Nguyên thủ Pháp nhân danh Châu Âu, đến Hoa Kỳ tìm cách giải quyết khủng hoảng
Le Figaro và Le Monde đưa tựa lớn vế chuyến thăm của tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Hoa Kỳ, kể từ hôm nay đến ngày 02/12/2022.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Elmau, Đức, bên lề hội nghị thượng đỉnh G7, ngày 26/06/2022. AP - Susan Walsh
Theo nhật báo thiên hữu Le Figaro, Macron là nguyên thủ Pháp đầu tiên muốn dùng một mũi tên để bắn trúng hai đích ở Hoa Kỳ. Chuyến thăm của nguyên thủ Pháp đề cập đến các tác động từ chiến tranh Ukraine đối với Châu Âu và Hoa Kỳ cũng như quan hệ đồng minh giữa hai nước và các chủ đề hai bên không đồng thuận. Đây cũng là dịp để hai bên lật sang trang mới trong quan hệ ngoại giao sau khủng hoảng AUKUS - Hoa Kỳ và Anh Quốc hớt tay trên, loại Pháp khỏi thỏa thuận tàu ngầm với Úc. Xã luận Le Figaro cho biết những đồng minh Châu Âu của Hoa Kỳ như Anh thì đã rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, Đức thì khó có thể thoát khỏi phụ thuộc từ Nga. Macron cảm thấy cần có trách nhiệm để đối thoại với Hoa Kỳ nhân danh Châu Âu.
Chiến tranh Ukraine đã kéo dài 10 tháng, Châu Âu phải chịu các hậu quả về kinh tế nặng nề hơn nhiều so với phía bên kia Đại Tây Dương. Xã luận Le Figaro thì đặt câu hỏi, ai phải trả giá đắt nhất cho cuộc chiến ở Ukraine. Còn theo Le Monde, mặc dù Hoa Kỳ và Châu Âu, và đặc biệt là Pháp, cho đến nay vẫn duy trì quan điểm ủng hộ Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga, nhưng dẫu vậy thì cũng không tránh khỏi rạn nứt. Macron muốn thể hiện Châu Âu vẫn còn sức kháng cự và nêu ra tác động của luật chống lạm phát (Inflaction Reduction Act) mà chính quyền Biden vừa thông qua. Bộ luật đưa ra gói đầu tư trị giá 356 tỷ đô la, nhằm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp đến phát triển ở Hoa Kỳ.
Theo giải thích của báo La Croix, với hỗ trợ dưới dạng khấu trừ thuế, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất ô tô điện, pin, cũng như sản xuất hydrogen xanh, có thể thu lại được 40 % vốn đầu tư, với điều kiện phải sản xuất tại Hoa Kỳ. Như vậy, nguy cơ các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp của Châu Âu sẽ dịch chuyển cơ sở sản xuất đến Hoa Kỳ vì lợi ích trước mắt là rất lớn. Chiến tranh Ukraine đã đẩy lạm phát phi mã, giá nguyên vật liệu cũng như năng lượng tăng cao. Châu Âu có thể mất đi khả năng tự chủ. Hoa Kỳ và Châu Âu có nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh thương mại.
Macron hy vọng gì từ Biden ?
Nếu như Libération cho rằng chuyến đi của Macron đến Washington là để tìm lại danh dự từ cộng đồng quốc tế, thì Le Monde đặt câu hỏi liệu Macron có thể hy vọng gì từ Joe Biden trong khi nguyên thủ Hoa Kỳ không có được đa số tại Quốc Hội sau cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua. Điều tốt nhất mà Paris có thể đề nghị Washington làm có lẽ là Hoa Kỳ dành một số miễn trừ cho một số doanh nghiệp công nghiệp Châu Âu để bảo đảm cạnh tranh công bằng.
Trong hồ sơ về chủ đề này, Libération và Le Figaro đưa phân tích về sự khác biệt của chuyến thăm của nguyên thủ Pháp đến Hoa Kỳ lần này so với 4 năm trước. Nhà Trắng không chỉ đổi chủ nhân mà bối cảnh toàn cầu cũng thay đổi, mặc dù cả Donald Trump và Joe Biden đều dành chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên cho Pháp. Tác động kinh tế từ đại dịch cũng như cuộc đối đầu Mỹ-Trung, cũng như các vấn đề liên quan đến khủng bố và hạt nhân không còn là mối quan tâm hàng đầu mà thay vào đó là tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với hai bên bờ Đại Tây Dương.
Nếu như cách đây 4 năm, chính quyền Trump có hơi hướng rời xa Lục địa già, chỉ trích các tổ chức quốc tế như NATO thì mối nguy Nga đã khiến hai bên xích lại gần dưới chính quyền của Biden. Le Figaro cũng chỉ ra quan điểm khác biệt liên quan đến bộ luật chống lạm phát gây tranh cãi của Hoa Kỳ. Nếu như Washington cho rằng luật này có thể giúp Châu Âu thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch thì nhiều nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu đã gần như công khai cáo buộc Hoa Kỳ thừa nước đục thả câu, trong bối cảnh Liên Âu lao đao vì khủng hoảng năng lượng lẫn kinh tế. Trong khi Châu Âu chật vật tìm giải pháp thay thế khí đốt của Nga thì Hoa Kỳ tận dụng bán khí đốt cho Châu Âu đắt hơn rất nhiều so với giá của Nga. Washington thì lại nhìn nhận vấn đề hoàn toàn khác, cho rằng đang giúp Châu Âu vượt qua khủng hoảng vì là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ukraine. Do vậy, thu được chút lợi ích từ kinh tế thì chỉ là có qua có lại.
Châu Âu có đứng về phía Mỹ chống lại Trung Quốc ?
Hồ sơ liên quan đến khủng hoảng Ukraine không chỉ là mối bận tâm duy nhất trong cuộc gặp gỡ của hai nguyên thủ lần này. Theo Le Figaro, hai bên bất đồng về quan hệ ngoại giao đối với Trung Quốc. Hoa Kỳ tìm cách ngăn cản sự bành trướng của Bắc Kinh, tìm kiếm đồng minh đứng về phe mình để cô lập Trung Quốc. Nếu như Pháp và các nước Châu Âu đồng tình rằng Bắc Kinh "gây hấn", thì chưa ai sẵn sàng chọn phe giữa hai cường quốc vì có nguy cơ chuốc vạ vào thân. Đây là điều khiến Hoa Kỳ khó chịu, đặc biệt là chuyến thăm của thủ tướng Đức đến Bắc Kinh gần đây.
Đức "mặc kệ" Châu Âu, một mình đi mua khí đốt
Liên quan đến cuộc khủng hoảng năng lượng tại Châu Âu, Les Echos cho biết Qatar đã ký hợp đồng cung cấp khí đốt trong vòng 15 năm với Đức đầu tiên hôm 29/11/2022. Doha sẽ cấp 2 triệu tấn khí đốt hóa lỏng mỗi năm cho Berlin. Trong vòng 15 năm, con số này có thể lên đến 2,7 tỷ tấn khí đốt hóa lỏng. Theo nhật báo kinh tế Pháp, hợp đồng này chỉ như nước nhỏ giọt so với nhu cầu năng lượng của Đức, tuy nhiên đã khiến Châu Âu chia rẽ. Trong bối cảnh Châu Âu đang phải tìm giải pháp thay thế khí đốt của Nga – mua chung khí đốt, và mong muốn trung hòa carbon từ nay đến năm 2050 thì Đức lại đi mua khí đốt riêng lẻ.
Nạn đói Holodomor ở Ukraine 1932-1933 là diệt chủng
Về thời sự tại Đức, theo La Croix, hôm nay, Berlin có thể sẽ thừa nhận nạn đói ở Ukraine xảy ra năm 1932-1933 dưới chế độ của Stalin cai trị, hay còn gọi là sự kiện Holodomor, là hành động diệt chủng. Romania, Ireland và Moldavia đã lên tiếng xác nhận điều này cách nay một tuần. Nghị quyết do liên minh 3 đảng cầm quyền tại Đức ủng hộ thông qua, chỉ ra rằng nạn đói khiến 4 triệu người chết là một trong những tội ác "vô nhân đạo". Liên Xô đã kiểm soát và đàn áp người Ukraine, về lối sống cũng như ngôn ngữ và tư tưởng. Người đề xướng ra nghị quyết này ông Robin Wagene nhận định rằng hành động của Putin kế thừa truyền thống tàn bạo của Stalin và Ukraine đang phải hứng chịu sự tấn công của khủng bố Nga. Việc quy Holodomor là diệt chủng được xem như dấu hiệu cảnh báo cho Nga.
Ngoại trưởng Belarus "đột tử" do lưỡi hái tử thần của Putin ?
Vẫn liên quan đến thời sự Châu Âu, Le Figaro đề cập đến nghi vấn về cái chết bất thường của ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei vào cuối tuần qua. Hiện vẫn chưa có thông tin về nguyên nhân cái chết. Người quá cố vốn không có vấn đề gì về bệnh tật. Từ sau xung đột giữa Nga và Ukraine năm 2014, cố ngoại trưởng Belarus đã tích cực hoạt động trong việc xích gần lại Châu Âu, với tham vọng muốn biến Belarus thành "một Thụy Sỹ" của Châu Âu. Vào mùa xuân vừa qua, ông Makei đã gửi một bức điện đến các đồng nhiệm Châu Âu, đề nghị dỡ bỏ các trừng phạt đối với Minsk, đổi lại Belarus sẽ không tham gia vào chiến tranh Ukraine. Tuy nhiên, trước áp lực của tổng thống Alexander Lukashenko với lập trường thân Nga, thế lực của Makei bị suy yếu. Điều này khiến cho những người theo thuyết âm mưu khuếch đại sức mạnh của điện Kremlin. Phải chăng đây là một cảnh báo cho Lukashenko ? Le Figaro trích dẫn nhận định của nhà chính trị học Viktor Nebojenko cho rằng "Putin muốn cho thấy ông ta giải quyết vấn đề này thế nào". Tại Minsk, nhiều người đồn đoán rằng sau cái chết của ông Makei, nguyên thủ Belarus đã ra lệnh thay thế đội ngũ nhà bếp và cả nhân viên bảo vệ… Le Figaro đặt nghi vấn rằng sự ra đi của ngoại trưởng Makei liệu có ảnh hưởng đến quyết định tham gia vào chiến tranh Ukraine của Belarus hay không.
Trung Quốc làm sao có thể xóa ký ức đàn áp ?
Nhìn sang Châu Á, cuộc biểu tình vào cuối tuần qua phản đối chính sách Zero Covid của Trung Quốc vẫn là chủ đề được nhiều báo Pháp số ra hôm nay quan tâm. Theo Le Figaro, Bắc Kinh đã tăng cường lực lượng an ninh, tuần tra kiểm soát ở 18 thành phố từ thứ Hai để dập tắt cơn tức giận trong dân chúng. "Hoàng tử đỏ" Tập Cận Bình tiếp tục duy trì các biện pháp an ninh, để xóa ký ức, đàn áp đám đông và bỏ tù những kẻ cầm đầu để khẳng định bàn tay sắt của Đảng.
Theo Le Monde, Bắc Kinh đã bị sốc vì cho rằng đáng lẽ ra Đảng cộng sản Quốc với hơn 90 triệu thành viên, hiện diện khắp nơi ở Trung Quốc có thể kiểm soát tốt đất nước đông dân nhất thế giới. Tập Cận Bình đang phải đối mặt với một thế hệ trẻ mới, thế hệ Z ( những người sinh năm 2000). Các "đàn áp", kiểm soát của chính quyền Tập Cận Bình, chẳng hạn như việc kiểm tra điện thoại của người trẻ từ đầu tuần qua, xóa bỏ các ứng dụng có yếu tố "nước ngoài", chỉ thôi thúc những người trẻ tìm cách "mở cửa". Những tuyên truyền của Bắc Kinh về thành công của một chính sách duy nhất trên thế giới, chống lại dịch bệnh, đã không thể ngăn cản cộng đồng mạng Trung Quốc, điều tra về tỷ lệ tử vong ít ỏi của biến thể Omicron. Các cuộc biểu tình cho thấy một bộ phận người trẻ của Trung Quốc, những đứa con của Tập Cập Bình, theo chủ nghĩa dân tộc nhưng cũng theo đuổi tự do, sẵn sàng đấu tranh vì quyền con người.
Cũng về chủ đề này Libération có tựa "Trung Quốc sẵn sàng tiêm vac-xin và đàn áp". Hôm thứ Ba, Trung Quốc ghi nhận con số kỷ lục : 39 000 ca nhiễm Covid-19, đa số đều không có triệu chứng bệnh. Bắc Kinh quyết định triển khai kế hoạch tăng cường tiêm vac-xin ngừa Covid cho người trên 60 tuổi. Hiện này 65,8 người trên 80 người đã được tiêm vac-xin. Bắc Kinh lấy cớ vì tỷ lệ chủng ngừa ở người già chưa đủ do vậy cần phải thắt chặt chính sách Zero Covid. Theo Les Echos, không giống như các nước phương Tây, Trung Quốc không đưa lệnh bắt buộc tiêm vac-xin hay áp đặt chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ. Hội đồng Y tế Trung Quốc cam kết tăng tường chủng ngừa tại các cơ sở y tế và yêu cầu người già không muốn tiêm vac-xin đưa ra lý do ?
Le Figaro thì cho rằng các cuộc biểu tình của hàng ngàn người không là gì so với dân số 1,4 triệu dân. Thế nhưng đây là phong trào phản kháng đầu tiên của người Trung Quốc từ 4 thập kỷ qua.
Tunisia - đội bóng của kiều bào
Về Cúp bóng đá thế giới - World Cup 2022, nhiều báo số ra hôm nay quan tâm đến trận đấu giữa Pháp và Tunisia vào hôm nay. Le Figaro nhắc lại chiến thắng 2-1 trước Đan Mạch, Pháp trở thành đội tuyển đầu tiên giành tấm vé vào vòng l/8. Trận đấu với Tunisia chỉ là để xác nhận lại sức mạnh của đội.
Le Monde và La Croix phân tích những điểm yếu kém của đội Tunisia. Đáng chú ý nhất là danh sách thành viên của đội tuyển quốc gia Tunisia với 12 cầu thủ có hai quốc tịch, trong đó 10 cầu thủ được sinh ra ở Pháp. Tunisia không phải là không có thế mạnh về bóng đá. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng kinh tế đang khiến đất nước kiệt quệ, Liên đoàn bóng đá Tunisia gặp khó khăn về tài chính, không đủ khả năng để đào tạo các cầu thủ trong nước, đã phải viện đến các cầu thủ kiều bào.
Chi Phương
Anh Vũ, RFI, 21/09/2021
Trước khi khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc, các ngoại trưởng của Liên Hiệp Châu Âu (EU) đang có mặt tại New York đã họp vào đêm 20/09/2021 để tỏ tình đoàn kết với Paris trong cuộc khủng hoảng do hợp đồng cung cấp tàu ngầm của Pháp cho Úc bị Hoa kỳ phá ngang. Lập trường của các nước EU là vụ việc này giờ đây liên quan đến tất cả các nước thành viên Liên Âu.
Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell họp báo sau cuộc họp của các ngoại trưởng EU bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ, ngày 20/09/2021. Reuters - David Dee Delgado
Tuy không còn cảm thấy đơn độc trong vụ khủng hoảng tàu ngầm với Mỹ và Úc, Paris vẫn không nguôi giận. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian trong cuộc họp báo tiếp tục cao giọng chỉ trích Hoa Kỳ trong vụ này. Ông Le Drian gọi đó là "sự rạn vỡ lòng tin" với Hoa Kỳ, đồng thời kêu gọi các nước Châu Âu phải có "phản hồi mạnh mẽ".
Theo chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, nhiều nước thành viên Liên Âu đã kêu gọi hoãn cuộc họp khai mạc Hội đồng Thương mại và công nghệ giữa EU-Mỹ dự trù vào cuối tháng 9 tại Pittsbourgh, Pennsylvania, Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, EU cũng cho biết cuộc khủng hoảng liên Đại Tây Dương này sẽ có thể ảnh hưởng đến lịch trình đàm phán thương mại với Úc. Nói cách khác là thỏa thuận tự do mậu dịch mà EU đang đàm phán với Úc có thể sẽ rơi vào tầm ngắm.
Thông tín viên Pierre Benazet tại Bruxelles phân tích về lập trường của Liên Âu :
Phải vài ngày sau, các nước Liên Hiệp Châu Âu mới quyết định tỏ lập trường rõ ràng ủng hộ Pháp đối với Úc và nhất là đối với Hoa Kỳ. Khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc này là dịp để thể hiện sự đoàn kết.
Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell đã tóm tắt cuộc họp 27 nước tại New York bằng từ đoàn kết. Có vẻ như Pháp đã tạo được niềm tin cần thiết với các đối tác. Việc triệu hồi các đại sứ tại Canberra và Washington đã góp phần thuyết phục các nước Châu Âu rằng Pháp không bỏ qua sự việc.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng đã đánh giá cách đối xử của Hoa Kỳ là "không thể chấp nhận được". Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel cũng gọi đó là hành động "thiếu chân thành".
Các nước Liên Hiệp Châu Âu nhìn chung giờ đây nhận thấy trong thông báo của liên minh Mỹ-Úc-Anh một dấu hiệu không bền vững trong tuần trăng mật liên Đại Tây Dương, được khơi dậy khi ông Joe Biden lên lãnh đạo nước Mỹ.
Ông Charles Michel khẳng định đó cũng là yếu tố phải thúc đẩy các nước Châu Âu tăng cường "năng lực hành động" của mình.
Vấn đề là xem liệu đây có phải là bước thứ hai tiến tới sự tự chủ chiến lược của Châu Âu sau cú sốc thất bại ở Afghanistan hay không.
Mặc dù căng thẳng vẫn tiếp tục xung quanh vụ tàu ngầm, thủ tướng Úc Scott Morrison hôm nay cho biết ông sẽ không hội đàm với tổng thống Pháp. Trong khi đó, ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian xác nhận "trong những ngày tới" hai tổng thống Joe Biden và Emmanuel Macron sẽ nói chuyện điện thoại với nhau.
Minh Anh, RFI, 21/09/2021
Khủng hoảng ngoại giao giữa Pháp và Mỹ chưa kết thúc vào lúc khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc hôm nay 21/09/2021. Hai nguyên thủ quốc gia Pháp và Mỹ vẫn chưa nói chuyện trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết tổng thống Biden có ý định trao đổi với đồng nhiệm Pháp trong những giờ sắp tới.
Tổng thống Joe Biden tại Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ, ngày 20/09/2021. Reuters - KEVIN LAMARQUE
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường thuật :
"Hạnh phúc giản dị như một cuộc gọi điện thoại. Một quảng cáo cũ xưa của Pháp từng nói như thế và tổng thống Mỹ dường như cũng tin vào điều đó. Nhà Trắng xác nhận là Joe Biden đã đề nghị tiếp xúc trực tiếp với Emmanuel Macron nhằm xóa tan cuộc khủng hoảng tầu ngầm.
Tổng thống Mỹ cho biết rất muốn thảo luận với đồng nhiệm Pháp. Phát ngôn viên của Nhà Trắng nhắc khéo là nếu như phản ứng mạnh của Pháp có thể là do những vấn đề đối nội, thì mối quan hệ song phương sẽ được đề cập đến.
Bà Jen Psaki phát biểu : "Có vài trăm việc làm bị đe dọa tại Pháp và đương nhiên điều này quan trọng đối với với họ về mặt đối nội. Chúng tôi hiểu điều đó, nhưng tôi nghĩ rằng quý vị có thể tin rằng cuộc gọi của tổng thống Mỹ sẽ tập trung nhiều hơn về việc tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với mối liên minh của chúng ta, mối quan hệ đối tác và về việc cùng nhau hợp tác trong nhiều vấn đề, kể cả an ninh vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đây sẽ là nội dung cốt lõi của cuộc gọi".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có thể sẽ nói chuyện với đồng nhiệm Pháp Jean-Yves Le Drian bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ngoại trưởng Pháp tiếp tục lên án việc phá vỡ niềm tin giữa các đồng minh".
Nguồn : RFI, 21/09/2021
Thanh Hà, RFI, 20/09/2021
Paris có thể trông cậy vào những đối tác nào để vượt qua "cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng giữa Pháp và các nước đồng minh truyền thống" Anh, Mỹ và Úc ? Sau khi Paris triệu hồi đại sứ tại Washington và Canberra để phán đối việc Úc hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp, rồi hủy cuộc họp với bộ trưởng quốc phòng Anh, giới phân tích nói đến "thế cô lập" của Paris trên bàn cờ quan hệ quốc tế.
Tổng thống Pháp Macron và đồng nhiệm Mỹ Biden trước cuộc họp của NATO, Bruxelles, ngày 14/06/2021. © Bfendan Smalowski / AFP
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ không đến New York tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc ngày mai 21/09/2021, mà chỉ cử ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đại diện, trong bối cảnh căng thẳng giữa Pháp và các đồng minh truyền thống phương Tây, sau quyết định Anh, Mỹ và Úc thành lập liên minh quân sự trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương (AUKUS) và Canberra hủy hợp đồng mùa tàu ngầm của Pháp. Hiện giờ ngoại trưởng Pháp không dự trù các buổi làm việc bên lề khóa họp của Liên Hiệp Quốc lần này với các đồng sự trong liên minh AUKUS.
Trả lời AFP, Bertrand Badie, giáo sư quan hệ quốc tế trường Khoa học Chính trị Paris (Sciences Po), lưu ý Pháp cần phải "tìm ra một lối thoát", bởi vì sau quyết định triệu hồi đại sứ tại Canberra và Washington, sớm muộn gì các vị đại sứ này cũng phải quay lại nhiệm sở. Cái khó ở đây, theo giáo sư Badie, là làm thế nào hàn gắn sự đổ vỡ mà "tránh tạo cảm tưởng là Pháp phải nhượng bộ và tránh để bị mất mặt". Do vậy, thái độ cứng rắn của Paris hiện nay với Washington bị xem là một nước cờ "đầy rủi ro".
Ngoại trưởng Le Drian mạnh mẽ chỉ trích các đồng minh "dối trá", xem thường Paris và nhất là đã ngấm ngầm đàm phán về một quyết định chiến lược trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương… Nhưng các đối tác thân thiết nhất của Pháp trong Liên Âu đã hoàn toàn im lặng. Một tuần lễ trước ngày bầu cử Quốc hội, chuẩn bị sang trang 16 năm dưới thời thủ tướng Merkel, Đức đã kiệm lời với tuyên bố tối thiểu là "ghi nhận" khủng hoảng Pháp-Mỹ.
Chuyên gia về quan hệ quốc tế Célia Belin, Viện nghiên cứu Brookings Institutions, trụ sở tại Washington, phân tích : Trong một cuộc khủng hoảng với tầm mức nghiêm trọng như lần này, hơn bao giờ hết "Pháp cần tập trung vào Châu Âu, cần bảo đảm là được các nước trong Liên Âu yểm trợ". Vấn đề là "Liên Hiệp Châu Âu đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết trong chính sách đối ngoại", đặc biệt là đối với Hoa Kỳ, như đánh giá của giáo sư trường Khoa Học Chính Trị Paris Bertrand Badie.
Hợp đồng tàu ngầm Pháp - Úc không liên quan đến các thành viên khác trong Liên Âu và trong khối này, Pháp là quốc gia duy nhất có quyền lợi và trọng lượng trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương. Trong khi đó, như giáo sư Badie ghi nhận, các nước Đông Âu cần dựa vào Mỹ trước mối đe dọa tiềm tàng là Nga. Bản thân nước Đức cũng không muốn làm phật lòng Hoa Kỳ. Tất cả những điều đó đi ngược lại với tham vọng của Pháp : Liên Âu tự chủ về chiến lược.
Bài toán càng thêm nan giải vào lúc Paris chuẩn bị giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu kể từ đầu tháng Giêng 2022 và tổng thống Emmanuel Macron chuẩn bị tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 20/09/2021