Cánh Cò, RFA, 14/10/2021
Ông Nguyễn Phú Trọng khi tiếp xúc cử tri các quận trung tâm thủ đô Hà Nội hôm 12/10 cho rằng, dân được giám sát hoạt động của Đảng, của Chính phủ, của Quốc hội và của cả hệ thống chính trị. Nếu làm đúng thì dân ủng hộ, nếu làm sai thì có những cái góp ý kiến, nếu làm hư hỏng thì dân phải phản đối để xử lý những anh làm sai, làm hỏng đi.
Người dân tội nghiệp chúng ta không còn món gì khác ngoài con cá gỗ mà ông Trọng ban cho. Con cá mang tên giám sát rất dễ mắc xương, mà cái xương nguy hiểm nhất là "góp ý kiến".
Ông Tổng bí thư thật là một người có viễn kiến. Ông nắm chắc những lo lắng, bức xúc của người dân đối với hệ thống chính trị do ông lãnh đạo nên cho dù đang bị khốn khổ, đày ải bởi con virus cúm Tàu, cố ngoi lên trong cái nghiệt ngã của đói nghèo, bệnh tật nhưng người dân vẫn gắng gượng nghĩ tới Đảng, nghĩ tới những hoạt động của Chính phủ của Quốc hội những cơ quan mà trong bốn tháng vừa qua đã tận lực kêu gọi người dân hãy tự cứu mình trước khi nhà nước cứu.
Nếu không vậy thì lý do gì ông Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ lại công khai bày tỏ rằng tiền trong dân còn rất nhiều, chính phủ nên nghĩ cách tận dụng nguồn lực này.
Thì ra dân còn rất giàu, một số rất lớn người dân không bị Covid vật ngã vì vậy dân còn cơ hội để đóng góp ý kiến lẫn tiền bạc cho nhà nước.
Nhưng xem ra, chỉ một số rất ít còn ngu ngơ cả tin vào hai ông này. Cái số rất ít ấy quen ăn cá gỗ từ ngàn xưa tới nay khi lâm vào thế cùng lực tận, những con cá làm bằng gỗ treo trên giàn bếp kẻ nghèo túng cứ và một miếng cơm, nhìn con cá tưởng tượng ra mùi vị và hương thơm từ thịt con cá. Ngày này sang ngày khác, con cá còn nguyên và trí tưởng tượng của người ăn nó dần dần cũng nhạt đi giống như người ta ăn một món gì đó hàng ngày sẽ phát chán và tìm món khác.
Nhưng người dân tội nghiệp chúng ta không còn món gì khác ngoài con cá gỗ mà ông Trọng ban cho. Con cá mang tên giám sát rất dễ mắc xương, mà cái xương nguy hiểm nhất là "góp ý kiến".
Từ ngày dịch bệnh nổ ra người vào tù ít dần đi bởi dịch bệnh cô lập người ta trong nhà lẫn ngoài phố. Những cái tay táy máy gõ trên bàn phím nói về sai phạm lẫn tiêu cực trong cách chống Covid đều được chiếu cố, nhưng con số người vào tù vì "góp ý kiến" xem ra vơi hơn lúc trước, khi mà ý kiến được hàng loạt người đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái bất công của nhà nước, cán bộ các cấp đã được trả giá bằng những căn phóng nhốt tù lạnh lẽo.
Tổ chức Ân xá quốc tế từng nhiều lần kêu gọi Việt Nam phải trả tự do cho hàng trăm tù nhân lương tâm vì họ không vi phạm pháp luật Việt Nam. Cái mà nhà nước mang trên cổ họ đều do họ phản biện và "góp ý kiến". Bằng cách nào đó, những tù nhân lương tâm đã làm trước khi ông Tổng bí thư gợi ý.
Bây giờ chằng qua ông Trọng nhắc lại cho chúng ta nhớ. Một nhắc nhở không thừa khi ai cũng biết rằng chưa bao giờ sự "góp ý kiến" mất đi trong thể chế chính trị Việt Nam, khi mà bất cứ chính sách, nghị quyết nào cũng lấy sự an nguy của Đảng làm chính.
Ông Trọng hiểu rất rõ người dân thèm khát dân chủ tới mức nào. Có người chấp nhận hy sinh cả cuộc đời mình để nói lên tiếng nói bênh vực đồng bào. Có người không ngại vào tù khi chấp nhận trực diện với chính quyền để bênh vực người dân bảo vệ đất đai của họ. Hai đức tính này hiện rõ trong một gia đình nổi tiếng của Việt Nam mà trong vài ngày tới họ sẽ bị mang ra tòa án Hà Nội để xét xử về việc "Giám sát" trong vấn đề dân oan Dương Nội và trường hợp cả nhà ông Lê Đình Kình bị ba ngàn sát thủ Công an bao vây và hạ sát.
Họ là bà Cấn Thị Thêu cùng hai con trai Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương bị bắt. Bà Thêu và Trịnh Bá Tư đã bị Tòa án tỉnh Hòa Bình tuyên án tù và Trịnh Bá Phương sẽ ra tòa ngày 4 tháng 11 sắp tới. Ở đó hẳn Trịnh Bá Phương sẽ lập lại lời của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng : 3 mẹ con đang thực hiện quyền giám sát Chính phủ, Quốc hội chứ không phải vi phạm bất cứ thứ luật lệ nào mà Công an / Viện kiểm sát cáo buộc.
Ông Vương Đình Huệ gợi ý tiền trong dân còn nhiều chắc có ẩn ý rằng Quốc hội nên ra một đạo luật nào đó khuyến khích dân mua công trái hay cho chính phủ vay để… trả nợ công chứ hoàn toàn không có một ý đồ nào khác. Thế nhưng cứ nghĩ lại bài học của bà Cát Hanh Long, tức bà Nguyễn Thị Năm từng giúp kháng chiến bao nhiêu tài sản và vàng bạc nhưng sau đó bị giết trong cải cách ruộng đất mà không được cách mạng lên tiếng bênh vực thì lần này ai là người bị ma ám để móc hầu bao ra giúp nhà nước phản trắc này nữa ?
Ông Trọng đã lặn thật sâu khi Covid hoành hành, nay khi cả nước hé lộ chút ánh sáng đã vội vàng ra mặt tiếp tục những mỹ từ giết người, liệu mấy ai còn tin hai ông khi những bài học đắc giá vẫn sờ sờ ra đó ?
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 14/10/2021 (canhco's blog)
**********************
Thêm một vụ cưỡng chế bất minh và những hệ lụy dai dẳng cho dân khiếu kiện
Thanh Trúc, RFA, 14/10/2021
Một nhóm gồm hơn hai chục hộ dân cho rằng họ bị cưỡng chế nhà không theo đúng luật, phải đi khiếu kiện. Vụ việc không được giải quyết nên họ về dựng lại nhà trên đất cũ sống và rồi khi dần ổn định lại bị đuổi đi khiến họ phải lên tiếng kêu cứu.
Nhà của bà Thúy bị cưỡng chế phá đổ phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng năm 2011 - Hình do người dân cung cấp
Vụ việc diễn ra tại vùng đấtthuộc phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Từ đầu những năm ’90 một số dân đến khai hoang dựng nhà trên mảnh đất lúc đó còn ẩm thấp như lời họ kể.
Sau những năm sống yên ổn, họ bị cơ quan chức năng đến cưỡng chế lần thứ nhất hồi năm 2011 như lờithuật của một người dân trong cuộc là bà Vân Lê :
"Ngày thứ sáu 28/2/2011, họ photo 24 biên bản quyết định cưỡng chế 24 công trình vi phạm để dán lên 24 căn nhà của chúng tôi. Quyết định do ông chủ tịch Nguyễn Xuân Phi quận Ngô Quyền ký và đóng dấu"
"Ngay chiều hôm ấy thì họ cắt điện, cắt nước rồi cho công an vào từng nhà để khống chế, nghĩa là trong bất xuất ngoài bất nhập"
"Qua ngày thứ bảy, chủ nhật, đến sáng thứ hai họ mang vào tất cả năm máy xúc, máy ủi, có cả cứu thương cứu hỏa, lính công binh dò mìn, rồi 113. Trong một buổi sáng bốn tiếng đồng hồ là họ phá hủy 24 căn nhà chúng tôi đang ở, Sau đó khi chúng tôi đi khiếu kiện thì họ lập 24 cái biên bản giả họ tự nghĩ tự ký với nhau, hiện giờ tôi còn giữa đây.Nhà chúng tôi đã ổn định nhưng biên bản giả họ lập là nhà ông A bà B chỉ mới xây có 20, 30 phân tường".
Bà Thúy, một cư dân khác, trình bày thêm về vụ cưỡng chế năm 2011 :
"Tối chủ nhật họ đã đến từng nhà vây kín rồi, mỗi một nhà là mấy chục người công an.Họ không họp bàn người dân, không đền bù cũng không một giấy quyết địnhthuhồi. Hai mươi tư căn hộ bị san bằng hết, người dân bị khống chế ra hết, con gái tôi là mấy chục người vào khiên quăng lên ô tô luôn"
Sau đó cả gia đình bà Thúy và bà con cùng xóm đi khiếu kiện, từ địa phương lên tới trung ương, vật vã từ vườn hoa Mai Xuân Thưởng cho đến Phòng Tiếp Dân, từ văn phòng Mặt Trận Tổ Quốc đến Thanh Tra Chính Phủ… nhưng mọi đơn từ đều không được giải quyết :
"Họ không trả lời, bảo là chưa có giấy thì cứ về ở trên nền móng cũ. Năm 2013 bọn tôi về dựng căn chòi bằng tre nứa trên nền móng cũ để giữ đất và bây giờ xây nhà lại hết rồi"
"Người ta cho xây vì nó hoang vu, cỏ dại rất nhiều, rắn rết chuột cũng rất nhiều. Phường cũng hay vào, thấy cảnh đấy thì người ta cũng cho xây để giữ đất chứ không phải người ta đồng ý hay nhận sai đâu".
Nhà dựng tạm của người dân trên đất bị cưỡng chế ở phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Hình do người dân cung cấp
Bà Vân Lê nói thêm về nguồn gốc và quá trình tranh chấp tại khu đất bà đã xây nhà và đang ở đó lâu nay :
"Đất của chúng tôi là đất khai hoang phục hóa, coi như đã có nguồn trích lục đất được xây dựng nhà ở sau năm 93, có bà Trần Thị Kim Liên là Phó Phòng Tài nguyên-Môi trường ký và đóng dấu hẳn hoi"
"Và khi chúng tôi xây thì không phải 24 căn một lúc xây lên mà từ 2001 đến 2010 là 24 căn nhà mọc lên, được Nhà nước công nhận bởi có biên lai của chi cục quận Ngô Quyền đếnthuthuế và đóng dấuthuế nhà đất. Họ đã cấp cho chúng tôi số nhà, điện, nước".
Cuộc sống dần ổn định nhưng đến đầu 2021, bà Thúy kể tiếp, chính quyền phường Đằng Giang loan tin sắp xây con đường đi qua khu xóm 24 hộ dân này, và khả năng trưngthu đất có thể xảy ra :
"Có nghĩa khi con đường Đông Khê thứ hai đi qua thì họ lấy vào nhà dân chúng tôi để làm đường đi qua. Thực ra thì họ chưa ủi nhưng mà họ sẽ lấy vào đợt hai đề phân lô bán nền. Họ nói là lấy nhà làm đường và có dự án chung cư trên đất này, thế người dân ở đây người ta mới hoang mang".
Và càng hoang mang lo lắng hơn nữa vì gần hai tuần nay công an phường Đằng Giang đã kéo về chốt chặn ở hai đầu xóm theo như lời bà Thúy mô tả :
"Ngày nào cũng canh hai đầu, chốt hai đầu ngõ đấy. Như nhà tôi thì không ra được vì tôi là đầu đơn. Đầu đơn thì họ canh kĩ hơn, còn đâu là bà con bên kia vẫn đi bình thường".
Bà Thúy còn báo cho biết có thể vì bà lên tiếng sẽ chống lệnh trưngthu đất như đã từng nên bị chính quyền địa phương tạo áp lực bằng cách bắt giữ con trai và con rể của bà hôm 6/10 chỉ vì một sự cố va chạm từ tháng Ba trước đó :
"Hồi tháng ba, con trai với con dâu có mở tiệc sinh nhật một tuổi cho cháu nội của tôi. Buổi tiệc đang vui thì có năm thanh niên ập vào đánh bạn của con tôi, đập luôn cậu ruột của con dâu tôi. Con dâu tôi ra báo công an phường nhưng họ không giải quyết. Từ tháng ba đến giờ kẻ gây thương tích cho gia đình tôi thì họ không bắt".
"Sáng 6/10/2021, Công an phường Ngô Quyền hơn trăm người lao vào nhà tôi, đánh cả phụ nữ và trẻ con. Con dâu của tôi mang thai bảy tuần đang ở trong nhà tắm cũng bị chúng lôi ra đập lôi ra đập. Họ lấy lý do gây rối để bắt con trai tôi là Nguyễn Ngọc Hải và con rể tôi là Vũ Minh Tuấn, tống vào trại giam Trần Phú đến giờ vẫn chưa được thả".
Trao đổi với RFA liên quan đến việc người nhà bà Thúy bị bắt giữ hôm đầu tháng, Luật sư Ngô Anh Tuấn thận trọng đưa ra nhận định như sau :
"Về việc con và rể bà Thúy bị bắt trong vụ mà người ta đã khởi tố vụ án rồi và khởi tố bị can rồi nhưng theo họ là bị bắt trái pháp luật, tôi có nhận lời rằng tôi sẽ hỗ trợ pháp lý cho họ.
Qua cái clip ngắn mà gia đình gởi thì tôi có thể nhận định là ngay khi bắt giữ thì người ta chưa đọc lệnh, người ta chưa làm đúng trình tự pháp lý trong việc bắt người khi mà có lệnh khởi tố vụ án. Sau khi xảy ra một ngày rồi thì hôm sau người ta mới đến đọc lệnh và ra thông báo để gởi cho gia đình. Nhưng mà người ta chỉ đọc là đã bắt giữ con của bà Thúy như thế này thế kia và không bàn giao văn bản thông báo đó cho gia đình bà Thúy.
Như vậy theo nhận định sơ bộ ban đầu, nếu việc diễn ra đúng như những gì mà clip quay lại thì đó là việc sai trình tự thủ tục tố tụng hình sự, và nguyên nhân dẫn đến việc này xuất phát từ đâu hay là có vấn đề khuất tất khác đằng sau đó thì tôi cần xác minh thêm".
Theo Luật sư, nói đến trưngthu, cưỡng chế, tranh chấp đất giữa dân và chính quyền thì phải nói tới Luật Đất Đai, đầu mối nhiêu khê phúc tạp của tất cả những vụ khiếu kiện lớn nhỏ trước nay, trong đó việc 24 hộ dân phường Đằng Giang quận Ngô Quyền nằm trong diện giải tỏa cũng không phải là ngoại lệ.
RFA đã cố gắng liên lạc thêm người cùng xóm với bà Vân Lê và bà Thúy, những người này cho hay không dám nói gì hết vì quá sợ, nhất là sau khi chứng kiến cảnh người nhà bà Thúy bị công an bắt đi.
Đường dây viễn liên RFA chỉ nối được với công an quận Ngô Quyền, câu trả lời duy nhất chúng tôi nhận được là "không nói chuyện với nhà báo nước ngoài".
Dân phản đối đảng làm sai có được lắng nghe hay bị bỏ tù ?
RFA, 13/10/2021
Ông Nguyễn Phú Trọng khi tiếp xúc cử tri các quận trung tâm thủ đô Hà Nội hôm 12/10 cho rằng, dân được giám sát hoạt động của Đảng, của Chính phủ, của Quốc hội và của cả hệ thống chính trị. Nếu làm đúng thì dân ủng hộ, nếu làm sai thì có những cái góp ý kiến, nếu làm hư hỏng thì dân phải phản đối để xử lý những anh làm sai, làm hỏng đi.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại một cuộc họp báo trước đây. AFP Photo
Liệu dân có ‘dám’ đóng góp ý kiến cho Đảng, khi đã từng có nhiều người bị tù tội chỉ vì công khái phê phán Đảng ? Bác sĩ Đinh Đức Long, một đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã từ bỏ Đảng, khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 13/10, nhận định :
"Ông Trọng là nhà chính trị lão luyện, câu nói của ổng rất khôn ngoan. Tôi nghe nó phảng phất như ngày xưa bên Trung Quốc có trăm hoa đua nở thời Mao Trạch Đông, sau đó đến thời Đặng Tiểu Bình có bức tường dân chủ Bắc Kinh cho mọi người góp ý phê phán, nhưng sau đó những người phê phán thường bị bắt hết. Đó là một cái kế để xem ai phản đối, nguy hiểm thì ổng phát hiện được và bắt. Thứ hai là ngay trong nội bộ Đảng, rất nhiều người làm sai phải sợ, vì ổng có lý do để trừng trị. Nói về lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, ngay từ thời ông Hồ Chí Minh còn sống có Luật sư Nguyễn Mạnh Tường góp ý sau cải cách ruộng đất thì bị cách hết chức vụ, bị gạt ra ngoài lề xã hội, cuộc sống bị đảo lộn, gần như đi tù tại gia, con cái không thể xin việc. Mời ng ười ta góp ý xong thì bị đối xử như thế. Còn thời gần đây có tướng Trần Độ góp ý xong đến chết còn không yên".
Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng còn bày tỏ hy vọng cử tri sẽ tiếp tục giám sát, theo dõi, góp ý kiến phản ánh kịp thời như thời gian vừa qua để có thể giữ vững cơ đồ Đảng.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa khi trả lời RFA cho rằng, những ý kiến, quan điểm khác nhau là bình thường đó là phản biện xã hội của một cơ chế dân chủ. Theo ông Cuông, đa số nhân dân góp ý mang tính chất xây dựng rất tốt và Đảng rất trân trọng. Tuy vậy, ông Cuông cũng cho rằng bên cạnh đó có những ‘thế lực thù địch’ luôn có ý đồ không tốt với chế độ cũng như với Đảng. Ông Cuông nói tiếp :
"Thông qua ý kiến của người dân thì Đảng mới nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của dân. Trong cương lĩnh cũng như trong chương trình hành động phải gắn với tiếng nói của nhân dân. Mục đích cuối cùng của Đảng là phục vụ nhân dân, cho nên giữa Đảng với dân phải có sự gắn bó mật thiết. Đảng lấy dân làm gốc để xây dựng chính sách phục vụ nhân dân".
Tuy nhiên theo Bác sĩ Đinh Đức Long, ông Trọng nói như vậy với tư cách là một Đại biểu quốc hội, với tư cách là Tổng bí thư đứng đầu Đảng, nhưng Đảng cộng sản Việt Nam không có luật về đảng, thì không có cơ sở pháp lý để người dân góp ý. Ông Long nói tiếp :
"Ông Trọng từng nói những người đòi đa nguyên đa đảng, đòi tam quyền phân lập, đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang là những kẻ bất hảo nhưng ngay ông bạn vàng bốn tốt của ổng là Trung Quốc, tuy độc tài nhưng có chín đảng, vậy những kẻ đó là bất hảo sao ông toàn chơi với bất hảo ? Đảng này hiện nay hoạt động ngoài vùng pháp luật, không có luật. Mà theo như ông Trọng nói thì cương lĩnh của Đảng đứng trên Hiến pháp, không có luật thì người dân góp ý trên cơ sở nào ? Vậy nói Đảng sai hay Đảng đúng thì phải theo luật chứ hay theo cảm tính của ông Trọng, thích thì bảo đúng, không thích thì bảo sai. Những điều ông Trọng nói đều không có cơ sơ pháp lý nào, vì không nói theo quan điểm luật pháp để mà có thể thực hiện được. Hay ng ười góp ý sẽ không bị trừng trị nếu như ông Trọng muốn".
Mặc dù người đứng đầu Đảng cộng sản khuyến khích người dân góp ý kiến, thậm chí là chỉ trích những việc làm mà chính quyền cho là sai trái, tuy nhiên nhiều năm qua, chính quyền đã bắt giam hàng trăm người dân với cáo buộc chống phá Nhà nước, trong khi họ chỉ lên tiếng vì dân, vì nước.
Điển hình như trường hợp nhà báo Nguyễn Tường Thụy - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, ông Lê Hữu Minh Tuấn - Thư ký của hội đều bị bắt vào năm 2020 ; hay ông Phạm Chí Dũng Chủ tịch hội Nhà báo Độc lập bị bắt năm 2019 ; nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt vào ngày 6 tháng 10 năm 2020… Theo Thống kê của tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền - Defend the Defenders, số tù nhân lương tâm hiện bị giam giữ có thể lên đến hơn 260 người.
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, một cựu tù nhân quyền, khi trả lời RFA hôm 13/10, cho biết ý kiến của mình :
"Thông qua câu nói của ông Trọng, tôi thấy thứ nhất là về Hiến pháp đã được quy định tại Điều 4 là Đảng cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với dân, phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Còn về luật pháp thì nó cũng có các văn bản pháp luật, cho tới luật hình sự đều quy định những gì sai trái đều phải được xử lý. Về quy định khác của Đảng cộng sản Việt Nam thì cương lĩnh, điều lệ cũng đã quy định những điều đảng viên không được làm… Như vậy căn cứ vào những điều này thì cũng đã đủ xử lý những đảng viên làm sai gây hại cho dân cho nước. Chứ không cần phải như ông Trọng nói ‘Nếu Đảng làm sai dân phải phản đối để xử lý những anh làm sai !’"...
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng phát ngôn vừa qua của ông Nguyễn Phú Trọng thứ nhất là sai trái, thứ hai là nó mang tính chất kích động, xúi dục người dân vi phạm Hiến pháp pháp luật, và vi phạm luôn những cương lĩnh của Đảng cộng sản Việt Nam. Ông Nguyễn Ngọc Già nêu dẫn chứng :
"Giả sử một người dân nào đó đi phản đối chung chung như vậy, thì rất là dễ dàng bị quy vào tội tuyên truyền chống Nhà nước và bị bắt kết án. Lúc đó ông Nguyễn Phú Trọng có chịu trách nhiệm hay không ? Thêm nữa, phát ngôn này chứng tỏ ông Nguyễn Phú Trọng với tư cách là Tổng bí thư đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam mà còn không dám chỉ ra người làm sai, ổng chỉ nói chung chung vậy thôi thì tại sao lại đi xúi người dân làm chuyện mơ hồ như vậy. Như vậy tôi cho rằng ông Trọng đang có dấu hiện tự diễn biến tự chuyển hóa. Một biểu hiện mà Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam luôn luôn kêu gọi cảnh giác. Ngoài ra Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng từng nói ‘dân chủ tào lao thì đất nước sẽ loạn’… thì tôi cho rằng câu nói của ông Trọng đú ng là dân chủ tào lao".
Tóm lại, theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, phát ngôn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa vi phạm về mặt đảng, tức cương lĩnh, điều lệ, những điều đảng viên không được làm vừa vi hiến, vi phạm pháp luật. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, đã đến lúc Bộ Chính trị cần phải coi lại phẩm giá, cũng như cách làm việc của ông Nguyễn Phú Trọng trong tư cách là người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam.
*******************
Tổng bí thư Trọng : Dân ‘phải phản đối’ nếu hệ thống chính trị ‘hư hỏng’
VOA, 12/10/2021
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng mới đây lại thúc giục người dân giám sát và phản biện với hệ thống chính trị của đất nước. Tuy nhiên, dư luận cho rằng ông Trọng chỉ nói mỵ dân hoặc không thật tâm.
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng gặp cử tri 9/10/2021. Ảnh VOV
Báo chí trong nước đưa tin hôm 9/10 rằng Tổng bí thư Trọng, người nắm quyền lực cao nhất theo cơ chế chính trị Việt Nam và cũng là đại biểu quốc hội, gặp gỡ gần 800 cử tri tại Hà Nội và được nghe những phát biểu từ một số cử tri bày tỏ "tin tưởng", "ủng hộ" cuộc đấu tranh của đảng để chống tham nhũng, tiêu cực, và chủ nghĩa cá nhân.
Đáp lại các cử tri, ông Trọng nói rằng các ý kiến của họ "đều rất quý", theo tường thuật của báo chí nhà nước.
Nhà lãnh đạo có thực quyền cao nhất của Việt Nam tiếp đến khẳng định : "Dân phải kiểm sát giám sát hoạt động của Đảng của Chính phủ của Quốc hội của cả hệ thống chính trị ra sao. Nếu làm đúng thì dân ủng hộ, nếu làm sai thì góp ý kiến, nếu hư hỏng thì dân phải phản đối để xử lý", theo trích dẫn được đăng trên báo chí Việt Nam.
Trong vài ngày gần đây, nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội lời phát biểu kể trên của ông Trọng, nhưng kèm theo là những bình luận thêm cho rằng không thể tin được lời kêu gọi của vị tổng bí thư đảng, khi mà thực tế cho thấy nhiều người dân góp ý kiến hay phản đối hệ thống chính trị Việt Nam đã bị nhà chức trách quy chụp là phản động, có những người đã bị bắt bớ, bỏ tù.
Ông Nguyễn Lân Thắng, cử tri ở Hà Nội, cũng là một Facebooker hay lên tiếng phản biện xã hội có nhiều ảnh hưởng, nói với VOA :
"Có lẽ theo cái quán tính về tư duy của ông ấy, ông vẫn phải nói kiểu như vậy đối với người dân trên truyền thông chứ tôi cho rằng đó không phải là suy nghĩ thật tâm của ông ấy".
Còn từ thành phố Hồ Chí Minh, cử tri Mạc Văn Trang, người cũng thường xuyên lên tiếng phản biện và có nhiều ảnh hưởng, đưa ra nhận xét :
"Ông Trọng chả sát gì thực tế, ông không biết trên Facebook người ta chỉ trích, người ta nói những gì, cho nên nhiều khi ông ấy nói rất buồn cười. Thể chế này là như vậy. Ông Trọng nói cho vui, mỵ dân vậy thôi, hoặc là ông ấy cũng chả biết thực tế nó thế nào. Người ta nói đúng sự thật thì ông quy ngay cho là bôi nhọ, xuyên tạc, thế lực thù địch".
Trong những năm qua, các vị lãnh đạo khác nhau của Việt Nam, bao gồm cả ông Nguyễn Phú Trọng và các cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Tấn Dũng, không ít lần khẳng định người dân có quyền giám sát, phản biện bộ máy chính trị và kêu gọi người dân thực thi các quyền này.
Tuy nhiên, như VOA đã đưa tin, trong cùng thời gian, chính quyền Việt Nam liên tiếp bắt bớ và bỏ tù một loạt những người lên tiếng bình luận, chỉ trích về các chính sách và sự hoạt động của bộ máy chính trị và các quan chức Việt Nam, dẫn đến những phản đối từ phía Mỹ và một số tổ chức quốc tế cổ súy cho các giá trị dân chủ và quyền con người.
Mỹ và các tổ chức quốc tế nhiều lần chỉ ra rằng việc bắt bớ, bỏ tù đó của chính quyền Việt Nam đi ngược lại chính Hiến pháp, luật pháp và các phát biểu của các nhà lãnh đạo đất nước.
Với thực trạng đầy mâu thuẫn giữa những phát biểu và hành xử như vậy của chính quyền, giáo sư Mạc Văn Trang đưa ra ý kiến về những gì người dân có thể làm :
"Trong thể chế này, người dân tốt nhất chẳng nói gì cả [cười]. Nói lên sự thật là nói xấu, là thế lực thù địch. Ai phê phán họ thì họ bảo đấy là bôi xấu lãnh đạo, chia rẽ lãnh đạo. Ông Trọng nói như vậy thôi. Trong thế chế này, ai nói lên sự thật, phê phán những cái sai trái của họ, lập tức họ cho là thế lực thù địch, thậm chí họ còn khủng bố".
Về phần mình, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho rằng người dân Việt Nam vẫn có cách để lên tiếng bình luận, phản biện về chính trị và các vấn đề khác của đất nước.
Thứ nhất, ông gợi ý rằng nhiều người cần lên tiếng thay vì chỉ có một vài người, dễ bị trở thành mục tiêu để chính quyền dập tắt. Ông nói :
"Nên có cái cách gọi là ‘xa luân chiến’, tức là thay nhau bình luận về chuyện này về chuyện kia chứ không nên chỉ có một vài cây bút, một vài khuôn mặt nêu lên quan điểm, thái độ".
Điều cũng rất quan trọng là văn phong và từ ngữ cần phù hợp để các thông điệp lan tỏa rộng rãi. Ông Thắng nói thêm :
"Mặc dù là phản biện song cách nói cũng không nên căng thẳng quá mà nên có cách nào đó hài hước. Quần chúng khi họ quan tâm, theo dõi các vấn đề, họ không có nhiều thời gian. Thường là người ta bị thu hút vào những bình luận, câu nói mang tính hài hước, nhẹ nhàng. Nghiêm trọng hóa vấn đề hay nói theo kiểu chính luận quá thì khó tiếp cận với quần chúng lao động".
Việc Tổng bí thư Trọng kêu gọi người dân giám sát, phản biện diễn ra đúng 5 tháng sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói trong một cuộc gặp cử tri ở thành phố Hồ Chí Minh rằng Việt Nam "luôn đề cao, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân" nhưng cũng giữ vững "kỷ cương, phép nước" và cho rằng nếu "dân chủ tào lao" thì "đất nước sẽ loạn".