Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

27/04/2024

Luật đưa người xin tị nạn đến Rwanda của Anh

RFI tiếng Việt

Nỗi sợ hãi cho những di dân muốn vượt eo biển Manche

Chi Phương, RFI, 27/04/2024

Được đưa ra từ năm 2021, dự luật "Safety of Rwanda" nhằm gửi những người xin tị nạn ở Anh đến nước Đông Phi Rwanda, đã được chính thức phê duyệt bởi Vua Charles Đệ Tam hôm 25/04/2024, chấm dứt nhiều tháng tranh cãi về tính hợp pháp của chính sách này. Kế hoạch đối phó với nạn nhập cư bất hợp pháp của Anh đã bị nhiều tổ chức quốc tế lên án là vô nhân đạo, và có thể "vi phạm" luật pháp quốc về nhân quyền.

tinan1

Một sĩ quan cảnh sát Pháp quan sát tàu chở người di cư trên eo biển Manche, ngày 18/7/2023. AFP - BERNARD BARRON

Hầu hết những người xin tị nạn ở Anh thường vào nước này qua con đường bất hợp pháp, đặc biệt là bằng đường biển, trên những con thuyền thô sơ, nguy hiểm đến tính mạng. Khi đến Anh, những di dân chủ yếu từ Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh hay Châu Á, trong đó có Việt Nam, có thể nộp đơn xin bảo hộ quốc tế, thông qua hệ thống tiếp nhận người tị nạn của nước này, và sau đó có thể được phép định cư ở Anh. Tuy nhiên, số phận của những người tìm cách chạy trốn chiến tranh, nghèo đói, mong đổi đời ở Anh Quốc có thể bị chao đảo thêm nữa với luật về nhập cư - Safety of Rwanda mới của chính phủ Rishi Sunak.

Luật Safety of Rwanda quy định như thế nào ?

Luật mới quy định rằng những ai đến bằng thuyền nhỏ hoặc bằng bất cứ phương tiện bất hợp pháp nào, sẽ không bao giờ được chấp nhận tị nạn ở Anh. Thay vào đó, họ sẽ bị tạm giam giữ và gửi đến Rwanda, cách Anh Quốc hơn 7000 km. Việc xem xét các trường hợp xin tị nạn sẽ được tiến hành ở quốc gia Châu Phi này, và nếu được chấp thuận, họ sẽ được tái định cư ở đó.

Chính phủ Anh lập luận rằng chính sách này sẽ có tác dụng răn đe, ngăn chặn dòng người, lên đến hàng chục nghìn người vượt biên nguy hiểm từ Pháp sang Anh mỗi năm qua biển Manche, đồng thời phá vỡ các mạng lưới môi giới đưa người vượt biên trái phép, "buôn người".

Thủ tướng Rishi Sunak cho biết các chuyến bay đưa di dân sang Rwanda dự trù bắt đầu từ khoảng giữa tháng 6 hoặc tháng 7. Chính phủ cũng đã đặt riêng một sân bay dưới dạng "qui chế chờ", thuê máy bay thương mại và đào tạo khoảng 500 người hộ tống những người xin tị nạn đến Rwanda.

Anh Quốc phải chi bao nhiêu cho kế hoạch này ?

Mặc dù vẫn chưa có người xin tị nạn nào bị Anh Quốc gửi đến Rwanda, theo New York Times, nhưng theo một tổ chức độc lập giám sát chi tiêu công cộng ở Anh, hồi tháng 3, đã chỉ ra rằng chính phủ Anh sẽ phải trả cho Rwanda khoảng 370 triệu bảng Anh (khoảng 400 triệu USD) vào cuối năm 2024. Chi phí để thực thi chính sách này sẽ tăng lên khi các máy bay trục xuất người tị nạn khởi hành.

Đối với mỗi người được gửi đến Rwanda, Anh Quốc cam kết trả cho nước Đông Phi này 20 000 bảng Anh cho "phí phát triển", và 150 874 bảng Anh cho mỗi người xin tị nạn, cho chi phí "hoạt động". Sau khi 300 người đầu tiên được gửi đến Rwanda, Anh Quốc sẽ chi thêm 120 triệu bảng cho Rwanda.

Ông Yvette Cooper, bộ trưởng Lao động, thuộc phe đối lập, chịu trách nhiệm về danh mục đầu tư bao gồm di cư, cho rằng chi phí này là "quá cao" và lập luận rằng "thay vào đó, số tiền này nên được đầu tư vào "tăng cường an ninh biên giới của Anh".

Tại sao luật gây tranh cãi về mặt pháp lý, có nguy cơ tạo ra cuộc khủng hoảng về Hiến pháp ở Anh ?

Đạo luật Safety of Rwanda, được thông qua hôm 23/4 đã bác bỏ phán quyết của Tòa Án Tối Cao Anh Quốc hồi tháng 11/2023, khi coi kế hoạch gửi người xin tị nạn đến quốc gia Châu Phi này là bất hợp pháp. Lúc đó, các thẩm phán nhận định rằng Rwanda không phải là một quốc gia an toàn, để có thể tái định cư, hoặc cho phép xét xử các trường hợp xin tị nạn của họ. Mặc dù được cho là một trong những nước ổn định nhất ở Châu Phi, nhưng chính phủ hiện hành của Rwanda thường xuyên bị tố cáo có tính cách độc tài.

Trang tin của chính phủ Anh nêu rằng luật mới cũng sẽ ngăn cản các tòa án của Anh, cố ý làm chậm trễ hoặc can thiệp đến quá trình trục xuất một người đến Rwanda, vì không tin tưởng sự an toàn của những di dân bất hợp pháp từ Anh gởi sang Rwanda.

Điều này đặt ra vấn đề về "cam kết của Chính phủ trong một Nhà nước pháp quyền", tức là không ai có thể đứng trên luật pháp, kể cả Chính phủ, theo như nhận định của Stephen Clear giảng viên ngành luật tại đại học Bangor, Anh Quốc, giải thích trong một bài viết đăng trên The Conversation.

Mặc dù Anh Quốc không có Hiến pháp viết thành văn, nhưng về mặt lý thuyết, Anh Quốc có một hệ thống kiểm soát và cân bằng : Quốc hội, Chính phủ và các thẩm phán, hạn chế quyền lực và kiểm soát lẫn nhau. Ông Stephen Clear khẳng định luật trục xuất di dân sang Rwanda của chính phủ Anh đã không tôn trọng sự phân chia quyền lực.

Tại sao Anh Quốc phải đối mặt về "cuộc chiến pháp lý" với tòa án quốc tế ? 

Một số người tị nạn hiện nằm trong danh sách bị trục xuất vào mùa hè tới, dự kiến sẽ nộp đơn tới Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu để xin "các biện pháp tạm thời", nhằm ngăn chặn bị gửi tới Rwanda. Tòa án có trụ sở tại Strasbourg, ở Pháp, có quyền ngăn chặn khẩn cấp và đã từng cản trở một số chuyến bay đến Rwanda khi đang ở trên phi trường chuẩn bị cất cánh.

Để tránh tình huống này, luật của chính phủ Sunak sẽ trao quyền hủy bỏ các biện pháp tạm thời cho một bộ trưởng, phớt lờ các lệnh khẩn cấp từ Tòa án Nhân quyền Châu Âu nhằm ngăn chặn các chuyến bay cất cánh. Cụ thể, quyết định này hiện thuộc về Michael Tomlinson, bộ trưởng về nhập cư bất hợp pháp, theo một nguồn tin ẩn danh của Politico.

Điều này tạo ra tiền đề về một cuộc đối đầu căng thẳng giữa chính phủ Anh Quốc và "tòa án nước ngoài". Theo Politico, chưa có một thủ tướng Anh nào phớt lờ các lệnh do tòa ở Strasbourg ban hành như ông Sunak. Trong một cuộc họp báo tuần này, ông khẳng định "không có bất cứ tòa án nước ngoài nào có thể ngăn chặn các chuyến bay chở người tị nạn cất cánh".

Luật trục xuất người tị nạn tới Rwanda nhận được những phản ứng như thế nào ?

Ngay khi đạo luật được Quốc hội Anh thông qua hôm 23/4, hơn 250 tổ chức nhân quyền của Anh đã viết thư cho ông Sunak cho biết sẽ phản đối các biện pháp này trước các tòa án Châu Âu và Anh. Tổ chức Ân xá Quốc tế Vương quốc Anh tuyên bố sẽ "đưa ra biện pháp bảo vệ pháp lý quốc tế cho một số người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới". Luật về Rwanda bị lên án đi ngược lại nghĩa vụ pháp lý của Anh đối với người tị nạn theo luật pháp quốc tế và vi phạm Công ước về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc năm 1951. Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi Luân Đôn "cân nhắc lại kế hoạch". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Năm, cho rằng gửi người xin tị nạn đến Rwanda là "không hiệu quả" và kêu gọi tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Nhiều tổ chức nhân quyền cũng cho biết sẽ có hành động nhằm trì hoãn bất kỳ chuyến bay di dời nào. Các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, cảnh báo các hãng hàng không rằng họ có thể "đồng lõa vi phạm nhân quyền được quốc tế bảo vệ và lệnh của tòa án" nếu họ thực hiện các chuyến bay.

Chi Phương

*****************************

Bắt giữ 16 nghi can trong đường dây đưa người Việt từ Pháp sang Anh

Chi Phương, RFI, 27/04/2024

Cơ quan chống buôn người di cư của Pháp hôm 26/04/2024, cho biết đã triệt phá được một người dây đưa người Việt sang Anh, bắt giữ 16 nghi can, trong đó có người được cho là "trùm" của đường dây.

tinan2

Di dân đang tìm đường vượt biên sang Anh tại Calais, miền bắc nước Pháp, ngày 28/04/2015. AP - Francois Mori

Theo AFP, Cơ quan chống buôn người di cư ở Pháp (OLTIM) đã mở điều tra sơ bộ từ tháng 8/2023. Hôm 22/4 vừa qua, các nhà điều tra đã câu lưu 12 người Việt, trong đó có 8 phụ nữ trong tỉnh Val-de-Marne, ngoại ô phía đông Paris. Một số không có giấy tờ hợp lệ. Họ đã phải trình diện trước một thẩm phán ở thủ phủ Créteil ngày 26/4. Viện công tố Créteil cho biết sẽ yêu cầu "tạm giam hoặc giám sát tư pháp những người này, trước khi tiến hành xét xử".

Cơ quan tội phạm quốc gia của Anh (NCA), vào tuần này, cũng đã bắt giữ 4 người ở Anh, theo lệnh bắt giữ quốc tế, trong đó có một người được cho là đứng đầu đường dây này và có thể sẽ bị dẫn độ sang Pháp.

Theo cơ quan chống buôn người di cư của Pháp, những người muốn rời Việt Nam sang Châu Âu một cách bất hợp pháp phải trả khoảng từ 15 đến 18 000 euro (khoảng từ 16 đến 19.000 USD) cho mạng lưới này. Họ thường xin visa qua Hungary để vào Châu Âu, sau đó đến miền bắc nước Pháp chờ vượt biển sang Anh bằng canô hay xe tải. Để giảm chi phí, một số người đã được mạng lưới này giao nhiệm vụ vận chuyển ma túy tổng hợp như ketamine hay methamphetamine. Giám đốc của OLTIM, ông Xavier Delrieu, gọi đây là một mạng lưới "đa tội phạm", vì không chỉ buôn người di cư mà còn bị tình nghi buôn ma túy, môi giới mại dâm và rửa tiền.

Trong quá trình khám xét, các nhà điều tra đã tịch thu 90.000 euro tiền mặt, và hơn 280.000 euro trong các tài khoản ngân hàng. Họ cũng đã tịch thu một số trang sức, cùng 200 lọ nước hoa cao cấp, 3 chiếc xe hơi hạng sang, cùng các loại thiết bị để đóng gói ma túy.

Chi Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương
Read 119 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)