Putin và tham vọng "trị vì" nước Nga hơn 18 năm
Ngày 09/08/2017 là ngày tròn 18 năm Vladimir Putin lên nắm quyền lãnh đạo nước Nga, nhưng không hề có lễ kỷ niệm nào được tổ chức. Theo nhận xét của Le Figaro, đó là vì tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhân vật thân cận còn đang mải mê, bận bịu lật ngược thế cờ trên chính trường quốc tế, tức là thoát khỏi sức ép mà phương Tây gây ra cho chế độ Putin và để có thể kiểm soát được dư luận trong nước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Saint-Petersburg, ngày 30/07/2017. REUTERS/Alexander Zemlianichenko
Trong bài viết có tiêu đề "Putin muốn vượt qua ngưỡng 18 năm trị vì", Le Figaro nhận xét con đường của Putin đã được vạch sẵn vào năm 2012, khi Putin tái đắc cử tổng thống Nga. Đừng hy vọng vào việc Putin sẽ đổi hướng, không ai có thể làm được điều đó, kể cả các cố vấn thân cận của tổng thống Nga hay các nhà phê bình chính trị !
Chuyến thăm nước Cộng hòa Abkhazia của tổng thống Nga hôm thứ Ba 08/08 để kỷ niệm 9 năm chiến thắng của Nga trong cuộc chiến tranh tại Gruzia vào năm 2008 càng cho công chúng thấy rõ đặc điểm của Putin vốn đã được nhiều người biết tới : Putin là người "hợp nhất các vùng đất của Nga". Vladimir Putin cũng là người thể hiện quyền lực với người Mỹ và không ngần ngại "tịch thu, sáp nhập" một phần lãnh thổ của các quốc gia thành viên của Liên Xô như Ukraine, Moldova và Georgia. Có lẽ cũng không phải ngẫu nhiên mà ngày bầu cử tổng thống Nga 2018 lại được rời sang đúng ngày kỷ niệm bốn năm Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.
Ông Putin vẫn chưa chính thức công bố sẽ ra tái tranh cử tổng thống vào năm 2018, nhưng chắc chắn Putin vẫn muốn là chủ nhân điện Kremlin tới năm 2024. Khi đó, Putin mới 72 tuổi, tức là còn kém Stalin 1 tuổi và kém Brejnev 3 tuổi tính theo thời điểm những nhân vật trên qua đời khi đang lãnh đạo đất nước. Theo một chuyên gia, như vậy là rất có thể Putin sẽ lãnh đạo nước Nga tổng cộng 30-35 năm. Càng ngày Putin sẽ càng dày dặn kinh nghiệm, tự tin, mạnh mẽ và sẽ dễ đẩy nhanh sự phát triển của đất nước.
Chuyên gia chính trị Konstantin Kalatchev, thân điện Kremlin, đánh giá ngày bầu tổng thống Nga 18/03/2018 sẽ "ghi danh Putin trong lịch sử". Với những nỗ lực trên trường quốc tế, với việc sáp nhập Crimea, chắc chắn Putin sẽ tái đắc cử và với số phiếu cao tương tự như năm 2012 (63,6% ở vòng 1). Điều này sẽ củng cố quyền lực vốn đã không thể phủ nhận của Putin.
Nhà chính trị học Alexandre Golts coi việc Putin mới đây phô trương cơ bắp, cũng giống như ông đã hai lần thể hiện hồi năm 2007 và 2009, là một dấu hiệu cho thấy Putin "từ chối tìm kiếm sự mới mẻ". Chuyên gia Golts mỉa mai tương lai của nước Nga, chính là có "một Putin bất tử".
Về chính sách đối ngoại, Le Figaro dẫn lời chuyên gia Andrei Kolesnikov thuộc trung tâm Carnegie tại Moskva cho biết sẽ không có chuyện ngược đời : Putin sẽ không trả lại bán đảo Crimea cho Ukraine. Quan hệ với phương Tây vẫn sẽ căng thẳng. Rất có thể sẽ bớt căng thẳng hơn bây giờ, nhưng sẽ không được như trong giai đoạn 2012-2014.
Pháp : Sự phục hồi kinh tế nhấn chìm ngoại thương
Trong lĩnh vực kinh tế Pháp, Le Monde gióng hồi chuông báo động về sự suy yếu của ngoại thương Pháp. Theo Le Monde, điều oái oăm là "sự phục hồi kinh tế của Pháp đã nhấn chìm ngoại thương của nước này". Theo con số thống kê mà Hải quan Pháp công bố hôm 08/08/2017, giá trị nhập khẩu cao hơn giá trị xuất khẩu tới 34,3 tỉ euro, cả về hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ.
Vậy tại sao trong khi tình hình kinh tế của Pháp được cải thiện, tỉ lệ tăng trưởng bắt đầu tăng, thất nghiệp từng bước giảm, các doanh nghiệp làm ăn có lãi hơn, thì thâm hụt thương mại lại nghiêm trọng ở mức 50% ? Đặc biệt trong bối cảnh tại nhiều nước Châu Âu, nhất là Đức, thặng dư thương mại tăng mạnh, thậm chí đạt mức kỷ lục ?
Theo Le Monde, có hai lý do. Một mặt, từ lâu nay, Pháp không chú ý tới xuất khẩu, không có chính sách cạnh tranh quốc tế nên thị phần quốc tế cứ giảm dần từ năm này sang năm khác. Mặt khác, theo chuyên gia kinh tế Pháp Patrick Artus, bộ máy sản xuất công nghiệp của Pháp không đáp ứng được nhu cầu đang càng càng tăng trong nước. Vì không tìm được các sản phẩm "made in France" ưng ý, người tiêu dùng tìm tới các sản phẩm của nước ngoài : điện thoại di động của Hàn Quốc, máy móc thiết bị của Đức, robot của Nhật… Nhập khẩu của Pháp đã tăng 4,4% sau một năm. Riêng doanh thu của các ngành dệt may, da giầy của Pháp đã suy giảm 87% trong vòng 20 năm.
Hậu quả là, mặc dù kết quả các thăm dò ý kiến cho thấy người Pháp luôn chú trọng tới yếu tố "made in France" khi mua sắm, nhưng trên thực tế, chưa bao giờ họ mua nhiều hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài tới vậy. Le Monde kết luận : "Tại Pháp, tiêu dùng gây ra thâm hụt cán cân thương mại. Tại Đức, tiêu dùng kích thích sản xuất và tạo ra công ăn việc làm".
Để thoát khỏi tình trạng trên, theo các chuyên gia kinh tế, cần có nhiều thời gian và một chính sách bền vững chắc, hợp lý và rõ ràng. Và đó cũng chính là một thông điệp dành cho tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tái chế rác thải : Giới công nghiệp Châu Âu bất ngờ trước quyết định của Bắc Kinh
Trong lĩnh vực công nghiệp, ngày 18/07/2017, nhà chức trách Trung Quốc thông báo cấm nhập khẩu 24 loại rác thải từ nay tới cuối năm 2017, trong đó có 8 loại nhựa, các vật liệu dệt may như chất coton, len, giấy và một số loại rác thải công nghiệp khác. Trong thông báo gửi tổ chức Thương Mại Thế Giới, Bắc Kinh giải thích là đã có quá nhiều rác thải gây ô nhiễm và nguy hiểm được nhập vào Trung Quốc.
Trên thực tế, trong số 8 triệu tấn rác nhựa mà Châu Âu thải ra mỗi năm, gần 3 triệu tấn được xuất sang Châu Á, trong đó có 2,6 triệu tấn được xuất sang Trung Quốc. Tổng cộng, Trung Quốc nhập gần 9 triệu tấn rác nhựa công nghiệp mỗi năm.
Trong bài viết "Tái chế rác thải : Các nhà công nghiệp bất ngờ trước quyết định của Bắc Kinh", nhật báo kinh tế Les Echos cho biết nhiều nhà công nghiệp trong lĩnh vực tái chế rác thải đánh giá "trước mắt, đó là quyết định gây xáo trộn, nhưng nếu xét về lâu dài thì sẽ mang lại nhiều cơ hội" và quyết định của Bắc Kinh sẽ buộc các nhà công nghiệp Châu Âu cải cách.
Trứng gà nhiễm độc : Paris phê phán Liên Hiệp Châu Âu chậm trễ
Liên quan tới vụ tai tiếng trứng gà nhiễm độc fipronil ở 7 nước Liên Hiệp Châu Âu, bộ trưởng nông nghiệp Pháp Stéphane Travert mới đây đã chỉ trích sự chậm trễ của hệ thống cảnh báo an toàn thực phẩm RASFF của Châu Âu. Ông cũng thông báo Pháp sẽ kiểm tra tất cả các cơ sở chăn nuôi và cung cấp trứng để đảm bảo là không có nguy cơ nhiễm bệnh từ việc sử dụng các sản phẩm pha trộn.
Le Figaro dẫn lời một quan chức quản lý thực phẩm cho biết hiện tại Pháp có 80 cơ sở chế biến trứng phục vụ ngành công nghiệp thực phẩm chế biến sẵn và các tiệm làm bánh ngọt. Tạm thời, nhà chức trách mới phát hiện ra 5 cơ sở có trứng nhiễm độc fipronil nhưng rất có thể con số này sẽ còn tăng. Liên quan tới các sở chăn nuôi gà lấy trứng, chỉ có một cơ sở ở tỉnh Pas-de-Calais có trứng nhiễm độc nhưng toàn bộ số trứng trên đã bị tiêu hủy. Con số này ở Hà Lan là 180 cơ sở.
Tuy nhiên, tai tiếng trứng gà nhiễm độc ở Châu Âu không làm giảm doanh thu của các nhà phân phối trứng gà tại Pháp. Nhu cầu trứng gà sạch và trứng gà nuôi thả ngoài trời đặc biệt tăng cao. Cơ quan quản lý ngành sản xuất trứng của Pháp đảm bảo cung cấp đủ trứng cho thị trường trong nước vì chính quyền cấm các cơ sở chăn nuôi lấy trứng sử dụng chất fipronil.
Khô hạn : 82 tỉnh của Pháp bị ảnh hưởng
Vẫn tại Pháp nhưng liên quan tới thời tiết, khí hậu, Le Monde cho biết thời tiết khô hạn ở Pháp sẽ còn kéo dài ít nhất là cho tới mùa thu. Ba phần tư lượng nước ở các mạch nước ngầm đang ở mức thấp so với mức trung bình 15 năm qua. Phần lớn các vùng của Pháp đang rơi vào tình trạng "khô cạn nguồn nước". 82 tỉnh bị ảnh hưởng do nguồn nước hạn chế. Con số này vào năm 2016 chỉ là 29. Nguồn nước ở Charente-Maritime bị khô cạn ở mức kỷ lục từ 50 năm nay, nhất là do nông dân trồng quá nhiều ngô.
Trang nhất các báo Pháp
Những đe dọa tấn công lẫn nhau giữa tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un là một đề tài thời sự nóng hổi trên các báo Pháp ngày 10/08/2017.
Báo Libération dành trang nhất để đăng bức ảnh hài hước kiểu "hai trong một" : nhân vật đang tươi cười, có mái tóc, khuôn mặt và trang phục của tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng đôi mắt và nụ cười lại là của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Libération chơi chữ để chú thích cho bức ảnh : "Trump và Kim : hai nguyên tử móc nối tạo nên vật chất". Trên trang nhất, Libération cũng đặt câu hỏi liệu các lời khiêu khích của hai lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên chỉ là để khoa trương hay là những mối đe dọa thực sự.
Nhật báo công giáo La Croix chạy tựa "Triều Tiên, những nguy cơ chồng chất" và nhận định lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường đe dọa chiến tranh toàn diện.
Ngoài chủ đề nguy cơ chiến tranh giữa Washington và Bình Nhưỡng , vụ tấn công vào một nhóm quân nhân Pháp đang đi tuần bảo vệ an ninh trong chiến dịch phòng chống khủng bố thì bị một chiếc xe tông thẳng vào khiến người bị thương ở Levallois-Perret, ngoại ô tây-bắc Paris vào ngày 09/08 cũng là đề tài được báo chí Pháp quan tâm, đưa lên trang nhất và giành nhiều trang bài phân tích.
"Vụ tấn công ở Levallois, binh lính quân đội và cảnh sát là mục tiêu chính của Hồi giáo cực đoan" là tựa trang nhất của nhật báo Le Figaro. Vụ tấn công xảy ra chỉ cách trụ sở của tổng cục An Ninh Nội Địa Pháp DGSI vài trăm mét. Le Figaro nhận định một lần nữa các biểu tượng của nước Pháp lại bị tấn công trực diện. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết sẽ sớm xem xét lại chiến dịch phòng chống khủng bố Sentinelle vốn đang bị nhiều chuyên gia và quan chức chính trị chỉ trích.
Le Monde dành sự quan tâm đến du lịch Pháp qua hàng tựa "Du lịch Pháp hồi phục nhờ sự quay trở lại của khách du lịch nước ngoài". Du khách Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản lại tới Pháp du lịch nhiều. Số khách du lịch đã tăng 10,2% trong quý II năm 2017. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe hôm 26/07 khẳng định du lịch là "kho báu của quốc gia" và hy vọng Pháp đón được 100 triệu du khách quốc tế từ nay tới năm 2020.
Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa trang nhất : "Gã khổng lồ Disney tuyên chuyến với Netflix". Hãng phim Mỹ Disney sẽ rút phần lớn phim của hãng ra khỏi dịch vụ video trực tuyến của Netflix. Disney muốn giành lại quyền kiểm soát phân phối phim với dịch vụ riêng của mình.
Thùy Dương