Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/12/2018

Pháp quyền hay Đảng trị ?

Trúc Giang

"Thành ủy đề nghị Thường trực UBND Thành phố chỉ đạo quận 2 có khảo sát đối với những hộ dân thuộc khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch đã bị cưỡng chế, xem xét điều kiện người dân sống như thế nào. Nếu họ đang khó khăn về chỗ ở thì có hướng mời người dân vào những khu tái định cư".

phapquyen1

Người dân căng băng-rôn phản đối liên quan đến dự án Đô thị mới Thủ Thiêm

Đó là yêu cầu đưa ra hôm 1/12 của ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, khi nói về các vấn đề đang diễn ra tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (1).

Đề xuất này của ông Nguyễn Thiện Nhân cho thấy lại tiếp tục thỏa hiệp cái ác, và có dấu hiệu trên cương vị Bí thư Thành ủy, ông đang dùng quyền lực đảng để bao che những cựu quan chức đã sai phạm trong quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 1 và 2/12, lác đác vài hộ dân nằm ngoài ranh quy hoạch quy hoạch đã bị chính quyền quận 2 cưỡng chế di dời, họ đã về lại nền nhà cũ, miếng đất cũ để cắm cọc, dựng chòi khẳng định quyền sở hữu cá nhân hợp pháp đã bị chính quyền dùng vũ lực tước đoạt. 

Sao không giải quyết theo luật ?

Góc nhìn pháp quyền, như yêu cầu hôm 1/12 của ông Nguyễn Thiện Nhân là chỉ đạo quận 2 có khảo sát đối với những hộ dân thuộc khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch đã bị cưỡng chế [nguồn đã dẫn], cho thấy để giải quyết tận gốc ngọn việc khiếu kiện kéo dài ở Thủ Thiêm, thì với những hộ ngoài ranh đã bị chính quyền ‘đập’ nhà, ‘chiếm’ đất… cần được giải quyết tại Toà án với tuyên bố "vô hiệu" theo Điều 127, Bộ Luật Dân sự 2015 về các quyết định cưỡng chiếm này.

Điều luật kể trên có nội dung như sau : Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên, hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên, hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.

Nếu tòa án từ chối thụ lý, cần thiết chuyển toàn bộ hồ sơ những hộ dân thuộc khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch đã bị cưỡng chế cho cơ quan công an để làm rõ các hành vi quy định tại Điều 127, Bộ Luật Dân sự.

Lưu ý, trong trường hợp khu đô thị mới Thủ Thiêm thì không có vấn đề thời hiệu cho chuyện yêu cầu tòa tuyên "vô hiệu". Điều này được ghi rõ trong Bộ Luật Dân sự 2015. Theo đó, Điều 132 cho biết đối với giao dịch dân sự quy định tại Điều 123 và Điều 124 của Bộ luật này, thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.

Điều 123 nói rằng giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

Điều 124 quy định khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.

Dĩ nhiên để làm rõ từng tình tiết pháp lý tố tụng ở Điều 123, 124 trong vụ việc kéo dài ròng rã suốt hai mươi năm, gây nhiều bức xúc niềm tin vào công lý của người dân, nếu Tòa án không có điều kiện trực tiếp điều tra, thì chuyển hồ sơ yêu cầu cơ quan công an làm rõ ; bao gồm không loại trừ cả việc xem xét nếu có dấu hiệu hình sự trong những giả tạo được lập ra nhằm cưỡng ép người dân Thủ Thiêm phải rời bỏ tài sản đất đai hợp pháp của họ, thì cần truy cứu trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật hình sự.

Vì đó là "Pháp trị" ?

Trở lại với cách đặt vấn đề ở tựa bài viết : Pháp quyền hay Đảng trị ? Ở đây, dường như "Đảng trị" được xem là tương đồng với "Pháp trị", khi mà Điều 4.1, Hiến pháp 2013 trao cho đảng cộng sản Việt Nam cái quyền "lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".

Vậy "Pháp quyền" khác với "Pháp trị" chỗ nào ? Theo cách hiểu của Điều 4, Hiến pháp, thì giới cầm quyền là đảng cộng sản có quyền ban hành pháp luật để cai trị, hay nói bằng ngôn từ hiện đại là để quản lý. Mặc dù pháp luật được tuân thủ tuyệt đối, nhưng ban hành pháp luật như thế nào lại là quyền độc đoán của tổng bí thư đảng cộng sản, hay của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là pháp trị.

Pháp quyền lại không hoàn toàn như vậy. Trước hết, pháp quyền là việc pháp luật đứng trên tất cả, trên cả nhà nước, đương nhiên là trên cả tổng bí thư đảng cộng sản. Và quan trọng hơn nữa, người dân cũng như nhà nước, hay tổng bí thư đảng cộng sản đều bình đẳng trước pháp luật.

Điều 2, Hiến pháp 2013 ghi rằng "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân". Tuy nhiên cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có tòa án Hiến pháp, hoặc các thiết chế bảo hiến khác được thành lập và vận hành trên thực tế để bảo đảm việc tuân thủ Hiến pháp, và bảo vệ các quyền của con người khỏi sự xâm hại của các quyền lực lập pháp, hành pháp cũng như tư pháp.

Chính điều đó nên mãi cho đến nay đảng cộng sản vẫn chưa chịu sự điều chỉnh nào của pháp luật về đảng như quy định tại Điều 4.3, Hiến pháp 2013, "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

Do đó, xem ra chỉ đạo của đối với những hộ dân thuộc khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch đã bị cưỡng chế, xem xét điều kiện người dân sống như thế nào. Nếu họ đang khó khăn về chỗ ở thì có hướng mời người dân vào những khu tái định cư, của ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng không sai khi hiểu rằng đó là "Pháp trị" của những người nhân danh quyền lực đảng cầm quyền.

Thay lời kết

Là phóng viên có thời gian dài ‘đeo bám’ vụ khiếu kiện của người dân ở khu đô thị Thủ Thiêm, người viết cho rằng gốc ngọn của cụm từ ‘dân oan’, xuất phát chuyện từ trước đến nay, nhà nước vẫn quan niệm mục tiêu của pháp luật là giữ gìn trật tự xã hội. Đó là một cách nghĩ quá đơn giản và đã tầm thường hóa vai trò của pháp luật.

Sứ mệnh của pháp luật là đảm bảo tự do và phát triển quyền tự do của con người. Nếu pháp luật được định ra bởi ý chí của nhà cầm quyền, thay vì là kết quả của quá trình thảo luận và đàm phán giữa các thành viên trong xã hội, thì pháp luật đó sẽ trái với ý chí xã hội và không thể hiện các giá trị tự do.

Nếu không có những thay đổi phù hợp, thì ‘dân oan’ sẽ là cấp số nhân trong nhiều ngóc ngách của xã hội. "Chúng ta được tự do vì chúng ta sống với dân luật", triết gia Montesquieu, nhận xét như vậy.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 04/12/2018

(1) http://bit.ly/2zAQPyS

Quay lại trang chủ
Read 583 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)