Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vào tháng 3 năm ngoái, khi chia tay Vladimir Putin trước cửa Điện Kremlin, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một lời chia sẻ với tổng thống Nga. Sử dụng cụm từ "bách niên biến cục", tức là một sự thay đổi mang tính lịch sử trong trật tự thế giới, ông Tập nói : "Chúng ta hãy cùng nhau thúc đẩy điều đó". Ngày 16/5 vừa qua, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau lần thứ 43. Nga đã trở thành một đối tác quan trọng hơn bao giờ hết trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm chống lại Mỹ. Quan hệ kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp và có những dấu hiệu cho thấy liên kết quân sự cũng sâu sắc hơn. Tính đến giữa tháng 5/2024, Mỹ đã hai lần thắt chặt trừng phạt đối với thương mại Trung-Nga. Chính phủ của ông Tập phản ứng giận dữ, kêu gọi phương Tây "ngưng bôi nhọ và kiềm chế Trung Quốc".

ngahoa1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trái, và Tổng thống Nga Vladimir Putin duyệt đội danh dự trong lễ đón chính thức ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/5/2024. [Ảnh AP / Sergey Bobylev]

Trung Quốc là điểm đến đầu tiên ở nước ngoài của ông Putin sau cuộc bầu cử hồi tháng 3, vốn mang lại cho ông nhiệm kỳ tổng thống thứ năm. Cuộc họp này tương đồng ít nhiều với cuộc gặp năm ngoái, diễn ra ngay sau khi quốc hội Trung Quốc chấp thuận cho ông Tập phá vỡ tiền lệ để làm tiếp nhiệm kỳ chủ tịch nước lần thứ ba, và vài ngày sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ ông Putin vì tội ác chiến tranh ở Ukraine. Đối với cả hai người, cuộc gặp của họ cho thấy sự khinh miệt đối với những nỗ lực chống các chế độ chuyên quyền của phương Tây.

Nhà lãnh đạo Nga rất thường bay tới Trung Quốc. Đây là chuyến thăm thứ 19 của ông kể từ khi trở thành tổng thống vào năm 2000. Chuyến đi tới Bắc Kinh vào tháng 2/2022, vài ngày trước khi ông phát động cuộc chiến toàn diện chống lại Ukraine, được ví như Caesar vượt sông Rubicon. Hai nhà lãnh đạo đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó họ tái định nghĩa chế độ độc tài và nói về "truyền thống dân chủ lâu đời" của hai nước. Họ ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chống lại "những nỗ lực của các thế lực bên ngoài", ám chỉ Mỹ, nhằm "phá hoại an ninh và ổn định ở các khu vực lân cận chung của họ". Điều đáng chú ý nhất là khi mô tả mối quan hệ Trung-Nga, hai nhà lãnh đạo nói "không có giới hạn, không có vùng ‘cấm’".

Liệu có những giới hạn nào đối với sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga hay không đang là câu hỏi được phương Tây rất quan tâm. Trong nhiều lĩnh vực, tình hữu nghị giữa hai nước quả thực đã đạt những tầm cao mới. Trước khi đến Bắc Kinh trong chuyến đi mới nhất, ông Putin nói với truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng hai nước có "sự tin tưởng sâu sắc lẫn nhau" và đang tăng cường "phối hợp chính sách đối ngoại vì lợi ích xây dựng một trật tự thế giới đa cực". Mỹ và các đồng minh cho rằng các công ty Trung Quốc đang cung cấp hỗ trợ quan trọng cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga. Thương mại đang bùng nổ của Trung Quốc và Ấn Độ với Nga cho đến nay đã là cứu cánh cho ông Putin. Và các lực lượng vũ trang Nga, Trung đã tập trận cùng nhau thường xuyên hơn.

Điều mà các nước phương Tây quan tâm nhất là dòng chảy công nghệ và các mặt hàng hữu ích khác đến từ Trung Quốc được các nhà sản xuất vũ khí Nga sử dụng. Trong các chuyến thăm riêng tới Trung Quốc vào tháng 4, bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen và ngoại trưởng Antony Blinken đã chỉ trích các quan chức Trung Quốc về điều này. Ông Blinken nói với các phóng viên khi kết thúc chuyến đi rằng Trung Quốc là "nhà cung cấp hàng đầu" về công cụ máy móc, vi điện tử, và các mặt hàng khác mà Mỹ coi là có "công dụng kép", nghĩa là chúng có cả ứng dụng dân sự lẫn quân sự. Ông nói : "Nga sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì cuộc chiến ở Ukraine nếu không có sự hỗ trợ của Trung Quốc". Sau đó, ông chia sẻ với chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Borge Brende, rằng trong năm qua, công nghệ của Trung Quốc đã cho phép Nga sản xuất vũ khí và đạn dược "với tốc độ nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử hiện đại của nước này, kể cả trong Chiến tranh Lạnh".

Dữ liệu thương mại ủng hộ quan điểm của Mỹ. Hãy lấy ví dụ là những máy công cụ gia công kim loại cần thiết để chế tạo vũ khí. Trước chiến tranh Ukraine, nhiều nhà cung cấp các loại máy tiên tiến mà Nga dùng đến từ Mỹ, Châu Âu, và các nước giàu ở Châu Á. Nhưng rồi trừng phạt làm mất nguồn cung đó, khiến Nga phải quay sang Trung Quốc. Theo số liệu thương mại của Trung Quốc, trong năm 2022, xuất khẩu công cụ máy móc của Trung Quốc sang Nga đã tăng gần 120% lên 362 triệu USD. Đến năm 2023, con số này lại tăng gần 170%. Thị phần của Trung Quốc trong thị trường này ở Nga tăng từ dưới 30% trước chiến tranh lên khoảng 60% vào năm 2022 và 88% vào năm 2023. Viết cho Jamestown Foundation, một cơ quan nghiên cứu của Mỹ, Pavel Luzin gọi sự phụ thuộc vào Trung Quốc của Nga cho mặt hàng trên là một "điểm yếu ngày càng tăng" đối với ông Putin.

Trung Quốc phải tận dụng điều đó. Trong những ngày đầu của nước Cộng hòa Nhân dân, trước khi chia rẽ Trung-Xô bắt đầu vào cuối những năm 1950, Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào "người anh lớn" Liên Xô về viện trợ và vũ khí. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một cơ quan nghiên cứu của Mỹ, cho rằng chuyến đi của ông Tập tới Moscow vào tháng 3 năm ngoái đã đẩy nhanh biến cục. Trong một báo cáo về ngành công nghiệp quốc phòng Nga, được công bố vào tháng 4, CSIS cho biết trong tháng đó đã có "sự gia tăng mạnh" các chuyến hàng Trung Quốc sang Nga đối với hàng hóa công dụng kép được Mỹ xác định là "ưu tiên cao". Điều này có nghĩa là chúng rất quan trọng trong việc sản xuất vũ khí của Nga và bị Mỹ cũng như đồng minh kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ.

Máy móc và linh kiện điện tử, như chip máy tính, chiếm thị phần lớn nhất trong nhập khẩu các sản phẩm được ưu tiên cao của Nga. Gần như tất cả các nhà cung cấp nước ngoài hàng đầu của Nga về các mặt hàng quan trọng liên quan đến quân sự đều đến từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, theo CSIS. Dữ liệu do The Economist tổng hợp cũng cho thấy xuất khẩu chất bán dẫn của Trung Quốc sang Nga đã tăng lên 407 triệu USD vào năm 2023, so với chỉ 230 triệu USD của năm 2021. Đặc biệt, doanh số bán máy móc sản xuất chip của Trung Quốc sang Nga tăng trưởng ngoạn mục trong cùng kỳ, từ chỉ 3,5 triệu USD lên gần 180 triệu USD.

Danh sách ưu tiên cao bao gồm vòng bi, được sử dụng trong chế tạo xe tăng. Xuất khẩu mặt hàng này của Trung Quốc đã tăng gần 170% trong năm ngoái so với cùng kỳ năm 2021, một năm trước cuộc xâm lược của Nga. Trong khi đó, doanh số bán mặt hàng trên của Trung Quốc sang Kyrgyzstan cũng tăng vọt hơn 1.800%. Bình luận về điểm này, Markus Garlauskas và các học giả đồng nghiệp viết cho Hội đồng Đại Tây Dương rằng : "Mặc dù có thể thị trường nội địa Kyrgyzstan đột nhiên cần nhiều vòng bi, nhưng lời giải thích khả dĩ hơn nhiều là những sản phẩm này ngay lập tức được tái xuất khẩu sang Nga".

Mỹ hiện đang tăng áp lực lên Trung Quốc để ngừng bán các mặt hàng ưu tiên cao. Vào ngày 1 tháng 5, họ đã áp trừng phạt đối với gần 300 thực thể nước ngoài, trong đó có 20 công ty từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Bộ tài chính Mỹ cáo buộc các doanh nghiệp này đã giúp Nga "có được những đầu vào quan trọng cho vũ khí hoặc sản xuất liên quan đến quốc phòng". Không rõ liệu có công ty Trung Quốc nào hoạt động dưới sự chỉ đạo của nhà nước hay không.

Ở một góc độ nào đó, các nước phương Tây có thể yên tâm khi biết rằng có những giới hạn đối với quan hệ Trung-Nga. Trung Quốc rõ ràng nhận thức được nguy cơ leo thang với Mỹ. Hồi tháng 12, tổng thống Joe Biden đã cho phép bộ tài chính áp đặt trừng phạt đối với các ngân hàng nước ngoài liên quan đến các thương vụ giúp đỡ quân đội Nga. Một số ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc do đó trở nên hết sức thận trọng, và đã cho tạm dừng hoặc làm chậm các giao dịch liên quan đến các thực thể Nga. Thương mại giữa Nga và Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 240 tỷ USD vào năm 2023. Nhưng dù đã tăng 47% vào năm ngoái lên 111 tỷ USD, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã giảm trong hai tháng liền, 16% trong tháng 3 và 14% trong tháng 4, tính theo năm. Các khó khăn của ngành ngân hàng có thể là một yếu tố.

Trung Quốc không hoàn toàn đồng ý với ông Putin về Ukraine. Ông Blinken ghi nhận ông Tập đã thuyết phục được Nga không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Trung Quốc tỏ ra không hào hứng với quyết định xâm lược của Nga (họ không công nhận Crimea hay Donbas là một phần lãnh thổ Nga, như ông Putin tuyên bố). Và một chiến thắng toàn diện của Nga có thể không làm Trung Quốc hài lòng. Nó sẽ chuyển hướng chú ý ở phương Tây vào thất bại của Trung Quốc trong việc kiềm chế Nga và vào mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra cho trật tự tự do của phương Tây.

Tuy nhiên, cuối cùng thì Trung Quốc vẫn muốn bảo đảm sự tồn tại của chế độ Nga. Họ không muốn bất kỳ kết quả nào khiến ông Putin mất quyền lực. Ông đơn giản là quá hữu ích trong cuộc đấu tranh của Trung Quốc với phương Tây. Điều này thể hiện rõ trong mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa các lực lượng vũ trang Trung Quốc và Nga. Hồi tháng 3, hải quân Nga, Trung Quốc, và Iran đã tổ chức các cuộc tập trận chung ở Vịnh Oman, lần mới nhất trong loạt cuộc tập trận bắt đầu từ năm 2018. Cuộc tuần tra hải quân chung của Nga và Trung Quốc hồi tháng 8 gần Alaska có thể là cuộc tuần tra lớn nhất của họ ở sát lục địa Mỹ.

Nga và Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng để chiến đấu cùng nhau. Trong bản đánh giá mối đe dọa thường niên mới được công bố vào tháng 2, các điệp viên Mỹ cho biết các cuộc diễn tập chung chỉ mang lại "những cải tiến nhỏ về khả năng tương tác". Chúng dường như chỉ là một cách báo hiệu độ thắm thiết của quan hệ Trung-Nga. Một thông điệp ngầm là nếu Trung Quốc và Mỹ xảy ra chiến tranh, ít nhất Mỹ sẽ phải tính đến việc Nga hỗ trợ năng lực tình báo cho Trung Quốc.

Sau những khó khăn của Nga ở Ukraine, Trung Quốc có thể đã kết luận rằng tấn công Đài Loan qua eo biển rộng hơn 125 km với một đội quân thiếu kinh nghiệm chiến đấu sẽ là một rủi ro tốt nhất không nên thực hiện trong tương lai gần. Tuy nhiên, ông Tập muốn cho Mỹ thấy rằng ông đã sẵn sàng chiến đấu, và ông đã chuẩn bị nước ông sẵn sàng cho khả năng đó.

Nga có một vai trò ở đây. Nếu chiến tranh nổ ra giữa Trung Quốc và Mỹ, Nga có thể cung cấp cho Trung Quốc ít nhất một phần năng lượng mà nước này cần, vượt qua các chốt hàng hải do Mỹ kiểm soát, bằng cách sử dụng đường ống và đường bộ. Năm ngoái, nhập khẩu dầu Nga của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 107 triệu tấn, tăng 24% so với năm 2022. Nga cung cấp gần 1/5 lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc, đưa nước này trở thành nguồn cung lớn nhất của Bắc Kinh. Nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga vào Trung Quốc tăng 62%. Nga muốn Trung Quốc mua nhiều hơn nữa qua đường ống dẫn khí đốt thứ hai đang được đề xuất. Đàm phán đã kéo dài nhiều năm qua vì Trung Quốc tỏ ra cứng rắn về giá cả.

Nói một cách nhẹ nhàng, cuộc chiến của ông Putin ở Ukraine đã không làm cho cuộc sống của ông Tập trở nên dễ dàng hơn. Nó khiến phương Tây tập trung vào nhu cầu tăng cường khả năng phòng thủ cho Đài Loan, làm cho việc chiếm giữ hòn đảo này càng trở nên khó khăn hơn đối với ông Tập. Và nó đã khiến các nước Châu Âu cảnh giác hơn với Trung Quốc : việc Bắc Kinh ủng hộ Nga được coi là mối đe dọa gián tiếp đối với an ninh của lục địa.

Nhưng dù ông Tập có bất kỳ mối lo ngại nào về hậu quả của chiến tranh, ông sẽ không để chúng làm suy yếu mối quan hệ song phương. Ông và ông Putin có vẻ thực sự thân thiết. Họ tặng nhau bánh sinh nhật và uống rượu vodka cùng nhau. Ông Putin cũng làm cho Đảng cộng sản cảm thấy an toàn hơn : nếu nước Nga được cai trị bởi một nhà lãnh đạo cấp tiến thân phương Tây, ông Tập sẽ lo sợ bị lây lan. Tại cuộc gặp ở Moscow năm ngoái, hai nhà lãnh đạo đã cam kết hợp tác chống lại "các cuộc cách mạng màu", nghĩa là những thách thức dân chủ đối với các chế độ độc tài. Đây không phải là một cuộc hôn nhân thuận tiện. Đối với cả hai nhà lãnh đạo, quan hệ Trung-Nga là một nhu cầu thiết yếu và lâu dài.

Đỗ Đặng Nhật Huy

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 16/06/2024

Published in Diễn đàn

Trung Quốc tuyên bố mong muốn "tăng cường hợp tác chiến lược" với Nga

Anh Vũ, RFI, 09/04/2024

Các kênh truyền thông chính thức Nga cho biết, hôm nay 09/04/2024, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp người đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov đã tuyên bố Bắc Kinh mong muốn "tăng cường hợp tác chiến lược" với Moskva.

ngatq1

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị trao đổi văn kiện, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 09/04/2024 via Reuters – Russian Foreign Ministry

Lãnh đạo ngoại giao Nga đã tới Bắc Kinh hôm qua, 08/04 trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc hai ngày, theo AFP, nhằm tăng cường quan hệ hai nước giữa lúc Nga tiếp tục cuộc chiến tranh tại Ukraine.

Từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine, quan hệ hợp tác kinh tế và các cuộc tiếp xúc ngoại giao cũng như quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước không ngừng được thúc đẩy.

Thông tấn xã Nga RIA Novosti cho biết, ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định, "Trung Quốc sẽ ủng hộ sự phát triển ổn định của nước Nga dưới sự lãnh đạo của tổng thống Putin... Bắc Kinh và Moskva sẽ tiếp tục sẽ tăng cường hợp tác chiến lược trên trường quốc tế và ủng hộ lẫn nhau mạnh mẽ".

Hãng tin Nga Izvestia đăng một video trên Telegram, trong đó ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu cảm ơn "sự ủng hộ của những người bạn Trung Quốc" đối với tổng thống Vladimir Putin sau khi tái đắc cử.

Hồi tháng 3/2023, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Moskva đã khẳng định với tổng thống Putin về "tình hữu nghị không giới hạn" giữa hai nước. Mối quan hệ càng gần gũi hơn khi 2 nước đồng quan điểm lên án điều mà họ gọi là hành vi bá quyền phương Tây trên trường quốc tế. Lãnh đạo hai nước sau đó còn có cuộc gặp vào tháng 10 năm ngoái tại Bắc Kinh bên lề diễn đàn Sáng kiến Vành đai Con đường.

Trước báo giới hôm nay, cùng với ông Sergey Lavrov, ông Vương Nghị tuyên bố : "Với tư cách là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và là những cường quốc đang trỗi dậy, Trung Quốc và Nga rõ ràng phải đứng về phía tiến bộ lịch sử, chính nghĩa và công lý". Lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh hai nước "sẽ tiếp tục duy trì các trao đổi chặt chẽ dưới nhiều hình thức".

Trung Quốc chủ trương giải quyết cuộc chiến tại Ukraine bằng con đường ngoại giao và tỏ ra trung lập về cuộc xung đột này. Bắc Kinh đã kêu gọi tôn trọng toàn vẹn chủ quyền của tất cả các quốc gia, nhưng chưa bao giờ công khai lên án Moskva về cuộc tấn công quân sự Ukraine. Trong khi đó các nước phương Tây vẫn thường xuyên kêu gọi Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình với Nga để đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine. 

Anh Vũ

Đọc thêm :

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Trung Á : Một lối thoát kinh tế cho Nga

***************************

Ngoại trưởng Nga công du Trung Quốc để bàn về Ukraine

Thanh Hà, RFI, 08/04/2024

Chiến tranh Ukraine, tăng cường quan hệ song phương và tình hình trong khu vự Châu Á – Thái Bình Dương là những hồ sơ chính trong hai ngày làm việc 08 và 09/04/2024 của ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Bắc Kinh. Mặt khác, hai bên cũng chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Vladimir Putin dự trù vào tháng 5/2024. Đây sẽ là chuyến xuất ngoại đầu tiên từ khi ông Putin tái đắc cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ.

ngatq2

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (xuống máy bay, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 8/4/2024. AP

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga được AFP trích dẫn cho biết ngoại trưởng Lavrov sẽ có nhiều cuộc trao đổi với đồng cấp Vương Nghị. Hai bên "trao đổi quan điểm trên một số hồ sơ nóng bỏng" như "khủng hoảng Ukraine và tình hình tại Châu Á-Thái Bình Dương".

Hãng tin Anh Reuters nhắc lại Nga và Trung Quốc cùng muốn lại phác họa ra một trật tự mới trên thế giới thay thế mô hình dân chủ của phương Tây mà đứng đầu là Mỹ.

Về phía Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ninh nhấn mạnh chuyến đi của lãnh đạo ngoại giao Nga diễn ra trong khuôn khổ một "chuyến viếng thăm chính thức" theo lời mời của ngoại trưởng Vương Nghị.

Liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine, Trung Quốc luôn khẳng định thế trung lập và đã đề xuất một kế hoạch gồm 12 điểm để giải quyết xung đột. Nga tuyên bố đánh giá cao sáng kiến này.

Theo Reuters, cho đến nay, dường như Nga chấp nhận đàm phán vãn hồi hòa bình tại Ukraine với điều kiện Kiev chấp nhận "một thực tế", đó là mất quyền kiểm soát 20% lãnh thổ quốc gia.

Chiến tranh Ukraine là cơ hội để Trung Quốc và Nga mở rộng quan hệ kinh tế : tổng trao đổi mậu dịch hai chiều giữa hai nước trong năm 2023 đạt ngưỡng 240 tỷ đô la, tăng thêm 26% so với hồi 2022. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng gần 47% trong năm vừa qua và trong chiều ngược lại Nga cũng đã xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc đến 13%.

Từ 2022 Nga và Trung Quốc đã khẳng định "mối quan hệ đối tác" và "tình bạn vô bờ bến".

Tổng thống Nga và chủ tịch Trung Quốc đã hai lần gặp nhau tại Moskva và Bắc Kinh. Ông Tập từng khẳng định "mức độ tin tưởng lẫn nhau về mặt chính trị ngày càng lớn". Sau khi tái đắc cử hồi tháng 03/2024 ông Vladimir Putin đánh giá tình hữu nghị của trục Moskva – Bắc Kinh là "yếu tố đem lại ổn định" cho thế giới và đánh giá rất cao mối quan hệ cá nhân với chủ tịch Tập Cận Bình.

Thanh Hà

*************************

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Trung Á : Một lối thoát kinh tế cho Nga

Minh Anh, RFI, 08/04/2024

Bắc Kinh và Moskva đang nhắm đến việc kết hợp Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Trung Quốc đề xướng với Liên minh kinh tế Á – Âu (Eurasian Economic Union - EEU) do Nga lãnh đạo. Điều này báo hiệu một sự quan tâm mới đối với chiến lược của Trung Quốc mà Nga từng coi là một thách thức. 

ngatq3

Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) tham dự diễn đàn Sáng kiến Vành đai Con đường, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, hồ Nhạn Tê (Yanqi), Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 15/05/2017. AP - Lintao Zhang

Theo các nhà phân tích được South China Morning Post trích dẫn, việc hợp tác với Bắc Kinh có thể giúp Moskva lấy lại niềm tin từ các nước láng giềng ở Trung Á, hiện đang lo ngại trở thành một "Ukraine tiếp theo".

Khi Trung Quốc thời Tập Cận Bình công bố Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative - BRI) năm 2013, nước Nga của Vladimir Putin tỏ ra không mấy hào hứng trước các nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng khổng lồ tại các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ như Kazakhstan, Kyrsyzstan... Vào thời điểm đó, Vladimir Putin xem sáng kiến trên của Tập Cận Bình như là một thách thức cho sự thống trị của Nga tại một khu vực mà Nga xem là "sân sau" nhà mình.

EEU vs BRI

Năm 2015, tổng thống Nga cho thành lập Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEU), quy tụ các nước thuộc Liên Xô cũ như Armenia, Belarus, Kazakstan và Kyrgyzstan, nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế và các lợi ích địa chính trị của riêng mình ở Trung Á. Kế hoạch này cũng nhằm đối phó với thị trường chung và liên minh thuế quan của Liên Hiệp Châu Âu (EU), được hình thành từ những năm 1990.

Nhưng khi Nga tiến hành cuộc chiến xâm lược Ukraine, mối đoàn kết trong khối bị sứt mẻ do một số nước thành viên của EEU lo lắng trước nguy cơ trở thành một Ukraine tiếp theo. Bên cạnh đó là những khó khăn do các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt nhắm vào Moskva trong nhiều lĩnh vực từ mua bán năng lượng, giao dịch ngân hàng.

Tuy nhiên, tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao, diễn ra ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, phó thủ tướng Nga Alexey Overchuk đề cập đến việc Nga và Trung Quốc đang thảo luận về khả năng "cải thiện kết nối" sáng kiến BRI với liên minh EEU. Theo quan điểm của Wang Yimei, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại đại học Nhân dân Trung Quốc, sự việc cho thấy Nga muốn "tận dụng ảnh hưởng của Trung Quốc để lấy lại niềm tin từ các nước láng giềng, đặc biệt là sự mất lòng tin từ Kazakhstan".

Trên thực tế, vào năm 2015, Bắc Kinh và Moskva đã từng có các thỏa thuận liên kết EEU và BRI, nhằm xây dựng các tuyến đường bộ và đường sắt đi từ Trung Quốc đến Châu Âu đi qua Trung Á. Đây là điều mong muốn của Bắc Kinh từ nhiều năm trước, hy vọng "hội nhập Á – Âu" nhiều hơn, biến các chương trình hợp tác song phương thành hợp tác đa phương, tạo thêm động lực cho các kế hoạch trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), ví dụ tuyến đường sắt Trung Quốc – Kyrgyzstan – Uzbekistan, dài 523 km, được đề xuất từ năm 1990, đi đến Châu Âu mà không cần quá cảnh qua Nga.

Kết nối EEU với BRI : Cơ hội phát triển kinh tế cho Nga

Nhưng việc xây dựng tuyến đường này chỉ mới bắt đầu từ 2023 do việc "Nga nghi ngờ về sự hiện diện của Trung Quốc ở "sân sau", còn Trung Quốc thì lo lắng khả năng tồn tại về mặt thương mại". Chuyên gia Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, trụ sở tại Washington, nhận định, trong bối cảnh đang bị sa lầy trong cuộc chiến ở Ukraine, "Nga không còn lựa chọn nào tốt hơn là mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế với Trung Quốc".

Chính sách này của Nga được thể hiện rõ trong các cuộc gặp giữa hai thủ tướng Nga và Trung Quốc ở Bắc Kinh hồi tháng 5 và tháng 12/2023. Chủ đề này rất có thể sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc gặp thượng đỉnh Tập Cận Bình – Vladimir Putin, dự kiến diễn ra vào tháng 5/2024.

Còn theo phân tích từ Zoon Ahmed Khan, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu, trụ sở ở Bắc Kinh với SCMP, chiến tranh Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đẩy Nga ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trước triển vọng Châu Âu tiếp tục giảm mua năng lượng, Nga sẽ tìm cách "mở rộng sự hiện diện của mình tại các thị trường Châu Á và các nước đang trỗi dậy ở phương Nam thông qua dự án Vành đai và Con đường".

Kế hoạch phối hợp EEU và BRI có thể giúp phát triển các hành lang giao thông nối Nga và Trung Quốc với các nước Á – Âu khác, xây dựng các đường ống năng lượng, tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và các cơ chế tạo thuận lợi cho thương mại. Chuyên gia Khan lưu ý thêm rằng, kế hoạch này sẽ còn mang lại cho Trung Quốc cơ hội hồi sinh dự án Con Đường Tơ Lụa Bắc Cực, cho các tuyến hàng hải xuyên Đại Tây Dương. Và dự án này trùng với sáng kiến của Nga về một tuyến hàng hải phía Bắc ! 

Minh Anh

Published in Diễn đàn

Nga – Trung : "Bằng mặt nhưng không bằng lòng"

Quan hệ Nga – Trung những năm gần đây có vẻ nồng ấm. Nhưng theo bài viết có tựa đề "Trung Quốc và Nga vạch hướng đi của mình" trên báo Le Monde ngày 11/08/2017, đằng sau những cái bắt tay, những ký kết thỏa thuận hợp tác song phương, những lời chúc tụng thắm thiết là một cuộc đối đầu ngầm địa chính trị giữa hai cường quốc này.

ngatrung1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh, ngày 25/06/2016. Sputnik/Kremlin/Mikhail Klimentyev/via REUTERS

Đầu tiên hết, Le Monde nhắc lại lãnh đạo hai nước luôn tận dụng các cơ hội để công khai ca tụng mối quan hệ hữu hảo đó. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dành cho đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình một huân chương danh dự : Thánh Saint Andre có từ thời Pie Đại Đế.

Đáp lại, Bắc Kinh đã ưu ái bảo vệ đồng nhiệm Nga, cấm mọi chỉ trích nhắm vào Vladimir Putin trên các trang mạng Sina Weibo, một dạng Twitter của Trung Quốc. Tập Cận Bình cũng không tiếc lời ca ngợi cho rằng : "Đây có thể là thời điểm tốt nhất trong lịch sử đối tác và hợp tác chiến lược Nga – Trung".

Theo giải thích của Le Monde, Nga đến với Trung Quốc trong bối cảnh Moskva đang hứng chịu các biện pháp trừng phạt của Châu Âu và Hoa Kỳ do việc sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga và sự can dự của nước này vào cuộc xung đột Ukraine.

Trung Quốc niềm nở đón Nga, là vì phải đối phó với Mỹ. Ngay vừa khi lên cầm quyền cuối năm 2012, Tập Cận Bình đã chọn Nga làm điểm công du đầu tiên. Trong vòng 5 năm, đôi bên đã gặp nhau đến 22 lần.

Thế nhưng đối với Le Monde, đó chỉ là vẻ bề ngoài. Bởi vì, trên thực tế, Nga vừa quan tâm nhưng vừa lo về dự án thế kỷ "Một Vành Đai, Một Con Đường" (One Belt One Road-OBOR) của Trung Quốc.

Với tham vọng làm sống lại những con đường giao thương Á-Âu trong lịch sử, trục đường bộ chính của dự án con đường tơ lụa mà ông Tập Cận Bình ấp ủ, nối liền ba tỉnh Trung Quốc với Châu Âu đi qua Kirghizistan, Uzbekistan, Tadjikistan, Turkmenistan, thông qua Iran và đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra Bắc Kinh còn vạch ra nhiều lộ trình khác đi qua Kazakhstan thông qua ngả biển Caspian.

Nga và Trung Quốc còn có tham vọng mở tuyến đường sắt cao tốc dài 7.000 km nối liền Bắc Kinh với Moskva. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn nhắm đến việc mở một "con đường tơ lụa băng giá", nghĩa là khai thác hải trình băng qua Bắc Cực, mà phần lớn nằm dưới quyền kiểm soát của Nga. Với lộ trình này, con đường vận chuyển hàng hóa bằng đường biển từ Trung Quốc đến Châu Âu sẽ rút ngắn đến gần 3.000 km.

Nhưng đó mới chỉ là dự án hợp tác. Le Monde còn thấy rằng mối quan hệ hữu hảo đó vất vả "cất cánh". Trên thực tế, những mục tiêu đầy tham vọng trên phương diện trao đổi thương mại được ấn định là 100 tỷ đô la cho năm 2015 đã không đạt được. Hợp tác kinh tế giữa hai nước phần lớn chỉ dừng lại trong lĩnh vực năng lượng, sau gần 10 năm thương lượng căng thẳng.

Đầu tư Trung Quốc vào Nga đình trệ do "các nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc e dè với các đối tác Nga, vì vắng các thông tin, thiếu cải cách cơ cấu, luật lệ cũng như việc thay đổi liên tục các quy định, giá dầu thô giảm và bối cảnh lệnh trừng phạt", như nhận xét của chuyên gia Alexandre Gabuiev, thuộc trung tâm tư vấn Carnegie tại Moskva với báo Le Monde.

Dự án lớn nhưng không loại trừ rủi ro có căng thẳng. Bởi vì, dự án con đường tơ lụa do Trung Quốc vạch ra đồng thời sẽ làm gia tăng ảnh hưởng của nước này lên những quốc gia mà Nga xem đấy như là "sân sau chiến lược" của mình.

Trong bối cảnh đó, được chuẩn bị từ năm 2010, và được chủ nhân điện Kremlin khai trương một cách rầm rộ vào tháng 5/2014, Liên Minh Kinh Tế Á-Âu, quy tụ Nga, Kazakhstan, Belarus, rồi sau này có thêm Armenia và Kirghizistan đã được tạo dựng như là một không gian kinh tế, giao thương và chính trị rộng lớn. Điều mỉa mai là một phần lớn không gian này đã bị con đường tơ lụa của Trung Quốc vay mượn.

Kim Jong-un làm Nhà Trắng "khốn đốn"

Các báo Pháp vẫn tiếp tục bàn luận về cuộc khẩu chiến Bình Nhưỡng và Donald Trump. Le Figaro trong bài viết đề tựa "Những đe dọa mới của Bắc Triều Tiên", cho rằng những lời lẽ hiếu chiến của Donald Trump đang gây bất ngờ cho các cố vấn Nhà Trắng.

Theo tiết lộ của New York Times, không một ai từ chánh văn phòng John Kelly, bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis, cho đến cố vấn an ninh nội địa H.R. McMaster, kể cả ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, được báo trước một lời nào về những phản ứng của tổng thống Mỹ.

Trước những tràng dọa dẫm giận dữ của Donald Trump, Les Echos cho biết để đáp trả, "Bắc Triều Tiên thông báo sẵn sàng bắn 4 tên lửa về phía đảo Guam từ đây cho đến trung tuần tháng 8". Về phần mình, Le Monde nhận thấy là "Cuộc khẩu chiến giữa Bình Nhưỡng và Washington" đang làm cho Nhà Trắng bị bất ổn.

Không những đe dọa là có kế hoạch chi tiết bắn tên lửa về đảo Guam, chế độ Bình Nhưỡng còn nhạo báng tổng thống Mỹ là một người "mất lý trí", khó có thể đàm phán. Nhật báo cho rằng việc chính quyền Washington cảm thấy bối rối trước Bình Nhưỡng, đó là vì Hoa Kỳ đã không có được một giải pháp đáng thuyết phục nào.

Le Monde trong một bài viết khác có tựa đề "Lo lắng tại Nhật Bản ngay giữa lễ tưởng niệm Hiroshima và Nagasaki", nhận thấy cuộc khẩu chiến giữa Trump và Bình Nhưỡng đã buộc Tokyo đặt đất nước vào mức "báo động cao".

Trên trang mạng an ninh dân sự, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra những chỉ dẫn phải theo trong trường hợp bị tên lửa tấn công. Các bài diễn tập sơ tán đã được thực hiện tại nhiều thành phố. Ngư dân Nhật Bản cũng lo sợ cho việc phóng tên lửa được tiến hành mà không được báo trước.

Afghanistan : bài toán đố cho Donald Trump ?

Không chỉ phải giải câu đố "Kim Jong-un", Donald Trump còn phải đối mặt với một bài toán hóc búa khác : Có nên đưa thêm quân đến Afghanistan hay không ? Theo Le Figaro, "Donald Trump đang rơi vào thế lưỡng nan trước vũng bùn Afghanistan".

Phải chăng Trump cũng đang rơi vào "vết xe mòn" của Obama mà ông từng mạnh mẽ chỉ trích ? Taliban gia tăng áp lực lên chính quyền Kabul khi ra sức tấn công và uy hiếp tinh thần các đồn lính của quân đội cũng như của người dân bằng các vụ khủng bố đẫm máu. Giới quân nhân Mỹ khẳng định không còn giải pháp nào khác là phải tiếp tục hỗ trợ quân đội Afghanistan, nếu không muốn để cho quân nổi dậy chiếm ưu thế.

Đây là điều khiến tổng thống Mỹ do dự. Dường như ông Trump không tin vào những lập luận của Lầu Năm Góc và đã công khai chỉ trích viên tướng chỉ huy, John Nicholson, rất được tôn trọng tại Kabul cũng như tại Washington. Đối với tổng thống Mỹ, tăng quân số sẽ tiêu tốn ngân sách mỗi năm đến 25 tỷ đô la.

Phe chủ trương Mỹ từ bỏ các cam kết quân sự ở nước ngoài, do Steve Bannon dẫn đầu, lại nảy sinh một ý tưởng khác "tư hữu hóa" chiến tranh, nghĩa là giao phó cuộc chiến cho lính đánh thuê, kèm theo với mọi rủi ro chính trị, đạo đức và tác chiến. Một kiểu khoán thầu các nhiệm vụ ở nước ngoài.

Cuộc chiến giữa hai tầm nhìn này gợi nhắc lại những gì đã từng xảy ra với người tiền nhiệm Barack Obama năm 2009, giữa Bộ quốc phòng và Bộ ngoại giao, với những cố vấn chính trị quan ngại cho uy tín của tổng thống và với phó tổng thống Joe Biden, vốn chủ trương can thiệp tối thiểu.

Thế nan giải đó nay được lặp lại với Donald Trump với cùng kiểu câu hỏi : Tại sao phải ở lại ? Tốn kém sẽ là bao nhiêu ? Kết quả là được gì ? Tám năm sau Obama, Trump giờ gần như cũng có cùng kiểu do dự.

Venezuela : Ngõ cụt ?

Đề cập đến tình hình Venezuela, báo La Croix có bài xã luận "Con đường đối thoại chật hẹp", nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có đối thoại giữa những thành phần ôn hòa trong chính phủ và phe đối lập, tránh bạo động leo thang, cho dù giải pháp này có nhiều khó khăn.

Theo tờ báo, hiếm có nước nào, trong những năm gần đây, lại bị tuột dốc một cách chóng mặt như Venezuela. Mặc dù có dự trữ dầu lửa lớn nhất thế giới, đất nước này đang bị kiệt quệ. Hệ thống tái phân phối được lập ra dưới thời cố tổng thống Hugo Chavez đã sụp đổ. Các cửa hàng trống rỗng và lạm phát phi mã ở mức 1.000% / năm. Nếu Venezuela tổ chức bầu cử tổng thống vào lúc này, Nicolas Maduro sẽ bị gạt bỏ ngay tức khắc.

Trong tình thế khủng hoảng trầm trọng như vậy, thay vì nén chịu các chỉ trích hoặc hợp tác với Quốc hội lập pháp mà phe đối lập kiểm soát từ năm 2015, tổng thống Maduro lại chọn giải pháp tránh né và tiếp tục dấn thân vào ngõ cụt. Ông đã cho bầu Quốc hội Lập Hiến để gạt bỏ Quốc hội lập pháp. Ông tấn công vào Nhà nước pháp quyền. Liên Hiệp Quốc tố cáo Caracas sử dụng bạo lực thái quá để trấn áp người biểu tình.

Thế nhưng, chính quyền vẫn tồn tại với sự ủng hộ của quân đội vì giới tướng lãnh được hưởng lợi từ chế độ này. Còn tuyệt đại đa số người dân hiện đang hứng chịu tình trạng bạo lực, nạn tham nhũng, thì chỉ mong mỏi có một điều : ông Maduro ra đi.

Đây cũng là lập trường của Hoa Kỳ. Chính quyền của tổng thống Donald Trump vừa quyết định một loạt các biện pháp cấm vận nhắm vào chính quyền Caracas, vì theo Washington, chế độ của Maduro là độc tài và không thể chấp nhận được. Đa số các nước Châu Mỹ La tinh, Liên Hiệp Châu Âu và cả Vatican cũng không thừa nhận tính chính đáng của Quốc hội Lập Hiến.

Lo ngại bạo lực vũ trang leo thang, các nước này kêu gọi đàm phán giữa những nhân vật được cho là ôn hòa ở cả hai phe, chính phủ và đối lập. Vào tháng 12 tới, Venezuela sẽ có bầu cử cấp địa phương và đây sẽ dịp để người dân nước này lên tiếng. Một bộ phận của phe đối lập sẵn sàng chấp nhận "cuộc chơi" này, bất chấp những rủi ro gian lận. Do vậy, theo La Croix, cần phải ủng hộ giải pháp này trong hoàn cảnh hiện nay của Venezuela.

Trang nhất các báo Pháp

La Croix cảnh báo "Sự chệch hướng đáng lo ngại của Venezuela", chế độ của tổng thống Maduro đang bị cả Hoa Kỳ, tòa thánh Vatican, Liên Hiệp Châu Âu và các nước láng giềng lớn cùng lên tiếng chỉ trích gay gắt. Trong mục "Sự kiện", La Croix cho rằng "nhiều biện pháp trừng phạt được đưa ra để ngăn chặn chế độ chuyên quyền của Caracas", trước một "Venezuela bên bờ hỗn loạn".

Trang nhất của báo Le Monde nhận định "Cuộc khẩu chiến thổi bùng lo ngại một cuộc xung đột nguyên tử" giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên. Washington vẫn chưa tìm ra được biện pháp gây sức ép hiệu quả để thuyết phục Kim Jong-un từ bỏ dự án phát triển hạt nhân.

Thời sự Pháp được Le FigaroLes Echos đề cập trên trang nhất. Le Figaro trở lại mối bận tâm "bị trộm viếng thăm" của người dân Pháp vào mỗi dịp nghỉ hè với lời cảnh báo "Tại Pháp, cứ hai phút lại có một vụ trộm".

Les Echos thông báo chính sách của chính phủ về khoản tiền khuyến khích người dân bỏ xe hơi cũ gây ô nhiễm. Các gia đình có thu nhập thấp có thể nhận được đến 2.000 euro nếu mua một chiếc xe hơi ít gây ô nhiễm hơn. Sắp tới, xe hơi chạy bằng diesel có thể bị hạn chế ở một số thành phố lớn vào những ngày bị ô nhiễm cao.

Minh Anh

Published in Quốc tế