Nga – Trung : "Bằng mặt nhưng không bằng lòng"
Quan hệ Nga – Trung những năm gần đây có vẻ nồng ấm. Nhưng theo bài viết có tựa đề "Trung Quốc và Nga vạch hướng đi của mình" trên báo Le Monde ngày 11/08/2017, đằng sau những cái bắt tay, những ký kết thỏa thuận hợp tác song phương, những lời chúc tụng thắm thiết là một cuộc đối đầu ngầm địa chính trị giữa hai cường quốc này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh, ngày 25/06/2016. Sputnik/Kremlin/Mikhail Klimentyev/via REUTERS
Đầu tiên hết, Le Monde nhắc lại lãnh đạo hai nước luôn tận dụng các cơ hội để công khai ca tụng mối quan hệ hữu hảo đó. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dành cho đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình một huân chương danh dự : Thánh Saint Andre có từ thời Pie Đại Đế.
Đáp lại, Bắc Kinh đã ưu ái bảo vệ đồng nhiệm Nga, cấm mọi chỉ trích nhắm vào Vladimir Putin trên các trang mạng Sina Weibo, một dạng Twitter của Trung Quốc. Tập Cận Bình cũng không tiếc lời ca ngợi cho rằng : "Đây có thể là thời điểm tốt nhất trong lịch sử đối tác và hợp tác chiến lược Nga – Trung".
Theo giải thích của Le Monde, Nga đến với Trung Quốc trong bối cảnh Moskva đang hứng chịu các biện pháp trừng phạt của Châu Âu và Hoa Kỳ do việc sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga và sự can dự của nước này vào cuộc xung đột Ukraine.
Trung Quốc niềm nở đón Nga, là vì phải đối phó với Mỹ. Ngay vừa khi lên cầm quyền cuối năm 2012, Tập Cận Bình đã chọn Nga làm điểm công du đầu tiên. Trong vòng 5 năm, đôi bên đã gặp nhau đến 22 lần.
Thế nhưng đối với Le Monde, đó chỉ là vẻ bề ngoài. Bởi vì, trên thực tế, Nga vừa quan tâm nhưng vừa lo về dự án thế kỷ "Một Vành Đai, Một Con Đường" (One Belt One Road-OBOR) của Trung Quốc.
Với tham vọng làm sống lại những con đường giao thương Á-Âu trong lịch sử, trục đường bộ chính của dự án con đường tơ lụa mà ông Tập Cận Bình ấp ủ, nối liền ba tỉnh Trung Quốc với Châu Âu đi qua Kirghizistan, Uzbekistan, Tadjikistan, Turkmenistan, thông qua Iran và đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra Bắc Kinh còn vạch ra nhiều lộ trình khác đi qua Kazakhstan thông qua ngả biển Caspian.
Nga và Trung Quốc còn có tham vọng mở tuyến đường sắt cao tốc dài 7.000 km nối liền Bắc Kinh với Moskva. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn nhắm đến việc mở một "con đường tơ lụa băng giá", nghĩa là khai thác hải trình băng qua Bắc Cực, mà phần lớn nằm dưới quyền kiểm soát của Nga. Với lộ trình này, con đường vận chuyển hàng hóa bằng đường biển từ Trung Quốc đến Châu Âu sẽ rút ngắn đến gần 3.000 km.
Nhưng đó mới chỉ là dự án hợp tác. Le Monde còn thấy rằng mối quan hệ hữu hảo đó vất vả "cất cánh". Trên thực tế, những mục tiêu đầy tham vọng trên phương diện trao đổi thương mại được ấn định là 100 tỷ đô la cho năm 2015 đã không đạt được. Hợp tác kinh tế giữa hai nước phần lớn chỉ dừng lại trong lĩnh vực năng lượng, sau gần 10 năm thương lượng căng thẳng.
Đầu tư Trung Quốc vào Nga đình trệ do "các nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc e dè với các đối tác Nga, vì vắng các thông tin, thiếu cải cách cơ cấu, luật lệ cũng như việc thay đổi liên tục các quy định, giá dầu thô giảm và bối cảnh lệnh trừng phạt", như nhận xét của chuyên gia Alexandre Gabuiev, thuộc trung tâm tư vấn Carnegie tại Moskva với báo Le Monde.
Dự án lớn nhưng không loại trừ rủi ro có căng thẳng. Bởi vì, dự án con đường tơ lụa do Trung Quốc vạch ra đồng thời sẽ làm gia tăng ảnh hưởng của nước này lên những quốc gia mà Nga xem đấy như là "sân sau chiến lược" của mình.
Trong bối cảnh đó, được chuẩn bị từ năm 2010, và được chủ nhân điện Kremlin khai trương một cách rầm rộ vào tháng 5/2014, Liên Minh Kinh Tế Á-Âu, quy tụ Nga, Kazakhstan, Belarus, rồi sau này có thêm Armenia và Kirghizistan đã được tạo dựng như là một không gian kinh tế, giao thương và chính trị rộng lớn. Điều mỉa mai là một phần lớn không gian này đã bị con đường tơ lụa của Trung Quốc vay mượn.
Kim Jong-un làm Nhà Trắng "khốn đốn"
Các báo Pháp vẫn tiếp tục bàn luận về cuộc khẩu chiến Bình Nhưỡng và Donald Trump. Le Figaro trong bài viết đề tựa "Những đe dọa mới của Bắc Triều Tiên", cho rằng những lời lẽ hiếu chiến của Donald Trump đang gây bất ngờ cho các cố vấn Nhà Trắng.
Theo tiết lộ của New York Times, không một ai từ chánh văn phòng John Kelly, bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis, cho đến cố vấn an ninh nội địa H.R. McMaster, kể cả ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, được báo trước một lời nào về những phản ứng của tổng thống Mỹ.
Trước những tràng dọa dẫm giận dữ của Donald Trump, Les Echos cho biết để đáp trả, "Bắc Triều Tiên thông báo sẵn sàng bắn 4 tên lửa về phía đảo Guam từ đây cho đến trung tuần tháng 8". Về phần mình, Le Monde nhận thấy là "Cuộc khẩu chiến giữa Bình Nhưỡng và Washington" đang làm cho Nhà Trắng bị bất ổn.
Không những đe dọa là có kế hoạch chi tiết bắn tên lửa về đảo Guam, chế độ Bình Nhưỡng còn nhạo báng tổng thống Mỹ là một người "mất lý trí", khó có thể đàm phán. Nhật báo cho rằng việc chính quyền Washington cảm thấy bối rối trước Bình Nhưỡng, đó là vì Hoa Kỳ đã không có được một giải pháp đáng thuyết phục nào.
Le Monde trong một bài viết khác có tựa đề "Lo lắng tại Nhật Bản ngay giữa lễ tưởng niệm Hiroshima và Nagasaki", nhận thấy cuộc khẩu chiến giữa Trump và Bình Nhưỡng đã buộc Tokyo đặt đất nước vào mức "báo động cao".
Trên trang mạng an ninh dân sự, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra những chỉ dẫn phải theo trong trường hợp bị tên lửa tấn công. Các bài diễn tập sơ tán đã được thực hiện tại nhiều thành phố. Ngư dân Nhật Bản cũng lo sợ cho việc phóng tên lửa được tiến hành mà không được báo trước.
Afghanistan : bài toán đố cho Donald Trump ?
Không chỉ phải giải câu đố "Kim Jong-un", Donald Trump còn phải đối mặt với một bài toán hóc búa khác : Có nên đưa thêm quân đến Afghanistan hay không ? Theo Le Figaro, "Donald Trump đang rơi vào thế lưỡng nan trước vũng bùn Afghanistan".
Phải chăng Trump cũng đang rơi vào "vết xe mòn" của Obama mà ông từng mạnh mẽ chỉ trích ? Taliban gia tăng áp lực lên chính quyền Kabul khi ra sức tấn công và uy hiếp tinh thần các đồn lính của quân đội cũng như của người dân bằng các vụ khủng bố đẫm máu. Giới quân nhân Mỹ khẳng định không còn giải pháp nào khác là phải tiếp tục hỗ trợ quân đội Afghanistan, nếu không muốn để cho quân nổi dậy chiếm ưu thế.
Đây là điều khiến tổng thống Mỹ do dự. Dường như ông Trump không tin vào những lập luận của Lầu Năm Góc và đã công khai chỉ trích viên tướng chỉ huy, John Nicholson, rất được tôn trọng tại Kabul cũng như tại Washington. Đối với tổng thống Mỹ, tăng quân số sẽ tiêu tốn ngân sách mỗi năm đến 25 tỷ đô la.
Phe chủ trương Mỹ từ bỏ các cam kết quân sự ở nước ngoài, do Steve Bannon dẫn đầu, lại nảy sinh một ý tưởng khác "tư hữu hóa" chiến tranh, nghĩa là giao phó cuộc chiến cho lính đánh thuê, kèm theo với mọi rủi ro chính trị, đạo đức và tác chiến. Một kiểu khoán thầu các nhiệm vụ ở nước ngoài.
Cuộc chiến giữa hai tầm nhìn này gợi nhắc lại những gì đã từng xảy ra với người tiền nhiệm Barack Obama năm 2009, giữa Bộ quốc phòng và Bộ ngoại giao, với những cố vấn chính trị quan ngại cho uy tín của tổng thống và với phó tổng thống Joe Biden, vốn chủ trương can thiệp tối thiểu.
Thế nan giải đó nay được lặp lại với Donald Trump với cùng kiểu câu hỏi : Tại sao phải ở lại ? Tốn kém sẽ là bao nhiêu ? Kết quả là được gì ? Tám năm sau Obama, Trump giờ gần như cũng có cùng kiểu do dự.
Venezuela : Ngõ cụt ?
Đề cập đến tình hình Venezuela, báo La Croix có bài xã luận "Con đường đối thoại chật hẹp", nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có đối thoại giữa những thành phần ôn hòa trong chính phủ và phe đối lập, tránh bạo động leo thang, cho dù giải pháp này có nhiều khó khăn.
Theo tờ báo, hiếm có nước nào, trong những năm gần đây, lại bị tuột dốc một cách chóng mặt như Venezuela. Mặc dù có dự trữ dầu lửa lớn nhất thế giới, đất nước này đang bị kiệt quệ. Hệ thống tái phân phối được lập ra dưới thời cố tổng thống Hugo Chavez đã sụp đổ. Các cửa hàng trống rỗng và lạm phát phi mã ở mức 1.000% / năm. Nếu Venezuela tổ chức bầu cử tổng thống vào lúc này, Nicolas Maduro sẽ bị gạt bỏ ngay tức khắc.
Trong tình thế khủng hoảng trầm trọng như vậy, thay vì nén chịu các chỉ trích hoặc hợp tác với Quốc hội lập pháp mà phe đối lập kiểm soát từ năm 2015, tổng thống Maduro lại chọn giải pháp tránh né và tiếp tục dấn thân vào ngõ cụt. Ông đã cho bầu Quốc hội Lập Hiến để gạt bỏ Quốc hội lập pháp. Ông tấn công vào Nhà nước pháp quyền. Liên Hiệp Quốc tố cáo Caracas sử dụng bạo lực thái quá để trấn áp người biểu tình.
Thế nhưng, chính quyền vẫn tồn tại với sự ủng hộ của quân đội vì giới tướng lãnh được hưởng lợi từ chế độ này. Còn tuyệt đại đa số người dân hiện đang hứng chịu tình trạng bạo lực, nạn tham nhũng, thì chỉ mong mỏi có một điều : ông Maduro ra đi.
Đây cũng là lập trường của Hoa Kỳ. Chính quyền của tổng thống Donald Trump vừa quyết định một loạt các biện pháp cấm vận nhắm vào chính quyền Caracas, vì theo Washington, chế độ của Maduro là độc tài và không thể chấp nhận được. Đa số các nước Châu Mỹ La tinh, Liên Hiệp Châu Âu và cả Vatican cũng không thừa nhận tính chính đáng của Quốc hội Lập Hiến.
Lo ngại bạo lực vũ trang leo thang, các nước này kêu gọi đàm phán giữa những nhân vật được cho là ôn hòa ở cả hai phe, chính phủ và đối lập. Vào tháng 12 tới, Venezuela sẽ có bầu cử cấp địa phương và đây sẽ dịp để người dân nước này lên tiếng. Một bộ phận của phe đối lập sẵn sàng chấp nhận "cuộc chơi" này, bất chấp những rủi ro gian lận. Do vậy, theo La Croix, cần phải ủng hộ giải pháp này trong hoàn cảnh hiện nay của Venezuela.
Trang nhất các báo Pháp
La Croix cảnh báo "Sự chệch hướng đáng lo ngại của Venezuela", chế độ của tổng thống Maduro đang bị cả Hoa Kỳ, tòa thánh Vatican, Liên Hiệp Châu Âu và các nước láng giềng lớn cùng lên tiếng chỉ trích gay gắt. Trong mục "Sự kiện", La Croix cho rằng "nhiều biện pháp trừng phạt được đưa ra để ngăn chặn chế độ chuyên quyền của Caracas", trước một "Venezuela bên bờ hỗn loạn".
Trang nhất của báo Le Monde nhận định "Cuộc khẩu chiến thổi bùng lo ngại một cuộc xung đột nguyên tử" giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên. Washington vẫn chưa tìm ra được biện pháp gây sức ép hiệu quả để thuyết phục Kim Jong-un từ bỏ dự án phát triển hạt nhân.
Thời sự Pháp được Le Figaro và Les Echos đề cập trên trang nhất. Le Figaro trở lại mối bận tâm "bị trộm viếng thăm" của người dân Pháp vào mỗi dịp nghỉ hè với lời cảnh báo "Tại Pháp, cứ hai phút lại có một vụ trộm".
Les Echos thông báo chính sách của chính phủ về khoản tiền khuyến khích người dân bỏ xe hơi cũ gây ô nhiễm. Các gia đình có thu nhập thấp có thể nhận được đến 2.000 euro nếu mua một chiếc xe hơi ít gây ô nhiễm hơn. Sắp tới, xe hơi chạy bằng diesel có thể bị hạn chế ở một số thành phố lớn vào những ngày bị ô nhiễm cao.
Minh Anh