Nỗi sợ hãi cho những di dân muốn vượt eo biển Manche
Chi Phương, RFI, 27/04/2024
Được đưa ra từ năm 2021, dự luật "Safety of Rwanda" nhằm gửi những người xin tị nạn ở Anh đến nước Đông Phi Rwanda, đã được chính thức phê duyệt bởi Vua Charles Đệ Tam hôm 25/04/2024, chấm dứt nhiều tháng tranh cãi về tính hợp pháp của chính sách này. Kế hoạch đối phó với nạn nhập cư bất hợp pháp của Anh đã bị nhiều tổ chức quốc tế lên án là vô nhân đạo, và có thể "vi phạm" luật pháp quốc về nhân quyền.
Một sĩ quan cảnh sát Pháp quan sát tàu chở người di cư trên eo biển Manche, ngày 18/7/2023. AFP - BERNARD BARRON
Hầu hết những người xin tị nạn ở Anh thường vào nước này qua con đường bất hợp pháp, đặc biệt là bằng đường biển, trên những con thuyền thô sơ, nguy hiểm đến tính mạng. Khi đến Anh, những di dân chủ yếu từ Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh hay Châu Á, trong đó có Việt Nam, có thể nộp đơn xin bảo hộ quốc tế, thông qua hệ thống tiếp nhận người tị nạn của nước này, và sau đó có thể được phép định cư ở Anh. Tuy nhiên, số phận của những người tìm cách chạy trốn chiến tranh, nghèo đói, mong đổi đời ở Anh Quốc có thể bị chao đảo thêm nữa với luật về nhập cư - Safety of Rwanda mới của chính phủ Rishi Sunak.
Luật Safety of Rwanda quy định như thế nào ?
Luật mới quy định rằng những ai đến bằng thuyền nhỏ hoặc bằng bất cứ phương tiện bất hợp pháp nào, sẽ không bao giờ được chấp nhận tị nạn ở Anh. Thay vào đó, họ sẽ bị tạm giam giữ và gửi đến Rwanda, cách Anh Quốc hơn 7000 km. Việc xem xét các trường hợp xin tị nạn sẽ được tiến hành ở quốc gia Châu Phi này, và nếu được chấp thuận, họ sẽ được tái định cư ở đó.
Chính phủ Anh lập luận rằng chính sách này sẽ có tác dụng răn đe, ngăn chặn dòng người, lên đến hàng chục nghìn người vượt biên nguy hiểm từ Pháp sang Anh mỗi năm qua biển Manche, đồng thời phá vỡ các mạng lưới môi giới đưa người vượt biên trái phép, "buôn người".
Thủ tướng Rishi Sunak cho biết các chuyến bay đưa di dân sang Rwanda dự trù bắt đầu từ khoảng giữa tháng 6 hoặc tháng 7. Chính phủ cũng đã đặt riêng một sân bay dưới dạng "qui chế chờ", thuê máy bay thương mại và đào tạo khoảng 500 người hộ tống những người xin tị nạn đến Rwanda.
Anh Quốc phải chi bao nhiêu cho kế hoạch này ?
Mặc dù vẫn chưa có người xin tị nạn nào bị Anh Quốc gửi đến Rwanda, theo New York Times, nhưng theo một tổ chức độc lập giám sát chi tiêu công cộng ở Anh, hồi tháng 3, đã chỉ ra rằng chính phủ Anh sẽ phải trả cho Rwanda khoảng 370 triệu bảng Anh (khoảng 400 triệu USD) vào cuối năm 2024. Chi phí để thực thi chính sách này sẽ tăng lên khi các máy bay trục xuất người tị nạn khởi hành.
Đối với mỗi người được gửi đến Rwanda, Anh Quốc cam kết trả cho nước Đông Phi này 20 000 bảng Anh cho "phí phát triển", và 150 874 bảng Anh cho mỗi người xin tị nạn, cho chi phí "hoạt động". Sau khi 300 người đầu tiên được gửi đến Rwanda, Anh Quốc sẽ chi thêm 120 triệu bảng cho Rwanda.
Ông Yvette Cooper, bộ trưởng Lao động, thuộc phe đối lập, chịu trách nhiệm về danh mục đầu tư bao gồm di cư, cho rằng chi phí này là "quá cao" và lập luận rằng "thay vào đó, số tiền này nên được đầu tư vào "tăng cường an ninh biên giới của Anh".
Tại sao luật gây tranh cãi về mặt pháp lý, có nguy cơ tạo ra cuộc khủng hoảng về Hiến pháp ở Anh ?
Đạo luật Safety of Rwanda, được thông qua hôm 23/4 đã bác bỏ phán quyết của Tòa Án Tối Cao Anh Quốc hồi tháng 11/2023, khi coi kế hoạch gửi người xin tị nạn đến quốc gia Châu Phi này là bất hợp pháp. Lúc đó, các thẩm phán nhận định rằng Rwanda không phải là một quốc gia an toàn, để có thể tái định cư, hoặc cho phép xét xử các trường hợp xin tị nạn của họ. Mặc dù được cho là một trong những nước ổn định nhất ở Châu Phi, nhưng chính phủ hiện hành của Rwanda thường xuyên bị tố cáo có tính cách độc tài.
Trang tin của chính phủ Anh nêu rằng luật mới cũng sẽ ngăn cản các tòa án của Anh, cố ý làm chậm trễ hoặc can thiệp đến quá trình trục xuất một người đến Rwanda, vì không tin tưởng sự an toàn của những di dân bất hợp pháp từ Anh gởi sang Rwanda.
Điều này đặt ra vấn đề về "cam kết của Chính phủ trong một Nhà nước pháp quyền", tức là không ai có thể đứng trên luật pháp, kể cả Chính phủ, theo như nhận định của Stephen Clear giảng viên ngành luật tại đại học Bangor, Anh Quốc, giải thích trong một bài viết đăng trên The Conversation.
Mặc dù Anh Quốc không có Hiến pháp viết thành văn, nhưng về mặt lý thuyết, Anh Quốc có một hệ thống kiểm soát và cân bằng : Quốc hội, Chính phủ và các thẩm phán, hạn chế quyền lực và kiểm soát lẫn nhau. Ông Stephen Clear khẳng định luật trục xuất di dân sang Rwanda của chính phủ Anh đã không tôn trọng sự phân chia quyền lực.
Tại sao Anh Quốc phải đối mặt về "cuộc chiến pháp lý" với tòa án quốc tế ?
Một số người tị nạn hiện nằm trong danh sách bị trục xuất vào mùa hè tới, dự kiến sẽ nộp đơn tới Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu để xin "các biện pháp tạm thời", nhằm ngăn chặn bị gửi tới Rwanda. Tòa án có trụ sở tại Strasbourg, ở Pháp, có quyền ngăn chặn khẩn cấp và đã từng cản trở một số chuyến bay đến Rwanda khi đang ở trên phi trường chuẩn bị cất cánh.
Để tránh tình huống này, luật của chính phủ Sunak sẽ trao quyền hủy bỏ các biện pháp tạm thời cho một bộ trưởng, phớt lờ các lệnh khẩn cấp từ Tòa án Nhân quyền Châu Âu nhằm ngăn chặn các chuyến bay cất cánh. Cụ thể, quyết định này hiện thuộc về Michael Tomlinson, bộ trưởng về nhập cư bất hợp pháp, theo một nguồn tin ẩn danh của Politico.
Điều này tạo ra tiền đề về một cuộc đối đầu căng thẳng giữa chính phủ Anh Quốc và "tòa án nước ngoài". Theo Politico, chưa có một thủ tướng Anh nào phớt lờ các lệnh do tòa ở Strasbourg ban hành như ông Sunak. Trong một cuộc họp báo tuần này, ông khẳng định "không có bất cứ tòa án nước ngoài nào có thể ngăn chặn các chuyến bay chở người tị nạn cất cánh".
Luật trục xuất người tị nạn tới Rwanda nhận được những phản ứng như thế nào ?
Ngay khi đạo luật được Quốc hội Anh thông qua hôm 23/4, hơn 250 tổ chức nhân quyền của Anh đã viết thư cho ông Sunak cho biết sẽ phản đối các biện pháp này trước các tòa án Châu Âu và Anh. Tổ chức Ân xá Quốc tế Vương quốc Anh tuyên bố sẽ "đưa ra biện pháp bảo vệ pháp lý quốc tế cho một số người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới". Luật về Rwanda bị lên án đi ngược lại nghĩa vụ pháp lý của Anh đối với người tị nạn theo luật pháp quốc tế và vi phạm Công ước về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc năm 1951. Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi Luân Đôn "cân nhắc lại kế hoạch". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Năm, cho rằng gửi người xin tị nạn đến Rwanda là "không hiệu quả" và kêu gọi tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Nhiều tổ chức nhân quyền cũng cho biết sẽ có hành động nhằm trì hoãn bất kỳ chuyến bay di dời nào. Các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, cảnh báo các hãng hàng không rằng họ có thể "đồng lõa vi phạm nhân quyền được quốc tế bảo vệ và lệnh của tòa án" nếu họ thực hiện các chuyến bay.
Chi Phương
*****************************
Bắt giữ 16 nghi can trong đường dây đưa người Việt từ Pháp sang Anh
Chi Phương, RFI, 27/04/2024
Cơ quan chống buôn người di cư của Pháp hôm 26/04/2024, cho biết đã triệt phá được một người dây đưa người Việt sang Anh, bắt giữ 16 nghi can, trong đó có người được cho là "trùm" của đường dây.
Di dân đang tìm đường vượt biên sang Anh tại Calais, miền bắc nước Pháp, ngày 28/04/2015. AP - Francois Mori
Theo AFP, Cơ quan chống buôn người di cư ở Pháp (OLTIM) đã mở điều tra sơ bộ từ tháng 8/2023. Hôm 22/4 vừa qua, các nhà điều tra đã câu lưu 12 người Việt, trong đó có 8 phụ nữ trong tỉnh Val-de-Marne, ngoại ô phía đông Paris. Một số không có giấy tờ hợp lệ. Họ đã phải trình diện trước một thẩm phán ở thủ phủ Créteil ngày 26/4. Viện công tố Créteil cho biết sẽ yêu cầu "tạm giam hoặc giám sát tư pháp những người này, trước khi tiến hành xét xử".
Cơ quan tội phạm quốc gia của Anh (NCA), vào tuần này, cũng đã bắt giữ 4 người ở Anh, theo lệnh bắt giữ quốc tế, trong đó có một người được cho là đứng đầu đường dây này và có thể sẽ bị dẫn độ sang Pháp.
Theo cơ quan chống buôn người di cư của Pháp, những người muốn rời Việt Nam sang Châu Âu một cách bất hợp pháp phải trả khoảng từ 15 đến 18 000 euro (khoảng từ 16 đến 19.000 USD) cho mạng lưới này. Họ thường xin visa qua Hungary để vào Châu Âu, sau đó đến miền bắc nước Pháp chờ vượt biển sang Anh bằng canô hay xe tải. Để giảm chi phí, một số người đã được mạng lưới này giao nhiệm vụ vận chuyển ma túy tổng hợp như ketamine hay methamphetamine. Giám đốc của OLTIM, ông Xavier Delrieu, gọi đây là một mạng lưới "đa tội phạm", vì không chỉ buôn người di cư mà còn bị tình nghi buôn ma túy, môi giới mại dâm và rửa tiền.
Trong quá trình khám xét, các nhà điều tra đã tịch thu 90.000 euro tiền mặt, và hơn 280.000 euro trong các tài khoản ngân hàng. Họ cũng đã tịch thu một số trang sức, cùng 200 lọ nước hoa cao cấp, 3 chiếc xe hơi hạng sang, cùng các loại thiết bị để đóng gói ma túy.
Chi Phương
Người Mỹ gốc Việt trước cơn lốc chống phân biệt chủng tộc
Trùng Dương, BBC, 19/06/2020
Như thể đại dịch Covid-19 chưa đủ, nước Mỹ từ hơn ba tuần nay bị cuốn vào một trận dịch khác trong cơn đại dịch - trận dịch chống bạo lực của cảnh sát và phân biệt chủng tộc sau cái chết tức tưởi của một người da đen dưới đầu gối của một viên cảnh sát da trắng ngày 25/5, 2020 ở thành phố Minneapolis thuộc tiểu bang Minnesota.
Người Mỹ gốc Việt tại một buổi lễ nhập tịch Hoa Kỳ hồi tháng 7/2018
Cơn lốc không chỉ diễn ra tại các thành phố ở Mỹ mà đã lan ra các nước khác, như Pháp, Anh, Đức, Úc, New Zealand và vài nơi khác.
Cơn lốc dường như không ngưng ở hiện tại mà còn vươn vào cả quá khứ, khi nhiều pho tượng không chỉ của phe phiến loạn Confederate đòi ly khai trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ 19 bị giật đổ, mà cả những pho tượng của những nhân vật xưa tại một số thành phố ở Âu Châu cũng bị chiếu cố vì đã chủ mưu, tiếp tay hay dung dưỡng nạn buôn bán nô lệ da đen và tiêu diệt các sắc dân thuộc địa vào các thế kỷ trước.
Tất nhiên cơn lốc đã không chừa những gia đình gốc Á. Và đã hẳn người gốc Việt cũng bị cuốn vào trong đó.
Hầu như mọi người quên hẳn Covid, mặc các chuyên viên y tế báo động về sự gia tăng của các ca nhiễm, của những ca phải vào bệnh viện chữa trị, về các con số tử vong.
Một người bạn gửi cho tôi bản điện thư bằng tiếng Việt kèm với hình chiếc quan tài mạ vàng chở xác người đàn ông da đen chết dưới đầu gối của viên cảnh sát da trắng, đặt trong chiếc xe tang sơn trắng do ngựa kéo, đưa người quá cố tới nơi yên nghỉ cuối cùng, với những lời lẽ miệt thị, vô ý thức, như sau :
''Đang là 1 tội phạm ma túy phút chốc trở thành thiên thần, với quan tài mạ vàng, có xe ngựa kéo, không khác gì Tổng Thống, với hàng trăm nhân vật quan trọng trong đảng dân chủ, cùng hàng ngàn người tham dự.''
''Hàng trăm viên chức Chính Phủ quì mọp dưới linh cửu của ngài để tỏ lòng thành kính và ngưỡng mộ.''
''Quỹ tương trợ đám tang cho ngài đã quyên góp được trên 13 triệu đô la. Thành viên Dân chủ của Quốc hội Mỹ đã quỳ cầu nguyện cho ngài và phong tặng ngài là Anh Hùng liệt sỹ. Nếu đảng Dân chủ nắm đa số trong Quốc Hội, ngài sẽ được đặt tên đường. Tiểu sử của ngài tội phạm sẽ được đem dạy cho lớp trẻ. Các em sẽ theo gương ngài, không cần phải học hành. Cứ phạm tội xong vô tình tìm cách để cho cảnh sát bóp cổ chết, sẽ trở thành anh hùng đời đời đi vào lịch sử. Nếu chưa được trở thành anh hùng cũng thành triệu phú trong vài ngày.
Hy vọng ngài sẽ hiển linh để giúp đảng dân chủ nắm quyền từ trên xuống dưới như ước mơ của đảng".
Người Mỹ gốc Việt trước cơn lốc chống phân biệt chủng tộc
Chắn hẳn lời "tang điếu" này đã khiến một chị bạn của tôi, một nhà truyền thông gốc Việt và là người triệt để hỗ trợ Tổng thống Trump vì tin ông chống Trung Quốc, bất nhẫn trước một viễn tượng kết quả bầu cử tổng thống sắp tới có thể ngoài ý muốn đó, đã tuyên bố là nếu ông Trump thất cử và người của đảng Dân Chủ lên, chị sẽ… dọn về Việt Nam. Ba mươi lăm năm trước, như bao người Miền Nam dạo ấy, chị đã xoay sở để di cư sang Mỹ lánh nạn cộng sản độc tài đảng trị. Tôi nghĩ chị cũng chỉ nói vậy trong cơn giận dữ.
Gia đình tôi cũng không tránh khỏi chia rẽ, dù phần lớn ngấm ngầm. Cậu con lớn thuộc phe Cộng Hòa, tất nhiên là ít nhiều chia sẻ và hỗ trợ đường lối của chính quyền ông Trump, từ một số biện pháp chống dịch tới việc nhìn một cách tiêu cực các cuộc biểu tình của người da đen, mặc dù đã có sự tham dự của nhiều sắc dân khác, kể cả người gốc Á. Trong khi đó, hai cô em - một thuộc đảng Xanh, và một kín đáo hơn nên tôi không biết cô thuộc đảng nào - có quan niệm chính trị phóng khoáng, tất nhiên là bất đồng với cái gọi là chính sách chống dịch của chính quyền ông Trump. Và hai cô có thái độ bao dung hơn, nếu không nói là có cảm tình, đối với cuộc tranh đấu của người da đen nói riêng và da mầu nói chung, chống lại sự phân biệt chủng tộc.
Phần tôi không thuộc đảng nào - "nonpartisan", như vẫn được ghi trên các giấy tờ bầu bán. Tôi hỗ trợ những việc làm có tính cách nhân bản, hữu ích cho xã hội nói chung, và chống lại bất cứ sự bất công đàn áp nào. Dù vậy, đôi khi giữa cậu con và tôi có những cuộc thảo luận dẫn tới bế tắc, đành đồng ý với nhau là… bất đồng ý. Các em của cậu ta thì hoàn toàn tránh tranh biện với ông anh.
Thành ra, trong cơn đại dịch ghê gớm chưa từng có, giữa một nền kinh tế khủng hoảng, xã hội bất ổn, không biết tới bao giờ mới chấm dứt, mẹ con tôi hầu như không dựa được vào nhau ngoài những thăm hỏi xã giao lấy lệ. Cậu con tôi, dù vậy, không nhìn các cuộc biểu tình đòi được đối xử bình đẳng bằng cái nhìn nhiễm định kiến về mầu da, chủng tộc, mà với những bận tâm thực tiễn, chẳng hạn như, nếu tước đi những lựu đạn cay, những thế khóa cổ (chockhold), làm sao một cảnh sát khống chế được một đám người giận dữ, một kẻ tình nghi to lớn hung dữ, v.v...
Tôi không có câu trả lời, chỉ nói tôi không đồng ý việc quân đội hóa cảnh sát vốn nhiệm vụ chính là bảo vệ an ninh cộng đồng. Tại sao cảnh sát mỗi khi nổ súng là phải chết người ? Tại sao không chỉ bắn bị thương một kẻ tình nghi ? Đó là câu hỏi thường đến trong đầu tôi mỗi khi nghe tin một cảnh sát bắn chết người, phần lớn là da đen.
Tôi biết nhiều gia đình gốc Á nói chung và Việt nói riêng cũng không thuận hòa gì hơn. Trên Facebook, cô con gái út kể lại (vì tôi không dùng diễn đàn này), các cháu của tôi đang phản đối việc một cô em tôi đã đưa những hình ảnh kỳ thị người da đen lên trang của mình. Trong đám cháu này có hai cô, một sinh ra ở Pháp nhưng lớn lên tại Mỹ và một sinh ra tại Mỹ, đã tham gia Cuộc Diễn Hành của Phụ Nữ vào đầu năm 2017 phản đối ông Trump.
Dường như cái hố ngăn cách thế hệ giữa các bậc cha mẹ di dân vốn bảo thủ và con cái - trưởng thành hoặc sinh ra tại Mỹ và chịu ảnh hưởng của nền giáo dục nhân bản và khai phóng, nên phóng khoáng trong các suy nghĩ về chính trị, xã hội, và cả trong việc bảo vệ môi trường - đã thêm bị khơi rộng ra trong tình huống dịch-trong-đại-dịch hiện tại".
Kỳ thị da đen trong cộng đồng gốc Á có căn nguyên từ huyền thoại 'dân thiểu số mẫu mực,' mà giới lãnh đạo người da trắng đã, để đối phó với phong trào đòi dân quyền vào thập niên 1960, tạo nên để gây chia rẽ giữa người Mỹ gốc Á với các dân da mầu khác", Marina Fang viết gần đây. "Nhiều di dân gốc Á đã nhập tâm cái tinh thần ấy, đã hành xử dưới cái cảm tưởng sai lầm là cứ sống 'ngoan ngoãn' thì sẽ sớm hội nhập vào với xã hội da trắng và được nhập phe với người da trắng".
Luật sư Tín Nguyễn (phải) trao đổi với hai người Mỹ gốc Việt bị trục xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/4/2018
Tác giả Fang cho rằng đây là nguyên nhân sâu xa của thái độ phân biệt mầu da của người gốc Á. Tất nhiên việc người gốc Á phân biệt hoặc cả kỳ thị người da đen cũng còn do những va chạm đưa tới xung đột kình chống lẫn nhau, từ đó thành định kiến, cũng có, song vấn đề đó ở ngoài phạm vi của bài này.
Trong trường hợp người Việt thì cái nguyên nhân, theo tôi, còn sâu xa hơn là muốn làm những người gốc Á "ngoan ngoãn" để mau hội nhập.
Người Việt đến Mỹ mang theo nhiều di sản quí giá có, mà không đáng gì cũng có. Quí giá thì là cái di sản Cộng Hòa (đúng nghĩa, không phải là cái lý tưởng Cộng Hòa đã bị sa đọa từ vài năm trở lại đây tại Mỹ) mà tôi đã đề cập tới trong bài "Nhìn lại hành trình dựng nước trong thời chiến : Việt Nam Cộng Hòa, 1954-1975".
Di sản không đáng mang theo là tinh thần kỳ thị đối với những chủng tộc khác, trừ người da trắng. Ai thuộc thế hệ tôi, những người hiện ở lứa tuổi 70-80 gần đất xa trời, hẳn đều nhớ hồi ở Việt Nam, người Việt có thói quen gọi tất cả những người thuộc dân tộc thiểu số, phần lớn sinh sống trên cao nguyên là Mọi, không coi họ là ngang hàng với mình. Ai cũng biết con lai đã bị đối xử thế nào, dưới thời thực dân Pháp cũng như sau này trong thời kỳ quân đội Mỹ tham chiến ở Miền Nam.
Các trẻ em lai Mỹ, nhất là Mỹ đen, đã bị hư hại tới độ nhiều em khi tới Mỹ trong chương trình Homecoming không còn có thể thích nghi, khoan nói tới hội nhập vào đời sống tại quê hương của cha, mặc cho các giúp đỡ của chính phủ và cơ hội học hành để tiến thân. Bởi vì, giản dị, nhiều em hồi còn ở Việt Nam không hề được cắp sách tới trường vì phải tranh sống và đương đầu với tinh thần kỳ thị.
Dù đã nhiều thập niên sống tại Mỹ, chúng ta vẫn có thói quen nhìn xuống những người có mầu da đậm hơn da mình. Tôi có chị bạn kể là khi con gái chị có bạn trai là người da đen, chị buồn và lo lắm. "May sau cháu lấy một một người da trắng, lại có cấp bậc cao trong quân đội, lại vừa lên chuẩn tướng", chị hân hoan kể. Đã hẳn là chị không chịu được khi Hoa Kỳ có vị tổng thống da đen đầu tiên. Chị thù ghét vợ của ông ta tàn tệ. Tới nỗi tôi phải hỏi chị tại sao, bà ta có làm gì chị không, thì chị đáp : "Tại bà ta xấu quá" !
Chị bạn này không phải là người bạn gốc Việt duy nhất của tôi ghét Tổng thống Obama vì ông đen, dù tổ tiên không phải là dân Phi Châu bị người da trắng bắt cóc mang bán làm nô lệ bốn thế kỷ trước. Có chị bạn kết tội ông cựu tổng thống da đen là tham nhũng, tôi hỏi sao biết, thì chị nói khi lên làm tổng thống, hai ông bà nghèo rớt mồng tơi, mà giờ ngồi trên bạc triệu. Chị không biết, hay không muốn biết, là cái đống bạc triệu ấy phần lớn là từ giao kèo cho hai cuốn hồi ký của ông bà. Chị bạn còn bảo tôi "chờ vụ Obamagate đang ra ánh sáng" rồi khắc biết.
Đấy là người gốc Việt ở Mỹ. Nhiều người Việt ở Âu Châu cũng không chịu thua tinh thần kỳ thị này. Tác giả Lâm Bình Duy Nhiên, một nhà hoạt động cộng đồng sinh sống tại Thụy Sĩ, mới đây kể trong một bài viết với cái tựa vỏn vẹn chữ Mọi, một lần ông theo mấy người bạn vào một tiệm ăn Việt ăn tối :
Khi chúng tôi vào, bà chủ quán nhìn anh bạn của tôi và nói lớn :
- Dữ chưa, hôm nay dẫn thằng mọi nào tới vậy ?
Tôi hiểu liền, nên nói :
- Chào cô.
Bà chủ quán đớ người, chỉ tôi hỏi :
- Ủa, da đen biết nói tiếng Việt hả ?
Anh bạn tôi vội vàng giải thích. Cô chủ quán buột miệng xin lỗi và cố giải thích vì nhìn thấy tôi "đen giống tụi da đen quá" !
Sau khi kể một số những trường hợp kỳ thị mà chính mắt ông chứng kiến, tác giả thở dài :
"[K]hông biết bao nhiêu lần, khi trò chuyện với những người Việt trong cộng đồng, thậm chí với những người bạn, họ vẫn thường có những suy nghĩ rất lạ lùng. Thậm chí, họ còn huyên thuyên giảng dạy cho con cái họ là đừng chơi với 'bọn da đen' ở trường vì 'chúng nó ngu, dốt và lười lắm'. Còn 'bọn Rệp' thì thôi khỏi nói, toàn là bọn khủng bố cực đoan và cũng lại... ngu dốt nên cũng cần phải tránh xa, không giao du với chúng !"
Tác giả bài "Mọi" trích một câu văn (nói là của Phan Chu Trinh, và tôi ghi lại đây vì không có phương tiện để kiểm chứng) : "Dân tộc nước Nam, trên lịch sử, có hai đặc tính cực đoan phản đối nhau : một là đặc tính bài ngoại và ỷ ngoại ; hai là đặc tính tự tôn và tự ti. Hai đặc tính đó sẵn ở quốc dân, trong não mọi người. Mỗi cái nhân thời thế, địa vị của nó mà phát hiện, rồi trong khi phát hiện lại đều đi tới cực đoan, lại khi đã tới cực đoan, mỗi cái đều giữ lý do, chuyên cậy vào tập quán, lợi hại đều bị che lấp không thấy".
Người Việt đặt chân tới Mỹ vào giữa thập niên 1970 khi cỗ bàn dân quyền dù chưa toàn hảo đã được bầy sẵn, chỉ việc ngồi vào bàn ăn. Ít ai hỏi cỗ bàn đó do đâu mà có.
Đó là do những cuộc tranh đấu gian khổ đẫm máu của người da đen trong phong trào tranh đấu đòi quyền công dân vào giữa thập niên 1960. Đấy là chưa kể cuộc tranh đấu kéo dài trên bẩy thập niên của phụ nữ Mỹ đòi quyền đầu phiếu. Và cả những cuộc phấn đấu của người Mỹ gốc Á, cũng không ngoài mục đích đòi quyền con người không phân biệt chủng tộc hay cái giống.
Họ phấn đấu để hoàn tất nền dân chủ chưa hoàn hảo của Hoa Kỳ vì các vị lập quốc khi viết bản Hiến Pháp 254 năm về trước chỉ mới nghĩ được tới quyền bình đẳng riêng của người đàn ông da trắng. Chính các dân thiểu số da mầu đã và đang giúp cho nền dân chủ Hiệp Chủng Quốc trở nên hiện thực và toàn hảo hơn.
May mắn thay giới trẻ gốc Việt không chia sẻ cái nhìn thiển cận của cha anh mình. Họ không quên nhắc nhở các bậc cha anh về việc vào cuối thập niên 1970 khi hàng trăm, chục, vạn người Việt lánh nạn cộng sản bị kẹt ở những trại tị nạn trong vùng Đông Nam Á, một nhóm trí thức da đen đã mua nguyên một trang báo của tờ New York Times để kêu gọi chính phủ Mỹ mở cửa giúp họ được định cư tại Mỹ.
Trang Web diacritics.org của nhóm trẻ Diaspora of Vietnamese Artist Network cũng đã dành số đặc biệt tháng này để xác định chỗ đứng bên cạnh người da đen chống lại bạo lực của cảnh sát.
Trang Pivot cũng có bài viết về người Việt và người da đen.
Giới trẻ gốc Việt đã không im lặng. Tôi cảm thấy hãnh diện về họ. Cầu xin chúng ta sẽ sớm qua các cơn dịch bệnh hiện tại. [td2020-06]
Trùng Dương
Nguồn : BBC, 19/06/2020
Nhà báo Trùng Dương là cựu Chủ nhiệm Nhật báo Sóng Thần (1971-1975), hiện đang sống tại Sacramento, California, Hoa Kỳ.
*******************
Joe Biden không hề chống người tị nạn Việt Nam vào Mỹ
Thắng Đỗ, Việt Báo, 17/06/2020
Chỉ một bài viết sai lệch (dường như cố tình) đã gây ra bao nhiêu hiểu lầm trong cộng đồng người Việt. Báo Washington Times (một tờ báo với nhiều tai tiếng như ghi ở cuối bài) đã loan tin vào ngày 4/7/2019 rằng Joe Biden, khi còn là thượng nghị sĩ vào năm 1975, đã chống việc cho người tị nạn Việt Nam vào nước Mỹ. Chúng tôi đã tra cứu tận gốc xem tin này xuất phát từ đâu và khám phá rằng điều này hoàn toàn sai.
Thượng nghị sĩ Joe Biden (đảng Dân chủ) năm 1975 và năm 2020 - Ảnh minh họa
Bài viết của tờ báo trên chỉ dựa vào nguồn tin duy nhất, đó là một bản tường trình của buổi họp tại Nhà Trắng vào ngày 14/4/1975. Những nhân vật chính tham gia buổi họp này là Tổng thống Ford, Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger, Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia tướng Brent Scowcroft, và Ủy ban Quốc ngoại Thượng viện gồm các Thượng nghị sĩ Sparkman (DC), Case (CH), Percy (CH), Javits (CH), Baker (CH), Church (DC), Biden (DC), Symington (DC), Mansfield (DC), Scott (CH), Glenn (DC). Danh sách các thượng nghị sĩ chỉ ghi tên những ai phát biểu trong bản tường trình và có thể không đầy đủ.
Bản tường trình này là tài liệu được lưu giữ ở Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Gerald R. Ford. Người đọc có thể đọc nguyên bản tiếng Anh ở đây :
Bài viết sai lệch trên tờ Washington Times có thể đọc ở đây :
‘No obligation’ : Joe Biden opposed helping South Vietnamese refugees reach U.S. in 1970s
Chúng tôi xin tóm lược diễn tiến của buổi họp cũng như trích và dịch nguyên văn những đoạn đối thoại có liên hệ đến cựu Phó Tổng thống Joe Biden, nay là ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tháng 11 năm nay.
Phần đầu của buổi họp, họ bàn về tình hình quân sự đen tối của Nam Việt Nam, số tiền viện trợ cần thiết để tăng cường cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa, di tản người Mỹ và những người Việt liên hệ. Vài thượng nghị sĩ phát biểu ý kiến của mình, kể cả Biden. TNS Baker (CH) nói quan tâm chính phải là rút công dân Mỹ ra, còn những việc khác là phụ. TNS Javits (CH) nói sẽ chấp thuận tiền để mang người ra (không nói rõ chỉ người Mỹ hay luôn cả người Việt). TNS Church (DC) nói sẽ chấp thuận tiền để rút người Mỹ ra, còn người Việt thì phức tạp hơn. Rút người Việt ra sẽ đòi hỏi mang quân đội Mỹ trở lại. Biden (DC) nói nguyên văn như sau :
Biden : "What concerns us is that a week ago Habib told us we would be formulating a plan. A week has gone by and nothing has happened. We should focus on getting them out. Getting the Vietnamese out and military aid for the GVN are totally different".
Dịch : "Việc chúng tôi lo ngại là tuần trước, Habib (Thứ trưởng Ngoại giao) nói sẽ có kế hoạch. Một tuần sau, vẫn chưa thấy gì cả. Chúng ta phải tập trung nỗ lực đưa họ ra. Đưa người Việt ra và viện trợ quân sự cho Nam Việt Nam là hai việc hoàn toàn khác".
Kissinger nói về những khó khăn của việc di tản người Việt. Biden đáp lại :
Biden : "I feel put upon in being presented an all or nothing number. I don’t want to have to vote to buy it all or not at all. I am not sure I can vote for an amount to put American troops in for one to six months to get the Vietnamese out. I will vote for any amount for getting the Americans out. I don’t want it mixed with getting the Vietnamese out".
Dịch : "Tôi cảm thấy bị áp lực với một tình huống một là lựa hết, hai là từ chối hết. Tôi không muốn bỏ phiếu để chấp thuận tất cả hay không chấp thuận gì cả. Tôi không chắc tôi có thể hỗ trợ việc mang quân đội Mỹ trở lại từ 1 đến 6 tháng để rút người Việt ra. Tôi sẽ ủng hộ bất cứ số tiền nào đề đưa người Mỹ ra. Tôi không muốn lẫn lộn chuyện này với việc đưa người Việt ra".
Sau đó họ bàn về trách nhiệm của Hoa kỳ trong Hiệp định Paris 1973 và số tiền cần thiết.
Biden : "I don’t want to commit myself to any precise number. How much money depends on how many we try to get out".
Dịch : "Tôi không muốn buộc mình vào bất cứ con số nào. Số tiền tùy thuộc vào chúng ta dự định mang bao nhiêu người ra".
Dựa trên toàn bài tường trình, không có bất cứ chỗ nào ông Biden nói ông chống người tị nạn Việt Nam. Cuộc đối thoại phản ảnh sự mệt mỏi của các thượng nghị sĩ cả hai đảng. Không ai chống việc di tản người Việt, nhưng quan tâm chính của cả hai đảng là di tản người Mỹ ra khỏi Việt Nam bằng mọi giá. Đây chỉ là bối cảnh rất đáng buồn của tình hình chính trị nước Mỹ nói chung chứ không riêng gì bất cứ nhân vật nào vào những ngày đau thương cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa.
Vài dòng về tờ báo Washington Times và tại sao họ lại viết một bài với tin thất thiệt như thế. Tờ báo do ông Sun Myung-Moon, người Hàn Quốc đã tự nhận mình là ‘đấng cứu thế’ và sáng lập một tôn giáo mới tên Giáo Hội Thống Nhất. Ông đã từng ở tù nhiều lần do trốn thuế, và có quan hệ mật thiết với nhiều nhà độc tài trên thế giới, kể cả Kim Nhật Thành của Bắc Triều Tiên. Ông và tờ Washington Times đã từng công khai mạnh mẽ ủng hộ Tổng thống Donald Trump.
Thắng Đỗ
Nguồn : Việt Báo, 17/06/2020
Thắng Đỗ là thành viên Hội đồng quản trị của PIVOT (The Progressive Vietnamese American Organization-Hội người Mỹ gốc Việt cấp tiến) gửi bài từ San Jose, California