Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/09/2021

Khủng hoảng tàu ngầm : quan hệ Pháp - Mỹ trở nên căng thẳng

Anh Vũ - Minh Anh - Thanh Hà

Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ Pháp

Anh Vũ, RFI, 21/09/2021

Trước khi khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc, các ngoại trưởng của Liên Hiệp Châu Âu (EU) đang có mặt tại New York đã họp vào đêm 20/09/2021 để tỏ tình đoàn kết với Paris trong cuộc khủng hoảng do hợp đồng cung cấp tàu ngầm của Pháp cho Úc bị Hoa kỳ phá ngang. Lập trường của các nước EU là vụ việc này giờ đây liên quan đến tất cả các nước thành viên Liên Âu.

khunghoang1

Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell họp báo sau cuộc họp của các ngoại trưởng EU bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ, ngày 20/09/2021.  Reuters - David Dee Delgado

Tuy không còn cảm thấy đơn độc trong vụ khủng hoảng tàu ngầm với Mỹ và Úc, Paris vẫn không nguôi giận. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian trong cuộc họp báo tiếp tục cao giọng chỉ trích Hoa Kỳ trong vụ này. Ông Le Drian gọi đó là "sự rạn vỡ lòng tin" với Hoa Kỳ, đồng thời kêu gọi các nước Châu Âu phải có "phản hồi mạnh mẽ".

Theo chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, nhiều nước thành viên Liên Âu đã kêu gọi hoãn cuộc họp khai mạc Hội đồng Thương mại và công nghệ giữa EU-Mỹ dự trù vào cuối tháng 9 tại Pittsbourgh, Pennsylvania, Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, EU cũng cho biết cuộc khủng hoảng liên Đại Tây Dương này sẽ có thể ảnh hưởng đến lịch trình đàm phán thương mại với Úc. Nói cách khác là thỏa thuận tự do mậu dịch mà EU đang đàm phán với Úc có thể sẽ rơi vào tầm ngắm.

Thông tín viên Pierre Benazet tại Bruxelles phân tích về lập trường của Liên Âu :

Phải vài ngày sau, các nước Liên Hiệp Châu Âu mới quyết định tỏ lập trường rõ ràng ủng hộ Pháp đối với Úc và nhất là đối với Hoa Kỳ. Khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc này là dịp để thể hiện sự đoàn kết. 

Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell đã tóm tắt cuộc họp 27 nước tại New York bằng từ đoàn kết. Có vẻ như Pháp đã tạo được niềm tin cần thiết với các đối tác. Việc triệu hồi các đại sứ tại Canberra và Washington đã góp phần thuyết phục các nước Châu Âu rằng Pháp không bỏ qua sự việc.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng đã đánh giá cách đối xử của Hoa Kỳ là "không thể chấp nhận được". Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel cũng gọi đó là hành động "thiếu chân thành".

Các nước Liên Hiệp Châu Âu nhìn chung giờ đây nhận thấy trong thông báo của liên minh Mỹ-Úc-Anh một dấu hiệu không bền vững trong tuần trăng mật liên Đại Tây Dương, được khơi dậy khi ông Joe Biden lên lãnh đạo nước Mỹ.

Ông Charles Michel khẳng định đó cũng là yếu tố phải thúc đẩy các nước Châu Âu tăng cường "năng lực hành động" của mình.

Vấn đề là xem liệu đây có phải là bước thứ hai tiến tới sự tự chủ chiến lược của Châu Âu sau cú sốc thất bại ở Afghanistan hay không.

Mặc dù căng thẳng vẫn tiếp tục xung quanh vụ tàu ngầm, thủ tướng Úc Scott Morrison hôm nay cho biết ông sẽ không hội đàm với tổng thống Pháp. Trong khi đó, ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian xác nhận "trong những ngày tới" hai tổng thống Joe Biden và Emmanuel Macron sẽ nói chuyện điện thoại với nhau.

Anh Vũ

********************

Washington cố chăm chút quan hệ với Paris

Minh Anh, RFI, 21/09/2021

Khủng hoảng ngoại giao giữa Pháp và Mỹ chưa kết thúc vào lúc khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc hôm nay 21/09/2021. Hai nguyên thủ quốc gia Pháp và Mỹ vẫn chưa nói chuyện trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết tổng thống Biden có ý định trao đổi với đồng nhiệm Pháp trong những giờ sắp tới.

khunghoang2

Tổng thống Joe Biden tại Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ, ngày 20/09/2021.  Reuters - KEVIN LAMARQUE

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường thuật :

"Hạnh phúc giản dị như một cuộc gọi điện thoại. Một quảng cáo cũ xưa của Pháp từng nói như thế và tổng thống Mỹ dường như cũng tin vào điều đó. Nhà Trắng xác nhận là Joe Biden đã đề nghị tiếp xúc trực tiếp với Emmanuel Macron nhằm xóa tan cuộc khủng hoảng tầu ngầm.

Tổng thống Mỹ cho biết rất muốn thảo luận với đồng nhiệm Pháp. Phát ngôn viên của Nhà Trắng nhắc khéo là nếu như phản ứng mạnh của Pháp có thể là do những vấn đề đối nội, thì mối quan hệ song phương sẽ được đề cập đến.

Bà Jen Psaki phát biểu : "Có vài trăm việc làm bị đe dọa tại Pháp và đương nhiên điều này quan trọng đối với với họ về mặt đối nội. Chúng tôi hiểu điều đó, nhưng tôi nghĩ rằng quý vị có thể tin rằng cuộc gọi của tổng thống Mỹ sẽ tập trung nhiều hơn về việc tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với mối liên minh của chúng ta, mối quan hệ đối tác và về việc cùng nhau hợp tác trong nhiều vấn đề, kể cả an ninh vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đây sẽ là nội dung cốt lõi của cuộc gọi".

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có thể sẽ nói chuyện với đồng nhiệm Pháp Jean-Yves Le Drian bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ngoại trưởng Pháp tiếp tục lên án việc phá vỡ niềm tin giữa các đồng minh".

Minh Anh

Nguồn : RFI, 21/09/2021

********************

Khủng hoảng ngoại giao Pháp - Mỹ : Paris có thể trông cậy vào ai ?

Thanh Hà, RFI, 20/09/2021

Paris có thể trông cậy vào những đối tác nào để vượt qua "cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng giữa Pháp và các nước đồng minh truyền thống" Anh, Mỹ và Úc ? Sau khi Paris triệu hồi đại sứ tại Washington và Canberra để phán đối việc Úc hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp, rồi hủy cuộc họp với bộ trưởng quốc phòng Anh, giới phân tích nói đến "thế cô lập" của Paris trên bàn cờ quan hệ quốc tế. 

khunghoang3

Tổng thống Pháp Macron và đồng nhiệm Mỹ Biden trước cuộc họp của NATO, Bruxelles, ngày 14/06/2021. © Bfendan Smalowski / AFP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ không đến New York tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc ngày mai 21/09/2021, mà chỉ cử ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đại diện, trong bối cảnh căng thẳng giữa Pháp và các đồng minh truyền thống phương Tây, sau quyết định Anh, Mỹ và Úc thành lập liên minh quân sự trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương (AUKUS) và Canberra hủy hợp đồng mùa tàu ngầm của Pháp. Hiện giờ ngoại trưởng Pháp không dự trù các buổi làm việc bên lề khóa họp của Liên Hiệp Quốc lần này với các đồng sự trong liên minh AUKUS.

Trả lời AFP, Bertrand Badie, giáo sư quan hệ quốc tế trường Khoa học Chính trị Paris (Sciences Po), lưu ý Pháp cần phải "tìm ra một lối thoát", bởi vì sau quyết định triệu hồi đại sứ tại Canberra và Washington, sớm muộn gì các vị đại sứ này cũng phải quay lại nhiệm sở. Cái khó ở đây, theo giáo sư Badie, là làm thế nào hàn gắn sự đổ vỡ mà "tránh tạo cảm tưởng là Pháp phải nhượng bộ và tránh để bị mất mặt". Do vậy, thái độ cứng rắn của Paris hiện nay với Washington bị xem là một nước cờ "đầy rủi ro".

Ngoại trưởng Le Drian mạnh mẽ chỉ trích các đồng minh "dối trá", xem thường Paris và nhất là đã ngấm ngầm đàm phán về một quyết định chiến lược trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương… Nhưng các đối tác thân thiết nhất của Pháp trong Liên Âu đã hoàn toàn im lặng. Một tuần lễ trước ngày bầu cử Quốc hội, chuẩn bị sang trang 16 năm dưới thời thủ tướng Merkel, Đức đã kiệm lời với tuyên bố tối thiểu là "ghi nhận" khủng hoảng Pháp-Mỹ.

Chuyên gia về quan hệ quốc tế Célia Belin, Viện nghiên cứu Brookings Institutions, trụ sở tại Washington, phân tích : Trong một cuộc khủng hoảng với tầm mức nghiêm trọng như lần này, hơn bao giờ hết "Pháp cần tập trung vào Châu Âu, cần bảo đảm là được các nước trong Liên Âu yểm trợ". Vấn đề là "Liên Hiệp Châu Âu đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết trong chính sách đối ngoại", đặc biệt là đối với Hoa Kỳ, như đánh giá của giáo sư trường Khoa Học Chính Trị Paris Bertrand Badie.

Hợp đồng tàu ngầm Pháp - Úc không liên quan đến các thành viên khác trong Liên Âu và trong khối này, Pháp là quốc gia duy nhất có quyền lợi và trọng lượng trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương. Trong khi đó, như giáo sư Badie ghi nhận, các nước Đông Âu cần dựa vào Mỹ trước mối đe dọa tiềm tàng là Nga. Bản thân nước Đức cũng không muốn làm phật lòng Hoa Kỳ. Tất cả những điều đó đi ngược lại với tham vọng của Pháp : Liên Âu tự chủ về chiến lược.

Bài toán càng thêm nan giải vào lúc Paris chuẩn bị giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu kể từ đầu tháng Giêng 2022 và tổng thống Emmanuel Macron chuẩn bị tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 20/09/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ, Minh Anh, Thanh Hà
Read 454 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)