Cuộc đấu không cân sức giữa chính quyền và dân
Khánh An, VOA, 17/01/2019
Những diễn tiến "hậu cưỡng chế" ở khu vực vườn rau Lộc Hưng tiếp tục căng thẳng sau khi hàng trăm ngôi nhà ở ở nơi đây đã bị san thành bình địa vào tuần qua.
Một người dân lấy thân mình chặn xe ủi đến cưỡng chế phá nhà ở vườn rau Lộc Hưng.
Sự thật đang bị bóp méo ?
Hôm 16/1, Công an quận Tân Bình thông tin trên báo chí rằng cơ quan này đang "củng cố hồ sơ" để xử lý gần 20 người có hành vi gây rối trật tự công cộng, chống đối lực lượng và chống người thi hành công vụ ở khu đất vườn rau Lộc Hưng.
"Khu vực vườn rau Lộc Hưng thuộc phường 6 là nơi có tình hình an ninh trật tự phức tạp, có nhiều thành phần bất hảo, nghiện ma túy, tổ chức đá gà… Qua nhiều lần theo dõi, công an đã phát hiện xử lý rất nhiều trường hợp phạm pháp", báo Dân Việt trích thông tin từ Công an quận Tân Bình để mở đầu cho bản tin về việc xử lý "nhóm chống đối" ở khu vườn rau Lộc Hưng.
Vẫn theo công an Tân Bình, trong khi tiến hành cưỡng chế, họ đã phát hiện "có phòng cách âm và thiết bị ghi âm, ghi hình phục vụ cho các hoạt động truyền thông, tài liệu có nội dung tuyên truyền xấu", đồng thời cho biết "đã xác định các đối tượng cầm đầu và đang củng cố hồ sơ xử lý nghiêm trước pháp luật", trích Dân Việt.
Trước đó, chính quyền phường 6, quận Tận Bình, đã tiến hành hai đợt cưỡng chế vào ngày 4/1 và 8/1, phá bỏ hàng trăm ngôi nhà của người dân khu vực vườn rau Lộc Hưng với lý do là những ngôi nhà này đã được xây dựng trái phép trên "đất công".
Mặc dù báo chí nhà nước hoàn toàn im tiếng vào thời điểm diễn ra cưỡng chế, nhưng qua những thông tin được cập nhật trên mạng xã hội, nhiều tầng lớp dân chúng đã lên án vụ cưỡng chế là "phi pháp" và "phi nhân" khi chính quyền thực hiện việc cưỡng chế một cách bất ngờ và gấp rút ngay vào những ngày sát Tết Nguyên Đán, là dịp mà mọi gia đình lẽ ra phải được sum họp, quây quần, chứ không phải rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất".
Lên tiếng "lý giải" trên báo chí hôm 15/1, sau khi đã "làm việc" với Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo quận Tân Bình nói rằng "Hiện nay không quy định cấm cưỡng chế ở một khoảng thời gian nhất định nào, nhưng lưu ý là phải trước Tết 15 ngày", báo Vietnamnet dẫn lời của một lãnh đạo giấu tên của UBND quận Tân Bình.
Vẫn thông qua báo chí nhà nước, chính quyền quận Tân Bình thông tin cho công chúng rằng có đến 134 hộ dân trong khu vực vườn rau Lộc Hưng là có nhà ở bên ngoài. Nhưng theo lời ông Cao Hà Trực, một đại diện của người dân vườn rau Lộc Hưng, nói với VOA thì thông tin này "không đúng sự thật" vì không thể xem nhà của con cái đã trưởng thành và ra riêng là của các hộ gia đình ở đây được.
Ngoài việc bị truyền thông nhà nước nhắm vào theo hướng "nhóm người chống đối", những người từng sống ở vườn rau Lộc Hưng thông tin cho VOA rằng họ hiện đang "gặp nguy hiểm", "bị theo dõi" vì đã lên tiếng và cố gắng đưa những thông tin về vụ cưỡng chế ra cho công chúng.
Cuộc đấu không cân sức
Cho tới nay, đã có gần 20 luật sư nhận lời trợ giúp pháp lý cho người dân ở vườn rau Lộc Hưng, và tất cả các thông tin từ phía người dân đều được "minh bạch hóa" thông qua truyền thông xã hội.
Trong khi đó, một đại diện của "Nhóm Luật sư Lộc Hưng" nói với VOA hôm 16/1 rằng phía chính quyền đến nay vẫn chưa đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào để khẳng định việc làm của mình là đúng theo pháp luật, ngoại trừ một thông báo cưỡng chế được đưa ra vào ngày 5/1, tức là sau khi công việc đã được tiến hành.
"Nếu cưỡng chế theo diện trái phép thì phải có các quy định chặt chẽ, tống đạt đến từng người, có các biên bản… Về điều này thì chúng tôi được người dân báo là không có. Tuy nhiên, chính quyền nói là họ có làm, nhưng họ vẫn chưa trưng ra được các quyết định, biên bản cưỡng chế…", Luật sư Trần Vũ Hải, đại diện cho nhóm luật sư, nói với VOA.
"Chỉ có một thông báo cấp phường, với những viện dẫn không căn cứ theo Luật Đất Đai, pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính hay nghị định của chính phủ về việc tháo dỡ, xử phạt hành chính vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, mà chỉ căn cứ vào chủ trương của UBND thành phố hay thông báo của Thành ủy thành phố", Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, cũng thuộc nhóm luật sư, giải thích thêm với VOA.
Từ năm 1999 đến giờ, có vị lãnh đạo nào dám đối thoại với dân tới nơi tới chốn rằng đất này là đất của nhà nước, là đất công hay không ? Hay là vẫn còn thiếu nợ người dân câu trả lời ?
Ông Cao Hà Trực, đại diện người dân vườn rau Lộc Hưng.
Theo Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, việc tiến hành cưỡng chế trên thực tế cũng có nhiều điểm không giống như trong thông báo.
"(Thông báo) nói rằng cưỡng chế những căn nhà xây dựng trái phép từ thời điểm ngày 1/1/2018, tức là diễn ra trong năm 2018, nhưng khi thực hiện cưỡng chế họ lại cưỡng chế toàn bộ khu vực vườn rau Lộc Hưng rộng gần 5 ha, trong đó có nhiều căn nhà đã được xây dựng từ nhiều năm trước".
Sau khi hoàn thành việc cưỡng chế, chính quyền đã cho lực lượng túc trực ngày đêm trong khu vực này và không cho người dân quay trở lại để thu gom sắt vụn, gạch vụn, tôn… để bán, mặc dù đây vẫn được xem là tài sản của người dân, theo nhận định của Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc.
Sẽ có khởi tố hình sự ?
Luật sư Trần Vũ Hải, người từng là trung gian kết nối giữa người dân ở Đồng Tâm với chính quyền trong vụ phản đối cưỡng chế đất nổi tiếng vào năm 2017, nhận định với VOA rằng "không sớm thì muộn sẽ có vụ án khởi tố hình sự đối với những người làm sai" trong vụ cưỡng chế phá nhà ở vườn rau Lộc Hưng.
"Chúng tôi hiện đang nghiên cứu, xem xét những chứng cứ, tài liệu do người dân cung cấp và yêu cầu các cơ quan chức năng cũng phải cung cấp các thông tin mà họ cho rằng họ làm đúng, có căn cứ", Luật sư Hải cho biết.
Một khế ước thuê ruộng trước năm 1975 của người dân canh tác ở vườn rau Lộc Hưng (FB Hai Van Nguyen).
Những ngày qua, phía người dân đã liên tục trưng ra các giấy tờ, bằng chứng để chứng minh cho lập luận của họ rằng (1) việc cưỡng chế là sai quy định của pháp luật, và (2) họ hội đủ tiêu chuẩn để được cấp sổ đỏ trên khu đất đã sinh sống từ năm 1955.
"Từ năm 1999 đến giờ, có vị lãnh đạo nào dám đối thoại với dân tới nơi tới chốn rằng đất này là đất của nhà nước, là đất công hay không ? Hay là vẫn còn thiếu nợ người dân câu trả lời ?", ông Cao Hà Trực nói với VOA.
"Chúng tôi có niềm tin rằng người dân nói đúng, những lập luận của họ là có lý", Luật sư Trần Vũ Hải nói.
"Nếu chính quyền nói họ coi đây là đất thuộc quyền quản lý trực tiếp của nhà nước thì họ hãy đưa ra các bằng chứng pháp lý. Chúng tôi thấy rằng các bằng chứng và căn cứ pháp lý của họ là không có. Trong khi đó, Luật Đất đai của Việt Nam công nhận cho những người sử dụng đất lâu dài từ trước tới nay mà không có tranh chấp, kể cả không có giấy tờ, thì phải được cấp giấy chứng nhận sử dụng hợp lệ", Luật sư Hải nói thêm.
Một văn bản nêu "quan điểm của Tòa Tổng Giám mục về quyền lợi và nghĩa vụ của các hộ dân canh tác tại khu ‘Vườn rau’, phường 6, quận Tân Bình" vào năm 2007 cũng xác nhận khu đất này "hoàn toàn không phải đất của nhà nước cũ sở hữu", là điểm mà chính quyền dựa vào và cho rằng khu vực này là "đất công" sau năm 1975.
"Nhà nước cũ chỉ sở hữu 1 phần nhỏ (1,5 ha), diện tích còn lại thuộc quyền sở hữu của Giáo hội (3 ha) và một số sở hữu khác. Dù vậy, Công văn số 5201/BTNMT-ĐĐ ngày 23/11/2006 lại vô tình hay hữu ý ghi : ‘…thời Pháp thuộc, 4,8 ha đất mà các hộ dân đề nghị được xác nhận quá trình sử dụng đất tại phường 6, quận Tân Bình thuộc 6,8 ha đất do Quốc gia Việt Nam và Hội đồng quản trị công giáo địa phận Sài Gòn đứng bộ được chính quyền Pháp sử dụng với mục đích chính là làm bãi anten cho đài phát tín…’".
Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều luật sư, chuyên gia pháp lý cũng "nghiêng" về phía người dân khi đưa ra các bài phân tích về vụ cưỡng chế ở vườn rau Lộc Hưng theo các góc độ pháp lý.
VOA đã nhiều lần liên lạc tìm cách với các lãnh đạo địa phương để tìm hiểu thông tin và quan điểm từ phía chính quyền nhưng không được trả lời.
Sau khi cưỡng chế, chính quyền gần đây ra thông báo sẽ áp dụng đơn giá 7.055.000 đồng/m2 để tính hỗ trợ cho người dân có "canh tác thực tế" tại vườn rau Lộc Hưng đến hết ngày 3/1/2019. Tuy nhiên, theo nhận định của Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, thông báo này cũng có những điểm "kỳ lạ" trong vụ việc mà ông nói là "đặt người dân vào tình thế đã rồi".
"Loại người ta ra khỏi miếng đất, rồi san bằng đất, rồi bây giờ hỗ trợ một cách võ đoán, ra một thông báo yêu cầu người dân đến công an quận Tân Bình hoặc công an phường 6, quận Tân Bình, để nhận tiền. Điều đó hết sức lạ lùng. Nhận tiền mà phải đến cơ quan công an nhận, còn nếu không nhận thì tước bỏ luôn", Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nói.
Về phía người dân, đại diện của họ nói rằng họ không chấp nhận mức "hỗ trợ" trên vì không dựa trên căn cứ pháp lý, đồng thời cho biết họ đã tìm mọi cách để có thể "tiếp xúc" với chính quyền, kể cả việc đi khiếu kiện tới trung ương trong suốt gần 20 năm qua, nhưng những quyền lợi về đất đai của họ vẫn không được giải quyết.
"Tôi chẳng còn tin tưởng vào việc nhà nước sẽ giải quyết cho chúng tôi. Đơn chúng tôi đưa lên, Trung ương đề nghị thành phố có câu trả lời mà họ im luôn, không thèm trả lời. Ông Lê Hoàng Quân có công văn gửi chúng tôi cam kết sẽ họp với tập thể bà con chúng tôi nhưng tới bây giờ có họp đâu ? Đánh lừa, bảo chờ. Đến nay đã 10 năm rồi. Trốn biệt tăm", ông Cao Hà Trực thất vọng nói với VOA.
Có gì ở Vườn rau Lộc Hưng ?
Paulus Lê Sơn, VNTB, 16/01/2019
Đến giờ phút này vườn rau Lộc Hưng trù mật trở thành bình địa trước sự bạo cường của nhà cầm quyền. Họ thực hiện các cuộc tấn công như muốn xóa sạch mọi dấu tích hòng để chiếm đóng và thu vét tài sản của dân Lộc Hưng. Không những thế, họ còn muốn triệt hạ hầu hết các giá trị sống mà quần thể cư dân nơi đây có được từ bao đời.
Người dân Vườn rau Lộc Hưng thu gom đồ đạc còn sót lại sau vụ cưỡng chế
Trong vườn rau có rất nhiều thứ có giá trị trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay. Đó là những gì ? Người viết bài viết này có may mắn được trú ngụ trong đó, cận kề với bà con vườn rau Lộc Hưng một thời gian. Ở nơi đó tôi đã thấy và cảm nhận :
Những con người hiền lành, chất phác, họ lam lũ từ sáng tới chiều, ngày này qua tháng khác làm bạn với những luống rau đủ các loại. Họ gieo trồng, vun xới cho vạt rau xanh mơn man, mùa nào thì có loại rau đó, họ gánh nước để tưới tiêu một cách cần mẫn. Đến thời điểm thu hoạch, họ tự đưa ra chợ hoặc tiểu thương vào tận vườn thu mua. Quả thật tuy vất vả cho người nông dân vườn rau Lộc Hưng, nhưng khung cảnh nơi đây quả là bình yên và đầy màu xanh quyến rũ. Đó là mảnh đất sinh kế cho biết bao gia đình. Thế rồi, giặc tràn về phá tan tành.
Ở nơi đây có biết bao sinh viên, người lao động nghèo đã được ăn, ngủ, uống và thở cái không khí trong lành giữa lòng Sài Gòn bụi bặm, mà cũng vô cùng yên tâm không lo bị trộm cắp dòm ngó. Giữa chủ nhà và người thuê trọ dường như không có biên giới phân chia mà vẫn giữ được sự yên tĩnh độc lập cần thiết cho mỗi cá nhân. Thế rồi, giặc tràn về phá nát môi trường sống tốt đẹp cho sinh viên, người lao động nghèo.
Có lẽ chưa nơi nào tình người lại chan chứa và liên đới như ở vườn rau này. Phải nói là có một tình người trỗi vượt ra ngoài không gian và cả thời gian. Những con người thiếu hụt chân hoặc tay, mù hoặc điếc, bệnh tật hay đau ốm do chiến tranh để lại. Dù cái xã hội ngày nay, chế độ xã hội chủ nghĩa hắt hủi, miệt thị những người thương binh Việt Nam Cộng Hòa một thời chinh chiến, nhưng vườn rau Lộc Hưng lại là mái nhà ấm áp, thấm đẫm tình người cho họ.
Những con người cụ thể như vợ chồng anh chị Thịnh Phượng, gia đình anh Cao Hà Trực, Anh Hiệp và còn nhiều người nữa, họ là những người chủ trong vườn rau Lộc Hưng. Họ đón nhận tất cả các thân phận hẩm hiu về nơi đây trú ngụ. Giờ đây chính họ trở thành dân oan mất đất, mất tài sản, mà đúng ra là một khối lượng tài sản khổng lồ đã, đang bị nhà cầm quyền cướp đoạt.
Điểm qua một vài nét của cuộc sống hiện sinh đầy tình người của Vườn rau Lộc Hưng mới thấy được nơi đây nhân văn như thế nào. Một nơi người biết yêu người, một nơi người biết thương người, một nơi sưởi ấm cho bao tâm hồn, một nơi đã là hiện thực của mơ ước của bao phận người bị hắt hủi, của mùa xuân tươi mới.
Thế nhưng mà, nơi nào có mùa xuân đâm chồi nảy lộc thì nơi đó cộng sản nhổ tận gốc trốc tận rễ, nơi nào có tình người, có yêu thương thì cộng sản phân ly, chia cắt, nơi nào có nhân văn thì cộng sản gieo ác nhân súc vật.
Còn đâu mùa xuân cho én dặt dìu kéo về, còn đâu mùa bình thường đoàn viên của dân tộc cho Lộc Hưng, còn đâu mơ ước, còn đâu ấm êm, còn đâu và còn đâu… Chỉ còn nước mắt và nỗi đau, chỉ còn uất hận và cay đắng của người dân lành trước sự hung tàn, cường bạo của kẻ cầm quyền mang cái tên cộng sản mà thôi.
Thấy gì qua việc chính quyền đòi xử lý 20 người ở vườn rau Lộc Hưng ?
Trung Khang, RFA, 16/01/2019
Hôm 16 tháng 1 năm 2019, nhiều tờ báo trong nước đồng loạt đăng tin, công an quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, đang củng cố hồ sơ xử lý với gần 20 người bị cho là có hành vi gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ khi cơ quan chức năng cưỡng chế khu đất vườn rau Lộc Hưng thuộc phường 6, quận Tân Bình vào hai ngày 4/1 và 8/1 vừa qua.
Trong hai ngày 4/1 và 8/1, chính quyền quận Tân Bình đã tiến hành cưỡng chế khu vườn rau Lộc Hưng rộng gần 5 ha. Courtesy FB Nguyễn Ngọc Lụa
Trả lời báo chí cùng ngày, công an quận Tân Bình cho biết đã xác định được những người cầm đầu và đang củng cố hồ sơ để xử lý, tuy nhiên công an quận Tân Bình không nêu tên cụ thể những người này.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong 17 luật sư đại diện cho 20 hộ dân thuộc Vườn rau Lộc Hưng nhận định :
"Thật ra, theo chỗ tôi biết là hầu hết người dân Lộc Hưng không có người nào quá khích, cực đoan đến mức độ chống người thi hành công vụ cả, họ chỉ nói, giải thích là đã có những bước khiếu nại này nọ.v.v… Về lực lượng cưỡng chế theo người dân ước đoán, ban đầu là khoảng 500 người, sau đó là hơn 1 ngàn người. Với 1 ngàn người đó thì hầu như người dân không có một hành động nào gọi là chống người thi hành công vụ cả. Trong đó có một người dân là anh Cao Hà Trực, là 1 trong 3 đại diện của người dân, thường hay tiếp xúc với chính quyền, thì lần thứ 2 khi anh vừa bước chân ra cổng thì lập tức bị lực lượng cưỡng chế chụp bao tải lên đầu đưa đi cách ly, hơn một ngày mới trả về. Vì vậy cho nên nếu nói là có chuyện dung vũ lực trong việc này thì không phải là người dân mà là chính quyền, mà thậm chí chính quyền ra tay còn trước khi người dân có phản ứng".
Người dân Lộc Hưng khi trả lời báo chí trước đây cũng cho biết, trong 2 vụ cưỡng chế ngày 4/1 và 8/1/2019, lực lượng cưỡng chế đã bắt giữ hàng chục người dân ở đây khi quay hình, chụp ảnh cuộc cưỡng chế.
Ông Cao Hà Trực, một người dân trong ban đại diện vườn rau Lộc Hưng cũng cho rằng việc chính quyền cho rằng người dân Lộc Hưng gây rối, chống người thi hành công vụ là chụp mũ :
"Tôi cũng thấy trên các báo như Sài Gòn Giải Phóng, Dân Việt .v.v… đăng bài công an quận Tân Bình đang cũng cố hồ sơ để xử lý khoảng 20 người thi hành công vụ và cản trở việc cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng. Tôi là những người dân, những người bị thiệt hại ở vườn rau phường 6, là những người bị khủng bố, đi khiếu kiện trải dài 19 năm qua, thiệt hại cách này cách khác. Thật sự đến ngày hôm nay chúng tôi mất hết rồi, nhà cửa bị đập tan tành, chúng tôi mất hết rồi. Từ những bức xúc đó, bây giờ chúng tôi nói lên điều đó thì nhà nước chụp mũ chúng tôi là chống người thi hành công vụ thì đã quá rõ. Vì vậy cho đến ngày hôm nay, chúng tôi không có gì mà sợ hết".
Chị Thi, một người dân có nhà bị cưỡng chế ở Lộc Hưng cũng cật lực phản đối, cho rằng chính quyền nói như thế là xuyên tạc sự thật :
"Cái hôm mà tàn phá nhà chúng tôi như thế, chúng tôi hoàn toàn bị bắt và bị cô lập, thì làm sao chúng tôi chống người thi hành công vụ ? Bản thân tôi là người bị cô lập trên tượng đài Đức Mẹ, thì chống là chống làm sao ? Người dân chúng tôi không thể nào đi vào nơi đó, 1.600 quân thì bà con chúng tôi làm sao để mà chống đây. Tôi còn phải thét lên là chúng tôi bất lực trước bạo quyền, thì làm sao chúng tôi có thể chống người thi hành công vụ. Đó là lời nói xuyên tạc, nói sai sự thật của tất cả các báo từ hôm qua đến hôn nay đưa tin như vậy".
Trong hai ngày 4/1 và 8/1, chính quyền quận Tân Bình đã tiến hành cưỡng chế khu vườn rau Lộc Hưng rộng gần 5 ha. Courtesy FB Nguyễn Ngọc Lụa
Trong hai ngày 4/1 và 8/1, chính quyền quận Tân Bình đã tiến hành cưỡng chế khu Vườn rau Lộc Hưng rộng gần 5 ha. Chính quyền địa phương cho biết việc cưỡng chế chỉ thực hiện đối với 112 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chứ không thu hồi đất. Mặc dù vậy, chính quyền địa phương trước đó cũng cho biết khu đất này là khu đất công và đã được quy hoạch để xây trường học.
Công an Tân Bình cho rằng, khu vực đất vườn rau có 134 hộ đã đăng ký kê khai sử dụng đất nông nghiệp. Hai đợt cưỡng chế khoảng 112 căn nhà, công trình vào ngày 4 và 8/1 mà quận thực hiện đã được báo cáo, xin chủ trương và được thành phố chấp thuận.
Trả lời báo chí hôm 15/1, công an quận Tân Bình cho biết trong quá trình cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng đã phát hiện có phòng cách âm với các thiết bị ghi âm, ghi hình phục vụ cho các hoạt động truyền thông và nhiều tài liệu có nội dung tuyên truyền xấu.
Tuy nhiên Chị Thi cho rằng nếu thật sự tìm thấy chứng cớ sao không bắt giam lập biên bản ngay hôm cưỡng chế, chị cho rằng điều này là khuất tất :
"Họ nói để chống chế những việc làm sai trái của họ mà thôi, chứ họ không có căn cứ để nói chúng tôi thế này thế kia, quy chúng tôi vào tội này tội kia. Tôi nói nếu thật sự họ tìm thấy chứng cớ gì thì họ đã bắt chúng tôi từ hôm đấy rồi, chứ đâu để đến hôm nay, 10 ngày rồi mới về suy nghĩ xem chúng tôi có tội gì. Có phải đây là việc làm khuất tất, đang tìm chiêu trò để khủng bố chúng tôi không ? Chúng tôi cật lực phản đối việc đấy".
Chị Thi cho rằng, những thông tin vu khống, sai sự thật nhằm làm cho người dân Lộc Hưng hoang mang, đã có từ nhiều năm nay, và gần như đã tôi luyện chị trở nên rất là kiên cường. Chị khẳng định người dân Lộc Hưng làm đúng, chứ không sai pháp luật, nên không sợ gì cả.
Cũng có thông tin lo ngại, việc công an quận Tân Bình củng cố hồ sơ xử lý hơn 20 người ở Lộc Hưng là bước đệm cho việc truy tố những người này với tội danh gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ. Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét :
"Chúng tôi nghe rằng nhiều khả năng sẽ truy tố. Nếu chống người thi hành công vụ thì nếu mức độ nhẹ thì
chỉ xử phạt vi phạm hành chánh thôi, trước đây gọi là tiểu hình. Nhưng mà mức độ trong vụ án này làm chúng tôi rất là lo ngại rất có thể người dân sẽ bị truy tố về hình sự".
Thời gian qua, nhiều vụ cưỡng chế đất đã xảy ra tại Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Sau các vụ cưỡng chế này, nhiều người dân phản đối cưỡng chế đã phải chịu các bản án tù vì các tội danh như gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, v.v…
Chị Cấn Thị Thêu, một dân oan, một phụ nữ được nhiều người biết đến vì bị kết án tù khi kiên quyết trong hoạt động giữ đất tại làng Dương Nội, Hà Đông - Hà Nội, cho biết ý kiến của mình :
"Khi mà chính quyền cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng, thì đã gặp phải làn sóng phản ứng rất là mạnh mẽ, dữ dội của nhiều người quan tâm. Cho nên việc chính quyền xử lý 20 người ở Lộc Hưng để nó dập tắt phong trào đấu tranh, để người nào nhụt chí thì không đấu tranh nữa. Mục đích chính quyền như thế, theo kinh nghiệm của chúng tôi, thì chúng ta phải mạnh mẽ hơn, người này bị bắt thì người khác phải lên thay".
Bà Cấn Thị Thêu kêu gọi những người dân mất đất oan phải kiên định đấu tranh đòi quyền lợi của mình : "Tất cả mọi người đồng tâm hiệp lực, đều sát cánh lại với nhau thì sẽ giữ được kiên định trên con đường đấu tranh, như thế mới đòi được quyền lợi của mình".
Nhớ ruộng rau muống Sơn Tây (Lộc Hưng)
Bùi Văn Phú, VOA, 16/01/2019
Trong tuần lễ đầu năm 2019, nhà cầm quyền Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh đã cho xe múc đất xuống phá sập 112 căn nhà của người dân ở Phường 6, trong khu vực được biết đến là Vườn rau Lộc Hưng, nằm sau nhà giây thép gió và bưu điện Chí Hoà, trên đường Cách mạng Tháng 8.
Một khế ước thuê ruộng trước năm 1975 của người dân canh tác ở vườn rau Lộc Hưng (FB Hai Van Nguyen)
Đợt ủi nhà diễn ra lần đầu vào ngày 4/1/2019 với hơn chục căn hộ bị phá sập và sau đó vào ngày 8/1 đã diễn ra đợt cưỡng chế thứ nhì, qui mô hơn, với cả trăm căn bị ủi sập.
Những nhà này được xây dựng không giấy phép trong vòng mười năm qua vì nhà nước đã không giải quyết quyền sử dụng đất ở đây, dù người dân đã khiếu nại suốt hai thập niên mà từ thành ủy đến trung ương đã không trả lời.
Quá trình tranh cãi về quyền sử dụng đất nằm trong một khu vực rộng gần 50 nghìn mét vuông, nơi những người di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 đã canh tác bằng nghề trồng rau từ đó đến nay, vì thế nơi này đã từng có tên là "ruộng rau muống Sơn Tây", sau này gọi là "Vườn rau Lộc Hưng".
Hành vi cưỡng chế của nhà nước trong những ngày qua đã khiến mấy trăm dân không còn chỗ ở. Họ là con cháu của những người đã sống ở đây từ năm 1954 ; là những người từ nơi khác mới về đây sinh sống, sang nhượng lại đất để xây dựng nơi cư trú chỉ qua những lời hứa miệng hay giấy tờ cam kết trao tay nhau, không có công chứng từ các cơ quan hành chánh vì là vùng đất còn đang có tranh chấp. Trong số những người bị cưỡng chế rời nơi cư trú có một số thương phế binh Việt Nam Cộng hòa đang tá túc trong một cơ sở do các linh mục công giáo tạo dựng nên để giúp đỡ họ có mái che thân.
Theo ông Cao Hà Trực trả lời phóng viên Amen.TV, gia đình ông đã canh tác trên những thửa ruộng này từ này bố mẹ ông di cư vào Nam và đất này thuộc Hội Thừa sai giao cho giáo hội công giáo Việt Nam quản lý. Gia đình ông vẫn canh tác, đóng thuế và tuân thủ những yêu cầu khác của chính quyền liên quan đến luật đất từ trước cũng như sau năm 1975 và cả những luật mới nhất. Nhưng cho đến nay nhà nước vẫn chưa cấp một thứ giấy tờ gì để chứng minh quyền sử dụng đất của dân trong khu vực.
Khi cơ quan chức năng thi hành lệnh cưỡng chế, ông Trực là người đại diện dân để mạnh mẽ phản đối chính quyền và trong ngày 8/1 ông đã bị bắt giam khi công an, cảnh sát và dân phòng phong toả khu vực trong khi xe múc phá tan nát những căn nhà mà nhà nước cho là được xây dựng trái phép trên đất công. Ông Trực chỉ được thả về sau khi việc phá sập hàng trăm căn nhà đã được thi hành.
Trên thực tế khu đất đó không phải đất công mà là đất của giáo hội công giáo từ trước năm 1954 và khi có người di cư từ bắc thì họ được giáo hội cho thuê canh tác và nhiều người còn giữ giấy chứng nhận thuê mướn đất của Họ Chí Hoà, thuộc giáo hội công giáo.
Một số văn bản, khế ước thuê đất và biên lai đóng thuế mà người dân ở đây đưa ra trong những ngày qua để chứng minh họ có quyền sử dụng đất hợp pháp.
Các giấy tờ như Tờ Tá mướn đất của ông Vũ Lỗ ký ngày 1/1/1954 với cha sở Họ Chí Hòa ; khế ước mướn đất của ông Nguyễn Văn Quyền ký ngày 1/1/1975 với Tòa Tổng giám mục Sài Gòn ; hay biên lai đóng thuế đất của ông Vũ Lỗ, của ông Nguyễn Văn Rơi sau ngày 30/4/1975 đã chứng minh họ là người đã sử dụng đất từ nhiều chục năm và theo luật mới về đất đai ban hành năm 1993 thì họ có đủ tư cách để được xác minh quyền sử dụng đất hợp pháp.
Tuy nhiên từ nhiều năm qua nhà nước đã không xác minh cho họ và lại tìm cách thu hồi đất. Để tiến hành việc cưỡng chế, các cơ quan chức năng đưa ra những giải thích và chứng cớ không thuyết phục, cho rằng đó là khu đất công, cần thu hồi theo chính sách đất thuộc về toàn dân do nhà nước quản lí.
Trong hai thập niên qua nhà nước đã và đang thực hiện chính sách thu hồi đất của dân để qui hoạch những dự án, công trình mà quan chức nhà nước sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi cho phép những công ti, nhà đầu tư xây nhà, chung cư hay xây khu thương mại còn người dân chỉ được bồi thường với giá rẻ.
Một người có nhiều kinh nghiệm đầu tư nhà đất cho biết việc nhà nước trợ giúp 7 triệu đồng một mét vuông cho những ai bị thiệt hại là một giá thấp vì đất khu vực này giá trung bình ít ra cũng 35 triệu đồng một mét vuông.
Nhiều khu đất trước nay thuộc về các giáo hội, nằm tại những trung tâm chính của các thành phố lớn, nhà nước muốn lấy lại không được thì tìm cách đập phá hoặc gây khó khăn cho tu sĩ đang trụ trì ở đó, như chùa Liên Trì hay dòng Mến Thánh Giá, như đất Tòa Khâm sứ, đất dòng Chúa Cứu Thế.
Hơn một thập niên trước, sự kiện đất Tòa Khâm sứ ở Thủ đô Hà Nội đã gây căng thẳng mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc đó cũng đã đến tham quan xem hư thực thế nào, nhưng rồi cuối cùng nhà nước cũng đã cưỡng chế lấy mảnh đất này để nhanh chóng biến thành công viên.
Khu vực đất Lộc Hưng hiện nay cũng thế, sau nhiều năm nhà nước muốn chiếm đất để khai thác, nói là xây dựng chung cư, trường học, công viên nhưng không được, vì quyền sở hữu thuộc về giáo hội công giáo đã có từ lâu đời.
Văn thư ngày 31/8/2007 của linh mục Huỳnh Công Minh, đại diện Tòa Tổng giám mục Thành phố Hồ Chí Minh đã giải thích rất rõ, với các văn kiện chứng minh giáo hội công giáo là chủ đất, qua thư ngày 17/2/1955 của Đại úy Pháp Moinard, là người trông coi đài phát tín khi đó. Thư của linh mục giám quản tổng giáo phận cũng xác minh quyền sử dụng đất của người dân ở đây đã có từ năm 1954.
Năm 1954 thày u tôi cũng di cư vào nam. Tôi được sinh ra và lớn lên ở xứ Nghĩa Hoà, cạnh Lộc Hưng, biết cánh đồng trồng rau này là "Ruộng rau muống Sơn Tây" và nghe người lớn kể rằng người di cư vào đây là gốc Sơn Tây ngoài Bắc, nên tiếp tục trồng rau muống.
Ngày còn nhỏ, vào mùa mưa tôi hay cùng đám bạn từ Nghĩa Hòa ra ruộng bắt cá rô, cá sặc và nhiều lần bị ngạnh cá trê đâm chảy máu tay. Con đường Chấn Hưng thường lụt nước tôi còn nhớ mãi. Con đường Hưng Hóa dẫn qua đường Nghĩa Hưng có nhà thờ Nghĩa Hoà, chợ Nghĩa Hòa ; có nhà của anh em anh Phượng cụt chân may quần áo, anh Ti khiếm thị bán vé số. Có con hẻm dẫn ra tiệm giặt ủi An Nam, qua bên kia có nhà của ông trưởng ấp Lộc Hòa là Ngô Văn Bột.
Tôi nhớ ngay bên cánh đồng rau này, vài ngày trước 30/4/1975 tôi và hàng nghìn người đã ra đây đứng nghe Tướng Nguyễn Cao Kỳ kêu gọi ở lại, sống chết với quê hương.
Khu vực này trước năm 1975 khi các linh mục kêu gọi đi biểu tình là bà con tụ họp trước sân nhà thờ rồi hang nghìn người kéo nhau đi bộ lên Bộ Tổng tham mưu, công trường Lam Sơn hay Bùng binh Bến Thành. Một lần có 6 người biểu tình trước Bộ Tổng Tham mưu bị tử thương vì đạn do lính gác bắn, anh Phượng bị trúng đạn và phải cưa chân.
Quanh đây là những xứ đạo, nơi định cư của hầu hết người công giáo di cư với những tên mang ý nghĩa an bình : Thái Hoà, Nam Hoà, An Lạc, Nghĩa Hoà, Chí Hoà, Nam Thái. Xứ Nghĩa Hòa có cha Đinh Huy Năng, cha Mai Chí Thành, có trường trung học Thánh Giuse. Lộc Hưng có cha già Hân làm hạt trưởng Chí Hoà, cha Thu làm hiệu trưởng trường Văn Đức. Nam Hòa có trường Khai Quang. Chí Hòa có trường Mai Khôi. Đầu đường Thánh Mẫu có tòa soạn báo Xây Dựng của cha Nguyễn Quang Lãm.
Ngày học cấp hai trường Thánh Tâm Ngã Ba Ông Tạ, nay là Trung học cơ sở Tân Bình, tôi được biết đến những món ngon đất Bắc trong giờ Văn : "Dưa La, Cà Láng, Nem Báng, Tương Bần", cùng với "Rau muống Sơn Tây, cá rô Đầm Sét".
"Ruộng rau muống Sơn Tây" là cái tên gợi nhớ và chút thân thương của quê Bắc ngay giữa Sài Gòn trong hơn nửa thế kỷ qua nay không còn nữa.
Sau hai đợt san bình địa hơn trăm căn nhà khiến mấy trăm dân bỗng dưng trắng tay, trở thành kẻ không nhà và chính quyền đã treo lên sơ đồ phác hoạ dự án xây trường học và được canh gác an ninh chặt chẽ.
Một lần nữa, việc cưỡng chế đất vườn rau Lộc Hưng cho thấy nhà nước cướp đất và không quan tâm đến việc giải quyết khiếu kiện của dân. Mà đã là đất ăn cướp thì có xây dựng cơ sở giáo dục, dù là cụm trường mang đẳng cấp quốc gia, những ngôi trường này sẽ có chuyên chở được ý nghĩa nhân bản của giáo dục hay không ?
Tôi nhớ lần sau cùng Lộc Hưng tan hoang là khoảng năm 1970 khi có vụ hoả hoạn thiêu rụi mấy chục nóc gia trên con đường từ ngã tư quốc tế Nghĩa Hòa sang Lộc Hưng. Chỉ ít lâu sau, với sự giúp đỡ của chính quyền và giáo hội người dân đã có được nhà mới để ở.
Nhà cửa tan hoang lần này đến với Lộc Hưng là do lãnh đạo cộng sản gây nên. Không biết đến bao giờ người dân ở đây mới có cơ hội xây dựng lại nhà cửa hay đòi được công lý.