Người nước ngoài có quyền mua bất động sản du lịch ở Việt Nam
Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản 2014 theo hướng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua bất động sản du lịch.
Bộ Xây dựng đề xuất cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua bất động sản du lịch.
Đây là một trong những giải pháp về lâu dài được Bộ Xây dựng đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản tại cuộc họp báo 6 tháng đầu năm 2020.
Đánh giá về thị trường bất động sản hiện nay, theo Bộ này, thị trường đang gặp khó khăn khiến nguồn cung khan hiếm tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm đạt thấp, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực sụt giảm...
Để tháo gỡ các nút thắt cho thị trường bất động sản (bất động sản), đại diện Bộ Xây dựng đã đề cập tới hàng loạt giải pháp nhằm tháo gỡ, thúc đẩy thị trường này phát triển.
Trong đó, về giải pháp dài hạn, Bộ Xây dựng cho biết cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản để đảm bào sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Cũng theo Bộ, trước mắt, khi chưa sửa Luật Đất đai thì theo Bộ Xây dựng cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định thi hành Luật đất đai năm 2013 để xử lý các diện tích đất công xen kẹt trong dự án đầu tư bất động sản, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản, cho phép các dự án đang thực hiện thủ tục nhận bàn giao đất mà doanh nghiệp diện được giãn, chậm nộp tiền sử dụng đất để có thể triển khai dự án.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng cũng đưa ra giải pháp về việc sửa đổi, bổ sung Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng tăng số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu trong mỗi một toà nhà chung cư ; cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch tại Việt Nam.
Nhận định về nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng, nêu tại báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian qua, có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng, dự án đa năng kết hợp lưu trú và nghỉ dưỡng được cấp phép, nguồn cung loại hình bất động sản này tương đối lớn và đa dạng. Trong khi đó, hệ thống pháp luật liên quan đến các loại hình bất động sản (condotel, officetel,..) chưa đầy đủ, các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua.
Từ thực tế trên Bộ cho biết thời gian tới sẽ kiểm tra, giám sát các địa phương trọng điểm trong việc triển khai các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị, dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng có quy mô lớn, sử dụng nhiều diện tích đất để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm quy định của pháp luật.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu tránh để tình trạng dư thừa tồn kho, gây bất ổn cho thị trường bất động sản, bảo đảm tuân thủ pháp luật, hiệu quả đầu tư, ngăn chặn các hành vi trục lợi, tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước, nhất là trong sử dụng đất đai.
Tháng 5 vừa qua, trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp Quốc hội, Bộ Quốc phòng cho biết, từ năm 2011 - 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển TP Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, DN người Trung Quốc đang sở hữu, "núp bóng" sở hữu và thuê của UBND TP tại các vị trí : dọc các khu đô thị ven biển ; ven tường rào sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn ; khu đô thị các phường Phước Mỹ, Thọ Quang, quận Sơn Trà. Bộ Quốc phòng nhận định, để sở hữu các lô đất ở Đà Nẵng, người Trung Quốc chủ yếu dựa theo 2 hình thức.
Thứ nhất, thành lập DN liên doanh với Việt Nam. Ban đầu, người Trung Quốc góp vốn thấp hơn người Việt Nam (người Việt Nam góp vốn chủ yếu bằng đất), DN sẽ do người Việt Nam điều hành. Sau một thời gian, bằng nhiều cách, DN Trung Quốc tăng vốn giành quyền điều hành DN ; do tài sản góp vốn là đất nên quyền sở hữu các lô đất rơi vào tay người Trung Quốc.
Thứ hai, họ đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (chủ yếu người Việt gốc Hoa) để mua đất, đã phát hiện một số trường hợp kinh tế khó khăn nhưng đứng tên sở hữu nhiều lô đất như ông Lý Phước Cang 12 lô, ông Trác Ngọc Phúc 10 lô...
Không chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nước ngoài ở Việt Nam
Theo Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và môi trường, điều 5 luật Đất đai năm 2013 nêu rõ, cá nhân nước ngoài không phải là đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Vì vậy, không có việc chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nước ngoài tại Việt Nam.
Luật Nhà ở năm 2014 đã cho phép cá nhân nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện thì được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, do quy định của luật Nhà ở chưa đồng bộ với quy định của luật Đất đai nên chưa có cơ sở cấp chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở.
Bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục tụt dốc
Ghi nhận từ báo cáo của các đơn vị tư vấn cho thấy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua không mấy sáng sủa. Trong báo cáo diễn biến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 3 tháng đầu năm vừa được DKRA công bố cho thấy sức cầu đang rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Ở phân khúc condotel, quý I.2020, chỉ ghi nhận một dự án mới được mở bán trước Tết Nguyên đán (tháng 1.2020), cung ứng ra thị trường 82 căn condotel, bằng 3,9% so với quý trước và bằng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019. Mức tiêu thụ đạt 25 căn, giảm hơn 95% so với quý trước, thậm chí giảm đến 98% so với cùng kỳ năm ngoái. DKRA dự báo, sức cầu chung tiếp tục xu hướng giảm từ cuối quý I và duy trì ở mức rất thấp trong quý II.
Thuận Phong
Nguồn : VietnamNet, 18/06/2020
Virus corona : Việt Nam chính thức tạm ngừng nhập cảnh đối với người nước ngoài (RFI, 22/03/2020)
Sau quyết định cách ly toàn bộ hành khách nhập cảnh qua sân bay, Việt Nam chính thức tạm ngừng nhập cảnh đối với người nước ngoài kể từ 0 giờ ngày 22/03/2020. Ngày 21/03, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng thông báo tạm dừng hiệu lực Giấy miễn thị thực được cấp cho người gốc Việt và thân nhân.
Kiểm soát nhập cảnh tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 20/02/2020 - Reuters/Kham
Những người nhập cảnh vào Việt Nam phải tuân thủ quy trình kiểm tra y tế và thực hiện cách ly tập trung. Đối với những trường hợp đặc biệt (ngoại giao, công vụ…), người nhập cảnh sẽ được thực hiện cách ly phù hợp tại cơ sở lưu trú theo quy định.
Tính đến ngày 22/03, Việt Nam có 99 trường hợp nhiễm virus corona. Tất cả những ca mới đều là người từ nước ngoài vào Việt Nam, trong đó 5 ca mới nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong số những người được điều trị, có 10 ca cho xét nghiệm âm tính, trong đó có bệnh nhân 17, người phá vỡ kỉ lục 3 tuần không có ca nhiễm mới virus corona ở Việt Nam. Tuy nhiên, còn phải chờ thêm ba ngày sau khi có kết quả âm tính ba lần mới được coi là khỏi bệnh.
Theo Báo Chính phủ, trong phiên họp ngày 22/03, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh "công tác phòng, chống dịch đã bước sang giai đoạn mới", cho nên chính phủ ban hành một số biện pháp mới : tăng cường giao dịch trực tuyến, hạn chế tập trung trên 50 người, đeo khẩu trang tại các nơi công cộng, tạm thời đóng cửa các cơ sở dịch vụ giải trí (karaoke, mát-xa), vận động các tổ chức tôn giáo tu hành tại gia… Chính phủ cũng đề ra phương án sẵn sàng huy động nhân lực bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, kể cả người đã nghỉ hưu, sinh viên trường y cho phòng, chống dịch.
Ngoài ra, tất cả hành khách đi máy bay nội địa, xe khách liên tỉnh, tàu hỏa phải khai báo y tế điện tử bắt buộc. Quyết định được thứ trưởng bộ Giao Thông Vận Tải Lê Anh Tuấn ký ngày 22/03 nhằm phát hiện sớm ca bệnh và ngăn chặn lây lan trong cộng đồng.
Thu Hằng
****************
Việt Nam dừng nhập cảnh người nước ngoài, người gốc Việt có giấy miễn thị thực (VOA, 22/03/2020)
Việt Nam loan báo tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài và người gốc Việt được cấp giấy miễn thị thực trong bối cảnh số ca nhiễm virus corona ở Việt Nam tăng lên gần tới mức 100 ca.
Một hành khách đi trong ga đến ở Sân bay Quốc tế Nội Bài ở Hà Nội, ngày 12/3/2020.
Thông báo phát đi từ văn phòng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày thứ Bảy nói quy định này sẽ có hiệu lực từ 0 giờ ngày 22/3. Thông báo cũng nêu một số trường hợp nhập cảnh được cho phép như ngoại giao hay công vụ và các "trường hợp đặc biệt (khách nước ngoài tham dự, phục vụ các hoạt động đối ngoại quan trọng ; chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao...)".
Người Việt Nam ở nước ngoài như học sinh, sinh viên, người lao động, Việt kiều được yêu cầu hạn chế tối đa về nước trong thời điểm hiện nay và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch ở nước sở tại, theo thông báo.
"Trường hợp thực sự có nhu cầu về nước phải đăng ký với Cơ quan đại diện để kịp thời phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo ngành hàng không tổ chức theo từng chuyến bay thương mại và phải đăng ký, tuân thủ sự sắp xếp theo từng chuyến, đợt, thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, cách ly theo đúng quy định".
Thông báo nói thêm :
"Người Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ đi công tác nước ngoài khi về nước phải tuân thủ thực hiện kiểm dịch, khai báo y tế tại cửa khẩu theo quy trình phòng chống dịch hiện nay và thực hiện yêu cầu cách ly bắt buộc theo đúng quy định".
Quy định mới áp dụng cho nhập cảnh cả đường biển, đường thủy, đường bộ và đường hàng không, theo thông báo.
Tính đến ngày 21/3, Việt Nam đã ghi nhận 91 ca nhiễm virus corona chủng mới còn được biết tới với tên gọi Covid-19, theo số liệu đăng trên trang Cổng thông tin của chính phủ Việt Nam. Không có trường hợp tử vong nào liên quan tới dịch bệnh được báo cáo và 17 trường hợp đã được chữa khỏi.
************
Việt Nam dừng nhập cảnh với người nước ngoài để ngăn ngừa dịch Covid-19 (RFA, 21/03/2020)
Bắt đầu từ 0 giờ ngày 22/3/2020, Việt Nam tạm dừng nhập cảnh tất cả người nước ngoài để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh dịch COVID. Đây là quyết định mới được Chính phủ Việt Nam thông báo vào tối ngày 21/3.
Hình minh họa. Sân bây Quốc tế Nội Bài, Hà Nội vắng khách do dịch Covid-19 hôm 27/2/2020 - AFP
Theo quyết định mới, Việt Nam sẽ tạm dừng nhập cảnh với tất cả người nước ngoài, trừ trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và các trường hợp đặc biệt như chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao.
Việt Nam cũng dừng hiệu lực giấy miễn thi thực áp dụng với người Việt ở nước ngoài và thân nhân.
Người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam phải chịu cách ly tập trung, trừ trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao và công vụ.
Trong các tuần gần đây, Việt Nam đã thực hiện một loạt các biện pháp mạnh nhằm ngăn ngừa sự lây lan của bệnh dịch như ngừng cấp thị thực cho khách đến từ các vùng có dịch, ngừng các chuyến bay quốc tế.
Tuy nhiên tình hình bệnh dịch trong nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca mới tăng mỗi ngày, chủ yếu là người từ nước ngoài về.
Vào chiều ngày 21/3, Bộ Y tế Việt Nam công bố thêm 2 ca nhiễm bệnh mới nhập cảnh từ Châu Âu, nâng số ca nhiễm bệnh ở Việt Nam lên 94 người. Trong số này đã có 17 người được chữa khỏi và xuất viện.
*******************
Virus corona : Việt Nam cách ly toàn bộ hành khách nhập cảnh qua sân bay (RFI, 21/03/2020)
Hôm 21/02/2020, Việt Nam bắt đầu áp dụng việc cách ly tập trung 14 ngày đối với toàn bộ hành khách từ tất cả các quốc gia trên thế giới nhập cảnh vào Việt Nam qua đường hàng không. Đây là biện pháp mới nhất mà Hà Nội thi hành để ngăn chận dịch Covid-19 từ ngoài lan vào Việt Nam, nơi mà tính đến chiều hôm nay chỉ mới có 92 ca lây nhiễm, theo thông báo của bộ Y Tế.
Ảnh minh họa : Hành khách trên một chuyến bay của hãng Bamboo Airways, ngày 07/03/2020 Reuters - KHAM
Các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam chủ yếu đến từ Châu Âu và Mỹ, rồi sau đó lây sang những người khác. Theo vnExpress, ca bệnh mới nhất, ca thứ 92, là một du học sinh từ Pháp về nước ngày 16/03. Đây là bệnh nhân Covid-19 thứ 9 liên quan đến Pháp.
Theo Báo điện tử chính phủ Việt Nam, Cục Hàng Không Việt Nam sẽ thông báo đến tất cả các hãng hàng không quốc tế và Việt Nam rằng, do năng lực của khu cách ly tập trung của hai sân Nội Bài và Tân Sơn Nhất rất hạn chế, nên các chuyến bay quốc tế khi đến Việt Nam sẽ phải hạ cánh tại các sân bay quốc tế Vân Đồn, Cần Thơ, Phù Cát và các sân bay khác, theo yêu cầu của nhà chức trách hàng không Việt Nam.
Cũng theo trang mạng này, trong cuộc họp của chính phủ về chống Covid-19 hôm qua, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo là chính phủ yêu cầu dừng các đường bay đón khách nước ngoài và hạn chế tối đa người nhập cảnh Việt Nam bằng đường không, đường bộ, đường biển.
Cũng từ hôm nay, Việt Nam bắt đầu tạm dừng miễn thị thực đơn phương đối với công dân các nước Belarus, Nga và Nhật Bản, sau khi đã thi hành biện pháp này đối với công dân của nhiều nước khác.
Thanh Phương
*********************
Virus corona : Việt Nam có thể tạm đóng cửa với toàn thế giới (RFI, 18/03/2020)
Nhằm ngăn chặn dịch virus corona (Covid-19), Việt Nam đang chuẩn bị một biện pháp rất triệt để : Tạm thời dừng cấp thị thực nhập cảnh đối với tất cả các nước trên thế giới trong vòng 15 đến 30 ngày. Theo báo chí trong nước ngày 17/03/2020, đây là quyết định vừa được thủ tướng Việt Nam nêu lên trong một cuộc họp ngày 16/03. Tuy nhiên, thời điểm áp dụng chưa được loan báo.
Kiểm soát nhập cảnh tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 20/02/2020 - Reuters/Kham
Theo hãng tin Anh Reuters, Việt Nam đã đi đến quyết định tạm thời đóng cửa đất nước trong bối cảnh các ca lây nhiễm virus corona gia tăng trong những tuần lễ gần đây sau một thời gian dài cố định ở mức 16 ca. Tính đến hôm nay, cả nước Việt Nam đã bị 61 trường hợp nhiễm Covid 19, trong đó có nhiều ca do người từ nước ngoài mang vào rồi lây cho người trong nước.
Cho đến gần đây, Việt Nam mới chỉ cấm nhập cảnh đối với người đến từ hay đã đi qua những ổ dịch lớn trên thế giới, chẳng hạn như từ các nước Châu Âu trong khối Schengen và Vương quốc Anh, trong vòng 14 ngày trước khi đến Việt Nam.
Để giải thích cho quyết định mở rộng phạm vi cấm nhập cảnh đối với toàn bộ các nước trên thế giới, chính quyền Việt Nam đã cho rằng đó là một biện pháp quan trọng để kềm hãm đà lây lan của dịch bệnh.
Trọng Nghĩa