Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/08/2020

Miến Điện và Việt Nam, lịch sử sẽ song hành ?

Đinh Yên Thảo

Nằm giữa Đông Á cùng Đông Nam Á và dọc theo vịnh Bengal, Miến Điện là một quốc gia cựu thuộc địa Anh, đã trải qua không ít những thăng trầm lịch sử trong nhiều thế kỷ. Với hơn hai ngàn cây số biên giới với Trung Hoa lục địa, Miến Điện cũng chẳng thể thoát khỏi giấc mộng Đại Hán bạo tàn hay trở thành miếng mồi thuộc địa của phương Tây.

myanmar1

Bà Aung San Suu Kyi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Naypyitaw, Myanmar (Miến Điện) hôm 17/1/2020 - Reuters

Từ những cuộc chiến đấu chống lại gót giày quân Nguyên Mông xâm lược vào cuối thế kỷ thứ 13 sang những phong trào giành độc lập từ người Anh vào nửa đầu thế kỷ 20, cho đến hành trình đi tìm dân chủ ở đầu thế kỷ 21 với cuộc bầu cử lịch sử hồi năm 2015, sinh lộ một quốc gia Phật Giáo với những đền chùa linh thiêng huyền bí như Miến Điện đã vượt lên nhiều thử thách để nhắm đến việc hình thành một quốc gia dân chủ, mở ra một hướng đi mới cho dân tộc này trong tương lai.

So sánh và nhìn lại những giai đoạn cùng biến cố lịch sử của quốc gia với khoảng 55 triệu dân này hiện nay, Miến Điện quả có những điểm tương đồng với Việt Nam từ địa chính trị cùng lịch sử cho đến giữa thế kỷ 20 qua. Và để thấy tương lai của mỗi dân tộc sẽ như thế nào tùy thuộc vào sự chọn lựa và chính sách của mình hôm nay.

Năm 1277, vó ngựa quân Nguyên từ Vân Nam do tướng Hốt Đô kéo sang tấn công Miến Điện sau khi triều đình phương Bắc nhiều lần buộc dân tộc này thần phục và cống nạp không được, nhưng quân xâm lược đã bị đánh cho tan tác ngay biên giới nước này. Sáu năm sau, năm 1283 Hốt Tất Liệt lại hung hãn cho quân xâm chiếm Miến Điện một lần nữa, dù thành công và cai trị đất nước này gần mười năm nhưng với tinh thần quật cường không khuất phục, những cuộc khởi nghĩa của người dân Miến Điện lại đánh đuổi được quân Nguyên Mông khỏi đất nước mình lần thứ hai. Năm 1301, lần thứ ba phương Bắc lại xua 12 vạn quân sang tấn công Miến Điện và cũng đành nuốt hận quay về sau khi bị thiệt hại nặng nề.

Tinh thần quật cường của Miến Điện đưa chúng ta về với những trang sử hùng tráng của dân tộc Việt cũng trong cùng giai đoạn lịch sử. Khi nhắm đường chinh phạt về hướng Nam, Bắc triều đã tấn công Đại Việt và cũng bị triều đình nhà Trần cùng danh tướng Hưng Đạo Vương đánh chẳng còn manh giáp, lần đầu vào năm 1257 và lần cuối vào năm 1288, lưu danh ba lần đại thắng quân Nguyên.

Trải qua những triều đại khác nhau trong vài thế kỷ, dù có những tranh giành quyền lực mang tính sắc tộc và dăm cuộc chiến lớn nhỏ với các lân bang, Miến Điện trên căn bản vẫn giữ được quyền tự trị của mình. Đến năm 1885, vương triều cuối cùng của Miến Điện bị sụp đổ sau các cuộc tấn công của quân Anh, đưa dân tộc này hoàn toàn nằm trong vòng cai trị của nước Anh hơn nửa thế kỷ. Bị sáp nhập thành một vùng của Ấn Độ đang thuộc về người Anh lúc bấy giờ, Miến Điện trở thành một lãnh thổ thuộc quyền bị hai tròng thuộc địa, mà người dân Miến gọi là một "thuộc địa của thuộc địa".

So sánh cột mốc thời gian thì đây là giai đoạn Việt Nam hoàn toàn rơi vào tay người Pháp, bị phân chia ba miền và trở thành thuộc địa của Pháp từ sau Hòa Ước Patenotre vào năm 1884.

Nếu tinh thần dân tộc của người dân Miến Điện luôn quật khởi để chống lại ách cai trị của thực dân Anh qua những phong trào đấu tranh và khởi nghĩa bền bỉ từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 do các cao tăng và giới trí thức Miến Điện lãnh đạo thì phong trào chống Pháp, giành độc lập cho nước Nam cũng liên tục và quật cường không kém. Nếu Miến Điện có những cuộc khởi nghĩa của thiền sư Xaya Xan, phong trào Thakin yêu nước, phong trào dành độc lập của tướng Aung San thì tại Việt Nam có phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi vào năm 1885 cùng vô số những cuộc khởi nghĩa như của Phan Đình Phùng, Đinh Công Tráng, Nguyễn Thiện Thuật..., cho đến những phong trào đấu tranh của những nhà cách mạng Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... vào đầu thế kỷ 20 tại Việt Nam.

Cả hai dân tộc đã viết tiếp những trang sử liệt oanh cho dân tộc mình cho đến ngày cả hai dân tộc thoát khỏi vòng thuộc địa vào giữa thế kỷ 20. Nhưng cũng từ đây, con đường của hai dân tộc đã đi theo hai ngõ rẽ khác nhau.

Nhìn vào lộ trình dân chủ của Miến Điện để đi đến hôm nay, có lẽ cũng cần nhìn kỹ hơn về chặng đường Miến Điện trải qua trong thế kỷ 20 đến nay. Trong những trang sử của mình, người dân Miến Điện vẫn không quên và luôn tôn thờ vị lãnh tụ dân tộc Aung San, tức cha của bà Aung San Suu Kyi hiện nay. Ông là một người đã đóng góp to lớn vào việc đem lại độc lập cho Miến Điện.

Sinh năm 1915, ở tuổi đôi mươi, Aung San đã nổi lên như một lãnh tụ sinh viên sáng giá trong các phong trào yêu nước. Năm 25 tuổi, Aung San tham gia vào chính trường Miến Điện qua việc thành lập các đảng phái chính trị và quân đội, trở thành một vị tướng trẻ tài ba với các chủ trương chống lại Anh và chủ nghĩa thực dân, giành được nền độc lập cho Miến Điện.

Như Cường Để hay Phan Bội Châu của Việt Nam, Aung San thoạt đầu cũng bị thuyết phục và đi theo Nhật bởi học thuyết Đại Đông Á, cho rằng Châu Á phải thuộc về người Châu Á, là những quốc gia chung sống hòa bình và thịnh vượng, không bị thống trị bởi chủ nghĩa thực dân phương Tây. Nhưng ông cũng kịp nhận ra đó chẳng qua cũng là giấc mộng của một dân tộc Phù Tang "thượng đẳng" muốn làm bá chủ các dân tộc nhược tiểu Châu Á.

Ông cũng bị quyến dụ từ chủ nghĩa cộng sản với chiêu bài giành độc lập và giải phóng dân tộc, nhưng kịp thời dừng lại khi nhận ra một chiêu bài nguy hiểm khác. Quay lại cùng phe đồng minh trong Đệ Nhị Thế Chiến để chống lại chủ nghĩa phát-xít, với một tinh thần dân tộc vô biên cùng khả năng và uy tín của mình, ông thuyết phục được các sắc tộc Miến Điện ngồi lại với nhau để đòi hỏi và đàm phán với Anh về việc trao trả độc lập cho Miến Điện, tiến hành bầu cử để thành lập một chính phủ lâm thời có quyền tự trị.

Cuộc tổng tuyển cử năm 1947 thành công, Aung San trở thành Thủ Tướng Miến Điện nhưng chỉ ba tháng sau đó đã bị phe đối lập ám sát. Aung San không có cơ hội chứng kiến ước nguyện của mình khi người Anh chính thức trao trả độc lập cho Miến Điện ngày 4 tháng 1 năm 1948, ngày lễ Độc Lập của Miến Điện. Nhà lãnh đạo trẻ tuổi tài ba kiệt xuất Aung San mất đi ở tuổi 32, nhưng đã truyền lại cho con gái mình là bà Aung San Suu Kyi, chỉ hai tuổi lúc bấy giờ, một di sản lớn lao về tinh thần và ý chí dân tộc tự chủ mạnh mẽ.

Trong khi đó, Việt Nam tuyên bố độc lập vào năm 1945 từ tay người Pháp, chấm dứt thể chế quân chủ, dẫn đến những cuộc chiến tranh ủy nhiệm rồi từng bước rơi vào tay những người cộng sản mà hệ lụy là trở thành một thể chế cộng sản cho đến nay, thì Miến Điện cũng trở thành một quốc gia quân phiệt với những cuộc tương tàn và đàn áp không kém phần đẫm máu từ sau năm 1948.

myanmar2

Những người ủng hộ cho Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi tập trung tại Myitkyina, Myanmar (Miến Điện) hôm 1/11/2018 Reuters

Với Miến Điện, tiếp bước cha mình, bà Aung San Suu Kyi từ Anh đã về nước năm 1988 để cùng tham gia vào tiến trình dân chủ cho Miến Điện. Từ việc thành lập đảng Liên minh Dân tộc cho Dân chủ (NLD), vận động tổng tuyển cử rồi bị bắt và quản thúc tại gia, bà vẫn kiên trì tranh đấu, trở thành biểu tượng và dẫn dắt phong trào dân chủ quốc gia này đi đến thành công qua cuộc bầu cử mà đảng NLD của bà giành thắng lợi và nắm quyền từ 2015 cho đến nay.

Không có tiến trình dân chủ nào không gặp nhiều thách đố, bà Aung San Suu Kyi, thực chất xem như đang nắm quyền điều hành quốc gia trong vai trò cố vấn tối cao kiêm ngoại trưởng hiện nay, cũng bị thế giới lên án về vấn đề nhân quyền khi cho rằng quân đội của bà đã đàn áp và muốn tiêu diệt sắc tộc Hồi giáo Rohingya. Hồi cuối năm trước bà cũng đã phải ra đối chất trước tòa án quốc tế Hague về các cáo buộc "diệt chủng" từ năm 2017.

Dù có dăm thái độ khuyến cáo Miến Điện về vấn đề nhân quyền, các chính sách của Hoa Kỳ dành cho Miến Điện từ năm 2012 đã giúp cho quốc gia này đi theo đường lối cải cách để trở thành một quốc gia dân chủ, thoát Trung và thân Mỹ hơn.

Trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, quan hệ giữa hai quốc gia được tuyên bố theo sau : "Dù có những hành động dẫn đến một số bất đồng trong mối quan hệ song phương, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược cam kết qua việc ghi nhận những bước tích cực đã được Miến Điện thực hiện và khuyến khích sự cải cách xa hơn nữa. Nguyên tắc chủ đạo này nhằm giúp sự cải tổ nền chính trị và kinh tế của Miến Điện, thúc đẩy việc hòa giải dân tộc, xây dựng các định chế, trách nhiệm và sự minh mạch của chính phủ, trao quyền cho cộng đồng địa phương và xã hội dân sự, thúc đẩy mối can dự quốc tế đầy trách nhiệm, đồng thời tăng cường việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo" (US Relations with Burma, 01/21/2020 - US Department of State). Trên thực tế, Hoa Kỳ đã viện trợ cho Miến Điện khoảng 1,5 tỉ đô la từ năm 2012 đến nay, cũng theo bản tuyên bố này cho biết.

Nằm sát sườn và mang cùng truyền thống chống giặc phương Bắc như Việt Nam, quốc gia bán dân chủ này cũng chịu đầy áp lực trong chính sách ngoại giao uyển chuyển và khôn ngoan trước một Trung Cộng láng giềng khổng lồ đầy mưu mô và một Hoa Kỳ chưa chính thức là đồng minh để phát triển quốc gia. Miến Điện và Việt Nam đã có những điểm tương đồng trong quá khứ, còn sinh lộ và vận mệnh của hai dân tộc ra sao trong tương lai sẽ tùy thuộc rất nhiều vào sự chọn lựa và chính sách phù hợp nhất từ giới lãnh đạo quốc gia hiện nay.

Đinh Yên Thảo

Nguồn : RFA, 10/08/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đinh Yên Thảo
Read 567 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)