Như tất cả các nước trên thế giới, kinh tế Việt Nam bị dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng. Virus corona trở lại lây nhiễm nhanh hơn và rộng hơn trong cộng đồng từ cuối tháng 07/2020 khiến mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả năm là 6,8% khó có thể đạt được, vì GDP quý II năm 2020 chỉ tăng 0,36% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020.
Các biện pháp khống chế dịch bệnh, cũng như hoạt động xuất khẩu bị hạn chế do tác động từ Covid-19 khiến hoạt động sản xuất bị thu hẹp, nhiều người lao động bị mất việc. Trong Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động việc làm tại Việt Nam (10/07/2020), bộ Kế hoạch và đầu tư thống kê có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 tính đến hết tháng 06/2020, gồm những người bị mất việc, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập...
Thu nhập bình quân tháng trong quý II/2020 giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tỉ lệ thất nghiệp trên cả nước tăng 2,73%, khu vực thành thị tăng 4,46%. Lao động nữ, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp hoặc không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động làm công việc phi chính thức bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.
Tuy nhiên, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ "không để người dân nào bị bỏ lại trong công cuộc phát triển đất nước cũng như trong chiến đấu với dịch bệnh", cho dù "tình hình ngân sách căng thẳng" với dự báo thâm hụt tăng trong năm 2020.
Gói hỗ trợ đầu tiên 62.000 tỷ đồng của chính phủ tiếp tục được triển khai, trong đó 17.500 tỷ đồng đã được phê duyệt trợ cấp cho gần 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng thụ hưởng, tính đến ngày 27/07. Ngày 06/08, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định một lần nữa là gói hỗ trợ sẽ được triển khai "nhanh hơn, trúng và mở rộng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa".
Vậy dịch Covid-19 gây ra những khó khăn như thế nào cho người lao động Việt Nam ? Gói hỗ trợ của Chính phủ có được triển khai công bằng và không bỏ sót đối tượng thụ hưởng hay không ? RFI Tiếng Việt phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, từ Hà Nội, ngày 27/07/2020, trước khi xảy ra đợt dịch thứ hai tại Việt Nam.
*****
RFI :Thưa bà Phạm Chi Lan, dịch Covid-19 đã gây ra hậu quả như thế nào đối với lao động ở Việt Nam ? Số liệu thống kê hiện nay có phản ánh được đầy đủ thực trạng không ?
Phạm Chi Lan : Theo tôi nghĩ là ở Việt Nam, tác động về mặt kinh tế-xã hội của dịch Covid-19 khá là nặng nề, mặc dù Việt Nam là một trong những nước thành công trong việc phòng chống dịch Covid-19. Đó là thành quả lớn. Tuy nhiên, tác động về kinh tế-xã hội cũng lớn, nhất là về công ăn việc làm. Tính ra ở Việt Nam có khoảng hơn 2 triệu người mất việc vì Covid-19. Số người lao động bị ảnh hưởng - giảm thu nhập hoặc giảm bớt công ăn việc làm - tính ra cũng phải vào khoảng hơn 20 triệu người. Có thể nói tác động khá là nặng nề về mặt lao động.
Chính phủ Việt Nam cũng nhận thức rõ được điều đó, cho nên đã có nhiều giải pháp được đưa ra để hỗ trợ cho người lao động, kể cả những người bị mất hẳn việc làm, hay những người đăng ký thất nghiệp, hoặc những người bị giảm thu nhập hoặc mất công việc tạm thời trong từng giai đoạn. Tất cả đều được đưa vào những gói hỗ trợ cần thiết. Còn liên quan đến những người được đưa vào danh sách hỗ trợ, Việt Nam vẫn tiếp tục xem xét và mở rộng dần ra tới những diện mà lúc ban đầu chưa tính được hết.
Vì vậy tôi nghĩ, lần này về mặt chính sách xã hội, thì chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra được những chính sách kịp thời. Tuy nhiên, khi thực hiện thì cũng còn những chậm trễ nhất định, bởi vì còn phụ thuộc vào việc người ta thực hiện các thủ tục đăng ký cần thiết, rồi cách thức thống kê nhiều khi cũng chưa thật rõ ở từng nơi. Tôi nghĩ là về mặt chính sách nói chung, thì là được, kể cả trong lúc có dịch, cũng như là sau khi có dịch.
RFI :Tuy nhiên, vẫn có một số người dường như không được nhận, hoặc không đủ tiêu chuẩn để được hỗ trợ do làm nghề tự do, cũng như là không chứng minh được mất thu nhập vì Covid-19. Phải chăng chế độ hỗ trợ vẫn còn bất cập ? Phải giải quyết thực trạng này như nào ?
Phạm Chi Lan : Đó là điều mà tôi vừa cập đến, đó là tuy chính sách đã được đưa ra, nhưng quả thực, nhiều khi ban đầu chưa tính hết được. Lấy trường hợp của những cô giáo dạy ở trường mầm non, mẫu giáo chẳng hạn : Thời gian đó trẻ con nghỉ học, mà các cô làm ở những cơ sở tư, không có hợp đồng đầy đủ, thì không được hỗ trợ, nhưng sau này, biết được những tình trạng đó thì Nhà nước đã đồng ý đưa vào danh sách hỗ trợ.
Vấn đề thứ hai về thủ tục, thường đòi hỏi người cần hỗ trợ có được những chứng minh nhất định. Vì nếu không có chứng minh, ngay cả chính quyền địa phương là nơi thực hiện việc cung cấp hỗ trợ, cũng bị lúng túng và người ta sợ có thể lại đưa nhầm cho những người mà trên thực tế không bị dịch tác hại. Vẫn có tình trạng đó. Về điều này, ngay cả các nghiên cứu và khảo sát cũng đã nêu ra và tích cực đề nghị Chính phủ xem xét và có những giải pháp thực tế hơn hoặc giảm bớt những thủ tục. Bởi vì, nói chung, nếu thủ tục rầy rà quá thì nhiều khi trợ cấp không đến được tay một số người lao động. Đó là tình trạng thực tế.
RFI : Vừa qua truyền thông đưa một số vụ hộ nghèo phải gửi "tiền trà thuốc" cho cán bộ địa phương. Trở lại với trường hợp hỗ trợ người lao động mất việc làm vì Covid-19, chính phủ có biện pháp kiểm tra để tránh tái diễn hiện tượng này không ?
Phạm Chi Lan : Tôi nghĩ là kiểm soát đến từng chính quyền địa phương ở các cơ sở thì cũng không dễ cho chính quyền trung ương ngồi ở Hà Nội mà có thể nắm được tất cả. Tuy nhiên, trong khi thực hiện, Chính phủ cũng đã chú ý lắng nghe tiếng nói của người dân ở các nơi, hoặc là được phản ánh qua các tổ chức xã hội hoặc qua báo chí, để biết được trường hợp nào được phản ánh như thế nào, thì cũng đã có tổ chức kiểm tra giám sát và yêu cầu chấn chỉnh lại kịp thời.
Ở Việt Nam, nói chung mọi người không tha thứ cho tham nhũng, nhất là chuyện tham nhũng vào những lúc người dân gặp khó khăn như thế này là một trường hợp tệ hại và không thể chấp nhận được.
Tôi nghĩ là chính phủ chỉ có thể kiểm soát được khi mà dựa vào người dân giám sát trực tiếp và các tổ chức xã hội có thể giúp Nhà nước giám sát để có thể phát hiện được và giải quyết kịp thời.
RFI : Qua đợt dịch Covid-19, có cần phải xem xét lại mô hình lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức, để có được những quy định cụ thể, phù hợp với luật pháp, vừa để quản lý lao động tự do, vừa để bảo vệ họ hay không ?
Phạm Chi Lan : Hiện nay cũng đã có nhiều cuộc bàn bạc ở Việt Nam đối với khối kinh tế "phi chính thức". Vừa rồi, lúc bàn về Luật Doanh nghiệp, cũng đã có ý kiến muốn đưa số doanh nghiệp đang hoạt động "phi chính thức" vào diện chính thức.
Nhưng về vấn đề này, nhiều chuyên gia, kể cả nhiều người đại diện Hội đồng Nhân dân, đại biểu Quốc Hội, cũng e ngại là đưa vào như vậy thì lại trở thành một thứ quan liêu, nặng nề và quá lớn, nên Nhà nước đưa vào thì cũng không quản lý nổi. Và nếu đưa vào thì nhiều khi lại buộc người ta vào những thủ tục hành chính và sự quản lý phức tạp hơn nhiều của chính quyền địa phương. Cho nên cuối cùng, quyết định chung, cũng vẫn trong Luật Doanh nghiệp vừa rồi, là không đưa diện các hộ phi chính thức vào diện doanh nghiệp.
Tôi nghĩ giải pháp đó cũng là phải. Khu vực phi chính thức tồn tại ở khắp nơi, ở các nước khác nhau cũng vẫn có diện đó. Và bản thân những người làm trong khu vực phi chính thức cũng hiểu rõ là quyền lợi của họ như thế nào và những thua thiệt của họ khi không tham gia vào khu vực chính thức như thế nào.
Nhưng trong điều kiện một nền kinh tế như Việt Nam, mà công ăn việc làm cũng ngày một khó khăn hơn, ngay cả khu vực chính thức cũng có những thời điểm rất khó khăn, cho nên nhiều người vẫn ưa làm việc trong khu vực phi chính thức hơn. Bởi vì nó tạo cho họ sự chủ động, họ có thể cùng một lúc làm vài việc khác nhau, hoặc làm ngay tại gia đình, khi mà người ta có hoàn cảnh không thể rời khỏi nhà để đi làm việc theo những giờ giấc bó buộc trong hợp đồng lao động khi làm việc trong khu vực chính thức. Vì vậy, tôi cho rằng đây cũng là một biện pháp, một cách giải quyết phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam hiện nay.
Nhưng mà tôi cũng đồng ý là cần phải có những quy định để cho ngay cả những người làm việc không có hợp đồng cũng phải được đảm bảo quyền lợi hơn. Và tôi tin là qua dịch Covid-19 lần này, với những khó khăn họ trải qua, thì chính những người làm việc trong khu vực đó cũng thấy là một mặt, nếu như họ làm việc không có hợp đồng chính thức, thì họ có những quyền tự do nhất định, nhưng mặt khác họ cũng sẽ bị thua thiệt khi cần đến những trợ giúp của xã hội và của Nhà nước. Cho nên, bản thân họ cũng sẽ phải tính toán lại, suy nghĩ lại và quyết định gia nhập khu vực chính thức. Hoặc là làm việc ngay trong khu vực phi chính thức thì cũng phải có những hợp đồng lao động rõ ràng hơn, để đảm bảo được quyền lợi của họ trong tương lai.
RFI Tiếng Việt chân thành cảm ơn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Hà Nội.
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI, 10/08/2020