Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cách đây 10 năm, cả nước có hơn 10 triệu hộ chăn nuôi, đến 2021 còn 4 triệu hộ và hiện nay còn chưa tới 2 triệu hộ, ông Nguyễn Chí Công, chủ tịch hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết. Đây chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh tổng thể đầy ảm đạm mà người dân Việt Nam đang đối diện.

laodong1

Nông dân thua lỗ phải bỏ quê ra Bình Dương làm công nhân, công nhân Bình Dương lại thất nghiệp vì công ty thua lỗ.

Chi phí thức ăn, chuồng trại, thuốc phòng bệnh ngày thì tăng, nhưng giá xuất chuồng thì thấp, nuôi mỗi con heo lỗ 1 triệu, mỗi con gà lỗ 5.000đ. Trong khi đó, giá heo gà nhập khẩu từ Trung Quốc lại thấp hơn giá trong nước, chăn nuôi đã lỗ lại còn không cạnh tranh được với các sản phẩm từ Trung Quốc.

Hàng loạt chủ chuồng trại phải cắt giảm chi tiêu, kiệt quệ, thậm chí treo chuồng, không thể tiếp tục tái đàn. Tình hình bi đát tới nổi hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai phải gửi tâm thư gửi tới thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng ; với mong muốn có những chính sách cứu nguy khẩn cấp cho ngành chăn nuôi.

Hai tháng nay, hàng trăm tấn cam sành của nông dân miền tây phải treo bảng giải cứu, bày bán tràn lan khắp các mặt đường với giá chỉ vài ngàn đồng mỗi ký. Nông dân khóc ròng, phải cầm dao chặt từng cái cây mà mình vun vén chăm sóc bao năm qua vì thua lỗ.

Không chỉ cam, mà còn sầu riêng, dừa, vải, thanh long… Dân nêu ý kiến với nhà nước thì nhà nước đổ lỗi cho người dân làm ăn tự phát. Cơ quan chức năng hứa đàm phán tìm đầu ra cho sản phẩm từ năm này qua năm khác mà chưa biết bao giờ có kết quả.

Ở dưới quê thì lỗ, lên Bình Dương thì khổ. Bỏ nghề nông, rời quê hương lên Bình Dương mong kiếm được việc làm. Thế nhưng… chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023, 36.000 lao động ở Bình Dương mất việc. Nhà chức trách Bình Dương dự báo nhu cầu tuyển dụng trong quý II/2023 chỉ vào khoảng 8.000 đến 10.000 lao động.

Dịch bệnh, chiến tranh, khiến cho hàng loạt ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là da giày, dệt may, gỗ… Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Bình Dương có 610 đơn vị ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, nợ đọng bảo hiểm xã hội hơn 600 tỷ đồng. Có những công nhân bị mất việc từ năm ngoái tới năm nay vẫn chưa được nhận lương, do chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

Đảng cộng sản Việt Nam tự nhận là đảng của giai cấp cần lao, đội tiên phong của giai cấp công nhân và nông dân. Vậy mà khi nông dân và công nhân kêu cứu, đảng lại họp bàn chuyện giải cứu… bất động sản. 

Bộ Xây dựng họp khẩn bàn chuyện giải cứu bất động sản. Thủ tướng chỉ đạo gấp rút tìm phương án giải cứu bất động sản. Ngân hàng nhà nước đề xuất nhiều giải pháp giải cứu bất động sản. Đại biểu quốc hội cũng muốn nhanh chóng giải cứu bất động sản. Hàng loạt cơ quan ban ngành đều lo chuyện giải cứu bất động sản.

Một người dân đánh giá rằng "các quan chức cộng sản đầu cơ vào bất động sản rất nhiều, họ bắt buộc phải tìm cách giải cứu bất động sản để cứu lấy tài sản của họ. Còn trồng trọt, chăn nuôi, công nhân, nông dân thì không ảnh hưởng tới gia sản của họ thì còn lâu họ mới lo tới".

Trần Quí Thường

Nguồn : VNTB, 29/03/2023

Published in Diễn đàn

Như tất cả các nước trên thế giới, kinh tế Việt Nam bị dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng. Virus corona trở lại lây nhiễm nhanh hơn và rộng hơn trong cộng đồng từ cuối tháng 07/2020 khiến mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả năm là 6,8% khó có thể đạt được, vì GDP quý II năm 2020 chỉ tăng 0,36% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020.

baove1

Công nhân nhà máy An Phú sản xuất khẩu trang chống dịch Covid-19), tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 05/08/2020.  Reuters - Kham

Các biện pháp khống chế dịch bệnh, cũng như hoạt động xuất khẩu bị hạn chế do tác động từ Covid-19 khiến hoạt động sản xuất bị thu hẹp, nhiều người lao động bị mất việc. Trong Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động việc làm tại Việt Nam (10/07/2020), bộ Kế hoạch và đầu tư thống kê có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 tính đến hết tháng 06/2020, gồm những người bị mất việc, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập...

Thu nhập bình quân tháng trong quý II/2020 giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tỉ lệ thất nghiệp trên cả nước tăng 2,73%, khu vực thành thị tăng 4,46%. Lao động nữ, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp hoặc không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động làm công việc phi chính thức bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ "không để người dân nào bị bỏ lại trong công cuộc phát triển đất nước cũng như trong chiến đấu với dịch bệnh", cho dù "tình hình ngân sách căng thẳng" với dự báo thâm hụt tăng trong năm 2020.

Gói hỗ trợ đầu tiên 62.000 tỷ đồng của chính phủ tiếp tục được triển khai, trong đó 17.500 tỷ đồng đã được phê duyệt trợ cấp cho gần 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng thụ hưởng, tính đến ngày 27/07. Ngày 06/08, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định một lần nữa là gói hỗ trợ sẽ được triển khai "nhanh hơn, trúng và mở rộng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa".

Vậy dịch Covid-19 gây ra những khó khăn như thế nào cho người lao động Việt Nam ? Gói hỗ trợ của Chính phủ có được triển khai công bằng và không bỏ sót đối tượng thụ hưởng hay không ? RFI Tiếng Việt phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, từ Hà Nội, ngày 27/07/2020, trước khi xảy ra đợt dịch thứ hai tại Việt Nam.

*****

RFI :Thưa bà Phạm Chi Lan, dịch Covid-19 đã gây ra hậu quả như thế nào đối với lao động ở Việt Nam ? Số liệu thống kê hiện nay có phản ánh được đầy đủ thực trạng không ?

Phạm Chi Lan : Theo tôi nghĩ là ở Việt Nam, tác động về mặt kinh tế-xã hội của dịch Covid-19 khá là nặng nề, mặc dù Việt Nam là một trong những nước thành công trong việc phòng chống dịch Covid-19. Đó là thành quả lớn. Tuy nhiên, tác động về kinh tế-xã hội cũng lớn, nhất là về công ăn việc làm. Tính ra ở Việt Nam có khoảng hơn 2 triệu người mất việc vì Covid-19. Số người lao động bị ảnh hưởng - giảm thu nhập hoặc giảm bớt công ăn việc làm - tính ra cũng phải vào khoảng hơn 20 triệu người. Có thể nói tác động khá là nặng nề về mặt lao động.

Chính phủ Việt Nam cũng nhận thức rõ được điều đó, cho nên đã có nhiều giải pháp được đưa ra để hỗ trợ cho người lao động, kể cả những người bị mất hẳn việc làm, hay những người đăng ký thất nghiệp, hoặc những người bị giảm thu nhập hoặc mất công việc tạm thời trong từng giai đoạn. Tất cả đều được đưa vào những gói hỗ trợ cần thiết. Còn liên quan đến những người được đưa vào danh sách hỗ trợ, Việt Nam vẫn tiếp tục xem xét và mở rộng dần ra tới những diện mà lúc ban đầu chưa tính được hết.

Vì vậy tôi nghĩ, lần này về mặt chính sách xã hội, thì chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra được những chính sách kịp thời. Tuy nhiên, khi thực hiện thì cũng còn những chậm trễ nhất định, bởi vì còn phụ thuộc vào việc người ta thực hiện các thủ tục đăng ký cần thiết, rồi cách thức thống kê nhiều khi cũng chưa thật rõ ở từng nơi. Tôi nghĩ là về mặt chính sách nói chung, thì là được, kể cả trong lúc có dịch, cũng như là sau khi có dịch.

RFI :Tuy nhiên, vẫn có một số người dường như không được nhận, hoặc không đủ tiêu chuẩn để được hỗ trợ do làm nghề tự do, cũng như là không chứng minh được mất thu nhập vì Covid-19. Phải chăng chế độ hỗ trợ vẫn còn bất cập ? Phải giải quyết thực trạng này như nào ?

Phạm Chi Lan : Đó là điều mà tôi vừa cập đến, đó là tuy chính sách đã được đưa ra, nhưng quả thực, nhiều khi ban đầu chưa tính hết được. Lấy trường hợp của những cô giáo dạy ở trường mầm non, mẫu giáo chẳng hạn : Thời gian đó trẻ con nghỉ học, mà các cô làm ở những cơ sở tư, không có hợp đồng đầy đủ, thì không được hỗ trợ, nhưng sau này, biết được những tình trạng đó thì Nhà nước đã đồng ý đưa vào danh sách hỗ trợ.

Vấn đề thứ hai về thủ tục, thường đòi hỏi người cần hỗ trợ có được những chứng minh nhất định. Vì nếu không có chứng minh, ngay cả chính quyền địa phương là nơi thực hiện việc cung cấp hỗ trợ, cũng bị lúng túng và người ta sợ có thể lại đưa nhầm cho những người mà trên thực tế không bị dịch tác hại. Vẫn có tình trạng đó. Về điều này, ngay cả các nghiên cứu và khảo sát cũng đã nêu ra và tích cực đề nghị Chính phủ xem xét và có những giải pháp thực tế hơn hoặc giảm bớt những thủ tục. Bởi vì, nói chung, nếu thủ tục rầy rà quá thì nhiều khi trợ cấp không đến được tay một số người lao động. Đó là tình trạng thực tế.

RFI : Vừa qua truyền thông đưa một số vụ hộ nghèo phải gửi "tiền trà thuốc" cho cán bộ địa phương. Trở lại với trường hợp hỗ trợ người lao động mất việc làm vì Covid-19, chính phủ có biện pháp kiểm tra để tránh tái diễn hiện tượng này không ?

Phạm Chi Lan : Tôi nghĩ là kiểm soát đến từng chính quyền địa phương ở các cơ sở thì cũng không dễ cho chính quyền trung ương ngồi ở Hà Nội mà có thể nắm được tất cả. Tuy nhiên, trong khi thực hiện, Chính phủ cũng đã chú ý lắng nghe tiếng nói của người dân ở các nơi, hoặc là được phản ánh qua các tổ chức xã hội hoặc qua báo chí, để biết được trường hợp nào được phản ánh như thế nào, thì cũng đã có tổ chức kiểm tra giám sát và yêu cầu chấn chỉnh lại kịp thời.

Ở Việt Nam, nói chung mọi người không tha thứ cho tham nhũng, nhất là chuyện tham nhũng vào những lúc người dân gặp khó khăn như thế này là một trường hợp tệ hại và không thể chấp nhận được.

Tôi nghĩ là chính phủ chỉ có thể kiểm soát được khi mà dựa vào người dân giám sát trực tiếp và các tổ chức xã hội có thể giúp Nhà nước giám sát để có thể phát hiện được và giải quyết kịp thời.

RFI : Qua đợt dịch Covid-19, có cần phải xem xét lại mô hình lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức, để có được những quy định cụ thể, phù hợp với luật pháp, vừa để quản lý lao động tự do, vừa để bảo vệ họ hay không ?

Phạm Chi Lan : Hiện nay cũng đã có nhiều cuộc bàn bạc ở Việt Nam đối với khối kinh tế "phi chính thức". Vừa rồi, lúc bàn về Luật Doanh nghiệp, cũng đã có ý kiến muốn đưa số doanh nghiệp đang hoạt động "phi chính thức" vào diện chính thức.

Nhưng về vấn đề này, nhiều chuyên gia, kể cả nhiều người đại diện Hội đồng Nhân dân, đại biểu Quốc Hội, cũng e ngại là đưa vào như vậy thì lại trở thành một thứ quan liêu, nặng nề và quá lớn, nên Nhà nước đưa vào thì cũng không quản lý nổi. Và nếu đưa vào thì nhiều khi lại buộc người ta vào những thủ tục hành chính và sự quản lý phức tạp hơn nhiều của chính quyền địa phương. Cho nên cuối cùng, quyết định chung, cũng vẫn trong Luật Doanh nghiệp vừa rồi, là không đưa diện các hộ phi chính thức vào diện doanh nghiệp.

Tôi nghĩ giải pháp đó cũng là phải. Khu vực phi chính thức tồn tại ở khắp nơi, ở các nước khác nhau cũng vẫn có diện đó. Và bản thân những người làm trong khu vực phi chính thức cũng hiểu rõ là quyền lợi của họ như thế nào và những thua thiệt của họ khi không tham gia vào khu vực chính thức như thế nào.

Nhưng trong điều kiện một nền kinh tế như Việt Nam, mà công ăn việc làm cũng ngày một khó khăn hơn, ngay cả khu vực chính thức cũng có những thời điểm rất khó khăn, cho nên nhiều người vẫn ưa làm việc trong khu vực phi chính thức hơn. Bởi vì nó tạo cho họ sự chủ động, họ có thể cùng một lúc làm vài việc khác nhau, hoặc làm ngay tại gia đình, khi mà người ta có hoàn cảnh không thể rời khỏi nhà để đi làm việc theo những giờ giấc bó buộc trong hợp đồng lao động khi làm việc trong khu vực chính thức. Vì vậy, tôi cho rằng đây cũng là một biện pháp, một cách giải quyết phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam hiện nay.

Nhưng mà tôi cũng đồng ý là cần phải có những quy định để cho ngay cả những người làm việc không có hợp đồng cũng phải được đảm bảo quyền lợi hơn. Và tôi tin là qua dịch Covid-19 lần này, với những khó khăn họ trải qua, thì chính những người làm việc trong khu vực đó cũng thấy là một mặt, nếu như họ làm việc không có hợp đồng chính thức, thì họ có những quyền tự do nhất định, nhưng mặt khác họ cũng sẽ bị thua thiệt khi cần đến những trợ giúp của xã hội và của Nhà nước. Cho nên, bản thân họ cũng sẽ phải tính toán lại, suy nghĩ lại và quyết định gia nhập khu vực chính thức. Hoặc là làm việc ngay trong khu vực phi chính thức thì cũng phải có những hợp đồng lao động rõ ràng hơn, để đảm bảo được quyền lợi của họ trong tương lai.

RFI Tiếng Việt chân thành cảm ơn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Hà Nội.

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 10/08/2020

Published in Diễn đàn

"Hiện tại công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm việc cho Đảng. Thay vì bảo vệ quyền lợi của người lao động, họ lại đứng về phía người sử dụng lao động để bảo vệ quyền lợi của giới chủ", theo ông Vũ Quốc Ngữ, giám đốc của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders)

laodong1

Công nhân xây dựng trong giờ nghỉ giải lao tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất Việt Nam. Ảnh Eric San Juan

Có hy vọng nào cho người lao động Việt Nam ?

Tháng 11 năm ngoái, Quốc hội Việt Nam đã đưa ra một quyết định được chờ đợi từ lâu đối với một yêu cầu đến từ cả trong và ngoài nước : cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động cấp doanh nghiệp từ năm 2021.

Biện pháp này, một trong nhiều cải cải cách của Bộ luật Lao động, đi kèm với hai thay đổi khác : tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 đối với nam và 60 đối với nữ (hiện tại là 60 và 58 tương ứng) để chống lại sự lão hóa dân số ; và số giờ làm việc trong tuần vẫn cố định ở mức 48 giờ, mặc dù một số quan chức đang kêu gọi giảm xuống còn 40.

Các tổ chức đại diện người lao động không phải là công đoàn, mặc dù đã được nhìn nhận một cách rộng rãi như thế trong phiên bản trước của bài viết này. Không giống như các công đoàn, các tổ chức đại diện công nhân không thể phát triển (ở cấp độ khu vực hoặc toàn quốc) ngoài công ty mà họ hoạt động ; hoạt động của nó được giới hạn cho các doanh nghiệp. Liên quan đến tài chính, không giống như những gì xảy ra với các công đoàn hiện nay ở Việt Nam, nguồn tài chính của các tổ chức này đến từ sự đóng góp của công nhân, không có tài trợ của công ty hoặc nhà nước, theo Joe Buckley, nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi (SOAS) thuộc Đại học Tổng hợp London.

Mặc dù vẫn còn phải xem nó sẽ được thực thi như thế nào, việc tạo ra một hệ thống đại diện công nhân kép vẫn là một cột mốc quan trọng ở Việt Nam nơi Đảng Cộng sản nắm quyền từ năm 1975  kìm hãm mọi nỗ lực của xã hội dân sự trong khi tự do ngôn luận ngày càng bị hạn chế. Các công đoàn đã tồn tại ở Việt Nam, nhưng tất cả đều thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một cơ quan thành lập bởi Đảng Cộng sản và do đó không thích hỗ trợ các hành động gây khó chịu cho chính phủ.

"Hiện tại công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm việc cho Đảng. Thay vì bảo vệ quyền lợi của người lao động, họ lại đứng về phía người sử dụng lao động để bảo vệ quyền lợi của giới chủ", theo ông Vũ Quốc Ngữ, giám đốc của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders)

Việc đất nước mở cửa thương mại dần dần trong 25 năm qua khiến một số nhà hoạt động tin rằng họ có thể thành lập các công đoàn độc lập, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006, nhưng chế độ cộng sản cho thấy vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận điều đó. Những nỗ lực đáng chú ý nhất là của Công đoàn Độc lập Việt Nam năm 2006 dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Khắc Toàn, và Hiệp hội Đoàn kết Công nông, được tạo ra trong cùng năm bởi Đỗ Thành Công. Cả hai nhóm đã bị xoá bỏ trong vòng vài tháng sau khi thành lập và các nhà lãnh đạo của họ đã bị cầm tù, bị buộc tội tuyên truyền chống lại nhà nước.

Áp lực kép

Vậy điều gì đã thay đổi để khiến Việt Nam đồng ý chấp nhận một số hình thức độc lập đại diện cho người lao động ? Theo hầu hết các nhà phân tích, đó là sự kết hợp của áp lực bên trong và bên ngoài. Trong nước, bất chấp luật pháp mới chống lại quyền tự do ngôn luận, những tiếng nói bất đồng đã khiến họ ngày càng được nghe thấy nhiều hơn, đặc biệt là kể từ khi sự phát triển của các mạng xã hội như Facebook. Những quan điểm bất đồng này, dù vẫn dẫn đến việc tống giam hàng chục nhà hoạt động vào tù, làm cho công nhân ngày càng táo bạo trong nhiều năm gần đây, đẩy mạnh số vụ đình công vốn bị gọi là "tự phát" hoặc không được sự ủng hộ của nhà nước, đặc biệt là ở các công ty nước ngoài (Hàn Quốc , Đài Loan, Trung Quốc và Nhật Bản), theo dữ liệu của chính phủ.

Luật pháp Việt Nam đã cho phép đình công từ năm 1994, nhưng sự chậm chạp của các thủ tục hành chính quan liêu và sự thất bại của công đoàn nhà nước để hành động đã khiến công nhân lựa chọn đình công bên ngoài luật pháp. Một trong những vụ nổi tiếng nhất diễn ra vào năm ngoái, khi hàng ngàn công nhân biểu tình trong nhiều ngày bên ngoài một nhà máy và chặn đường ở một tỉnh gần thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất nước. Những phong trào như vậy một phần là do thiếu cơ chế thương lượng tập thể, sự thiếu sót mà theo Giáo sư Nguyễn Đức Lộc, thuộc Viện Nghiên cứu xã hội Hồ Chí Minh, sẽ được khắc phục với sự tồn tại của các tổ chức công đoàn độc lập.

"Nhà nước sẽ cho phép người lao động tự tổ chức và cử người đại diện của mình", ông nói với Equal Times. Ngoài ra, theo giáo sư này, sự xuất hiện của các nhóm mới này sẽ có tác động mạnh mẽ đến những người lao động tự làm chủ, cho đến nay hoàn toàn không được bảo vệ. "Họ không có tư cách pháp nhân", ông giải thích rằng các tổ chức công nhân độc lập có thể là chìa khóa để bảo vệ họ.

Theo nhiều nhà phân tích, ngoài yếu tố trong nước, quy định mới cũng là kết quả của việc Việt Nam mở cửa cho nền kinh tế quốc tế. Ủy quyền cho các công đoàn độc lập là một phần cơ bản của các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một điều kiện cuối cùng đã bị suy yếu do Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước đó (được đàm phán bởi 12 quốc gia ).

Hiệp định lớn cuối cùng mà Việt Nam ký kết là Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA), được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn ngày 12 tháng 2, bao gồm một phần về phát triển bền vững với cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người . Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hoan nghênh vì nó tạo ra môi trường pháp lý cần thiết cho việc làm ở Việt Nam hiện đại và cho các mối quan hệ công nghiệp.

Sự hoài nghi

Tuy nhiên, nhiều nhà bình luận phê bình cho rằng EVFTA với EU quá mơ hồ và nhấn mạnh việc thiếu các biện pháp trừng phạt trong trường hợp Việt Nam không thực hiện các cam kết về quyền con người và lao động. Ngoài ra, họ nghi ngờ rằng chính phủ sẽ thực sự cho phép các công đoàn tự do tại Việt Nam. "Trừ khi muốn thực hiện những cải cách chính trị sâu rộng, Đảng Cộng sản sẽ không cho phép thành lập các công đoàn độc lập vì e ngại đe dọa đến sự độc quyền chính trị của mình", theo ông Vũ Quốc Ngữ từ tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền.

Cũng có quan điểm tương tự, Claudio Francavilla, một chuyên gia đại diện tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) ở Brussels, chỉ ra rằng Bộ luật Hình sự của Việt Nam sẽ tiếp tục hạn chế quyền tự do lập hội ngay cả khi các tổ chức công nhân độc lập được ủy quyền. "Bộ luật Hình sự hình sự hoá các hoạt động phản biện ôn hoà. Bạn có thể thành lập một công đoàn với một số loại hoạt động, nhưng bạn có thể vào tù vì chỉ trích một luật", ông nói.

Mặc dù Việt Nam đã phê chuẩn Công ước ILO 98 về thương lượng tập thể và cam kết thực hiện các nỗ lực của mình, tuân thủ Công ước 105 về việc bãi bỏ lao động cưỡng bức và Công ước 87– bảo vệ quyền tự do lập hội, đến năm 2023, cả hai đều chưa được phê chuẩn và Francavilla nhấn mạnh thiếu sự đảm bảo.

"Thời hạn tự áp đặt vào năm 2023 cho chính phủ thời gian để tăng cường kiểm soát đối với [đại diện công nhân] độc lập và cũng có thể hoãn thực hiện vô thời hạn mà không vi phạm FTA. Ngoài ra, một số điều của Bộ luật Hình sự khiến cho người lao động không thể hưởng các quyền có trong các công ước của ILO", ông nói thêm.

Liên đoàn Công đoàn Quốc tế (ITUC) nhấn mạnh rằng trong khi cải cách bộ luật lao động là một nửa bước hướng tới tự do lập hội mà có thể tạo không gian cho công nhân và tổ chức độc lập, thì các công đoàn độc lập sẽ không có khả năng tồn tại cho đến khi Công ước ILO 87 được phê chuẩn. Đây là lý do tại sao Liên minh Công đoàn Châu Âu (ETUC) yêu cầu Nghị viện Châu Âu không phê duyệt FTA với Việt Nam cho đến khi Việt Nam phê chuẩn, hoặc xác định lộ trình ràng buộc để phê chuẩn [Công ước].

Mặt khác, một tác động không mong muốn của các cải cách lao động hiện nay, theo ý kiến của Buckley, là nó có thể phục vụ để cản trở hoạt động lao động ở cơ sở. "Tôi nghĩ rằng các cuộc đình công tự phát là một cách rất hiệu quả để người lao động nghe thấy tiếng nói của họ. Họ đã có những thành tựu đáng kể, như : yêu cầu ngay lập tức được đáp ứng ở nơi làm việc ; tăng lương thường theo kịp tốc độ tăng năng suất ; buộc cải cách quan hệ công đoàn và công nghiệp ; đảo ngược một sự thay đổi lớn đối với luật bảo hiểm xã hội năm 2015. Quan điểm của tôi là tự do cải cách hiệp hội hiện nay có thể làm suy giảm hoạt động đấu tranh hiệu quả hiện tại thay vì mang đến một tia hy vọng".

Một trong những tiếng nói hoài nghi nhất về khả năng tự do lập hội trong tương lai và hiệp định thương mại với EU là của Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một tổ chức đấu tranh cho tự do ngôn luận trong nước. Ông Dũng vẫn ở tù kể từ khi bị bắt hồi tháng 11 năm ngoái, vài ngày sau khi gửi một bức thư ngỏ tới Quốc hội Châu Âu để đề nghị không thông qua EVFTA để buộc Việt Nam cải thiện quyền con người và quyền lao động. Trong thư của mình, ông Dũng nói rằng Bộ luật Lao động mới không mở ra cánh cửa cho các công đoàn độc lập mà là tạo ra một quy trình phức tạp cho những người muốn thành lập công đoàn phi nhà nước. 

Một trong những lý do tại sao Đảng Cộng sản không muốn cho phép tự do lập hội : nhà cầm quyền Việt Nam coi các đoàn thể độc lập là các tổ chức phản động là vì ký ức về Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan, tổ chức đóng vai trò quyết định trong sự sụp đổ của hệ thống cộng sản ở Đông Âu năm 1989.

Eric San Juan

Nguyên tác : Is there a glimmer of hope for Vietnamese workers ?, Equaltime, 18/02/2020

Vũ Quốc Ngữ dịch

Nguồn : VNTB, 26/02/2020

Published in Diễn đàn

Tổ chức độc lập đại diện cho người lao động : "Khó thực thi theo luật vì an ninh chính trị"

Sau hàng chục năm chờ đợi, kể từ khi Bộ luật Lao động có hiệu lực vào năm 1995, lần đầu tiên người lao động Việt Nam được luật cho phép thành lập "tổ chức của người lao động" – là một tổ chức đại diện cho người lao động độc lập với Công đoàn Việt Nam và không nằm trong hệ thống chính trị hiện hành.

nghiepdoan11

Hội thảo khoa học quốc gia Công đoàn Việt Nam ngày 24/7/2019 - Ảnh minh họa

Theo đó, Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được Quốc Hội thông qua vào hôm 20/11 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021), tại Điều 170 quy định về quyền thành lập tổ chức đại diện cho người lao động, bên cạnh tổ chức công đoàn truyền thống, giờ được bổ sung thêm "tổ chức của người lao động".

Như vậy, theo luật mới sửa đổi này, sẽ có 2 chủ thể đại diện cho người lao động cùng tồn tại. Thứ nhất là "Công đoàn Việt Nam"- là tổ chức thuộc hệ thống chính trị, do nhà nước thành lập, trực thuộc Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam ; và thứ hai là "tổ chức của người lao động"- một tổ chức độc lập với hệ thống chính trị, do chính người lao động thành lập tại doanh nghiệp và được nhà nước cấp phép hoạt động.

Khi Bộ luật Lao động được sửa đổi lần này theo hướng trao thêm quyền cho người lao động phù hợp với tiêu chuẩn lao động trên thế giới, đã nhận được nhiều ý kiến hoan nghênh từ các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, còn quá sớm để nói rằng cải cách pháp lý này sẽ làm tiền đề thúc đẩy hình thành các tổ chức độc lập bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong tương lai.

Bất bình đẳng giữa công đoàn và tổ chức của người lao động

Bộ luật Lao động sửa đổi đã phân định ra 2 chủ thể đại diện cho người lao động là "Công đoàn Việt Nam" và "tổ chức của người lao động". Tuy còn nhập nhèm về tên gọi, nhưng có thể phân biệt được qua đặc trưng công đoàn vẫn do nhà nước độc quyền nắm giữ, hoạt động trên phạm vi quốc gia, còn "tổ chức của người lao động" sẽ do chính người lao động lập ra và chỉ có thể hoạt động trong phạm vi tại doanh nghiệp.

Quy định này đã đặt vị thế pháp lý và khả năng hoạt động của "tổ chức của người lao động" yếu hơn nhiều so với công đoàn truyền thống được nhà nước bảo hộ. Cũng tại Khoản 3 Điều 172 của Bộ luật này quy định trường hợp tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam thì thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn. Điều này cho thấy tổ chức đầu mối – trụ cột chính trong việc bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động vẫn là Công đoàn Việt Nam, còn "tổ chức của người lao động" do chính người lao động lập ra chỉ mang tính phụ họa ở cấp cơ sở.

Vấn đề đáng quan ngại được đặt ra trong điều khoản này là liệu các "tổ chức của người lao động" sau khi được thành lập và đi vào hoạt động, có bị áp lực chính trị để gia nhập công đoàn nhà nước hay không ? Đây là vấn đề khó tránh khỏi vì việc thành lập tổ chức của người lao động đều phải thông qua sự phê duyệt cấp phép của chính quyền.

Việc định vị pháp lý giữ công đoàn và tổ chức của người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi rõ ràng đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa 2 chủ thể có cùng chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Có thể hiểu quy định "mở" cho tổ chức của người lao động được gia nhập công đoàn như là sự dọn đường cho việc vô hiệu hóa tính độc lập của tổ chức do người lao động lập ra, và mục đích cuối cùng là đặt "tổ chức của người lao động" chịu sự lãnh đạo và kiểm soát của Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam.

Sửa luật mang tính chất đối phó

Nhìn lại quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động cho phép người lao động được thành lập tổ chức đại diện cho mình cho thấy sự cải cách của luật này chỉ mang tính đối phó.

Bởi lẽ, quyền thành lập tổ chức độc lập đại diện cho người lao động chính là quyền tự do hiệp hội được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác. Chẳng hạn như quyền tự do hiệp hội, bao hàm cả quyền thành lập tổ chức của người lao động được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập từ rất lâu như Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa ; hay Các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)... Tuy nhiên dễ nhận thấy, trong suốt thời gian dài, quyền này đã không được nhà nước đảm bảo thực thi tại Việt Nam, khi các văn kiện pháp lý quốc tế này không có hình thức chế tài đối với các quốc gia không chấp hành hoặc vi phạm công ước.

Sự trao quyền cho người lao động Việt Nam được phép thành lập tổ chức đại diện độc lập chỉ thật sự thay đổi khi nhà nước Việt Nam đặt bút ký kết các Hiệp định Thương mại gần đây. Đáng kể nhất là việc EU liên tục gây sức ép Việt Nam gia nhập Công ước số 87 của ILO về quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể trong lao động, như là một điều kiện để ký Hiệp định Tự do Thương mại EU-Việt Nam (EVFTA) vào hôm 30/6/2019. Theo Hiệp định khung về đối tác và hợp tác toàn diện giữa EU và Việt Nam (PCA), quốc gia có thể bị chế tài bằng cách đình chỉ hoạt động thương mại bởi đối tác nếu vi phạm các cam kết về nhân quyền của người lao động.

Do đó, khi nhìn lại quá trình luật cho phép người lao động được thành lập tổ chức đại diện độc lập, cho thấy đây không phải là một tiến trình cải cách pháp lý đến từ sự chủ động trong ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền cho người lao động của chính quyền, mà chỉ là sự thay đổi một cách thụ động do áp lực chế tài từ các hiệp định kinh tế mang lại.

Cách thức vô hiệu luật

Khi sự cải cách pháp lý không xuất phát từ ý chí chủ động của giới chức chính quyền, có thể dẫn đến tình trạng luật chỉ ở trên giấy, chỉ dùng để đối phó với cam kết về nhân quyền trong thương mại, mà không có khả năng thi hành trên thực tế.

Không quá khó để giới chức chính quyền vô hiệu hóa quyền thành lập tổ chức độc lập của người lao động bằng các công cụ là Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành luật. Chẳng hạn như Chính phủ có thể đặt ra các điều kiện khắt khe và bất hợp lý về thủ tục và điều kiện thành lập, qua đó có thể hạn chế quyền của người lao động, ngăn chặn sự ra đời của các tổ chức độc lập đại diện cho người lao động.

Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở khi Khoản 4 Điều 172 Bộ luật Lao động đã trao quyền cho Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục đăng ký, và cấp phép hoạt động cho "tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp". Như vậy trong thời gian tới, bất kỳ việc thành lập "tổ chức của người lao động", ngoài việc tuân thủ điều kiện do chính phủ đặt ra, còn phải thông qua sự cấp phép của cơ quan chức năng nhà nước thì mới được công nhận và được phép hoạt động.

Thực tế cho thấy Chính phủ có nhiều kinh nghiệm vô hiệu hóa đối với các quyền con người dù đã được luật hóa. Điều này thể hiện rõ qua nhiều trường hợp đăng ký thành lập tổ chức tôn giáo, hay các tổ chức xã hội dân sự đã bị từ chối, bị ngăn cản bởi cơ quan cấp phép mà không có lý do thích đáng.

Cơ chế "xin-cho" một lần nữa được áp dụng đối quyền thành lập "tổ chức của người lao động" khi Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực thi hành. Việc phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của giới chức chính quyền khi thực hiện quyền này dẫn đến việc người lao động khó có thể thiết lập nên một tổ chức độc lập đại diện và bảo vệ cho quyền lợi của mình.

Bên cạnh đó cũng cần nhắc đến sự cảnh giác cao độ của giới chức chính quyền đối với các tổ chức độc lập của người lao động, bởi trong quá khứ, Công đoàn Đoàn kết Ba Lan – một tổ chức độc lập của người lao động đã mở đầu cho quá trình đánh đổ thành trì chế độ Cộng sản ở Châu Âu.

Vì vậy, ngay cả khi luật đã cho phép, việc người lao động thực thi quyền của mình theo theo luật định cũng khó được đảm bảo trên thực tế. Vấn đề này dễ dàng nhận thấy ở quyền đình công của người lao động dù được luật cho phép, nhưng trên thực tế là bị tước đoạt, người lao động phải đình công trong tình trạng bất hợp pháp và chịu nhiều rủi ro. Điều này sẽ không bao giờ được thay đổi ở Việt Nam khi an ninh quốc gia hay an ninh chính trị vẫn còn được giới chức hiểu một cách mơ hồ và áp dụng tùy tiện như hiện nay.

Minh Luật

Nguồn : RFA, 26/11/220198 (minh-luat's blog)

Published in Diễn đàn

Người lao động ở Sài Gòn cần "Tìm hiểu 90 năm vẻ vang của đảng cộng sản Việt Nam" để làm gì ?

Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh vừa triển khai kế hoạch tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu 90 năm vẻ vang của đảng cộng sản Việt Nam". 

laodong1

Cuộc thi trắc nghiệm "Tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam" trên mạng xã hội VCNET.

Câu hỏi đặt ra, nếu công nhân không còn thấy đảng vẻ vang thì sao ?

Đảng có thực sự bảo vệ người lao động ?

Câu trả lời là "không". Dẫn chứng, vào chiều 28/10 ông Hồ Quang Minh, giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Tĩnh đã nói rằng, "Việc một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin Sở Ngoại vụ lập đường dây nóng, cũng như công bố số điện thoại của giám đốc sở để giúp đỡ các gia đình nghi có người thân mất tích nghi nằm trong số 39 người chết ở Anh là không chính xác".

Theo ông Hồ Quang Minh, tính đến thời điểm hiện tại thì Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh mới dừng lại ở chuyện đã làm việc với Sở Thông tin và truyền thông tỉnh, để chấn chỉnh về nội dung như trích dẫn ở trên.

Trước đó, vào chiều 26/10, Văn phòng Chính phủ đã phát đi thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến thông tin 39 người chết trong container tại Anh hôm 23/10, trong đó có thể có người Việt Nam, "Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, các địa phương và cơ quan liên quan khẩn trương xác định, làm rõ vụ việc để có các biện pháp phù hợp theo quy định của pháp luật ; điều tra phát hiện các vụ việc đưa công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm".

Qua thông tin từ báo chí về số đường dây nóng Bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Anh +44 7713 181501, và số điện thoại của Tổng đài Bảo hộ công dân +84981 8484 84, theo ghi nhận từ các nhóm phóng viên, nhiều gia đình ở Hà Tĩnh và Nghệ An có thân nhân nghi mất tích liên quan đến vụ việc, đã chủ động nhờ sự giúp đỡ.

Báo chí cũng đã phỏng vấn vấn đề thời sự này với Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, và ông Nguyễn Đắc Vinh đã trả lời chung chung rằng, các tổ chức, gia đình, cá nhân có thông tin liên quan về vụ việc, báo cáo với các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương và liên hệ với Sở Ngoại vụ theo số điện thoại : Phòng Lãnh sự Người Việt Nam ở nước ngoài : 02383.560.726 ; Ông Nguyễn Hải Dương - Giám đốc Sở Ngoại vụ : 0963.632.609 ; Ông Trần Khánh Thục - Phó giám đốc Sở Ngoại vụ : 0912.292.617.

Là quan chức cấp cao nhất của Nghệ An, ông Nguyễn Đắc Vinh lại yêu cầu người dân phải ‘báo cáo’, và quy lỗi ở đây thuộc về người lao động, "Đây là sự việc rất đáng tiếc. Chúng tôi nghĩ rằng hiện nay ta đang đẩy mạnh xuất khẩu lao động, cũng có nhiều việc làm theo con đường chính thống. 

Chúng tôi thực sự mong muốn công dân của chúng ta nên đi theo những con đường chính thống, đi xuất khẩu lao động một cách hợp pháp, được Nhà nước bảo trợ, chính quyền sở tại hỗ trợ và bảo trợ theo luật pháp của các nước sở tại" [xem thêm *].

Thế nào là chính thống ? Tại sao cũng là con người, nhưng công dân của nhiều quốc gia, kể cả công dân nhiều lân bang, có thể đi gần như bất kỳ đâu, bất cứ khi nào họ muốn, còn người Việt thì không, ngay cả mưu cầu hạnh phúc cũng phải chui nhủi, thậm chí đổi mạng lấy cơ hội ?

Có thật là vẻ vang suốt 90 năm ?

Câu trả lời là "không thật". Hiến pháp 2013, Điều 4.1 nói rằng đảng cộng sản Việt Nam là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân. 

Nếu hiểu người lao động nói chung là ‘công nhân’, thì những lợi ích của người Việt Nam khi làm việc ở xứ người có được đảng cộng sản Việt Nam ‘trung thành bảo vệ’ ? Qua vụ việc thời sự của nghi vấn lao động Việt Nam thiệt mạng trong container tại Anh hôm 23-10, cho thấy đảng cộng sản Việt Nam dường như đã phủi tay chối bỏ về vai trò ‘đại biểu trung thành’.

Tạm gác qua chuyện ‘đấu tranh giai cấp’, nếu như là ‘đại biểu trung thành’ của người lao động, thì chắc hẳn các quan chức đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam là Bộ Chính trị hiểu rất rõ rằng công nhân hiện nay đang cần gì, muốn gì ?

Trở ngược thời gian. "Hỡi đồng bào cả nước ! Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được ; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mở đầu bằng hai câu trích dẫn nguyên văn bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. "Life, liberty and the pursuit of happiness". 

Nhưng tức khắc, Tuyên Ngôn của Việt Nam đi thẳng vào đích : "Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".

Từ tháng 9/1945 đến nay, những người nhân danh đảng cộng sản Việt Nam đã làm gì để người dân nói chung, người lao động nói riêng có được ‘quyền mưu cầu hạnh phúc’ như tuyên ngôn ?

Có thể về mặt tuyên giáo hồ hỡi ngợi ca chương trình phát triển ‘tam nông’, nông dân - nông thôn - nông nghiệp, nhưng trên thực tế thì ‘tam nông’ đã đẩy nhiều người tuyệt vọng khi bế tắc, phải ly nông, ly hương. 

Tương tự, có thể những quan chức ở Bộ Chính trị hết sức vừa ý với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo đúng định hướng được cho là ‘nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa’ ; nhưng nhiều người lại không chút hài lòng khi công nhân mang tiếng có nghề nghiệp ổn định song ‘ăn như tu, ở như tù’, sức khỏe suy kiệt, làm quần quật mà lương vẫn không đủ nuôi thân.

Xét trong bối cảnh của những điều ‘có thể’ kể trên, cho thấy nếu đã vỗ ngực xưng danh là ‘đại biểu trung thành lợi ích’, xem ra đảng cộng sản Việt Nam không thể nào ‘vẻ vang suốt 90 năm’ như cuộc thi đang được phát động của Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh.

Thay lời kết

Người viết bài này không muốn được ru ngủ mà cũng không muốn ru ngủ ai bằng mơ mộng, khẩu hiệu hay lý tưởng. 

Nếu người ta có thể mường tượng ra được thế nào là hạnh phúc của một dân tộc, thì ai có thể định nghĩa hạnh phúc của mỗi cá nhân là gì ? Và nếu có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu cách quan niệm về hạnh phúc và có bấy nhiêu cách đi tìm hạnh phúc khác nhau.

Điều duy nhất chính quyền có thể làm là tạo một khung cảnh pháp lý được mọi người thỏa thuận, để việc theo đuổi hạnh phúc của mỗi người được tự do. Còn thế nào là hạnh phúc, điều đó chỉ có thể tìm thấy trong trái tim của mỗi con người. 

Sự kiện 39 người thảm tử trong container được phát giác vào sáng 23/10 ở Anh là quyền của mỗi cá nhân, nhưng rõ ràng, lựa chọn của 39 người đó cho thấy họ đã không cảm thấy hạnh phúc ở nơi họ sinh ra, lớn lên. Họ chấp nhận trả giá đắt, chấp nhận đem sinh mạng của mình ra làm vật đặt cược để đạt đến hạnh phúc theo quan niệm của họ.

Và như vậy nếu tiếp tục yêu cầu người lao động ở Sài Gòn phải tin vào sự vẻ vang suốt 90 năm của đảng cộng sản Việt Nam, là áp đặt khiên cưỡng.

Minh Châu

Nguồn : VNTB, 30/10/2019

Chú thích :

[*] http://www.vietnamthoibao.org/2019/10/vntb-lao-ong-viet-lieu-de-xuat-khau.html

Published in Diễn đàn