Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/08/2017

Điểm tin báo chí Pháp - La Fontaine : Chuyện chính trị, chuyện đời

RFI tiếng Việt

La Fontaine : Chuyện chính trị, chuyện đời, đằng sau lời thú vật

"Những giấc mơ điên rồ" của các tỉ phú phiêu lưu, "những bóng ma" của Cách Mạng Pháp, hay ngụ ngôn La Fontaine : Đạo đức và chính trị là một số tựa trang nhất của các tuần báo Pháp trung tuần tháng 8/2017. L’Obs tuần này dành ba bài cho nhà sáng tác ngụ ngôn La Fontaine. Trước hết xin giới thiệu với quý vị bài "Nhà viết truyện ngụ ngôn bất tử", phỏng vấn tác giả một cuốn sách mới về nhà văn Pháp, vốn không xa lạ với độc giả Việt Nam.

lafontaine1

Trang bìa L'OBS : La Fontaine : đạo lý và chính trịẢnh chụp màn hình

L’Obs giới thiệu tiểu luận về La Fontaine vừa ra mắt của viện sĩ Hàn lâm Erik Orsenna (1), mang tên "La Fontaine : une école buissonnière" (tạm dịch : La Fontaine : Trường học cuộc đời).

Với nhiều bạn đọc Việt Nam, ngụ ngôn thâm thúy của La Fontaine gắn liền với các bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh từ đầu thế kỷ trước như "Ve sầu và kiến", "Chó sói và chùm nho", "Hội đồng chuột" hay "Nhái muốn to bằng bò"…

Theo nhà văn Erik Orsanna, các câu chuyện ngụ ngôn của nhà văn thế kỷ 17 tiếp tục khiến ta "sửng sốt", bởi chúng còn hết sức thời sự. Tác giả tâm sự : trong các câu chuyện ngụ ngôn của mình, La Fontaine nói lên những gì ông suy ngẫm về cuộc đời, về chính trị. Hơn 60 con vật trong các chuyện ngụ ngôn đã trở thành những "tấm gương", bạn đồng hành với ông, nói thay cho ông.

Tận đáy lòng người…

"Về nhiều khía cạnh, triều đình của ông Vua Mặt Trời (Louis XVI)", như đã được La Fontaine phác họa, rất giống với "các tập quán sinh hoạt chính trị" đương đại. Các câu chuyện ngụ ngôn cho phép ông thoát khỏi hệ thống kiểm duyệt đã "rất tinh vi" thời đó. Cần nhấn mạnh là, La Fontaine sống vào cái thời của Vua Mặt Trời, người vốn coi các nghệ sĩ chỉ là "những nhân công", những kẻ phục vụ ngai vàng. Trong khi đó, nhà viết truyện ngụ ngôn lại ái mộ Nicolas Fouquet – người đứng đầu ngân khố triều đình – vốn coi các nghệ sĩ như "bạn hữu". Quan hệ giữa La Fontaine và ông Vua Mặt Trời rất khó khăn, bởi với Louis XVI, Nicolas Fouquet là địch thủ, còn La Fontaine vẫn tiếp tục trung thành và sẵn sàng bảo vệ ông, ngay cả khi viên đại thần bị vua kết án tù chung thân.

Theo tác giả cuốn "La Fontaine : Trường học cuộc đời", ngụ ngôn của La Fontaine rất hiện đại, "bởi lòng người không đổi thay, giống như âm nhạc… Chuỗi đời biến động trên nền những giai điệu vĩnh cửu, của cái chết, tình yêu, sự tham tàn, lòng ham muốn… Những thất tình, lục dục. Với mỗi thời có thể có thêm những biến tấu mới, nhưng lòng người, xét tận đáy, vẫn là động vật. Có những điều rất giản dị, như ta có cảm thấy lạnh hay không ? ta sẽ phải chết hay không ? ta là kẻ mạnh hay không ? ta lớn hay nhỏ ?...".

Chuột chũi, sư tử…

Áp dụng cách nhìn ngụ ngôn của La Fontaine, nhà văn thấy trong sự sụp đổ của ứng cử viên tổng thống Fillon, hồi đầu năm 2017 này, hình ảnh của một "con ếch nổ tung". Erik Orsanna thấy trong "vụ Fillon" cả một kho tiếu lâm, nào là quà tặng áo quần, nào việc làm cho trẻ, việc làm ảo… và nhất là câu chuyện về chú chuột chũi đột ngột tiến thẳng ra quảng trường, để rồi bí mật bị bung ra, bởi con đường thăng tiến của chàng phơi bày trước con mắt bàn dân thiên hạ.

Đối với Erik Orsanna, tổng thống không gì khác "sư tử", "vua của các loài thú" và "cái lý của kẻ mạnh nhất vẫn là cái có lý nhất", và nếu tổng thống không còn là sư tử, thì ông ta "cũng rất nhanh chóng không còn là chúa sơn lâm". Đó là trường hợp François Hollande. Ngược lại, câu chuyện mà Erik Orsanna muốn soạn để gửi riêng đến đương kim tổng thống Macron là "Nhà vua bị cầm tù trong hoàng cung, bị bao vây bởi những nịnh thần" (2).

Erik Orsanna cũng nghĩ đến câu chuyện về một chúa sơn lâm, một ngày nào đó phát hiện ra "không phải thần dân nào cũng có bờm, không phải thần dân nào cũng là sư tử con, không phải ai cũng muốn trở thành sư tử". Tác giả nhớ lại chuyện từng được tổng thống Sarkozy đề nghị làm bộ trưởng Văn Hóa năm nào. Khi từ chối, ông nhận được câu hỏi đầy ngạc nhiên : "Nếu không làm bộ trưởng, liệu bác sẽ thành gì trên đời này ?".

Nguồn cảm hứng bất tận

Cũng trong số báo về La Fontaine, L’Obs giới thiệu quan điểm của diễn viên hài Pháp Fabrice Luchini, người trình diễn các tác phẩm La Fontaine từ hơn 40 năm nay. Ông Fabrice Luchini không hề quan tâm đến khía cạnh đạo lý của ngụ ngôn La Fontaine, cũng như cuộc đời của tác giả. Cái vĩ đại duy nhất đáng chú ý ở La Fontaine là nghệ thuật ngôn từ, vừa mộc mạc, vừa tinh tế, công phu.

Đối với ông, tác giả các câu chuyện ngụ ngôn thế kỷ 17 ấy chính là "nhà văn vĩ đại nhất của nước Pháp", là "thiên tài Pháp ở trạng thái tinh ròng". Tuy nhiên, theo ông, La Fontaine không còn dễ hiểu với xã hội đương đại. Các câu chuyện đa tầng, phức tạp của ông cần được "diễn giải lại toàn bộ", kể cả đối với người lớn. Đây hoàn toàn không phải truyện kể cho nhi đồng.

Trong khi đó, nhà văn Fabrice Pliskin nhìn thấy trong kho tàng ngụ ngôn La Fontaine nguồn cảm hứng bất tận, mà bất kể ai cũng có thể sử dụng, từ những người theo tư tưởng cánh tả, cấp tiến, cách mạng, hay phản cách mạng. Bài "Nếu La Fontaine trở lại…" nói đến một La Fontaine lên án thẳng thừng "sự điên rồ" của con người, những kẻ khai thác thiên nhiên một cách tàn bạo trong câu chuyện "Triết nhân xứ Scythie" (Philosophe scythe). Hay ngụ ngôn "Người và rắn" (L’Homme et la Couleuvre), lên án người mới là kẻ vô ơn chứ không phải rắn….

Hippolyte Taine, nhà sử học (thế kỷ 19) chống cách mạng, giễu cợt nhân vật chuột trong chuyện "Chuột và Voi", là "nhà triết học chĩnh gạo". "Đệ tử ra đời trước" thầy Jean-Jacques Rousseau (được coi là một trong những nhà tư tưởng của Cách mạng Pháp) "đang thai nghén một chuyên luận về quyền của loài chuột, và sự bình đẳng trong thế giới động vật".

Người hát bằng nhiều thứ giọng

Nhà văn Fabrice Pliskin lưu ý là La Fontaine "hát bằng mọi thứ giọng". Ông vừa biết cách "mơn trớn tinh thần chống trí thức" của các tiểu thương, nhưng cũng lại "có cái để quyến rũ" các đại trí thức. Nhiều nhà xã hội dân chủ đương đại có thể hài lòng với những ngụ ngôn như "Ếch nhái đòi có vua". "Ếch nhái chán chính quyền dân chủ" kêu Trời, được ban cho "Một ông vua hoà bình hết ý", thực tế là một "khúc củi khô". Thất vọng vì sự bất động của vua, đòi tiếp "một đức ngài động đậy", thì được Trời cử sếu xuống, "Sếu nhai sếu giết búa xua đêm ngày". Ếch nhái lại van xin, lần này Trời giải thích :

"Lẽ ra cứ giữ nguyên chính phủ

Việc trước tiên các chú phải làm

Vua củi nhu nhược hiền lành

Mà không ai chịu thì đành vậy thôi

Vua sếu cứ thế được rồi

Hơn gặp vua khác còn tồi tệ hơn" (3).

Giễu cợt chua cay sự ngu muội của người dân, La Fontaine đả kích giới thống trị, chỉ là "lũ kỳ nhông thay nhan biến sắc" ("Đám tang sư tử cái") (4).

"Những giấc mơ điên rồ" của các "nabab" : Mừng hay lo ?

"Những giấc mơ điên rồ" của các "nabab" - hay các tỉ phú phiêu lưu - là hồ sơ chính của L'Express. Hàng loạt mục tiêu đầy tham vọng được đặt ra : như đưa người lên sống trên sao Hỏa, một thế giới không bệnh tật, trường sinh bất tử, hay "sinh vật cơ khí hóa" (cyborg).

L’Express so sánh dự án của các tỉ phú hiện nay với kế hoạch của các cường quốc trước đây. Kế hoạch chinh phục Mặt trăng của tổng thống Kennedy năm 1961, với dự án du lịch sao Hỏa của tỉ phú Mỹ Elon Musk dự kiến trước 2022. Trong lĩnh vực y tế, quỹ của vợ chồng tỉ phú Bill Gates chi ra mỗi năm khoảng 2,5 tỉ đô la, tương đương gần một nửa ngân sách của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (do các nước đóng góp)… Jeff Bezos, người giàu thứ hai thế giới, sáng lập hãng Amazon, tung lên mạng đề nghị đóng góp sáng kiến cho các dự án từ thiện. Chỉ trong hai tuần, đã có khoảng 45.000 hồi đáp. Một trong các đề nghị được gửi đến Jeff Bezos, đó là "Pay your tax…" (Hãy nộp thuế).

Trong lúc các quốc gia chìm ngập trong gánh nặng nợ nần, các đại tỉ phú liên tiếp tung ra các dự án vĩ đại đến mức khó tin.

L’Express đặt câu hỏi : việc các tỉ phú đứng ra gánh vác những dự án khổng lồ, vốn thuộc các lĩnh vực do Nhà nước đảm trách, nên mừng hay lo ?

Theo L'Express, "những giấc mơ điên rồ" của các nabab hiện nay không phải là một hiện tượng mới. Nhân loại thế kỷ 20 từng chứng kiến các dự án văn hóa, xã hội tư nhân lớn, như của gia đình tỉ phú Rockefeller hay Andrew Carnegie, có điều khác biệt là tính chất siêu thường của nhiều dự án hiện nay, có thể ví với tham vọng "chỉnh lại trục quay của Trái đất" của các nhân vật trong cuốn "Sans dessus dessous" của Jules Vernes (tạm dịch là "Phi vụ mua Bắc Cực").

Trong kỷ nguyên bùng nổ công nghệ, đối với các tỉ phú phiêu lưu, "bộ máy Nhà nước đồng nghĩa với sức ỳ, luật pháp chỉ là những chiếc phanh, kìm hãm tiến bộ". Quảng bá về các dự án điên rồ nhiều khi chỉ là những phương tiện tuyên truyền cho sự ưu việt của mô hình thung lũng Silicon, nơi "không thành công nào là không thể".

Xu thế này đã trở thành đề tài cho điện ảnh. Bộ phim Mỹ The Circle/Vòng Xoay Ảo, công chiếu giữa tháng 7, nói về một tập đoàn đa quốc gia, trở nên hùng mạnh hơn các quốc gia. Lời hứa hẹn của công ti là chữa khỏi mọi bệnh tật, làm biến mất hoàn toàn nạn đói. Theo L’Express, những tham vọng lớn được thể hiện trong bộ phim viễn tưởng của Hollywood hiện tại "có thể đã bị chính thực tế vượt qua".

Cũng về chủ đề này, L’Express có bài phỏng vấn kinh tế gia Daniel Cohen. Theo kinh tế gia Pháp, những tham vọng được coi là "điên rồ" của nhiều tỉ phú là do sự thúc đẩy của một niềm tin vào tính cách "siêu nhân" của con người trong tương lai, là tổng hợp sức mạnh của cơ thể sinh học và của kỹ thuật số. Kinh tế gia Daniel Cohen nhấn mạnh là, việc tư nhân đóng góp cho một lĩnh vực cụ thể hiển nhiên là rất tốt, thế nhưng một Nhà nước không thể thoái thác trách nhiệm.

"Nhiệm vụ của Nhà nước là bảo đảm sức khỏe và giáo dục cho tất cả", và không được vì một mục tiêu, cụ thể như vì chăm sóc một loại bệnh này, mà bỏ rơi việc chăm sóc các loại bệnh khác. "Sẽ sai lầm khi cho rằng các tỉ phú mới sẽ làm thay việc của Nhà nước".

"Những bóng ma" của Cách mạng Pháp

Le Point dành gần trọn số báo tuần này cho "những bóng ma của Cách Mạng Pháp". Theo tờ báo, cuộc đảo lộn hai thế kỷ trước vẫn "tiếp tục giằng xé chúng ta", tiếp tục "chi phối nền chính trị" Pháp đương đại.

Le Point trở lại với những trang sử đen tối của cuộc Đại Cách Mạng, khi hàng chục ngàn người bị giết hại, do trả thù (trong tổng số khoảng 35 nghìn đến 40 nghìn nạn nhân của giai đoạn "Khủng bố" [La Terreur]). Nhà cách mạng Danton và các đồng chí bị Robespierre đưa lên đoạn đầu đài.

Cùng với nhà luật học Jaques Villemain, Le Point lật lại hồ sơ "vụ thảm sát Vendée", trong thời kỳ nội chiến những năm Cách Mạng (1793-1794), với khoảng 160.000 nạn nhân. Cũng về chủ đề này, Le Point có bài phân tích "Vì sao phe ôn hòa (trong Cách mạng) đã thất bại ?". Một điển hình tiêu biểu cho sự thất bại là việc nhà tư tưởng Condorcet bị chính quyền Cách Mạng tử hình. Theo Le Point, phái ôn hòa Girondin đã thất bại trong chủ trương "từ từ cắt đứt với Chế Độ Cũ".

"Cuộc cách mạng của im lặng"

Mùa hè là thời gian để toàn tâm toàn ý cho những cuốn sách yêu thích, mà nhiều lý do khiến chúng ta trì hoãn. Trên mục quan điểm của L’Express, nhà văn Jacques Attali mời độc giả đến với nhà triết học Ấn Độ Krishnamurti, tác giả cuốn "Cuộc cách mạng của im lặng" (1971) (5).

Jacques Attali tâm sự, ông "đã tìm thấy ở đó hàng nghìn ý tưởng sâu xa, các ghi nhận đầy chất thơ, sự tôn vinh tự do triệt để, thoát khỏi mọi ảnh hưởng". Điều mà nhà trí thức Pháp đặc biệt trân trọng là chiêm nghiệm của Krisnhamurti về "bản chất thực sự của thiền định", với những kỹ thuật được đánh giá là "mang tính cách mạng" của thiền, "cần được giảng dạy cho trẻ em, tại trường học, để giữ được khoảng cách với những ham muốn phù phiếm của thế gian". Trân trọng Krisnhamurti, nhưng Attali cũng tranh luận với tác giả, phản đối quan điểm coi khoa học là "tha hóa".

Đối với nhà trí thức Pháp, cùng với nghệ thuật và sự đồng cảm, khoa học cho phép "ý thức được vẻ đẹp và sức mạnh của tinh thần". Theo ông, đòi hỏi mãnh liệt nhất của đạo lý, đòi hỏi bùng nổ nhất, "nằm trong cuộc đối thoại giữa sự tỉnh giác và trí tuệ". Điều có thể giúp thế hệ trẻ tự đảm đương con đường của mình, thay vì "nhìn thế giới qua cặp mắt của các thế hệ đi trước".

Về phần mình, mục đọc sách của L’Obs tuần này có bài giới thiệu cuốn sách mới ra mắt "Je fantasme" (tạm dịch là : Tôi tưởng tượng), nói về nhà tư tưởng Ả Rập, theo Hồi giáo, sinh quán tại xứ Andalusia (Tây Ban Nha). Giới chuyên gia ngày càng thừa nhận cuộc cách mạng tư tưởng Averroès, người khơi nguồn các thành tựu thời Hy Lạp cổ. Trước Descartes nhiều thế kỷ, Averroès đã đặt nền móng cho khả năng độc lập tư duy của mỗi cá nhân, với cánh cửa đột phá : Tôi tưởng tượng có nghĩa là tôi tồn tại.

Trọng Thành

(1) Trong phần nhận xét cuối bài, L’Obs ví : "nếu Erik Orsenna là một con vật trong ngụ ngôn, thì ông hẳn sẽ là một con bướm mải mê tìm mật ngọt, hân hoan giao tiếp với những gì tinh túy nhất trong cuộc đời những nhân vật mà ông kể lại". Sau truyện kể về Louis Pasteur, ông đã mang lại da thịt cho cuộc đời của một tác giả, vốn rất nổi tiếng, nhưng trên thực tế ít được biết đến.

La Fontaine của Erik Orsenna không hề có dáng dấp của nhà giảng đạo, mô phạm, như một số người nghĩ. Cũng có thể gọi văn hào là một người "ham vui" ("quetard"). Thoải mái trong hôn nhân, bị vợ "cắm sừng", nhưng không coi là gì. Sẵn sàng đọ súng với "tình địch", để rồi rủ nhau cạn chén, bởi ông rất ghét chiến tranh. Đối với ông, giá trị trong đời là tình bạn và tự do.

(2) Tác giả cuốn "La Fontaine : Trường học cuộc đời" vốn rất gần gũi với giới nắm quyền, hay "triều đình", gọi theo lối xưa. Erik Orsenna từng chấp bút cho cố tổng thống François Mitterrand trong những năm 80, người ủng hộ và là bạn của đương kim tổng thống Emmanuel Macron, ngay từ lúc khởi sự phong trào Tiến Bước.

(3) Theo bản dịch Lê Trọng Bổng.

(4) "Tôi (tức tác giả - người viết) giải nghĩa đại trào là chốn/Kẻ vui buồn săn đón thờ ơ/Lựa theo ý thích nhà vua/Không thì cũng cố đóng trò cho ngoan/Lũ kỳ nhông thay nhan biến sắc/Loại bú dù bắt chước chủ nhân/Một linh hồn khiến nghìn thân/Ở đây rõ một nhân quần lò xo" (bản dịch Tú Mỡ).

(5) Bản dịch tiếng Pháp của "The only revolution".

Quay lại trang chủ
Read 756 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)