Trong khi Việt Nam lên cơn cuồng về giải vô địch bóng đá Suzuki 2018 thì ở một nơi khác, âm thầm hơn có một nhà vô địch vẫy ngọn cờ giáo dục lem luốc mồ hôi, nước mắt cũng như nhân phẩm bị chà đạp của hàng chục nam sinh bị một tên hiệu trưởng hủ hóa ngay trong văn phòng của y.
Cơ quan công an tỉnh Phú Thọ tiến hành khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh Bằng My, hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn.
Câu chuyện xảy ra tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú Thanh Sơn, Phú Thọ. Nhà vô địch là Đinh Bằng My, Hiệu trưởng của ngôi trường này, đã liên tục trong nhiều năm dùng nhiều cách để hăm dọa, ép buộc, mua chuộc các em nam sinh phải phục vụ tình dục một cách bệnh hoạn cho đương sự. Đinh Bằng My xứng đáng được gắn huy chương vô địch về hành vi đồi bại có một không hai trong môi trường giáo dục và hành vi ấy không những một mình y thực hiện mà còn được tiếp tay bởi ít nhất là một giáo viên nữ dạy môn công dân giáo dục trong trường.
Cô giáo này được biết dưới cái tên Ng. là con chim xanh dẫn dụ các nam sinh vào văn phòng tên hiệu trưởng để y giết thịt các em. Hết em này đến em khác mỗi lần tên Bằng My thèm khát thì cô giáo Ng. sẵn sàng mang một con mồi nào đó vào văn phòng cho y hành lạc còn cô thì âm thầm rút lui như không hề có mặt tại hiện trường.
Theo khai thác của báo chí, ít nhất 14 em đã bị tên hiệu trưởng này xâm hại trong nhiều năm trời. Tất cả nạn nhân đều ở lứa tuổi vị thành niên và cuộc sống của các em trong ngôi trường nội trú này không khác gì sống trong địa ngục.
Một giáo viên từng dạy trong ngôi trường này chia sẻ trên Facebook về hoàn cảnh đáng thương của các em đã làm nhiều người rơi lệ. Vốn nghèo nàn và sống tận trên các vùng núi cao, các em được vào ngôi trường nội trú dành cho học sinh thiểu số là một may mắn vì bên cạnh sự học hành, nơi chốn dung thân các em được ăn uống tương đối đầy đủ so với người dân trong cộng đồng các em do đó có những bất công, ép bức hay thậm chí xâm phạm cơ thể thì các em cũng im lặng chịu đựng miễn sao cuộc sống của các em không bị thay đổi.
Hành vi của hiệu trưởng Đinh Bằng My phát xuất từ thực tế này. Là hiệu trưởng của ngôi trường nội trú hiếm hoi dành cho học sinh vùng núi y tự phong cho mình là "trưởng bản", "thống lý" như ngày xưa. Y có toàn quyền sinh sát nam nữ sinh dưới tay và câu chuyện 14 nam sinh bị y hủ hóa tuy đã lộ ra ngoài dư luận nhưng vấn đề bên dưới nó vẫn còn là câu hỏi không lời giải đáp cho cả ngành giáo dục hôm nay.
Hiệu trưởng Đinh Bằng My rõ ràng là một tội phạm nhưng bên cạnh của y còn bao nhiêu kẻ tòng phạm đưa đẩy các em nam sinh đáng thương kia vào vòng ô uế của tên đồ tể Bằng My ? Cô giáo Ng chỉ là một trong rất nhiều thầy cô có công trong việc dẫn dắt và vì vậy ngôi trường này một cách nhìn trực diện có thể xác định được rằng chính là hang ổ của một bọn ma cô đội danh giáo dục để trục lợi trên thân xác của các em học sinh đáng thương người dân tộc thiểu số.
Không cần tránh né, cứ nhìn thẳng sự thật về vấn nạn này sẽ thấy phía sau Đinh Bằng My là cả một hệ thống nhơ nhớp. Chúng chia phần nhau trên sự ngây thơ chất phác của các em. Chúng mang danh làm giáo dục để trục lợi ngay cả nguồn lợi về tính dâm ô vượt khỏi mọi ngưỡng luân lý và đạo đức. Sự thờ ơ hay vô trách nhiệm của lãnh đạo ngành giáo dục là nguyên nhân sâu xa của hình thái tha hóa này.
Hành động thương luân bại lý này có giây nhợ sâu xa tới những phát biểu của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong những vụ có hình thái dâm ô xảy ra nhiều lần trước đây mà câu chuyện giáo viên nữ đi tiếp khách như những cô gái bia ôm đã làm dư luận phẫn nộ. Riêng ông Nhạ chỉ xem đó là một cuộc vui không hơn không kém và vì vậy dĩ nhiên ông không có hành động thiết thực nào để uốn nắn hay động viên những cô giáo trong câu chuyện này.
Xa hơn nữa là vụ hiệu trưởng Sầm Đức Xương đã đứng ra lập đường giây bán dâm nữ sinh trong trường của y cho quan chức chính quyền, trong đó có cả những tai to mặt lớn của Bộ Chính trị như Nguyễn Trường Tô cũng dính vào vụ án.
Rồi còn bao nhiêu vụ nữa không được giải quyết một cách ổn thỏa khiến cho con sâu dâm ô trong khuôn viên trường trung học ngày một lan tràn. Chẳng những không xem xét tới nơi tới chốn, Bộ Giáo dục đã nhiều lần bao che cho hành vi phạm tội của nhân viên trong ngành khiến người ta mất lòng tin một cách tuyệt đối và mọi nỗ lực tố giác bị ngăn chặn ngay từ trong trứng nước.
Vụ án Đinh Bằng My và sự tiếp tay của cô giáo Ng làm người ta nhìn lại đạo đức dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, nơi mà hệ thống tuyên truyền luôn rêu rao là sáng ngời đạo đức cách mạng. Hình ảnh nhớp nhúa khó thể tưởng tượng được của một hiệu trưởng đang thay đổi nhận thức của người dân. Trước đây lòng tin của họ bị mất do quan chức chính quyền từ địa phương tới trung ương một lòng bóc lột họ thì ngày nay chút lương tri còn sót lại trong mái trường cũng cắp nón đi xa.
Cha mẹ của học sinh đầu tắt mặt tối mong nhà trường kiểm soát và hướng dẫn con em họ học được điều hay lẽ phải nay thấy ra rằng sự tin tưởng ấy hoàn toàn sai lầm vì không ai biết được con mình sẽ là nạn nhân vào lúc nào, khi mà hệ thống giáo dục đã suy đồi đến mức đạo đức không còn là thước đo con người mà trái lại, con người trong cái lò giáo dục này được nhuộm màu đen cho nhân phẩm từ tư duy cho tới hành động. Tất cả chỉ vì tiền, một chữ tiền lạnh lùng và bất chấp.
Hiệu trưởng Đinh Bằng My dù có bị pháp luật trừng trị thì sẽ còn nhiều Bằng My khác đang thách thức lương tâm của cả nước khi chúng dựa vào cách mà Bộ Giáo dục đang theo đuổi. Chẳng những chạy theo thành tích ảo, chúng còn muốn thành tích ấy được nhân rộng ra bằng những cái lưỡi vô cảm, loan truyền giúp cho chúng trên mặt trận tuyên truyền. Đinh Bằng My là điển hình của nền giáo dục Phùng Xuân Nhạ, nền giáo dục lấy sự vui chơi giải trí làm quà cho các cấp cao hơn, trong đó không ngoại trừ thể xác của các giáo viên và nhân phẩm của học sinh.
Đổi chác thân thể lấy điểm thi hay một chỗ dạy không còn là chuyện xa lạ nữa mà nó đã thành thói quen khó bỏ của một tầng lớp trong Bộ giáo dục mà cụ thể là những hiệu trưởng như Đinh Bằng My.
Nếu trong bóng đá vừa có nhà vô địch hôm nay thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không hề thua kém. Đinh Bằng My xứng đáng nhận giải thưởng vô địch cấp quốc gia về nỗ lực biến nhà trường thành động điếm.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 16/12/2018 (canhco's blog)
Liên quan đến vụ án xâm hại tình dục trẻ em xảy ra tại chung cư Lakeside, phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu, mới đây, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Vũng Tàu đã có quyết định gia hạn 2 tháng để tiếp tục điều tra và làm rõ. Đây không phải là lần đầu tiên vấn nạn ấu dâm bị lên án tại Việt Nam.
Nạn ấu dâm tăng ở Việt Nam vì không bị trừng trị thích đáng
Trẻ em là đối tượng dễ bị xâm phạm tình dục nhất. Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) mới đây ra thông cáo bày tỏ sự bức xúc của mình trước hiện trạng xâm hại tình dục trẻ em gái và kêu gọi những hành động quyết liệt hơn nữa để giải quyết vấn nạn này. Cơ quan này dẫn lại báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự thuộc Bộ Công an Việt Nam cho thấy tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Theo đó, chỉ tính trong giai đoạn 2010-2013, số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện đã tăng gần gấp đôi từ 867 vụ lên đến 1.544 vụ vào năm 2014. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 em bị xâm hại tình dục, tức 8 giờ trôi qua thì lại có ít nhất một đứa trẻ bị xâm hại tình dục.
Điều đáng nói là, cũng theo đánh giá của GBVNet, vẫn tồn tại nhiều vụ xâm hại tình dục chưa được xử lý thỏa đáng, trong khi nhiều phụ nữ và trẻ em là nạn nhân bị xâm hại lại bị đổ lỗi là thiếu hiểu biết hoặc không hành xử đúng mức hay bị quy trách nhiệm phải tự bảo vệ mình. Thậm chí, cũng theo báo cáo, đã có trường hợp nạn nhân bị giết chết để bịt đầu mối, bị đe dọa để nạn nhân hay người nhà không dám tố cáo.
Trên cơ sở những thông tin đáng báo động về nạn xâm phạm tình dục trẻ em, GBVNet mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi các tổ chức xã hội, các mạng lưới, các nhóm hoạt động vì phụ nữ và trẻ em, phòng chống bạo lực và phát triển xã hội hãy cùng liên kết hành động để bảo vệ trẻ em. Ở góc độ quản lý và luật pháp, các cơ quan chức năng nhất thiết phải nhanh chóng vào cuộc, giải quyết kịp thời, hiệu quả, thuyết phục và rốt ráo các vụ xâm hại tình dục đã được tố cáo, điển hình là vụ ở Vũng Tàu vừa qua. Ngoài ra, các cá nhân có uy tín và ảnh hưởng trong cộng đồng cũng cần lên tiếng chống lại bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, phanh phui các vụ việc, đưa thủ phạm ra trước sự phán xét của luật pháp.
Ở góc độ quản lý và giáo dục gia đình, vẫn còn nhiều hạn chế và suy nghĩ sai lầm dẫn đến nạn xâm phạm tình dục trẻ em vẫn phổ biến. Trước tiên là lối sống gần gũi đến thiếu kiểm soát và đề phòng. Nhiều bậc phụ huynh vẫn vô tư cho con em mình tiếp xúc với những người thân trong gia đình, để họ thoải mái ôm, hôn, tiếp xúc với con trẻ, trong khi con trẻ chưa có những nhận thức căn bản về việc bị xâm phạm tình dục. Phần lớn người ta cho rằng chỉ những người lạ mới xâm phạm tình dục, trong khi một khảo sát tại Mỹ cho thấy trong các vụ việc được đưa ra ánh sáng chỉ có 7% thủ phạm là người hoàn toan xa lạ, còn có đến 63% thủ phạm lạm dụng tình dục là người quen như thầy cô giáo, hàng xóm hoặc những người trong cộng đồng mà trẻ biết mặt. Trong đó có đến 37% thủ phạm là cha mẹ ruột hoặc người thân trong họ hàng. Đó là tại Mỹ, nơi việc tiếp xúc với trẻ em (cả nam và nữ) đều có những giới hạn nhất định.
Một sai lầm khác có thể xuất phát từ quan điểm chỉ có trẻ tuổi dậy thì mới bị xâm hại. Các báo cáo liên quan đến tình trạng xâm phạm tình dục trẻ em cho thấy rằng trẻ em dưới 12 tuổi vẫn chiếm đến hơn 1/3 số nạn nhân bị hiếp dâm. Không khó hiểu khi ở độ tuổi này, khả năng hiểu biết và kháng cự của trẻ em là rất thấp, trong khi ý thức tự bảo vệ mình cũng rất hạn chế vì việc giáo dục từ cha mẹ, thầy cô trong môi trường Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế do một số rào cản về văn hóa (vốn liệt vấn đề tình dục vào loại nhạy cảm và tỏ ra e dè trong việc giáo dục trẻ em, thậm chí chưa được xem trọng).
Tiếp cận việc ngăn ngừa nạn tấn công tình dục trẻ em có thể đến từ 2 góc độ. Thứ nhất là giáo dục ý thức của trẻ. Theo Darkness to Light, trẻ em trên 4 tuổi hoàn toàn có khả năng tự phòng vệ nếu được hướng dẫn đúng cách từ người lớn. Đây có lẽ là mục tiêu rất quan trọng mà các bậc phụ huynh và thầy cô cần đẩy mạnh. Các dự án phi lợi nhuận phục vụ mục tiêu này cũng cần được tạo điều kiện phát triển. Thứ hai, ở góc độ pháp luật, cần xử lý nhanh, quyết liệt và hiệu quả vấn nạn hiếp dâm, nhất là các vụ xâm phạm tình dục trẻ em. Hiện nay, luật pháp quy định xử tội tấn công tình dục trẻ em ở Việt Nam nếu so với nhiều quốc gia thì vẫn còn nhẹ. Quan trọng hơn, quá trình tiến hành điều tra, tố tụng hình sự dường như chưa đáp ứng được bức xúc chính đáng từ phía dư luận. Một số kết luận điều tra chưa thuyết phục, dẫn đến nhiều người dần thiếu niềm tin vào công lý trong các vụ xử lý ấu dâm. Vậy nên, minh bạch, quyết liệt, cứng rắn là những yếu tố mà pháp luật Việt Nam cần phải lưu tâm.
Cao Huy Huân
Nguồn : VOA, 17/03/2017