Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ai đã khiến những 'hạt giống đỏ' sớm bị thui chột

Các cụ xưa đã nói, cái gì nhanh đến sẽ nhanh đi. Việc "thành đạt" sớm khi chưa đáp ứng điều kiện sẽ sớm bộc lộ những hạn chế, yếu kém.

Những cái tên như Vũ Minh Hoàng, Nguyễn Xuân Anh, Lê Phước Hoài Bảo và gần đây là Trần Văn Mẫn, Nguyễn Bá Cảnh… đều là những cán bộ trẻ, cùng có xuất phát điểm là "con ông cháu cha", được kỳ vọng là những "hạt giống đỏ" của đất nước. Tưởng rằng tương lai đang nằm trong tầm tay, nhưng người bị kỷ luật, người tuy không bị kỷ luật, với nhiều lý do, sự nghiệp chính trị của họ đều đã dừng lại.

hat1

Nhiều "hạt giống đỏ" của đất nước đã bị "chín lép"

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, người từng cảnh báo về tình trạng con ông cháu cha kiểu "5c - con cháu các cụ cả", thêm "6ệ - tiền tệ, hậu duệ, quan hệ, ngoại lệ, đồ đệ, trí tuệ" dẫn đến tình trạng "5đ - đố điều đi đâu được", nói vui, té ra "ngựa hay phải chạy đường dài" nhưng mới chạy được một đoạn ngắn đã người thì đuối sức, người "sa xuống hố".

Vị Đại biểu quốc hội khóa 13 cho rằng, qua những trường hợp trên có thể thấy rằng, con ông cháu cha nếu có phẩm chất, năng lực tốt không tội gì không bổ nhiệm. Nhưng ngược lại, nếu chưa đủ độ chín, chưa đủ thời gian thử thách để trưởng thành, mà bổ nhiệm cán bộ thần tốc như thế thì tình trạng "nửa đường đứt gánh" đã nhìn thấy trước, thậm chí có người còn chưa được nửa đường, mới được bổ nhiệm thì đã bị bãi miễn.

"Ví như trong quân đội, để lên được cấp tá, cấp tướng, bộ đội cũng phải qua chiến đấu, đi lên từ binh nhất, binh nhì, cấp úy, bao nhiêu năm mới lên được một cấp. Nghề nghiệp, lĩnh vực nào cũng vậy, đều phải đi từ thấp lên cao, phải mất hàng chục năm mới lên được", ông Tiến liên hệ. 

Câu chuyện cán bộ trẻ "chín nhanh, chín ép" đã để lại bài học đau xót, nó cho thấy công tác cán bộ cần phải thật kỹ càng và thận trọng hơn nữa. Thậm chí phải để họ được tôi luyện ở những môi trường khắc nghiệt để xem có đủ phẩm chất và năng lực hay không, chứ không thể nâng đỡ kiểu "túm tóc kéo lên", ông Lê Như Tiến bộc bạch.

"Con ông cháu cha" được xem như những "hạt giống đỏ" của đất nước, thừa hưởng nền tảng tri thức của gia đình, đều được đào tạo bài bản. Nên, nếu không tôi luyện để họ có bản lĩnh vững vàng trong thực tiễn công tác, đạt được độ "chín" cả về tâm lẫn tầm, mà "đốt cháy giai đoạn", đặt họ vào chiếc ghế quá lớn, quá rộng, là làm hại họ, là góp phần cản trở, thậm chí rút ngắn con đường chính trị của họ.

Ngược lại, là "con ông cháu cha", không thể ỷ thế "hạt giống đỏ", tự cho mình nghiễm nhiên được hưởng "phép lợi thế" từ cha ông. Họ phải có lòng tự trọng để biết giữ mình, giữ gìn truyền thống gia đình, không để mang tiếng "chín ép", ông Lê Như Tiến bình luận.

Chỉ ra một trong nhiều nguyên nhân khiến những "hạt giống đỏ" sớm bị thui chột do được đẩy lên quá nhanh, quá thần tốc, quá bất ngờ và quá bất thường, ông Lê Như Tiến cho rằng, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong việc bổ nhiệm. Đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan tổ chức cán bộ - những người gác gôn về công tác tổ chức cán bộ cho các cấp ủy và các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

"Cần có một cơ quan thẩm tra, thẩm định khách quan để đánh giá việc bổ nhiệm. Không thể, cơ quan, tổ chức nào cũng có đầy đủ cấp ủy đảng, lãnh đạo chính quyền, công đoàn, thanh niên, phụ nữ, mặt trận nhưng khi xảy ra sai phạm ít thấy ai lên tiếng chịu trách nhiệm. Quy trình rất chặt chẽ, mà vẫn để "con voi lọt qua lỗ kim" thì phải quy trách nhiệm rõ ràng", ông Tiến nêu quan điểm.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, không phủ nhận chủ trương của Đảng là khuyến khích người trẻ phát triển tốt, nếu xứng đáng, đủ tiêu chuẩn đưa họ lên chỉ có lợi cho đất nước.

Chủ trương là vậy nhưng người trẻ ngồi vào những vị trí trọng trách đòi hỏi phải có đầy đủ tiêu chuẩn. Thậm chí phải để cho họ được tôi luyện trong thực tiễn, trong những môi trường khó khăn, phức tạp để người trẻ tích lũy cho mình đầy đủ bản lĩnh, kinh nghiệm mới hy vọng không sa vào những sai lầm.

Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích, những trường hợp đặc biệt được nhắc ở trên rõ ràng chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn. Sở dĩ họ được đẩy lên là vì sự nể nang, lấy lòng cấp trên. Các cụ xưa đã nói, cái gì nhanh đến thì sẽ nhanh đi. Đẩy lên sớm khi chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện sẽ sớm bộc lộ những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm.

Ngược lại, những lãnh đạo có con em thuộc diện "hạt giống đỏ" trước khi chấp nhận ân huệ cho con mình, hãy nhớ tới quy định làm gương, trách nhiệm người đứng đầu để cân nhắc có nên lợi dụng sự nể nang, lấy lòng của cấp dưới mà đẩy con mình lên nhanh một cách bất thường hay không.

Cùng với đó, nên nhìn nhận một cách nghiêm túc, sòng phẳng năng lực, phẩm chất của con em mình bởi không nhất thiết cứ phải trở thành ông nọ, bà kia mới là đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Quan trọng là họ làm được gì cho quê hương, đất nước.

Hà Thanh

Nguồn : vov.vn, 12/07/2019

***********************

Con trai Lê Thanh Hải : ‘Sâu chúa’ hay là người ‘vì dân, vì nước’ ?

T.K, Người Việt, 11/07/2019

"Tôi sẵn sàng nhận gánh nặng vì lợi ích của người dân. Với trách nhiệm của chính quyền địa phương, chúng tôi rất trăn trở khi đời sống của người dân khó khăn quá". Đó là phát ngôn của ông Lê Trương Hải Hiếu, chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 12 và là một trong hai con trai của cựu Bí thư Thành ủy ở Sài Gòn Lê Thanh Hải, được báo Zing dẫn lại hôm 12 tháng Bảy.

hat1

Ông Lê Trương Hải Hiếu. (Hình : Zing)

Phát ngôn của ông Hải được đưa ra trong bối cảnh một tuần trước đó, người chú ruột của ông Hiếu, ông Lê Tấn Hùng, tổng giám đốc Tổng công ty Nông Nghiệp Sài Gòn (Sagri) bị bắt và khởi tố với cáo buộc "có hàng loạt sai phạm trong quản lý tài chính, đất đai, dự án".

Tờ Zing viết thêm : "Ông Hải đề xuất cho xây nhà tạm trên khu đất chưa thực hiện quy hoạch, chưa thu hồi để tránh thiệt thòi cho người dân. Theo ông, khó khăn của người dân xuất phát từ việc có nhà đất nằm trong quy hoạch công trình công cộng, giao thông, công viên… nên không được sửa chữa. Quy hoạch càng chậm thực hiện thì nhà dân ngày càng xuống cấp trong lúc thành viên trong gia đình tăng lên. Với những khu chưa thực hiện quy hoạch, ông kiến nghị bồi thường cho dân trước để người dân dùng tiền đó ổn định cuộc sống. Nếu chưa bồi thường thì cho phép họ xây dựng tạm".

Phát ngôn mới nhất của ông Hiếu khiến người ta nhớ đến việc cha của ông hồi cuối tháng Sáu đột nhiên xuất hiện và mạnh miệng đăng đàn về việc "kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng và lợi ích nhóm" trong lúc bản thân ông bị công luận cho là "sâu chúa" trong vụ cướp đất ở Thủ Thiêm và hình thành một đế chế trong đó quan chức bắt tay với các chủ doanh nghiệp bất động sản để thâu tóm đất công.

Tuy vậy, vẫn có người dành thiện cảm cho ông Hiếu. Luật sư Phạm Công Út viết trên trang cá nhân : "Ai nói gì thì nói, riêng tôi công nhận Lê Trương Hải Hiếu đã để lại dấu ấn rất tốt mà tôi nhìn thấy. Đó là những cơ quan tổ chức, hoặc cơ quan công quyền mang tính điều khiển thông minh và thân thiện với người dân và cả những công chức làm việc ở đó. Luôn cả việc điều hành một cơ quan hành chính địa phương của ông cũng có những sáng kiến táo bạo, có lợi cho người dân. Dư luận thường a dua theo đám đông và phủ nhận tất cả dù họ thích hay không thích, biết hay không biết một cách bất công".

Ông Hiếu được cho là niềm hy vọng còn sót lại trong gia đình Lê Thanh Hải, vì người con trai còn lại, Lê Trương Hiền Hòa, khá mờ nhạt với vị trí chuyên viên tại Sở Du lịch ở Sài Gòn và chỉ được biết đến trong quan hệ tình cảm với diễn viên Lý Nhã Kỳ.

Tuy nhiên, hiện tại, triển vọng chính trị của ông Hiếu không có gì là chắc chắn, vì hồi tháng Tư, 2018, ông từng bị khiển trách vì "vi phạm trong quan hệ tình cảm với một phụ nữ", dù ông chưa chính thức lập gia đình.

Báo điện tử VietnamNet thời điểm đó cho biết : "Ông Hiếu đã vi phạm trong việc có quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng chậm báo cáo với tổ chức. Căn cứ các quy định của đảng về xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo các tổ chức đảng có thẩm quyền tại Đảng Bộ quận 12 tổ chức kiểm điểm, xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Hiếu".

Theo "tập tục" của Đảng cộng sản Việt Nam, khi một giới chức bị kỷ luật về chuyện trai gái, người đó nghiễm nhiên xem như không còn cơ hội được "tổ chức" cất nhắc.

Nhìn vào trường hợp của một "hạt giống đỏ" khác, ông Nguyễn Bá Cảnh, con trai ông Nguyễn Bá Thanh, mới đây "thanh bại danh liệt", bị cách tất cả các chức vụ trong đảng và Hội Đồng Nhân Dân ở Đà Nẵng vì tội "ngoại tình và có con riêng với vợ hai", người ta thấy ông Hiếu khó có khả năng tiến xa ngoài vị trí "lãnh đạo cấp quận". (T.K.)

********************

Trần Văn Mẫn, Nguyễn Bá Cảnh và kết cục 'hạt giống đỏ'

Ben Ngô, BBC, 09/07/2019

Một nhà quan sát từ Đà Nẵng nói với BBC rằng điều đáng kể nhất sau các vụ của Trần Văn Mẫn, Nguyễn Bá Cảnh là "từ nay các quan chức khi nghĩ đến việc đưa con họ vào bộ máy sẽ phải do dự".

hat2

Chính trường tại Đà Nẵng từng sôi động với sự xuất hiện của những "hạt giống đỏ"

Tin cho hay, hôm 7/7, ông Trần Văn Mẫn vừa xin thôi việc ở Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng, nơi ông làm trưởng phòng Đấu thầu-Thẩm định và giám sát đầu tư.

Ông Mẫn là con trai ông Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng hiện đang ở tù vì cáo buộc liên quan đến các vụ án của ông Phan Văn Anh Vũ, tự Vũ "nhôm".

Trước đó, hôm 6/7, ông Nguyễn Bá Cảnh, con trai ông Nguyễn Bá Thanh, xin thôi làm đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021.

Động thái của ông Cảnh được đưa ra sau khi ông này đã bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng vì "Vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống".

Các ông Trần Văn Mẫn, Nguyễn Bá Cảnh, cùng với ông Nguyễn Xuân Anh, Lê Phước Hoài Bảo từng được đánh giá là những "hạt giống đỏ" nhận được nhiều kỳ vọng.

'Lựa chọn cá nhân'

Hôm 8/7, nhà báo Nguyễn Trung Bảo, cựu thư ký tòa soạn báo Một Thế Giới bình luận với BBC :

"Theo như tôi hiểu, chuyện ông Trần Văn Mẫn, Nguyễn Bá Cảnh nghỉ là lựa chọn cá nhân thôi".

"Với trường hợp ông Mẫn, trước đây là chỗ quen biết nên tôi có khuyên ông ấy nên suy nghĩ kỹ để có lựa chọn phù hợp nhất với chuyên môn và hoàn cảnh".

"Nay ông Mẫn quyết định ra khỏi vị trí làm việc cho Nhà nước thì tôi vẫn tin ông ấy có khả năng đóng góp nhiều điều cho xã hội".

"Nhìn chung cả bốn trường hợp ông Mẫn, Cảnh, Xuân Anh và Hoài Bảo đều là đáng tiếc vì ai cũng biết khu vực dịch vụ công ở Việt Nam đang rất cần những người có khả năng và nhất là có tư duy cởi mở năng động".

"Đối với nhận định họ bị ảnh hưởng khi cha mình sa cơ thất thế thì dư luận đúng là có cái nhìn như vậy".

"Tuy nhiên, cái khác của trường hợp ông Mẫn đó là ông ấy không nghỉ vì có bất kỳ sai phạm nào, mà là tự ý nghỉ khi cảm thấy mình muốn chọn lối đi khác".

"Do vậy, tôi nghĩ trường hợp ông Mẫn không giống với các trường hợp còn lại nên không so sánh được".

hat3

Ông Trần Văn Mẫn được cho là nghỉ việc "theo nguyện vọng cá nhân"

"Theo tôi, cả bốn nhân vật nêu trên đều là người có trình độ. Tôi tin họ đều có cái nhìn về xã hội và chính trị khác với cái nhìn của lớp người làm chính trị đi trước. Do đó, tôi nghĩ việc họ bước ra khỏi bộ máy không phải là điều gì đáng để vui".

"Cái duy nhất được sau sự kiện này đó là từ nay, các quan chức khi nghĩ đến việc đưa con họ vào bộ máy sẽ phải do dự vì biết đâu chuyện sau này, khi có chuyện xảy ra với họ thì con cái sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Và rõ ràng hơn, không phải chỉ là những lời đồn đoán "thất sủng" như ngày xưa mà là còn phải đi ra khỏi bộ máy".

hat4

Ông Nguyễn Bá Cảnh từng được xem là một trong những "ngôi sao đang lên" của Đà Nẵng

'Hạt giống đỏ' Việt Nam khác gì Trung Quốc ?

Cũng trong hôm 8/7, từ Hà Nội, bà Như Trúc, dịch giả về chính trị - xã hội Trung Quốc nói với BBC :

"Để hiểu chuyện "hạt giống đỏ" ở Việt Nam thì có lẽ nên nhìn qua Trung Quốc".

"Về bối cảnh lịch sử, thì những thái tử đảng của Trung Quốc, nếu những ai tham gia chính quyền hay quân đội thì đều có chức cao sau này".

"Vào thời kỳ Mao Trạch Đông thì cha anh của họ đều bị đánh đổ, họ phải một là tham gia quân đội, hai là đi lao động ở nông thôn".

"Những năm 1970-1980, họ lựa chọn đi xuống các huyện cơ sơ vùng sâu xa làm lên sự nghiệp".

"Trong số này bao gồm Tập Cận Bình, Lưu Nguyên, Bạc Nhất Ba..".

"Nhưng mà tính ra cũng chỉ có một lớp thái tử đảng đó là nổi nhất thôi, các lớp sau này thì không còn thái tử gì nữa".

"Trở lại chuyện Việt Nam, tôi có cảm tưởng thế hệ Xuân Anh, Bá Cảnh nên gọi thẳng là con ông cháu cha, sống trong nhung lụa từ bé".

"Các ông này đi học nước ngoài về nhưng có thấy họ làm gì được đáng kể hoặc kinh qua sương gió gì".

"Vậy mà người ta thấy họ vẫn được bố trí vào bộ máy, gia đình sắp xếp cho thăng tiến như tên lửa, 35, 40 tuổi đã lên chức to đùng".

"Quan trọng là quyền lực của "hạt giống đỏ" Việt Nam tới quá nhanh, quá dễ, gần như không được thử thách gì về năng lực lãnh đạo cả".

"Thêm nữa là những thăng tiến của thái tử đảng Việt Nam mới chỉ xuất phát từ các thế lực địa phương làng nhàng. Họ không lên tiếp được ở trung ương, có thể là vì cha anh về vườn một thời gian hết ảnh hưởng thế lực".

"Những điều đó khiến "hạt giống đỏ" Việt Nam thua xa Trung Quốc, những người phải lên từng nấc một, nhưng họ làm tới cấp tướng hoặc bộ trưởng Thương mại".

"Điều đó khiến dư luận xã hội bất bình về "hạt giống đỏ" Việt Nam, đến khi họ gặp vấn đề, người ta không chia buồn".

Ben Ngô

Nguồn : BBC, 12/07/2019

Published in Diễn đàn

Báo Việt Nam đưa tin vụ MobiFone-AVG 'chưa công bằng' (BBC, 16/04/2019)

Một luật sư nói truyền thông Việt Nam đưa tin về diễn tiến thương vụ MobiFone-AVG "cần phải công bằng" và suy đoán rằng "báo chí đưa tin theo chỉ đạo" trong lúc một chuyên gia bảo "không biết báo chí lấy nguồn từ đâu".

Ông Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG), là nhân vật mới nhất trong vụ MobiFone mua AVG vừa bị bắt giam hôm 13/4.

avg1

Các báo ở Việt Nam đưa tin theo hướng MobiFone "thông đồng với AVG để rút ruột tiền của Nhà nước"

Quyết định khởi tố bị can của cơ quan cảnh sát điều tra cáo buộc ông Vũ tội 'đưa hối lộ' trong thương vụ MobiFone mua AVG, quy định tại Khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.

Tin này đã gây chấn động cộng đồng doanh nhân Việt Nam và được cả các báo nước ngoài đăng tải.

Một trang của Singapore chạy tin hôm 13/04 nói 'em trai của người giàu nhất Việt Nam bị bắt vì tội đưa hối lộ".

Ông Vũ là em trai ông Phạm Nhật Vượng, một trong những người được đánh giá là giàu nhất Việt Nam với khối tài sản ròng Forbes định giá là 7,6 tỷ đô la.

Số tiền mà ông Vũ được cho là đã đưa hối lộ không được nêu rõ và dư luận chỉ biết được từ những gì báo chí Việt Nam do chính quyền kiểm soát đồng loạt đăng tải mà không nêu rõ nguồn.

Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh viết : "Phạm Nhật Vũ thổi giá AVG lên hơn 14 lần. Thực tế không có đối tác nào mua AVG 700 triệu USD như hai cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn báo cáo các bộ, ngành và Chính phủ".

Báo Tuổi Trẻ hôm 14/4 đăng cáo buộc : "Nếu tính giá trị MobiFone mua lại 95% cổ phần của AVG với giá 8.889,8 tỷ đồng, số tiền mà ông Vũ nhận được là gần 5.200 tỷ đồng".

avg2

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt câu hỏi về nguồn tin của các bài trong vụ MobiFone-AVG

"Đó là chưa kể số tiền mà ông Vũ có thể nhận được thông qua Công ty cổ phần viễn thông và truyền thông An Viên (trụ sở chính tại Nha Trang), cũng là một doanh nghiệp liên quan tới ông Vũ, chiếm tới 10,78% cổ phần của AVG", theo Tuổi Trẻ.

Hôm 15/4, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói với BBC :

"Trong vụ này, tôi thấy lại quả là hiện tượng khá phổ biến và trở thành "luật bất thành văn" khi giao dịch với cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Cơ quan, doanh nghiệp nhà nước mua sắm thì thường mua với giá đắt, khi bán tài sản thì lại thường bán với rẻ. Do đó, "lại quả" trong thương vụ AVG là chuyện khó tránh khỏi trong bối cảnh của Việt Nam từ trước đến nay".

"Khi đưa tin về vụ việc, lẽ ra truyền thông Việt Nam cần phải công bằng. Việc MobiFone mua lại 95% cổ phần AVG là thương vụ M&A. Bản chất M&A là mua cái hiện tại để đạt cái tiềm năng trong tương lai. Một khi mua lại pháp nhân (mua lại AVG) bắt buộc MobiFone phải gánh luôn khoản nợ của AVG (trừ khi có thỏa thuận khác với chủ nợ)".

"Cùng một công ty mục tiêu nhưng với các nhà đầu tư khác nhau [với lợi thế riêng của mình, thông tin có được, độ nhạy trong kinh doanh, nắm bắt khuynh hướng thị trường, lợi thế mà công ty mục tiêu đang có… thì sẽ thấy được viễn cảnh và khả năng sinh lời của công ty mục tiêu khác nhau".

"Việc thấy được khả năng sinh lời khác nhau thì sẽ quyết định giá mua khác nhau. Đơn cử, tỷ phú Thái Lan bỏ ra 5 tỷ USD để mua Sabeco nhưng họ vẫn thấy hời vì họ thấy giá trị của Sabeco không chỉ nằm ở tài sản, thương hiệu mà nằm ở hệ thống phân phối của Sabeco. Tỷ phú Thái Lan sẽ tận dụng hệ thống phân phối sẵn có của Sabeco để phân phối các sản phẩm, mặt hàng khác mà họ đang có lợi thế để chiếm lĩnh thị trường bán lẻ của Việt Nam một cách nhanh chóng và chắc chắn".

"Do đó, để rộng đường dư luận, truyền thông Việt Nam cần phải đăng tải đầy đủ thông tin phân tích đánh giá của Mobifone khi quyết định mua lại 95% cổ phần AVG với giá gần 9.000 tỷ đồng chứ không chỉ đơn thuần thông tin bề nổi là "giá mua bán cao hơn giá trị sổ sách gấp nhiều lần".

"Nếu giá mà MobiFone đưa ra phù hợp với dữ liệu và thông tin đánh giá tại thời điểm đó, không thể nói MobiFone "thông đồng với AVG để rút ruột tiền của Nhà nước tại MobiFone". Kinh doanh thì phải có lỗ, có lời. Đầu tư thì phải có thất bại và có thành công. Nếu cơ quan điều tra không chứng minh được bên mua và bên bán đã móc nối và nâng khống giá trị AVG lên để rồi chia nhau khoản chênh lệch đó thì về mặt pháp lý, rất khó thuyết phục khi xử lý hình sự về tội đưa và nhận hối lộ".

"Về lý thuyết thì có hai khả năng : Hoặc năng lực và hiểu biết của cơ quan báo chí về lĩnh vực M&A hạn chế. Hoặc cũng có thể họ đưa tin theo chỉ đạo. Tuy nhiên, đối với các đại án như vụ này, khả năng thứ hai là cao hơn".

Yếu tố chính trị ?

Trả lời câu hỏi của BBC, rằng "khi phiên tòa xử ông Phạm Nhật Vũ diễn ra, các luật sư của ông này sẽ đối mặt với thử thách gì ?", Luật sư Phùng Thanh Sơn đáp :

"Thường các đại án bao giờ cũng có yếu tố chính trị nên trong các vụ án như vậy, luật sư thường không đóng vai trò gì nhiều và vụ AVG cũng không ngoại lệ".

"Một thách thức khác đối với các luật sư của ông Phạm Nhật Vũ trong vụ này là tại Việt Nam các vụ án liên quan đến M&A thì không nhiều. M&A liên quan đến hình sự lại càng hiếm nên tòa án Việt Nam không có nhiều kinh nghiệm để xử lý các vụ M&A. Do đó, tòa sẽ không có tư duy thoáng và chấp nhận các lập luận, quan điểm vốn được thừa nhận rộng rãi trong M&A".

'Tính xác thực của thông tin'

Hôm 16/4, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói với BBC News Tiếng Việt từ Bangkok :

"Tôi cũng theo dõi vụ này nhưng không thấy có cơ sở thông tin và chẳng rõ những con số trên mặt báo có tính xác thực hay không".

"Có những chi tiết về vụ MobiFone-AVG mà các báo đưa lẽ ra cần có kết luận chính thức của cơ quan điều tra thì hơn".

"Tôi rất ngại việc các báo đang đưa tin vụ này không có cơ sở và không rõ các tòa soạn lấy nguồn từ đâu".

"Tôi không dám bàn đến khi không có cơ sở".

Cùng thời điểm ông Phạm Nhật Vũ bị bắt còn có một số cựu quan chức cao cấp bị khởi tố bổ sung với tội danh 'nhận hối lộ', quy định tại Khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015.

Nguyên Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son (2011-2016) và nguyên Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn (2016-2018), cùng hai cựu lãnh đạo cao cấp của MobiFone, ông Lê Nam Trà và ông Cao Duy Hải trước đó đã bị truy tố với tội danh khác.

Cả bốn người này đã đang bị bắt giam, cùng về tội 'vi phạm quy định về sử dụng vốn công, gây hậu quả nghiêm trọng', quy định tại Điều 220 Bộ luật Hình sự 2015.

Vụ bắt ông Phạm Nhật Vũ xảy ra trong không khí Đảng Cộng sản Việt Nam liên tiếp đề cao chiến dịch chống tham nhũng, chống sai phạm, "không có vùng cấm", kể cả với các quan chức cao cấp.

Cũng trong tuần qua, khi dư luận Việt Nam còn chưa dứt bàn thảo tin ông Vũ bị bắt và hai cựu bộ trưởng bị thêm tội danh nhận hối lộ thì mạng xã hội lại nóng lên tin về sức khoẻ của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người đề cao ngọn cờ làm trong sạch bộ máy.

Nếu như trong vụ AVG, báo chí chính thống Việt Nam đầy ắp các chi tiết về từng khoản tiền như thể các nhà báo "là người trong cuộc" thì tin "lề dân" rằng Tổng bí thư, Chủ tịch Trọng có thể phải nhập viện sau chuyến thăm Kiên Giang, lại không hề được nói đến, hay bị bác bỏ trên báo chí nhà nước, nếu đó là tin thất thiệt.

Không ít ý kiến trên mạng xã hội Việt Nam đặt câu hỏi liệu sức khoẻ và tuổi cao của ông Trọng (sinh năm 1944), có ảnh hưởng đến chiến dịch 'đốt lò' hay là không.

******************

Vụ Xuân Anh và Bá Cảnh là thất vọng nữa về 'hạt giống đỏ' ? (BBC, 15/04/2019)

Báo Việt Nam nói về bài học 'quy hoạch cán bộ trẻ' mà chưa đạt yêu cầu qua ví dụ hai ông Nguyễn Xuân Anh và Nguyễn Bá Cảnh, đều ở Đà Nẵng.

avg3

Người ta từng đặt nhiều hy vọng vào lớp 'con ông cháu cha', còn gọi là 'hạt giống đỏ' để trẻ hóa và hiện đại hóa bộ máy lãnh đạo Việt Nam

Bài ký tên Thắng Quang, có tựa đề 'Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Bá Cảnh và bài học quy hoạch cán bộ' đăng trên báo Nhà Đầu tư (14/04/2019) bày tỏ sự thất vọng về hai người này.

"Trường hợp của ông Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Bá Cảnh là cán bộ trẻ, sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống, lý lịch sáng, được đi du học ở nước ngoài.

Đáng tiếc, vì những sai phạm, khuyết điểm, các ông bị kỷ luật và đề nghị kỷ luật nghiêm minh theo quy định".

"Qua đây, có thể thấy rằng, hai vị này đào tạo chưa đạt yêu cầu ; khi được giao trọng trách đã vi phạm nguyên tắc công tác, vi phạm kỷ luật Đảng".

Bài báo đặt ra vấn đề cán bộ trẻ được giao trọng trách thì cần phải cố gắng hơn, hay đã không làm như vậy.

Và với các cấp lãnh đạo đề ra những dự án 'đào tào nhân tài', thì tác giả nêu lời cảnh báo rằng họ "cần nghiêm khắc hơn trong việc chọn lọc, thử thách, trui rèn cán bộ".

Bài báo cũng trích lại lời ông Nguyễn Quốc Phong, nguyên Phó tổng biên tập Thanh Niên, rằng "Hạt giống đỏ thì cần phải đỏ thật, chỉ có vậy thì cây mới bền, rễ mới chắc và mới có thể trường tồn cùng năm tháng".

'Con ông cháu cha' tức Hạt giống đỏ

Khái niệm 'hạt giống đỏ' là của Việt Nam, nhằm chỉ các nhân vật là 'con ông cháu cha', tương đương với 'thái tử đảng' bên Trung Quốc, mà báo chí Phương Tây gọi là 'princelings'.

Họ sinh ra trong các gia đình công thần của chế độ cộng sản, hoặc đơn giản là con em các lãnh đạo trung, cao cấp.

Sự 'may mắn sinh học' này tạo ưu thế về mặt lý lịch, điều rất quan trọng ở các hệ thống đơn đảng và việc làm chính trị là một đặc quyền.

Đây là nhóm được cho là 'tuyệt đối trung thành' nên thường được ưu tiên để đi học, nhận học bổng, đầu tư chuyên ngành, du học, và vào các vị trí quan trọng.

Tuy nhiên, giới chỉ trích cho rằng đây là cách làm phản dân chủ, ưu đãi thân nhân, tạo bè phái, và chỉ đưa đến gia đình trị.

Chưa kể việc lên chức, và bị hạ bệ của họ có thể xảy ra tùy vào uy thế còn nhiều hay ít của cha ông và người bảo trợ hơn là các vấn đề tự thân.

Hồi năm 2011, tác giả Hồng Quân ở Hà Nội đã nhắc đến hiện tượng này trong chính trị Việt Nam trên diễn đàn BBC.

Bài 'Từ hạt giống đỏ đến gia đình trị ?' đã nêu ra ba 'hoàng tử đỏ' khá nổi tiếng.

"Đó là ông Nông Quốc Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, con trai Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam khoá IX và X Nông Đức Mạnh.

Trường hợp thứ hai là ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại Học Kiến Trúc Thành Phố Hồ Chí Minh, con trai Thủ Tướng khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng.

avg4

Đà Nẵng những năm qua nổi bật lên như một đô thị hàng đầu Việt Nam nhưng chính trị của địa phương này cũng là đề tài dư luận quan tâm

avg5

Cảnh trong quán, nhìn ra bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng

Trường hợp thứ ba là ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư quận ủy Liên Chiểu, Đà Nẵng, con trai Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kiểm tra Trung Ương khoá 10 Nguyễn Văn Chi".

Vào thời điểm đó, ông Nguyễn Bá Cảnh, con trai Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, còn chưa xuất hiện trong danh sách những cán bộ trẻ có chờ lên chức cao nữa.

Tuy nhiên, có lập luận cho rằng ngoài tiêu chuẩn trung thành về chính trị, một lớp cán bộ trẻ, được học hành ở nước ngoài, có ngoại ngữ tốt, là nhân tố tích cực cho chính trị Việt Nam.

Hồi 2015, nhà báo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh nói với BBC :

"Thực ra thì trẻ hóa là rất tốt. Hai mươi, hai mươi lăm, ba mươi mà người ta đã làm lãnh đạo chỗ này, chỗ khác thì rất tốt".

Thế nhưng, ông cho rằng "trẻ hóa nó phải do chính người trẻ có tài năng thực sự họ chiếm đoạt được vị trí, họ tranh giành được cái vị trí đó".

Còn ở Việt Nam hiện nay, ông Chênh cho rằng :

"...Phát triển nhân sự lãnh đạo nhà nước, nhân sự cho cán bộ nhà nước, cán bộ đảng, thì trước hết người ta nhắm vào chính gia đình của họ. Sau đó thì mới nhắm ra các đảng viên bình thường khác".

"Và trong dân gian cũng có câu là nhất là hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn rồi mới tới trí tuệ và tôi nghĩ nó cũng đúng luôn trong tình hình này, và bây giờ nó lộ rõ một cách rất công khai và không thể che đậy được nữa".

avg6

Ông Lê Trưởng Hải Hiếu (ngoài cùng, bên phải hình) đã bị kỷ luật

Sang năm 2017, nhà văn Trần Quốc Quân tại Warsaw, Ba Lan có nhắc lại hiện tượng 'hạt giống đỏ' và nêu thêm tên ông Lê Trương Hải Hiếu, con trai ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và bà Tô Linh Hương, con gái ông Tô Huy Rứa nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương, và ông Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.

So sánh với Hoa Kỳ, ông Trần Quốc Quân viết :

"Tại Mỹ, các gia tộc Kennedy, Bush, McCain... nổi tiếng có nhiều chính trị gia thành công trên đỉnh cao quyền lực. Nhưng khác với ở ta, họ được chọn lựa ra thông qua bầu cử dân chủ, minh bạch và công khai".

Nay thì ông Lê Trương Hải Hiếu đã bị kỷ luật 'vì vi phạm trong quan hệ tình cảm', ông Vũ Quang Hải đã bị thay chức ở tập đoàn Sabeco, còn bà Tô Linh Hương đã rút khỏi chức chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaconex PVC từ lâu.

Sau thêm hai ví dụ ông Nguyễn Xuân Anh và Nguyễn Bá Cảnh, có vẻ như tại Việt Nam đang nổi lên ý kiến chính thống rằng mô hình 'hạt giống đỏ' cũng có vấn đề.

*******************

Em trai người giàu nhất Việt Nam bị bắt vì cáo buộc đưa hối lộ (RFI, 13/04/2019)

Công an Việt Nam hôm 13/04/2019 ra lệnh bắt ông Phạm Nhật Vũ, em của tỉ phú giàu nhất Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng, do cáo buộc đưa hối lộ.

avg7

Một trung tâm thương mại thuộc tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng. Wikipedia

Ông Phạm Nhật Vũ, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (Audio Visual Global - AVG), dính líu đến xì-căng-đan nổ ra vào năm ngoái về vụ công ty MobiFone mua lại 95% cổ phần của AVG. Vụ này theo Thanh tra Chính phủ có thể gây thiệt hại cho công quỹ đến 300 triệu đô la.

AFP dẫn thông tin từ báo chí trong nước cho biết Bộ Công an đang điều tra mở rộng vụ án, bắt tạm giam và khám xét nhà ông Phạm Nhật Vũ. Số tiền ông Vũ đưa hối lộ không thấy nói đến.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra cũng bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với hai cựu bộ trưởng Thông Tin & Truyền Thông là Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuần cùng với hai cựu lãnh đạo MobiFone về tội nhận hối lộ.

Ông Phạm Nhật Vũ là em của ông Phạm Nhật Vượng, tỉ phú có tài sản được tạp chí Forbes ước tính 7,6 tỉ đô la. Là người giàu nhất Việt Nam, ông Vượng là chủ tịch tập đoàn VinGroup với số tài sản khổng lồ gồm trong đó có các hệ thống biệt thự nghỉ dưỡng sang trọng, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện ích, siêu thị…trên toàn quốc. Trong đế chế của ông Phạm Nhật Vượng còn có nhà máy sản xuất xe hơi, điện thoại di động, và VinGroup còn tài trợ cho việc tổ chức giải đua xe nổi tiếng Formule 1 lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm tới.

Thụy My

Published in Việt Nam

Và… Cậu ấm Nguyễn Minh Triết (Osin, 29/10/2017)

Không biết tại Đại hội Đoàn toàn quốc kỳ này cậu ấm Nguyễn Minh Triết có còn trơ tráo ngồi lại. Cùng với việc đang rục rịch "thoái vốn" ở một số bất động sản, ông Nguyễn Tấn Dũng nếu còn tỉnh táo thì nên họp gia đình rồi cho cậu ấm Triết trở lại với những ngày vui vẻ bên các hoa khôi, người mẫu...

do1

Ông Nguyễn Minh Triết - con trai út của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định khi mới 27 tuổi, và đã từng tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2010-2015 và đảm nhiệm chức vụ bí thư Tỉnh đoàn Bình Định nhiệm kỳ 2013 - 2017.

Năm 2009, khi sang Anh gặp nhiều sinh viên nghe kể cái cách cậu Triết trở thành "Chủ tịch hội sinh viên Việt Nam tại Anh" mà chỉ biết thở dài. Năm 2008, trong chuyến đi Mỹ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam đã ký bản ghi nhớ mua 10 chiếc Boeing 787-Dreamliner với hãng Boeing. Và, nếu mọi chuyện diễn ra êm xuôi theo cách thu xếp của ông Bắc Hà thì 10 chiếc 787 này đã sử dụng động cơ của Rolls Royce nơi cậu ấm Triết có 6 tháng làm "internship" (chỉ định thay vì đấu thầu) chứ không phải của GE như hiện nay (thắng thầu vào phút cuối).

Không biết BIDV đã quyết toán được những khoản tài trợ khổng lồ cho tỉnh đoàn thời cậu ấm về rửa chân ở Bình Định chưa.

Huy Đức, 29/10/2017

********************

Con trai ông Nguyễn Bá Thanh thôi làm Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng (Zing, 28/10/2017)

Đại hội bầu ra Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng nhiệm kỳ mới thay thế cho ông Nguyễn Bá Cảnh, con trai cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.

Sáng 28/10, Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Thành phố Đà Nẵng khóa XVIII, nhiệm kỳ 2017-2022, kết thúc sau 2 ngày làm việc. Đại hội đã công bố danh sách Ủy viên Ban chấp hành và Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng khóa mới.

do2

Ông Nguyễn Duy Minh tuyên thệ nhận chức Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng. Ảnh : Nguyên Vũ.

Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên khóa XVIII, nhiệm kỳ 2017-2022 khai mạc sáng qua, với sự tham dự của 280 đại biểu đại diện cho hơn 100.000 đoàn viên thanh niên trên địa bàn.

Tại đại hội, ông Nguyễn Bá Cảnh, Bí thư Thành đoàn thay mặt Ban chấp hành tuyên bố hoàn thành các nhiệm vụ được giao và hết nhiệm kỳ.

Sau đó, các đại biểu đã bầu ra Ban chấp hành khóa mới gồm 45 người. Trong đó, có 15 Ủy viên Ban thường vụ Thành đoàn. Đại hội cũng bầu ra Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng nhiệm kỳ mới, thay thế cho ông Nguyễn Bá Cảnh (sinh năm 1983, quê quán ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, con trai của ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Trưởng Ban Nội chính trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng).

do3

Ông Nguyễn Bá Cảnh. Ảnh : Đoàn Nguyên.

Theo kết quả bầu cử công bố sáng nay, Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng nhiệm kỳ mới là ông Nguyễn Duy Minh. Ông Minh trước đó giữ chức Phó Bí thư phụ trách Thành đoàn Đà Nẵng (khóa XVII). Còn hai Phó Bí thư là ông Nguyễn Mạnh Dũng và bà Nguyễn Hà Thảo Chi. 

Trước đó, ngày 26/8, Thành ủy Đà Nẵng đã có quyết định điều động ông Nguyễn Bá Cảnh giữ chức phó Ban Dân vận Thành ủy.

Nguyên Vũ

Published in Việt Nam