khu lăng này, chúng tôi sẽ làm việc với quỹ đất thành phố để làm rõ việc này", ông Tuấn nói.
Trương Lê
Nguồn : GDVN, 26/06/2017
*********************
Phát hiện tấm bia cổ nghi là của lăng mộ vợ vua Tự Đức (VoV, 24/06/2017)
Tấm bia vừa được phát hiện có chiều rộng khoảng 32cm, dài 67cm, có khắc dòng chữ Hán "Tiền triều tài nhân cửu giai Lê Thị Thụy Thục Thuận chi mộ".
Liên quan đến sự việc khu lăng mộ nghi là vợ vua Tự Đức bị san ủi làm bãi đậu xe, chiều 24/6, sau hơn 2 ngày tìm kiếm, bà con trong Nguyễn Phước tộc đã tìm thấy tấm bia cổ có khắc chữ Hán nghi là bia mộ của vợ vua Tự Đức tại khu vực dự án bãi đỗ xe đang thi công gần lăng vua Tự Đức.
Theo đó, tấm bia vừa phát hiện có chiều rộng khoảng 32 cm, dài 67cm, dày 10cm ; phía trên có khắc dòng chữ Hán "Tiền triều tài nhân cửu giai Lê Thị Thụy Thục Thuận chi mộ".
Tấm bia vừa được phát hiện được cho là bia của lăng mộ của vợ vua Tự Đức
Liên quan đến tấm bia này, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, căn cứ chữ viết ghi trên tấm bia mộ này bước đầu có thể khẳng định : đây là tấm bia mộ của một bà vợ vua dưới triều đại nhà Nguyễn.
Qua nội dung tấm bia, cho thấy đây là bia của một người vợ vua ở thứ bậc thấp nhất là Cửu Giai Phi, cấp thứ 9 trong 9 bậc của vợ vua, tên là Lê Thị Thụy. Tuy nhiên, theo ông Hải, việc ngôi mộ đó có phải vợ vua Tự Đức hay không cần phải xác minh thêm.
Sau khi phát hiện tấm bia, thanh tra Sở Văn hóa và Thể Thao tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng đại diện Nguyễn Phước tộc đã có mặt tại hiện trường để lập biên bản sự việc.
Trước đó, ngày 19/6, Công ty TNHH Chuỗi Giá Trị cho thi công san ủi mặt bằng bãi đỗ xe phục vụ khách tham quan lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh ở phường Thủy Xuân, thành phố Huế đã san lấp luôn ngôi lăng mộ nghi là của bà Mỹ Phi, vợ vua Tự Đức.
Sự việc được người dân phát hiện, sau đó Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã yêu cầu Công ty TNHH Chuỗi Giá Trị dừng việc thi công san ủi mặt bằng khu đất thuộc dự án bãi đỗ xe khách để xác minh sự việc.
Dự án bãi đỗ xe khách tham quan lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cấp phép vào tháng 4/2016. Bãi đỗ xe này rộng gần 1,7 ha nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ di sản lăng vua Tự Đức với quy mô đỗ 100 xe ôtô, xe điện các loại và khoảng 120 xe máy.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 15 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 30 năm, do Công ty TNHH Chuỗi Giá Trị làm chủ đầu tư./.
Lê Hiếu
******************
Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế vừa yêu cầu một doanh nghiệp tạm dừng dự án san ủi bãi đậu xe, phục vụ du khách tham qua khu vực lăng vua Tự Đức.
Cán bộ Trung tâm cho hay, việc tạm dừng là để xác minh xem khu đất bị san ủi có lăng mộ vợ vua Tự Đức hay không.
Trước đó, nhiều người dân sống ở phường Thủy Xuân, thành phố Huế phản ánh lăng bà Mỹ Phi, một trong những vợ vua Tự Đức bị xâm phạm vì dự án bãi đậu xe.
Đơn vị thi công san ủi mặt bằng sát lăng bà Học Phi, một trong những bà vợ vua Tự Đức. Ảnh : Võ Thạnh.
Ông Trần Duy Quế (trú tổ 11, KV3, phường Thủy Xuân) cho biết, lăng mộ bà Mỹ Phi nằm gần lăng bà Học Phi (một vợ khác của vua Tự Đức) trên ngọn đồi rộng 4.000 m2. Quá trình thi san ủi mặt bằng làm bãi đỗ xe du lịch, đơn vị thi công đã ủi bay ngôi lăng này.
"Lăng mộ bà Mỹ Phi rộng khoảng 45 m2, được xây bằng gạch, đá, có cổng hình vòm, tường cao 3-4m", ông Quế nói và thông tin thêm, ngày 19/6, khi phát hiện đơn vị thi công san ủi lăng bà Mỹ Phi, một số người dân đã ngăn cản nhưng bất thành.
Quan sát tại hiện trường khu đất vừa bị san ủi, nhiều viên gạch có kích thước lớn giống gạch tại các công trình của triều Nguyễn nằm vương vãi.
Một khối gạch nằm trên khu vực bị san ủi. Ảnh : Võ Thạnh.
Ông Tôn Thất Viễn Bào, Chủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc cho biết, Hội đồng dòng họ đã thông báo tới Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế về sự việc nêu trên để cơ quan chức năng vào cuộc.
"Bước đầu qua tìm kiếm trong gia phả dòng họ chưa thấy tên bà nào là Mỹ Phi vợ vua Tự Đức", ông Bào nói.
Khu đất nghi trước đây có lăng bà Mỹ Phi bị san ủi, vùi lấp. Ảnh : Võ Thạnh.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc công ty TNHH Chuỗi Giá Trị, đơn vị đầu tư dự án bãi đậu xe lăng vua Tự Đức cho biết, khu đất mà công ty san ủi có tổng diện tích 17.000 m2 được thực hiện theo hình thức xã hội hóa.
"Khu vực chúng tôi nhận dự án theo bản vẽ chỉ có lăng bà Học Phi, không hề có lăng bà Mỹ Phi. Hiện chúng tôi đã dừng san ủi mặt bằng để chờ kết quả xác minh" ông Tuấn nói.
Võ Thạnh