Kỷ niệm 40 năm ngày chiến tranh biên giới xảy ra năm nay báo chí được tháo cái rọ bút để lên tiếng về cuộc chiến mà từ nhiều năm trước câu chuyện tang thương này gần như biến mất trên báo chí truyền thông nhà nước. Hơn nữa nó còn bị cắt xén, tối giản đếm mức cả cuộc chiến tranh với tổn thất nặng nề chỉ gói gọn lại vài dòng trong sách giáo khoa mà kẻ thù từng giết dân quân miền Bắc được khoác cho một cái tên mới là "nước ngoài".
"Nhân dân sẽ không quên", biểu ngữ trong một cuộc biểu tình tưởng niệm chiến tranh biên giới 1979 năm 2016 tại Hà Nội.
Cuộc chiến tranh xâm lược ấy từng được tuyên truyền trong suốt thời kỳ Lê Duẩn cầm quyền cho đến khi Hội nghị Thành Đô thành hình năm 1991 thì bỗng dưng im bặt. Các cơ quan nhà nước trở nên im lặng một cách khó hiểu về cách ứng xử với Trung Quốc, mọi thù hằn không những biến mất mà trái lại ai nhắc nhở tới chúng cũng đều bị chụp cái mũ phá hoại tình hữu nghị hai nước. Và cái tình hữu nghị ấy càng kéo dài thì sự uất ức của người dân càng tăng cao vì họ hiểu thái độ này chỉ là mặt trái của lòng thần phục.
Với sự nhạy bén của những kẻ cơ hội, tình hình có vẻ đã đổi chiều khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ trở nên căng thẳng. Mỹ chẳng những tỏ ra cứng rắn một cách bất ngờ, chính sách về Biển Đông của Washington rõ ràng hơn, nó liên tiếp đưa ra những thông điệp đến với Bắc Kinh rằng sự lấn áp của họ đối với vùng biển quan trọng này không thể nhận được sự im lặng của Mỹ, mà trái lại nó đang thử thách sức mạnh của một siêu cường dẫn đầu bởi một chính phủ đã thấy rõ dã tâm của một tập đoàn đang làm cho thế giới biến dạng.
Và việc thả lỏng cho báo chí viết về cuộc chiến tranh biên giới 1979 là thông điệp gửi đến cho Mỹ : Chúng tôi không còn lưỡng lự nữa.
Chỗ dựa của Việt Nam không hẳn là Mỹ, nhưng thái độ cứng rắn liên tục trong những sự việc xảy ra hồi gần đây cho thấy ít ra Việt Nam cũng đã có một quyết định tuy còn rụt rè nhưng Trung Quốc đã nhận ra họ không thể áp dụng chính sách cũ nữa và họ phải thay đổi, sự thay đổi này có làm Việt Nam dịu giọng hay không lại tùy vào thái độ của Mỹ.
Điều quan trọng đối với Trung Quốc bây giờ là kế hoạch xâm lược bằng kinh tế, chính trị cửa sau hay phá hoại Việt Nam từ bấy lâu nay không bị phá sản sau nhiều năm ròng rã thực hiện và đã thành công. Những kế sách buộc Việt Nam vĩnh viễn sống trong vòng vây kinh tế của Trung Quốc tỏ ra hiệu quả do sự yếu kém về năng lực của cấp lãnh đạo Việt Nam một phần, một phần khác do lòng tham không đáy của các quan chức nhà nước có thẩm quyền trong việc phê duyệt các hợp đồng mà kết quả là luôn luôn bị Trung Quốc dẫn dắt theo hướng có lợi cho họ.
Kế hoạch khai thác tài nguyên khoán sản của Việt Nam với giá rẻ mạt đã được Bắc Kinh thực hiện thông qua các đời Tổng bí thư cho đến nay vẫn còn ám ảnh nền kinh tế của Việt Nam. Bauxite Tây nguyên đã thua lỗ đối với Việt Nam nhưng với Trung Quốc nó chỉ là một con tép nhỏ bé dùng vào việc xâm lăng sức lao động của công nhân Trung Quốc. Các mỏ than tại Quảng Ninh tiếp tục mất trắng bởi giá cả bán than chưa tinh chế cho Trung Quốc và nhập lại than đã luyện với giá đắt gấp nhiều lần hơn. Đây là kết quả của chính sách khai thác bừa bãi, thiếu khoa học do Trung Quốc chỉ đạo để kết quả ngày hôm nay không còn lựa chọn nào khác.
Từ năm 2012, Chính phủ Trung Quốc đã công bố danh sách hàng ngàn nhà máy, dây chuyền lạc hậu phải loại bỏ và để giải quyết số của nợ đó Việt Nam được nhắm tới như một bãi chứa rác nhưng lại kiếm ra tiền nhờ tư duy ham rẻ của người bạn phương Nam.
Kết quả là sau khi mua những nhà máy, dây chuyền ấy về, Việt Nam lăn lộn trong đống sắt vụn và người bán có thêm cơ hội làm cố vấn để bán cho nạn nhân thêm những phụ kiện khác để thay thế. Không một thống kê nào nêu lên sự thiệt hại của doanh nghiệp trong cơn lên đồng mua máy móc phế thải Trung Quốc, vì vậy không ít doanh nghiệp thiếu thông tin tiếp tục làm cừu cho Bắc Kinh xẻ thịt.
Về kinh tế, Trung Quốc là bậc thầy của thế giới về đấu thầu. Chính sách của Bắc Kinh luôn nâng đỡ cho doanh nghiệp có làm ăn tại Việt Nam bằng cách bơm tiền từ các ngân hàng nhà nước nếu doanh nghiệp có yêu cầu. Việt Nam thiếu vốn nhưng các công ty quốc doanh lại có nhu cầu thực hiện các dự án nhiều khi không cần thiết cho đất nước nhưng lại cần thiết cho bề ngoài hào nhoáng của chế độ. Một dự án được phê duyệt là bộ máy tham nhũng chuyển động. Các công ty đấu thầu của Trung Quốc được rỉ tai và kết quả thường thấy là 95% dự án được Trung Quốc lãnh thầu sau khi vốn vay được chính Trung Quốc bảo lãnh.
Theo báo chí thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng nêu lên nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhà thầu Trung Quốc trúng thầu là những dự án sử dụng vốn vay của Trung Quốc, mà để vay vốn Trung Quốc thì Việt Nam phải chấp nhận nhà thầu Trung Quốc thực hiện gói thầu như một điều kiện vay.
Cũng theo phát hiện của báo chí thì "với 552 triệu đôla tiền vay ODA Trung Quốc để thực hiện dự án Cát Linh - Hà Đông và với lãi vay thương mại ưu đãi trung bình 3%/năm, nhiều chuyên gia cho rằng, mỗi năm phía Việt Nam phải trả khoảng 240 tỷ đồng tiền lãi (tương đương 600 triệu đồng/ngày).
Còn với khoản lãi vay tăng thêm do dự án bị đội giá, Việt Nam phải trả nợ trong vòng 9 năm cho ngân hàng China EximBank của Trung Quốc. Cộng cả hai khoản vay, mặc dù dự án chưa hoàn thành, nhưng mỗi ngày phía Việt Nam đang phải trả cho Trung Quốc cả lãi lẫn gốc khoảng 2,4 tỷ đồng".
Kết quà luôn luôn là phần thiệt hại vào tay Việt Nam. Dự án bị đội vốn, nhà thầu làm việc tắc trách, phẩm chất dự án luôn là số âm và trách nhiệm đối với những chữ ký hay bút phê từ cấp trên không bao giờ được vạch ra trước công luận. Phần thiệt hại ấy tính vào nợ công và người dân oằn lưng đóng thuế để chi trả khoản nợ nước ngoài mà họ không hề hay biết.
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Từ Thúy Anh và Tiến sĩ Nguyễn Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR thì "sự áp đảo của các nhà thầu Trung Quốc trong các dự án lớn ở Việt Nam đã làm cho thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc tăng cao. Có đến 90% dự án công nghiệp nặng như các công trình điện, khai khoáng, dầu khi, luyện kim, hoá chất… của Việt Nam đều do Trung Quốc đảm nhiệm, với giá trị trúng thầu hàng trăm triệu cho đến hàng tỷ USD mỗi dự án".
Chẳng những vậy rất nhiều dự án dang dở sau khi nhà thầu Trung Quốc làm việc do thiếu vốn, thiếu nguyên vật liệu hay những lý đo khác mà các công trình như dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên, dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc hay dự án thủy điện Thượng Kon Tum đều có những lý do khiến nhà nước không tài nào đối phó. Cơn phá sản của các công trình ngày càng nhiều chứng tỏ Trung Quốc rất thành công trong nổ lực xâm lăng Việt Nam thông qua con đường kinh tế.
Doanh nghiệp lớn của Trung Quốc được chính phủ của họ tạo điều kiện xâm thực cơ cấu kinh tế vĩ mô của Việt Nam thì doanh nghiệp nhỏ và vừa lại tấn công Việt Nam ở những chiến trường khác, mà chiến thắng của họ căn cứ trên sự thiếu kiềm soát của cơ quan chức năng Việt Nam, cộng với tham nhũng, móc ngoặc của cán bộ các cấp lại được sự tham gia nồng nhiệt của đa số người dân vì ham rẻ, ham kiếm lời nhanh chóng bất kể sản phẩm của mình tạo ra có làm nguy hại đến người khác.
Bên cạnh các mặt hàng gia dụng có tẩm các chất phụ gia độc hại, nhiều loại rau củ quả Trung Quốc hiện nay cũng xuất hiện tràn lan trên thị trường được bày bán tràn lan đều được đóng nhãn mác Việt Nam hoặc hàng Thái Lan, Mỹ, hay New Zealand để đánh lừa người tiêu dùng. Nhiều lô hàng trái cây Trung Quốc, nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai vượt mức từ 3 tới 5 lần dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật cho phép.
Cuộc xâm lược kinh tế Việt Nam tuy được che đậy bằng lợi nhuận ít ỏi mà người dân Việt Nam kiếm được nhưng tác hại của nó vô cùng to lớn cho tương lai đất nước. Truyền thông Việt Nam tuy hứng khởi với sự cho phép tạm thời việc kỷ niệm 40 năm ngày nổ ra cuộc chiến tranh biên giới nhưng một cuộc chiến khác đang xảy ra nếu không được cảnh giác một cách có hệ thống thì đất nước sẽ không khác gì bãi chiến trường như các tỉnh phía Bắc 40 năm trước. Chỉ khác một điều sự phá hoại của cuộc xâm lược lần này nằm trên từng con người Việt Nam khắp ba miền. Nó tác hại lên sức khỏe, niềm tin, sức sáng tạo cũng như năng lực làm việc của người dân. Nó biểu hiện sự ù lì, vô cảm, và nhất là tính chiến đấu bị mài mòn do sự tiếp tay của bọn nằm vùng lãnh lương từ những đồng nhân dân tệ được hóa phép thành những tờ giấy xanh nổi tiếng.
Mặc Lâm
Nguồn : RFA, 14/02/2019
Cô Hà Trần ở thành phố Hồ Chí Minh mỗi khi đi mua đồ ăn, quần áo hay đồ điện tử, thường tránh mua hàng nhập từ nước láng giềng khổng lồ phương Bắc. Cô nói hàng "thì dổm", còn Trung Quốc thì chẳng tử tế gì với Việt Nam.
Một người mẫu quảng cáo cho xe máy Zongshen của Trung Quốc tại hội chợ triển lãm ô-tô ở Hà Nội, Việt Nam năm 2008 (ảnh tư liệu ngày 11/6/2008)
"Trung Quốc xuất nhiều hàng chất lượng kém sang Việt Nam. Chúng tôi biết rằng họ không xuất khẩu hàng kém chất lượng như vậy cho các nước khác trên thế giới. Do đó chúng tôi tránh mua hàng Trung Quốc", cô Hà, 24 tuổi, nhân viên của một hãng thiết kế ở Sài Gòn. Người Việt chuộng hàng Nhật và hàng Âu, Mỹ hơn. "Chúng tôi đã nhiều lần xài hàng Trung Quốc trước đây, và nhận thấy chúng rất dễ hư, vỡ".
Cô Hà nói quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc còn là "một yếu tố" nữa khiến người tiêu dùng không muốn mua hàng Trung Quốc.
Cô Hà không phải là một khách hàng hiếm hoi không thích hàng Trung Quốc. Người tiêu dùng trên cả nước Việt Nam thường tránh mua hàng "Made-in-China" để bày tỏ bất mãn đối với hàng chất lượng thấp từ một nước từ bao đời nay hay tranh chấp, xâm lấn đất nước của họ. Hai nước thường xuyên mâu thuẫn với nhau, chẳng hạn như tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hiện nay mà trước đó đã từng xảy ra những trận hải chiến vào năm 1974 và 1988. Hai bên cũng đã xung đột trên bộ hồi thập niên 1970.
Việt Nam cảm thấy Trung Quốc lấn át trong tranh chấp lãnh hải với việc Bắc Kinh dùng quân đội hùng mạnh hơn kiểm soát quần đảo Hoàng Sa đang trong tranh chấp.
Theo dự báo của nhóm tư vấn Bostom Consulting Group, người tiêu dùng đang trở thành một thế lực ngày càng lớn mạnh ở Việt Nam với hơn một phần ba của dân số 93 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu và những con số đó sẽ tăng mạnh từ nay cho đến năm 2020. Xuất khẩu hàng hóa tăng nhanh góp phần vào sự giàu có đang tăng của Việt Nam bằng việc tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm kể từ năm 2012.
"Nếu người mua tìm được một sản phẩm cùng giá, và họ xác định được là một cái là hàng Trung Quốc và một cái là hàng Nhật, Hàn Quốc hay của nước nào khác, quý vị sẽ đoán được là họ chọn hàng nào", ông Oscar Mussons, một chuyên gia kỳ cựu của nhóm tư vấn doanh nghiệp Dezan Shira & Associates ở Sài Gòn, nhận xét. "Người Việt không xem Trung Quốc là một nước đàn anh, mà là đối thủ".
Ông Mussons nói : "Điều này là do những vấn đề xảy ra hồi gần đây, như việc Trung Quốc tấn công những biểu tượng của quốc gia như chiếm các hải đảo trên Biển Đông. Đối với người Việt Nam, đó là những điều không thể nào chấp nhận được, cho dù công chúng không được nghe nói đến nhiều, hay chính phủ tìm cách bưng bít những thông tin đó".
Các giới chức Việt Nam tìm cách giảm nhẹ những tranh chấp chính trị với Trung Quốc kể từ khi xảy ra những vụ bạo loạn chống Trung Quốc năm 2014 đã khiến hơn 20 người thiệt mạng và làm cho các nhà đầu tư nước ngoài lo sợ. Việc Trung Quốc đưa dàn khoan dầu trong vùng biển tranh chấp đã châm ngòi cho các cuộc bạo động.
Nhưng Việt Nam vẫn xem Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất. Theo truyền thông báo chí tại Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước trong bốn tháng đầu năm nay lên dến 25,5 tỉ đôla. Các nhà sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng phải lệ thuộc vào nguyên liệu thô của Trung Quốc.
Ngoài những vấn đề chính trị, đa số người tiêu dùng Việt Nam cho rằng Trung Quốc xuất hàng chấp lượng kém sang Việt Nam. Các công ty khổng lồ của Trung Quốc, lớn hơn các đối thủ Việt Nam nhiều, thường bán tháo hàng tồn kho, hàng thừa của họ sang Việt Nam.
Ông Jason Moy, chủ nhiệm nhóm tư vấn Bostom Consulting Group ở Singapore, nhận xét : "Đối với người tiêu dùng Việt Nam nói chung, hàng Trung Quốc bị xem là hàng chất lượng thấp. Một số đúng như vậy trong thực tế, nhưng cũng có những thông tin bị mạng xã hội lèo lái tạo ra thành kiến xấu". Người có thu nhập thất, học thấp có thể bị chi phối bởi những thông tin định kiến đó, ông Moy nói thêm. "Do đó, hàng Trung Quốc thường đứng chót trong ưu tiên chọn lựa, hay chỉ trong danh sách dự phòng".
Giày dép, đồi chơi, nhu yếu phẩm bán qua biên giới với giá rất rẻ có thể đã làm hàng Trung Quốc bị tai tiếng ở Việt Nam, nhưng người có thu nhập thấp mua chúng với giá rẻ, theo nhận định của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia của Viện nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak ở Singapore. Hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc bán qua đường biên giới vào Việt Nam có nhiều trường hợp đã bóp chết thị trường truyền thống của Việt Nam, ông Hiệp nói thêm.
Tẩy chay có tổ chức đối với hàng Trung Quốc tiếp theo sau các vụ bạo động hồi năm 2014 không kéo dài được bao nhiêu, bởi vì người nghèo ở Việt Nam không kham nổi giá cả đắt đỏ hơn của những nguồn hàng khác.
Mặc dù điện thoại di động Trung Quốc đang tạo được uy tín đáng kể trên thị trường Việt Nam, cô Hà nói rằng cô đã từng mua một chiếc điện thoại Trung Quốc cho mẹ của cô chỉ đơn thuần là giá của nó rẻ, hợp với túi tiền. "Xài được vài tháng thì hỏng", cô nói, và gia đình phải mua một chiếc điện thoại khác.
Chỉ có dép kẹp của Trung Quốc là đáng giá, vì chỉ một đôla một đôi, nên có thể dùng vài lần rồi bỏ cũng không sao.
Tiến sĩ Hiệp nói : "Người tiêu dùng hiểu rõ tiêu chuẩn thấp, chất lượng kém của hàng Trung Quốc. Theo tôi, một trong những lý do là đa số hàng Trung Quốc là hàng tiểu thủ công nghệ được nhập theo đường tiểu ngạch, không theo đường chính ngạch".
Người tiêu dùng nhiều tiền hơn đánh giá hàng Nhật có chất lượng cao nhất, nhất là xe máy và đồ dùng điện tử, theo nhận định của ông Moy. Thực phẩm và đồ điện tử của Hàn Quốc cũng giành được uy tín trên thị trường Việt Nam.
Ralph Jennings