Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/07/2019

Từ vụ bán cảng Quy Nhơn đến thực trạng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Nguyễn Hồng Phúc

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ký văn bản với nội dung : Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Vinalines cổ phần hóa cảng Quy Nhơn theo phương thức : Vinalines nắm giữ 49% vốn điều lệ... Sau đó, ông tiếp tục ký công văn cho phép bán hết vốn của Vinalines tại cảng này.

cang1

Với chỉ đạo trên, theo nhận định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thì chỉ trong vòng chưa tới 2 năm, cảng Quy Nhơn từ tài sản Nhà nước đã về tay doanh nghiệp tư nhân. Quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn bị Thanh tra Chính phủ kết luận là có sai phạm.

Có thật là đã hớ giá ?

Đọc tin tức trên báo chí liên quan vụ ‘bán cảng Quy Nhơn’, hầu hết đều hướng độc giả đến cách nghĩ là tài sản Nhà nước đã về tay tư nhân bằng cái giá bèo bọt.

Thực tế thì không hẳn vậy.

Sau cổ phần hoá, doanh thu bình quân của cảng Quy Nhơn đạt 552,31 tỷ đồng/năm, tăng gần 47,47% so với giai đoạn trước cổ phần hóa (chỉ đạt hơn 374,5 tỷ đồng/năm). Lợi nhuận trước thuế tăng gần 330% từ 20,71 tỷ đồng/năm lên hơn 89 tỷ đồng/năm. Tổng doanh thu mục tiêu trong năm nay là 770 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 125 tỷ đồng. Lưu ý, mức doanh thu này cao gấp 2 lần trước khi cảng Quy Nhơn tiến hành cổ phần hoá.

Tuy nhiên đó là câu chuyện của trước tháng 6/2019.

Năm 2013, doanh nghiệp chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, với tên gọi Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn với vốn điều lệ hơn 404 tỷ đồng, trong đó Vinalines (Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) nắm giữ hơn 75%, còn lại các cổ đông nắm giữ 24,9%. Sau đó số cổ phần Vinalines nắm giữ đã được chuyển giao cho Công ty Hợp Thành.

Tại kết luận thanh tra ngày 17/09/2018, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn có nhiều điểm chưa đúng với quy định của pháp luật nên đã kiến nghị giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, thu hồi hơn 75% cổ phần tại cảng Quy Nhơn đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành.

Ngày 29/05/2019, Vinalines đã chính thức tiếp nhận lại hơn 30,3 triệu cổ phần cảng Quy Nhơn (mã QNP, tương ứng 75,01% vốn điều lệ) từ Công ty cổ phần Khoáng sản Hợp Thành. Một tháng sau đó (ngày 29/6), Vinalines chính thức tiếp nhận quyền quản lý, điều hành tại đại hội đồng cổ đông cảng Quy Nhơn ngày 29/6.



Có một vấn đề đặt ra, là phía công ty tư nhân đã mua cảng Quy Nhơn và sau thời gian điều hành đã giúp tăng giá trị của tài sản nơi đây so trước khi cổ phần hóa. Liệu vấn đề đó sẽ được tính toán ra sao khi kết luận rằng "tài sản Nhà nước đã về tay tư nhân bằng cái giá bèo bọt" ?

Đồng vốn của tư nhân luôn được chăm chút quản trị

Nhà đầu tư trong thương vụ này đưa ra bốn vấn đề :

Thứ nhất là giá mua cổ phần Công ty Hợp Thành đã thanh toán cho Vinalines để nhận chuyển nhượng 75,01% cổ phần cảng Quy Nhơn (hơn 415 tỷ đồng). 

Thứ hai là giá trị tài sản gia tăng của cảng Quy Nhơn trong giai đoạn Công ty Hợp Thành tham gia quản lý điều hành (hơn 336 tỷ đồng). 

Thứ ba, chi phí cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp cùng ngành cảng biển (78,4 tỷ đồng). 

Thứ tư là giá trị đầu tư công sức, chất xám, trí tuệ trong giai đoạn quản lý, điều hành để nâng cao năng suất, doanh thu, lợi nhuận cho cảng Quy Nhơn, và mức tổn thất của nhà đầu tư trong lợi nhuận kế hoạch tương lai đã xác định trong phương án kinh doanh mất đi khi thực hiện thoái 75,01% cổ phần cảng Quy Nhơn (26,5 tỷ đồng).

Với cách tính kể trên, để mua lại cảng Quy Nhơn, cho thấy số tiền mà Vinalines phải bỏ ra để thanh toán cho Hợp Thành là hơn 751 tỷ đồng.

Dĩ nhiên là Vinalines không đồng ý. Theo Vinalines, từ khi tham gia quản lý, điều hành cảng Quy Nhơn, Hợp Thành chưa đầu tư thêm vốn, tài sản vào cảng Quy Nhơn. Vốn điều lệ doanh nghiệp vẫn giữ nguyên 404,09 tỷ đồng như thời điểm cổ phần hóa cảng và thời điểm chuyển nhượng số cổ phần trên.

"Tài sản của cảng Quy Nhơn gia tăng từ nguồn lực tài chính của cảng và nguồn vốn vay thương mại. Trong khi, phương án đề xuất giá của Công ty Hợp Thành bao gồm cả tài sản được cảng Quy Nhơn đầu tư, mua sắm trong giai đoạn 2014-2018, điều này không đúng theo ý kiến của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại thông báo số 88/TB-VPCP là các định các khoản đầu tư, chi phí hợp lệ mà Hợp Thành đã bỏ ra kể từ khi nhận chuyển nhượng đến khi hoàn trả 75,01%". Một báo cáo của Vinalines viết.

Trước khi mua cảng Quy Nhơn, ông chủ của công ty Hợp Thành góp 24% vốn tại Công ty cổ phần Cảng Vinalines Đình Vũ (vốn điều lệ 200 tỷ đồng). Vinalines góp 51% vốn điều lệ. Người từng được coi là ông chủ của Hợp Thành vốn thuộc phe nhóm của Trịnh Xuân Thanh, thời ông này làm chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam.

Tạm gác qua liên tưởng về hệ lụy domino của trục Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh, tình huống đặt ra là nếu bên mua cảng Quy Nhơn ở mấy năm về trước là tỉ phú Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakdi, tương tự như vụ ông này đã thâu tóm Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vào cuối năm ngoái, thì liệu mai này giả dụ có một cuộc thanh tra ‘kiểu như cảng Quy Nhơn’, liệu có cách nào để đòi lại được thương hiệu bia Sài Gòn ?

Quản trị bằng luật, đừng nên bằng chỉ thị hay nghị quyết Đảng

Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2011 – 2018, cả nước đã cổ phần hóa được hơn 600 doanh nghiệp nhà nước, tổng giá trị thu về cho ngân sách từ thoái vốn Nhà nước đạt khoảng 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc các doanh nghiệp chưa phân định rõ giữa chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đã dẫn đến tình trạng bình mới rượu cũ, hiệu quả hoạt động chưa cao sau cổ phần hóa.

Để tránh chuyện ‘bán rồi, thấy hớ giá, bèn đòi lại’ như vụ cảng Quy Nhơn, chính phủ Việt Nam cần xây dựng và công khai hóa chiến lược, chính sách đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước. Minh bạch hoá thông tin hàng năm về đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, danh sách và số lượng doanh nghiệp có vốn nhà nước ; mức độ đầu tư, hiệu quả đầu tư ; hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước.

Thể chế hóa công tác giám sát, đánh giá doanh nghiệp nhà nước bằng quy định pháp luật. Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước, các tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả vốn đầu tư Nhà nước cả về định tính và định lượng, các tiêu chí đánh giá, giám sát rủi ro tài chính và quản trị doanh nghiệp Nhà nước theo cấp độ công ty mẹ và cả tập đoàn.

"Phải theo luật, chứ không phải điều hành theo ý chí của đảng thông qua những văn bản gọi là chỉ thị, là nghị quyết, để rồi sau này đụng chuyện phải hầu tòa, thì nắm đàng lưỡi luôn là cấp thừa hành. Những vị ký nghị quyết, ký chỉ thị hay thông báo chẳng chịu liên đới gì. Đinh La Thăng là một dẫn chứng của tấn bi kịch nghiệt ngã ấy !" Luật sư Trần Thành, nhận xét.

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 12/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 628 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)