Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng Tư

Trương Nhân Tuấn, 01/05/2021

Về nền dân chủ kiểu Mỹ

Đọc RFI thấy ông Vương Nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phê bình Mỹ "không nên áp đặt mô hình dân chủ Mỹ cho nước khác".

danchu1

Theo tôi "mô hình dân chủ Mỹ" là "duy nhứt", không thể mô phỏng hay áp đặt cho bất kỳ nước nào. Bởi vì cách tổ chức quốc gia liên bang của Mỹ là độc nhứt vô nhị. Không có quốc gia nào trên thế giới này có "nền dân chủ" như Mỹ (trong đó "thượng viện" đại diện cho "tiểu bang-Etat" và "hạ viện" đại diện cho "nhân dân").

Dầu vậy tất cả các "nền dân chủ" do Mỹ áp đặt, như Nhật, Đức, Đài Loan, Nam Hàn… đều là các nền dân chủ thành công. Hiến pháp dân chủ của Nhật là do Mỹ áp đặt. Hiến pháp của Đức cũng vậy. Đài Loan dân chủ hóa thành công là nhờ trí thức Đài Loan cùng các học giả thuộc Harvard thúc đẩy… Các quốc gia này có nền dân chủ "phù hợp" với đất nước và dân tộc mình.

Ý kiến của Vương Nghị vì vậy là không đúng.

Nhưng từ ý kiến của Vương Nghị nhìn lại nền dân chủ mà Mỹ áp đặt cho Việt Nam Cộng Hòa, sau khi ông Diệm lên nắm quyền. Rõ ràng sự "áp đặt" của Mỹ là một thất bại.

Đặt giả thuyết, nếu cuộc chiến "quốc-cộng" xảy ra bây giờ, vào năm 2021, phe "quốc gia" vẫn thua. Nền dân chủ do Mỹ áp đặt vẫn thất bại.

Ý kiến có vẻ "sốc", có vẻ như là lời nhục mạ "đau như thiến", nhưng sự thật rất có thể là như vậy. Dân Việt Nam không phải là dân Nhật. Dân Việt Nam cũng không phải là dân Đức, hay dân Đài Loan, Nam Hàn...

Dân Việt Nam có vẻ giống với dân Afghanistan, với tinh thần dốt nát "bộ lạc", "giáo phái", "phe đảng"... coi lợi ích của giáo phái, phe đảng cao hơn lợi ích quốc gia. Bởi vì họ không có khái niệm về "quốc gia" mà họ chỉ có khái niệm về bộ tộc, vùng miền, tôn giáo, đảng phái…

Việt Nam chia làm hai "phe", quốc và cộng

Phe gọi là "quốc gia" có ai định nghĩa được "quốc gia" là gì ? Có ai phân tích được vì sao phải "bảo vệ quốc gia" ? Có ai "định nghĩa" được "chủ nghĩa quốc gia" là gì và chủ nghĩa này khác với chủ nghĩa cộng sản ra sao ? Làm gì có, phải không ? Lại còn có vụ "bảo vệ chính nghĩa quốc gia". Cái gọi là "chính nghĩa quốc gia là gì" ? Vì sao phải bảo vệ ? Ngọng hết !

Không biết quốc gia là gì do đó mới đặt lợi ích của giáo phái, phe đảng lên trên.

Về "tuyên truyền", phe "quốc gia" xếp vào "hạng bét". Tuyên truyền cái kiểu gì mà "sự thật" nói ra cách nào cũng không ai tin. Tuyên truyền kiểu gì mà cái bánh vẽ do cộng sản Việt Nam vẽ ra từ 1945 đến nay 99% đồng bào Việt Nam vẫn tiếp tục khen ngon.

Phe "quốc gia" thua, bắt đầu từ lúc ông Diệm bị lật đổ.

Nền dân chủ Việt Nam đệ nhị cộng hòa là nền dân chủ "nhứt đĩ nhì sư tam cha tứ tướng". Những người yêu nước thực sự chỉ là những bóng mờ. Thành quả của họ, cũng là di sản của Việt Nam Cộng Hòa để lại hiện nay, tựu trung là văn hóa và giáo dục.

Đĩ, giai cấp cao nhứt trong chính trường miền Nam sau 1/11/1963 là thứ "đĩ chính trị". Tức lớp chính trị gia phục vụ cho chủ nhân, người nào có thể ban phát cho họ lợi ích nhiều nhứt. Lớp "đĩ chính trị" thời đó nhiều vô số. Lớp thì phục vụ cho cộng sản Việt Nam qua các lớp mặt nạ "thành phần thứ ba", "trí thức phản chiến", "phong trào tranh đấu" của sinh viên, học sinh… Lớp thì phục vụ cho "quan thầy" là Mỹ.

Đĩ chính trị, lợi dụng môi trường sinh hoạt dân chủ, lấy quốc gia, lợi ích của dân tộc làm vật buôn bán với cộng sản Việt Nam, với ngoại bang...

Sư và cha, thành phần tôn giáo làm chính trị.

Thành công, nhưng cũng là thất bại của ông Diệm là tách tôn giáo ra khỏi chính quyền, tức tách thần quyền ra khỏi thế quyền. Ông Diệm thành công loại bỏ các thế lực chính trị (do Pháp gài lại) đội lốt tôn giáo như Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa hảo… ra khỏi chính trường miền Nam. Nhưng ông Diệm thất bại vì không loại được thế lực của Thiên chúa giáo, qua các nhân sự trong gia đình, ảnh hưởng lên các chính sách xã hội. Hận thù tôn giáo đã giết chết ông Diệm và chế độ.

Ông Diệm bị lật đổ, các thế lực Phật giáo, Thiên chúa giáo, Cao đài, Hòa hảo… tham chánh, đứng sau lưng các đảng phái chính trị, lợi dụng dân chủ để khuynh đảo xã hội.

Chính đảng, tức đảng phái chính trị, thay vì phục vụ quốc gia, phụng sự cho quốc gia, lại phục vụ cho phe phái, cho lợi ích giáo phái. Đất nước vốn đã "nát" do cộng sản Việt Nam, nay càng thêm "bét" do mấy ông cha, mấy ông sư…

Việt Nam Cộng Hòa không sụp đổ mới là "phép lạ".

Còn lớp tướng lãnh làm chính trị có từ sau 1963.

Lớp tướng lãnh làm chính trị, tất cả không ai có kiến thức cơ bản về quốc gia. Thời quân đội "lãnh đạo quốc gia", Mỹ vô Việt Nam như vô nhà không chủ. Mỹ vô Việt Nam không thông qua bất cứ một thỏa ước "quốc tế" nào. Thì dĩ nhiên, Mỹ "tháo chạy"’ cũng không bị ràng buộc bởi bất kỳ một điều ước nào với Việt Nam.

Không ai có "tầm nhìn" về thời cuộc. Khúc quanh định mạng của Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu từ cuộc chiến 6 ngày ở Trung Đông, năm 1967. Phe Ả rập, gồm các quốc gia sản xuất dầu, cùng các quốc gia Ai cập, Syria, Iraq… Phe này được Liên xô chống lưng. Phe ủng hộ Do Thái gồm Thổ và Iran. Dĩ nhiên phe Do Thái được Mỹ chống lưng. Giá dầu các năm 70, từ 1 đô/thùng lên đến 10 đô, sau đó tăng vọt chưa từng thấy.

Nếu có chút kiến thức thời cuộc các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa lúc đó phải thấy rằng chắc chắn Mỹ phải co cụm ở mặt trận Châu Á để củng cố Trung đông và Châu Âu. Khu vực dầu khí Trung đông thuộc về Liên Xô thì Mỹ và Châu Âu sẽ sụp đổ. Biến cố Mậu thân 1968, Việt Nam Cộng Hòa bị Mỹ kéo ngồi ngang hàng với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa thời đó chấp nhận được chuyện này tương tự như việc ký giấy khai tử nền tự do dân chủ ở miền Nam.

Trở lại vấn đề, nếu cuộc chiến "quốc-cộng" bắt đầu bây giờ, năm 2021. Phe "quốc gia" vẫn thua. Thua vì bọn họ vẫn giữ nguyên tinh thần bộ lạc, giáo phái, phe đảng… như trước 1963.

Không có ý thức về "quốc gia" thì công cuộc tranh đấu là tranh đấu cho "thập nhị sứ quân".

Trương Nhân Tuấn

(01/05/2021)

**********************

Quan hệ Việt-Trung trong quá khứ : Những sai lầm và hậu quả - Song Chi nói chuyện với nhà báo Võ Văn Tạo và nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn, 24/04/2021 

***********************

Người Mỹ thua cái gì ở chiến tranh Việt Nam ?

Việt Nam Cộng Hòa đã sụp đổ sau 30 tháng tư 1975, bây giờ có nói cái gì thì sự việc cũng đã xảy ra mà ta không cách nào thay đổi được. "Mỹ đã cút" và "Ngụy đã nhào". Nhưng sự thật lịch sử vẫn cần phải được tôn trọng. Sự việc đó đã xảy ra như thế nào người viết sử cần viết lại trung thực y như vậy. Thiết lập lại "sự thật lịch sử" là "trách nhiệm đối với ký ức - devoir de mémoire". Đó cũng là thái độ biết tôn trọng quá khứ và dám nhận trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai. Nói một cách "hoa mỹ", đó là thái độ "hòa giải" của các bên liên quan đến cuộc chiến.

danchu2

Chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến "ý thức hệ" giữa "tư bản tự do" và khối "xã hội chủ nghĩa".

Ta thấy rằng những gì "phe thắng cuộc" nói về cuộc chiến là không luôn luôn đúng. "Thành kiến" và "lập trường chính trị" đã khiến cho những "sự thật lịch sử" hoặc bị chôn vùi, hoặc bị xuyên tạc. Ngay cả "tên gọi" của cuộc chiến 1954-1975 vẫn chưa ngả ngũ. Đối với Mỹ đó là "chiến tranh Việt Nam". Cái tên không chính xác nói lên điều gì nhưng cũng nói lên hết tất cả những gì liên quan đến cuộc chiến. Còn phía miền Bắc xã hội chủ nghĩa, cuộc chiến được phân định rõ rệt mục tiêu : "giải phóng dân tộc và thống nhứt đất nước". Còn miền Nam đơn thuần là cuộc chiến "bảo vệ tự do". Nhưng các học giả quốc tế nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, tất cả cùng đồng ý một điểm : chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến "ý thức hệ" giữa "tư bản tự do" và khối "xã hội chủ nghĩa". Bối cảnh là một "thí điểm nóng" trong cuộc "chiến tranh lạnh". Bom đạn súng ống thừa mứa của hai bên trong Thế chiến thứ II được "tuồng" vào tiêu thụ ở Việt Nam. Vào đây "đồ cũ" nhưng giá trị được tính bằng "đồ mới". Trung Quốc tính toán ra rằng họ đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng hết 20 tỉ đô la. Vũ khí loại mới các phe cũng được đưa vào đây "thử lửa" để biết hiệu nghiệm và tác dụng.

Người Mỹ đã thua cái gì ở Việt Nam ?

Nếu ta theo dõi quan điểm của Mỹ về cuộc chiến Việt Nam, từ lúc đổ bộ vào Việt Nam năm 1965 cho đến khi "ngồi vào bàn hội nghị" 1968. Mỹ thua Việt Nam trước hết thua về "luật", về "quyền được can thiệp vào chiến tranh - jus in bello" của "quốc tế công pháp". Sau đó là thua về "mưu trí".

Mặc dầu "công pháp quốc tế" phần lớn nội dung là do Mỹ và các đồng minh Tây phương đóng góp tạo dựng lên, từ sau Thế Chiến thứ II, (đồng thời với sự thành lập Liên Hiệp Quốc), mục đích ngăn ngừa chiến tranh và bảo vệ hòa bình. Nhưng Việt Nam là phía tận dụng được mọi khía cạnh của Công pháp quốc tế, đảo chiều thuận lợi cuộc chiến về phía mình.

Người Mỹ lấy lý do gì, tư cách gì để can thiệp, sau đó là can dự vào "chiến tranh Việt Nam", để không vi phạm vào các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc (do họ và các đồng minh đặt ra) ?

Ta có thể tìm đọc tập tài liệu "Why Vietnam ?" của The White House, Washington, D.C., 20 août 1965 (từ nay gọi là tài liệu Why Vietnam ?). Hồ sơ này có thể coi là tập "sách trắng" của Mỹ nhằm giải thích lý do, trước dư luận quốc tế và nhân dân Mỹ, vì sao người Mỹ can thiệp vào chiến tranh Việt Nam (jus in bello - quyền được can dự vào chiến tranh).

Từ năm 1960, qua những bức thư Tổng thống Eisenhower gởi ông Diệm, ta thấy người Mỹ đã có quan niệm miền Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Quốc gia đó tên gọi "South Vietnam". Tổng thống Eisenhower cảnh báo ông Diệm bằng thư riêng : "cộng sản miền Bắc đã và đang sử dụng vũ lực để khuynh đảo chính trị và phá hoại nền tự do của quốc gia South Vietnam".

Sang đến đời tổng thống Kennedy, cũng theo tài liệu "Why Vietnam ?", dẫn lá thư ngày 14 tháng 12 năm 1961 của Tổng thống Kennedy đã gởi cho ông Diệm, nội dung cảnh báo : "các cuộc tấn công bằng vũ lực hay các cuộc khủng bố chống lại nhân dân và chính quyền trên đất nước của quí ngài trong thời gian qua được sự ủng hộ và lãnh đạo của ngoại bang là cộng sản Hà Nội".

Cũng trong tập tài liệu đã dẫn, tháng tư năm 1965, Tổng thống Johnson còn đi xa hơn trong lập luận Việt Nam Cộng Hòa là một "quốc gia độc lập có chủ quyền" : "Miền bắc Việt Nam đã tấn công một quốc gia độc lập có chủ quyền là miền Nam Việt Nam".

Diễn văn 28 tháng 7 năm 1965 của Tổng thống Johnson tố cáo : "cuộc xâm lược của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhằm mục đích bành trướng và thống trị của chủ nghĩa cộng sản trên toàn Châu Á. Cuộc chiến xảy ra âm thầm, không hề có "tuyên bố chiến tranh", cũng không có việc xua quân ào ạt như ở Cao Ly (Đại Hàn), bởi vì các lãnh đạo cộng sản hiểu rõ rằng làm như vậy họ sẽ bị trừng phạt nặng nề. Vì vậy họ tổ chức một cuộc xâm lược bán chính thức, qua các hình thức đưa các đạo quân đã được huấn luyện cùng vũ khí đạn dược, xâm nhập lén lút xuyên qua biên giới quốc gia".

Tài liệu nêu ra lý do sự hiện diện của Mỹ ở Việt Nam : "củng cố trật tự thế giới", từ "Berlin đến Thái Lan", để "bảo vệ hòa bình, tự do và quyền dân tộc tự quyết". Nhiều lần tập tài liệu trích dẫn ý kiến lãnh đạo Mỹ, theo đó Mỹ đổ bộ vào Việt Nam "không có một tham vọng nào về lãnh thổ" mà chỉ bảo vệ "quyền" của nhân dân miền Nam Việt Nam. "Quyền" này thể hiện qua sự "lựa chọn tương lai của dân tộc Việt Nam bằng lá phiếu và các cuộc bầu cử tự do". Tài liệu cũng dẫn những cam kết của các lãnh đạo Mỹ : "Đến khi nào mà Mỹ còn có thể ngăn cản, thì không có một thế lực nào có thể khuất phục dân tộc Nam Việt Nam bằng vũ lực hay bằng khủng bố".

Tức là, lập luận của Mỹ về chiến tranh Việt Nam gồm hai mặt : chiến tranh "quốc tế", nước này xâm chiếm nước kia, và "chiến tranh ý thức hệ", tức chiến tranh be bờ "từ Berlin đến Thái Lan" chống sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản.

Sự can thiệp của Mỹ, biểu lộ trong Hồ sơ "Why Vietnam ?" đặt trên lý do gồm 3 điểm :

1. Việt Nam Cộng Hòa là nạn nhân của một cuộc xâm lược của một quốc gia khác (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa).

2. Mỹ tham chiến nhằm bảo vệ quốc gia Việt Nam Cộng Hòa.

3. Mỹ chủ trương một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến.

Việc tham gia của Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam vì vậy phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, ở các điều "quyền được can dự vào chiến tranh" (jus in bello), điều 51 về "quyền tự vệ chính đáng", và giải quyết các tranh chấp quóc tế bằng biện pháp hòa bình. Mỹ cũng có thể áp dụng biện pháp tương đồng trong trường hợp Bắc Hàn xâm lược Nam Hàn, với nghị quyết ngày 25 tháng 6 năm 1950 của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc.

danchu03

Lập luận của Mỹ về chiến tranh Việt Nam gồm hai mặt : chiến tranh "quốc tế" và "chiến tranh ý thức hệ"

Cùng "đổ bộ" vào Việt Nam, theo chân quân Mỹ là một đạo quân hùng hậu "phóng viên chiến trường" của các tạp chí Mỹ và Tây phương. Chưa bao giờ có trong lịch sử nhân loại chiến tranh được "công khai" trước mắt mọi người như chiến tranh Việt Nam. Các tổ chức quốc tế như hội Chữ thập đỏ quốc tế cũng đến Việt Nam. Không một nhà tù nào ở miền Nam lại không bị sự "kiểm soát" của các cơ quan này. Luật quốc tế về chiến tranh (jus ad bellum) đã "hạn chế", nếu không nói là "trói tay" những hành động của quân Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa. Vấn đề là luật về chiến tranh chỉ áp dụng (gắt gao) cho một phía : Nam Việt Nam.

Ta thấy các hình ảnh, những khúc phim… của các phóng viên nước ngoài công bố trong thời gian chiến tranh, không ngoại lệ, chỉ là máu me, thương tích, chết chóc… của lính Mỹ và những người mà Mỹ cho là "Việt Cộng", mà thực chất đó là những nông dân miền Nam.

Phe "trí thức thiên tả" thời chiến tranh Việt Nam có ảnh hưởng rất mạnh ở các nước Tây Âu. Những tấm hình của phóng viên chụp được ở chiến trường là bằng chứng để họ lên án "tội ác" và sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam. Miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã vận động khéo léo lực lượng này để làm "áp lực quốc tế", hạn chế các quyết định "sắt máu" của chính phủ Mỹ.

Nếu ta có tham khảo các tài liệu lịch sử về chiến tranh Việt Nam, ta thấy phe miền Bắc xã hội chủ nghĩa có hai quan điểm đối nghịch : Trong nước họ tuyên truyền chiến tranh Việt Nam là một cuộc "chiến tranh giải phóng", thanh niên xâm chữ "sinh bắc tử nam", toàn dân miền Bắc nhịn đói, dành lương thực để giải phóng miền Nam. Mỹ là "thực dân kiểu mới" và Việt Nam Cộng Hòa là "chính quyền ngụy, tay sai".

Nhưng trên phương diện "quốc tế", họ vận động dư luận quốc tế để cho rằng chiến tranh Việt Nam là một cuộc "nội chiến" giữa hai bên Việt Nam Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hoàn toàn đứng ngoài cuộc. (Vì vậy trong một thời gian rất dài bộ đội hy sinh ở Trường Sơn không được nhà cầm quyền nhắc tới).

Áp lực của "dư luận" qua các cuộc biểu tình, các phong trào "phản chiến" tại các nước Tây phương như Pháp, Anh… hay tại chính quốc ở Washington, New York… ngày một mạnh, chi phối các chính sách về chiến tranh Việt Nam của các tổng thống Mỹ. Khúc quanh định mệnh, cuộc "tổng nối dậy" Tết Mậu Thân 1968, Mỹ phải thừa nhận chiến tranh Việt Nam là một cuộc "nội chiến".

Sau trận Mậu Thân 1968, Mỹ bắt đầu nhượng bộ trên phương diện ngoại giao, buộc Việt Nam Cộng Hòa phải "nhìn nhận" thực thể Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, buộc ngồi "ngang hàng" với thực thể này trong "bàn tròn bốn bên" ở Paris. Hiệp định Paris 1973 ra đời trong bối cảnh "nội chiến", để Mỹ "Việt nam hóa chiến tranh", chuẩn bị cho "đồng minh tháo chạy".

Phe cộng sản Việt Nam đã thành công, qua trận Mậu thân, vận động dư luận quốc tế để biến một cuộc chiến "quốc tế" và "ý thức hệ" thành một cuộc "nội chiến", trong nội bộ Việt Nam Cộng Hòa.

Và khi nhìn nhận chiến tranh Việt Nam là "nội chiến", hai bên đối đầu là Việt Nam Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, thì Mỹ không có lý do, hay danh nghĩa nào để can dự vào cuộc chiến.

Điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc về quyền "tự vệ chính đáng" chỉ có hiệu lực khi các bên Việt Nam là những "quốc gia". Việt Nam Cộng Hòa và Chính Phủ Lâm Thời Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (và ngay cả Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) không phải là những "quốc gia". Nguyên tắc "quốc gia duy nhứt" vẫn được các bên, ngay cả Mỹ và các định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc, tôn trọng cho đến ngày 30/4/1975.

Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về Cao Ly chỉ có hiệu lực khi miền Bắc "xâm lược" miền Nam. Bây giờ ai cũng biết là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam do lãnh đạo cộng sản Việt Nam dựng lên, từ Đại hội đảng toàn quốc năm 1960. Nhân sự lãnh đạo Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đều thuộc về một đảng. Tức là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là một "bộ phận" của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Vấn đề là Mỹ (và cả thế giới) ở thời điểm đó không ai chứng minh được sự quan hệ này).

Tức là Mỹ (và Việt Nam Cộng Hòa) thua trên mặt trận truyền thông tại Paris, tại Washington, thua về "luật" do họ đặt ra, thua về "mưu trí" chớ không hề thua ở chiến trường.

Trương Nhân Tuấn

(30/04/2021)

Published in Diễn đàn