Chuyện ông Nguyễn Nhân Chinh vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Bắc Ninh chính là ví dụ minh họa mới nhất cho thảm cảnh quốc gia, dân tộc dập mật vì Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục xác định lựa chọn – sắp đặt nhân sự là tuyệt mật !
Tại một hội nghị của Đảng cộng sản Việt Nam. Hình minh họa. Photo Nhan dan.
***
Ông Nguyễn Nhân Chinh là con trai ông Nguyễn Nhân Chiến - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và vừa mới thôi làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh. Tháng 7 năm ngoái, ông Chinh – khi đó là Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh"chỉ định" làm Bí thư thành phố Bắc Ninh.
Vụ… "chỉ định" ấy làm dư luận rúng động bởi rõ ràng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh cố tình biến Đại hội Đảng bộ thành phố Bắc Ninh thành trò hề. Các đại biểu được khuyến khích xem xét, lựa chọn Bí thư cho thành phố này nhưng vừa bầu xong, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh lập tức điều động Bí thư làm công việc khác rồi"chỉ định" ông Chinh thay thế !
Tuy việc"chỉ định" ông Chinh đúng qui định và đúng qui trình nhưng sựđúng đắn vẫn tác động bất lợi tới nhận thức, tình cảm mà công chúng dành cho đảng, thành ra Ban Tổ chức của Ban chấp hành trung ương đảng đành yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh chú ý trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu trong bố trí cán bộ.
Nửa tháng sau yêu cầu vừa kể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh chỉ định người khác thay ông Chinh làm Bí thư thành phố Bắc Ninh, cùng lúc với sự kiện chính quyền tỉnh Bắc Ninh công bố quyết định tiếp nhận ông Chinh, điều động ông đến Sở Lao động, thương binh và xã hội và bổ nhiệm ông làm Phó Giám đốc.
Lúc ấy, rất nhiều người thắc mắc, tại sao cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền ở Bắc Ninh đã dụng công dọn đường, sắp chỗ cho ông Chinh (chuyển từ lãnh đạo đoàn thành lãnh đạođảng, do tình thế phải chuyển thành… công chức lãnh đạo cấp tỉnh) mà chỉ đặt ông vào vị trí Phó Giám đốc một sở ( ?).
Giờ, thắc mắc ấy đã có câu trả lời : Sở dĩ ông Chinh được điều động về Sở Lao động, thương binh và xã hội làm Phó Giám đốc bởi sau đó bốn tháng, Giám đốc sở sẽ về hưu để ông Chinh thế chỗ và cần có thời gian để dư luận nguôi ngoai chuyện ông Chinh chỉ học cờ vua, hiểu biết và kinh nghiệm chỉ xoay quanh những hoạt động liên quan tới "cờ, đèn, kèn, trống" !
Dẫu sự kiện chỉ trong sáu tháng, ông Chinh được lựa chọn – sắp đặt làm lãnh đạo ba cơ quan thuộc cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền ở Bắc Ninh khiến nhiều người, nhiều giới, kể cả báo giới cảm thấy "chướng tai, gai mắt" (1) nhưng với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, điều đó hoàn toàn hợp lý v hợp lẽ !
Khi đảng cộng sản Việt Nam còn là tổ chức chính trị duy nhất, nắm giữ độc quyền lãnh đạo toàn diện tại Việt Nam thì lựa chọn – sắp đặt những cá nhân như ông Chinh tham gia quản trị - điều hành cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương còn hợp lý và hợp lẽ !
***
Trung tuần tháng trước, tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng - chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020, ông Nguyễn Phú Trọng khoe :Đảng đã kỷ luật 131.000 đảng viên và riêng nhiệm kỳ này(2016 – 2021) đã kỷ luật hơn 3.200 đảng viên liên quan đến tham nhũng, kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700.000 tỉ đồng, hơn 20.000 héc ta đất.
Cần chú ý là ông Trọng chỉ báo… công chứ không nhận trách nhiệm, dù đảng chỉ thu hồi được 32% của 700.000 tỉ công sản và 20.000 héc ta công thổ đã bị những cá nhân do đảng lựa chọn – sắp đặt làm lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương, chia nhau trộm cắp và cưỡng đoạt (2).
Liệu có thểđẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng - chống tham nhũng, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, bảo đảm "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng như ông Trọng tuyên bố khi có hơn 3.200 đảng viên liên quan đến tham nhũng nhưng trong bảy năm (2013 – 2020)mà chỉ xử lý hình sự được gần 700 vụ,trong đó chỉ khỏang 1% số vụ bị khởi tố - truy tố - xử phạt do tham nhũng, nhận hối lộ ?
Nếucông tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả tích cực đểphòng ngừa tham nhũngthì tại sao lại xảy ra những sự kiện như Nguyễn Nhân Chinh – chỉ là quý tử của một Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng mà trong sáu tháng, có tới ba lần được đặt, để vào hết vị trí lãnh đạo này của hệ thống chính trị đến vị trí lãnh đạo khác của hệ thống công quyền ở Bắc Ninh ?
Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa sử dụng công quyền, xác định, những nội dung liên quan đến nhân sự lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam là"bí mật nhà nước". Nếu đảng không muốn hoặc chưa công bố, tất cả những thông tin liên quan đến lựa chọn, sắp đặt, kiểm tra - kỷ luật những cá nhân đã hoặc sẽ lãnh đạo đảng đều là… tuyệt mật(3) !
Đảng vừa chọn xong các ứng viên cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa tới, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Thủ tướng Việt Nam lập tức xác định thông tin liên quan đến nhân sự đã, đang hoặc sẽ lãnh đạo đảng là tuyệt mật, kể cả tố cáo, khiếu nại nếu đủ căn cứ cho rằng cá nhân nào đó bất xứng.
Ai sẽ đủ dũng cảm để công bố bản kê khai tài sản mà một số cá nhân vừa được lựa chọn vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa tới đã nộp cho đảng, lên tới… hàng ngàn tỉ đồng ? Tiếp tục biến bí mật của một vài cá nhân trong đảng thành "bí mật nhà nước" ở mức "tuyệt mật", dân tộc này, xứ sở này tiếp tục dập mật !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 08/01/2021
Chú thích
(2)
Bài viết "Viet Nam 2018 : A Rent-seeking State on Correction course" của Alexander Vuving (Vũ Hồng Lâm) về hiện tình Việt Nam đăng trên tạp chí Các vấn đề Đông Nam Á (Southeast Asian Affairs) tạo nhiều chú ý.
Giáo sư Alexander L. Vuving (Vũ Hồng Lâm), ảnh : VOV.
Gọi Việt Nam là một nhà nước trục lợi (rent-seeking) nhà nghiên cứu Vũ Hồng Lâm cho rằng từ 1986, Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế theo hướng kinh tế thị trường, nhưng không cải cách thể chế chính trị, đưa đến việc xuất hiện những tập đoàn mà ông gọi là các tổ hợp chính trị thương mại thao túng nền kinh tế Việt Nam.
Ông Vũ Hồng Lâm nhận định rằng trong hai năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Phú Trọng đã tấn công vào bốn tập đoàn lớn của những tổ hợp lũng đoạn này.
Đó là 1/ Những cơ sở công nghiệp nhà nước xung quanh cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 2/ Các nhóm lũng đoạn kinh tế chính trị của quân đội, 3/ Các nhóm lũng đoạn kinh tế chính trị của công an, và 4/ Tập đoàn lũng đoạn kinh tế xoay quanh ông Lê Thanh Hải, cựu bí thư thành ủy Hồ Chí Minh.
Tác giả, tuy thế, vạch ra là các quan chức cao cấp nhất có trách nhiệm trong việc nhũng lạm của các tập đoàn này vẫn không bị đụng tới như các ông Nguyễn Tấn Dũng và Lê Thanh Hải, mặt khác ông Trọng lại tấn công vào giới trí thức mong muốn cải cách thể chế như việc khai trừ đảng Giáo sư Chu Hảo.
Bài viết "Việt Nam 2018 : Một nhà nước trục lợi đang tìm cách chuyển đổi " nêu tên một số gương mặt sáng giá có thể nắm quyền lãnh đạo sau ông Trọng, như Trần Quốc Vượng, Phạm Minh Chính và Nguyễn Xuân Phúc.
Trên bình diện quốc tế và ngoại giao tác giả so sánh những cố gắng của ông Nguyễn Phú Trọng với ông Tập Cận Bình bên Trung Quốc trong thời gian qua.
Đánh giá này nói ông Tập có tham vọng đưa Trung Hoa làm bá chủ thiên hạ, còn ông Trọng chỉ có mong mỏi cứu lấy Đảng Cộng sản Việt Nam.
Và cuối cùng bài kết luận rằng trong tình hình hiện nay, Việt Nam đang nồng ấm hơn với Hoa Kỳ, trong khi đó mối quan hệ với Trung Quốc có vẻ tốt đẹp bên ngoài nhưng lạnh nhạt bên trong.
Trả lời câu hỏi của BBC News Tiếng Việt qua cộng tác viên Joaquin Nguyễn Hòa tác giả Vũ Hồng Lâm giải thích vì sao, về từ ngữ, ông không dùng từ interest groups - nhóm lợi ích ở Việt Nam mà dùng từ rent-seekers - những nhóm trục lợi ?
TS Vũ Hồng Lâm : Khái niệm "interest groups" có nội hàm rộng hơn khái niệm "rent-seekers" nhiều, mặc dù khi dịch ra tiếng Việt thì có vẻ không khác gì nhau, như "interest groups" được dịch là "nhóm lợi ích", và "rent seekers" thì dịch thoát nghĩa nhất là "phái trục lợi".
Nhóm lợi ích là một nhóm người cùng phấn đấu vì một lợi ích và lợi ích nhóm của họ có thể tốt hoặc có thể xấu cho một cộng đồng rộng hơn. Ý nghĩa này đã được ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Trung ương phân tích, và ông đề xuất là cần phân biệt giữa nhóm lợi ích tốt và nhóm lợi ích xấu ; nhóm lợi ích tốt thì nên nâng đỡ, nhóm lợi ích xấu thì nên đả phá.
Tuy nhiên, cụm từ "nhóm lợi ích" trong cách dùng thông thường của tiếng Việt hiện nay lại được hiểu theo nghĩa một nhóm người, chủ yếu là trong chính quyền, nhiều khi thêm cả giới doanh nhân, câu kết với nhau để trục lợi riêng về kinh tế và chính trị, đặc biệt là về kinh tế, trong khi vẫn nhân danh cái chung.
Cụm từ "nhóm lợi ích" được đưa vào dùng phổ biến trong tiếng Việt là từ anh Nguyễn An Nguyên vào khoảng năm 2006, trong cuộc tranh luận về "đổi mới lần 2". Lúc đó anh Nguyên nêu lên mối nguy cơ về các nhóm cán bộ quan chức câu kết trục lợi riêng, họ chẳng vì đất nước, cũng chẳng vì lý tưởng gì cả.
Tôi dùng từ "rent-seekers" về cơ bản cũng theo nghĩa này, nhưng để phân biệt các trường phái chính sách lớn ở Việt Nam. Nhiều người hiểu là tôi dùng theo nghĩa phe phái, nhưng thực ra thì không hẳn như vậy. Khi phân tích chính trị Việt Nam, tôi chủ yếu để ý đến các trường phái chính sách. Tôi cũng để ý đến các phe phái, nhưng "trường phái chính sách" và "phe phái" là hai phạm trù khác biệt.
Các phe phái nhiều khi tập hợp lực lượng theo các trường phái chính sách, nhưng không phải bao giờ cũng như vậy. Phe phái có khi gồm những người theo nhiều trường phái chính sách khác nhau, nhưng liên minh với nhau vì quan hệ cá nhân, vì lý do lịch sử, hoặc vì lợi ích nhất thời. Nhóm lợi ích, theo nghĩa nguyên thuỷ của nó, là loại phe phái liên minh trên cơ sở lợi ích cục bộ của một nhóm người.
Khi Việt Nam bước vào thời kỳ "đổi mới", có hai trường phái chính sách chủ yếu là bảo thủ và đổi mới. Bảo thủ thì thiên về gìn giữ chế độ của Đảng Cộng sản và bám giữ các giáo điều cũ trong việc trị nước, kể cả trong ngoại giao. Đổi mới thì đứng từ lợi ích quốc gia dân tộc cao hơn lợi ích giai cấp của Đảng Cộng sản và chủ trương đổi mới đất nước để cho dân giàu, nước mạnh (sau này thêm xã hội công bằng, dân chủ, văn minh).
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân giữa hai trường phái bảo thủ và đổi mới ở Việt Nam trong thời kỳ "đổi mới" lại sản sinh ra một trường phái thứ ba mà về sau còn mạnh hơn cả hai trường phái kia. Xét về bản chất thì tôi gọi trường phái thứ ba này là "thu tô" hay "trục lợi", tức là rent-seeking.
Phái thu tô hay phái trục lợi là những người theo một trường phái chính sách không vì lợi ích quốc gia dân tộc, cũng chẳng vì lý tưởng chủ nghĩa nào, mà lợi dụng quyền lực của chính quyền để "thương mại hoá" quyền lực ấy. Trong kinh tế có khái niệm "rent", tiếng Việt thường dịch là "tô", có nghĩa là thu nhập không phải do sản xuất, cũng không phải do sáng tạo, mà do đem cho thuê một cái gì mà mình sở hữu.
Thế thì khi cán bộ nhà nước lợi dụng quyền lực mà mình được nhà nước trao cho để kiếm lời, hoặc khi doanh nghiệp, cả nhà nước lẫn tư nhân, cho thuê một khoảnh đất mà mình được nhà nước giao cho sử dụng, hoặc khi nhà nước tạo ra các rào cản như các quy định, các giấy phép, để từ đó thu lời thông qua sách nhiễu, ăn hối lộ, thì các hành vi này về bản chất kinh tế chính trị đều là rent-seeking.
Tôi dùng khái niệm trường phái chính sách "trục lợi" (rent-seeking) là trong nghĩa đó. Trong tiếng Việt hiện đại có khái niệm "thu tô" cũng để chỉ một số hành vi kiểu này.
BBC : Ông đánh giá rằng cuộc chiến chống tham nhũng của TBT Nguyễn Phú Trọng được tự giới hạn bằng câu nói : đánh chuột không làm vỡ bình", các cựu quan chức cao cấp nhất đều không bị đụng tới mà ông Trọng lại tấn công các nhân vật chủ trương thay đổi thể chế như ông Chu Hảo. Vậy ông có e rằng nguồn cơn gây ra nạn tham nhũng, và sự không phát triển của Việt Nam sẽ không thay đổi ?
Vũ Hồng Lâm : Đúng vậy. Tham nhũng thì chế độ nào, đất nước nào cũng có. Nhưng vấn đề là mức độ đến đâu và nguồn cơn từ đâu ra. Tham nhũng ở Việt Nam có thể nói thuộc mức cao trên thế giới, và nó không chỉ đơn thuần là nhận hối lộ. Gần đây người ta bắt đầu nói nhiều đến cả "tham nhũng chính sách" và "tham nhũng quyền lực".
Điều đáng nói là nhà nước ở Việt Nam hiện nay vận hành theo lối "thu tô" rất nhiều. "Chạy chức", "chạy quyền" và "chạy" các loại là do lối vận hành "thu tô" này. Bao trùm lên đó, nhà nước nhân danh sở hữu toàn dân để giữ quyền kiểm soát đất đai và nhiều tài nguyên khác. Nhưng sự kiểm soát của nhà nước đối với các tài nguyên này được sử dụng rất nhiều để "thu tô" thay vì để giải phóng sức sản xuất và sức sáng tạo.
Trường phái chính sách bảo thủ thì muốn nhà nước phải nắm chắc sự kiểm soát xã hội, muốn kinh tế nhà nước làm chủ đạo, nhưng chính những thiết chế theo hướng này lại tạo ra môi trường màu mỡ để cán bộ nhà nước và kể cả nhà nước với tư cách là một chủ thể kinh tế xã hội "thu tô", tức là lợi dụng các rào cản, các quy định mà mình được độc quyền tạo ra để kiếm lời.
Khi Việt Nam bắt đầu quá trình đổi mới, có nhiều xu hướng muốn theo con đường của các "con rồng con hổ châu Á" như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, nơi mà chính trị độc đảng và kinh tế thị trường đã tạo ra những "kỳ tích" kinh tế. Nhưng thực sự thì Việt Nam đã không đi theo được con đường của các con rồng con hổ châu Á vì độc đảng của Việt Nam lại có một ý thức hệ rất khác các nước kia và kinh tế thị trường của Việt Nam lại lấy các doanh nghiệp nhà nước, quản trị theo kiểu "hành chính-quan liêu-bao cấp", làm chủ đạo.
Kết quả là, nếu các nước "rồng hổ" xây dựng được "nhà nước kiến tạo phát triển" (developmental state) trong đó nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên thị trường quốc tế, thì Việt Nam lại tạo ra "nhà nước thu tô" (rent-seeking state) chủ yếu kiếm lời từ quyền sở hữu các tài nguyên mà nhà nước, nhờ ỷ thế ý thức hệ, được độc quyền kiểm soát, như quyền sở hữu đất đai, quyền đặt ra các quy định, quyền cấp giấy phép...
Không có gì đáng ngạc nhiên nếu như nhà nước thu tô đẻ ra tình trạng "nước không chịu phát triển" như bà Phạm Chi Lan từng nhận xét.
Tư duy phổ biến về vai trò của nhà nước ở Việt Nam là "nhà nước quản lý". Và "quản lý" ở đây là theo hướng tăng cường sự kiểm soát và tạo ra nhiều quy định để kiểm soát chặt chẽ hơn. Vậy khi những quy định này cản trở người dân trong cuộc sống của họ thì giữa dân và người giữ các quy định này, tức người thi hành công vụ, sẽ có sự thương thảo để cả hai bên cùng có lợi. Đây chính là nơi sản sinh ra tham nhũng hàng ngày hàng giờ, khiến cho mô hình của Việt Nam trở thành "nhà nước thu tô" hay "nhà nước trục lợi" (rent-seeking state).
Chỉ khi nào quan niệm chính thống về vai trò của nhà nước ở Việt Nam chuyển từ nhà nước quản lý sang nhà nước chủ yếu làm nhiệm vụ giải phóng sức sản xuất và sức sáng tạo của toàn xã hội thì Việt Nam mới có thể cất cánh được.
Một điều kiện nữa để Việt Nam có thể tạo ra kỳ tích kinh tế như các con rồng con hổ châu Á là chế độ bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, quan chức. Mô hình "nhà nước thu tô" không khuyến khích người ta trọng thực tài và năng lực kinh bang tế thế mà ngược lại, khuyến khích mấy chữ "ệ" mà dân gian đã tổng kết là "nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn đồ đệ".
BBC : Ông đánh giá thế nào về ông Phạm Minh Chính, người có ngoại ngữ và được xem như ứng cử viên hàng đầu cho ngôi vị lãnh đạo Việt Nam trong thời gian tới ?Liệu dự án luật đặc khu bị phản ứng giận dữ của dân chúng của ông có làm cho ông yếu thế trong việc tranh chức tới đây không ?
Vũ Hồng Lâm : Ông Chính thời sinh viên học ở Romania nên nói được tiếng Romania. Sau này có thể ông cũng học thêm tiếng Anh. Ông Chính thời làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã tạo được ấn tượng rất tốt với giới doanh nhân và ngoại giao nước ngoài, cả phương Đông lẫn phương Tây, do ông có tác phong gần gũi, quyết đoán, chứ không quan liêu, tròn vo như nhiều lãnh đạo khác ở Việt Nam.
Dự án Luật Đặc khu do ông chủ xướng bị phản ứng giận dữ của dân chúng cũng ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín của ông. Đặc biệt, trong quá trình tìm hiểu dự án, người ta nhìn thấy một phần mối quan hệ của ông với Trung Quốc, điều này cũng khiến những người không ưa Trung Quốc nghi ngại ông hơn.
Cách đây khoảng một năm thì có dư luận cho rằng ba ông Phạm Minh Chính (Trưởng ban Tổ chức Trung ương), Trần Quốc Vượng (Thường trực Ban Bí thư), và Nguyễn Xuân Phúc (Thủ tướng) là ba gương mặt chủ yếu có thể kế nhiệm chức Tổng Bí thư ở Đại hội Đảng lần thứ 13 (dự kiến họp đầu năm 2021).
Nhưng nay thì lại có dư luận cho rằng chỉ còn hai ông Nguyễn Xuân Phúc và Trần Quốc Vượng là ở hàng đầu. Tuy nhiên từ nay đến đại hội đảng vẫn còn nhiều diễn biến khó lường nên chưa có gì là chắc chắn.
Joaquin Nguyễn Hòa
Nguồn : BBC, 08/06/2019