Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chiến thắng của Nga tại Syria làm dấy lên một loạt câu hỏi, phải chăng trật tự thế giới đã thay đổi ? Nước Nga thật sự là một cường quốc vĩ đại và đã làm lu mờ vai trò bá chủ thế giới của Mỹ ? Tương lai của Nga sẽ như thế nào ?

nga1

Putin đang trông chờ rất nhiều vào tổng thống Mỹ Donald Trump để cải thiện quan hệ hai nước

Sở dĩ người Việt Nam chúng ta cần phải biết và hiểu rõ về thế giới để từ đó mới có thể định hình được con đường đi cho dân tộc. Tránh việc, hoặc là thất vọng quá mức, hoặc lạc quan quá đà.

Chúng ta đều biết, nhân cơ hội người dân Ukraine làm cuộc cách mạng Maidan (hay còn gọi là Cách mạng Phẩm giá) năm 2013 lật đổ tổng thống độc tài thân Nga Viktor Yanukovych, trong lúc chính quyền mới đang bận rộn đối phó với các thách thức nội bộ, nước Nga đã nhanh chóng xâm chiếm và sát nhập bán đảo Krưm (Crimea) vào lãnh thổ Nga, sau đó Nga tiếp tục ủng hộ phe ly khai chiếm hai tỉnh miền đông Ukraine. Mỹ và Châu Âu lập tức áp đặt lệnh cấm vận đối với nước Nga sau hành động "xâm chiếm" lãnh thổ của Ukraine. Giá dầu mỏ đang từ 110 USD/thùng rớt xuống còn khoảng 50 USD/thùng. Dù vậy nước Nga vẫn can thiệp vào Syria và đã thành công khi cùng với quân Assad tái chiếm lại thành phố Aleppo.

Câu hỏi chúng ta cần biết đó là tại sao Nga can thiệp vào Syria ? Nước Nga vẫn còn hùng mạnh ?

Thật sự là kinh tế Nga đã rất yếu. Vào tháng giêng năm 2016, GDP của Nga chỉ còn 1.178 tỉ USD, thấp hơn GDP của tỉnh Quảng Đông Trung Quốc (1). Thu nhập bình quân đầu người của Nga chỉ còn 8.500 USD. Chúng ta đều biết là nền kinh tế Nga phụ thuộc chủ yếu vào việc khai thác tài nguyên mà dầu mỏ và khí đốt là chủ lực, chiếm hơn 50% tiền thu ngân sách hàng năm. Cấm vận của Mỹ và Châu Âu cũng giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế vốn đã ốm yếu của Nga. Hầu hết hàng hóa tiêu dùng của Nga đều nhập ngoại, nước Nga không có một thương hiệu hay mặt hàng nào nổi tiếng trong nước và không có thương hiệu nào trên thế giới, ngoài rượu vodka.

Nga đang cố gắng bằng mọi cách để hòa hoãn với Châu Âu và Mỹ tuy nhiên vì Putin quá hung hăng và tự tin nên đã mắc một sai lầm không thể sửa chữa đó là sát nhập Crimea của Ukraine vào lãnh thổ Nga. Miếng gân gà này giờ nuốt cũng không trôi mà nhè ra cũng không được. Putin đã tỏ ra "mềm mỏng" một cách không bình thường khi bị chính quyền Obama trục xuất 35 nhân viên ngoại giao mà không hề trả đũa. Nga đã cố gắng làm những việc phi thường như dùng tin tặc tấn công hệ thống bầu cử Mỹ và tung tin thất thiệt với hy vọng giúp Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ để cải thiện quan hệ với Mỹ. Hiện tại Putin cũng đang cố gắng lèo lái dư luận Pháp trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Nhưng mới đây (ngày 14/2) Nga vừa nhận được một quả đắng khi Nhà Trắng tuyên bố là Nga phải trả Crimea (Krưm) lại cho Ukraine. Lệnh cấm vận của EU vẫn tiếp tục duy trì…

Việc Nga can thiệp vào Syria phải có lý do sâu xa. Tất nhiên ngoài những lý do như Syria là đồng minh của Nga hay Nga muốn chứng tỏ cho thế giới thấy được sức mạnh của Nga để từ đó phải có thái độ tôn trọng và biết điều đối với Nga… thì có một lý do khách quan là sự nhu nhược của tổng thống Obama với chính sách "không can thiệp". Obama đã gián tiếp từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ được định hình sau thế chiến lần thứ Hai. Trên tất cả, lý do quan trọng nhất khiến Nga bắt buộc phải can thiệp vào Syria đó là để tự vệ. Nước Nga không tấn công IS (Nhà nước Hồi giáo) ở Trung Đông mà là Nga đang tự vệ.

Nước Nga là một quốc gia đặc biệt khi trải dài trên một lãnh thổ rộng lớn từ Châu Âu sang Châu Á. Trong lãnh thổ đó có rất nhiều dân tộc và quốc gia Hồi giáo sinh sống, như Cộng hòa Tatarstan và Cộng hòa Bashkortostan, Dagestan, Chechnya và Ingushetia… Với khoảng từ 10 đến 15 triệu người Hồi giáo, chiếm 10% dân số Nga. Ngoài ra còn vài triệu người Hồi giáo đang sinh sống tại Nga đến từ các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ trước đây. Riêng thủ đô Moscow đã có hơn hai triệu người Hồi giáo sinh sống. Các cuộc xung đột thường xuyên ở Cộng hòa Bắc Caucasus dẫn đến các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu ở các thành phố lớn của Nga.

Các nhóm nổi dậy tại Syria có rất nhiều chiến binh đến từ Nga và đây mới thực sự là mối đe dọa cho nước Nga của Putin. Chủ nghĩa sô vanh nước lớn và thái độ bất bao dung của chính quyền Nga khiến Nga trở thành "kẻ thù" của nhiều sắc dân Hồi giáo. Bằng mọi cách Putin phải tiêu diệt hoặc làm suy yếu các nhóm chiến binh này. Nga đã dùng các vũ khí tối tân nhất, có sức hủy diệt lớn nhất trên chiến trường Syria. Các cuộc oanh tạc của không quân Nga vào lãnh thổ IS đã giết chết rất nhiều dân thường nhưng Putin vẫn phớt lờ, trong khi Mỹ và Phương Tây lại không dám làm những việc tương tự vì sợ dư luận, báo chí phanh phui và lên án.

Để thiết lập các căn cứ quân sự ở Syria với vài chục chiến đấu cơ và khoảng 2.000 binh sĩ đồn trú, nước Nga phải đầu tư một khoản chi phí rất lớn. Mỗi một ngày oanh kích Nga tiêu tốn khoảng từ 2,5 đến 5 triệu USD (2).

Kinh tế Nga khó có triển vọng sáng sủa trong thời gian tới do giá dầu mỏ và khí đốt không thể tăng giá nhất là khi Mỹ quyết định phục hồi các hoạt động sản xuất dầu đá phiến (3). Mỹ đang là nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới thì nay trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất. Tất nhiên là với sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ tư thì trong một tương lai gần con người sẽ sử dụng năng lượng tự nhiên và năng lượng tái tạo thay vì các nguồn năng lượng cổ điển như thủy điện, than, dầu mỏ, khí đốt…

Mọi cố gắng của Putin để làm nước Nga "vĩ đại trở lại" đều xa vời và khó thực hiện nếu nước Nga không chịu chấp nhận dân chủ hóa đất nước. Tuy nhiên viễn cảnh này là khó xảy ra khi Putin vẫn ngồi đó. Nước Nga sẽ tiếp tục suy thoái và khủng hoảng dài dài.

Việt Nam khó có thể trông chờ vào bất cứ điều gì tốt đẹp từ nước Nga. Một ví dụ dễ thấy nhất đó là Putin đã hoàn toàn im lặng trong vấn đề Biển Đông. Thậm chí báo chí Nga còn lớn tiếng bênh vực Trung Quốc thay vì ủng hộ Việt Nam. Tất nhiên Nga phải o bế Trung Quốc để tìm đường thoát khi bị Mỹ và EU cấm vận. Tuy nhiên Trung Quốc là một đối tác "khó chơi", không thật lòng hay sòng phẳng như Châu Âu. Tóm lại Nga lo thân mình còn chưa nổi thì còn có thể giúp được ai ? Sự sốt sắng và nịnh nọt Nga trong vấn đề Ukraine của chính quyền Việt Nam thời gian qua là vô ích và vô duyên. Không những không được lợi lộc gì mà còn làm cho Ukraine và các nước văn minh thêm thù địch và chán ghét.

Putin đang trông chờ rất nhiều vào tổng thống Mỹ Donald Trump để cải thiện quan hệ hai nước nhưng kết quả cũng sẽ không được bao nhiêu. Đường lối và chính sách của Mỹ không thể nào thay đổi một sớm một chiều. Tổng thống Mỹ không thể thích gì thì làm nấy. Sắc lệnh của tổng thống Trump cấm 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ đã nhanh chóng bị tư pháp liên bang bác bỏ ngay lập tức và dân chúng biểu tình phản đối khắp nơi là những ví dụ điển hình của nền dân chủ Mỹ.

Mặc dầu vẫn là một siêu cường về quân sự nhưng nước Nga của Putin chỉ là một cường quốc trung bình thay vì một cực của thế giới vì không có một sức mạnh kinh tế tương xứng để hỗ trợ.

Việt Hoàng (20/02/2017)

(1) (http://kygia.net/gdp-tinh-quang-dong-trung-quoc-da-vuot-gdp-cua-nga/)

(2) (http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/nga-chi-bao-nhieu-cho-chien-dich-khong-kich-syria-3296644.html)

(3) (http://cafef.vn/opec-bat-luc-truoc-dau-da-phien-tu-my-20170214094516816.chn)

Published in Quan điểm

Ngày 05/01/2017 lãnh đạo các cơ quan tình báo Mỹ đã điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ về những lời cáo buộc tin tặc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua.

Theo Reuters, các ông James Clapper, Giám đốc Tình báo quốc gia (National Intelligence) ; Mike Rogers, Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia (National Security Agency – NSA) và ông Marcel Lettre, Thứ trưởng quốc phòng phụ trách tình báo, đã đến điều trần trước Ủy ban này do Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain làm Chủ tịch. Trong khi đó, Tổng thống tân cử Donald Trump vẫn tiếp tục bày tỏ thái độ nghi kị đối với các cơ quan tình báo.

Obama UN Russia

Putin và Trump - Ảnh minh họa

Bản phúc trình có đính theo Phụ lục báo cáo tình báo : Nga quay video Trump với gái điếm tại Moscow năm 2013 và ban vận động của Trump có liên lạc với Nga trong thời gian bầu cử.

Nội dung cuộc điều trần

Nhóm "Cuồng Trump" (Trump Fanatic) đã đặt câu hỏi : Tại sao không công bố tất cả các tài liệu cho dân chúng biết ? Trước đây họ cũng đã từng đòi hỏi như vậy đối với vụ bà Clinton. Nhưng điều 18 § 798 U.S. Code cấm phổ biến những tài liệu được coi là "classified information" (tài liệu mật) vì lý do an ninh quốc gia, nên cuộc điều trần được tiến hành trong một cuộc họp kín, báo chí không được tham dự. Sau cuộc họp, chỉ những tài liệu nào được giải mã mới được công bố.

Theo đài VOA của chính phủ Mỹ ngày 07/01/2017, một phần bản phúc trình đã được công bố vào chiều 06/01/2017. Bản phúc trình cho rằng "mục đích của Nga là để làm cho công chúng mất niềm tin vào tiến trình dân chủ của Mỹ, bôi nhọ Ngoại trưởng Clinton và phá hoại cơ may thắng cử của bà". Phúc trình này nói : "Chúng tôi đi đến quan điểm là ông Putin và chính quyền Nga dần dà hy vọng và rõ rệt muốn ông Trump đắc cử, và do đó tìm cách đẩy mạnh cơ may thắng cử cho ông Trump, bất cứ khi nào có thể làm điều đó".

Ông James Clapper nói : "Tôi nghĩ chúng ta chưa từng gặp một chiến dịch nào can thiệp vào tiến trình bầu cử của chúng ta trực tiếp và táo bạo như trường hợp này".

Ông James Clapper mô tả Nga cố gắng tiến hành "chiến dịch đa diện" với các phương thức "tuyên truyền, đưa tin sai, [và] tin giả". Ông cho rằng việc tấn công mạng của Nga đặt ra nguy cơ lớn đối với một loạt lợi ích của Mỹ. Ông nói : "Việc Nga tấn công mạng đặt ra một mối đe dọa lớn nhắm vào chính phủ, quân sự, ngoại giao, thương mại và cơ sở hạ tầng Mỹ".

WikiLeaks đã tiết lộ hàng ngàn email của ông Podesta, trợ lý hàng đầu của bà Clinton, trong những ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 08/11, nhưng không cho biết nguồn gốc các điện thư ấy. Trong cuộc phỏng vấn của kênh Fox News ngày 03/01/2017, ông Julian Assange nhắc lại tuyên bố của ông rằng Nga không đứng sau vụ rò rỉ này. Ông nói một thiếu niên 14 tuổi cũng có thể thực hiện được một trong những vụ xâm nhập vào email của ông John Podesta. Ông Trump đã hai lần đăng trên Twitter những lời ủng hộ ý kiến nói trên của Assange.

Hiện nay, không hệ thống luật pháp nào trên thế giới coi "những rò rỉ" của Wikileaks là những bằng chứng pháp lý (evidence), mà chỉ coi nó như là những thông tin (information) chưa được kiểm chứng nên không có giá trị. Do đó, khi điều trần tại Thượng Viện, các cơ quan tình báo Mỹ phải chứng minh các phần mềm độc hại đã phát xuất từ Nga. Với kỹ thuật điện toán hiện nay, việc này chẳng có gì khó. Ông Trump không biết gì về kỹ thuật nên cứ cải chày cải cối.

Donald Trump cải chày cải cối

Tối 05/01/2017, thay vì chỉ trích ông Putin và Nga về chuyện can thiệp vào bầu cử Mỹ, ông Trump đã tải lên Twitter một tin nhắn quy lỗi cho các thành viên Đảng Dân chủ vì đã hớ hênh để trở thành nạn nhân của vụ tin tặc.

Ngày 06/01/2017, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã trình bày cho Donald Trump về hồ sơ Nga xâm nhập vào tiến trình bầu cử của Mỹ. Ông Mike Pence, Phó tổng thống tân cử, cho biết cuộc họp kéo dài hai tiếng đồng hồ đã mang tính "xây dựng". Mặc dầu với những bằng chứng không thể chối cải được, trong một thông báo hôm 06/01/2017, Donald Trump chỉ thừa nhận một cách chung chung : "Nga, Trung Quốc cùng một số quốc gia, đối tượng hay các nhóm bên ngoài luôn cố tìm cách xâm nhập cấu trúc mạng của các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức Mỹ, bao gồm cả Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ". Phát biểu trong ngày thứ bảy 07/01/2017, Donald Trump cho rằng kết quả bầu cử không bị ảnh hưởng. Ông Trump còn nói : "Lý do duy nhất vụ tấn công tin tặc được đem ra thảo luận là vì đảng Dân chủ đã thất bại nặng nề khiến họ đang rất xấu hổ !".

Từ trước đến nay, chưa thấy viên chức có thẩm quyền nào nói rằng bà Clinton thất cử chỉ vì bị tin tặc Nga phá. Trái lại, cả bà Clinton cũng như các cơ quan truyền thông đều cho rằng thủ phạm chính là James Comey, Giám Đốc FBI. Nhật báo New York Times ngày 07/11/2016, dưới đầu đề "Giám đốc FBI James Comey không thích hợp cho công vụ", bình luận gia Kurt Eichenwald đã viết : "James Comey không phải chỉ bị đuổi khỏi chức Giám đốc FBI mà còn phải bị ngăn chận vĩnh viễn không cho giữ bất cứ chức vụ công nào". Do đó, vụ tin tặc Nga được đưa ra trong lúc này không phải là để nói lên Donald Trump thắng cử là nhờ Nga, nhưng vì một mục tiêu khác quan trọng hơn, nhưng Donald Trump có tầm nhìn quá thấp và thiếu kinh nghiệm chính trị nên không thể thấy được !

Các biện pháp của chính phủ

Hôm 29/12/2016 Tổng thống Obama đã ban hành một loạt biện pháp trừng phạt hai cơ quan tình báo của Nga là GRU (an ninh quân đội) và FSB (KGB cũ) để trả đũa các hành động can thiệp của điện Kremlin vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ : trục xuất 35 nhân viên mật vụ mang hộ chiếu ngoại giao và gia đình, đóng cửa hai cơ sở bình phong, một ở New York và một ở bang Maryland. Quyết định này được toàn thể chính giới Mỹ ủng hộ. Tổng thống Obama còn cho biết thêm các biện pháp trừng phạt Nga không dừng ở đây. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ra tay "khi cần thiết kể cả các điệp vụ bí mật mà công chúng sẽ không được thông báo".

Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan lấy làm tiếc là các biện pháp này lẽ ra phải được thi hành từ lâu. Hai Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Mc Cain và Lindsey Graham còn cho biết sẽ "động viên đồng sự để trừng phạt Nga mạnh hơn nữa".

Đảng Cộng hòa chỉ trích Trump

Lời kêu gọi điều tra về tin tặc Nga do hai tiếng nói hàng đầu của đảng Cộng hòa về chính sách ngoại giao khởi xướng, dó là Thượng nghị sĩ John McCain và Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, được Thượng nghị sĩ McConnell ủng hộ. Thượng nghị sĩ McConnell, Trưởng khối đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ phản đối lập trường của Tổng thống tân cử Donald Trump về việc có nên điều tra chặt chẽ xem liệu Nga có tấn công tin tặc trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hay không. Ông tuyên bố trong cuộc họp báo : "Nga không phải là bạn của chúng ta".

Ông Cory Gardner, một đảng viên Cộng hòa nói vụ xâm nhập của Nga phản ánh sự cần thiết phải có một ủy ban thường trực lo về vấn đề an ninh mạng.

Thượng nghị sĩ John McCain đã từng miêu tả sự can thiệp của Nga là một "hành động chiến tranh". Ông nói tiếp :

"Chúng tôi sẽ làm việc trong Quốc hội để đề ra những biện pháp chế tài quyết liệt hơn nhằm chặn đứng các cuộc tấn công khác nữa vào nước Mỹ. Chúng tôi sẽ làm việc trên cơ sở lưỡng đảng để đạt mục tiêu đó".

Ông Brian Katulis, một chuyên gia về an ninh quốc gia nói :

"Về bản chất, Tổng thống đắc cử Trump đã đặt mình bên ngoài dòng chính của quốc gia mà ông sẽ cai trị liên quan tới vấn đề này và Nga, ông đứng bên ngoài chính sách đối ngoại lưỡng đảng của Mỹ vốn vẫn theo dõi Nga với một mức độ hoài nghi nào đó".

Sự lo ngại của Cơ quan tình báo Mỹ

Nhiều dân biểu và nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đều bày tỏ quan ngại về những dự định sắp tới của ông Trunp đối với 17 cơ quan tình báo của Mỹ, trong đó có Cơ quan An ninh quốc gia, Cơ quan Tình báo quốc phòng và Trung tâm Chống khủng bố quốc gia. Đầu tiên là chuyện ông Trump cử ông Mike Pompeo, một người không có nhiều kinh nghiệm làm việc trong môi trường tình báo làm Giám đốc CIA. Bị báo chí chỉ trích nặng lời, hôm 05/01/2017 ông Trump đã phải cử cựu Thượng nghị sĩ Dan Coats, 73 tuổi, vào thay. Điều này cho thấy Donald Trâm không hiểu gì về tầm quan trọng của ngành tình báo và coi thường các tổ chức này.

Những tuyên bố của ông Trump về Nga cũng như việc ông chọn Tướng lục quân đã nghỉ hưu Michael Flynn, một người đã từng làm việc cho Nga, vào vị trí Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ khiến cho nhiều viên chức tình báo Mỹ càng thêm "đứng ngồi không yên". Họ tin rằng Nga ngày càng mở rộng tham vọng của mình trên khắp mọi lĩnh vực và sẽ rất khó kiềm chế.

Nhiều viên chức tình báo Mỹ còn bày tỏ lo ngại những chính sách sắp tới của ông Trump như việc cho phép mở rộng việc giám sát bằng các thiết bị điện tử đối với các nghi can khủng bố bắt nguồn từ nguồn gốc tôn giáo hoặc quốc tịch của họ sẽ khiến cộng đồng tình báo Mỹ gặp rắc rối về mặt pháp lý.

Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin thân cận với Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết Trump dự định giảm số nhân viên các cơ quan tình báo Mỹ, bao gồm cả Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia. Theo quan điểm của ông Trump, đội quân tình báo của Mỹ đã hoàn toàn bị chính trị hóa. Trump đã chỉ trích mạnh mẽ những báo cáo của họ về tin tặc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua và hoài nghi kết luận của các cơ quan này.

Hôm 10/01/2017, ông John Brennan, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cảnh báo việc Tổng thống đắc cử Donald Trump không coi trọng giá trị và tầm quan trọng của cộng đồng tình báo có thể đặt nước Mỹ trước "nguy hiểm và rủi ro lớn". Ông nói : "Chính quyền mới – và bất cứ tổng thống nào cũng thế – cần phải thừa nhận đây là một thế giới nguy hiểm đầy thử thách, và cộng đồng tình báo cùng với những người làm tình báo chuyên nghiệp có thể gìn giữ đất nước này an toàn, và bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta".

Một số thành viên của các cơ quan tình báo Mỹ tuyên bố họ sẵn sàng từ chức chứ không muốn tuân theo mệnh lệnh từ những người do ông Trump chỉ định làm lãnh đạo các đơn vị của họ.

Trump đã trúng kế Putin ?

Phát biểu hồi tháng 09/2016, Trump nói ông Putin "có đa số kiểm soát đối với đất nước mình" và gọi Tổng thống Nga là vị lãnh đạo giỏi hơn ông Obama. Ông Trump cho rằng ông Putin được "82% ủng hộ," và nói : "Tôi nghĩ là khi ông ấy bảo tôi là tuyệt vời thì tôi cũng nhận lời khen thôi, ok ?".

Đây có thể coi như một lời thông báo mở đầu của tập đoàn tài phiệt Exxon Mobil về chính sách của Mỹ đối với Nga trong giai đoạn sắp tới. Putin đón nhận ngay. Trên kênh truyền hình Channel One của Nga, ông Putin nói : "Ông ấy (Trump) đã thành công trong kinh doanh, điều đó cho thấy ông ta là người thông minh. Và nếu ông ấy thông minh thì ông ấy sẽ hiểu đầy đủ và khá nhanh chóng mức độ khác của vai trò trách nhiệm. Chúng tôi cho rằng ông ấy sẽ hành động từ vị trí này".

Sau vụ Tổng thống Obama ban hành các biện pháp chế tài Nga khi phát hiện tin tặc Nga phá hoại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, trong một thông cáo của Điện Kremlin, ông Putin tuyên bố : "Chúng tôi sẽ không trục xuất ai cả". Ông nói thêm rằng Nga vẫn duy trì quyền đáp trả các động thái của Mỹ. Ông Putin giải thích : "Các bước tiếp theo để phục hồi quan hệ Mỹ-Nga sẽ được đưa ra dựa trên chính sách mà chính phủ Tổng thống Trump sẽ thi hành".

Putin biết Trump rất thích "đồ ngọt" nên chỉ cần ném ra vài cục kẹo là Trump chụp lấy ngay. Quả thật đúng như vậy. Hôm 31/12/2016, từ bang Florida nơi ông đang nghỉ hè, Trump phản hồi ngay trên trang Twitter : "Nước cờ cao của V. Putin, hoãn hành động trả đũa - Tôi vẫn biết ông ấy rất thông minh !".

Trên trang Twitter hôm 7/1/2017, Donald Trump nói rõ : "Có quan hệ tốt với Nga là một điều tốt, không phải là điều xấu. Chỉ những kẻ "ngu ngốc" hay người điên mới cho rằng đó là xấu !" (Having a good relationship with Russia is a good thing, not a bad thing. Only "stupid" people, or fools, would think that it is bad !).

Với những lời tuyên bố trên, nói theo kiểu của người Việt đấu tranh, ông Trump đang thực hiện "hòa giải hòa hợp" và "xóa bỏ hận thù". Trong thực tế, ông Trump đang cố gằng mở đường cho việc hợp tác kinh doanh giữa tập đoàn dầu mỏ Exxon Mobil và Nga, vì chính phủ Trump đang là một tổ chức kinh doanh chứ không phải là Cơ quan hành pháp của Mỹ.

Putin và Trump đạp trúng mìn Obama gài !

Một thời gian sau khi Liên Xô sụp đỗ, Nga bắt đầu phát triển rất mạnh cả về quân sự lẫn kinh tế. Về quân sự, Nga sáng chế được nhiều vũ khí mới và mở rộng dần thị trường vũ khí của Nga. Về kinh tế, Nga muốn cạnh tranh với các quốc gia Trung Đông về dầu lửa, xây dựng các ống dẫn dầu đi tới Trung Quốc, Ấn Độ và sau cùng sẽ tới các nước Liên Hiệp Châu Âu qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ. 

Để ngăn chặn sự bành trướng của Nga, đầu năm 2014, Mỹ và các nước Liên Âu đã tạo ra cuộc chiến Ukraine để cấm vận và bao vây Nga về cả kinh tế lẫn chính trị. Ngày 02/07/2014, Tổng thống Putin lên tiếng phê phán Mỹ "đe dọa để trục lợi" và cho rằng "thời kỳ thế giới đơn cực đã chấm dứt".

trump3

Quan hệ thắm thiết giữa Trump và Putin - Ảnh minh họa

Để tìm một lối thoát, Nga đã dụ dược hai công ty tài phiệt lớn của Anh và Hoa Kỳ là British Petroleum (BP) và ExxonMobil vào khai thác dầu lửa ở Nga. Đây là những công ty siêu quốc gia (metanationals), có thể hoạt động vượt lên trên quyền lực và luật pháp của nhiều quốc gia, kể cả Hoa Kỳ. Ngày 30/08/2011, tập đoàn ExxonMobil đã ký hợp đồng khai thác dầu mỏ với Nga ở khu vực Bắc Băng Dương và ngày 16/6/1012 tập đoàn này đã ký thêm hợp đồng khai thác dầu mỏ ở khu vực Tây Siberia. Mặc dầu đã có lệnh cấm vận của Mỹ và Liên Âu, ExxonMobil vẫn khai thác dầu mỏ ở Nga. Tổng thống Obama và Quốc hội Mỹ chẳng dám nói gì.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là sau khi khai thác được dầu, làm sao có thể chuyển qua Liên Âu để bán khi lệnh cấm vận vẫn còn ? Putin và ExxonMobil đã nghĩ ra diệu kế là đưa Donald Trupmp lên làm Tổng thống Mỹ rối xúi ông ta "hòa giải hòa hợp" và "xóa bỏ hận thù", tuyên bố hủy bỏ cấm vận Nga.

Tuy nhiên, khi việc mới bắt đầu thì cả Putin lẫn Trump vừa đạp phải quả mìn "tin tặc" do Tổng thống Obama gài, té ngửa bò càng. Moscow cho rằng Washington đang từng bước "tiêu diệt vĩnh viễn quan hệ Mỹ-Nga và đánh vào dự án bang giao của Donald Trump". Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu, chúng tôi sẽ bàn tiếp.

Hôm 06/01/2017, trong một cuộc phỏng vấn của PBS, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói với Donald Trump : "Hãy trưởng thành đi Donald, đây là lúc ông cần chứng tỏ mình trưởng thành...".

Ngày 12/01/2017

Lữ Giang

Published in Diễn đàn