Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

vendredi, 29 septembre 2023 09:31

Nhiệm vụ chính trị và đồng chí

Cho đến lúc này, câu hỏi làm người ta trăn trở và mệt mỏi nhất vẫn là : Vì sao trí thức có ăn học tử tế, chính qui, đào tạo từ môi trường chính thống lại thất nghiệp đầy đường, chạy xe ôm, phụ hồ, làm shipper đầy ra đó mà trong hệ thống cơ quan nhà nước vẫn đầy rẫy những quan chức đầu óc đặc sệt âm mưu đen tối nhưng lại chẳng có chữ nào cho ra hồn ? Và tại sao những người có chữ nghĩa, ăn học tử tế khi lên nắm quyền lại trở thành đồ tể của nhân dân ? Câu trả lời chính xác nhất lúc này là : Nhiệm Vụ Chính Trị.

nhiemvu1

Ngày 17/1/2020, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, ra lệnh cho các vụ, đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao ngay từ đầu năm với tinh thần quyết liệt hơn, đổi mới, sáng tạo hơn.

Mấy chữ đơn giản "nhiệm vụ chính trị" thì có liên quan gì đến tham nhũng, tội phạm nhà nước, ngồi xổm trên luật pháp và mất nhân phẩm ?

Trước nhất, hãy nhìn vào hệ thống giáo dục, chỉ cần đơn cử bất kì trường tiểu học nào cũng có thể bắt gặp những ông/bà hiệu trưởng có bằng cấp không liên quan gì đến sư phạm hoặc giả bằng cấp sư phạm nhưng trình độ phọt phẹt trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm chuyên tu, tại chức... nhưng lại quản lý các giáo viên có bằng đại học, có năng lực, thậm chí sai khiến, ra lệnh các giáo viên có bằng cao học như sai đầy tớ trong nhà và họ phải tuân thủ răm rắp. Có người còn mong được sai để mà làm, để có cơ hội "ghi điểm" với sếp. Vi đâu ra nông nổi như vậy ?

Vì nhiệm vụ chính trị cả đấy, một ông/bà Hiệu trưởng có trình độ thấp kém nhưng có thẻ đảng viên cộng sản thì chắc chắn được bổ nhiệm lâu dài với chức vị. Và khi được bổ nhiệm, được ăn lộc đảng trong khi các trí thức khác phải răm rắp phục tùng anh/chị thì anh/chị phải hiểu rằng anh/chị được bổ nhiệm là do nhiệm vụ chính trị. Và khi nhậm chức, cũng đồng nghĩa với việc nhận nhiệm vụ chính trị, bất kể giờ nào, phút nào đảng cần, đảng chỉ đạo, đảng ra lệnh, anh chị phải nhất nhất tuân thủ. Anh chị không làm được điều này thì tự hiểu nhé, ghế thì ít mà đít thì nhiều !

Và khi được giao nhiệm vụ chính trị, cái nhiệm vụ phải nhất nhất tuân thủ, vâng phục và bảo vệ đảng, thì mỗi Hiệu trưởng, mỗi lãnh đạo nhà trường phải là cơ quan chính trị thu nhỏ của đảng. Chất lượng dạy học có thể kém, chất lượng quản lý có thể kém, chất lượng trang thiết bị có thể bị ăn bớt nhưng lời chỉ dạy của bác Hồ, sự chỉ đạo của Đảng thì không được phép suy suyễn. Đây là nhiệm vụ chính trị tối thiết.

Chính vì vậy mà có người từng là nhân viên thú y, có người là trạm trưởng y tế, có người là nhân viên lái xe, thủ thư... được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Vì trước khi được bổ nhiệm Hiệu trưởng, họ từng giữ những nhiệm vụ chính trị khác trong trường như Chủ tịch công đoàn, Phụ trách đoàn đội... Hoặc họ có thể nhận nhiệm vụ không chính thức trong karaoke, nhà nghỉ và, khi đã giao nhiệm vụ chính trị, thì không được lơ là.

Tất cả giáo viên, đương nhiên phải vừa hồng vừa chuyên cho dù chưa phải đảng viên cộng sản, dạy học, phải hiểu là nhiệm vụ chính trị, ngoài việc dạy con chữ theo giáo trình từ hệ thống lãnh đạo chiều dọc, còn phải biết rằng hồng luôn đứng đầu, chuyên đứng sau, phụ họa thôi. Tức là dạy học cũng là nhiệm vụ chính trị nhằm bảo vệ đảng, gieo rắc tư tưởng yêu đảng. Và học sinh nếu không hiểu rằng chỉ có đảng, bác là thiên tài của dân tộc, thậm chí khai sinh ra dân tộc... thì chứng tỏ anh chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ chính trị và hãy coi chừng !

Nhiệm vụ chính trị không riêng gì ngành sư phạm mà hầu hết mọi ngành, không ngoại trừ doanh nghiệp tư nhân. Ngành y tế chẳng hạn, một cô chẳng biết mô tê răng rứa gì về ngành y lại được giao nhiệm vụ chính trị làm Bộ trưởng y tế. Vấn đề khi làm Bộ trưởng cô ta làm gì ? Thì làm nhiệm vụ chính trị chứ làm gì nữa ! Ra lệnh chỗ này phải đạt chỉ tiêu bao nhiêu, bao nhiêu, bao nhiêu... thế nhé ! Đó là nhiệm vụ chính trị nhé ! Nếu anh/chị không thực hiện được nhiệm vụ chính trị này thì Bộ trưởng sẽ cách chức Giám đốc bệnh viện của anh/chị !

Xin lỗi nha, ghế thì ít mà đít thì nhiều, nghe tới mấy chữ "nhiệm vụ chính trị" thì uy lực với trí tuệ là đồ bỏ đi, lo thân trước đã, nghe thêm hai chữ "cách chức" thì tay chân rụng rời, lo mà làm chứ ở đó mà cãi vả, chuyên với chả môn ! Nhiệm vụ chính trị phải hiểu là nó lớn gấp triệu lần thượng phương bảo kiếm, nó muốn chém ai thì chém tùy thích và chớ có mà hé mồm.

Đứa nào nắm được quyền lực chính trị cao nhất, được giao nhiệm vụ chính trị lớn nhất, khái quát nhất, bao hàm nhất thì đứa đó quyền lực phải gấp triệu lần nhà vua. Nên nhớ là vậy !

Chính vì nhiệm vụ chính trị mà người ta không cần bàn cãi đến nhiều về chuyên môn, tri thức, trình độ, văn hóa hay văn minh loài người. Bởi những thứ ấy chỉ là rác rưởi trước nhiệm vụ chính trị.

Người trong hệ thống run sợ và khoắn cả lên khi đụng nhiệm vụ chính trị thì dễ hiểu rồi, người ngoài hệ thống, doanh nghiệp tư nhân cũng run sợ trước nhiệm vụ chính trị không kém, hễ cứ nghe người ta đổi giọng, nhắc khéo sang nhiệm vụ chính trị bằng hai chữ "đồng chí" thì đang ngon lành lắm, nói năng hùng hổ lắm, thị tiền lắm... bỗng dưng xẹp xuống trông thấy, không còn bu lu boa loa nữa (đương nhiên người tử tế, doanh nghiệp tử tế thì chẳng bao giờ bu lu boa loa giống như vừa nêu, nhưng đất nước này có bao nhiều doanh nghiệp không dính đến lợi ích nhóm và có bao nhiêu doanh nghiệp tử tế ? Thật là khó nói !).

Tôi nhớ có lần đi làm giấy tờ, trong số người chờ đợi có tôi, xếp hàng trước tôi là một người là chủ doanh nghiệp tư nhân khá quyền thế ở địa phương, và rất nhiều người khác cũng dân đen giống tôi. Lượt nhận giấy tờ của tôi kế sau lượt nhận giấy tờ của anh chủ doanh nghiệp kia. Tới lượt của anh, một lão sòn sòn chen ngang bảo chị cán bộ lục giấy cho ông ta, chị này nhìn ông ta vừa khó chịu nhưng vừa e ngại.

Anh chàng chủ doanh nghiệp nổi cáu "Ông vui lòng vào xếp hàng, sao ông lại chen ngang, mất lịch sự thế !".

Lão sòn sòn kia hơi giật mình, chống chế "Tôi đến ngày hôm qua, nhưng chờ mãi, đến giờ mới tới làm lại !".

Anh chủ doanh nghiệp đáp "Ông có đến ngày hôm qua hay hôm kia đi nữa thì ông đến lại phải xin bấm số ưu tiên nếu đã hẹn trước hoặc bấm số mà xếp hàng, cứ chen ngang vậy thì sắm ra cái máy bấm số làm chi ! Ông có biết là tôi đã chờ từ sáng sớm không ?".

Lão sòn sòn không vừa vặn gì "Xin lỗi đồng chí, tôi đã có hẹn, nhưng tôi quên bấm số, nếu đồng chí không tin thì cứ hỏi đồng chí này (chỉ tay vào chị cán bộ).

Chị cán bộ lúc này mới ngớ ra, như vớ được phao cứu sinh "Đúng rồi, chú ấy đã đến từ hôm qua ! Nhưng thôi chú chịu khó chờ một chút vì chú quên bấm số. Chú thông cảm nghen !".

Lão sòn sòn trợn mắt, chỉ tay "Tôi nói với các đồng chí, tôi không có rảnh đâu mà chờ đợi các đồng chí hẹn từ ngày này qua ngày khác, mỗi người đều có nhiệm vụ chính trị của mình, tôi mà trễ nãi công việc thì các đồng chí chịu trách nhiệm đấy nhé !".

Lão sòn sòn nói xong bỏ đi ra ngoài. Lúc này tôi quan sát thấy anh chủ doanh nghiệp có vẻ xệp xuống thấy rõ, im re, không dám nói gì, còn chị cán bộ thì gật đầu mấy cái với anh chủ doanh nghiệp rồi lục lọi, cầm giấy tờ ra đưa cho lão sòn sòn đang ngồi trên ghế.

Thế mới biết chỉ ở cấp địa phương lẻ tẻ, nhỏ xíu mà nhắc tới nhiệm vụ chính trị, gắn thêm hai chữ "đồng chí" vào thì hiệu ứng quyền lực phình to cỡ nào rồi.

Thế mới hiểu tại sao những kẻ lóc cóc, một chữ bẻ đôi cũng không sắc vẫn có thể ngồi chễm chệ, gác chân lên bàn mà ra lệnh cho cả đám trí thức phải răm rắp tuân phục. Nhiệm vụ chính trị cả đấy ! Có đồng chí nào dám không tuân phục không ?!

Nói như vậy để dễ thông cảm hơn tại sao số đông các giáo viên lại bị biến thành dư luận viên, số đông các giáo viên lại có cách nhìn xã hội hết sức phản dân chủ và tại sao số đông các giáo viên lại chẳng quan tâm gì đến văn minh con người.

Mà đâu riêng gì các giáo viên, dường như mọi lĩnh vực đều hừng hực nhiệm vụ chính trị, và lương tri, chuyên môn hay lòng tự trọng chỉ là thứ trang trí cho vui mắt, vui tai và vui lòng lãnh đạo mà thôi !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 29/09/2023

Published in Diễn đàn
mercredi, 09 novembre 2022 01:31

Nhiệm vụ chính trị là cái gì ?

Trong đợt khủng hoảng xăng lần này ở các thành phố lớn (và các lần trước cũng vậy), người trong ngành thuộc hành chính nhà nước thường an ủi nhau rằng cứ yên tâm, xăng vẫn sẽ bình ổn giá, nhất là các thành phố lớn, các thủ phủ của quốc gia sẽ không hề hấn gì, bởi nhiệm vụ chính trị của các thành phố này rất lớn, đó là an dân, tạo niềm tin trong quần chúng và bình ổn thị trường cũng như củng cố trật tự chính trị. Và mỗi khi hữu sự, các đảng viên hay nhắc tới nhiệm vụ chính trị. Thế nhưng nhiệm vụ chính trị là cái gì ? Có có nên tồn tại hay không ?

nhiemvu1

Các đại biểu biểu quyết thông qua Chương trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. (TTXVN) - Ảnh minh họa

Trước nhất, phải nói rằng nhiệm vụ chính trị là nói láo, làm cho mọi thứ rối như canh hẹ, tung hỏa mù, và hơn hết, nhiệm vụ chính trị vẫn có cái thật thà của nó nhưng càng thật thà là càng hỏng, đâm ra nhiệm vụ chính trị là nói láo, càng láo càng có lợi. Nhưng, nên nhớ, chỉ có các quốc gia độc tài mới đặt nặng nhiệm vụ chính trị vào bụi chuối mụt măng, con gà con qué, lít xăng ký gạo, chứ các quốc gia dân chủ và tiến bộ, chẳng ai đủ điên để đặt mấy thứ vớ vẩn đó vào nhiệm vụ chính trị.

Ví dụ như nhiệm vụ chính trị của một quốc gia lớn, đa đảng, đa nguyên, chắc chắn các vấn đề xăng cộ, thóc lúa, bột mì hay thịt gà, thịt lợn lên giá, người ta sẽ bằng mọi giá điều chỉnh để người dân khỏi kéo ra đường biểu tình. Ở những nước độc tài thì khác, mọi thứ cần được bưng bít, có đói cũng nói no căng, có thiếu hụt cũng nói dư thừa, và nói cho cùng là làm sao để mọi thứ trong quốc gia đều tốt, ngon lành, không tì vết. Tỉ như phiếu bầu chọn lãnh đạo thì tỉ lệ hầu như 100%, mọi thứ đều tuyệt đối tốt !

Thử nhìn lại các nhiệm vụ chính trị mà người dân có thể nhìn thấy được. Đầu tiên là nhiệm vụ chính trị tư cách đảng viên. Hầu như mọi đảng viên Cộng sản đều được giao cho một trong số các nhiệm vụ chính trị là làm sao phải thanh liêm, nói tới đảng là nói tới trong sạch, liêm khiết, cần kiệm, trung thực, trung thành tổ quốc, chung thủy trong gia đình. Và, vì nhiệm vụ chính trị, hầu hết các đảng viên cho đến thời điểm này đều rất trong sạch, rất thanh liêm, rất cần kiệm, và có thể sự trong sạch này tỏa sáng trên từng trang sách của họ viết để dạy dân chúng về cách làm người tử tế, cách để giữ tốt đạo đức và học tập đạo đức Hồ Chí Minh ra sao… Mọi thứ luôn được đánh bóng và làm cho nó lung linh, sự lung linh này kéo dài mãi cho đến khi không thể kéo dài, không thể bưng bít, không thể dùng nước hoa để xịt bên ngoài bởi cái bịch rác nhân cách đã tự bục vỡ, họ phải đưa tay vào còng số tám và chuẩn bị bước ra vành móng ngựa. Xem như nhiệm vụ chính trị chấm dứt. Nhưng đừng quên, trước khi bị bắt, họ phải được khai trừ khỏi đảng, họ phải chẳng có liên quan gì đến đảng, bởi đó cũng là nhiệm vụ chính trị của họ.

Một kiểu nhiệm vụ chính trị khác, đó là cân đối lương thực nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Mỗi khi có biến cố, như hiện nay là biến cố khủng hoảng khí đốt và khủng hoảng ngành ngân hàng tài chính sau một loạt các bắt bớ nhắm vào các cá mập bất động sản và ngân hàng. Hiện tại, các đoàn rồng rắn nối đuôi để đổ nhiên liệu, các cửa hàng xăng dầu báo khan hàng, một số nơi người ta không mua được xăng dầu… là có thật. Thế nhưng hầu hết các quan chức trong ngành đều phải giữ nhiệm vụ chính trị, tức không nhìn thẳng vào sự thật, không chấp nhận khan hiếm xăng dầu mà vẫn giữ luận điệu "do có người còn nửa bình xăng vẫn vào đổ xăng" hoặc "do các kênh nhập lậu xăng dầu khiến cho thị trường bất ổn"… Đủ các kiểu lập luận. Thậm chí, ở các thành phố lớn, nhiệm vụ chính trị hàng đầu được đặt ra là bằng mọi giá phải cung cấp xăng dầu cho dân, đó là nhiệm vụ chính trị. Nói thì nói vậy, chứ có nhiệm vụ nào được hoàn thành đâu ! Nhễ !

Nhiệm vụ chính trị khác, cũng dễ thấy nhất, đó là tiêm vaccine Covid-19, mặc dù cán bộ đã nhìn thấy tiêm vaccine không những không hiệu quả mà còn dẫn tới các phản ứng phụ, các bệnh lý mới, chứng mất trí nhớ, đông máu… và cả chết người. Thế nhưng cán bộ, đảng viên, có ai tránh được mũi kim đâu, bởi đó là nhiệm vụ chính trị. Thậm chí ai lanh lẹ một chút thì đút tiền mà hối lộ cho cán bộ chuyên môn để nó gật đầu xem như đã tiêm rồi, cấp giấy thông hành cho mà ngồi lại cơ quan, đi ngân hàng, nhà hàng, sân bay… Rồi chuyện ngăn sông cấm chợ, bắt bớ đưa vào trại cách ly đối với người dương tính Covid-19, nhìn chung mọi thứ loạn cào cào lên, chết hàng vài chục ngàn mạng người vì nhiệm vụ chính trị. Và rồi im lặng mà lấp liếm, không có ai nhận lỗi, cũng không có lời xin lỗi hay động thái ăn năn của bất kì lãnh đạo nào… cũng là nhiệm vụ chính trị, để dần biến nó thành quên lãng, biến mọi thứ gần như chưa từng xảy ra hoặc không hề có chuyện chết người, đó cũng nhiệm vụ chính trị.

Nhưng có vẻ như nhiệm vụ chính trị xuyên suốt, bền bĩ nhất của nhà nước độc tài lại là chính sách dân số, hay nói khác đi là nhiệm vụ GDP. Vậy nhiệm vụ GDP là gì ? Nếu ai chịu khó để ý, sẽ thấy rằng suốt gần hai chục năm nay, dân số Việt Nam luôn cán mốc hơn 90 triệu dân và không trồi, không sụt. Điều này hết sức vô lý, bởi trong vòng hơn mười lăm năm nay, tình hình kinh tế có phát triển, tỉ lệ trẻ mới sinh rất cao do tỉ lệ hôn nhân trong dân số tăng cao đột biến. Một gia đình bình thường, sau hai mươi năm, số người trong gia đình đó tăng gấp đôi lần, thậm chí hơn gấp đôi. Và số người qua đời rất thấp so với số người sinh ra. Thậm chí trong vòng mười năm nay, tỉ lệ sinh trong dân số luôn có dấu hiệu bùng nổ, nhân mãn. Thế mà dân số vẫn cứ cán mốc hơn 90 triệu dân là sao ?

Là vì nhiệm vụ chính trị, trong suốt 20 năm nay, Việt Nam là "kỳ quan kinh tế thế giới", là "mặt trời tỏa hào quang ở Việt Nam"… Và chỉ số GDP, tức thu nhập bình quân trên đầu người luôn tăng trưởng hàng năm. Vì sao ? Vì người lao động ngày càng tăng, tổng thu nhập quốc nội ngày càng tăng, mà số dân để chia vẫn giữ như trước đó gần hai thập kỉ, thì chắc chắn GDP phải tăng trưởng, thậm chí con số này là thật một khi chia với hơn 90 triệu dân, khỏi phải lấp liếm, sửa số ở bất kì nơi nào. Và, đó là nhiệm vụ chính trị, một nhiệm vụ dài hơi, nó làm cho người ta thấy rằng Việt Nam luôn phát triển thần thánh, không có người nghèo, đói. Nhưng sự thật ra sao, chắc người ta cũng không cần tìm hiểu khổ nhọc vẫn nhìn thấy.

Và đương nhiên, chỉ có những quốc gia độc đảng, độc tài mới có những kiểu nhiệm vụ chính trị kì quái, chẳng giống ai như vậy. Bởi ở các quốc gia dân chủ, đa nguyên đa đảng, thì chả có lý do gì để đặt ra các nhiệm vụ chính trị láo toét và bịp bợm như vậy. Vì các đảng phái luôn quan sát, khống chế nhau. Còn ở các quốc gia độc tài, đảng và nhân dân chính là hai lực lượng đối lập, đảng lãnh đạo, dân quan sát và ngao ngán, đảng cấm cửa, nhân dân lén lút, đảng khống chế, nhân dân còng lưng mà chịu đựng… Và còn cả một ngàn lẻ một nhiệm vụ chính trị khác mà nhân dân chỉ được quyền nghe, tin và làm chứ không được phép hoài nghi hay phản biện.

Vì sao ? Vì một khi mọi thứ nhân danh nhiệm vụ chính trị, thì đến một lúc nào đó, nhiệm vụ chính trị cũng nhân danh chính nó để phá vỡ tất cả mọi qui ước trước đó. Một khi như vậy, chuyện gì xảy ra, chắc cũng không cần bàn thêm !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 08/11/2022

Published in Diễn đàn