Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

07/08/2017

Thế giới bất lực trước sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông ?

Tổng hợp

Mỹ, Nhật, Úc lên tiếng chống Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông (RFI, 07/08/2017)

Trái với ngôn từ thận trọng của ASEAN, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc vào hôm 07/08/2017, đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông trong một thông điệp nhắm vào Trung Quốc. Thông cáo chung của ba nước đã phụ họa thêm cho lời kêu gọi của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á trong bản Thông Cáo Chung ASEAN công bố khuya hôm qua, yêu cầu các bên tranh chấp ở Biển Đông "tự kềm chế và không quân sự hóa" vùng biển này.

bdtq1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và ngoại trưởng Nhật Taro Kono (giữa) và tổng thứ ký ASEAN Lê Lương Minh tại diễn đàn ASEAN, Manila, Philippines ngày 7/8/2017. REUTERS/Mohd Rasfan/Pool

Sau cuộc họp bên lề các hội nghị của ASEAN tại Manila, ba ngoại trưởng Mỹ, Nhật và Úc đã không ngần ngại tố cáo các hành vi "bồi đắp đảo, xây dựng tiền đồn, quân sự hóa các thực thể đang bị tranh chấp" tại Biển Đông.

Ba nước cũng cho rằng mọi quy tắc ứng xử trên Biển Đông phải "mang tính chất ràng buộc về mặt pháp lý, có thực chất và hiệu quả".

Các ngoại trưởng Mỹ, Úc và Nhật còn kêu gọi Trung Quốc và Philippines tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye vào năm ngoái 2016 phủ nhận đại bộ phận các yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Theo hãng tin Pháp AFP, lời lẽ trong bản thông cáo chung Mỹ-Nhật-Úc cứng rắn hơn nhiều so với bản Thông Cáo Chung của Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN được công bố khuya hôm qua. Văn bản của ASEAN đã không dám chỉ trích Trung Quốc, không nói gì về sự cần thiết của một bộ quy tắc ứng xử mang tính chất ràng buộc về pháp lý, cũng như hầu như hoàn toàn im lặng về phán quyết của tòa La Haye về Biển Đông.

Tuy nhiên, bản Thông Cáo Chung của các ngoại trưởng ASEAN cũng được một số nhà quan sát đánh giá là cứng rắn hơn với Trung Quốc so với dự thảo đầu tiên mà Philippines nước chủ nhà đưa ra. Ngôn từ cứng rắn hơn là do Việt Nam kiên quyết muốn đưa vào văn kiện chung của toàn khối một số câu chữ gợi đến hành vi bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh không hề muốn.

Tranh cãi đặc biệt gay gắt giữa Việt Nam và Cam Bốt, mà nhiều nguồn tin cho là kiên quyết bảo vệ lập trường Trung Quốc, đã ngăn chặn việc đúc kết bản Thông Cáo Chung ASEAN, và phải mất thêm 24 tiếng đồng hồ thì các nước mới tìm được đồng thuận.

Theo hãng tin Mỹ AP, Thông Cáo Chung Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN AMM-50 đã gián tiếp chỉ trích các hành động đắp đảo, xây đồn của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như gợi lên một cách mơ hồ phán quyết quốc tế về Biển Đông. Cả hai điểm này đều thiếu vắng trong dự thảo ban đầu của bản thông cáo chung.

Một cách cụ thể, phần nói về Biển Đông đã "ghi nhận những lo ngại của một số bộ trưởng ASEAN về vấn đề bồi đắp đảo và những hoạt động trong khu vực có thể làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực".

Bản thông cáo cũng "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và tự kềm chế"không có các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình.

Văn kiện này có lời lẽ mạnh mẽ hơn so với bản thông cáo chung Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN hồi tháng Tư, bị cho là đã xóa bỏ toàn bộ những yếu tố có thể làm Trung Quốc phật ý.

Trọng Nghĩa

***************

Trung Quốc 'bực bội vì hành động của Việt Nam ở ASEAN' (BBC, 07/08/2017)

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào phút chót đã hủy một cuộc họp với Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh cuối ngày thứ Hai 7/8 tại kỳ họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Manila.

bdtq2

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc họp ở Manila ngày 6/8

Cả Bloomberg và báo South China Morning Post đưa tin này.

Ông Vương Nghị lẽ ra sẽ gặp ông Phạm Bình Minh bên lề cuộc họp ngoại trưởng ASEAN, nhưng một nhà ngoại giao Trung Quốc nói cuộc gặp không diễn ra, theo báo South China Morning Post.

Trung Quốc được cho là phật lòng vì từ ngữ trong bản thông cáo chung của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN. Thông cáo này bày tỏ quan ngại về bồi đắp lấn biển trên những hòn đảo có tranh chấp về chủ quyền, Bloomberg trích lời một số nguồn.

bdtq3

Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh ở Manila ngày 6/8

Trung Quốc cho rằng Việt Nam là nước đã vận động đưa từ ngữ này vào bản thông cáo.

Bản thông cáo nói một số ngoại trưởng trong nhóm ASEAN bày tỏ quan ngại về "bồi đắp lấn biển" và "các hoạt động ở khu vực, làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng, và có thể đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực".

Theo Bloomberg, một người phát ngôn trong phái đoàn Trung Quốc nói cuộc họp riêng giữa hai ngoại trưởng Việt Nam và Trung Quốc không phải là cơ hội duy nhất cho hai bên thảo luận.

Cả hai ngoại trưởng đều tham gia vào các cuộc gặp đa phương khác tại Manila, trong đó có cuộc họp giữa Trung Quốc và 10 ngoại trưởng ASEAN, vẫn theo Bloomberg.

Xu Liping, nhà nghiên cứu từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói Bắc Kinh phật lòng vì thái độ của Việt Nam.

"Việc hủy gặp có thể xem là cảnh báo cho Việt Nam", người này nói.

Tân Hoa Xã của Trung Quốc đăng bài nói nỗ lực của Việt Nam để có ngôn ngữ mạnh mẽ hơn của ASEAN là "đầu độc" tình hình trên Biển Đông.

********************

Biển Đông : ASEAN không ra được thông cáo chung cứng rắn với Bắc Kinh (RFI, 06/08/2017)

bdtq4

Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano chào đón bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 50 Manila, Philippines, ngày 05/08/2017.Reuters

Cam Bốt quyết liệt bảo vệ lập trường của Trung Quốc tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN. Cho đến trưa chủ nhật 06/08/2017, các nước Đông Nam Á họp tại Manila vẫn không tìm được một thái độ chung trước chính sách bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các nguồn tin ngoại giao xác nhận với AFP là 10 ngoại trưởng ASEAN không thể công bố một bản thông báo chung như dự kiến sau cuộc họp ngày thứ Bảy 05/08/2017. Cuộc đàm phán vào sáng Chủ nhật cũng không đả thông được tình trạng bế tắc và chia rẽ nội bộ.

Trong khi Bắc Kinh tranh đoạt hơn 80% diện tích Biển Đông lấn sâu đến tận duyên hải của bốn nước Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, thì một lần nữa thành viên ASEAN Cam Bốt bênh vực Trung Quốc, cản trở các nước nạn nhân lên tiếng phản đối.

Theo các nguồn tin này, bản thân Việt Nam "không dám kích động", nước chủ nhà Philippines cố tìm "thỏa hiệp", còn Cam Bốt của thủ tướng Hun Sen thì tận lực "đạp thắng chân lẫn kéo thắng tay".

Cũng theo AFP, quan chức cao cấp của các phái đoàn ASEAN tiếp tục thảo luận về hồ sơ Biển Đông vào trưa hôm nay (06/08) trong khi các ngoại trưởng tham gia một loạt cuộc tiếp xúc với các đồng cấp Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương.

Tiếp theo sẽ là Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN (ARF) với sự tham dự của nhiều nước trong đó đặc biệt có Mỹ, Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên. Nhiều vấn đề quốc tế và khu vực như căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, tình hình Biển Đông và cuộc chiến chống khủng bố sẽ được đưa ra bàn luận.

Còn theo Reuters, trong cuộc họp báo, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố tình hình "biển Nam Hải có tiến triển" và 10 nước ASEAN cùng Trung Quốc sẽ bắt đầu tiến trình "thương lượng một bản quy tắc giao thông hàng hải ngay

Tú Anh

********************

ASEAN không có thông cáo chung 'do Việt Nam' (BBC, 05/08/2017)

Ngoại trưởng các nước ASEAN không đưa ra được thông cáo chung thường lệ cuối ngày làm việc thứ Bảy 5/8 vì không đạt được sự đồng thuận về ngôn từ liên quan các tranh chấp ở Biển Đông, hãng tin Anh Reuters cho hay.

bdtq5

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh (áo xanh) đã nỗ lực vận động các nước ASEAN thay đổi lập trường về Biển Đông và Trung Quốc

Các nhà ngoại giao từ ba nước ASEAN nói sự chậm trễ là do Việt Nam muốn thông cáo đề cập việc cần tránh các hoạt động 'bồi đắp lấn biển' và 'quân sự hóa'.

Nhiều năm nay, Biển Đông luôn là vấn đề gai góc nhất cho các nước ASEAN. Các nước có quan điểm khác nhau về cách lên tiếng về sự khẳng định chủ quyền, các tòa nhà và quân sự hóa các đảo nhân tạo của Trung Quốc trong các vùng biển có tranh chấp.

Người phát ngôn bộ ngoại giao Phillipines Robespierre Bolivar không nói rõ lý do vì sao thông cáo chung bị chậm trễ. Ông chỉ nói thông cáo sẽ được phát khi các cuộc hội đàm đã kết thúc trong vài ngày tới.

"Thông cáo chung sẽ được đưa ra cùng tất cả các tuyên bố của ngài chủ tịch vào cuối tất cả các cuộc hội đàm", ông nói.

bdtq6

Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano và Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi thảo luận nội dung tài liệu dự thảo tại Kỳ họp thường niên các ngoại trưởng ASEAN tại Manila hôm 5/8/2017

Khó khăn của ASEAN trong việc nhất trí ngôn từ cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở thời điểm các nước trong khu vực chưa rõ liệu Mỹ có ưu tiên quan hệ với ASEAN, và nỗ lực kiểm soát những hoạt động hàng hải gây tranh cãi của Bắc Kinh.

Bản dự thảo thông cáo mà các nước thảo luận hôm thứ Năm 3/8 không có dẫn chiếu đến cả hai điều trên.

Trung Quốc hết sức nhạy cảm về chuyện các nước ASEAN nói tới việc nước này tăng cường khả năng quân sự ở các đảo ngoài Biển Đông. Một số nước thành viên ASEAN lo ngại phải chịu hệ lụy nếu họ làm phật lòng Trung Quốc.

"Chỉ còn Việt Nam là còn chưa đồng ý. Có thể, vào ngày mai, mọi chuyện sẽ được dàn xếp ổn thỏa", một nhà ngoại giao tham gia vào quá trình viết dự thảo thông cáo cho Reuters biết.

Trước khi kỳ họp chính thức bắt đầu, Việt Nam đã nỗ lực kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á có một lập trường mạnh mẽ hơn về 'sự bành trướng' của Trung Quốc ở Biển Đông.

Việt Nam vào tối 4/8 đã cố gắng vận động để bổ sung ngôn ngữ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong thông cáo chung của ASEAN, dự kiến sẽ đưa ra sau khi các ngoại trưởng Đông Nam Á kết thúc phiên hội đàm ngày 5/8.

Theo một bản dự thảo của AFP có được, Việt Nam vận động ASEAN thể hiện sự quan ngại sâu sắc về "việc xây dựng" trên biển, ám chỉ các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp trong những năm gần đây.

bdtq7

Bản đồ Biển Đông với hình Đường Chín Đoạn do Trung Quốc nêu ra để đòi chủ quyền toàn bộ vùng này

Việt Nam cũng muốn ASEAN nhấn mạnh trong tuyên bố rằng Bộ Quy tắc Ứng xử với Trung Quốc sẽ là "ràng buộc pháp lý".

Nhưng các nhà phân tích an ninh chỉ ra rằng khuôn khổ Bộ quy tắc Ứng xử chỉ đi vào thực hành 15 năm sau cuộc hội đàm và Trung Quốc sẽ sử dụng thời gian đó để củng cố tuyên bố chủ quyền với các hòn đảo nhân tạo.

Cuộc vận động diễn ra khi các bộ trưởng ngoại giao ASEAN có các cuộc hội đàm không chính thức vào khuya đêm thứ Sáu, 4/8.

Nhiều nhà ngoại giao nói rằng Việt Nam chắc chắn sẽ thất bại trong việc sử dụng ngôn ngữ cứng rắn phản đối Trung Quốc. Với việc đăng cai tổ chức diễn đàn, Philippines có tầm ảnh hưởng lớn.

Điều này cho thấy căng thẳng ngoại giao sẽ sôi sục tại thủ đô Philipines, với các nhà ngoại giao hàng đầu từ Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga và Bắc Hàn và các đối tác Châu Á - Thái Bình Dương khác cũng tham gia vào các cuộc hội đàm về an ninh hôm 6/8.

Quan ngại về đe dọa tới an ninh vùng được cho là sẽ làm lu mờ tranh chấp tại Biển Đông

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển quan trọng về chiến lược, bao gồm vùng biển sát bờ biển Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Trung Quốc trong những năm gần đây đã mở rộng sự hiện diện của mình trên biển bằng cách xây dựng các hòn đảo nhân tạo có khả năng giữ các căn cứ quân sự.

Cùng với Việt Nam, Philippines từng là nhà phê phán mạnh mẽ nhất về sự bành trướng của Bắc Kinh.

Nhưng dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, Manila đã tìm cách làm dịu tranh chấp với Trung Quốc để đổi lấy hàng tỷ đôla đầu tư và viện trợ.

bdtq8

Cơ sở của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập, theo ảnh chụp từ vệ tinh hôm 3/2017, cho thấy Bắc Kinh sẽ có khả năng triển khai máy bay chiến đấu và các thiết bị quân sự khác từ đảo nhân tạo này

Trung Quốc trong những năm gần đây cũng đã vận động thành công các quốc gia ASEAN khác, đặc biệt là Campuchia và Lào, để hỗ trợ vận động ngoại giao trong tranh chấp.

ASEAN được tổ chức vào cuối tuần này xác nhận khuôn khổ cho một bộ quy tắc ứng xử cho hành động cụ thể hơn với Trung Quốc.

Quay lại trang chủ
Read 733 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)