Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/07/2019

Những hạt giống đỏ đã trỗ thành cây gì sau khi gieo ?

Nhiều tác giả

Ai đã khiến những 'hạt giống đỏ' sớm bị thui chột

Các cụ xưa đã nói, cái gì nhanh đến sẽ nhanh đi. Việc "thành đạt" sớm khi chưa đáp ứng điều kiện sẽ sớm bộc lộ những hạn chế, yếu kém.

Những cái tên như Vũ Minh Hoàng, Nguyễn Xuân Anh, Lê Phước Hoài Bảo và gần đây là Trần Văn Mẫn, Nguyễn Bá Cảnh… đều là những cán bộ trẻ, cùng có xuất phát điểm là "con ông cháu cha", được kỳ vọng là những "hạt giống đỏ" của đất nước. Tưởng rằng tương lai đang nằm trong tầm tay, nhưng người bị kỷ luật, người tuy không bị kỷ luật, với nhiều lý do, sự nghiệp chính trị của họ đều đã dừng lại.

hat1

Nhiều "hạt giống đỏ" của đất nước đã bị "chín lép"

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, người từng cảnh báo về tình trạng con ông cháu cha kiểu "5c - con cháu các cụ cả", thêm "6ệ - tiền tệ, hậu duệ, quan hệ, ngoại lệ, đồ đệ, trí tuệ" dẫn đến tình trạng "5đ - đố điều đi đâu được", nói vui, té ra "ngựa hay phải chạy đường dài" nhưng mới chạy được một đoạn ngắn đã người thì đuối sức, người "sa xuống hố".

Vị Đại biểu quốc hội khóa 13 cho rằng, qua những trường hợp trên có thể thấy rằng, con ông cháu cha nếu có phẩm chất, năng lực tốt không tội gì không bổ nhiệm. Nhưng ngược lại, nếu chưa đủ độ chín, chưa đủ thời gian thử thách để trưởng thành, mà bổ nhiệm cán bộ thần tốc như thế thì tình trạng "nửa đường đứt gánh" đã nhìn thấy trước, thậm chí có người còn chưa được nửa đường, mới được bổ nhiệm thì đã bị bãi miễn.

"Ví như trong quân đội, để lên được cấp tá, cấp tướng, bộ đội cũng phải qua chiến đấu, đi lên từ binh nhất, binh nhì, cấp úy, bao nhiêu năm mới lên được một cấp. Nghề nghiệp, lĩnh vực nào cũng vậy, đều phải đi từ thấp lên cao, phải mất hàng chục năm mới lên được", ông Tiến liên hệ. 

Câu chuyện cán bộ trẻ "chín nhanh, chín ép" đã để lại bài học đau xót, nó cho thấy công tác cán bộ cần phải thật kỹ càng và thận trọng hơn nữa. Thậm chí phải để họ được tôi luyện ở những môi trường khắc nghiệt để xem có đủ phẩm chất và năng lực hay không, chứ không thể nâng đỡ kiểu "túm tóc kéo lên", ông Lê Như Tiến bộc bạch.

"Con ông cháu cha" được xem như những "hạt giống đỏ" của đất nước, thừa hưởng nền tảng tri thức của gia đình, đều được đào tạo bài bản. Nên, nếu không tôi luyện để họ có bản lĩnh vững vàng trong thực tiễn công tác, đạt được độ "chín" cả về tâm lẫn tầm, mà "đốt cháy giai đoạn", đặt họ vào chiếc ghế quá lớn, quá rộng, là làm hại họ, là góp phần cản trở, thậm chí rút ngắn con đường chính trị của họ.

Ngược lại, là "con ông cháu cha", không thể ỷ thế "hạt giống đỏ", tự cho mình nghiễm nhiên được hưởng "phép lợi thế" từ cha ông. Họ phải có lòng tự trọng để biết giữ mình, giữ gìn truyền thống gia đình, không để mang tiếng "chín ép", ông Lê Như Tiến bình luận.

Chỉ ra một trong nhiều nguyên nhân khiến những "hạt giống đỏ" sớm bị thui chột do được đẩy lên quá nhanh, quá thần tốc, quá bất ngờ và quá bất thường, ông Lê Như Tiến cho rằng, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong việc bổ nhiệm. Đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan tổ chức cán bộ - những người gác gôn về công tác tổ chức cán bộ cho các cấp ủy và các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

"Cần có một cơ quan thẩm tra, thẩm định khách quan để đánh giá việc bổ nhiệm. Không thể, cơ quan, tổ chức nào cũng có đầy đủ cấp ủy đảng, lãnh đạo chính quyền, công đoàn, thanh niên, phụ nữ, mặt trận nhưng khi xảy ra sai phạm ít thấy ai lên tiếng chịu trách nhiệm. Quy trình rất chặt chẽ, mà vẫn để "con voi lọt qua lỗ kim" thì phải quy trách nhiệm rõ ràng", ông Tiến nêu quan điểm.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, không phủ nhận chủ trương của Đảng là khuyến khích người trẻ phát triển tốt, nếu xứng đáng, đủ tiêu chuẩn đưa họ lên chỉ có lợi cho đất nước.

Chủ trương là vậy nhưng người trẻ ngồi vào những vị trí trọng trách đòi hỏi phải có đầy đủ tiêu chuẩn. Thậm chí phải để cho họ được tôi luyện trong thực tiễn, trong những môi trường khó khăn, phức tạp để người trẻ tích lũy cho mình đầy đủ bản lĩnh, kinh nghiệm mới hy vọng không sa vào những sai lầm.

Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích, những trường hợp đặc biệt được nhắc ở trên rõ ràng chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn. Sở dĩ họ được đẩy lên là vì sự nể nang, lấy lòng cấp trên. Các cụ xưa đã nói, cái gì nhanh đến thì sẽ nhanh đi. Đẩy lên sớm khi chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện sẽ sớm bộc lộ những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm.

Ngược lại, những lãnh đạo có con em thuộc diện "hạt giống đỏ" trước khi chấp nhận ân huệ cho con mình, hãy nhớ tới quy định làm gương, trách nhiệm người đứng đầu để cân nhắc có nên lợi dụng sự nể nang, lấy lòng của cấp dưới mà đẩy con mình lên nhanh một cách bất thường hay không.

Cùng với đó, nên nhìn nhận một cách nghiêm túc, sòng phẳng năng lực, phẩm chất của con em mình bởi không nhất thiết cứ phải trở thành ông nọ, bà kia mới là đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Quan trọng là họ làm được gì cho quê hương, đất nước.

Hà Thanh

Nguồn : vov.vn, 12/07/2019

***********************

Con trai Lê Thanh Hải : ‘Sâu chúa’ hay là người ‘vì dân, vì nước’ ?

T.K, Người Việt, 11/07/2019

"Tôi sẵn sàng nhận gánh nặng vì lợi ích của người dân. Với trách nhiệm của chính quyền địa phương, chúng tôi rất trăn trở khi đời sống của người dân khó khăn quá". Đó là phát ngôn của ông Lê Trương Hải Hiếu, chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 12 và là một trong hai con trai của cựu Bí thư Thành ủy ở Sài Gòn Lê Thanh Hải, được báo Zing dẫn lại hôm 12 tháng Bảy.

hat1

Ông Lê Trương Hải Hiếu. (Hình : Zing)

Phát ngôn của ông Hải được đưa ra trong bối cảnh một tuần trước đó, người chú ruột của ông Hiếu, ông Lê Tấn Hùng, tổng giám đốc Tổng công ty Nông Nghiệp Sài Gòn (Sagri) bị bắt và khởi tố với cáo buộc "có hàng loạt sai phạm trong quản lý tài chính, đất đai, dự án".

Tờ Zing viết thêm : "Ông Hải đề xuất cho xây nhà tạm trên khu đất chưa thực hiện quy hoạch, chưa thu hồi để tránh thiệt thòi cho người dân. Theo ông, khó khăn của người dân xuất phát từ việc có nhà đất nằm trong quy hoạch công trình công cộng, giao thông, công viên… nên không được sửa chữa. Quy hoạch càng chậm thực hiện thì nhà dân ngày càng xuống cấp trong lúc thành viên trong gia đình tăng lên. Với những khu chưa thực hiện quy hoạch, ông kiến nghị bồi thường cho dân trước để người dân dùng tiền đó ổn định cuộc sống. Nếu chưa bồi thường thì cho phép họ xây dựng tạm".

Phát ngôn mới nhất của ông Hiếu khiến người ta nhớ đến việc cha của ông hồi cuối tháng Sáu đột nhiên xuất hiện và mạnh miệng đăng đàn về việc "kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng và lợi ích nhóm" trong lúc bản thân ông bị công luận cho là "sâu chúa" trong vụ cướp đất ở Thủ Thiêm và hình thành một đế chế trong đó quan chức bắt tay với các chủ doanh nghiệp bất động sản để thâu tóm đất công.

Tuy vậy, vẫn có người dành thiện cảm cho ông Hiếu. Luật sư Phạm Công Út viết trên trang cá nhân : "Ai nói gì thì nói, riêng tôi công nhận Lê Trương Hải Hiếu đã để lại dấu ấn rất tốt mà tôi nhìn thấy. Đó là những cơ quan tổ chức, hoặc cơ quan công quyền mang tính điều khiển thông minh và thân thiện với người dân và cả những công chức làm việc ở đó. Luôn cả việc điều hành một cơ quan hành chính địa phương của ông cũng có những sáng kiến táo bạo, có lợi cho người dân. Dư luận thường a dua theo đám đông và phủ nhận tất cả dù họ thích hay không thích, biết hay không biết một cách bất công".

Ông Hiếu được cho là niềm hy vọng còn sót lại trong gia đình Lê Thanh Hải, vì người con trai còn lại, Lê Trương Hiền Hòa, khá mờ nhạt với vị trí chuyên viên tại Sở Du lịch ở Sài Gòn và chỉ được biết đến trong quan hệ tình cảm với diễn viên Lý Nhã Kỳ.

Tuy nhiên, hiện tại, triển vọng chính trị của ông Hiếu không có gì là chắc chắn, vì hồi tháng Tư, 2018, ông từng bị khiển trách vì "vi phạm trong quan hệ tình cảm với một phụ nữ", dù ông chưa chính thức lập gia đình.

Báo điện tử VietnamNet thời điểm đó cho biết : "Ông Hiếu đã vi phạm trong việc có quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng chậm báo cáo với tổ chức. Căn cứ các quy định của đảng về xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo các tổ chức đảng có thẩm quyền tại Đảng Bộ quận 12 tổ chức kiểm điểm, xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Hiếu".

Theo "tập tục" của Đảng cộng sản Việt Nam, khi một giới chức bị kỷ luật về chuyện trai gái, người đó nghiễm nhiên xem như không còn cơ hội được "tổ chức" cất nhắc.

Nhìn vào trường hợp của một "hạt giống đỏ" khác, ông Nguyễn Bá Cảnh, con trai ông Nguyễn Bá Thanh, mới đây "thanh bại danh liệt", bị cách tất cả các chức vụ trong đảng và Hội Đồng Nhân Dân ở Đà Nẵng vì tội "ngoại tình và có con riêng với vợ hai", người ta thấy ông Hiếu khó có khả năng tiến xa ngoài vị trí "lãnh đạo cấp quận". (T.K.)

********************

Trần Văn Mẫn, Nguyễn Bá Cảnh và kết cục 'hạt giống đỏ'

Ben Ngô, BBC, 09/07/2019

Một nhà quan sát từ Đà Nẵng nói với BBC rằng điều đáng kể nhất sau các vụ của Trần Văn Mẫn, Nguyễn Bá Cảnh là "từ nay các quan chức khi nghĩ đến việc đưa con họ vào bộ máy sẽ phải do dự".

hat2

Chính trường tại Đà Nẵng từng sôi động với sự xuất hiện của những "hạt giống đỏ"

Tin cho hay, hôm 7/7, ông Trần Văn Mẫn vừa xin thôi việc ở Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng, nơi ông làm trưởng phòng Đấu thầu-Thẩm định và giám sát đầu tư.

Ông Mẫn là con trai ông Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng hiện đang ở tù vì cáo buộc liên quan đến các vụ án của ông Phan Văn Anh Vũ, tự Vũ "nhôm".

Trước đó, hôm 6/7, ông Nguyễn Bá Cảnh, con trai ông Nguyễn Bá Thanh, xin thôi làm đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021.

Động thái của ông Cảnh được đưa ra sau khi ông này đã bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng vì "Vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống".

Các ông Trần Văn Mẫn, Nguyễn Bá Cảnh, cùng với ông Nguyễn Xuân Anh, Lê Phước Hoài Bảo từng được đánh giá là những "hạt giống đỏ" nhận được nhiều kỳ vọng.

'Lựa chọn cá nhân'

Hôm 8/7, nhà báo Nguyễn Trung Bảo, cựu thư ký tòa soạn báo Một Thế Giới bình luận với BBC :

"Theo như tôi hiểu, chuyện ông Trần Văn Mẫn, Nguyễn Bá Cảnh nghỉ là lựa chọn cá nhân thôi".

"Với trường hợp ông Mẫn, trước đây là chỗ quen biết nên tôi có khuyên ông ấy nên suy nghĩ kỹ để có lựa chọn phù hợp nhất với chuyên môn và hoàn cảnh".

"Nay ông Mẫn quyết định ra khỏi vị trí làm việc cho Nhà nước thì tôi vẫn tin ông ấy có khả năng đóng góp nhiều điều cho xã hội".

"Nhìn chung cả bốn trường hợp ông Mẫn, Cảnh, Xuân Anh và Hoài Bảo đều là đáng tiếc vì ai cũng biết khu vực dịch vụ công ở Việt Nam đang rất cần những người có khả năng và nhất là có tư duy cởi mở năng động".

"Đối với nhận định họ bị ảnh hưởng khi cha mình sa cơ thất thế thì dư luận đúng là có cái nhìn như vậy".

"Tuy nhiên, cái khác của trường hợp ông Mẫn đó là ông ấy không nghỉ vì có bất kỳ sai phạm nào, mà là tự ý nghỉ khi cảm thấy mình muốn chọn lối đi khác".

"Do vậy, tôi nghĩ trường hợp ông Mẫn không giống với các trường hợp còn lại nên không so sánh được".

hat3

Ông Trần Văn Mẫn được cho là nghỉ việc "theo nguyện vọng cá nhân"

"Theo tôi, cả bốn nhân vật nêu trên đều là người có trình độ. Tôi tin họ đều có cái nhìn về xã hội và chính trị khác với cái nhìn của lớp người làm chính trị đi trước. Do đó, tôi nghĩ việc họ bước ra khỏi bộ máy không phải là điều gì đáng để vui".

"Cái duy nhất được sau sự kiện này đó là từ nay, các quan chức khi nghĩ đến việc đưa con họ vào bộ máy sẽ phải do dự vì biết đâu chuyện sau này, khi có chuyện xảy ra với họ thì con cái sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Và rõ ràng hơn, không phải chỉ là những lời đồn đoán "thất sủng" như ngày xưa mà là còn phải đi ra khỏi bộ máy".

hat4

Ông Nguyễn Bá Cảnh từng được xem là một trong những "ngôi sao đang lên" của Đà Nẵng

'Hạt giống đỏ' Việt Nam khác gì Trung Quốc ?

Cũng trong hôm 8/7, từ Hà Nội, bà Như Trúc, dịch giả về chính trị - xã hội Trung Quốc nói với BBC :

"Để hiểu chuyện "hạt giống đỏ" ở Việt Nam thì có lẽ nên nhìn qua Trung Quốc".

"Về bối cảnh lịch sử, thì những thái tử đảng của Trung Quốc, nếu những ai tham gia chính quyền hay quân đội thì đều có chức cao sau này".

"Vào thời kỳ Mao Trạch Đông thì cha anh của họ đều bị đánh đổ, họ phải một là tham gia quân đội, hai là đi lao động ở nông thôn".

"Những năm 1970-1980, họ lựa chọn đi xuống các huyện cơ sơ vùng sâu xa làm lên sự nghiệp".

"Trong số này bao gồm Tập Cận Bình, Lưu Nguyên, Bạc Nhất Ba..".

"Nhưng mà tính ra cũng chỉ có một lớp thái tử đảng đó là nổi nhất thôi, các lớp sau này thì không còn thái tử gì nữa".

"Trở lại chuyện Việt Nam, tôi có cảm tưởng thế hệ Xuân Anh, Bá Cảnh nên gọi thẳng là con ông cháu cha, sống trong nhung lụa từ bé".

"Các ông này đi học nước ngoài về nhưng có thấy họ làm gì được đáng kể hoặc kinh qua sương gió gì".

"Vậy mà người ta thấy họ vẫn được bố trí vào bộ máy, gia đình sắp xếp cho thăng tiến như tên lửa, 35, 40 tuổi đã lên chức to đùng".

"Quan trọng là quyền lực của "hạt giống đỏ" Việt Nam tới quá nhanh, quá dễ, gần như không được thử thách gì về năng lực lãnh đạo cả".

"Thêm nữa là những thăng tiến của thái tử đảng Việt Nam mới chỉ xuất phát từ các thế lực địa phương làng nhàng. Họ không lên tiếp được ở trung ương, có thể là vì cha anh về vườn một thời gian hết ảnh hưởng thế lực".

"Những điều đó khiến "hạt giống đỏ" Việt Nam thua xa Trung Quốc, những người phải lên từng nấc một, nhưng họ làm tới cấp tướng hoặc bộ trưởng Thương mại".

"Điều đó khiến dư luận xã hội bất bình về "hạt giống đỏ" Việt Nam, đến khi họ gặp vấn đề, người ta không chia buồn".

Ben Ngô

Nguồn : BBC, 12/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 819 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)