Biden bảo đảm với Marcos Jr. sự yểm trợ "không gì lay chuyển" của Mỹ với Philippines
Thanh Phương, RFI, 02/05/2023
Khi tiếp tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng hôm 01/05/2023, tổng thống Joe Biden đã tuyên bố bảo đảm sự yểm trợ "không gì lay chuyển" của Washington với Manila, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đón tiếp đồng nhiệm Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng, Washington, ngày 01/05/2023. AP - Brendan Smialowski
Theo hãng tin AFP, hôm qua, tổng thống Marcos Jr. và phu nhân đã được đón tiếp long trọng hơn một chút so với phần lớn các vị nguyên thủ quốc gia mà tổng thống Hoa Kỳ tiếp ở Nhà Trắng.
Trước khi hội đàm song phương, hai vị tổng thống đã phát biểu vài câu trước báo chí. Ông Joe Biden nhấn mạnh đến "cam kết không gì lay chuyển của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Philippines, kể cả tại khu vực Biển Đông", đồng thời ông hứa sẽ "hỗ trợ việc hiện đại hóa quân đội Philippines". Hoa Kỳ đặc biệt dự trù chuyển các phi cơ quân sự đến Philippines và giúp Manila tăng cường đội máy bay chiến đấu.
Về phần tổng thống Marcos Jr., ông cho rằng Philippines ở trong một khu vực mà nay trở nên "phức tạp hơn" về mặt địa chính trị, cho nên Manila phải hướng về quốc gia duy nhất đã ký hiệp ước phòng thủ chung với Philippines, đó là Hoa Kỳ.
Tuy không nêu đích danh, nhưng rõ ràng cả hai tổng thống Mỹ và Philippines đều nghĩ đến Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông gia tăng trong thời gian gần đây. Vụ mới nhất xảy ra hôm 23/04 vừa qua, khi các tàu của Trung Quốc và của Philippines suýt nữa đã đụng nhau trên biển tại khu vực cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200 km.
Sau khi đắc cử tổng thống, ông Ferdinand Marcos Jr. thi hành một chính sách ngoại giao theo hướng giữ quan hệ cân bằng giữa Philippines với hai cường quốc Mỹ Trung. Trước khi đi thăm Hoa Kỳ, tháng 1 năm nay, ông đã đến Bắc Kinh với lời hứa Philippines sẽ là "bạn với mọi người, không là kẻ thù của bất cứ ai".
Nhưng Washington hy vọng là với căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, Manila sẽ nghiêng về phía Mỹ nhiều hơn. Quân đội của Hoa Kỳ và Philippines vừa kết thúc đợt tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay ở vùng Biển Đông. Manila cũng vừa cho phép quân đội Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự của Philippines, trong đó có những căn cứ nằm không xa Đài Loan.
Theo AFP, hôm qua, ông John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, cho biết Hoa Kỳ bảo đảm việc sử dụng các căn cứ nói trên "sẽ có sự phối hợp và hợp tác hoàn toàn với chính quyền Philippines".
Thanh Phương
*************************
Thượng đỉnh Biden-Marcos sẽ đánh dấu một bước ngoặt mới trong quan hệ Mỹ-Philippines ?
Trọng Nghĩa, RFI, 0/05/2023
Ông Ferdinand Marcos Jr. sẽ là tổng thống Philippines đầu tiên được tổng thống Mỹ tiếp đón tại Nhà Trắng từ hơn 10 năm nay. Theo giới quan sát, vấn đề củng cố thêm quan hệ quốc phòng đã có từ lâu đời giữa Washington và Manila được cho là sẽ nổi bật trong chương trình nghị sự hôm 01/05/2023, của hai lãnh đạo, với việc Philippines ngày càng quan ngại trước các hành vi lấn lướt của Trung Quốc tại Biển Đông.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp đồng nhiệm Philippines Ferdinand Romualdez Marcos, Jr, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ, ngày 22/09/2022. Reuters – Leah Millis
Trước khi lên đường công du Hoa Kỳ, tổng thống Philippines đã khẳng định quyết tâm siết chặt thêm quan hệ với Mỹ về mọi mặt nhằm thúc đẩy các "lợi ích cốt lõi" của nước ông. Một trong những lợi ích đó là làm sao bảo vệ được các vùng lãnh thổ của mình tại Biển Đông hiện đang bị Trung Quốc đòi chủ quyền và đe dọa. Trên vấn đề này Philippines hiện đang có một hiệp ước gọi là phòng thủ chung ký kết với Mỹ từ năm 1951. Theo nhận xét của tờ báo Nhật Bản The Japan Times ngày 28/04, nhân chuyến công du Hoa Kỳ khởi sự từ hôm nay (01/05), tổng thống Marcos sẽ yêu cầu phía Mỹ làm rõ hơn về các điều kiện kích hoạt điều 4 của hiệp ước, theo đó Mỹ sẽ ngay lập tức giúp đỡ Philippines trong trường hợp bị tấn công.
Trước ngày tổng thống Marcos đến Mỹ, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã tranh thủ vụ tàu Hải cảnh Trung Quốc gây nguy hiểm cho tàu tuần tra Philippines ở vùng quần đảo Trường Sa để nhắc lại rằng mọi cuộc tấn công vào tàu thuyền và máy bay công vụ của Philippines – kể cả tại Biển Đông - đều nằm trong phạm vi các hành động bị Mỹ đáp trả theo tinh thần hiệp ước phong thủ chung năm 1951.
Theo Japan Times, chính các hành động lấn lướt liên tiếp của Trung Quốc nhắm vào Philippines ở Biển Đông, kèm theo những tín hiệu cảnh cáo Manila về việc cho Mỹ quyền sử dụng thêm nhiều căn cứ quân sự tại Philippines đã khiến tổng thống Marcos yêu cầu đồng minh làm rõ hơn về các tình huống, mà theo đó Mỹ sẽ bảo vệ đồng minh lâu năm của mình.
Theo ông Kei Koga, phó giáo sư tại Đại Học Công Nghệ Nanyang của Singapore, ông Marcos muốn nhận được sự trấn an chính trị từ phía Biden, theo đó Hoa Kỳ cam kết bảo đảm ổn định ở Biển Đông và bảo vệ Philippines khi bị các tác nhân bên ngoài quấy rối hoặc tấn công.
Còn theo chuyên gia Gregory Poling, giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington, tổng thống Marcos muốn duy trì quan hệ ổn định với Bắc Kinh càng nhiều càng tốt, nhưng dường như đã đi đến kết luận rằng ông không thể hy sinh chủ quyền của Philippines. Theo ông Poling, chừng nào Bắc Kinh còn "tiếp tục các hành vi bức hiếp ở Biển Đông, thì một liên minh chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ là biện pháp ngăn chặn tốt nhất đối với Philippines".
Về phần ông Zachary Abuza, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại Học Chiến Tranh Hoa Kỳ, việc ông Marcos cần Mỹ làm rõ hơn về các cam kết quốc phòng của mình có nghĩa là hai bên có thể là chưa hoàn toàn nhất trí với nhau : Manila vẫn muốn mọi điều dẫn đến việc kích hoạt Hiệp Ước Phòng Thủ Chung được xác định rõ ràng, trong khi Hoa Kỳ muốn có nhiều khoảng trống hơn (để dễ dàng hành động).
Theo chuyên gia này, Washington cũng không hài lòng với lập trường của Manila, theo đó các căn cứ Philippines mà Mỹ được quyền sử dụng sẽ không được dùng vào việc dự trữ đạn dược hoặc thiết bị cần thiết trong trường hợp Đài Loan gặp sự cố.
Dẫu sao thì riêng việc các vấn đề cụ thể trên đây được đưa ra thảo luận đã là bằng chứng cho thấy là quan hệ Mỹ-Philippines đã được cải thiện đáng kể từ ngày tổng thống Marcos Jr. lên thay thế ông Duterte, điều mà ít ai dám nghĩ tới khi ông Marcos mới nhậm chức. Thượng đỉnh Biden-Marcos có thể được coi là sự kiện đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ Mỹ-Philippines theo chiều hướng mật thiết hơn.
Trọng Nghĩa
Philippines "quay lại" với đồng minh Mỹ, Việt Nam vẫn "chần chờ"
Trần Công Thượng, RFA, 26/11/2022
Quan hệ Mỹ - Philippines nồng ấm trở lại
Các quan chức cao cấp của Mỹ đã có một loạt chuyến thăm tới Philippines, đồng minh quân sự lâu đời của Washington ở Đông Nam Á. Đặc biệt, chặng dừng chân của Phó Tổng thống Kamala Harris hôm 21/11 tại tỉnh Palawan của quốc gia Đông Nam Á này cho thấy một điều gì đó mới mẻ. Bà Harris là quan chức Mỹ đầu tiên đến đó, mà theo các nhà quan sát, động thái này có ý nghĩa như một thông điệp gửi tới Trung Quốc, chứ không chỉ gửi tới Philippines.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và Tổng thống Philippines Ferdinand "Bongbong" Marcos tại Manila, Philippines hôm 21/11/2022 - Reuters
Bà Harris đã thăm quan một tàu tuần duyên và nói chuyện với các quan chức Philippines ở Palawan để nhấn mạnh các giá trị và hy vọng của Mỹ đối với khu vực : "tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thương mại hợp pháp không bị cản trở, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tự do hàng hải" (1)
Washington hiện đang tìm cách củng cố liên minh an ninh với Manila dưới thời người kế nhiệm của ông Duterte. Điều đó bao gồm một hiệp ước phòng thủ chung và một thỏa thuận năm 2014, được biết đến dưới tên gọi Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA), cho phép quân đội Mỹ cất giữ các thiết bị và vật tư quốc phòng tại năm căn cứ quân sự của Philippines, đồng thời cho phép quân đội Mỹ luân chuyển qua các căn cứ đó. Mỹ và Philippines đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc đẩy nhanh thực hiện EDCA trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán.
Philippines từng là thuộc địa của Mỹ và trở thành đồng minh của Mỹ vào năm 1951, năm năm sau khi giành được độc lập. Trong Chiến tranh Lạnh, một số căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài được đặt tại Philippines và đóng góp quan trọng cho các cuộc chiến của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên và tại Việt Nam. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc tại Philippines đã buộc Washington phải đóng cửa các căn cứ này trong thập niên 1990, nhưng trong những năm gần đây, hai đồng minh đang hợp tác với nhau trong lĩnh vực chống khủng bố và để đối phó với áp lực quân sự gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Philippines có tuyên bố chủ quyền.
Vai trò quan trọng của Philippines
Ngày nay, nhờ vị trí địa lý của mình, Philippines là trung tâm trong các kế hoạch của Mỹ nhằm ngăn chặn và đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố là một phần lãnh thổ.
Trong số năm đồng minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và Thái Lan, Philippines nằm gần Đài Loan nhất, với vùng đất ở cực Bắc đảo Luzon của nước này chỉ cách Đài Loan 200 km (120 dặm).
Theo các chuyên gia như Randall Schriver, người từng phục vụ trong chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với tư cách là quan chức cấp cao nhất của Lầu Năm góc về Đông Á, đảo Luzon được Quân đội Mỹ đặc biệt quan tâm vì đây là một địa điểm tiềm năng để bố trí các hệ thống rocket, tên lửa và pháo nhằm đối phó với một cuộc đổ bộ xâm lược Đài Loan (2). Cũng theo chuyên gia này, một môi trường chính trị có lợi cho khả năng tiếp cận quân sự lớn hơn của Mỹ đang được cải thiện dưới thời Tổng thống Marcos sau khi hai nước trải qua một giai đoạn quan hệ đầy chông gai trong nhiệm kỳ sáu năm của Tổng thống Rodrigo Duterte, người đã tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.
Ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) ở Washington DC, cho biết ngoài những lời hoa mỹ, sự hiện diện của bà Harris ở Palawan gửi đi một "tín hiệu rõ ràng" rằng Mỹ sẽ có những động thái nhằm củng cố và duy trì các cam kết liên minh ở Biển Đông. Ông Poling nói : "Thời gian của bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng là tài sản quý giá nhất của họ và nơi họ chọn đến thăm luôn gửi đi một thông điệp. Trong trường hợp này, Phó tổng thống Mỹ muốn nói rằng dành một ngày ở Puerto Princesa quan trọng hơn bất cứ điều gì khác mà bà có thể làm trong ngày hôm đó" (3).
Các hoạt động này đều nằm trong nỗ lực mới của Washington nhằm củng cố mối quan hệ với đồng minh lâu đời nhất của họ ở Châu Á, mối quan hệ then chốt trong chiến lược của chính quyền Biden ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ, ít nhất chuyến thăm của Phó Tổng thống cũng tìm cách thúc đẩy hơn nữa thông điệp rằng Mỹ ngày càng nghiêm túc hơn trong việc cải thiện quan hệ với Philippines (4). Về mặt kinh tế, cơ hội để tăng cường hợp tác đã chín muồi với chuyến đi New York của ông Marcos mang lại 3,9 tỷ USD cam kết đầu tư vào các lĩnh vực bao gồm nông nghiệp, công nghệ thông tin, quản lý quy trình kinh doanh, năng lượng và hàng không.
Quan chức Mỹ cho biết thêm, một điểm nổi bật khác của chuyến thăm – bà Harris đến Palawan – cũng cho thấy rõ rằng chính quyền Biden cam kết "sát cánh cùng đồng minh Philippines trong việc duy trì trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật lệ ở Biển Đông, hỗ trợ sinh kế hàng hải và chống lại việc đánh cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU)" (5). Trung Quốc là quốc gia đứng đầu trong danh sách các quốc gia có đội tàu IUU đông nhất thế giới.
Bà Harris đã nói với ông Marcos khi bắt đầu cuộc hội đàm tại Dinh Tổng thống ở Manila : "Chúng tôi sát cánh với các bạn để bảo vệ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế liên quan đến Biển Đông. Một cuộc tấn công vào lực lượng vũ trang, tàu công vụ hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt cam kết phòng thủ chung của Mỹ… đó là cam kết vững chắc của chúng tôi đối với Philippines" (6).
Về phần mình, ông Marcos nói : "Trong bối cảnh những biến động mà chúng ta đang chứng kiến, mối quan hệ đối tác giữa Philippines và đồng minh lâu đời của nước này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết". Ông Marcos đồng thời chỉ rõ : "Tình hình đang thay đổi nhanh chóng. Chúng ta phải phát triển để phản ứng đúng đắn với tình huống đó, vì vậy đó là lý do tại sao điều rất quan trọng là chúng ta tiếp tục tiến bộ, tiếp tục củng cố khi xác định lại các mối quan hệ đó… Tôi không nhìn thấy một tương lai nào cho Philippines nếu không có Mỹ" (7).
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm tàu tuần duyên Philippines ở cảng Puerto Princesa, Philippines hôm 22/11/2022. Reuters
Trông người lại ngẫm đến ta
Philippines dưới thời Duterte đã khước từ các cơ hội khi từ bỏ Phán quyết Trọng tài Biển Đông năm 2016. Duterte muốn xích lại gần Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế Philippines và thoả mãn những quyết định cá nhân của mình. Thế nhưng, Duterte và nền kinh tế Philippines cũng không giành được lợi ích gì nhiều. Chính vì vậy, Marcos Jr. đã phải quay trở lại với đồng minh truyền thống của mình là Mỹ.
Mỹ đã và sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Philippines. Mỹ cũng đóng một vai trò răn đe quan trọng cho Philippines trước sự đe doạ của Trung Quốc ở Biển Đông. Chính vì lẽ đó mà Marcos Jr. đã tính toán như vậy.
Việt Nam đang có rất nhiều điều kiện để phát triển quan hệ với Mỹ. Đặc biệt từ sau năm 2014, với sự kiện Giàn khoan, quan hệ Việt - Mỹ đã có những bước phát triển mạnh mẽ, với ước muốn "thoát Trung" của Việt Nam. Thế nhưng, kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, Hà Nội đã dường như lo sợ trở thành một "Ukraine bên cạnh Trung Quốc", nên đã thay đổi thái độ với Mỹ. Mỹ vẫn đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ với Việt Nam lên một tầm cao mới, nhưng Hà Nội vẫn đang lảng tránh cơ hội này.
Đã có nhà quan sát lo lắng rằng Mỹ sẽ chuyển hướng sang các quốc gia ASEAN khác khi Việt Nam vẫn luôn e dè, kiêng kị, "sợ bóng sợ gió" trong quan hệ với Mỹ. Và điều này sẽ khiến Việt Nam đánh mất cơ hội hiện đại hoá đất nước. Chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng của ông Nguyễn Phú Trọng đã cho thấy, Việt Nam vẫn luôn nghiêng về phía Trung Quốc. Các nhà ngoại giao Việt Nam vẫn xôn xao bàn tán về việc Việt Nam đã bỏ phiếu chống lại việc loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ, điều đó cho thấy thái độ bất nhất của Việt Nam, cho dù các lãnh đạo lại luôn mở miệng đề cao công lý, lẽ phải.
Philippines tuy cũng không muốn chọn bên, nhưng cũng đã tỏ rõ ý, trong trường hợp Đài Loan bị tấn công thì nước này sẽ chấp nhận việc cho Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của mình để bảo vệ Đài Loan. Sự an nguy của Đài Loan liên quan mật thiết đến tình trạng an ninh của Đông Nam Á và khu vực Châu Á, cũng như đến an ninh của các thực thể tại Trường Sa mà Việt Nam đang kiểm soát ở Trường Sa.
Năm 2014, Trung Quốc đã thất bại khi phải mang Giàn khoan trở về, ngoài lý do là Việt Nam đã "đeo bám" quyết liệt, thì cũng còn có lý do là Mỹ và các quốc gia khác lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ Việt Nam và lên án Trung Quốc.
Vậy nếu tương lai Đài Loan bị Bắc Kinh tấn công thì Hà Nội sẽ hành xử ra sao để bảo vệ chính mình ? Liệu lúc ấy Việt Nam sẽ không cần đến bạn bè quốc tế, mà chỉ mình Việt Nam có thể chống lại được sự đe doạ từ Trung Quốc ? Câu hỏi ấy đang chờ lãnh đạo Việt Nam trả lời.
Trần Công Thượng
Nguồn : RFA, 26/11/2022
Tham khảo :
1. https://time.com/6236010/kamala-harris-philippines-visit-china/
2. https://hk.news.yahoo.com/explainer-why-u-seeks-closer-061107035.html
4. https://www.nytimes.com/2022/11/22/world/asia/kamala-harris-philippines.html
5. https://www.nytimes.com/2022/11/22/world/asia/kamala-harris-philippines.html
**************************
Việt Nam có cây tre nên không cần giống ai ?
Trân Văn, VOA, 25/11/2022
Đến giờ này, ít nhất Bộ trưởng quốc phòng của Mỹ và của Trung Quốc cũng đã đồng ý với nhau, rằng "đối thoại để giảm rủi ro chiến lược, cải thiện liên lạc khi có biến cố và gia tăng mức độ an toàn trong hoạt động quân sự" là quan trọng.
Phái đoàn quốc phòng Hoa Kỳ, do bộ trưởng Lloyd Austin dẫn đầu, trong một cuộc gặp với phái đoàn Việt Nam tại Hà Nội, hồi 2021. (Hình : Nguyen Trong Duc/VNA via AP)
Ông Lloyd Austin – Bộ trưởng quốc phòng Mỹ vừa hội đàm với ông Ngụy Phương Hòa – Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc ở Seam Reap khi cả hai cùng đến Campuchia tham dự Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các quốc gia trong khối ASEAN mở rộng.
Trong sáu tháng gần đây, ông Austin và ông Ngụy đã gặp nhau hai lần. Nội dung chính của cả hai lần hội đàm vẫn là Đài Loan và Biển Đông – hai vấn đề khiến bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc càng ngày càng sâu sắc.
Theo Stars and Strips (một tờ báo của quân đội Mỹ)[1] thì Chuẩn tướng Pat Ryder – Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ mới cho biết, ông Austin vừa nhắc ông Ngụy, rằng cả hai bên cần phải có trách nhiệm kiểm soát bất đồng, duy trì liên lạc với nhau.
Đến giờ này, ít nhất Bộ trưởng quốc phòng của Mỹ và của Trung Quốc cũng đã đồng ý với nhau, rằng "đối thoại đểgiảm rủi ro chiến lược, cải thiện liên lạc khicó biến cố và giatăng mức độ an toàn tronghoạt độngquân sự" là quan trọng.
Chuẩn tướng Ryder kể thêm là trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, ông Austin nhấn mạnh việc Mỹ càng ngày càng lo ngại trước những hành động càng ngày càng nguy hiểm của các chiến đấu cơ Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bởi điều đó gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Ông Austin còn nhấn mạnh thêm một điều nữa, rằng chiến đấu cơ của Mỹ sẽ tiếp tục bay, chiến hạm của Mỹ sẽ tiếp tục di chuyển ở bất cứ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép.
Thêm một lần nữa, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ tái khẳng định sự quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và phản đối việc đơn phương thay đổi hiện trạng, nhắc Trung Quốc phải kiềm chế không có thêm bất kỳ hành động gây bất ổn nào.
Quan hệ Mỹ - Trung suy giảm trong nhiều năm và cách nay năm năm đã trở nên tồi tệ hơn sau khi ông Donald Trump phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Stars and Strips lưu ý, giống như Mỹ, giới lãnh đạo phương Tây hết sức lo ngại khi Trung Quốc tìm đủ cách gia tăng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một khu vực rộng lớn trải dài từ Châu Á đến bờ biển phía Đông Châu Phi, bao gồm nhiều quốc gia như Đài Loan, Nhật, Hàn, Indonesia và Philippines.
Trước khi đến Campuchia, ông Austin đã ghé qua Indonesia. Tại đó, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cám ơn Indonesia đã cùng cộng đồng quốc tế lên án Nga xâm lược Ukraine và hứa sẽ gia tăng hợp tác quân sự, củng cố khả năng tương tác giữa hai bên, hỗ trợ Indonesia nâng cao năng lực quốc phòng, hiện đại hóa quân đội. Theo Bộ trưởng quốc phòng Indonesia thì sự giúp đỡ của Mỹ trong đại dịch Covid-19 đã giúp củng cố niềm tin rằng Mỹ thật sự là một người bạn hữu dụng(2).
Cũng vào thời điểm này, bà Kamala Harris – Phó Tổng thống Mỹ đã đến thăm Philippines. Mục tiêu chuyến thăm Philippines của bà Harris là tái khẳng định Mỹ sẽ thực thi cam kết trong Hiệp định Phòng thủ chung đã ký với Philippines năm 1951, bảo vệ Philippines nếu quân đội, chiến đấu cơ, chiến hạm của Philippines bị tấn công tại các vùng biển đang có tranh chấp về chủ quyền. Lần này, bà Harris dự định sẽ thảo luận thêm với Philippines về việc gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở quốc gia này(3).
***
Giống như Indonesia và Philippines, Việt Nam cũng là quốc gia mà chủ quyền bị yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông đe dọa nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam, Việt Nam chọn cách ứng xử hoàn toàn khác.
Hồi đầu tháng này, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam đồng loạt bày tỏ sự "hồ hởi, phấn khởi" khi ông Nguyễn Phú Trọng "được" Trung Quốc mời sang bên đó.
Hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam đồng loạt bày tỏ sự "hồ hởi, phấn khởi" khi ông Nguyễn Phú Trọng "được" Tập Cận Bình tiếp tại Bắc Kinh
Theo ông Bùi Thanh Sơn - Ngoại trưởng Việt Nam : "Điều đó thể hiện sự coi trọng lẫn nhau giữa hai đảng, hai nước, nhất là sự trân trọng của đảng, chính phủ và nhân dân Trung Quốc và cá nhân Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đối với Tổng bí thư đảng ta, thông qua việc thu xếp đón Tổng bí thư đảng ta với mức lễ tân cao nhất và có nhiều thu xếp đặc biệt". Ông Sơn nói thêm : "Chuyến thăm góp phần thể hiện đảng và nhà nước Việt Nam luôn luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc, vì lợi ích căn bản, lâu dài của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của thế giới và khu vực. Chuyến thăm cũng nhằm thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa chủ động và tích cực hội nhập quốc tế ; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế". Cứ như lời ông Sơn thì Việt Nam đã "nhất trí tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc theo phương châm 16 chữ ‘láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn đ ịnh lâu dài, hướng tới tương lai’ và tinh thần bốn tốt- láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt" (4).
Cứ tạm cho là lần này hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam "đúng đắn" thì sự "đúng đắn" ấy chưa thật sự "chính xác" và "nhất quán". Để bảo đảm yếu tố hoàn toàn "đúng đắn", tuân thủ và thực thi "phương châm 16 chữ" cũng như "tinh thần bốn tốt", sắp tới, không nên lên tiếng phản đối Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông như hồi tháng 4 vừa qua(5), cũng không nên "yêu cầu Trung Quốc điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm nhân viên công vụ và bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam" như hồi tháng 6 vừa qua sau khi tàu công vụ của Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá Việt Nam ở Biển Đông(6). Giờ, hành động như cách nay vài tháng là mâu thuẫn với tuyên bố hoàn toàn tự nguyện, chẳng ai ép "đảng và nhà nước Việt Nam luôn luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc" ! Không nên thiếu "nhất quán" như thế vì dễ bị "lợi dụng", "xuyên tạc" !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 25/11/2022
Chú thích
(2) https://www.stripes.com/theaters/asia_pacific/2022-11-21/austin-indonesia-united-states-8134347.html
(6) https://tuoitre.vn/tau-ca-viet-nam-bi-dam-o-hoang-sa-chinh-phu-trung-quoc-khong-the-vo-can-20200615104711171.htm
Hãng tin AFP ngày 11/2/2020, đưa tin : Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đã gửi đến sứ quán Mỹ tại Manila thông báo về việc hủy bỏ Hiệp ước Thăm vếng Quân sự với Mỹ (Visiting Forces Agreement – VFA). Theo đó, Mỹ sẽ có thời gian 180 ngày để hoàn tất việc chấm dứt bản thỏa thuận được ký từ năm 1998 cho phép Mỹ đưa các đơn vị quân đội qua Philippines để tham gia tập trận chung hay giúp đỡ chống khủng bố. Ông Salvador Panelo, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đe dọa rằng : "Tổng thống sẽ không xem xét bất cứ đề nghị nào từ chính phủ Mỹ nhằm cứu vãn VFA".
Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte : "Tôi sẽ hủy bỏ thỏa thuận về các lực lượng thăm viếng (VFA). Tôi cho chính quyền (Philippines) và chính phủ Mỹ thời hạn một tháng từ bây giờ". Tuy nhiên, Tổng Thống Mỹ Donald Trump không quan tâm điều này. (Hình : Ted Aljibe/AFP via Getty Images)
Truyền thông quốc tế không chú ý quá nhiều về vụ việc này, dù đây là một động thái đe dọa có ảnh hưởng đến chiến lược, chính sách của Hoa Kỳ tại vùng Châu Á, Thái Bình Dương.
Đặc biệt, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã không tỏ ra việc coi đây là vấn đề quá quan trọng. Từ Tòa Bạch Ốc ngày 12/2 ông Trump nói rằng ông không quan tâm việc này, thậm chí, việc Philippines hủy bỏ bản thỏa thuận này, còn là cơ hội cho Mỹ đỡ chi tiêu một lượng tiền lớn vào đó.
Đây là một bước tiếp gây sốc của tổng thống Philippines kể từ khi ông lên cầm quyền tại đất nước này vào ngày 6/5/2016.
Ông Duterte nổi tiếng với những phát ngôn trên cương vị tổng thống nhưng sặc mùi chợ búa và thiếu văn hóa, kể cả đối với các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo tôn giáo. Ông Duterte không chỉ đã làm cả thế giới kinh ngạc về lối nói năng văng mạng của mình, mà còn cả những hành động bạo lực trong chính sách đối nội, những thay đổi được coi là ngược chiều trong chính sách đối ngoại đối với các nước khác có liên hệ, nhất là những nước lớn có ảnh hưởng như Trung Quốc, Nga, Mỹ.
Về đối nội, kể từ khi lên cầm quyền tại Philippines, thi hành một chính sách tàn sát bất chấp luật pháp với hàng ngàn người với cái cớ "chống tệ nạn ma túy", chính quyền Duterte đã làm cả thế giới phải e ngại và lên tiếng về việc vi phạm nghiêm trọng quyền con người tại đây khi cho bắn bỏ không qua xét xử bất cứ những ai mà tự cảnh sát hoặc người dân cho rằng đó là tội phạm liên quan đến ma túy.
Chỉ trong ba năm cầm quyền đầu tiên, ông Duterte đã cho bắn bỏ số người lên đến 6.600 không qua xét xử, đa số đó là dân nghèo không có khả năng tự vệ và đây được cho là con số thấp hơn nhiều so với thực tế.
Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần lên án các chính sách của ông Duterte vi phạm nhân quyền. Tháng 8/2016, hai chuyên viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết chỉ thị của ông Duterte cho cảnh sát và người dân tiêu diệt nghi phạm ma túy "kích động bạo lực và giết chóc, và là tội ác theo luật quốc tế".
Chính điều này đã góp phần gây sóng gió trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Philippines bằng việc mới đây chính phủ Mỹ đã không cấp thị thực vào Mỹ cho thượng nghị sĩ Philippines là Dela Rosa. Ông Dela Rosa nói, ông tin rằng nguyên nhân rất có thể vì những cáo buộc về tình trạng giết các nghi phạm ma túy không thông qua xét xử trong thời gian ông làm cảnh sát trưởng Philippines từ tháng 7/2016 đến tháng 4/2018.
Tức tối trước việc này, ngày 23/1/2020, hãng tin Reuters đưa tin rằng ông Duterte nói : "Nếu quý vị không sửa sai, tôi sẽ hủy bỏ thỏa thuận về các lực lượng thăm viếng (VFA). Tôi sẽ làm điều đó… Tôi cho chính quyền (Philippines) và chính phủ Mỹ thời hạn một tháng từ bây giờ". Và khi chưa đến thời hạn một tháng, Duterte quyết định hủy bỏ bản thỏa thuận thể hiện một sự giận dữ không thể kiềm chế.
Kể từ khi lên cầm quyền tại Philippines, ông Duterte đã thi hành nhiều đường lối hoàn toàn khác với các tiền nhiệm của mình, gây sóng gió không chỉ trong nước mà cả trong khu vực cũng như trên bình diện thế giới.
Nếu như chính phủ tiền nhiệm là cựu Tổng thống Benigno Aquino III đã cố gắng trong mọi nỗ lực của mình để đưa Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thường trực ở The Hague (Hòa Lan) và tòa án này đã bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" hết sức vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông, thì chính quyền Duterte đã có nhiều hành động ngược lại.
Chính sách của Duterte sau khi lên cầm quyền đã đưa đến một Philippines thụ động và mơ màng những khoản tiền từ những lời hứa của Trung Quốc. Hẳn nhiên, điều đó liên hệ rất cơ bản với việc tuyên bố, xác định chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông.
Trong chuyến đi của ông Duterte tới Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị Manila hãy "để sang bên phán quyết trọng tài", "để sang bên tuyên bố chủ quyền của quý vị" và đề nghị hai bên khai thác chung dầu khí trong vùng tranh chấp, nghĩa là trong vùng Philippines tuyên bố chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế.
Tháng 1/2018, Philippines đã chấp thuận ký biên bản ghi nhớ về khai thác dầu khí chung với Trung Quốc và được hứa hẹn chia phần với tỷ lệ 60/40.
Hãng Reuters bình luận rằng, việc chấp nhận khai thác chung dầu khí tại khu vực đặc quyền kinh tế này, nghĩa là đã coi như hợp pháp hóa tuyên bố của bên kia, thậm chí là việc từ bỏ quyền chủ quyền của Philippines.
Cũng trong chính sách đối ngoại, trong khi ngày càng hăng hái đẩy mối quan hệ với Hoa Kỳ lên căng thẳng, ông Duterte đã hướng sang không chỉ Trung Quốc mà cả với Nga. Ông Duterte tuyên bố : "Nếu tôi không thể có được vị thế đáng tin cậy từ Mỹ, tôi có thể có được điều này từ chính phủ Nga và Trung Quốc".
Điều này cũng không có gì là lạ, khi mà các chính sách, cách hành động của ông Duterte ngày càng theo xu hướng bạo lực, độc tài và hành xử bất chấp văn hóa văn minh thì đất dụng võ sẽ là Nga và Trung Quốc là điều dễ hiểu. Ở những đất nước đó, một chế độ độc tài và tàn bạo đối với nhân dân mình luôn sẽ tìm được tiếng nói chung.
Trở lại với chính quyền Donald Trump, việc Philippines tuyên bố hủy bỏ bản thỏa thuận VFA đã không khiến ông Trump quan tâm. Hẳn nhiên, trong chính sách và chiến lược của Hoa Kỳ, một bản thỏa thuận với Philippines bị hủy bỏ không đủ sức để làm nghiêng cán cân của vị thế chính trị, quân sự cũng như có thể làm thay đổi trầm trọng chiến lược của Mỹ tại khu vực.
Tuy nhiên, với Philippines thì khác.
Bản thỏa thuận này được ký vào năm 1998, có hiệu lực từ năm 1999 tạo cho quân đội Hoa Kỳ một quy chế pháp lý, theo đó, tàu chiến, máy bay và hàng nghìn binh lính Mỹ được luân phiên đồn trú tại Philippines, tham gia các cuộc tập trận quân sự, huấn luyện và hoạt động hỗ trợ nhân đạo… Mỗi năm, có 300 hoạt động bao gồm cả các chuyến viếng thăm của tàu chiến Mỹ.
Trong điều kiện, hoàn cảnh mà Philippines và cả khu vực đang ngày càng phải căng thẳng đối phó với những mối đe dọa và chính sách bành trướng của Bắc Kinh lên các vùng biển đảo, các vùng lãnh thổ khác nhau, bản thỏa thuận đã phần nào có tác dụng bảo vệ an ninh hữu hiệu cho Philippines trước những âm mưu bành trướng này.
Việc Philippines xé bỏ bản thỏa thuận, trong điều kiện là một đất nước yếu thế về kinh tế cũng như mọi mặt trước Trung Quốc – một gã khổng lồ về kinh tế và đầy những tham vọng và âm mưu toan tính bẩn thỉu – thì đó là một hành động tự sát đối với chủ quyền quốc gia.
Và điều này, chính đất nước và người dân Philippines sẽ phải chịu hậu quả.
Bởi chính họ đã chọn ra một cá nhân làm tổng thống của mình từ một gã vốn đã nổi tiếng từ khi còn nhỏ với một quá khứ ngỗ ngược, học hành kém cỏi nhưng đầy chất giang hồ và đặc biệt là thiếu thứ hết sức cần thiết cho một chính khách : Văn hóa ứng xử.
Phải chăng, đây là đòn nắn gân Mỹ của ông Duterte, một người vốn nổi tiếng hay văng mạng trong ngôn từ và hành động dù là tổng thống của một đất nước, nhưng đòn nắn gân này đã nhầm đối tượng ?
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : Người Việt, 16/02/2020