Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ ra sự ‘giả hiệu’ về cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa, thì nhà lãnh đạo Hà Nội cũng cần nghiêm túc lắng nghe. Hoặc chấm dứt sự ‘giả hiệu’ trong đổi thương mại lấy nhân quyền.

caicach1

Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ ra sự ‘giả hiệu’ về cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa - Ảnh minh họa

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã phát động một cuộc tấn công mạnh mẽ và kéo dài vào Trung Quốc về các chính sách thương mại trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 24/9.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Mỹ tuyên bố.

"Năm 2001, Trung Quốc được kết nạp vào Tổ chức Thương mại Thế giới. Các nhà lãnh đạo [tiền nhiệm] của Mỹ lập luận rằng quyết định này sẽ buộc Trung Quốc tự do hóa nền kinh tế và tăng cường các biện pháp bảo vệ tài sản tư và pháp quyền".

"Hai thập kỷ qua đã chứng minh rằng, lý thuyết này hoàn toàn sai lầm. Trung Quốc không chỉ từ chối áp dụng các cải cách đã hứa, mà còn áp dụng mô hình kinh tế phụ thuộc vào khu vực thị trường rộng lớn, trợ cấp nhà nước, thao túng tiền tệ, bán phá giá sản phẩm, trộm cắp tài sản trí tuệ…".

Mặt dù yếu tố "pháp quyền" chỉ được nhắc qua như một phần rất nhỏ trong toàn văn phát biểu chủ yếu đề cập đến thương mại. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã thẳng thắn ‘dằn mặt’ Trung Quốc và các quốc gia xã hội chủ nghĩa về sự lạm dụng thương mại và những lời ‘hứa lèo’ liên quan đến đổi thương mại để cải cách nền kinh tế trong nước, lẫn các vấn đề pháp quyền, dân chủ, nhân quyền có liên quan.

Phát triển kinh tế sẽ thúc đẩy dân chủ là một quan điểm được đặt ra khi mà Mỹ-Trung bắt đầu ngoại giao bóng bàn vào những năm 1971. Nhưng sau khi được hưởng lợi từ sự tạo điều kiện của Mỹ và phương Tây liên quan đến thương mại, Bắc Kinh không những cởi mở về dân chủ, mà còn tìm cách siết chặt hơn, điều này càng trở nên tồi tệ trong thời kỳ Tập Cận Bình – một ‘nhà lãnh đạo vĩ đại’ của Đảng cộng sản Trung Quốc.

So với Trung Quốc, và nhóm quốc gia tồi tệ như ‘Cuba, Triều Tiên, Venezuela’, Việt Nam cũng được hưởng những đối đãi thương mại tương tự từ Mỹ và EU. Và thực tế chứng minh, cách thức mà Việt Nam gia nhập WTO và những lời hứa hẹn cải cách không khác gì cách thức Trung Quốc đã làm.

Tạp chí Quốc phòng toàn dân ngày 11/12/2011 đăng tải bài viết với tiêu đề, ‘Gia nhập WTO và những vấn đề đặt ra về xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.’

"Đổi mới bằng việc dân chủ hóa hơn nữa tổ chức và phương thức hoạt động của Nhà nước, bảo đảm cho Nhà nước ta thực sự quản lý, điều hành đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời thực sự là thiết chế cơ bản bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân – một nhân tố chủ yếu để phát huy nguồn lực con người với tư cách nhân tố quan trọng nhất trong việc tận dụng thời cơ do hội nhập vào WTO mang lại".

Nhưng kể từ thời điểm gia nhập WTO (2006) đến nay là gần 14 năm, ‘dân chủ hóa’ được cởi mở một phần thông qua sự xuất hiện của mạng internet, nhưng ‘quản lý, điều hành’ quốc gia với định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo ra những rào cản rất lớn để thực sự hiện diện ‘dân chủ hóa’ về mặt lập pháp. Thiết chế cơ bản bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân được thể hiện bằng Chương II về ‘Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân’ trong Hiến pháp 2013, nhưng đến nay các quyền căn bản nhất, quan trọng nhất của hệ thống pháp quyền được thể hiện ở Điều 25 vẫn chưa được thực hiện hóa.

"Điều 25 Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định"..

Trong đó, Quyền lập hội và Quyền biểu tình đến nay vẫn bị treo, đến mức Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đứng lên đặt câu hỏi : ‘Tại sao chưa ban hành được Luật biểu tình ?’ Và đó cũng là lý do vì sao mà khi Việt Nam ký kết TPCPP hay EVFTA, nhu cầu của những nhà hoạt động nhân quyền trong và ngoài nước yêu cầu một chế tài ràng buộc để đảm bảo những cam kết về vấn đề ‘dân chủ hóa’ phải được Nhà nước Việt Nam thực hiện.

Cần phải có chế tài, hoặc buộc các nước độc tài phải hành xử có trách nhiệm nếu như không muốn trở thành một nền kinh tế tồi tệ và bị lật đổ bởi bạo lực cách mạng.

Một bài viết của tác giả Daniel Treisman trên The Washington vào tháng 12/2014 với tiêu đề ‘Economic development promotes democracy, but there’s a catch’ đã lý giải vì sao, có những ngoại lệ liên quan đến phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy dân chủ.

"Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao sẽ củng cố quyền lực cho nhà độc tài, còn thu nhập quốc dân cao lại làm suy yếu chế độ độc tài đó. Sự tăng trưởng vượt bậc – thúc đẩy cả thu nhập hộ gia đình và thu nhập của chính phủ – giúp nhà độc tài có khả năng cầm quyền lâu hơn. Nhưng theo thời gian, chính sự tăng trưởng [kinh tế] đó lại thay đổi cả xã hội và giới tinh hoa cầm quyền theo những cách thức khiến chế độ đó dễ sụp đổ sau khi nhà độc tài thôi nắm quyền".

Vẫn chưa thể hiểu rõ ‘những cách thức’ mà Daniel Treisman đề cập là gì, nhưng Trung Quốc sẽ vẫn tồn tại chính thể độc quyền gắn liền với chính danh Đảng cộng sản khi mà nền kinh tế vẫn đạt được sự tăng trưởng. Còn ngược lại, khi kinh tế gặp vấn đề, thì chính giới tinh hoa Trung Quốc, ở đây là Phó Thủ tướng Lưu Hạc cảnh báo sự suy thoái kinh tế tư nhân có khả năng gây nguy cơ tồn vong chính trị và khả năng ‘dân chúng nổi dậy’.

Việt Nam cũng không thể thoát được quy trình nêu trên, khi gần đây, trang tin của Tập đoàn dầu khí Việt Nam – PVN, đã đăng tải loạt bài về ‘Gia tăng trữ lượng dầu khí’, và coi đây là ‘yếu tố sống còn.’

"Vì vậy, làm thế nào để đạt được mục tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí trong hiện tại và tương lai là vấn đề sống còn, hệ trọng của an ninh năng lượng quốc gia, sự phát triển ổn định của nền kinh tế"., Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 theo Nghị quyết số 41-NQ/TƯ ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam.

Nếu ổn định của nền kinh tế không được duy trì, thì sự chính danh của Đảng cộng sản Việt Nam cũng sẽ bị lôi kéo theo. Trường hợp của Việt Nam sẽ không thể so sánh với nền kinh tế đóng kín của Triều Tiên, hay nền kinh tế bao cấp của Cuba,… Sự tự do internet của Việt Nam khiến cho hệ lụy và tác động xã hội từ vấn đề khủng hoảng kinh tế trở nên tồi tệ hơn so với mức độ cùng cấp của Trung Quốc. Nói cách khác, khi con số tăng trưởng nhưng không đem lại hiệu quả về mặt thu nhập quốc dân thực tế, thì nó kéo theo suy thoái về mặt chính trị. Và hiện tượng ‘di tản’ kinh tế, chính trị ra bên ngoài sẽ hiện diện tại Việt Nam.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ ra sự ‘giả hiệu’ về cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa, thì nhà lãnh đạo Hà Nội cũng cần nghiêm túc lắng nghe. Hoặc chấm dứt sự ‘giả hiệu’ trong đổi thương mại lấy nhân quyền, thực tâm cải cách pháp quyền trong nước, trở thành quốc gia hành xử có trách nhiệm với chính nhân dân trong nước, trả lại quyền làm chủ cho nhân dân để phát huy tối đa nội lực quốc gia và hưởng lợi chân thành hơn từ các gói thương mại với Mỹ và EU ; hoặc trở nên suy toàn theo cách không ai ngờ đến, như hiện tượng Liên Xô vào thập niên 90 của thế kỷ XX.

"Venezuela nhắc nhở tất chúng ta rằng Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản tồn tại không vì công lý, không vì bình đẳng, không vì cứu vớt người nghèo, và chắc chắn là nó không vì những điều tốt đẹp cho đất nước. Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản chỉ tồn tại vì một điều duy nhất : Quyền lực cho những kẻ thống trị". – Tổng thống Donald Trump phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

An Viên

Nguồn : VNTB, 26/09/2019

Published in Diễn đàn
mardi, 04 décembre 2018 12:28

Pháp quyền hay Đảng trị ?

"Thành ủy đề nghị Thường trực UBND Thành phố chỉ đạo quận 2 có khảo sát đối với những hộ dân thuộc khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch đã bị cưỡng chế, xem xét điều kiện người dân sống như thế nào. Nếu họ đang khó khăn về chỗ ở thì có hướng mời người dân vào những khu tái định cư".

phapquyen1

Người dân căng băng-rôn phản đối liên quan đến dự án Đô thị mới Thủ Thiêm

Đó là yêu cầu đưa ra hôm 1/12 của ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, khi nói về các vấn đề đang diễn ra tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (1).

Đề xuất này của ông Nguyễn Thiện Nhân cho thấy lại tiếp tục thỏa hiệp cái ác, và có dấu hiệu trên cương vị Bí thư Thành ủy, ông đang dùng quyền lực đảng để bao che những cựu quan chức đã sai phạm trong quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 1 và 2/12, lác đác vài hộ dân nằm ngoài ranh quy hoạch quy hoạch đã bị chính quyền quận 2 cưỡng chế di dời, họ đã về lại nền nhà cũ, miếng đất cũ để cắm cọc, dựng chòi khẳng định quyền sở hữu cá nhân hợp pháp đã bị chính quyền dùng vũ lực tước đoạt. 

Sao không giải quyết theo luật ?

Góc nhìn pháp quyền, như yêu cầu hôm 1/12 của ông Nguyễn Thiện Nhân là chỉ đạo quận 2 có khảo sát đối với những hộ dân thuộc khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch đã bị cưỡng chế [nguồn đã dẫn], cho thấy để giải quyết tận gốc ngọn việc khiếu kiện kéo dài ở Thủ Thiêm, thì với những hộ ngoài ranh đã bị chính quyền ‘đập’ nhà, ‘chiếm’ đất… cần được giải quyết tại Toà án với tuyên bố "vô hiệu" theo Điều 127, Bộ Luật Dân sự 2015 về các quyết định cưỡng chiếm này.

Điều luật kể trên có nội dung như sau : Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên, hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên, hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.

Nếu tòa án từ chối thụ lý, cần thiết chuyển toàn bộ hồ sơ những hộ dân thuộc khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch đã bị cưỡng chế cho cơ quan công an để làm rõ các hành vi quy định tại Điều 127, Bộ Luật Dân sự.

Lưu ý, trong trường hợp khu đô thị mới Thủ Thiêm thì không có vấn đề thời hiệu cho chuyện yêu cầu tòa tuyên "vô hiệu". Điều này được ghi rõ trong Bộ Luật Dân sự 2015. Theo đó, Điều 132 cho biết đối với giao dịch dân sự quy định tại Điều 123 và Điều 124 của Bộ luật này, thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.

Điều 123 nói rằng giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

Điều 124 quy định khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.

Dĩ nhiên để làm rõ từng tình tiết pháp lý tố tụng ở Điều 123, 124 trong vụ việc kéo dài ròng rã suốt hai mươi năm, gây nhiều bức xúc niềm tin vào công lý của người dân, nếu Tòa án không có điều kiện trực tiếp điều tra, thì chuyển hồ sơ yêu cầu cơ quan công an làm rõ ; bao gồm không loại trừ cả việc xem xét nếu có dấu hiệu hình sự trong những giả tạo được lập ra nhằm cưỡng ép người dân Thủ Thiêm phải rời bỏ tài sản đất đai hợp pháp của họ, thì cần truy cứu trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật hình sự.

Vì đó là "Pháp trị" ?

Trở lại với cách đặt vấn đề ở tựa bài viết : Pháp quyền hay Đảng trị ? Ở đây, dường như "Đảng trị" được xem là tương đồng với "Pháp trị", khi mà Điều 4.1, Hiến pháp 2013 trao cho đảng cộng sản Việt Nam cái quyền "lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".

Vậy "Pháp quyền" khác với "Pháp trị" chỗ nào ? Theo cách hiểu của Điều 4, Hiến pháp, thì giới cầm quyền là đảng cộng sản có quyền ban hành pháp luật để cai trị, hay nói bằng ngôn từ hiện đại là để quản lý. Mặc dù pháp luật được tuân thủ tuyệt đối, nhưng ban hành pháp luật như thế nào lại là quyền độc đoán của tổng bí thư đảng cộng sản, hay của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là pháp trị.

Pháp quyền lại không hoàn toàn như vậy. Trước hết, pháp quyền là việc pháp luật đứng trên tất cả, trên cả nhà nước, đương nhiên là trên cả tổng bí thư đảng cộng sản. Và quan trọng hơn nữa, người dân cũng như nhà nước, hay tổng bí thư đảng cộng sản đều bình đẳng trước pháp luật.

Điều 2, Hiến pháp 2013 ghi rằng "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân". Tuy nhiên cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có tòa án Hiến pháp, hoặc các thiết chế bảo hiến khác được thành lập và vận hành trên thực tế để bảo đảm việc tuân thủ Hiến pháp, và bảo vệ các quyền của con người khỏi sự xâm hại của các quyền lực lập pháp, hành pháp cũng như tư pháp.

Chính điều đó nên mãi cho đến nay đảng cộng sản vẫn chưa chịu sự điều chỉnh nào của pháp luật về đảng như quy định tại Điều 4.3, Hiến pháp 2013, "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

Do đó, xem ra chỉ đạo của đối với những hộ dân thuộc khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch đã bị cưỡng chế, xem xét điều kiện người dân sống như thế nào. Nếu họ đang khó khăn về chỗ ở thì có hướng mời người dân vào những khu tái định cư, của ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng không sai khi hiểu rằng đó là "Pháp trị" của những người nhân danh quyền lực đảng cầm quyền.

Thay lời kết

Là phóng viên có thời gian dài ‘đeo bám’ vụ khiếu kiện của người dân ở khu đô thị Thủ Thiêm, người viết cho rằng gốc ngọn của cụm từ ‘dân oan’, xuất phát chuyện từ trước đến nay, nhà nước vẫn quan niệm mục tiêu của pháp luật là giữ gìn trật tự xã hội. Đó là một cách nghĩ quá đơn giản và đã tầm thường hóa vai trò của pháp luật.

Sứ mệnh của pháp luật là đảm bảo tự do và phát triển quyền tự do của con người. Nếu pháp luật được định ra bởi ý chí của nhà cầm quyền, thay vì là kết quả của quá trình thảo luận và đàm phán giữa các thành viên trong xã hội, thì pháp luật đó sẽ trái với ý chí xã hội và không thể hiện các giá trị tự do.

Nếu không có những thay đổi phù hợp, thì ‘dân oan’ sẽ là cấp số nhân trong nhiều ngóc ngách của xã hội. "Chúng ta được tự do vì chúng ta sống với dân luật", triết gia Montesquieu, nhận xét như vậy.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 04/12/2018

(1) http://bit.ly/2zAQPyS

Published in Diễn đàn

Yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải thượng tôn pháp luật là một trong những lý do mà anh Trần Huỳnh Duy Thức đã phải tuyệt thực 34 ngày.

Vậy thượng tôn pháp luật là gì ?

Pháp luật muốn được thượng tôn thì pháp luật phải bắt nguồn từ người dân, lấy người dân làm trọng tâm và phải quan tâm sát sao đến lợi ích của người dân. Các văn bản luật phải đảm bảo phục vụ lợi ích của người dân. Để đại diện cho người dân những người làm luật phải đặt vị trí của mình ngang với người dân.

Theo giáo sư luật học Brian Tamanaha, thượng tôn pháp luật có nghĩa là cả chính quyền lẫn người dân phải cùng chịu sự ràng buộc bởi luật, và phải tuân theo luật. Định nghĩa này chứa đựng ba hàm ý chính : giới hạn quyền lực nhà nước, không ai được đứng trên pháp luật, và bình đẳng trước pháp luật

Bản chất của hệ thống pháp luật của chế độ cộng sản Việt Nam

Từ khi Đảng cộng sản Việt Nam cướp được chính quyền, họ đã tiến hành xây dựng hệ thống pháp luật để làm công cụ bảo vệ cho chế độ độc đảng của họ. Bởi vậy, trong chế độ cộng sản Việt Nam, mục đích và nhiệm vụ chính của pháp luật không phải là để bảo vệ lợi ích của người dân, trật tự xã hội mà là bảo vệ cho quyền lực và lợi ích của Đảng cộng sản Việt Nam.

nha1

Thánh Augustin (354-430) đã nói : "Luật bất công không phải là luật".

Những năm gần đây, do hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, buộc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam buộc phải xây dựng hệ thống pháp luật của họ cho sát với chuẩn mực quốc tế. Mặc dù các văn bản pháp luật có tiến bộ hơn, nhưng việc thực thi pháp luật thì còn tệ hơn trước bởi sự chà đạp và phỉ báng vào chính pháp luật do nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam xây dựng nên.

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có thể thượng tôn pháp luật được không ?

Khi đối chiếu với nội hàm của khái niệm thượng tôn pháp luật thì chúng ta thấy :

Thứ nhất là giới hạn quyền lực nhà nước. Điều này nhà cầm cộng sản Việt Nam không thể làm được bởi trong hệ thống pháp luật và chính trị của chế độ không có cơ chế kiểm soát quyền lực như : Không có tự do báo chí hay không có báo chí tư nhân độc lập, không có các tổ chức đảng phái chính trị đối lập, không có hệ thống các tổ chức xã hội dân sự độc lập, không có bầu cử tự do và công bằng, không có hệ thống cơ quan tư pháp độc lập. Cả hệ thống chính trị của chế độ CS đua nhau lũng loạn quyền lực. Chính bản thân Nguyễn Phú Trọng, người cầm đầu Đảng cộng sản Việt Nam đã phải kêu gào kiểm soát quyền lực. Ông ta từng phát biểu là phải nhốt quyền lực trong lồng pháp luật, nhưng ông ta sẽ không bao giờ làm được bởi chính Đảng cộng sản Việt Nam vừa là cơ quan làm luật vừa là cơ quan thực thi pháp pháp luật và cũng là cơ quan giám sát thực thi pháp luật bởi Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội theo điều 4 Hiến pháp.

Triết gia Montesquieu (1689-1755) đã nói : "Nếu cơ quan cầm quyền vừa là kẻ thi hành pháp luật vừa tự mình là kẻ lập pháp, thì họ có thể tàn phá quốc gia bằng những ý nghĩ sai lầm. Nếu họ còn có thể nắm luôn cả quyền xét xử nữa thì họ có thể đè nát mọi công dân theo ý muốn của mình".

nha2

Thứ hai là không ai được đứng trên pháp luật. Các quan chức và các cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam từ trung ương tới địa phương không nằm trong hệ thống các cơ quan hành chính hay tư pháp. Nhưng họ có thể trực tiếp, dùng điện thoại hay thậm chí là văn bản để can thiệp vào hoạt động của các cơ quan hành chính hay tư pháp. Người dân Việt Nam ai cũng biết câu" Việt Nam có một rừng luật, nhưng toàn sài luật rừng". Điều này cho thấy sự coi thường và đứng trên pháp luật của cả hệ thống chính trị cộng sản Việt Nam.

Một khẳng định của luật gia danh tiếng Dicey : "Không một ai vượt trên được luật pháp, mỗi người dù ở bất cứ cấp bậc hay địa vị nào đều phải tuân theo luật pháp của quốc gia và phải phục tùng quyền tài phán của các tòa án. Bất kể là một quân nhân hay giáo sĩ, nếu có được miễn những nghĩa vụ pháp lý thông thường nhờ địa vị của họ, thì họ vẫn không thể trốn tránh những nghĩa vụ của một công dân bình thường". 

Thứ ba là bình đẳng trước pháp luật. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã chà đạp lên quyền bình đẳng giữa các công dân Việt Nam với nhau khi họ tước đoạt quyền tự do hoạt động, tham gia và thành lập các tổ chức đảng phái chính trị của gần 90 triệu công dân Việt Nam. Bốn triệu công dân Việt Nam là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam thì có quyền làm báo, có quyền tự do hoạt động chính trị, có quyền và cơ hội để lãnh đạo đất nước. Còn gần 90 triệu công dân còn lại thì bị tước đoạt những quyền này. Mỗi năm, có gần một triệu thanh niên Việt Nam đủ 18 tuổi là có đầy đủ các quyền công dân, nhưng họ đã bị tước đoạt các quyền tự do hoạt động chính trị của mình. Trong chế độ cộng sản tại Việt Nam không bao giờ có quyền bình đẳng.

nha3

Như vậy có thể kết luận : "Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không bao giờ biết thượng tôn pháp luật. Và những người biết thượng tôn pháp luật không bao giờ là những quan chức cộng sản".

Tại sao nhà cầm quyền cộng sản không thượng tôn pháp luật do chính họ làm ra ?

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không bao giờ có thể thượng tôn pháp luật bởi bản chất của một chế độ độc đảng chuyên chế là tuyệt đối hóa quyền cai trị của nó. Muốn tuyệt đối hóa quyền cai trị của mình thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải chà đạp và tước đoạt quyền tự do, dân chủ của Nhân dân. Mà chà đạp hay tước đoạt các quyền con người là sự phỉ báng pháp luật.

Đảng cộng sản Việt Nam không bao giờ có thể đứng vững và tồn tại trong một nền chính trị tự do có đa nguyên, đa đảng.

Bởi vậy, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mà thượng tôn pháp luật là tự hủy diệt chính họ.

Đấu tranh để yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thượng tôn pháp luật là một việc làm vô nghĩa. Thay vào đó, chúng ta phải đấu tranh để xóa bỏ chế độ cộng sản Việt Nam chuyên chế và phản động. Xây dựng một chế độ mới do Nhân dân làm chủ thực sự thông qua các tổ chức, đảng phái chính trị do chính Nhân dân thành lập lên.

Ngày 20 tháng 9 năm 2018

Nguyễn Văn Đài

Nguồn : RFA, 20/09/2018 (nguyenvandai's blog)

Published in Diễn đàn

Không bàn về học thuật, băn khoăn ở đây là từ một số vụ án xét xử phúc thẩm đã cho thấy dường như ‘pháp quyền xã hội chủ nghĩa’, đang tạo nên sự bất công trong xét xử, với phần thiệt thòi luôn là các bị cáo trước vành móng ngựa.

xhcn11

Thế nào là xây dựng xã hội chủ nghĩa ?

Ba câu hỏi chốn pháp đình

Trong một chia sẻ sau phiên xét xử phúc thẩm vụ án “Phong trào Chấn hưng nước Việt”, một luật sư tâm sự rằng ông rất hoang mang về cái gọi là “pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.

Ông nói : “Từ thực tiễn xét xử các vụ án ở Việt Nam gần đây gây bức xúc công luận và đánh động lương tri, bất giác khiến tôi nhớ đến các vụ án chấn động ở thế kỷ trước, xảy ra ở Cuba, Hương Cảng (tô giới nước Anh) và Việt Nam (thuộc địa Pháp) mà ngẫm nghĩ, đối chiếu thấy ra những nghịch lý đến khó hiểu”.

Cách đây gần thế kỷ (năm 1931), các luật sư của nước Anh (đế quốc, thực dân) lại hết lòng bào chữa, bảo vệ hữu hiệu cho bị cáo Tống Văn Sơ trước cáo buộc có các hoạt động phương hại đến nền an ninh quốc gia của họ… Vì sao các luật sư nước Anh (trong đó nổi bật là luật sư Loseby) lại hành xử như vậy và vì sao nhà chức trách vẫn để họ yên ổn hành nghề ? !

Cách đây hơn nửa thế kỷ (năm 1953), Tòa án của nhà nước Batista (chính thể bị xem là độc tài, quân phiệt của Cuba lúc bấy giờ) lại để cho bị cáo Fidel Castro tự bào chữa suốt 4 giờ liền không bị gián đoạn, mà nội dung bào chữa được xem là bản cáo trạng lên án nhà cầm quyền, được lưu giữ và sau này in thành sách, chuyển ngữ tiếng Việt với tiêu đề “Lịch sử sẽ xóa án cho tôi” (NXB Công an nhân dân) ?!

Cách đây ngót thế kỷ (năm 1928) ở xứ Nam kỳ thuộc địa đã xảy ra vụ án “Người nông dân nổi dây” tại cánh đồng Nọc Nạng (thuộc xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu hiện nay) mà khi xét xử vụ án, các “quan tòa áo đỏ” người Pháp tuyên tha bổng các bị cáo đồng phạm đâm chết “ông cò” Tournier (cảnh sát người Pháp, tham gia đàn áp gia đình ông Mười Chức)… ? !

Với ba câu hỏi nói trên, vị luật sư cho biết kể từ khi tham gia bào chữa các vụ án màu sắc ‘án chính trị’, ông gần như nhiều lúc mắc chứng trầm cảm vì có quá nhiều điều không tưởng trong tố tụng đang diễn ra ở những phiên xét xử này. Đơn cử là việc thẩm phán chủ tọa ngăn trở quyền tự bào chữa của bị cáo và của cả luật sư. Bên công tố buộc tội thì lại giữ quyền im lặng, từ chối những câu hỏi đặt ra khi tranh tụng của luật sư. Thân nhân của bị cáo muốn vào dự phiên xét xử phải xin phép, và người dân không được vào dự khán ở phiên tòa được thông báo là xét xử công khai…

“Nhiều người nhìn các tấm hình thấy luật sư ngồi trước laptop (máy tính xách tay) tại phòng xử án, sẽ dễ nhầm tưởng… Thật ra các máy tính này, kể cả thiết bị thẻ nhớ USB lưu trữ tài liệu phục vụ bào chữa ở trước mặt từng luật sư, đều là của nhân viên tòa án đưa cho mượn. Kết thúc xét xử là trả lại cho tòa, và luật sư được nhận lại laptop mà tòa ‘giữ dùm’ trước đó”. Vị luật sư chia sẻ.

Luật là hệ thống hóa chính sách của Đảng ?

Có phải pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một nền luật pháp mà bản thân nó là việc luật hóa và hệ thống hóa các chính sách của Đảng ? Luật là chính sách của Đảng dành cho nhà nước và được giải thích bởi Quốc hội thông qua các thủ tục lập pháp ; chính sách của Đảng là linh hồn và nền tảng của pháp luật ?

Nhìn lại những vụ án như Hội Anh em dân chủ, Phong trào Chấn hưng nước Việt, có thể thấy vai trò của các thẩm phán trong hệ thống luật pháp xã hội chủ nghĩa cũng nằm trong sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Các thẩm phán vẫn đưa ra những phán quyết có lợi cho chính quyền, chứ không áp dụng luật pháp một cách công bình.

Cũng băn khoăn về ‘pháp quyền xã hội chủ nghĩa’, một nhà báo chuyên mảng pháp đình cho rằng trong rất nhiều vụ án, pháp đình không phải là nơi công lý được thực thi. Công lý đã không đứng về phía người tận khổ. Nhà báo này muốn nói về bản án tử hình mà Tòa án nhân dân cấp cao tại hành phố Hồ Chí Minh tuyên cho bị cáo Đặng Văn Hiến hôm 12/7/2018.

“Vụ án đồng Nọc Nạn tháng 8 năm 1928, Tòa Đại hình Cần Thơ đã tuyên tha bổng cho hầu hết các bị can. Toàn án thực dân đã thừa nhận vị thế nạn nhân của các thủ phạm. Sau 90 năm, Tòa án xã hội chủ nghĩa của chúng ta đã không nhìn được điều đó. Ý nghĩa nhân đạo không tồn tại trong bản án phúc thẩm vừa tuyên cho Hiến. Đó là một bước thụt lùi về khía cạnh nhân văn của nền tư pháp.

Trước, trong và sau phiên tòa, hàng trăm, hàng ngàn bài báo đã lên tiếng đòi, kiến nghị, xin giảm án cho Hiến. Gia đình nạn nhân, các luật sư cũng đã làm đủ mọi cách để án cho Hiến nhẹ hơn. Nhưng vô vọng. Luật pháp đã không hề nghe thấy nhưng tiếng kêu từ lương tâm xã hội”. Nhà báo này chua chát so sánh.

Ông Đặng Văn Hiến đã cầm súng thể thao để chống trả lực lượng gồm 34 người của Công ty Long Sơn mang theo hung khí, áo giáp cùng các phương tiện cơ giới vào phá tài sản của gia đình ông. Vụ việc gây hậu làm 3 người chết, 13 người bị thương.

Nói như lời cảm thán của vị ký giả pháp đình, thì nếu chủ tịch nước bác đơn xin ân xá, y án tử hình Hiến, thì xã hội nhận thêm một vết thương, một nỗi đau lương tâm. Y án tử hình Hiến, lương tri đang bị giễu nhại, công lý đang trở nên méo mó, và người ta được quyền nghi ngờ vào những lời hoa mỹ ngợi ca pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Có lẽ không chỉ người dân, mà cả giới luật sư, nhà báo đang khánh kiệt dần niềm tin…

Trúc Giang

Nguồn : 15/07/2018

Published in Diễn đàn